Edgar Allan Poe: Triết học về nội thất
Trong correspondence của nhà và phòng (kỳ mới nhất ở kia và kia), chúng ta quay lại với Poe tiểu luận gia, người - tình cờ giống Balzac, Baudelaire và Thomas De Quincey - cũng có con mắt của một người thiết kế. Căn phòng tưởng tượng của Poe, một palette rặt đỏ và vàng, hẳn có thể gây kinh hãi cho một cảm quan đã quen với những tông bão hòa, nếu không pastel thì cũng earth. Nhưng nếu kiên nhẫn đừng xông thẳng tới đó thì có thể đọc thấy ở đây một bình luận rất chuẩn xác về hiện tượng mà Thorstein Veblen, viết sau Poe gần 50 năm, sẽ gọi là tiêu thụ phô trương.
Poe và Veblen không phải là những người Mỹ duy nhất thích nhìn vào các đồng bào bỗng nhiên giàu của mình (một cái nhìn khác, từ một vị trí rất khác, viết sau Veblen gần 20 năm). Hẳn có thể đọc ra trong những lặp lại và mở rộng không ngừng của hiện tượng phổ quát ấy một triệu chứng mang tính chu kỳ, nói lên nhiều điều về nhịp vận động của xã hội.
Triết học về nội thất (1840)
- Edgar Allan Poe
“Triết học,” Hegel đã bảo, “là tuyệt đối vô dụng và vô ích, và chính vì thế nó là thứ trác tuyệt nhất, xứng đáng nhất với sự chú tâm của chúng ta và đáng để chúng ta nhiệt thành theo đuổi” - một tuyên bố tương đối Coleridge, với một thâm thúy chao ôi là tràn trề giữa cánh đồng từ ngữ. Cố gỡ cái mớ bòng bong này chỉ phí thì giờ - nhất là khi đâu kẻ nào dám mạnh miệng phủ nhận rằng triết học có giá trị của nó và có thể áp dụng cho vô số mục đích tốt đẹp. Người ta chẳng vẫn luôn bảo là cả luộc trứng cũng cần lý trí, và triết học tồn tại cả trong nội thất đấy ư - một triết học mà dường như người Mỹ hiểu một cách kém hoàn thiện hơn bất cứ quốc gia văn minh nào trên trái đất.
Trong môn trang trí nội thất, nếu không phải là cả trong kiến trúc bên ngoài, người Anh là tuyệt đỉnh. Người Ý có rất ít tình cảm bên ngoài biên cương của đá cẩm thạch và màu sắc, còn ở Pháp, meliora probant, deteriora sequuntur - người ta quá mê những phiêu lưu bên ngoài để có thể nghiên cứu và duy trì các chuẩn mực trong nhà, dù họ được phú một thiên bẩm tinh tế về điều đó, hoặc ít nhất là những yếu tố của cảm năng đúng đắn. Người Trung Quốc và phần lớn các dân tộc phương Đông có những huyễn tưởng nóng bỏng nhưng về cơ bản không phù hợp. Người Scotland thì mười mươi là những tay trang trí nghèo nàn. Người Hà Lan chỉ có một ý niệm mơ hồ rằng rèm cửa không phải là bắp cải, trong khi ở Tây Ban Nha, tất tật là rèm - một dân tộc thích treo. Người Nga thì, ồ không nội thất. Người Hottentot và Kickapoo tự có phong cách riêng - chỉ có người Mỹ là tuyệt đối ngớ ngẩn.
Tại sao lại thế - cái đó chẳng có gì khó lý giải. Chúng ta không có một tầng lớp quý tộc truyền đời và hệ quả tự nhiên, không thể tránh khỏi là chúng ta tự tạo ra cho mình một tầng lớp quý tộc của tiền. Ở đây, sự phô trương của cải phải thay thế và thực hiện vai trò của sự phô trương huy hiệu trong các quốc gia quân chủ. Qua một sự chuyển đổi dễ hiểu và có thể đoán trước, chúng ta trộn luôn các khái niệm về cảm năng và khoe mẽ vào với nhau. Ở Anh chẳng hạn, chẳng cuộc phô bày vật dụng đắt tiền nào có khả năng tạo ấn tượng về vẻ đẹp của chúng, hoặc về thẩm mỹ của chủ nhân như ở đất nước chúng ta vì mấy lý do: thứ nhất, của cải ở Anh không phải là mục tiêu tham vọng cao nhất, không cấu thành một tầng lớp quý tộc; và thứ hai, tầng lớp quý tộc thực sự ở đó thường cố tránh hơn là khoe khoang sự xa hoa, thứ có thể dễ dàng bị bắt chước bởi những tay mới phất, và thay vào đó tự giới hạn trong những chuẩn mực nghiêm ngặt cũng như bồi đắp và phân tích kỹ càng một cảm năng chân chính. Người dân tự nhiên bắt chước giới quý tộc, và kết quả là một sự lan tỏa rộng rãi cảm tri đúng đắn. Nhưng ở Mỹ, đồng tiền là biểu tượng tối cao của quý tộc vàphô bày chúng là phương tiện duy nhất để phân biệt quý tộc với phó thường dân. Thế thì chẳng bảo sao người thường đi tìm hình mẫu để theo lại vô thức bị dẫn đến chỗ đánh đồng hai khái niệm hoàn toàn chẳng liên quan là sự hào nhoáng và cái đẹp. Giá của một món nội thất đã trở thành, đối với chúng ta, tiêu chí gần như duy nhất để đánh giá giá trị thẩm mỹ của nó. Và tiêu chí này, một khi đã được thiết lập, đã dẫn đường cho nhiều sai lầm tương tự, mà nguồn gốc có thể dễ dàng truy ngược từ sự ngu dại ban đầu.
Hiếm có điều gì xúc phạm trực tiếp con mắt một nghệ sĩ hơn nội thất của một căn phòng được gọi là "mốt" ở Hoa Kỳ. Khiếm khuyết phổ biến nhất của nó là sự thiếu đồng bộ đến lố bịch. Chúng ta nói về sự đồng bộ của một căn phòng cũng như nói về sự đồng bộ của một bức tranh; bởi cả bức tranh lẫn căn phòng đều phải tuân theo những nguyên tắc bất biến chi phối mọi hình thức nghệ thuật, và gần như các quy luật tương tự mà chúng ta dùng để đánh giá tranh cũng đủ để đưa ra quyết định về sự bài trí một căn phòng. Sự thiếu đồng bộ thường thấy, đôi khi, trong tính cách của từng món nội thất riêng lẻ, nhưng thường là trong màu sắc hoặc cách bố trí chúng trong phòng. Con mắt nhức cả lên trước những đầu Ngô mình Sở ấy. Các đường thẳng xuất hiện quá nhiều, quá liên tục hoặc bị ngắt một cách vụng về ở các góc vuông. Nếu có đường cong thì lại bị lạm dụng đơn điệu đến khó chịu. Sự chính xác không đúng chỗ làm hỏng nhiều căn phòng.
Màn cửa hiếm khi được bố trí và lựa chọn hợp với các đồ trang trí khác. Với những món nội thất kềnh càng, màn cửa trở nên lạc lõng, và một lượng ê hề rèm vải, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng khó bao giờ hòa hợp được với một thẩm mỹ tốt; bao nhiêu rèm, xếp đặt ra sao - cái đó phụ thuộc vào hiệu ứng chung.
Thảm đã được hiểu đúng hơn so với trước đây, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên mắc sai lầm trong việc chọn hoa văn và màu sắc. Thảm là linh hồn của căn phòng. Từ đó, không chỉ màu sắc mà cả hình dạng của tất cả các đồ vật khác được suy ra. Một thẩm phán trong luật có thể là một người thường, nhưng một người biết đánh giá thảm giỏi phải là thiên tài. Vậy mà tôi từng nghe những kẻ bàn về thảm với cái mặt ngẫn của một con cừu đang mơ mẩn - “d’un mouton qui rêve” - những kẻ chẳng nên được giao cho quản lý dù chỉ là bộ ria mép của bất kỳ ai. Ai cũng biết là phòng lớn cần thảm họa tiết lớn, phòng nhỏ cần thảm họa tiết nhỏ; nhưng đó đâu phải là toàn bộ kiến thức về thảm. Chất liệu nhất định phải là thảm Saxony. Thảm Brussels đã là quá khứ hoàn thành của gu, còn thảm Thổ Nhĩ Kỳ là thẩm mỹ đang hấp hối. Về hoa văn, một tấm thảm quyết không nên lòe loẹt như thổ dân Riccaree - phấn đỏ, đất vàng, lại thêm tí lông gà. Nền thảm rõ ràng và các hình tròn sống động, không mang ý nghĩa gì, là luật bất di bất dịch. Sự rườm rà đáng tởm của các họa tiết hoa lá hay bất kỳ hình ảnh quen thuộc nào không bao giờ nên được dung thứ trong biên cương Cơ đốc. Thực ra, dù là thảm, rèm cửa, giấy dán tường hay bọc ghế ottoman thì cũng nên tuân thủ nghiêm ngặt phong cách Arabesque. Những tấm thảm cổ lỗ vẫn còn thấy đôi khi trong các ngôi nhà - những tấm thảm với hoa văn khổng lồ, lan rộng và tỏa ra, xen kẽ sọc và lòe loẹt đủ màu, trong đó chẳng một nền nào hiểu được - chỉ là phát minh tội lỗi của một thế hệ thích làm qua loa và tôn thờ tiền bạc - những đứa con của Baal và những kẻ thờ phụng Mammon - để tiết kiệm công sức suy nghĩ và sáng tạo, bọn họ đã tàn nhẫn phát minh ra kính vạn hoa, rồi lập một công ty độc quyền để quay nó bằng hơi nước.
Chói và chóe là sai lầm hàng đầu trong triết lý trang trí nội thất của người Mỹ - một sai lầm quá dễ nhận ra, xuất phát từ sự lệch lạc trong thẩm mỹ như đã đề cập. Chúng ta bị mê hoặc mãnh liệt bởi khí đốt và kính thủy tinh. Khí đốt hoàn toàn không thể chấp nhận trong nhà. Ánh sáng gắt và không ổn định của nó quá khó chịu. Chẳng ai có não để nghĩ và mắt để nhìn lại đi dùng nó. Một ánh sáng dịu, như các nghệ sĩ gọi là ánh sáng mát, với những khoảng tối ấm áp, có thể tạo ra điều kỳ diệu cả trong một căn phòng bài trí kém. Chưa bao giờ có hình dung nào đẹp hơn thế về đèn thiên thể (astral lamp). Ý tôi, tất nhiên, là loại đèn thiên thể đúng nghĩa, với chụp đèn thủy tinh mờ nguyên bản của Argand, với những quầng sáng dịu dàng đều đặn như ánh trăng. Loại chụp thủy tinh cắt là một phát minh yếu ớt của kẻ thù. Việc chúng ta háo hức đón nhận nó xuất phát một phần vì sự chói và chóe của nó, nhưng chủ yếu vì nó đắt hơn và do đó là một minh họa tuyệt vời cho luận điểm mà tôi đã dẫn bên trên. Chẳng quá lời khi nói rằng kẻ nào cứ khăng khăng dùng chụp đèn thủy tinh cắt thì hoặc là hoàn toàn thiếu thẩm mỹ, hoặc là mù quáng phục tùng những thất thường của mốt. Ánh sáng phát ra từ một cái thứ trang trí lòe loẹt ấy không đều, đứt quãng và nói chung khó chịu. Nó đủ để phá hỏng cả một thế giới hiệu ứng tốt đẹp của những đồ nội thất bị đặt dưới quầng ảnh hưởng của nó. Đặc biệt, vẻ đẹp nữ giới bị mất đi hơn một nửa sức quyến rũ trong con mắt xấu xa ấy.
Việc chọn kính nói chung cũng thường dựa trên những nguyên tắc sai lầm. Đặc điểm nổi bật của kính là sự lấp lánh - và chỉ trong từ đó thôi, chúng ta đã bộc lộ bao nhiêu điều đáng ghê tởm! Những ánh sáng nhấp nháy, không ổn định đôi khi có vẻ thú vị - luôn là thế đối với trẻ con và lũ ngốc - nhưng trong sự bài trí một căn phòng, chúng cần được tránh cẩn thận. Thực tế là cả những ánh sáng mạnh và ổn định cũng không phù hợp. Những đèn chùm khổng lồ vô nghĩa, được cắt gọt kiểu lăng kính, chiếu sáng bằng khí đốt và không có chụp, treo lủng lẳng trong các phòng khách sang trọng nhất của chúng ta vào ban đêm có thể được xem là tinh túy của thẩm mỹ sai lầm, là sự tập trung của những sự phi lý đến nực cười.
Cơn rồ lấp lánh - bởi như đã nói, nó bị nhầm lẫn với khái niệm về sự tráng lệ trừu tượng - cũng dẫn đến việc lạm dụng gương thái quá. Chúng ta lót kín nhà mình bằng những tấm gương lớn của Anh, rồi tưởng đâu thế là hay lắm. Nhưng chỉ nghĩ một chút cũng đủ để bất kỳ ai có ít nhiều thẩm mỹ nhận ra hệ quả của việc lạm dụng gương, đặc biệt là gương lớn. Tách biệt khỏi hình ảnh phản chiếu của nó, gương chỉ là một bề mặt phẳng, liên tục, không màu sắc và không điểm nhấn - về cơ bản luôn gây khó chịu, điều mà ai cũng có thể nhận ra. Chỉ là một bề mặt phản chiếu, gương có khả năng tạo ra một sự đơn điệu quái dị - và cái xấu này không chỉ tăng tỷ lệ thuận với số lượng gương mà còn tăng theo một tỷ lệ ngày càng lớn. Thực tế, một căn phòng với bốn hay năm cái gương xếp ngẫu nhĩ xét về mục đích trưng bày nghệ thuật là một căn phòng chẳng có hình thù gì. Nếu chúng ta chất thêm chói lóa vào sự lấp lánh đồng phục kia thì ta sẽ có ngay một hỗn độn hoàn hảo của những hiệu ứng mâu thuẫn và chướng mắt. Cả kẻ quê mùa nhất, nếu không quá ngu muội, khi bước vào một căn phòng lòe loẹt như thế, cũng sẽ lập tức nhận ra điều gì đó sai sai, dẫu có thể không thể chỉ ra được là vì sao. Nhưng nếu dẫn người đó vào một căn phòng bài trí tinh tế, anh ta sẽ giật mình vì khác biệt đến mức phải kêu lên sung sướng.
Đây là một trong những hệ quả tiêu cực của các thể chế cộng hòa: ở đó, những kẻ rủng rỉnh túi tiền thường lại nhét trong đó một tâm hồn bé tí. Sự suy đồi về thẩm mỹ là một phần và cũng là hệ quả của "công nghệ sản xuất đồng đô la". Càng giàu thì lại càng phô. Do đó, nếu muốn tìm kiếm tinh tế của một phòng khách kiểu Anh ở Mỹ thì chớ tìm trong giới quý tộc của chúng ta làm gì. Ngược lại, tôi đã thấy những căn phòng thuộc về những người có mức sống rất khiêm tốn nhưng lại hiếm hoi sở hữu thẩm mỹ tuyệt vời - những căn phòng mà, ít nhất xét về sự thanh lịch tối giản, có thể sánh với bất kỳ gian phòng mạ vàng nào của bạn bè chúng ta bên kia đại dương. Tâm trí tôi đang hiện lên một căn phòng nhỏ không khoa trương, với những trang trí không chê vào đâu được. Chủ nhân đang nằm ngủ trên sofa - trời mát mẻ và đã gần nửa đêm - tôi sẽ phác họa căn phòng trước khi anh ta tỉnh dậy. Nó dạng chữ nhật dài - khoảng ba mươi foot chiều dài và hai lăm foot chiều rộng - lý tưởng để bố trí nội thất. Phòng chỉ có một cửa ra vào, nằm ở một đầu hình chữ nhật và hai cửa sổ lớn ở đầu kia. Cửa sổ dài kéo xuống sát sàn, được đặt trong những hốc tường sâu và mở ra một hành lang kiểu Ý. Kính cửa sổ màu đỏ thẫm, gắn trong khung gỗ hồng sắc, rộng hơn bình thường. Bên trong hốc tường là lớp rèm bằng vải bạc dày, vừa khít với hình dáng cửa sổ và treo buông, không nếp gấp dày. Phía ngoài hốc tường là lớp rèm lụa đỏ thẫm sang trọng, viền một lớp tua mạng vàng dày, lót lớp vải bạc giống lớp rèm che bên trong. Không có thanh rèm, nhưng toàn bộ rèm (với những nếp gấp sắc nét, nhẹ nhàng hơn là đồ sộ) rủ xuống từ một gờ trang trí rộng bằng vàng chạm khắc, chạy quanh căn phòng ở điểm giao giữa trần và tường. Rèm mở và khép bằng một dây thừng vàng dày, quấn lỏng và dễ dàng buộc nút - không thấy ghim hay bất kỳ cái gì tương tự. Màu sắc của rèm và lớp viền - sự pha trộn giữa đỏ thẫm và vàng - là đặc trưng chủ đạo của phòng và được lặp khắp nơi. Thảm trải sàn Saxony dày đến nửa inch cũng nền đỏ thẫm tương tự, chỉ điểm thêm những dây vàng giống như tua rèm, tạo thành chuỗi đường cong ngắn bất quy tắc, không cái nào chồng lên cái nào. Thảm không có viền ngoài. Giấy dán tường ánh sắc bạc bóng, xen lẫn những họa tiết Arabesque nhỏ với tông đỏ thẫm nhạt hơn. Nhiều bức tranh trang trí trên nền giấy, chủ yếu là tranh phong cảnh tưởng tượng, như những hang động thần tiên của Stanfield, hoặc Hồ Đầm Lầy U Ám của Chapman. Tông của chúng ấm nóng nhưng tối - không có sáng rực. Chẳng bức nào quá nhỏ; những bức nhỏ lẻ sẽ gây hiệu ứng lốm đốm, làm mất đi vẻ đẹp không gian. Khung tranh rộng nhưng không sâu, chạm khắc cầu kỳ nhưng không rườm rà, và được mạ vàng lộng lẫy. Khung nằm sát trên tường, không treo lơ lửng bằng dây. Không có gương - cũng không có ghế. Hai chiếc sofa lớn bằng gỗ hồng sắc bọc lụa đỏ thẫm là chỗ ngồi duy nhất. Một chiếc bàn bát giác bằng cẩm thạch vàng sang trọng đặt gần một chiếc sofa - bàn không trải khăn, vì lớp rèm đã được coi là đủ cho trang trí. Bốn bình Sevres lớn, lộng lẫy, đặt ở bốn góc phòng, chứa đầy hoa tươi rực rỡ đang nở rộ. Một chân đèn candelabrum cao tráng lệ, mang một chiếc đèn cổ nhỏ thắp dầu thơm, đứng gần đầu sofa nơi người chủ đang say giấc. Vài kệ treo nhẹ nhàng, viền vàng, được treo bằng dây lụa đỏ thẫm tua vàng, đựng hai đến ba trăm cuốn sách đóng bìa thật đẹp. Ngoài ra, không có đồ nội thất nào khác, ngoại trừ một chiếc đèn Argand với chụp thủy tinh mờ màu đỏ thẫm đơn giản, treo từ trần cao bằng một sợi xích vàng, tỏa ánh sáng dịu dàng ma thuật khắp căn phòng.
Huỳnh Bất Thức dịch
một căn phòng