Tê-lê-mặc phiêu lưu ký
464 trang
13,5 x 20,5 cm
TÊ-LÊ-MẶC PHIÊU LƯU KÝ
(LES AVENTURES DE TÉLÉMAQUE)
Của ông linh-mục Fénelon soạn ra
NGUYỄN-VĂN-VĨNH
diễn quốc-âm
1927
ÉDITIONS DU TRUNG-BẮC-T N-VĂN
68, Rue Jules-Ferry
HANOI
Fénelon là một nhân vật lừng danh, lại còn là một con người tuyệt vời, không những thế Fénelon lại còn không sợ. Nguyễn Văn Vĩnh tìm ra được ở Fénelon ("Phê-nơ-long") một nguồn cảm hứng lớn, vì Fénelon, đó không chỉ là văn chương hay tôn giáo, đó còn là một gợi ý vô song về cách tồn tại dưới áp bức.
Sống vào nửa sau thế kỷ 17 và thêm 15 năm đầu thế kỷ 18, Fénelon báo trước rất nhiều cho thế kỷ sẽ được gọi là "Ánh sáng". Khi Fénelon qua đời thì xuất hiện một nhân vật lớn khác - như một sự tiếp nối - ấy là Montesquieu (các nhà nho Việt Nam rất biết Mạnh-đức-tư-cưu của "Vạn lý tinh pháp"). Nguyễn Văn Vĩnh giới thiệu "Pha-lan-xoa đơ Xa-li-nhắc đơ la Mốt Phê-nơ-long": "Tài của tiên-sinh rất sớm. Năm 15 tuổi đã đứng giảng đạo, lời lẽ rất cao, ai nghe cũng lấy làm phục".
Không chỉ văn chương và tôn giáo: vì ở Fénelon còn có những tính cách đặc biệt của một nhà sư phạm. Nguyễn Văn Vĩnh gọi "L'Éducation des Filles" của Fénelon là "sách Nữ-tắc", dạy dỗ cho phụ nữ: chủ đề này chắc hẳn khiến những ai được dạy rằng "nữ nhân nan hóa" thấy hết sức tò mò.
Công cuộc dạy dỗ và đường công danh của Fénelon được Nguyễn Văn Vĩnh thuật tiếp, như sau: "Đến năm 1689, vua Lô-y XIV cử tiên sinh làm sư phó cho Hoàng-tôn là Bô-ngôn quốc-công (Duc de Bourgogne), năm 1693 tiên-sinh được vào Hàn-lâm-viện. Cách hai năm thì vua phong cho làm Đại-linh-mục giáo-đường Cam-bi-rê (Archevêque de Cambrai)." Fénelon, nhờ tính tình khoan hòa của mình, được người ta đặt cho biệt danh "Thiên nga Cambrai". Fénelon sẽ nổi tiếng vì cuộc tranh luận với một nhân vật tôn giáo lớn khác thời ấy, Bossuet.
"Tê-lê-mặc" là sách Fénelon viết ra nhằm dạy cho quận công de Bourgogne. Đây là một cuốn tiểu thuyết vô cùng hấp dẫn (chưa ai đọc hai trang đầu mà không đọc một mạch hết luôn 500 trang, 18 chương - Nguyễn Văn Vĩnh không gọi là "chương" hay "thiên" mà "hồi"), nhất là khi sách được Nguyễn Văn Vĩnh dịch bằng một giọng văn vô cùng khoái hoạt (chắc hẳn Nguyễn Văn Vĩnh rất thích bản dịch của mình nên tuy đã dịch nó từ trước rất lâu, in cả thành sách, nhưng trong thập niên 30 lại cho đăng nó dài kỳ trên tờ "Thanh Nghệ Tĩnh tân văn"). Tê-lê-mặc (Télémaque) là con trai của Ulysse ("U-lịch vương") danh tướng của Hy Lạp đi đánh thành Troie nhưng mãi không thấy về; mẹ của Tê-lê-mặc cũng rất nổi tiếng, như ai cũng biết: Pénélope ("Bê-nê-lốp") ngày dệt thảm đêm lại tháo ra tại hòn đảo Ithaque. Đến tận Kundera vẫn còn sử dụng câu chuyện trở về của Ulysse làm nền cho một cuốn tiểu thuyết lớn - mà chắc ai cũng đã biết. Jean Giono hồi còn trẻ cũng viết một cuốn tiểu thuyết về Ulysse hồi hương (chúng tôi sẽ sớm xuất bản Giono - nếu Giono gây được nhiều quan tâm, điều mà tất nhiên chẳng ai biết được vào lúc này, thì khả năng lớn là chúng tôi cũng sẽ ấn hành bản dịch cuốn tiểu thuyết về Ulysse của Giono, nó sẽ gây rất nhiều ngạc nhiên).
Tê-lê-mặc có người thầy Mentor ("Men-tô") đi cùng cũng trải qua nhiều hoạn nạn, nhất là trên biển (nữ thần Aphrodite - Venus - rất hay gây chuyện với các anh hùng, lại còn gây chuyện dữ vì rất thân với thần biển Neptune tức Poseidon), không khác gì Ulysse cha chàng hay Énée nhân vật thoát khỏi Troie và lập ra La Mã. Thoạt đầu, Tê-lê-mặc gặp phải chính người tình cũ của ông bố mình, Calypso, cho nên phải chiến đấu chống lại dục vọng bốc lên ngùn ngụt như dầu sôi lửa bỏng. Fénelon tin rằng bằng cách kể những câu chuyện (khuyến thiện, nhưng không rơi vào mô phạm, giáo điều) thì học trò sẽ hiểu được sâu sắc về nhiều thứ. Trường đoạn Idoménée ("Y-đô-mê-nê") là khi một người sẽ làm vua như Tê-lê-mặc phải học cặn kẽ các chi tiết của thuật trị nước, nhất là phải học bằng được tư thế của một quân vương chính đính.
Nội dung một cuốn sách như vậy rất dễ khiến Fénelon gặp rắc rối, thậm chí nguy hiểm ("Tê-lê-mặc phiêu lưu ký" được in lần đầu năm 1699, mà Fénelon không hề biết - không hiểu Nguyễn Văn Vĩnh lấy từ nguồn lầm lạc nào mà lại nói Fénélon viết cuốn sách vào năm 1712): Louis XIV không phải là một vị vua để người ta nhờn mặt. Nhất là Roi Soleil (cả "Louis" lẫn "Soleil", rồi cả "Versailles" đã tạo rất nhiều cảm hứng cho giới nouveau riche ở Hà Nội ngày nay, thể hiện ở các tòa nhà to mới xây) rất hách dịch. Quả nhiên, Fénelon bị thất sủng. Đấy là thời nằm dưới một ý lớn: Nhà nước đồng nghĩa với Nhà nước-Thiên hựu (Providence), và Louis XIV thì đương nhiên coi Nhà nước chính là mình. Con đường dẫn đến chuyên chế đã rất rõ ("phong kiến chuyên chế": chủ đề bình luận ưa thích của một số triết gia, chẳng hạn như Lukács), trong tình hình như vậy cùng lắm (các triết gia "Ánh sáng") người ta cũng chỉ có thể hy vọng về một "quân vương chuyên chế được soi sáng", hình tượng hay được gán cho Friedrich Đại đế nước Phổ, người bảo trợ cho nhiều triết gia, văn nhân, nghệ sĩ.
Thời của Louis XIV còn là thời của đấu tranh tôn giáo: xung đột giữa vua và giới quý tộc (chuyên chế tức là xóa bỏ hình thức cũ, tức là hình thức theo đó vua chỉ là một trong số các quý tộc, được chọn ra giữa những người ngang hàng) dịu đi thì xung đột tôn giáo bùng nổ. Louis XIV không còn muốn nương tay với người Tin lành nữa: dưới triều đại của Louis XIV, Édit de Nantes lừng danh bị bãi bỏ; Édit de Nantes là một Chỉ dụ từ đời vua trước, thể hiện tinh thần khoan dung tôn giáo (tolerance là yếu tố then chốt dẫn đến cái ngày nay vẫn rất thịnh hành: liberalism). Bãi bỏ nó đi, Louis XIV tạo ra một cuộc bỏ chạy khỏi nước Pháp của rất nhiều người. Phái Jansénisme (nếu muốn ngắn gọn: Port-Royal) cũng bị Louis XIV hạ lệnh đàn áp, san phẳng luôn cả trú sở.
Vậy nên cần phải không sợ, như Fénelon, cùng một số người khác, thì chúng ta mới có một cuốn sách như "Tê-lê-mặc phiêu lưu ký" để đọc, để nắm bắt được tinh thần một thời đại (bởi vì văn chương có ý nghĩa đó). Fénelon cũng không sợ, khi bảo vệ cho Madame de Guyon là một nhân vật thần bí nổi tiếng thời ấy - trong nhiều tiểu thuyết của Balzac có nhắc đến.
Nhưng xét cho cùng, từ mỗi thời đại, sẽ chỉ còn lại vài gương mặt cho hậu thế, những người không sợ.
In lại bản dịch đầu tiên của LES AVENTURES DE TÉLÉMAQUE sang tiếng Việt, cuốn sách bạn đang xem thuộc bộ Quốc-ngữ, một phần trong dự án lớn Con đường Việt Nam. Tập hợp các tác phẩm cốt yếu của sự tiến hóa tinh thần Pháp từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trong ngôn ngữ dịch khoái hoạt và hàm súc của Nguyễn Văn Vĩnh, bộ Quốc-ngữ gồm chín quyển sau:
Molière, Bệnh tưởng: hài kịch
Molière, Người biển lận: hài kịch
Molière, Trưởng giả học làm sang: hài kịch
Lesage, Tục ca lệ: hài kịch
Fénelon, Tê-lê-mặc phiêu lưu ký
Balzac, Miếng da lừa
Alexander Dumas, Ba người ngự lâm pháo thủ
Lesage, Truyện Gil-Blas (hai tập)
Có thể đặt cả bộ sách cùng bản mềm các tiểu luận phê bình liên quan tại đây.
Quà tặng kèm là quyển Đoản luận giáo dục của triết gia Alain, một độc giả lớn của các tác giả thuộc bộ sách trên, nhất là Fénelon và Balzac.