Adolescent
"Sau này Törleß sẽ trở thành một người đàn ông trẻ tuổi có tinh thần tinh tế và nhiều cảm tri, sau khi đã vượt qua thử thách của tuổi thiếu niên."
(Robert Musil, Những nỗi hoảng hốt của cậu học sinh Törleß)
Tuổi thiếu niên đã dần dà - và tự nó - trở thành một trong những chủ đề quan trọng của FORMApubli và tạp chí Văn Bản: quá trình coming of age là một trong những gì phức tạp - và rất nhiều khi, đau đớn - nhất mà cuộc sống của con người biết đến. Quá trình lớn lên của một cậu bé trong chiến tranh như ở Giáo dục châu Âu của Romain Gary, sự trưởng thành của một cậu bé sống trên một hòn đảo, như trong Hòn đảo của Arturo (Elsa Morante) và sắp tới đây, Những nỗi hoảng hốt của cậu học sinh Törleß, cuốn tiểu thuyết khủng khiếp của Robert Musil: văn chương luôn luôn tự tìm đến những gì phức tạp nhất, vì đấy là lẽ sống của nó.
François Mauriac viết Một thiếu niên thời xưa (Un adolescent d'autrefois), một dạng hồi ký vào năm 1969, tức là 44 năm sau Sa mạc tình yêu. Thêm một hồi ký quan trọng nữa: hồi ký cũng đã trở thành một hướng lớn cho tạp chí Văn Bản trong thời gian gần đây và sẽ còn được phát triển mạnh thêm.
"Tôi viết khác với tôi nói, tôi nói khác với tôi nghĩ, tôi nghĩ khác với lẽ ra tôi phải nghĩ, và cứ như thế mãi cho tới nơi sâu thẳm nhất của bóng tối."
KAFKA
1
Tôi không phải là một thằng bé giống những thằng bé khác. Nếu tôi là một thằng bé giống những thằng bé khác, thì hẳn ở tuổi mười bảy tôi phải đi săn cùng Laurent, anh cả của tôi, và Duberc, người quản lý đất đai của chúng tôi, và Simon Duberc, con trai thứ của ông, là trưởng tu và lẽ ra, vào giờ này, đang dự lễ chiều, rồi thì Prudent Duberc, anh trai cậu ta, cứ bắt Simon phải kính cẩn chào ông cha xứ. Hẳn tôi phải sử dụng loại súng cỡ nòng 24, thay vì chui lủi bụi rậm và làm như thể mình là một con chó - thay vì chơi trò làm con chó. Phải, tôi chơi trò làm con chó, nhưng cùng lúc tôi tự hỏi điều gì đang diễn ra trong đầu óc của Simon. Cậu đã trụt cái áo choàng của mình ra cho khỏi vướng víu vào đám kim tước cùng các loại cây bụi; hai bắp chân thật to nhét trong đôi bít tất len màu đen, tại sao trông chúng buồn cười đến vậy? Cậu thích đi săn như Diane và Stop. Cậu đi săn do dòng giống, điều này mạnh hơn cậu, nhưng cậu biết rằng vào giờ ấy ông Trưởng đang làm lễ thấy ngay trước mặt cái khoang trống nơi lẽ ra phải có Simon, nhưng cậu lại không ở đó. Sau lễ chiều, ông Trưởng sẽ tới nhà nói chuyện này với mẹ tôi. Tôi hy vọng mình kịp về, dẫu họ rất nghi ngại và im bặt ngay lúc tôi lại gần. Tôi là một kẻ hay tán chuyện, theo mẹ tôi, và ông Trưởng thấy tôi có tinh thần xấu vì tôi hay đặt các câu hỏi mà ông chẳng bao giờ tự đặt cho mình, mà không ai từng đặt cho ông, tôi thì lại còn ít hơn; nhưng ông biết tôi thấy ông ngu.
"Con thấy ai cũng ngu!" Đấy là một lời trách của mẹ tôi. Ở nhà, tôi chỉ thấy một mình tôi có trí tuệ, đúng thế, nhưng tôi biết mình chẳng biết gì vì người ta đã không dạy gì cho tôi. Các ông thầy của tôi, ngoài những thứ sơ đẳng, không có gì để dạy tôi. Đám bạn học vượt xa tôi ở mọi thứ gì chúng thấy là quan trọng. Chúng khinh bỉ tôi và chúng đúng khi khinh bỉ tôi: tôi không chơi môn thể thao nào, tôi là dạng thư sinh trói gà không chặt. Tôi đỏ mặt những lúc chúng nhắc đến lũ con gái và chuyền tay nhau các bức ảnh, tôi quay mặt đi. Tuy nhiên một số tỏ ra thân thiết với tôi, và thậm chí còn hơn mức tình bạn. Chúng biết những gì chúng sẽ làm, chúng đã có chỗ của mình. Nhưng còn tôi? Tôi không biết mình là ai. Tôi biết là tất tật những gì mà ông Trưởng rao giảng, tất tật những gì mà mẹ tôi tin chẳng ăn nhập gì với những gì tồn tại thực. Tôi biết rằng họ không có chút ý thức công bằng nào. Tôi thấy tởm thứ tôn giáo mà họ thực hành. Điều này không ngăn cản việc tôi không thể không có Chúa. Đấy là điều, xét về sâu xa, khiến tôi khác với tất tật những người khác, chứ không phải chuyện tôi chơi trò làm chó và chui lủi bụi rậm thay vì săn bắn cùng Laurent, Prudent và Simon Duberc và thậm chí tôi còn không có khả năng dùng khẩu súng cỡ nòng 24. Mọi điều ông Trưởng kể tôi đều thấy xuẩn ngốc, và cả cách thức ông dùng để kể chúng nữa; và thế nhưng tôi tin vậy là đúng, hẳn tôi sẽ dám viết ra cho riêng tôi: tôi biết vậy là đúng, như thể một người mù cùng lúc cũng là một người hướng lối được cấp bằng chứng nhận dẫn tôi tới sự thật đúng, qua những lộ trình phi lý, vừa đi vừa lẩm bẩm tiếng Latin, và bắt các đám đông càng lúc càng thưa thớt hơn lẩm bẩm theo và, rốt cuộc, chỉ còn là một đàn thú chỉ vừa đủ khả năng gặm cỏ ở chỗ người ta dẫn chúng đến ăn... Nhưng gì cơ! Ánh sáng trong đó họ bước đi, mà họ không trông thấy, thì tôi lại thấy, hay nói đúng hơn nó đã ở bên trong tôi. Họ cứ nói tất tật những gì mà họ muốn: họ chính là những kẻ vô tri hay những kẻ ngu xuẩn mà Donzac bạn tôi, một người hiện đại, điên cuồng chống lại. Điều này không ngăn cản việc những gì họ tin là đúng. Đối với tôi lịch sử Nhà thờ đưa về điều này.
Con thỏ, họ đã tóm được nó ở bờ ruộng của Jouanhaut. Cuộc trở về rất mệt nhọc: bảy cây số trên con đường u ám kia, nhưng đối với tôi nó rất yêu quý, giữa hai bức tường dựng bằng những cây thông - "Mọi thứ đều thuộc về Bà, cho đến hết mức mắt cậu có thể nhìn!" Duberc không bao giờ bỏ qua việc tuyên bố điều này suốt dọc con đường, với sự kiêu ngạo người mu-gic lạ thường của ông... Thật gớm khi viết điều này. Tôi biết từ trước rằng trên đường về Simon, trưởng tu, sẽ đi cạnh tôi, bước đi chẳng nói chẳng rằng. Laurent thì bỗng biến thành đứa trẻ con: anh dùng chân đẩy một quả thông đi; nếu rê được nó về đến nhà, anh sẽ thắng.
Chúng tôi, Simon và tôi, không nói chuyện gì. Chắc hẳn ông cha xứ đã phàn nàn trước mặt cậu ta về "tinh thần xấu" của tôi và Simon ngưỡng mộ tôi về chỗ ở tuổi mười bảy tôi đã có khả năng gây lo lắng cho cái con người thiển cận bảo trợ cho cậu kia, chừng nào cậu là một chủng viện sinh về nghỉ.
Ở đây tôi muốn thú tội trước Chúa về sự lừa dối của tôi: điều làm cho tôi trở nên đáng ngại đối với ông Trưởng và có lẽ đáng ngưỡng mộ trong mắt Simon, ấy là các ý niệm mơ hồ mà tôi thu nhặt được từ André Donzac bạn tôi, người không ngừng lải nhải với tôi về những gì đã đọc được ở Biên niên triết học Ki-tô. Cậu ca ngợi hết lời một ông cha tên là Laberthonnière, thành viên Oratoire, người điều hành tờ tạp chí ấy, mà ông Trưởng kinh tởm khi nghe nói: "Đấy là một kẻ hiện đại, bốc mùi dị giáo", ông nhắc đi nhắc lại. Tôi khinh ông vì ông sử dụng hình ảnh dữ tợn và ngu xuẩn đó: dị giáo! Đối với bọn họ chuyện bao giờ cũng nằm ở chỗ phải thiêu những ai tin tưởng với cặp mắt mở.
Không vì thế mà tôi bớt là một kẻ lừa dối bởi vì tôi trút lên họ, như thể từ tự tôi, những lời lẽ cháy ngùn ngụt của André và có vẻ biết những gì mà họ không biết trong khi tôi cũng dốt nát y như họ... Không, tôi đang tự vu khống bản thân. Cũng như André, tôi đã xâm nhập được Pascal. Tôi đọc Pascal không cần phải tự gượng ép; nhất là các "ghi chú" trong ấn bản của Brunschvicg [tức là Pensées], mà André đã đưa tôi. Mọi thứ gì liên quan tới Port-Royal đều khiến tôi xúc động.
Simon Duberc, đã tốt nghiệp, từng đọc Pascal chưa? Tôi ngờ là cậu không biết tác giả nào trong chương trình bằng tiếp xúc trực tiếp, mà chỉ đọc trong sách giáo khoa... Cậu đang bước đi bên cạnh tôi. Tôi ngửi thấy mùi mồ hôi đang đẫm nặng cái áo thụng của cậu. Cậu không hề bẩn: cậu ít bẩn hơn so với gia đình nông dân của mình, những người đó thì chẳng biết tắm là gì, có lẽ còn ít hơn chính chúng tôi, bởi để bắt cá gần như hôm nào cậu cũng nhảy xuống nước. Cậu câu cá chó và tóm lấy chúng, đập vào gốc mấy cây nhỏ trước đó cậu chăng lưới... Nhưng tôi sẽ không kể các câu chuyện về câu cá.
(còn nữa)
Huỳnh Bất Thức dịch
viết về mình
Mario Vargas Llosa: Cá gặp nước
Rousseau, Cuộc dạo chơi đầu tiên