favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Phê bình cơ thể (phần 1): Alain

04/06/2024 06:10

Đã đến kỳ của cơn cuồng vận động, và nhiều thứ bắt đầu bốc lên ngùn ngụt. Sẽ rất tốt nếu đọc lại Alain nói về cơ thể (và cái từ đẹp tuyệt vời: dục vọng). Các chương sau đây rút ra từ Quyển 2: Về nhảy múa và về trang sức, thuộc Hệ thống mỹ thuật. Số chương và các chú thích đã được lược bỏ. Cũng lược bỏ một số đoạn không trực tiếp liên quan đến chủ đề đang bàn, cần đặt trong cả quyển sách để hiểu cho thấu đáo. 

 

 Về nghi lễ

Trật tự bên ngoài bất di bất dịch luôn luôn được biết khá rõ bởi kinh nghiệm của những nghề dẫu nhỏ nhặt đến đâu, để mà tinh thần giàu quan sát có thể đặt lên đó các mơ mẩn không hình thù, rồi tự hồi tâm và sáng tác bằng con đường tri nhận. Tuy nhiên trật tự ấy không bao giờ là cái đầu tiên được biết. Trật tự con người nhất thiết là vũ trụ đầu tiên, từ đó đứa trẻ con chờ đợi mọi điều, và tự đặt quy tắc cho bản thân mình theo đó. Và ta biết rằng, chủ yếu tại các khí hậu nơi sự sống được đảm bảo một cách dễ dàng, và nơi công nghiệp bị thu nhỏ về vài công việc dễ dàng, trật tự con người luôn luôn chế ngự. Dẫu thế nào, vì trật tự con người là cái đầu tiên được biết, mọi ý của chúng ta được hình thành từ đó, như sự mù mờ của từ “luật” và và từ “trật tự” cho thấy khá đủ. Vậy nên mọi suy nghĩ đều trước hết hình dung trật tự bên ngoài tùy theo trật tự con người, cái trật tự mềm dẻo hơn nhiều so với trật tự kia, và ở đó ham muốn cùng cầu xin có thể làm rất nhiều điều. Nhưng chỉ cần nói, rất ngắn gọn, rằng trật tự con người, một cách hết sức tự nhiên, lệ thuộc vào những mất trật tự của trí tưởng tượng, lại còn bị phóng to thêm nữa do truyền nhiễm của các cảm xúc, thành ra sự nổi khùng, nỗi tức tối, cơn co giật phát triển ở đó rất dễ dàng, như kinh nghiệm cho thấy vào mọi lúc, thông qua các sợ hãi, thịnh nộ và cuồng dại của đám đông.

Ta biết rằng ngay những dân tộc dốt nát nhất, và hẳn có thể nói nhất là những dân tộc như vậy, đã luôn luôn sắp đặt trật tự của đám đông theo các nghi lễ chặt chẽ, để nhằm đến việc lập kỷ luật cho các dục vọng. Có lẽ cần phải nói rằng, tại các nước có khí hậu lạnh, công nghiệp đơn độc đã định quy tắc và hình thành tinh thần theo cách khác. Ở đây các nghệ thuật, thứ biến đổi vật, hẳn đã phát triển đầu tiên; nhưng kỷ niệm về những nghi lễ cổ xưa hẳn lúc nào cũng hướng lối cho công việc của nghệ nhân, nếu đúng là con người từng đi ngược từ xích đạo lên cực, mang theo lửa. Dẫu thế nào thì nghi lễ, thứ vốn dĩ có mục đích chính yếu là bố trí cơ thể con người theo một quy tắc, tự thân nó có tính cách cảm năng, và gần như khắp mọi nơi nó chế ngự các nghệ thuật. Nhảy múa, hát, đồ trang sức, sự thờ cúng đã họa ra tòa nhà, từ đó điêu khắc, tranh vẽ, hình họa về sau tách đi khỏi. Tuy nhiên, trong lịch sử tưởng tượng này của Mỹ Thuật, không được tìm kiếm ở phía bên kia cái như thật, bởi mọi điều thuộc con người đều có nhiều hơn một nguồn gốc. Một dấu hiệu, như là quỳ gối xuống hay gật đầu tỏ ý tán thành, được thiết lập bởi các nguyên nhân khớp với nhau; và ta có thể nói rằng, với những gì là thiết chế, chỉ một nguyên nhân thì không đủ. Toàn bộ lịch sử được làm nên nhờ những lộn lại, ăn khớp và giao cắt. [...]

Ở đây chỉ cần ghi nhận rằng nghi lễ có mục đích là chữa cho lành những ứng tác loạn xạ, thứ đặc trưng hóa cho các dục vọng và thậm chí các cảm xúc và, thông qua đó, cung cấp một đối tượng cùng lúc với một quy tắc, cho những trò chơi của trí tưởng tượng đơn độc, chúng chuyển tới sự lệch đường, ngay cả nơi những người nhiều hiểu biết hơn cả. Và, chiểu theo tự nhiên, quy tắc của những dục vọng này, thông qua biểu đạt được cấu tạo, là quy tắc đầu tiên, vì chính bằng cách đó mà mọi con người học về suy nghĩ cùng lúc với lời lẽ. Và chính thông qua suy nghĩ chung mà mỗi người đến với suy nghĩ riêng của bản thân mình. Bên ngoài sự bắt chước theo quy tắc, và sự đồng cảm được cấu tạo vốn dĩ là sự lịch thiệp, chẳng hề có nhân tính đúng nghĩa, mà rất rõ chỉ độc thú tính, và thậm chí không kèm với ý thức được duy trì. [...]

 

Về các điệu nhảy chiến binh

Người ta còn chưa nói đủ, rằng nhờ vẻ đẹp mà các cuộc duyệt binh trước tiên tác động lên bản thân những người thực hiện ma nớp và đi diễu. Đã rõ rằng các chuyển động có quy tắc chặt chẽ của những khối người, với sự đồng nhất của trang phục, là một trong những cảnh tượng gây nhiều cảm động nhất. Chính bản thân sức mạnh con người, có kỷ luật và hữu lý, hiện ra trong những tiến lên kia. [...] Dẫu thế nào thì cảnh cái đối tượng hùng mạnh và khôn ngoan đó rất thích hợp để trình hiện xã hội con người như một đối tượng không dục vọng cũng như mất trật tự. Và quả đúng rằng chiến tranh chỉ xấu và tàn bạo ở nơi những kẻ dẫn dắt nó từ xa. Nó chỉ trụ vững và kéo dài được nhờ sự chuẩn bị thuộc cảm năng kia; và chính qua đó mà nó được ngưỡng mộ, còn nhiều hơn nữa những lúc các lực bên ngoài tìm cách phá vỡ dây liên kết và trật tự. [...] Nghệ thuật đó ngày hôm nay có lẽ là nghệ thuật bình dân duy nhất.

Ở đây mỗi người tạo nên những người khác và bản thân mình; tương quan kỳ lạ ấy chế ngự mọi chuyển động của ma nớp và của chiến tranh. [...] Có một nỗi ngượng ngùng của người nhầm lẫn và làm hụt một ma nớp đẹp, nó thuộc vào cùng trật tự với nỗi ngượng của kẻ chạy trốn; và ở sâu xa điều đáng xấu hổ trong chạy trốn là sự mất trật tự, mất trật tự của toàn thể và mất trật tự của mỗi người; cũng tương tự, một trật tự này thì mang một trật tự khác. Điều này khiến ta nói rằng thật đáng xấu hổ khi sợ, bởi vì vậy thì xấu; tốt hơn hết chúng ta hãy nói rằng vậy thì không hình thù, hoặc giả vậy thì cũng chẳng rõ là sao nữa; một tháo chạy thì chẳng là gì. Nhưng một hành binh, một ma nớp, một cuộc tấn công thì là một cái gì đó. Và con người thấy sung sướng vì được là cái gì đó và là bộ phận của một cái gì đó. Và là trong hành động, chứ không phải trong nghỉ ngơi hay cảnh tượng. [...] Sung sướng thay người nào phát triển hành động của mình như một tràng hoa đẹp. Niềm sung sướng ấy nằm trong mọi nhảy múa và sự nhảy múa xét sâu xa chỉ là một sự lịch thiệp, giống như điệu quadrille cho thấy thật rõ. Nhưng ma nớp nhà binh bao chứa sự lịch thiệp cao nhất, thông qua sức mạnh của các dục vọng và thông qua trật tự cùng sự khó của hành động. Tương phản ấy thật nổi bật trong những điệu nhảy chiến binh tự do hơn cả, với điều kiện ở đó trật tự được tìm lại. Vì trật tự không kèm mất trật tự thì không vật chất; và ai chỉ thuần hóa các ý thì chẳng thuần hóa được gì; từ đó mà có chuyện, nơi mọi điều, cái đẹp hoàn thành cái đúng. Sau đó rồi, người ta sẽ không kinh ngạc vì chuyện cái đẹp giống như là ông vua của luân lý; vì vậy người Hy Lạp không có từ nào mạnh hơn so với “hợp lề thói” để chỉ những gì đáng kính ngưỡng và thậm chí là trác tuyệt. 

 

Về nghệ thuật cưỡi ngựa và về vài nghệ thuật khác

Có hai phần trong nghệ thuật cưỡi ngựa; một thuộc về tính hữu ích, nó nhằm tới chỗ dẫn dắt con thú, dự đoán các chuyển động của nó và giữ nó đi đúng hướng; phần kia thuộc sự biểu diễn, cho cả kỵ sĩ. Và phần này của nghệ thuật ấy không hề vớ vẩn; đâu phải là ít, việc cảm thấy được đảm bảo, điều có thể đạt được nhờ các trò chơi và tập luyện tại đó người ta thích thú biến đổi con thú cũng dễ dàng như biến đổi chính cơ thể mình. Và chắc chắn không hề có hành động nào nơi các chuyển động của bản năng đe dọa theo lối trực tiếp và liên tục hơn, vì chúng tùy thuộc vào những cú nhảy dựng bất chợt của một con thú mạnh mẽ và vụng về. Bằng cách ấy thú tính vừa tách rời khỏi con người lại vừa hội vào thật chặt chẽ với con người, điều này đề xuất hình ảnh đúng nhất về ý chí và các dục vọng. Tuy nhiên là với sự trợ sức sau đây: trước hết thú tính được cảm thấy như là ở bên ngoài, nếu không có sự chuẩn bị gây nhục nhã kia, nó khiến mọi chuyển động của chúng ta lệ thuộc vào một nỗi sợ thiết thân. Vì thế sự ứng tấu là điểm riêng của nghệ thuật ấy, và ở đây sự duyên dáng luôn được hội vào với niềm kinh ngạc. Vậy nên có một khoái cảm của người huấn luyện ngựa, nó thuộc cảm năng. Và cũng có một khoái cảm cùng loại đối với khán giả, miễn sao anh ta thật rành; bằng không, anh ta sẽ chẳng biết cả sự khó khăn lẫn nguy hiểm của hành động, và hẳn sẽ thấy ở đó một cái gì giả tạo và xấu. 

Ở đây cần nêu nhận xét rằng sự thanh lịch đúng nghĩa, tức là sức mạnh, nhưng bị che giấu đi, dường như thường vụng và xấu ở cái nhìn đầu tiên. Tùy thuộc rất nhiều vào chuyện mắt nắm bắt được ngay lập tức mối liên hệ của kỵ sĩ với con vật. Nơi mọi nghệ thuật, cũng thế, đều có một nỗ lực nhỏ cần phải thực hiện chống lại ấn tượng đầu tiên. Cùng khó khăn ấy sẽ được tìm thấy lại ở sự biểu diễn bằng điệu bộ và các điệu nhảy kỳ công, tại đó xảy ra chuyện trước hết người ta nhận được một ấn tượng nặng nề. Và cái đó là rất chuyên biệt với dạng nghệ thuật này, nó chỉ là biểu diễn thông qua biến cố, và là nơi người đang múa hay hành động mới chính là thẩm phán tốt nhất; vì vậy không bao giờ được đánh giá nhảy múa nếu chính mình không nhảy múa. [...] Người ta có thể coi tư thế của người đấu kiếm và của kỵ sĩ, cũng như dáng điệu con ngựa, là có tính cách quy ước, nếu còn chưa nhìn đủ, và nhất là nếu chưa từng tự mình đóng cái điệu bộ ấy. Nhưng ở đây chúng ta hãy phân biệt hai loại điệu bộ, loại làm một cái gì đó, và loại chẳng làm gì khác ngoài biểu đạt. Thẩm phán cuối cùng là dục vọng, thứ cần phải được chiến thắng. Bằng cách ấy tình yêu hẳn dịu đi sau khi nhảy múa, và cơn giận sau lúc đấu kiếm, và nỗi sợ sau cuộc cưỡi ngựa. Điều này cho thấy rõ rằng nghệ thuật hoàn toàn không diễn tả các dục vọng, mà là những dục vọng đã bị khuất phục. 

 

Về điệu nhảy tình yêu

Có sự thẹn thùng trong nhảy múa chiến binh, như ta đã thấy. Tuy nhiên, vì tình yêu rốt cuộc quy phục trước các luật của thú vật, hiểm nguy của tình yêu tự do có lẽ hiển hiện hơn so với hiểm nguy của chiến tranh tự do. [...] Vì vậy ta thấy tại mọi đất nước đều có một bộ máy, cùng một điệu bộ của tình yêu. Và điệu nhảy ở làng được giải thích toàn bộ nếu ta tính đến lợi ích có được trong việc đặt những gặp gỡ của những người yêu nhau, và thậm chí những ve vuốt đầu tiên của họ, vào thử thách của biểu diễn công cộng; nếu không có cái đó hẳn sẽ cần cả một sự cuồng dại nhằm chiến thắng nỗi rụt rè. Từ đó mà có các chuyển động có quy tắc và quen thuộc kia, mà âm nhạc dẫn dắt và nhắc nhở. Jean-Jacques  đã thấy rất đúng rằng tình yêu hợp thức hẳn sinh ra từ đó, nhưng ông đã không nói đủ là tại sao. Sau đó rồi những vở ba lê, chúng giống như các mẫu cho nhảy múa, chẳng còn gây ngạc nhiên gì nữa. Chúng ta hãy nói thêm rằng mọi nhảy múa, như tập thể dục, đều nới lỏng và làm dịu. [...] Lịch thiệp là một nhảy múa được giản lược hóa hay một kỷ niệm về nhảy múa; bằng cách ấy sự thẹn thùng đúng nghĩa không hề là nỗi xấu hổ, mà hoàn toàn ngược lại, nó là một nghệ thuật được cấu thành nhằm chống lại xấu hổ. 

 

Về nhảy múa tôn giáo

Những người giàu dục vọng lúc nào cũng từ chối tin rằng tư thế  cùng chuyển động được định quy tắc theo lối thích hợp thì điều hòa được cả đến các dục vọng mãnh liệt hơn cả, và sau cùng làm dịu tất tật chúng đi. Thế nhưng quyền năng của chúng ta nằm ở đó; bởi chính thông qua đường lối trực tiếp lên những hành động thuộc cơ bắp của chúng ta mà cái muốn của chúng ta được thực thi, chẳng hề kèm trung gian nào, và cũng không trở ngại bên trong nào; nhưng, đối lại, chúng ta chẳng thể làm được gì với chỉ độc suy nghĩ, để chống lại những cơn giông bão thuộc cơ bắp; ở đây cần phải có chuyện suy nghĩ thì đi theo, và cơn giận của tâm hồn chỉ diễn tả cơn giận của cơ thể, cái đó biểu nghĩa rất rõ cho cái từ thật đẹp ấy, “passion” . Chính vì vậy cái ý hết sức giản dị là thôi đừng nghiến răng và lỏng nắm tay ra, cúi đầu xuống, nghiêng mình, gập đầu gối lại, tóm lại là làm điệu bộ chống lại cơn giận không bao giờ được nhận một cách trực tiếp. Tôn giáo hàm chứa nhiều hơn một bí mật, nhưng chủ yếu nó đồng nghĩa với những mưu mẹo truyền thống nhờ đó con thú chất chứa dục vọng trước hết bị bận rộn, rồi mau chóng được làm dịu đến tận trong tâm hồn nó, nhờ phẩm hạnh của nhảy múa.

Việc có các điệu nhảy tôn giáo tại một số nước là một cảnh báo, cho thấy cần nhìn nhận thấu đáo hơn những nghi lễ ở nước ta , những tư thế theo quy tắc, những im lặng, những lời theo nhịp điệu, những tiếng hát, những lịch thiệp, những diễu hành. Chắc chắn trong tôn giáo có nghị định tự do nào đó, một sự đánh giá dùng để lựa chọn, cả một dạng lời thệ nữa; đó là các kho báu của ngôi đền. Nhưng một dạng lòng tin khác, mà tốt hơn hết nên gọi là tín, chủ yếu phát xuất từ các hiệu ứng. Rất chung và cũng dễ giải thích, việc một tâm hồn đầy giận dữ, cay đắng hay tuyệt vọng thấy được nới lỏng ra nhờ phẩm hạnh của các nghi lễ và những lịch thiệp; vì mọi chuyển động mạnh hẳn đều gây bê bối nơi trò chơi thiêng này. Bằng cách ấy người diễn bi kịch bị vai của mình túm lấy và được dẫn tới chỗ cảm thấy sự khoan dung, sự tha thứ, sự từ bỏ; niềm an ủi đi từ bên ngoài vào bên trong, và sự dịu đi trước hết, nhờ sự chú tâm của tất cả mọi người ấy, nhờ sự đồng loạt kia, nhờ những chuyển động đầy cẩn trọng kia. Từ đó mà có ý về một vị thần bên ngoài, nhạy cảm với sự đụng chạm. Kinh nghiệm tôn giáo thì khá phong phú, nhưng cần phải đọc nó chiểu theo một ý dẫn đường; tôi xin đề xuất ý ấy.

Tôn giáo được nhìn nhận như vậy là một nghệ thuật đúng nghĩa, và còn hơn thế nhiều, nghệ thuật tuyệt hảo, nếu ta nhìn cho kỹ: bởi các nghệ thuật khác không nhắm thẳng đến thế, nhưng tất cả đều sẽ đi tới chỗ giúp chúng ta được giải thoát khỏi những dục vọng, như Aristote đã cho thấy điều đó, về bi kịch, dẫu ông đã không có đủ người bình luận để có thể rút hoàn toàn ý ra khỏi hình ảnh. Như vậy hẳn mọi nghệ thuật đều nhằm đến chỗ bố trí cơ thể con người theo sự khôn ngoan, hãy hiểu là theo lý trí hay theo sự yên bình; nhưng không phải tất cả đều một cách trực tiếp; vì một số bố trí cơ thể tùy theo những đối tượng được cấu tạo, chúng tác động lên các giác quan, như âm nhạc, hội họa, trang trí, tòa nhà [...] Bí mật của vị linh mục chỉ nằm ở trong các phương tiện, vì ông ta nhằm đến sự cứu rỗi linh hồn, và ông ta thông báo điều đó. Bằng cách ấy khoái lạc không còn là mục đích, ở đây. Và thế nhưng ai là người dám nói rằng nhảy múa tôn giáo không phải dạng nhảy múa gây thích thú nhiều nhất? Nhưng cần phải nhảy vào đó. Và chẳng có gì ngẫn hơn, bên ngoài cũng như bên trong, so với người đứng nhìn người khác nhảy múa.

 

Về trang phục

Đã khá rõ rằng trang phục biến đổi các tư thế và các chuyển động, lúc nào cũng bằng cách định quy tắc cho chúng và điều hòa chúng. Nhất là điều đó hiển hiện nơi các trang phục thuộc dạng rực rỡ; chỉ cần kể ra áo dài, áo ngự bào và miếng che cổ áo giáp xưa kia của những người lính. Trang phục tôn giáo nhằm đến chỗ mang tới cho cơ thể sự bất động mà không bị co cứng, điều này được biết chủ yếu nơi vai, cánh tay, đầu; áo dài ngăn trở các cử động của đầu về phía sau, vốn dĩ chúng làm dịch chuyển sự chú tâm và cho phép lòng cao ngạo; ai cũng hiểu rằng dáng đi và những động tác nhỏ nhặt nhất tùy thuộc vào những điều kiện được ấn định cho cái đầu, hai vai, cánh tay kia. Hãy quan sát rằng lễ mixa thì khác với lễ chiều; ông cha đạo làm lễ mixa thì bề thế hơn, nhiều chuyển động hơn và nhiều uy quyền hơn; đó là bài cầu nguyện buổi sáng được tiếp tục. Lễ chiều thì đã là cầu nguyện buổi tối, quay trở về bản thân mình, suy niệm về phía bản thân mình và về phía đất, chuẩn bị cho sự nghỉ. Chắc chắn là có một nghệ thuật mang trang phục; nhưng trang phục thì cũng mang con người.

Áo choàng dùng nơi triều đình, nhất là của vua, cho phép nhiều uy quyền hơn, và một sự uy nghi chủ động hơn. Nhưng cả ở đây các chuyển động đột ngột cũng bị làm cho trở nên không thể, bởi đống vải vóc phức tạp, nặng kia, và bởi cái đuôi áo dài, cùng chuỗi người nâng đuôi áo. Một thị đồng được ăn vận khác hẳn; vai trò của anh ta nằm nơi cái đơn giản, cái nhanh, cái im. Chỉ cần chỉ ra, đối với nhà binh, các loại trang phục truyền thống nhằm đến chỗ uốn nắn anh ta, cái đó loại trừ nỗi sợ và sự bỏ chạy; và thấy trang phục chiến binh thời này là đã đủ để so sánh một cuộc chiến tranh với một cuộc chiến tranh khác. Dẫu có vậy thì cái mũ sắt mang tới một sự đảm bảo, và bắt đôi mắt nhìn xuống đất. Để kết thúc với trang phục của đàn ông, chúng ta hãy nói rằng những phần quan trọng là kiểu tóc và cổ áo, chúng định quy tắc cho các chuyển động và tư thế của cái đầu; những ống tay áo làm hai vai tách xa nhau hoặc sát lại, giải phóng ít hay nhiều cho hai cánh tay; rốt cuộc là thắt lưng, nó quan trọng vô cùng đối với các suy nghĩ của dạ dày; hẳn ta những muốn vẽ nên ở đây một người đàn ông thở bằng bụng, và cùng người đó, bụng thắt dây lưng chặt và thở bằng vai; đó là hai vai trò, hết sức thành thực. Chúng tôi sẽ nói rằng cái ghế, cái giường, một sàn nhà đánh xi bóng, có thể định quy tắc cho suy nghĩ bằng cách đặt quy tắc lên các dục vọng: nhưng quần áo thì giỏi uốn mình hơn nhiều. Ta thấy được tại sao con người lại mặc quần áo, và đó không chỉ để chống lạnh; hoặc giả, nếu chỉ đơn giản là để chống cái lạnh thì bạn sẽ có một con người khác, đơn giản hơn.

Có quá nhiều điều để nói về trang phục phụ nữ. Nó phức tạp hơn và nhiều tính cách bạo chúa hơn, vì ở đây các dục vọng mạnh hơn và hay biến đổi hơn. Điều đầu tiên cần nhận thấy là trước hết nó nâng giữ; và điều thứ hai, là nó bó vào người chặt hơn; nghi lễ thì định quy tắc cho trang phục phụ nữ ít hơn so với mốt; nhưng mốt muốn được xem xét riêng. Ở bên ngoài mốt, mọi phụ nữ đều có những giờ và những ngày của họ, chúng được định nghĩa bằng trang phục. Thông qua đó sự đa dạng của biểu đạt thú vật, thứ hẳn làm nảy sinh những giông tố cảm xúc không được xác định, nhường chỗ cho các pha được định ra rõ hơn. Cần phải nói rằng một phụ nữ ăn vận ổn thỏa đã giống như một bức tranh chân dung; và chắc chắn, ta có thể trông đợi rất nhiều từ một chân dung, và đoán gần như vô tận, nhưng là theo một sự tiến bộ chắc chắn, và cách nào đó theo một hướng bất biến, típ dùng làm khung hay mốc, luôn luôn đúng như phải thế. Sự nông nổi ở trạng thái tự do gây ngạc nhiên một lúc ngắn ngủi, gây đứt gãy và đánh lạc hướng; chính vì vậy các tình cảm phát triển ít, và luôn luôn trong cảnh hoang dã, về phía một người phụ nữ chỉ có mỗi một bộ trang phục; vì cái tự nhiên thì quá phong phú, và giản lược hóa quá mức, và nhấn chìm [...] 

Nhìn kỹ, trang phục kỳ công và nhiều điểm trang của phụ nữ có hiệu ứng chủ yếu là đưa sự chú ý quay trở lại với khuôn mặt và những phần của cơ thể cho thấy các chuyển động của thở và của trái tim; đó là tóm lấy ham muốn ở chính những mưu mẹo riêng của nó và luôn luôn lái nó về phía các phần cao quý. [...] Dạng áo quần phức tạp đó bố trí hướng đến nghi lễ đúng như cần phải thế, bằng cách chủ yếu đối lập lại với sự thở hướng xuống dưới, thứ mang tầm quan trọng tới cho các chức năng thuần túy sinh học, luôn luôn mau chóng chế ngự những tình cảm, nhất là nơi phụ nữ. Bằng cách ấy trái tim thực sự được đưa lại gần tinh thần, cùng lúc với sự chú tâm, luôn luôn được đưa trở về với khuôn mặt, mời sự trao đổi các ký hiệu trừu tượng. [...] Cuối cùng ta sẽ nhận thấy rằng son và phấn, cũng như thậm chí các trang trí nguyên thủy hơn, như hình xăm hay lông chim, có hiệu ứng che giấu và làm yếu đi phần lớn những chuyển động của vẻ bên ngoài, ấy là còn chưa kể đến chuyện chúng cũng buộc người ta phải giữ chúng nữa; bằng cách ấy mà sinh ra biểu đạt, luôn luôn được cấu tạo. 

 

Về mốt

Ở bên ngoài hoàn cảnh thuộc khí hậu và mùa, mốt phải tuân phục các điều kiện bên ngoài, như những sáng tạo của các nhà buôn, sự phù phiếm của những người giàu, sự bắt chước và tập quán; và tất tật những nguyên nhân ấy tập hợp lại chỉ có thể làm cho mốt thì đẹp. Nhưng các điều kiện kia, mà chẳng ai hoàn toàn thoát khỏi, giống như vật chất của nghệ thuật ăn mặc, vốn dĩ gắn kết hết sức chặt chẽ với nghệ thuật tự giới thiệu, nói, nhảy múa, tạo dáng điệu và chờ đợi. Và mốt, nhìn từ bên ngoài, cũng mở rộng cho đến tận những nghệ thuật đó; có một mốt để chào, để đưa tay ra. Nhưng, tương tự việc có một lý do để thích sự uy nghi thật hơn là sự uy nghi giả, và sự lịch thiệp đúng hơn là sự lịch thiệp giả, cũng có các lý do chính làm cho mốt luôn luôn dự phần vào vẻ đẹp và thường diễn tả nó. Ngay sự đồng phục thì đã đẹp, bởi mọi cử động kém cỏi đều kỳ lạ và cùng lúc, xấu. Người nào tách ra khỏi cái thông thường nhờ trang phục chẳng làm gì khác ngoài nhân lên nhiều lần những ký hiệu chẳng biểu nghĩa gì. Ai cũng từng biết những kẻ cứng đầu cưỡng lại mốt; và đã rõ rằng suy nghĩ của họ chủ yếu bị bận với hiệu ứng mà họ tạo ra, bằng những cái mũ thế kỷ trước của họ, hoặc họ kiêu hãnh vì thu hút được sự chú ý, hoặc họ sợ bị lố bịch. Từ đó mà có một nỗi xấu hổ hay một sự trơ trẽn nơi họ, và quanh họ là một nỗi bẽ bàng, chúng đi đến chỗ của sự xấu.

Một điều kiện khác của mốt, và có tính cách quyết định hơn nhiều, là nó luôn luôn nhằm tới chỗ giảm bớt trong mắt nhìn các éo le của tự nhiên hoặc những bạo hành của tuổi tác. Và, giống với hoàn toàn không lịch sự nếu thú nhận ta nhận ra tuổi tác hay những vẹo vọ, cũng không hề lịch sự nếu bày chúng ra quá nhiều. Nhưng hẳn bày chúng ra quá thì còn hơn là giấu chúng đi quá. Nghệ thuật ăn vận tạo dễ dàng cho các sự chuyển, hoặc giả che đi các chỗ yếu của một khoảnh khắc; theo đó ta hiểu được những tinh xảo của đồ trang sức, cùng các lỗi về gu nữa. Một thiếu nữ thoa phấn chừng mực là lịch sự đối với một người chị gái, và cô em sẽ đáp lại sự lịch thiệp. Vào thời những người đàn ông cũng trang điểm, món tóc giả là một sự lịch thiệp của tất cả đối với những ai không thể không đeo tóc giả.

Cũng cần phải nói rằng mốt xóa đi chút ít các khác biệt và giúp chúng ta tránh được việc ném vào mặt những người khác một tính cách nào đó quá rõ. Họa sĩ có lẽ sẽ có thể mạo hiểm làm điều đó; ngôn ngữ của tranh chân dung cho phép rất nhiều điều; nhưng bức chân dung sống thì đòi hỏi nhiều ý nhị hơn. Một tính cách lộ ra đối với ai tìm nó, nhưng chẳng hề muốn tự dâng mình cho một người đang mải bận tâm về một điều khác và chỉ nhìn qua khóe mắt. Từ đó người ta đã rút ra rằng có cái gì thật thông thường nơi một khuôn mặt đẹp; vẻ đẹp của loài khi ấy giống một con đường dẫn tới chỗ nhận ra vẻ đẹp cá thể, tương hợp với luật sau đây của mọi hiểu biết chúng ta, theo đó chỉ cái giản lược đơn thuần và chung có thể mang các khác biệt và có được những suy nghĩ về chúng. Cũng giống một ca sĩ giỏi có thể gây cảm động mà chẳng cần hát rống lên, một khuôn mặt đẹp thì lúc nào cũng giữ được hình thức con người. Bằng cách ấy mà một nghịch lý khá gay cấn cũng được giải thích, theo đó những hình tượng rất biểu cảm thì chẳng biểu đạt gì. Nhưng ý ấy có lẽ quá mức siêu hình; đừng phân tách nó khỏi sự quan sát.

Cái thuộc cảm năng ở trong mốt là một sự an toàn và một duyên dáng mà nó mang tới, thông qua sự đảm bảo về việc không hút chặt lấy sự chú ý. Sự trơ trẽn thì xấu do lệch đường; tôi muốn nói rằng người trơ trẽn, kẻ kích thích sự chú ý, buộc lòng phải đáp lại đó bằng những ánh mắt, cử chỉ, nụ cười hoàn toàn không có nghĩa gì, chúng chẳng hề được cấu tạo, thậm chí chúng còn đi quá cơn ngông cuồng của tinh thần, nếu chẳng phải thẳng vào trong sự điên. Vẻ ngẫn chỉ nằm trong sự tán loạn kia của biểu đạt con người, hiển nhiên được xác định bởi bên ngoài và hoàn toàn không được điều hành. Có một sự giống giữa ngôn ngữ của các dấu hiệu ấy, khi đó đi trước mọi suy nghĩ và mọi tình cảm, và sự trò chuyện của một tên xuẩn nói nhanh hơn so với hắn nghĩ. Cần phải có một sự đảm bảo để ứng tác mà không gặp nguy hiểm gì và chính ở đây các ý kiến chung rất hữu ích, vì trước tiên cần phải thử các dấu hiệu cái đã. Mốt đóng vai trò của ý kiến chung đối với những ký hiệu không nói; cơ thể và cả khuôn mặt được tránh đi và giấu đi ở đây; tình cảm thì tự do, và bản tính cá nhân có thể được biểu đạt, và tự nắm bắt chính nó, thông qua đó. [...] Như vậy, theo đúng mốt tức là biết một ngôn ngữ. Vì vậy những cẩu thả của trang phục luôn luôn kéo theo, ngay cả nơi những người vượt trội, một cẩu thả về các tình cảm, cái đó hoàn chỉnh tính cách lưu đãng, lúc nào cũng mù mờ ngay cả trong niềm vui hay nỗi buồn rõ ràng. Chính vì vậy khá là xuẩn khi người ta chế giễu những lo âu và phiền nhiễu mà mốt áp đặt; ấy là người ta không tính đến tự do quý giá, tình cảm được là chính mình, sự gần gũi với bản thân ngay tức khắc nảy sinh từ một trang phục phù hợp với tuổi, giờ giấc và môi trường xung quanh. Người ta nói quá mau rằng một phụ nữ cần phải tự chứng tỏ ưu thế của bản thân mà chẳng cần để tâm gì đến mốt; nhưng cái đó là không thể, vì bê bối nhỏ nhất đã làm biến dạng các đường nét. Vậy nên, dẫu mốt có là gì đi chăng nữa, thì nó cũng làm đẹp lên, và qua đó được làm đẹp lên. [...] Nhìn thật kỹ, chỉ có sự thẹn thùng thì mới biểu đạt; sự trơ tráo chẳng hề hé lộ điều gì đúng. Rốt cuộc nghĩ đâu phải là hét. Có lẽ chính cái thắt chặt của thứ văn xuôi đúng và của những câu thơ đẹp nhất là minh họa tốt nhất cho đức hạnh của trang phục. Giờ người ta đã hiểu được rằng mốt đi đến phong cách một cách tự nhiên vô cùng chưa?

 

Về trang sức

Đã rõ rằng một người chuyên giữ thăng bằng không thể tự cho phép mình bất cứ cử động nào thuộc về ngạc nhiên hay dục vọng. Một phụ nữ mang trang sức khá giống một người giữ thăng bằng. Khối tóc, khuyên tai, vòng cổ và những cái huy hiệu cảnh báo cô ta phải ước lượng và kết hợp các chuyển động của mình; tôi nói thêm rằng, thông qua tiếp xúc quen thuộc của chúng, chúng khuyên nhủ và chặn lại. Một trong những hiệu ứng của trang phục là làm cho cơ thể trở nên hiện diện nhiều hơn và nhạy cảm hơn với chính nó nhờ những tri giác của da. Các món đồ trang sức hẳn là một dạng quần áo đối với những phần để hở; đó là một lý do cho lũ nhẫn đeo ở những ngón tay.

Còn có những lý do khác nữa giải thích cho các món đồ trang sức lấp lánh; bởi bằng cách ấy ánh mắt bị đánh lạc hướng khỏi một số nếp nhăn nhỏ đoạn cuối tai, trên cổ, nơi cổ tay, những thứ hé lộ quá nhiều về tuổi tác; và làn da thì trở nên mịn êm bởi sự kề cận ấy và bởi tương phản ấy. Một tấm mạng mỏng thì hiển nhiên hơn cũng là một loại màn che; nhưng mọi thứ trang sức đều là mạng mỏng. Và có lẽ chuyện ít nằm ở chỗ che giấu tuổi hơn so với giảm bớt những hiệu ứng chốc lát của một nỗi buồn hoặc một sự khó ở. Kinh nghiệm cho thấy rằng sự trao đổi những nỗi khổ nho nhỏ tạo ra một xã hội tồi; và gần như là thiếu kín đáo, việc cho thấy là mình nhợt nhạt hoặc đỏ vì đang tiêu hóa. Về điều này ta sẽ nói rằng cũng thật thiếu kín đáo khi nhận thấy những cái đó; nhưng thật là một nỗ lực khó chịu, việc cố gắng không nhận ra nó. Nói ngắn gọn thật đẹp nếu tặng cho đồng loại một khuôn mặt bất biến và không thể lay động, chỉ nhạy cảm với những gì mà nó muốn nghe thấy.

Tôi quay trở lại thêm một lần nữa với một ý có tầm quan trọng hàng đầu, nó sẽ dần dà trở nên quen thuộc. Sự thẳng thắn đâu phải tự buông mình theo mọi chuyển động có thể được coi là dấu hiệu. Người ta khóc vì một con mòng bay vào mắt; người ta cũng khóc dẫu chẳng muốn vì các nguyên nhân khác; người ta thường đỏ mặt mà không biết tại sao, và càng lúc càng nhiều thêm nếu nghĩ đến điều đó. Ở đây sự chú ý chỉ được thực thi trong vô vọng, và người quan sát đúng nghĩa hẳn những muốn gạt đi các chuyển động ấy của bản năng, vốn dĩ lúc nào cũng bị chế ngự bởi các hoàn cảnh bên ngoài; đó là những chữ cái bị trộn vào nhau, đừng cố đọc làm gì. Một người bị lạnh thì xoa tay vào nhau như thể đang sướng. Sự rụt rè, vốn dĩ tự nhiên với tất cả mọi người, còn làm phức tạp hóa thêm mọi chuyện, do một lo âu về sửa chữa, và chỉnh lại những thông điệp vô ích kia, chúng ném những người có mặt vào nỗi lo lắng. Chỉ cần một người rụt rè là đã làm rối loạn một cuộc hội họp đàn ông và phụ nữ. Ta đã hiểu được rằng sự lịch thiệp chế ngự mọi nghệ thuật mà cơ thể con người là chất liệu.

Nhiều người tuyệt vọng vì bị đánh giá theo những gì họ là; cái đó phát xuất từ chuyện bản tính thú giăng các ký hiệu cùng trò lừa của nó giữa nó và những người khác. Nếu ta muốn nói những gì mà ta nghĩ, thì lại không được nói mọi điều gì vụt tới. Cũng tương tự, nếu ta muốn tỏ ra là chính mình, thì trước hết phải rút gọn những vẻ ngoài và cấu tạo chúng vừa theo trang phục lại vừa theo sự cân bằng; sau rồi thì đó không phải một con khỉ, mà một con người đang tiến lên.

Và hình ảnh tự nhiên của phụ nữ có lẽ còn xa lạ với cô ta nhiều hơn, vì nó không mạnh bằng, không ổn định bằng, không được nâng đỡ bằng. Vậy nên người phụ nữ ấy cần phải được mang trang sức, để bạn nắm được những dấu hiệu đúng. Cô ta càng mang ít đồ trang sức, càng ít được nâng đỡ, càng ít ăn vận, thì cô ta lại càng xa lạ hơn đối với bạn, và cả với chính cô ta. 

 

Về vẻ đẹp của cơ thể người

Điều đáng để tâm nằm ở chỗ mọi thứ gì quyến rũ nơi sự trao đổi các ấn tượng đều gây sốc ở trạng thái nghỉ; và có lẽ đó chính là ý khả quan nhất để theo, nếu ta muốn hiểu một khuôn mặt đẹp nghĩa là thế nào. Dấu hiệu của sự chú ý không xấu bởi chính nó, nhưng, nếu nó nán lại, thì nó xấu vì nó gây lo lắng, do một nhu cầu về hồi ứng, và do sự vắng của đối tượng. Một khuôn mặt đẹp thì thông báo yên bình của mọi sự, ngay cả trong mất trật tự thoáng qua; nhưng cần phải chỉ biểu đạt những gì mà ta muốn, dẫu thế nào thì cũng không biểu đạt gì không lý do, như vậy là có thể quay trở về với sự nghỉ; và đó là điều mà một số mặt chẳng thể nào làm. Một số biểu đạt nỗi kinh ngạc, một số khác lại sự thiện xảo và mưu mẹo, một số khác nữa, một xảo trá hay một đắn đo, ngay cả khi chúng ngủ. Cái đẹp mà chúng ta đang nói ở đây, như vậy, nằm trong một hình thức vốn dĩ nếu bởi chính nó thì không biểu đạt gì.

Có một định kiến khá mạnh chống lại ý ấy. Tuy nhiên hãy kiểm tra. Khuôn mặt người là một tấm gương của những vật, gây xúc động lớn khi nhìn, và nó kéo chúng ta ra khỏi sự chiêm ngưỡng ngay khi nó thông báo một đối tượng mới nào đó. Chính vì vậy việc nhìn một bộ mặt lúc nào cũng quá giàu biểu cảm ném ta vào một cuộc tìm kiếm không điểm kết. Như vậy, hoặc khuôn mặt một cách tự nhiên có một nếp nhăn, hoặc nó nhăn lại theo chủ ý, thì nó gây loạn xạ ở chúng ta theo một cách khác, rất xa với việc mang tới cho chúng ta sự an toàn cùng giải thoát vốn dĩ là hiệu ứng của những hình thức đẹp. Nhận xét này dẫn đi khá xa. Bởi sự khôn ngoan chủ yếu đồng nghĩa với không quá tin vào các chuyển động của chính nó; và giống ta hoàn toàn không thể để mặc các sự kiện chế tạo tính cách mình, cũng vậy không được có chuyện môi trường bên ngoài lại tạc một cách vĩnh viễn khuôn mặt chúng ta; và những khuôn mặt đẹp thì cũng giống các chứng cứ cho quyền năng quên và tự quên. Tôi ngờ vào việc người ta có thể kể ra một khuôn mặt đẹp nơi ta không đọc thấy sự vắng của định kiến, sự tha thứ cho mọi điều và cho chính mình, cái tuổi trẻ luôn luôn trẻ ấy, thứ phát xuất từ việc ta không đóng vai nhân vật nào hết. Và con người hoàn toàn không được làm ra để sống tùy theo cái bên ngoài. Kinh nghiệm cũng in hằn các nếp nhăn, và cái đó gây thương hại; thay vì chuyện vẻ đẹp luôn luôn có một cái gì đó ngây thơ, dấu hiệu chắc chắn cho sức mạnh bên trong. [...] Ngay cả trên khuôn mặt phụ nữ, sự chờ đợi thong thả ấy cũng có vẻ uy nghi và sức mạnh. Ngược lại, dẫu có coi trọng một tính cách đến đâu, ta cũng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy ở đó một con người, mà lúc nào cũng là một dịp. Than ôi, lúc đó đẹp ở rất xa; nếp nhăn của các sự vụ, lớn hay nhỏ, làm nó mất danh dự. Hãy nhận thấy rằng, về một khuôn mặt đẹp, bạn không bao giờ có thể nói nó làm nghề gì. Và nơi các trận bão của các vật cũng như các trận bão của con người, sự quay trở lại của vẻ đẹp thật trác tuyệt, bởi khi ấy nó biểu đạt theo lối trực tiếp một sức mạnh của một trật tự khác, cùng một vị thần bên trong. Chính vì vậy hình ảnh một vị thần thì đẹp; và cái đó đã là đủ.

Ta thấy rằng vẻ đẹp thì trẻ đúng nghĩa, và theo một nghĩa luôn luôn trẻ. Nhưng quá rõ rằng tuổi tác và bệnh tật luôn luôn làm nó lệch lạc đi một chút, và thường thì rất nhiều. Một vết loét thì xấu; sự nhợt nhạt bệnh lý thì xấu; nhưng vẻ đẹp luôn luôn có thể quay trở về đó trong những giây phút ngắn ngủi, nếu sức mạnh bên trong tới được với sự quên của một giây phút. Félicité des Touches  đẹp hơn những ngày đẹp nhất của nàng vào lúc nàng hình thành cái ý chúa tể sẽ dẫn nàng vào nhà tu kín.

Cao Việt Dũng dịch

 

Như vậy là đã đến được với cái từ quan trọng của chúng ta: biểu đạt, nhưng cũng cả hình thức. Alain nói biểu đạt nghĩa là tạo khuôn. Đó là cái khó, cái đẹp và cái đúng. Ở đây, ta thấy tầm quan trọng vô biên của các nghi lễ và cũng thấy thiết chế tôn giáo (ở cả mức tin và tín) cần cho xã hội con người đến thế nào.

 

"tôn giáo là một nghệ thuật đúng nghĩa"

Simone Weil

 William James

Henry James

 C.S.Lewis  

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công