favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Daisy

06/08/2024 21:01

Khi Isabel quyết định đến tu viện để đón Pansy trước khi bỏ đi, đó là lúc nàng gần đất nhất. Nàng chẳng bao giờ thực sự có một sinh linh phụ thuộc. Đứa con mất rất sớm sau khi chào đời, và Pansy, dẫu coi Isabel là người duy nhất có thể cứu mình, vẫn quá sợ hãi để nắm lấy bàn tay chìa ra. Cứ như thể mọi thứ đã được sắp đặt để cắt đi mọi mối dây khả dĩ buộc nàng vào mặt đất. Nàng phải tự do tuyệt đối: đó là ân sủng, cũng là bản án không cách nào trốn được, và dường như càng cố trốn, càng cố neo mình, nàng càng đi thẳng vào số phận định sẵn cho mình. 

Thế giới của Henry James chỉ toàn những tạo vật như vậy: chúng có thể biết sầu muộn, biết ngây ngất, có thể sống một cuộc đời đầy bi kịch nhưng lúc nào cũng cũng có điều gì đó vuột khỏi bi kịch. Isabel sớm nhận ra cuộc hôn nhân của mình là một nhầm lẫn khủng khiếp, nhưng kể cả khi ấy nàng cũng không thể tự coi mình là nạn nhân. Chính nàng cũng diễn, chính nàng cũng uốn mình theo cái nhìn của người mà nàng tưởng đủ rộng để form mình. Chẳng ai nợ ai, và kể cả khi Isabel chịu đựng sự cầm tù, đó vẫn là sự chịu đựng tự do, có lẽ không phải không kèm ít nhiều khoái cảm. Khi thời điểm đến, nàng đi khỏi, đúng hơn là trôi khỏi nhà tù lộng lẫy như khỏi dinh thự nước Anh từng che chở nàng đến thế. Kể cả nếu có quay lại, cũng chẳng gì còn như trước. Thêm một mối dây đã tuột, và có lẽ hóa ra chưa bao giờ ở đó. 

 

Isabel có một người nhìn mình, người duy nhất thực sự nhìn nàng, giữa những người chỉ chăm chăm chiếm hữu nàng. Đó là người đẩy nàng vào cuộc đời, cũng là người cho nàng chỗ trú ẩn tạm thời, trước khi tiếp tục trôi dạt, và lần này thì thực sự bơ vơ. Trong Daisy Miller cũng có một double như vậy, chỉ khác là truyện kết thúc không phải bằng cái chết của người nhìn mà của người bị nhìn, được nhìn - của Daisy. Cả hai trường hợp đều có một khoảnh khắc hiểu lầm: người phụ nữ bỗng trở nên kín mít, chẳng còn gì ngoài một bề mặt điềm nhiên. Rồi hiểu lầm được hóa giải, họ lại nhận ra nhau, như thể lần đầu và cũng là lần cuối. Khi Daisy biến vào màn đêm hung hiểm với tiếng cười khanh khách: nhưng cần gì, anh biết đấy, sự bốc hơi dường đã bắt đầu. Cái chết, chính vì mang lớp ngụy trang của một tai nạn, một sự ngẫu nhĩ, lại càng là tự do và tất yếu. Với những tạo vật như Daisy (hay cả Isabel) - lúc nào cũng chỉ nối với mặt đất bằng một sợi dây quá mỏng, mỏng đến nỗi còn chẳng thể nói về sự nổi loạn hay thách thức, chẳng gì thực sự neo họ vào mặt đất ngoài hiện diện của một người nhìn. Nhưng anh có thấy không, có thấy thật không? Đến một thời điểm, cả cái neo ấy cũng không còn. Đó là lúc Winterbourne từ bỏ cuộc đi tìm bí ẩn: nàng có thể trong trắng hoặc không, nhưng anh chẳng cần biết nữa. Trong Di sản Aspern cũng có một khoảnh khắc như vậy: bí ẩn về một bà già quái đản (đính kèm một gái già chán ngắt) thì quan trọng gì? Toàn bộ cuộc tìm kiếm bỗng thành lố bịch, và cơn cuồng suốt bao lâu tan biến. Thật khó có thể hình dung một tạo vật vô tri như Daisy đọc ra cơ chế phức tạp ấy, nhưng chính vì vô tri - vì mọi thứ không diễn ra ở tầng của ý thức (conscious) mà ngoài ý thức (inconscious) - nên mới đúng là định mệnh. Chính sau cái chết của Daisy, toàn bộ sức nặng của bí ẩn định mệnh mới thực sự hằn lên Winterbourne, con người là hiện thân của ý thức. 

Sau này, chẳng bao giờ Henry James còn tạo ra được một chân dung ám ảnh đến thế, bằng những nét nhẹ đến thế nữa. Một câu chuyện tuyệt đối tầm phào, về một nhân vật không thể vẩn vơ hơn. Chẳng thể nói gì về nó. Nhưng nó vẫn ở đó: một tồn tại hoa cúc dại, một mùa hè bi thảm trong toàn bộ vẻ lững lờ, thậm chí còn tươi sáng. Chuyện đúng là chẳng có gì. Chẳng có gì ngoài những chớp nhoáng đột ngột, tê tái về một đoạn đời không thể hiểu. Và ở trung tâm của nó là một khuôn mặt, đúng hơn là một bề mặt dường như vô cùng thân thiết nhưng càng nhìn càng mơ hồ xa lạ, đúng như cảm giác cố nhớ một giấc mơ. Vậy nhưng lúc nào nó cũng như một con quái vật chực vồ lấy ta, nhấn chìm ta vào đờ đẫn bẽ bàng. Câu cuối của Hình tượng trên tấm thảm có thể dùng làm câu kết cho mọi truyện Henry James thuộc mạch này: số phận của con người khốn khổ ấy gần như là niềm an ủi của tôi; thực sự có những lúc tôi cảm thấy đó là sự trả thù tôi

Anh Hoa 

Dorothea 

Ondine

T. 

Isabel 

Katherine 

A. 

J.R. 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công