favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2024
Next

Clarice Lispector: Ba truyện

01/01/2024 08:25

Sống là như thể mệt rũ ra rồi nhưng không ngủ được: the body demands, the spirit never ceases.

(Clarice Lispector)

 

Clarice Lispector thường được nhớ đến với A paixão segundo G. H., một passion dài, nhưng đặc biệt xuất sắc với các bài ngắn, nhất là các crônicas. Đó là một phụ nữ hút rất nhiều nhân vật vào mình và thích kể về những cuộc gặp ấy. Từ đó mà hiện ra cả một phong cảnh âm nhạc Brazil: Tom Jobim, Chico Buarque (de Holanda), rồi cả Caetano Veloso (Veloso đọc các truyện ngắn của Lispector khi còn chưa dậy thì).

một phụ nữ cũng có vai trò tương tự

Lispector cũng là độc giả của Katherine Mansfield từ rất sớm và kể về điều đó trong một chronicle thuộc mục riêng của mình trên tờ Jornal do Brasil. Đó là khải ngộ văn chương của Lispector ở tuổi mười lăm, một viên ngọc tìm thấy khi lang thang trong hiệu sách, với những đồng tiền lần đầu tiên kiếm được. 

I thought to myself: this book is me!

 

Dưới đây là ba Lispector ngắn: "Tình yêu", "Bắt chước hoa hồng", "Liên hệ gia đình," do Giả Linh Hoa dịch từ tuyển tập tiếng Pháp, Clarice Lispector: Nouvelles édition complète (Les éditions des femmes, 2017). 

 

Tình yêu

- Clarice Lispector

Có chút mệt, xách theo đống đồ vừa mua làm biến dạng cái túi lưới mới của cô, Ana lên tàu tram. Cô đặt túi vào lòng và đoàn tàu chuyển bánh. Cô thả lỏng người ra trên băng ghế cho thoải mái, kèm một tiếng thở phào, cảm thấy gần như thỏa mãn.

Mấy đứa con của Ana là những đứa trẻ thật tuyệt, một cái gì đó thật, đầy nhựa sống. Chúng đang lớn lên, chúng tắm rửa, chúng đòi cho mình, cái lũ nhóc còn chưa học được gì nhiều ấy, các giây phút càng lúc càng đầy đủ hơn. Rốt cuộc bếp thật rộng, bà bếp đi đứng vụng về và hay gây những tiếng xủng xoảng. Trong căn hộ đó, mà họ đang trả tiền dần, thật nóng. Nhưng thứ gió lay động những tấm rèm mà chính tay cô cắt nhắc cô rằng nếu muốn, cô có thể dừng tay và vừa chùi trán vừa nhìn ra chân trời yên ả. Như một người cày bừa. Cô đã trồng các hạt giống mà cô có trong tay chứ không phải những hạt giống khác, chỉ chúng thôi. Và những cái cây lớn lên, như lớn lên cuộc trò chuyện ngắn của cô với người thu tiền điện, lớn lên thứ nước đổ đầy vào chậu rửa, lớn lên lũ trẻ con, lớn lên cái bàn chất đầy đồ ăn, chồng cô bước tới, tay cầm những tờ báo và mỉm cười tỏ vẻ đã đói, các bài hát bất thần của các bà giúp việc trong tòa nhà. Ana chìa cho mọi thứ, đầy bình thản, bàn tay nhỏ bé và mạnh mẽ của cô, dòng cuộn sự sống của cô.

Một giờ nào đó vào buổi chiều thì nguy hiểm hơn. Vào một giờ nào đó của buổi chiều đám cây mà cô đã trồng chế nhạo cô. Khi chẳng gì còn cần đến sức mạnh của cô nữa, cô thấy lo lắng. Tuy nhiên cô tự cảm thấy mình vững chắc hơn bao giờ hết, cơ thể cô đã hơi đẫy ra và cần phải nhìn cách cô cắt những cái áo sơ mi cho các con, với cái kéo to ngậm vào vải kêu lách tách. Tất tật những khát khao mơ hồ có tính cách nghệ thuật của cô từ lâu có mục đích là mang lại cho các ngày sự đầy cùng vẻ đẹp; với thời gian, sở thích trang trí của cô đã phát triển và bứng đi sự mất trật tự sâu kín nơi cô. Cô dường đã phát hiện được rằng mọi điều đều có thể trở nên hoàn hảo hơn, rằng cho mỗi thứ người ta có thể mang đến một vẻ ngoài hài hòa; cuộc sống có thể được làm ra bởi bàn tay con người.

Trong thâm tâm, Ana từng lúc nào cũng cần cảm thấy rễ vững chãi của tất tật mọi sự. Và thật kỳ quặc, chính một tổ ấm đã mang tới cho cô cái đó. Bằng các con đường vòng vèo, rốt cuộc cô đã tự kiếm lấy cho mình một số phận phụ nữ, với niềm kinh ngạc vì có thể lưu chuyển ở trong đó như thể cô đã tạo ra nó. Người đàn ông cô đã lấy là một con người thật, mấy đứa con mà cô đã có là những đứa con thật. Tuổi trẻ trước kia của cô đối với cô dường cũng lạ thường như một căn bệnh về sống. Cô đã dần dà trồi lên từ đó và phát hiện được, ngay cả nếu không có hạnh phúc, người ta vẫn có thể sống: bằng cách tiêu diệt nó đi, cô đã gặp cả một đoàn lũ người, trước đây vô hình, sống giống người ta làm việc - với sự dai dẳng, chuyên cần, niềm vui. Những gì đã xảy tới với Ana trước khi có một tổ ấm đã vĩnh viễn ở bên ngoài tầm với của cô: một phấn hứng quẫn quánh từng rất thường bị lẫn lộn với một hạnh phúc không thể chịu nổi. Để đổi lại cô đã tạo ra một cái gì đó rốt cuộc có thể hiểu, một cuộc sống của người lớn. Đúng như cô đã muốn nó và chọn nó.

Điều cần cẩn trọng duy nhất là phải chú ý đến cái giờ nguy hiểm của buổi chiều, khi nhà trống rỗng và không còn cần tới cô nữa, mặt trời thật cao, mọi thành viên trong gia đình đều đã được phân chia đi làm các chức năng riêng. Ngắm những thứ đồ đạc được đánh chùi cẩn thận, tim cô thắt lại vì một nỗi hoảng sợ thật nhẹ, nhưng cô bóp nghẹt nó đi với chính sự khéo léo ấy, mà các công việc nội trợ đã dạy cho cô. Khi đó cô ra ngoài đi chợ hoặc mang các thứ đồ đi sửa, chăm lo cho tổ ấm của cô và gia đình cô mà họ chẳng hay biết. Lúc cô quay về, thì đã là cuối buổi chiều và bọn trẻ con, đã đi học về, đòi cô. Và thế là, đêm sắp đến với rung động bình thản của nó. Sáng hôm sau cô sẽ tỉnh dậy bao quanh là vòng hào quang của các nghĩa vụ bình yên. Hẳn cô sẽ tìm được các thứ đồ lại bị phủ bụi và bẩn, như thể chúng quay trở về với cô, đầy ăn năn. Về phần chính cô, theo đường lối tăm tối cô thuộc về những rễ đen và mềm của thế giới. Và một cách vô danh cô cung cấp dưỡng chất cho sự sống. Là như vậy đấy. Đúng như cô đã muốn nó và chọn nó.

Tàu tram lắc lư trên đường ray, đi vào các phố rộng hơn. Một thứ gió ẩm hơn đã thổi, nó thông báo, thay vì kết thúc của buổi chiều, đúng hơn là kết thúc của cái giờ thiếu ổn định. Ana hít thật sâu và một sự chấp nhận to lớn mang lại cho khuôn mặt cô một dáng vẻ của phụ nữ.

Tàu tram khó nhọc tiến lên, rồi dừng khựng lại, cho đến Humaitá cô có thời gian để thở một chút. Chính vào lúc đó cô trông thấy người đàn ông đứng ở bến.

Sự khác biệt giữa ông ta và những người khác nằm ở chỗ ông ta thực sự bất động. Đứng đó, hai tay giơ ra phía trước. Đó là một người bị mù.

Điều gì thúc đẩy Ana nhỏm dậy, đầy cảnh giác? Một cái gì đó gây rối loạn đang diễn ra. Khi ấy cô thấy: người mù đang nhai kẹo cao su. Một người mù nhai kẹo cao su.

Ana kịp có thời gian để nghĩ trong vòng một giây rằng các anh em của cô sẽ đến ăn tối - tim cô đập mạnh, rất mạnh, từng hồi. Cúi người xuống, cô nhìn người mù thật lâu, giống người ta vẫn nhìn người nào không trông thấy chúng ta. Ông ta nhai cao su trong bóng tối. Không đau đớn, mắt mở to. Chuyển động của sự nhai mang lại cho ông ta dáng vẻ của mỉm cười và đột nhiên ngừng mỉm cười, mỉm cười và ngừng mỉm cười. Như thể ông ta đã sỉ nhục cô, Ana nhìn ông ta. Và ai thấy cô hẳn sẽ có cảm giác đấy là một phụ nữ tràn ngập căm hận. Nhưng cô tiếp tục nhìn ông ta, mỗi lúc người một cúi thêm xuống. Đoàn tàu đột nhiên chuyển bánh. Bị hẫng, cô ngã ngửa ra đằng sau, cái túi nặng trượt khỏi hai đầu gối, rơi xuống đất. Ana hét lên, người soát vé bắt tàu dừng trước khi biết là có chuyện gì. Đoàn tàu dừng lại, các hành khách ném đi những ánh mắt lo lắng.

Không thể có động tác nào nhằm nhặt những thứ đồ rơi dưới đất, Ana nhỏm dậy, mặt tái nhợt. Một biểu hiện của khuôn mặt, không được dùng đã từ lâu, khó nhọc quay trở lại với cô, hẵng còn thiếu chắc chắn, không sao hiểu nổi. Người bán báo bé nhỏ vừa cười vừa đưa cái túi lại cho cô. Nhưng đống trứng đã bị vỡ trong tờ giấy báo bọc ngoài, lòng đỏ trứng dính nhớp rỏ tong tỏng giữa các mắt lưới. Người mù đã ngừng nhai và chìa hai bàn tay ngập ngừng của mình ra, vô vọng tìm cách nắm lấy những gì đi ngang. Khi gói trứng đã được lấy ra khỏi túi lưới dưới những nụ cười của các hành khách, theo hiệu lệnh của người soát vé đoàn tàu bắt đầu đi trở lại.

Một lúc sau, người ta đã không còn nhìn cô nữa. Tàu tram run rẩy trên đường ray và người mù nhai kẹo cao su đã ở lại phía sau vĩnh viễn. Nhưng sự ác thì đã xảy ra.

Cái túi cầm thấy gai gai tay, không có sự gần gũi như khi cô đan nó. Cái túi lưới đã đánh mất nghĩa của nó và việc ở trên một đoàn tàu tram là dấu hiệu cho thấy một sợi dây đã đứt. Thế đấy, cô không biết phải làm gì với những món đồ đã mua đặt trong lòng mình. Và như một thứ âm nhạc lạ thường, thế giới tái khởi đầu quanh cô. Sự ác đã xảy ra. Tại sao? Hay là cô quên mất là có những người mù? Sự xót thương làm cô ngạt thở, cô thở nặng nề. Ngay cả những điều tồn tại từ trước sự kiện giờ đây cũng thủ thế, chúng có một dáng vẻ thù địch hơn, dễ tan biến đi... Thế giới quay trở lại thành một nỗi khó ở. Hàng năm và hàng năm suy sụp, lòng đỏ trứng chảy ra. Bị đẩy thốc đi khỏi những ngày của chính cô, cô thấy dường những người bộ hành đang lảo đảo, họ chỉ được giữ bởi một sự cân bằng hết sức tạm bợ trên bề mặt của bóng tối - và trong thoáng chốc sự thiếu nghĩa khiến họ trở nên tự do tới nỗi không biết đi đâu. Tri nhận một thiếu vắng của luật là điều tàn bạo đến mức Ana phải bíu tay vào thành ghế trước mặt, như thể cô có nguy cơ bị ngã ra khỏi tàu, như thể mọi điều có thể trở ngược cũng theo lối bình thản như chúng chẳng hề bình thản.

Cái mà cô gọi là cơn khủng hoảng rốt cuộc đã tới. Và dấu hiệu, ấy là khoái lạc cường độ lớn với đó kể từ nay cô quan sát mọi sự, rơi vào một đau đớn, đầy sửng sốt. Cái nóng mỗi lúc một thêm ngạt thở, mọi thứ đã giành lấy một lực và các giọng lớn hơn. Trên phố Lính Tình nguyện của Tổ quốc, một cuộc cách mạng như thể sắp bùng nổ, các tấm lưới che miệng cống khô khốc, không khí nhiễm bụi. Một người mù nhai kẹo cao su đã nhấn thế giới vào một nỗi háu đói tối tăm. Và người nào mạnh mẽ cũng biểu lộ sự thiếu vắng lòng thương hại đối với người mù và Ana thấy hoảng sợ trước sự mạnh mẽ của những người đó. Ở gần cô, có một bà vận đồ màu xanh, với một khuôn mặt. Bà ta quay mặt đi không nhìn, thật nhanh thật nhanh. Trên vỉa hè, một phụ nữ bạt tai đứa con trai của mình! Hai người yêu nhau mỉm cười nắm tay... Còn người mù? Ana rơi vào một lòng tốt đau đớn cực điểm.

Cô đã bình định cuộc đời mình thật ổn thỏa, đã cẩn thận đến mức không để cho mình bùng nổ. Cô giữ mọi điều trong một sự hiểu đầy thanh thản, phân tách mỗi người khỏi những người khác, quần áo hiển nhiên được làm ra để mặc và nhờ báo chí người ta có thể chọn bộ phim nào để xem vào buổi tối, phải, mọi sự đều được làm theo cách thức những ngày nối tiếp những ngày. Và một người mù nhai kẹo cao su phá tan hoang toàn bộ những cái đó. Và xuyên qua lòng thương xót hiện ra với Ana một cuộc đời đầy ngập cơn buồn nôn êm ái, chỉ trực ào ra bên ngoài.

Mãi lúc ấy cô mới nhận ra rằng từ lâu mình đã đi quá bến. Đang yếu như thế, điều gì đối với cô cũng như một nỗi hoảng; cô xuống khỏi tàu, hai chân mềm nhũn, nhìn ra xung quanh, tay cầm cái túi bê bết vết lòng đỏ trứng. Mất một lúc cô không biết đi đường nào. Cô có cảm giác mình đã đi xuống tâm của đêm.

Đó là một phố dài, hai bên dựng đứng những bức tường màu vàng. Tim cô đập thoi thóp, cô tìm cách nhận biết quanh đó nhưng vô vọng, trong khi cuộc sống mà cô đã phát hiện tiếp tục đập và một làn gió ấm hơn và bí hiểm hơn tắm đẫm mặt cô. Cô đứng yên đó, nhìn bức tường. Rốt cuộc cô cũng tự định vị được. Sau đi đã tiến vài bước dọc theo một hàng giậu, cô bước qua cánh cửa của Vườn Thực vật.

Cô đi bằng bước chân nặng trĩu trên lối chính, giữa đám dừa. Trong Vườn không có ai. Cô đặt mấy thứ đồ của mình xuống đất, ngồi lên băng ghế của một lối đi và ở lại đó một lúc lâu.

Sự rộng lớn dường khiến cô trấn tĩnh, sự im lặng đưa nhịp thở của cô về lại mức bình thường. Cô thiu thiu ở tận sâu chính cô.

Từ xa cô nhìn thấy lối đi nơi buổi chiều thật sáng và tròn. Nhưng bóng tối lờ mờ của các cành cây phủ lên cái lối.

Quanh cô có các tiếng ồn êm ả, một mùi cây cối, những điều bất ngờ nhỏ giữa đám dây leo. Cả khu Vườn bị nghiền nhỏ bởi các giây phút giờ đây gấp gáp hơn của buổi chiều. Từ đâu mà đến cơn nửa ngủ nửa mê vây quanh cô kia? Như là từ tiếng ong ong của ong và chim. Mọi thứ đều lạ thường, quá dịu ngọt, quá lớn.

Một chuyển động nhẹ và thân quen làm cô phát run, cô vội ngoái đầu lại. Dường đã chẳng gì nhúc nhích. Nhưng trên lối chính một con mèo hùng mạnh đang đứng bất động. Bộ lông của nó rất mềm. Nó biến mất đi bằng những bước nhỏ êm ru mới toanh.

Lo lắng, cô nhìn ra xung quanh, các cành cây đung đưa, bóng của chúng chao đảo trên mặt đất. Một con chim sẻ đang mổ mỏ xuống đất. Và đột nhiên, thấy khó ở, cô có cảm giác mình đã bị rơi vào một cái bẫy. Trong Vườn đang được tiến hành một công việc bí mật mà cô bắt đầu tri nhận được.

Trên những cái cây các quả màu đen, ngọt như mật ong. Trên mặt đất có những hạt khô đầy vạch tròn, giống các bộ não nhỏ thối rữa. Băng ghế dính các thứ nước quả màu tím. Nước thì thầm với một sự êm dịu cường độ lớn. Nơi thân cây móc vào những cái cẳng rực rỡ của một con nhện. Sự tàn nhẫn của thế giới thật bình thản. Sự sát nhân sâu sắc. Và cái chết không phải những gì mà chúng ta vẫn hay nghĩ.

Vì mọi thứ đều là tưởng tượng, đó là một thế giới để cắn ngập răng vào, một thế giới của tulip và dahlia phì nhiêu. Các thân cây bị băng ngang bởi những loài sinh vật ký sinh rậm lá, cái ôm siết của chúng êm, dính. Giống nỗi kinh tởm đi trước một sự bỏ mặc, thật là thu hút, người phụ nữ thấy buồn nôn, và thật thu hút.

Đám cây oằn xuống bên dưới các quả, thế giới phong nhiêu đến độ nó thối rữa ra. Khi Ana nghĩ rằng có những đứa trẻ con cùng người lớn rơi vào sự đói, cơn buồn nôn dâng lên cổ họng cô, như thể cô đang có thai và bị bỏ rơi. Bài học của Vườn khác hẳn. Giờ đây khi người mù đã dẫn cô tới đây, cô run lên trước những bước chân đầu tiên của một thế giới sáng lấp lánh, u tối, nơi bọn bồ câu bay bập bềnh, trông gớm ghiếc. Những hoa nhỏ điểm xuyết trong cỏ đối với cô dường không màu vàng hay hồng mà bằng vàng nguyên khối và sáng lòa. Sự phân rã thật sâu, tỏa hương... Nhưng tất tật những thứ đè nặng kia, cô trông thấy chúng, cái đầu bọc trong một đàn côn trùng được gửi đến bởi cuộc sống nhỏ nhoi nhất trên đời. Làn gió nhẹ len vào giữa các bông hoa. Ana đoán thì nhiều hơn là ngửi thấy mùi ngọt hắc của chúng... Vườn đẹp tới nỗi cô thấy sợ Địa ngục.

Giờ, trời đã gần tối và mọi sự dường bão hòa, nặng, một con sóc lao mình trong bóng tối. Dưới chân cô đất mềm, Ana khoái trá hít ngửi nó. Thật thu hút và cô thấy buồn nôn.

Nhưng lúc nhớ đến mấy đứa con, trước chúng cô từng cảm thấy tội lỗi, cô vội đứng dậy, kêu lên đau đớn. Cô cầm lấy cái túi, đi theo lối tối om, ra chỗ lối chính. Cô gần như chạy, cô thấy quanh mình Vườn, trong sự vô nhân xưng cao ngạo của nó. Cô lắc cái cổng đã đóng, cô rung nó bần bật, bám tay vào thứ gỗ sần sùi. Người gác xuất hiện, ngạc nhiên vì đã không nhìn thấy cô.

Toàn bộ quãng thời gian cô dùng để đi về cửa tòa nhà của mình, cô có cảm giác đang sượt qua một thảm họa. Cô chạy, tay cầm cái túi, đến thang máy, tâm hồn cô va đập trong ngực cô - chuyện gì xảy đến với cô đây? Lòng thương của cô dành cho người mù cũng dữ dội như một cơn hoảng hốt, nhưng thế giới chiểu theo toàn bộ vẻ bề ngoài là của cô, bẩn thỉu, sẽ tan biến, thuộc về cô. Cô mở cửa căn hộ. Phòng khách rộng, vuông vắn, các tay nắm cửa sáng bóng, được lau chùi, những ô kính cửa sổ bừng sáng, cái đèn bừng sáng - vậy thì đây là đất mới nào? Và trong thoáng chốc cuộc đời lành mạnh mà cô đã có cho tới lúc ấy hiện ra với cô như một cách thức sống vô nghĩa về mặt luân lý. Thằng bé con chạy đến kia là một con người có hai cẳng chân dài cùng một khuôn mặt giống mặt cô, nó chạy và ôm chầm lấy cô. Cô ôm chặt nó bằng tất tật sức lực, bằng toàn bộ niềm kinh ngạc của mình. Cô vừa run lên vừa tự phòng vệ. Vì cuộc sống chao đảo. Cô yêu thế giới, cô yêu những gì đã được tạo ra - cô yêu nó đến tận mức buồn nôn. Theo cùng cách thức như cô từng luôn luôn bị thu hút bởi lũ hàu, bởi cảm giác gớm tởm mơ hồ kia mà sự tiến lại gần của sự thật mang tới cho cô, như một cảnh báo. Cô ôm chặt lấy con trai cô, gần như đến mức làm nó phát đau. Như thể cô đã biết được về một điều ác - người mù hay Vườn thực vật thật đẹp? - cô bám víu lấy đứa trẻ này, mà cô yêu hơn tất thảy. Cô từng bị dính con quỷ của lòng tin. Cuộc đời thật ghê rợn, cô nói thật nhỏ với nó, thấy đói. Cô sẽ làm gì nếu đáp lại lời gọi của người mù? Hẳn cô sẽ một mình bỏ đi... Có những chốn nghèo và giàu cần đến cô. Cô cần chúng... Mẹ sợ, cô nói. Cô cảm thấy các xương sườn yếu ớt của đứa bé trong vòng tay mình, cô nghe thấy những tiếng khóc sợ sệt của nó. Mẹ, thằng bé gọi. Cô đẩy nó ra, nhìn khuôn mặt ấy, tim cô quặn lại. Đừng để mẹ quên con, cô nói với nó. Đứa bé, ngay khi cảm thấy vòng ôm đã được nới, vùng thoát ra và chạy đến chỗ cửa phòng, từ nó nó nhìn cô, đã chắc chắn vào bản thân hơn. Đấy là ánh mắt tồi tệ hơn cả mà cô từng nhận. Máu dồn lên mặt cô, với một bụm hơi nóng.

Cô thả phịch người xuống một cái ghế, những ngón tay vẫn mắc vào các ô lưới của cái túi. Cô thấy xấu hổ vì điều gì?

Không có cách chạy trốn nào. Các ngày mà cô đã rèn ra đã đập vỡ vỏ của chúng và nước thoát ra. Cô lại ở trước con hàu. Và không có cách nào để không nhìn nó. Cô xấu hổ vì điều gì? Thật ra đó đã không còn là lòng thương nữa, đó không chỉ là lòng thương: trái tim cô đầy ngập sự ham sống tồi tệ nhất.

Kể từ nay cô không còn biết nữa, mình thuộc về phía người mù hay những cái cây rậm rạp. Con người dần dà rời xa, và bị hành hạ, cô thấy dường đã chuyển sang phía của những người từng làm mắt cô bị thương tổn. Vườn Thực vật, bình thản và kiêu kỳ, hé lộ cho cô điều đó. Khiếp hãi, cô khám phá ra là mình thuộc vào phần mạnh của thế giới - và người ta phải gọi nỗi thương xót dữ dội của cô là gì? Hẳn cô sẽ bị buộc phải hôn người hủi, bởi chẳng bao giờ cô chỉ là em gái của người đó. Một người mù đã dẫn mình tới chỗ tồi tệ nhất của chính mình, cô hoảng sợ tự nhủ. Cô cảm thấy mình bị cho ra rìa bởi hẳn chẳng người mù nào sẽ uống nước trong hai bàn tay nồng nhiệt của cô. A! là thánh thì dễ hơn là một con người! Vì Chúa, người ta có thể nào chối bỏ sự thật về lòng thương, thứ đã dò thấy trong trái tim cô loại nước sâu hơn cả, không? Nhưng đấy là một lòng thương của sư tử.

Cảm thấy nhục nhã vì biết rằng người mù hẳn thích một tình yêu bần cùng hơn. Và, bị rung lắc bởi các luồng run, cô cũng biết tại sao. Cuộc sống của Vườn Thực vật gọi cô như ánh trăng gọi kẻ hóa sói. Ôi! nhưng mình yêu người mù! cô nghĩ, hai mắt mờ nước. Tuy nhiên hẳn không phải là với tình cảm ấy mà người ta có thể đến một nhà thờ. Mình sợ, cô nói, ở một mình trong phòng. Và cô đứng dậy vào bếp giúp bà hầu chuẩn bị bữa tối.

Nhưng cuộc sống khiến cô nổi da gà, như vừa bị mắc cơn lạnh. Cô nghe thấy tiếng chuông của ngôi trường, xa xôi và dóng dả. Nỗi kinh hãi nhỏ bé về thứ bụi dãi thành sợi in hằn vào chân cái bếp, nơi cô phát hiện con nhện nhỏ. Khi cô cầm lấy cái bình để thay nước, thì đấy là nỗi kinh hãi của bông hoa đang nộp mình, uể oải và đầy kinh tởm, vào tay cô. Cùng cái công việc bí mật đang được thực hiện trong bếp. Gần thùng rác, cô di chân nghiền nát con kiến. Vụ giết chóc con kiến nhỏ nhoi. Cơ thể tí hon run lẩy bẩy. Những giọt rơi xuống thứ nước phẳng lặng của bồn rửa. Lũ bọ mùa hè. Nỗi kinh hãi lũ bọ không biểu cảm. Xung quanh cô có một sự sống im lìm, chậm rãi, bướng bỉnh. Kinh hoàng, kinh hoàng. Cô đi lơ vơ trong bếp, thái beefteck, quấy kem. Quanh đầu cô, thành vòng tròn, quanh ánh sáng, bọn muỗi của một đêm nóng bức. Một đêm nơi lòng thương hực lên như tình yêu thì nực cười. Giữa hai bầu vú cô mồ hôi rỏ tong tỏng. Lòng tin bẻ gãy cô, cái nóng của lò cháy rực trong mắt cô.

Rồi chồng cô tới, các anh em cô cùng vợ họ tới, những đứa con của các anh em cô.

Họ ăn tối, để tất tật các cửa sổ mở, trên tầng mười. Một cái máy bay rung bần bật, đầy đe dọa, trong sự nóng của bầu trời. Dẫu thiếu mất trứng, bữa tối rất ngon. Các con cô không phải lên giường ngay và đang chơi trên tấm thảm cùng những đứa khác. Đang là mùa hè, không cần phải bắt chúng đi ngủ. Ana hơi nhợt nhạt và dịu dàng mỉm cười với những người khác.

Sau bữa tối, rốt cuộc, làn gió đầu tiên có chút mát mẻ thổi vào qua cửa sổ. Họ đang ở đó quanh bàn, gia đình. Mệt vì những ngày của mình, sung sướng vì không bất đồng, hoàn toàn sẵn sàng không trông thấy các khiếm khuyết. Họ cười mọi điều, trong lòng tốt đẹp và đầy con người. Bọn trẻ con đang lớn lên một cách đáng ngưỡng mộ quanh họ. Và như một con bướm, Ana nắm lấy giây phút vào giữa các ngón tay trước khi nó vĩnh viễn không còn là của cô nữa.

Sau đó, lúc tất tật đều đã đi khỏi, bọn trẻ con thì đã ngủ, cô là một phụ nữ thô lỗ đang nhìn qua cửa sổ. Những gì mà người mù đã thả xích có tìm được chỗ trong những ngày của cô không? Phải qua bao nhiêu năm nữa thì mới lại già đi? Trước mỗi chuyển động dẫu là nhỏ nhất, hẳn cô sẽ giẫm lên một trong những đứa con của mình. Nhưng với một sự độc ác của người tình nữ, cô dường chấp nhận rằng từ bông hoa chui ra con muỗi, rằng lũ chim đang bay chập chờn trên bóng tối cái hồ. Người mù thì treo lơ lửng giữa những thứ quả của Vườn Thực vật.

Nếu cái bếp nổ, hẳn lửa đã bắt khắp trong nhà! cô vừa nghĩ vừa lao vào bếp nơi cô thấy chồng mình đứng trước bình cà phê đổ.

- Chuyện gì thế? cô hét lên, người rung bần bật.

Anh phát hoảng, vì thấy nỗi sợ của vợ. Và ngay tức khắc anh phá lên cười, anh đã hiểu.

- Không có gì đâu, anh đáp, anh hơi vụng thôi.

Anh có vẻ mệt mỏi, hai mắt thâm quầng.

Nhưng trước khuôn mặt lạ thường của Ana, anh quan sát cô chăm chú hơn. Rồi kéo cô vào mình, bằng một cử chỉ mau mắn đầy trìu mến.

- Em không muốn có chuyện gì xảy ra với anh, không bao giờ! cô nói.

- Ít nhất thì cũng phải cho phép cái bếp phụt lửa vào mặt anh chứ, anh mỉm cười trả lời.

Cô nép vào vòng tay anh, rũ ra không chút sức lực. Chiều nay, một cái gì đó bình thản đã nổ tung và trong cả nhà ngự trị một bầu không khí thật vui, một dạng hài hước buồn.

- Đến giờ đi ngủ rồi đấy, anh nói, muộn rồi.

Với một cử chỉ không hay thấy ở anh, nhưng đối với cô thật tự nhiên, anh cầm lấy tay vợ, kéo cô đi theo mà không ngoái nhìn lại sau, tách cô ra khỏi mối nguy của sống.

Kết thúc cơn chóng mặt của lòng tốt.

Và nếu quả đúng cô đã băng ngang tình yêu cùng địa ngục của nó, thì giờ đây cô đang bới tóc trước gương, trong thoáng chốc không có bất kỳ thế giới nào ở trong lòng. Trước khi đi nằm, như thể đang tắt một ngọn nến, cô thổi vào ánh lửa nhỏ của ngày.

 

Bắt chước hoa hồng

- Clarice Lispector

Trước khi Armando đi làm về, hẳn nhà đã được dọn dẹp xong và chính cô thì đã mặc lên người cái váy màu hạt dẻ để có thể giúp chồng trong lúc anh mặc quần áo, và thế rồi họ sẽ bình thản đi ra ngoài, khoác tay nhau, giống xưa kia. Từ bao nhiêu lâu rồi họ không làm thế nữa?

Nhưng giờ đây cô đã lại "ổn", họ sẽ đi xe bus, cô thì nhìn ra cửa sổ như một người vợ, dính chặt lấy tay anh, và sau đó họ sẽ ăn tối với Carlota và João, êm ái thả lỏng trên mấy cái ghế. Đã bao lâu rồi cô không thấy Armando rốt cuộc dựa lưng, đầy tin tưởng, và tranh luận với một người đàn ông? Sự yên bình của một người đàn ông, ấy là, quên đi vợ mình, tranh luận với một người đàn ông khác về những gì mà các tờ báo viết. Trong quãng thời gian ấy cô sẽ nói chuyện với Carlota về các chuyện phụ nữ, quy phục trước lòng tốt đầy uy quyền và thực tiễn của Carlota, lại nhận lấy sự không quan tâm cùng lòng khinh bỉ mơ hồ của cô bạn, sự cục cằn tự nhiên của cô, chứ không còn là sự giả đò đầy bối rối kèm lòng hiếu kỳ kia - rốt cuộc cũng thấy Armando quên vợ mình đi. Và chính cô, rốt cuộc, cũng quay trở về với sự tầm phào, lòng đầy hàm ơn. Như một con mèo đã bỏ đi hoang cả đêm và, như thể chẳng có chuyện gì, tìm thấy một cái đĩa đựng sữa đợi sẵn nó. Thật may mắn vì người ta giúp cô cảm thấy rằng giờ đây cô "ổn". Dẫu không nhìn cô, họ tích cực giúp cô quên, chính họ giả vờ sự quên như thể họ đã đọc cùng chỉ dẫn trên cùng lọ thuốc. Hoặc giả họ đã thực sự quên, ai mà biết. Đã bao lâu rồi cô không thấy rốt cuộc Armando cũng ngồi dựa lưng đầy buông thả, quên đi cô? Và chính cô?

Dừng tay soạn sửa điểm trang, Laura tự ngắm mình trong gương: và chính cô, đã bao lâu rồi? Khuôn mặt cô có một vẻ quyến rũ trong nhà, mái tóc được giữ bởi những cái ghim đằng sau cặp tai lớn nhợt nhạt của cô. Hai mắt màu hạt dẻ, tóc màu hạt dẻ, làn da mềm và lì, mọi thứ mang lại cho khuôn mặt cô đã không còn quá trẻ một dáng vẻ khiêm nhường của phụ nữ. Và có phải vì ngẫu nhiên không mà một ai đó sẽ thấy, nơi điểm nhỏ xíu kia của niềm kinh ngạc ở đáy cặp mắt cô, một ai đó sẽ thấy nơi điểm nhỏ tí hin bị phật ý đó sự thiếu hụt những đứa con mà cô chưa từng bao giờ có?

Với xu hướng tỉ mỉ của cô đối với phương pháp - cùng cái xu hướng thúc đẩy cô, hồi còn là học sinh, chép lại bằng chữ viết thật hoàn hảo các tóm tắt bài giảng mà không hiểu chúng - với sở thích phương pháp của cô, giờ đây lại tái hồi, cô dự định dọn dẹp nhà cửa trước khi cô hầu nghỉ, và như thế sau khi Maria đã đi, hẳn cô sẽ chẳng còn gì để làm nữa, nếu không phải 1) bình thản mặc quần áo, 2) sẵn sàng mà đợi Armando, 3)... cái thứ ba là gì nhỉ? Thế đấy. Đó là những gì hẳn cô sẽ làm. Và hẳn cô sẽ mặc cái váy màu hạt dẻ có cổ cồn đăng ten màu kem. Sau khi tắm xong. Vào thời Thánh Tâm thì cô đã cẩn thận và sạch sẽ rồi, với một xu hướng về phía vệ sinh cá nhân và một nỗi kinh hoàng nhất định đối với sự lộn xộn. Điều này đã chưa bao giờ hối thúc Carlota, ngay hồi ấy đã khá độc đáo, ngưỡng mộ cô. Những phản ứng của họ từng lúc nào cũng khác nhau: Carlota nhiều tham vọng và cười to; còn cô, Laura, có chút chậm chạp và cách nào đó lo sao để luôn luôn vẫn thật chậm chạp. Carlota chẳng thấy mối nguy ở bất cứ đâu; còn cô, hết sức cẩn trọng. Khi người ta đưa cho cô đọc Bắt chước Jesus-Christ, và cô đã đọc cuốn sách với một nhiệt tâm của kẻ vô tri chẳng hiểu được gì ở trong đó, cầu Chúa xá tội cho cô, cô đã cảm thấy rằng người nào bắt chước Đấng Ki-tô hẳn sẽ tiêu tùng - chắc chắn là tiêu tùng trong ánh sáng, nhưng tiêu tùng một cách nguy hiểm. Đấng Ki-tô là cám dỗ tồi tệ hơn cả. Vả thậm chí Carlota đã không muốn đọc nó, và đã nói dối bà xơ yêu quý của mình, bảo rằng đã đọc. Thế đấy. Chắc cô sẽ mặc cái váy màu hạt dẻ có cổ cồn đăng ten thật.

Nhưng lúc nhìn giờ, thì cô nhớ, với một cú nhảy dựng làm cô phải đưa tay lên ngực, là mình đã quên uống cốc sữa.

Cô đi về phía bếp và, như thể cô đã đầy tội lỗi mà phản bội, do sự lơ là của mình, Armando cùng những người bạn tận tụy của cô, chỉ vừa đóng cửa tủ lạnh lại, cô đã uống các ngụm đầu tiên với một sự chậm rãi nhuốm hoảng sợ, tập trung đầy tin tưởng vào mỗi ngụm như thể đang bồi thường cho tất tật họ và tự bắt mình phải ăn năn. Bởi vì bác sĩ đã nói: "Uống sữa giữa mỗi bữa, không bao giờ để dạ dày rỗng bởi điều đó kích thích sự hoảng sợ", ngay cả nếu không có mối đe dọa của hoảng sợ, cô vẫn uống sữa mà không hề bàn cãi, hết ngụm ngày đến ngụm khác, ngày này qua ngày khác, cô đã không bao giờ quên, nhắm mắt mà vâng lời, với một chút nhiệt tâm nhằm không phát hiện ở cô chút bất khinh tín nào dẫu nhỏ đến đâu. Điều gây rối trí, ấy là bác sĩ dường tự nói ngược chính mình khi, cùng lúc ra một mệnh lệnh cụ thể mà cô muốn đi theo với nhiệt hứng của một môn đệ mới, ông cũng lại nói: "Phải thả lỏng, thử thật nhẹ nhàng, không quá nỗ lực để làm cho bằng được - hoàn toàn quên đi những gì đã xảy ra và mọi sự sẽ quay trở lại bình thường với sự tự nhiên lớn nhất." Và ông vỗ nhẹ lên lưng cô, cú vỗ khiến cô sướng rơn và đỏ mặt vì thích. Nhưng theo ý kiến hèn mọn của cô, lệnh này dường hủy bỏ mất lệnh kia, như thể người ta kê đơn cho cô phải ăn bột và huýt sáo cùng lúc. Để trộn hết chúng vào thành một mệnh lệnh duy nhất, cô đã tìm ra một xảo thuật: cốc sữa này, thứ rốt cuộc đã giành được một quyền lực bí mật, thứ có trong mỗi ngụm gần như vị của một từ và tái khởi cú vỗ vào lưng, cốc sữa này, cô mang nó vào phòng khách, nơi cô ngồi xuống "với sự tự nhiên lớn nhất", giả đò đang thiếu quan tâm, "không quá nỗ lực" - và bằng cách đó hết sức tinh vi mà thành tựu được lệnh thứ hai. Chẳng quan trọng gì nếu mình béo lên, cô nghĩ, điều cốt yếu chưa từng bao giờ là nhan sắc.

Cô ngồi trên trường kỷ như thể cô là một người khách tại ngôi nhà của chính cô, nó, được tìm lại từ ít thời gian đến vậy, ngăn nắp và lạnh lẽo, nhắc về sự bình thản của một nhà người khác. Điều này thực sự gây sung sướng: ngược hẳn lại với Carlota, người đã biến tổ ấm của mình thành một cái gì đó giống cô, Laura cảm thấy khoái lạc đích thực khi làm cho nhà của cô thành ra một điều vô nhân xưng: theo cách nào đó là hoàn hảo do chỗ vô nhân xưng.

Ồ, thật tuyệt làm sao vì được quay về, thực sự quay về, cô mỉm cười, đầy thỏa mãn. Cầm cái cốc gần như đã cạn, cô nhắm mắt lại với một tiếng thở dài của nỗi mệt tốt lành. Cô đã là những cái sơ mi của Armando, đã lên các danh sách đầy phương pháp cho hôm sau, đã tỉ mỉ tính toán những gì cô đã tiêu hồi sáng ngoài chợ, nói ngắn gọn đã không ngừng một chốc lát nào. Ôi, sao mà tuyệt vì lại được mệt.

Nếu một con người hoàn hảo của sao Hỏa xuống đây và biết được rằng những người Trái đất mệt và già đi, hẳn người đó sẽ lấy thế làm đau lòng và ngạc nhiên. Mà chẳng bao giờ hiểu được những gì thật tuyệt khi được làm con người, được cảm thấy mệt, được rũ ra mỗi ngày; chỉ những kẻ được khai trí mới hiểu nổi sắc thái ấy của thói tật và của sự tinh xảo trong sự sống.

Và rốt cuộc cô đã quay trở về từ sự hoàn hảo của sao Hỏa. Cô, người vốn dĩ chưa từng có tham vọng nào khác ngoài tham vọng trở thành vợ của một người đàn ông, đầy hàm ơn tìm lại được cái phần bị suy đi thường nhật của mình. Mắt nhắm lại, cô thở dài, lòng thấy biết ơn. Từ bao lâu rồi cô không biết đến sự mệt? Nhưng lúc này, cô cảm thấy vào mọi ngày ở bên bờ sự kiệt sức, điều này đã không ngăn cản cô, chẳng hạn, vào hôm nay, là những cái sơ mi của Armando, cô từng luôn luôn thích là quần áo và, thôi không cần khiêm tốn, cô là một tay là quần áo thượng thặng. Và sau đó thì cô kiệt sức, nỗi mệt giống như một phần thưởng. Đã kết thúc rồi sự vắng mặt đầy cảnh giác của mệt, kết thúc rồi cái điểm trống rỗng và tỉnh thức và tuyệt vời một cách hãi hùng nơi chính cô ấy. Đã kết thúc rồi sự độc lập khủng khiếp kia. Đã kết thúc, sự dễ dàng gớm guốc và giản dị của không ngủ được - cả ban ngày lẫn ban đêm - toàn bộ những cái đó trong sự kín đáo của cô, thứ đã đột nhiên biến cô thành một phụ nữ siêu nhân trong mắt một người chồng mệt mỏi và ngơ ngác. Anh, với hơi thở ấy mà anh vẫn có những lúc nào các mối lo âu làm anh thành ra câm lặng, cô cảm thấy một lòng thương buốt nhói về anh, phải, ngay cả ở chính giữa sự hoàn hảo đầy cảnh giác của cô, lòng thương và tình yêu, cô thì siêu nhân và bình thản trong sự cô lập bừng sáng của mình, còn anh, rụt rè những lúc anh đến thăm cô, mang cho cô táo và nho mà cô y tá ăn mất, vừa ăn vừa nhún vai, anh, người thực hiện các cuộc thăm đầy nghi lễ như một kẻ đang yêu, với một hơi thở bất hạnh cùng một nụ cười cứng đơ, đầy chất anh hùng cố công hiểu, anh, người đã nhận cô từ một ông bố và một vị linh mục và không biết phải làm gì với cô thiếu nữ từ Tijuca đó, người, rất không đúng lúc, như một con tàu bình thản lướt đi trên nước, đã trở nên siêu nhân.

Giờ đây toàn bộ những cái đó kết thúc rồi. Vĩnh viễn. Ồ, đó chỉ đơn thuần là một sự yếu, thiên tài là cám dỗ tồi tệ hơn cả. Nhưng sau đó cô đã quay trở lại, đầy đủ tới nỗi nhằm nói với ta rằng cô đã lại bắt đầu phải cận thận sao cho không làm phiền những người khác với sở thích cũ của mình hướng đến các chi tiết. Cô nhớ rất rõ các cô bạn nhỏ bé của mình tại Thánh Tâm, bọn họ hay nói với cô: "Cậu đã kể chuyện đó cả trăm lần rồi!", cô nhớ lại điều này với một nụ cười bối rối. Cô đã quay trở lại một cách đầy đủ: giờ đây tất tật các ngày cô đều mệt, tất cả các ngày khuôn mặt cô sị xuống vào lúc hoàng hôn và khi ấy đêm trùm lên sự hữu hạn xưa kia của cô, cô chỉ là đêm đầy sao hoàn hảo. Và mọi sự tự đầy đủ cho nhau một cách hài hòa. Và, như đối với tất cả mọi người, ngày nào cũng làm cô bị mệt, như tất cả mọi người, đầy con người và sẽ chết. Đã kết thúc rồi sự hoàn hảo kia, kết thúc rồi cái điều kia, thứ một ngày nọ từng trải rộng ánh sáng của nó, như một khối u, tâm hồn cô.

Cô mở cặp mắt trĩu nặng cơn buồn ngủ, cảm thấy thứ thủy tinh vững chắc tốt lành trên tay, nhưng cô lại nhắm chúng lại với một nụ cười đầy tiện nghi của sự mệt, nhúng mình như một kẻ nhà giàu mới vào tất tật các phân tử của cô, vào thứ nước quen thuộc và có chút gây buồn nôn kia. Phải, có chút gây buồn nôn, nhưng có quan trọng gì đâu bởi vì chính cô cũng có chút gây buồn nôn, cô biết điều đó. Nhưng chồng cô không nghĩ thế, và thế thì quan trọng gì đâu, bởi vì nhờ Chúa cô không sống trong một bầu không khí đòi hỏi cô sáng suốt hơn và hấp dẫn hơn, và ngay cả trường học, thứ gây rối trí cho cô rất nhiều trong đòi hỏi phải cảnh giác, cô cũng đã được giải phóng khỏi nó. Quan trọng gì đâu. Trong sự mệt - cô đã là những cái sơ mi của Armando mà không để ý rằng mình đã đi chợ vào buổi sáng và đã nấn ná ở đó, với sở thích của cô, làm mọi thứ mang lại lợi lộc - trong sự mệt có một chỗ tốt cho cô, cái chỗ kín đáo và tắt lịm từ đó một lần cô đã đi ra với biết bao nhiêu bối rối cho cô và cho những người khác. Nhưng như vừa nói xong đấy, nhờ Chúa, cô đã quay trở lại.

Và nếu tìm kiếm với nhiều lòng tin cùng tình yêu hơn, hẳn cô sẽ tìm được trong sự mệt của mình cái chỗ kia, thứ còn tốt hơn cả giấc ngủ. Cô thốt ra một tiếng thở dài đầy thoải mái, trong thoáng chốc nhuốm vẻ nghịch ngợm tinh ranh, thấy bị cám dỗ đi tới gặp luồng hơi ấm vốn dĩ là sự thở đã ngủ của cô, trong thoáng chốc bị cám dỗ ngủ thiu thiu. Chỉ một thoáng chốc, chỉ một thoáng chốc nhỏ xíu! cô tự hỏi, thấy sướng vì buồn ngủ đến vậy, cô hỏi điều đó, đầy xảo trá, như thể cô hỏi một người đàn ông, điều Armando từng lúc nào cũng rất thích.

Nhưng giờ thì cô không thực sự có thời gian để ngủ, thậm chí còn không có thời gian thốc một giấc ngủ thật ngắn, cô nghĩ, đầy phù phiếm cùng một sự khiêm nhường giả đò, cô là một người rất bận rộn! Cô từng luôn luôn ghen tị với những người nói: "Tôi không có thời gian", và giờ đây một lần nữa cô lại là một người vô cùng bận: họ sẽ ăn tối cùng Carlota và mọi thứ sẽ được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, đấy là bữa đi ăn bên ngoài đầu tiên kể từ khi cô quay về và cô không muốn đến muộn, cô phải sẵn sàng khi... Được rồi, mình đã nói điều này cả trăm lần rồi, cô nghĩ, thấy rối trí. Hẳn chỉ cần nói một lần là đã đủ: mình không muốn đến muộn - bởi đó là một lý do đầy đủ: bởi vì cô chưa từng bao giờ chịu nổi, mà không kèm một nỗi xấu hổ sâu sắc, việc trở thành một nỗi bối rối cho những người khác, vậy thì giờ đây, hơn bao giờ hết, hẳn cô sẽ không... Không, chẳng hề có chút nghi ngờ nào: cô không có thời gian để ngủ. Việc cô sẽ làm, một cách thân thuộc mà chìm nghỉm trở lại vào trong sự phong phú của lệ thường đầy thiết thân ấy - và cô bị tổn thương trước chuyện Carlota khinh thường sở thích cái lệ thường của cô - những gì cô sẽ làm đây: 1) đợi cô hầu sẵn sàng, 2) đưa tiền cho cô ta để cô ta mua luôn thịt cho ngày mai, thăn đùi - làm sao mà giải thích được rằng khó khăn của việc tìm được thịt ngon là một chủ đề trò chuyện hấp dẫn, nhưng nếu Carlota biết điều này, cô ấy sẽ khinh bỉ cô, 3) bắt đầu tắm và mặc quần áo thật tỉ mỉ, buông mình không chút kiềm giữ nào vào khoái lạc được làm cho thời gian mang tới lợi lộc. Cái váy màu hạt dẻ rất tiệp màu với mắt cô và cổ đăng ten nhỏ màu kem mang lại cho cô một cái gì đó trẻ trung, một dáng vẻ của trẻ con xưa kia. Và quay trở lại với sự yên bình ban đêm của Tijuca - không còn là thứ ánh sáng quáng mắt của các cô y tá đầu tóc thật chỉn chu và vô cùng sung sướng vì được đi nghỉ sau khi đã tung cô, như một con gà không có gì để tự vệ, vào vực thẳm của insulin - quay trở lại với sự yên bình ban đêm của Tijuca, quay trở lại với cuộc đời đúng của cô, ừ thì hẳn cô sẽ khoác tay Armando mà đi ra ngoài, chậm rãi bước cho tới bến xe bus, với cặp đùi ngắn và dày hự của cô, mà phần bó của váy bó chặt lại như thể chỉ còn là một cái đùi, biến cô thành một "quý bà cao quý", nhưng lúc, cảm thấy phiền quá, cô bảo với Armando rằng đấy là do đang ở vào kỳ hiếm trứng, thì anh, vốn dĩ cảm thấy mãn nguyện với hai đùi của vợ, anh đáp với không ít táo bạo: "Anh có được gì đâu nếu đi lấy một cô vũ công?" đấy là điều mà anh trả lời. Hẳn người ta không nói đâu, nhưng Armando đôi khi có thể rất tợn, hẳn người ta không nói đâu. Thỉnh thoảng họ nhắc lại cùng một điều: cô giải thích đấy là do đang ở vào kỳ hiếm trứng và thế là anh nói: "Anh có được gì đâu nếu đi lấy một cô vũ công?" Đôi khi anh phơi phới đến đáng buồn cười, hẳn người ta không nói đâu. Chắc Carlota sẽ sửng sốt lắm nếu biết họ cũng có một cuộc sống thân thiết cùng những điều không đem đi mà kể được, nhưng cô sẽ không kể những cái đó cho bạn, thật tiếc vì không thể kể chúng, Carlota sẽ nghĩ rằng cô chỉ rất trật tự và tầm thường, có chút õng ẹo, và bởi vì cô bị buộc phải đề phòng không gây phiền cho những người khác bằng các chi tiết, đôi khi với Armando cô tự thả mình đi tận đến chỗ tỏ ra õng ẹo, điều đó thì quan trọng gì bởi anh làm ra vẻ lắng nghe cô, nhưng anh không lắng nghe toàn bộ những gì mà cô nói, điều này không làm cô thấy phật ý, cô hiểu rất rõ rằng những nói năng của mình có thể làm một người thấy mệt mỏi, nhưng cô rất thích được có thể kể cho người đó rằng cô đã không tìm được thứ thịt mà cô muốn, ngay cả khi Armando gật đầu và không lắng nghe, cô hầu và cô tán gẫu rất nhiều, nói cho đúng thì cô tán gẫu nhiều hơn cô hầu, và cả ở đó nữa cô đề phòng sao cho khỏi gây phật lòng cho cô hầu, người đôi khi không che giấu sự cáu kỉnh của mình và tỏ ra hơi bất lịch sự. Nhưng đó là lỗi ở cô, bởi không phải lúc nào cô cũng biết cách bắt người khác tôn trọng mình.

Nhưng, như cô vừa mới nói, khoác tay Armando, cô thì nhỏ bé còn anh, cao lớn và gầy guộc, điều này không ngăn cản anh có sức khỏe tốt, nhờ Chúa, và cô thì tóc màu hạt dẻ. Màu hạt dẻ như, cô nghĩ, đầy tăm tối, một người vợ phải vậy. Có mái tóc đen hay vàng là một sự táo gan mà, trong ý chí tìm ra chừng mực chuẩn xác của mình, cô chưa từng bao giờ đặt tham vọng. Và thế là, về phần có cặp mắt màu lục, thì cô thấy dường nếu cô có mắt màu lục, thì hẳn vậy sẽ giống như là cô đã không nói hết mọi điều với chồng mình. Không phải Carlota đặc biệt có khả năng bắt người khác nói, nhưng cô, Laura - người, nếu có cơ hội làm việc đó, hẳn cô đã nồng nhiệt cấm cô ấy, nhưng cơ hội đó đã chưa bao giờ xuất hiện - cô, Laura, bị buộc, dẫu rất trái ý, phải nhất trí rằng cô bạn của mình có một cách thức kỳ quặc và rất vui để đối xử với chồng cô, ôi không phải ấy là "ngang hàng với nhau", bởi vì điều này đã trở thành mốt, mà các bạn hiểu tôi muốn nói gì rồi đấy. Và Carlota thuộc dạng người khá độc đáo, cô từng một lần nói chuyện này với Armando, và Armando đồng ý nhưng không thấy nó có gì quan trọng mấy. Nhưng, như cô vừa mới nói, màu hạt dẻ với cái cổ áo nhỏ... - những mơ mẩn của cô khiến tràn ngập ở cô cùng cái vị mà cô vẫn có những khi sắp xếp các ngăn kéo, thậm chí từng có những khi cô xáo tung chúng lên nhằm có thể xếp gọn chúng lại.

Cô mở mắt ra và, như thể chính phòng khách mới là thứ vừa thiếp đi một lúc chứ không phải cô, phòng khách dường được đổi mới và đã được nghỉ ngơi với các phô tơi phủi bụi kỹ của nó và những ri đô bị co lại ở lần giặt gần đây nhất, giống những cái quần trở nên cũn cỡn khiến ta phá lên cười lúc nhìn xuống chân. Ôi! thật tuyệt làm sao khi tìm lại được mọi thứ thật ngăn nắp không vương chút bụi nào, mọi thứ được đánh chùi bởi chính hai bàn tay khéo léo của cô, và im lặng xiết bao, và với một bình hoa, như trong một phòng chờ. Cô từng luôn luôn thấy một phòng chờ thì thật đẹp, hết sức đáng kính trọng, hết sức vô nhân xưng. Sao mà cô giàu có, cuộc sống thường nhật, đối với cô, kẻ rốt cuộc đã quay trở về tự sự kỳ quái. Kể cả một bình hoa. Cô ngắm nó.

A! sao mà chúng đẹp thế! trái tim cô, có chút trẻ con, kêu lên. Đấy là những bông hồng dại nhỏ mà sáng nay cô đã mua ở chợ, một phần vì người bán cứ cố nì nèo, một phần nhằm thách thức. Cô đã cắm chúng vào cái bình ngay buổi sáng, vừa cắm vừa uống cốc sữa thiêng liêng lúc mười giờ.

Nhưng trong ánh sáng của phòng khách này những bông hồng ở vào sự đầy đủ bình thản nơi vẻ đẹp của chúng.

Mình chưa từng bao giờ thấy những bông hồng đẹp tới vậy, cô tò mò tự nhủ. Và như thể cô đã không đi cho đến cùng ý nghĩ ấy, mơ hồ có ý thức rằng mình đã có ý nghĩ đó chính trong lúc chóng vánh lao vào nỗi phiền tự nhận ra mình có chút là kẻ phá quấy, cô nghĩ, đã tới một chặng mới trong niềm kinh ngạc của mình: thành thực mà nói, mình chưa từng bao giờ thấy những bông hoa hồng đẹp tới thế này. Cô chăm chú ngắm chúng. Nhưng sự chú ý của cô không thể tự giới hạn thật lâu vào một sự chú ý đơn thuần, ngay tức khắc nó biến thành một khoái lạc êm dịu, và cô không còn có thể phân tích các bông hoa nữa, cô buộc phải ngắt ngang với cùng tiếng kêu của lòng hiếu kỳ đầy quy thuận: sao mà chúng đẹp thế!

Đấy là những bông hồng hoàn hảo, nhiều bông trên cùng một cành. Đến một lúc, chúng vươn lên với chút háu đói đè lẫn nhau, nhưng sau đó, trò chơi đã kết thúc, chúng đã bình tĩnh mà bất động lại. Đấy là những bông hồng hoàn hảo trong sự nhỏ bé của chúng, còn chưa bung nở, và tông màu hồng của chúng hơi ngả sang trắng. "Hẳn gần như có thể nói rằng chúng là hoa giả!" đầy ngạc nhiên, cô nói. Hẳn chúng có thể mang lại cảm giác chúng có màu trắng nếu đã nở hết, nhưng với những cánh ở giữa cuộn tròn lại, màu được tập trung, và như trong một thùy tai, người ta cảm thấy màu đỏ lưu chuyển ở bên trong. Sao mà chúng đẹp thế! Laura ngây ra mà nghĩ.

Nhưng, chẳng hề biết là tại sao, cô có chút thấy phiền, có chút rối trí. Ôi, không có gì đặc biệt, chỉ đơn giản là vào dịp này vẻ đẹp cực điểm khuấy động cô.

Cô nghe thấy tiếng bước chân cô hầu trên nền đá hoa của bếp và căn cứ vào âm thanh rỗng cô đoán cô ta đi giày cao gót, như vậy cô ta sẵn sàng đi ra ngoài. Thế là Laura nảy ra một ý nghĩ cách nào đó rất độc đáo: tại sao lại không bảo Maria ghé qua nhà Carlota và mang những bông hoa hồng cho cô ấy như một món quà?

Và cũng vì vẻ đẹp cực điểm kia khuấy động cô. Khuấy động cô? Ấy là một mối nguy. Ôi không! tại sao lại một mối nguy? Cái đó khuấy động cô, chẳng gì hơn nữa, đó là một cảnh báo. Ôi không! tại sao lại là một cảnh báo? Maria sẽ mang những bông hoa hồng tới cho Carlota.

Dona Laura gửi cho cô, Maria sẽ nói.

Cô mỉm cười, tư lự: hẳn Carlota sẽ kinh ngạc vì Laura, khi mà tự cô hoàn toàn có thể đích thân mang hoa hồng đến, vì cô muốn tặng chúng cho bạn, lại gửi chúng tới từ trước bữa tối, qua cô hầu. Mặt khác, hẳn cô ấy sẽ thấy vui khi nhận được những bông hoa hồng, hẳn cô sẽ thấy vậy thì thật "tinh xảo"...

Những điều này là không nhất thiết giữa chúng ta, Laura, hẳn bạn cô sẽ nói với sự thẳng thắn có chút cộc cằn, và Laura hẳn sẽ đáp, với một tiếng hét bóp nghẹt lại vì nỗi sung sướng:

Ôi không! Không, đấy không phải là do lời mời đến ăn tối! Mà vì những bông hồng đẹp quá cho nên đột nhiên tôi thấy muốn tặng chúng cho cô!

Phải, nếu vào lúc đó mà có cách và nếu cô có đủ can đảm, thì đó hẳn chính là điều mà cô sẽ nói. Làm thế nào mà cô nói được thật chính xác? Cần không được quên, hẳn cô sẽ nói: ôi không, v.v... Và hẳn Carlota sẽ choáng nặng, trước sự tế nhị nơi các tình cảm của Laura, hẳn không ai tưởng tượng được rằng Laura cũng có các ý nho nhỏ. Trong cái cảnh tưởng tượng đầy quyến rũ ấy, thứ làm cô mỉm cười ngây độn vì mừng vui, cô hướng tới chính cô như tới một người thứ ba tên là Laura. Một người thứ ba đầy ngập cái lòng tin êm dịu và hăm hở và đầy biết ơn và bình thản kia. Laura, người phụ nữ với cái cổ áo bằng đăng ten thật, ăn vận đầy kín đáo, vợ của Armando, thì một Armando không còn cần phải tự bắt ép bản thân nhằm chú ý đến các nói năng của cô liên quan tới cô hầu và thịt nữa, người không còn cần nghĩ tới vợ, như một người đàn ông được hạnh phúc, như một người đàn ông đã không lấy một cô vũ công.

Tôi đã không thể tự ngăn mình gửi cho cô những bông hồng này, hẳn Laura sẽ nói, cái người thứ ba kia nếu, đúng, nếu... Và tặng hoa hồng thì cũng gần đẹp bằng chính những bông hoa hồng.

Và thêm nữa vậy thì cô sẽ thoát được chúng.

Nhưng thế thì chuyện gì sẽ xảy ra? A, đúng: như cô vừa mới nói, Carlota bị choáng nặng bởi cái cô Laura vốn dĩ không phải người cả trí tuệ lẫn sexy nhưng dẫu sao thì cũng có các tình cảm bí mật riêng. Còn Armando? hẳn Armando sẽ nhìn cô, bị ấn tượng một cách kỳ cục - vậy thì điều cốt yếu là không được quên rằng nhất thiết anh không được biết chuyện cô hầu đã mang hoa hồng đến trong buổi chiều. Hẳn Armando sẽ đầy thiện chí chấp nhận các xung động nơi người vợ nhỏ bé của mình và đêm hôm đó, hẳn họ sẽ ngủ với nhau.

Và cô sẽ quên đi những bông hồng cùng vẻ đẹp của chúng.

Không, cô nghĩ, đột nhiên mơ hồ thận trọng. Cần phải chú ý đến ánh mắt ngạc nhiên của những người khác. Không bao giờ còn được mang lại cho họ các lý do để cảm thấy kinh ngạc nữa, nhất là sau toàn bộ những gì vừa xảy ra mới đây. Và nhất là tránh cho những người khác nỗi đau đớn về một mối nghi ngờ dẫu nhỏ đến đâu. Và không bao giờ còn cần tới sự chú ý của những người khác nữa - không bao giờ nữa, cái thứ thảm hại ấy, ánh mắt câm lặng của những người đổ lên cô ở trước mặt họ. Không có chuyện làm theo xung động nhất thời.

Nhưng cùng lúc cô trông thấy cái cốc không trên tay và cô cũng nghĩ: ông ấy đã nói là mình không được quá cố gắng để làm việc đó, rằng mình không được tìm cách có các tạo dáng chỉ để chứng tỏ là mình đã...

- Maria, cô gọi, khi một lần nữa lại nghe thấy tiếng bước chân cô hầu.

Và khi cô ta xuất hiện, cô nói luôn, bằng tông giọng dạn dĩ và khiêu khích:

- Cô có thể ghé qua nhà dona Carlota và mang cho cô ấy chỗ hoa hồng này không? Cô sẽ chỉ cần nói: dona Carlota, dona Laura gửi hoa cho cô. Cô sẽ nói như thế này: dona Carlota...

- Được rồi, được rồi, cô hầu đáp, vẻ dàn hòa.

Laura đi lấy một tờ giấy lụa cũ. Sau đó cô cẩn thận lấy đống hoa ra khỏi bình, đẹp và bình thản đến thế với những cái gai tinh tế và gây chết người của chúng. Cô muốn bó chúng lại thành một bó thực sự nghệ thuật. Và cùng lúc cô sẽ thoát khỏi chúng. Thế là cô sẽ có thể mặc quần áo và tiếp tục ngày của mình. Lúc những bông hoa hồng nhỏ ẩm ướt đã được bó lại, cô chìa bàn tay cầm chúng ra, nhìn chúng từ xa, nghiêng cổ và nháy mắt nhằm có một đánh giá bất thiên ái và nghiêm khắc.

Và khi ngắm những bông hoa hồng, cô thấy chúng.

Và thế là, dẫu không muốn, đầy dịu ngọt, cô tự gợi ý với chính mình: đừng tặng những bông hồng đi, chúng đẹp quá.

Một giây sau, vẫn rất dịu ngọt, ý đó hết sức êm ái trở nên có cường độ lớn hơn, gần như đầy sức cám dỗ: đừng tặng chúng đi, chúng thuộc về mi. Laura cảm thấy một nỗi kinh ngạc ngắn ngủi: vì các vật chẳng bao giờ là của cô.

Nhưng những bông hoa hồng này thuộc về cô. Sắc hồng, nhỏ bé, hoàn hảo: chúng thuộc về cô. Cô nhìn chúng, đầy xao động: chúng đẹp và chúng thuộc về cô. Nếu mà nghĩ thêm được, thì hẳn cô sẽ nghĩ: thuộc về cô như chưa gì cho đến lúc này từng như thế.

Và thậm chí hẳn cô sẽ có thể giữ chúng lại, bởi cô đã vượt qua được cảm giác chống chếnh ban đầu, thứ đã mơ hồ thúc đẩy cô tránh ngắm những bông hồng quá nhiều.

Tại sao, trong điều kiện như vậy, lại tặng chúng? Chúng đẹp đến thế, mà lại tặng đi mất? Vì, những lúc ta khám phá một điều đẹp, thì làm sao mà ta lại cho nó đi được? Đúng, chúng đúng là của cô, cô tự gợi ý với mình, đầy sức thuyết phục, không tìm được lập luận nào khác nếu chẳng phải vẫn cứ là cùng cái lập luận, nó, lặp lại thêm, đối với cô dường càng lúc càng giàu sức thuyết phục và giản dị: chúng sẽ không tồn tại được rất lâu, vậy thì tại sao lại cho chúng đi chừng chúng vẫn sống? Khoái lạc có được chúng khi mà chúng vẫn sống? Khoái lạc có chúng không muốn nói một mối nguy lớn, cô tự lừa mình, bởi dẫu có muốn hay không, chỉ chốc lát thôi hẳn cô sẽ buộc phải mất chúng, và khi đó hẳn sẽ chẳng bao giờ cô nghĩ tới chúng nữa, bởi vì chúng sẽ chết - chúng sẽ không tồn tại rất lâu, thế thì tại sao lại cho chúng đi? Sự thể chúng sẽ không tồn tại rất lâu, dường như là vậy, đã gỡ cho cô thoát khỏi lầm lỗi giữ chúng lại, chiểu theo một logic tăm tối của phụ nữ phạm tội. Quả thật người ta thấy được rằng chúng sẽ không tồn tại mấy nỗi - sẽ rất mau chóng, không vương nguy hiểm nào. Và thậm chí, cô lập luận vì sự vứt bỏ lỗi của mình, cuối cùng và thắng lợi, chẳng theo bất cứ cách thức nào, chuyện cô là người đã muốn mua chúng, người bán hàng đã nằn nì rõ kinh và cô lúc nào cũng bị chợn lại những lúc người ta muốn ép buộc cô, không phải cô là người đã muốn mua chúng, đấy hoàn toàn đâu phải lỗi ở cô. Cô ngắm chúng, vẻ vui sướng, đầy tư lự, sâu sắc.

Ừ thì, thành thực mà nói, trong đời mình chưa từng bao giờ thấy cái gì hoàn hảo như vậy.

Được rồi, nhưng bây giờ, khi cô đã nói với Maria, không còn cách nào quay trở ngược về sau. Đã quá muộn rồi? đầy e sợ cô tự hỏi, nhìn vào những bông hồng nhỏ đang lãnh đạm đợi trên chính tay cô. Nếu cô muốn, thì hẳn sẽ không phải là quá muộn... Hẳn cô có thể bảo Maria: Nghe này, Maria, tôi đã quyết định tự mang hoa đến vào bữa tối! Và, tất nhiên, cô ta sẽ không mang chúng đi... Và hẳn sẽ chẳng bao giờ Maria biết. Và, trước khi thay đồ, hẳn cô sẽ ngồi một lúc trên trường kỷ, chỉ một chốc lát, để ngắm chúng. Ngắm sự thờ ơ bình thản kia của lũ hoa hồng. Phải, vì tốt hơn hết, khi mà chuyện đã rồi, tận dụng nó, hẳn cô sẽ không phạm phải sự ngu xuẩn là không tận dụng danh tiếng của mình. Thậm chí đấy chính là điều hẳn cô sẽ làm.

Nhưng, với những bông hồng cứ nằm đó trơ ra trên tay, cô đợi. Cô không cắm chúng lại vào bình, cô không gọi Maria. Cô biết tại sao. Vì cô sẽ tặng chúng đi. Ồ, phải, cô biết tại sao.

Và cũng vì một vật đẹp đẽ thì được làm ra để được cho đi hoặc được nhận về, chứ không chỉ để được sở hữu. Và, nhất là, không bao giờ để "tự là". Nhất là, không bao giờ là vật đẹp. Ở một vật đẹp thiếu mất cử chỉ trao đi. Hẳn không bao giờ người ta được giữ một vật đẹp, đúng như cái vật mà người ta giữ trong sự im lặng hoàn hảo của trái tim. Đúng, nhưng nếu cô không tặng những bông hoa hồng, thì có bao giờ ai biết được gì chăng? Dễ đáng kinh hãi, và ở trong tầm tay cô, cái việc giữ chúng, bởi ai mà biết đây? Và chúng sẽ là của cô, và các vật sẽ ở yên trong trạng thái và người ta sẽ chẳng còn nhắc tới chúng nữa...

Thế thì? Và thế thì sao? cô tự hỏi, thấy mơ hồ lo lắng.

Thế thì không. Việc mà cô sẽ làm, ấy là gói chúng lại rồi gửi chúng đi, không có chút khoái lạc nào nữa vào lúc này dẫu nhỏ đến đâu, gói chúng lại và thất vọng, gửi chúng đi; và kinh ngạc, thoát được khỏi. Cũng vì một người thì phải chặt chẽ, những suy nghĩ của người đó phải thích đáng; nếu bộc phát mà quyết định tặng chúng cho Carlota, thì cô phải giữ sự kiên quyết của mình và tặng chúng đi. Bởi không ai được thay đổi ý kiến vào mọi lúc.

Nhưng người nào thì cũng có thể hối! đột nhiên cô nổi cáu. Bởi chỉ vào khoảnh khắc nhấc những bông hoa lên thì mình mới nhận ra mình thấy chúng đẹp tới nhường nào, lần đầu tiên, nói cho đúng, chính trong lúc nhấc chúng lên mình nhận ra chúng đẹp. Hay trước đó một chút? Và thêm nữa chúng là của cô. Và đích thân ông bác sĩ đã vỗ nhẹ vào lưng cô và bảo cô: "Đừng cố gắng làm ra vẻ cô ổn, vì cô ổn thật", và sau đó là tới cũ vỗ mạnh vào lưng. Vậy thì, trong những điều kiện ậy, cô không cần phải chặt chẽ, cô không có gì cần phải chứng tỏ với bất kỳ ai và sẽ giữ lại những bông hồng. Và thêm nữa - thêm nữa đó là những bông hoa hồng của cô.

- Chúng sẵn sàng rồi chứ? Maria hỏi.

- Rồi, Laura đáp, đầy ngạc nhiên.

Cô nhìn chúng, câm lặng trên tay cô. Vô nhân xưng trong vẻ đẹp cực điểm của chúng. Trong sự bình thản hoàn hảo cực điểm của các bông hồng. Cái bậc tối cao ấy: bông hoa. Sự hoàn hảo hóa tối cao ấy: sự bình thản ngời sáng.

Như một kẻ nghiện, cô thoáng nhìn, vẻ háu đói, sự hoàn hảo đầy cám dỗ của những bông hồng, miệng hơi khô lại, cô ngắm chúng.

Rốt cuộc, thật chậm chạp, cô gói các cành cùng những cái gai vào tờ giấy lụa. Bị hớp hồn đến độ mãi cái lúc chìa bó hoa đã sẵn sàng ra thì cô mới nhận thấy rằng Maria không còn ở trong phòng khách nữa - và chỉ có mỗi cô một mình với món hy sinh anh hùng của cô. Mơ hồ thấy đau đớn, cô ngắm chúng, xa xôi đúng như chúng đang ở đầu cánh tay giơ ra của cô - và miệng cô càng khô thêm, sự muốn ấy, nỗi ham ấy. Nhưng chúng là của tôi, cô nói với một sự rụt rè to lớn.

Lúc Maria quay lại và cầm lấy cái bó, trong một giây phút rất ngắn ngủi của sự hà tiện, Laura nắm chặt tay vào giữ lấy những bông hồng thêm một giây với mình - chúng thật đẹp và chúng là của mình, đây là thứ đầu tiên đẹp thuộc về tôi! Và chính người bán hàng đã cố công nì nèo, chứ đâu phải tôi đã mua chúng! Chính số phận muốn điều đó! Ôi, chỉ một lần này thôi! Chỉ lần này thôi và tôi thề sẽ không bao giờ nữa! Hẳn ít nhất cô cũng có thể rút một bông cho cô, không gì hơn: một bông hoa hồng cho cô. Và hẳn sẽ chỉ cô biết điều đó, và sau đó thì chẳng bao giờ nữa, ôi, cô tự hứa rằng sẽ không bao giờ nữa cô để cho mình bị cám dỗ bởi sự hoàn hảo, chẳng bao giờ nữa!

Và giây tiếp theo, chẳng chút trung chuyển nào, không trở ngại nào, những bông hồng đã nằm trên tay cô hầu, chúng không còn là của cô nữa, như một bức thư mà người ta vừa nhét vào hòm thư! Người ta không còn có thể cả lấy lại lẫn xóa đi những gì mình đã nói nữa! Hét lên cũng chẳng có ích gì: đấy không phải là điều tôi muốn nói! Cô còn lại hai bàn tay trắng nhưng trái tim bướng bỉnh và đầy thù hận của cô còn nói: mi có thể đuổi kịp Maria dưới cầu thang, mi biết rõ rằng mi có thể, và giật lấy những bông hoa từ tay cô ta, ăn cắp của cô ta. Vì giờ đây lấy lại chúng là một sự ăn cắp. Ăn cắp những gì thuộc về cô? Bởi chính bằng cách ấy mà hoạt động một con người chẳng hề xót thương những người khác: hẳn cô sẽ ăn cắp những gì thuộc về cô, toàn quyền! Ôi, Chúa tôi, xin hãy xót thương. Mi có thể lấy lại toàn bộ, cô giận dữ khăng khăng. Và thế rồi cửa dẫn ra phố sập lại.

Thế rồi cửa ra phố sập lại.

Thế là, rất chậm rãi, cô ngồi xuống, bình tĩnh, cái trường kỷ. Không dựa lưng. Chỉ để nghỉ thôi. Không, cô không tức tối, ôi thậm chí một chút cũng không. Nhưng cái điểm bị xâm phạm nơi đáy cặp mắt cô to hơn và tư lự. Cô nhìn cái bình. Những bông hoa hồng của mình đâu mất rồi? khi đó cô hỏi, đã hoàn toàn hồi tâm.

Nhưng cô nhớ bọn hoa hồng. Chúng đã để lại một khoảng hoác trong cô. Người ta lấy đi khỏi một cái bàn sạch một đồ vật và nhờ dấu vết sạch hơn mà nó để lại, người ta thấy được rằng xung quanh có bụi. Những bông hồng đã để lại một chỗ không bụi và không giấc ngủ bên trong cô. Trong tim cô, bông hồng kia mà ít nhất lẽ ra cô đã có thể rút ra mà không gây chút hại nào cho bất cứ ai trên đời, bông hồng ấy bị thiếu. Như một nỗi thiếu lớn hơn.

Nói cho đúng, như nỗi thiếu. Một sự vắng đi vào trong cô như một quầng sáng. Và cũng thế, quanh dấu vết của lũ hồng bụi biến mất. Trung tâm của sự mệt mở ra và tạo thành một đường tròn cứ thế rộng mãi ra. Như thể cô đã không là dẫu chỉ một cái sơ mi của Armando. Và trong khoảng trống của những bông hoa hồng chúng thiếu mất. Những bông hồng của mình đâu rồi? cô than thở mà không thấy đau, vuốt các li nhỏ trên cái jupe.

Giống người ta rỏ chanh vào trà đen và trà đen trở nên sáng màu hẳn, sự mệt của cô dần dà sáng lên. Thêm nữa, chẳng chút mệt nào. Hoàn toàn giống đom đóm sáng bừng lên. Bởi vì cô không còn mệt, thế nên cô sẽ đứng dậy và mặc quần áo. Đã đến lúc bắt đầu rồi.

Nhưng, môi khô kiệt, trong thoáng chốc ở bên trong cô thử bắt chước những bông hồng. Không khó mấy.

Vẫn còn may mắn là cô không mệt. Như thế hẳn thậm chí côn sẽ tươi tắn hơn để đi ăn tối. Tại sao không đính cái huy hiệu của mình lên cổ nhỏ bằng đăng ten thật? Cái huy hiệu mà ông thiếu tá đã mang về từ cuộc chiến tranh bên Ý. Hẳn cô sẽ thật tỉ mỉ với bộ váy xẻ ngực của cô. Chừng nào cô sẵn sàng, hẳn cô sẽ nghe thấy tiếng chìa khóa của Armando xoay trong ổ. Cô phải mặc quần áo. Nhưng hẵng còn quá sớm. Do đường đông anh sẽ về muộn. Vẫn còn là buổi chiều. Một buổi chiều rất đẹp.

Vả lại đã không còn là buổi chiều nữa rồi.

Đó là buổi tối. Từ dưới phố vẳng lên các tiếng ồn đầu tiên của bóng tối cùng những ánh đèn đầu tiên.

Vả lại chìa khóa đã chui vào cùng tiếng động quen thuộc của nó lỗ ổ khóa.

Armando sắp mở cửa. Đưa tay bật công tắc đèn. Và đột nhiên trong khung cửa hẳn sẽ trơ trụi ra đấy khuôn mặt đầy lo âu kia mà anh tìm cách che giấu nhưng không thể chế ngự nổi. Sau đó hơi thở kìm giữ của anh hẳn rốt cuộc sẽ biến thành một nụ cười được giải phóng khỏi sự o ép. Nụ cười bối rối của nhẹ nhõm ấy mà anh chưa từng bao giờ ngờ được rằng cô tri nhận được. Sự nhẹ nhõm đó mà có lẽ, với một cú vỗ lưng, người ta đã khuyên người chồng khốn khổ của cô giấu đi. Nhưng nó, đối với trái tim đầy ngập đến vậy lỗi của vợ anh, ngày nào cũng là phần thưởng vì rốt cuộc đã trả lại cho người đàn ông ấy khả năng về niềm vui và sự yên bình, được thánh hóa bởi bàn tay của một ông linh mục khổ hạnh chỉ cho phép người ta có được một niềm vui bé mọn chứ không phải sự bắt chước Đấng Ki-tô.

Chìa khóa xoay trong ổ, bóng dáng u tối và khẩn trương bước vào, ánh sáng tràn ngập phòng khách một cách dữ dội.

Và ngay trên bậu cửa anh dừng khựng lại, vẻ như hụt hơi, và đột nhiên bị tê liệt như thể anh đã chạy nhiều cây số để về không quá muộn. Cô sắp mỉm cười. Để rốt cuộc anh cũng bỏ đi sự trông ngóng đầy lo âu khỏi khuôn mặt, lúc nào cũng trộn lẫn vào với chiến thắng đầy tính cách trẻ con vì đã đến kịp lúc và lại thấy cô õng ẹo, ngon lành và mau mắn, vợ anh. Cô sắp cười để anh lại biết rằng chẳng bao giờ nữa anh mắc vào mối nguy tới quá muộn. Cô sắp cười để dịu dàng dạy cho anh biết tin tưởng vào cô. Đã thật vô ích, việc khuyên họ không bao giờ đề cập chủ đề: họ không bao giờ nhắc đến nó nhưng đã dựng ra được một ngôn ngữ của khuôn mặt nơi được biểu hiện nỗi sợ cùng sự tin tưởng và nơi các câu hỏi cùng các lời đáp được đánh điện cho nhau trong im lặng. Cô sắp mỉm cười. Cô trì hoãn một chút nhưng cô sắp mỉm cười.

Bình tĩnh và dịu dàng, cô nói:

- Về rồi đấy, Armando, về rồi đấy.

Như thể anh sẽ không bao giờ hiểu, anh nhìn cô, liếc xéo, với khuôn mặt tươi cười, đầy nghi ngờ. Công việc chính của anh vào lúc này là tìm cách giữ hơi thở hổn hển do đã chạy cầu thang bởi vì khải hoàn rồi, anh đã không tới muộn, bởi vì anh đang ở đây và mỉm cười với cô. Như thể anh sẽ không bao giờ hiểu.

- Cái gì về rồi đấy? rốt cuộc anh hỏi, bằng tông giọng không biểu cảm.

Nhưng, vừa tìm cách không bao giờ hiểu, khuôn mặt mỗi lúc một thêm treo lại của người đã hiểu, dẫu không đường nét nào biến đổi đi. Công việc chính của anh là câu giờ và tập trung nhằm nín hơi thở lại. Điều đột nhiên không còn đặt ra vấn đề nữa. Bởi bất thần anh đã kinh hoàng nhận thấy rằng phòng khách cùng vợ anh thật bình thản và không chút vội vã. Nhưng, hẵng còn ngờ vực, như một ai đó rốt cuộc sẵn sàng phá lên cười vì nhận ra điều phi lý, tuy nhiên anh cứ bướng bỉnh nhìn cô, mặt xiên đi, đầy đề phòng, gần như là kẻ thù của cô. Từ cái chỗ anh khởi sự không còn có thể tự ngăn mình thấy cô ngồi với hai bàn tay bắt chéo đặt trong lòng, với sự thanh thản của con đom đóm có ánh sáng riêng của mình.

Trong ánh mắt màu hạt dẻ và vô tội, sự lúng túng đầy phù phiếm vì đã không thể kháng cự.

- Cái gì về rồi đấy? đột nhiên anh hỏi, tông giọng cứng rắn.

- Em đã không thể ngăn cản nó, cô đáp, và sự thương xót tối cao dành cho người đàn ông ở trong giọng nói của cô, sự xin tha thứ tối cao đã trộn lẫn vào với lòng cao ngạo của một sự cô độc đã gần như hoàn hảo. Em đã không thể ngăn cản nó, cô nhắc lại, trao cho anh, đầy nhẹ nhõm, sự thương xót mà khó nhọc lắm cô mới giữ được cho tới khi anh về đến nhà. Do những bông hoa hồng đấy, cô nói, đầy vẻ khiêm nhường.

Như thể anh muốn được chụp ảnh vào giây phút đó, anh giữ nguyên khuôn mặt xa vắng, như thể nhiếp ảnh gia đã chỉ yêu cầu anh một khuôn mặt chứ không phải tâm hồn anh. Anh mở miệng ra và theo lối ngoài chủ ý mặt anh trong thoáng chốc mang biểu hiện của tách rời hài hước mà anh từng dùng nhằm che giấu nỗi nhục của mình những khi đòi ông chủ tăng lương. Giây phút tiếp theo, anh quay mặt đi, thấy xấu hổ vì sự trơ trẽn của vợ mình, người, nở rộ và thanh thản, đang ở đó bất động trước mặt anh.

Nhưng đột nhiên sự căng thẳng rơi đi mất. Hai vai anh rũ xuống, những đường nét khuôn mặt thì nhường bước và một sự nặng lớn làm anh thả lỏng ra. Anh nhìn cô, đã già đi, đầy hiếu kỳ.

Cô ngồi với cái váy nhỏ mặc ở nhà nhỏ bé của mình. Anh biết rằng cô đã làm hết sức có thể nhằm không trở nên bừng sáng và bất khả xâm nhập. Với sự rụt rè và lòng kính trọng anh nhìn cô. Đã già đi, mệt mỏi, hiếu kỳ. Nhưng anh không có lấy một lời nào để nói với cô. Từ cánh cửa mở, anh nom thấy vợ mình ngồi trên trường kỷ nhưng không dựa lưng, thêm lần nữa lại đầy cảnh giác và bình thản như trên một đoàn tàu. Nó đã xuất phát.

 

Liên hệ gia đình

- Clarice Lispector

Người phụ nữ trẻ tuổi và mẹ của cô đã lên chiếc taxi chở họ ra ga. Bà mẹ đếm đi đếm lại các thứ hành lý của mình, tìm cách tự thuyết phục rằng hai cái va li của bà đã nằm trên xe. Cô con gái, với cặp mắt sẫm màu nơi một chút hiếng không ngừng trao đến một luồng sáng đầy giễu cợt và lạnh lùng, chỉ ngồi nhìn.

- Mẹ đã không quên gì chứ? bà mẹ hỏi, đã là lần thứ ba.

- Không, không, mẹ đã không quên gì đâu, cô con gái đáp, vui vẻ, kiên nhẫn.

Cô vẫn vương vấn với cái cảnh khá là hài giữa mẹ cô và chồng cô vào thời điểm từ biệt. Trong vòng hai tuần bà già tới thăm, hai người đó đã khó lòng mà chịu đựng được nhau: những câu chào ban ngày và chào buổi tối của họ lúc nào cũng vang lên với một sự tế nhị đầy cẩn trọng, chúng làm cô muốn cười. Nhưng cứ thử hình dung xem: vào lúc tạm biệt nhau, ngay trước khi lên xe taxi, mẹ cô đã biến thành bà mẹ vợ mẫu mực còn chồng cô thì, chàng rể tốt. Anh tha lỗi cho tôi cái nói cứ thích nói thẳng nói thật nhé, bà già nói, và Catarina, khá là phơi phới, đã thấy Antonio vướng víu với những cái va li mà anh xách, anh ấp úng - phát hoảng vì phải trở thành chàng rể tốt. Nếu mình cười, họ sẽ tưởng là mình bị điên, Catarina đã nghĩ, nhíu mày lại. Con trai lấy vợ là mất một đứa con, con gái lấy chồng thì có thêm một đứa con, mẹ cô nói thêm, và Antonio đã tận dụng bệnh cúm của mình để ho. Catarina, đứng đó, quan sát chồng bằng ánh mắt ranh mãnh: anh đã đánh mất sự tự tin của mình để nhường chỗ lại cho một người đàn ông tóc nâu và nhỏ thụt đi, bị buộc phải là con trai của cái bà nhỏ tí tóc bạc kia... Chính khi ấy sự muốn cười của cô đã trở nên cấp bách hơn. Thật may sao, cô đã không bao giờ cười ra tiếng những lúc muốn: cặp mắt cô có một biểu hiện ma mãnh và kìm nén, tật hiếng trông càng rõ hơn - và cái cười trào ra từ mắt cô. Nếu mà cười, cô luôn luôn cảm thấy hơi đau. Nhưng làm sao mà tự ngăn cản cái đó được đây: từ hồi còn nhỏ xíu cô toàn cười bằng mắt, từ hồi nảo hồi nào mắt cô đã lác rồi.

- Mẹ vẫn muốn nói là thằng bé gầy quá đấy, mẹ cô nói, trì người cưỡng lại các đợt xe xóc.

Antonio không còn ở đó, nhưng bà vẫn có cùng tông giọng thách thức, buộc tội, mà bà vẫn sử dụng trước mặt anh. Tông giọng ấy khiến cho một buổi tối nọ, Antonio đáp trả: Ơ kìa, Severina, có phải lỗi của con đâu! Anh gọi mẹ vợ bằng tên, vì trước đám cưới, chuyện đã đặt ra là họ sẽ thành một bà mẹ vợ và một anh con rể hiện đại. Ở chuyến thăm đầu tiên của bà mẹ đến nhà cặp vợ chồng mới cưới, "Severina" đã thật khó nhọc thì mới chui được ra từ miệng người chồng và thế rồi đột nhiên, giờ đây, việc gọi bà bằng tên đã không ngăn cản rằng... Catarina nhìn họ và cười.

- Thằng bé lúc nào mà chẳng gầy, mẹ, cô đáp.

Chiếc taxi lướt đi trong sự đơn điệu.

- Gầy và căng thẳng, bà già nói thêm, giọng chắc nịch.

- Gầy và căng thẳng, Catarina đồng ý, vẻ dàn hòa.

Đấy là một thằng bé con căng thẳng, lơ đãng. Trong chuyến bà nó tới thăm, nó đã trở nên còn lơ đãng hơn, khó ngủ, bị náo động lên vì những cưng nựng quá mức cùng những cấu véo trìu mến của bà già. Antonio, vốn dĩ chưa bao giờ đặc biệt lo âu về sự nhạy cảm của con trai, đã tự cho phép mình nói ra vài ám chỉ về phía mẹ vợ anh, thuộc dạng "nếu người ta chiều một đứa trẻ quá..."

- Mẹ đã không quên gì chứ? bà mẹ lại bắt đầu khi một cú phanh gấp đẩy bắn họ vào nhau và làm mấy cái va li chao đảo. A, a! bà mẹ kêu lên như thể vừa trở thành nạn nhân cho một thảm họa không thể sữa chữa, ơ kìa! bà vừa nói vừa lắc đầu vì bị ngạc nhiên, đột nhiên trở nên già và nghèo. Đúng nhưng Catarina?

Catarina nhìn mẹ và bà mẹ nhìn cô con gái, có phải Catarina cũng đã là nạn nhân của một vụ tai nạn không? Cặp mắt bà nhấp nháy, đầy hoảng sợ, mau chóng, rất mau chóng bà chỉnh lại chỗ mấy cái va li, cái túi xách, tìm cách sửa chữa thảm họa càng nhanh càng tốt. Bởi không thể bàn cãi đã xảy ra một điều gì đó, giấu đi cũng vô ích: Catarina đã bị đẩy bắn vào Severina, người họ trong thoáng chốc đã tìm lại được một sự gần gũi đã bị quên đi từ lâu, sự thân tình phát xuất từ cái thời còn có một ông bố và một bà mẹ. Dẫu họ chưa từng bao giờ thực sự ôm hay hôn nhau. Đúng, bố mới là người Catarina từng lúc nào cũng gần hơn. Những khi bà mẹ cho đồ vào đĩa của họ và ép họ ăn quá nhiều, thì họ nhìn nhau và nháy mắt đầy vẻ đồng lõa, mà bà mẹ thậm chí còn không để ý thấy. Nhưng sau cú va trên xe taxi ấy, đã về lại chỗ, họ chẳng còn gì để nói với nhau - sắp đến ga chưa?

- Mẹ đã không quên gì chứ? bà mẹ hỏi, giọng nhẫn nhục.

Catarina không muốn cả nhìn bà lẫn đáp lại.

- Kìa, găng tay của mẹ! cô nói sau khi đã nhặt chúng lên.

- A, đúng, găng tay của mẹ! bà mẹ kêu lên, vẻ ngơ ngác.

Họ chỉ thực sự nhìn thẳng vào nhau khi mấy cái va li đã được đem lên tàu, sau khi đã ôm hôn, khi mặt của bà mẹ hiện ra ở cửa sổ.

Lúc đó Catarina thấy mẹ cô đã già đi và cặp mắt thì rực lên.

Tàu chưa chạy và họ đợi, không có gì để nói với nhau. Bà mẹ rút từ trong túi xách ra một cái gương nhỏ và tự xem xét mình với cái mũ mới, mua ở chỗ hiệu trang phục của con gái. Bà ngắm nghía, tạo ra một dáng vẻ nghiêm khắc quá mức nhưng không thiếu một sự khoa trương nhất định. Con gái bà quan sát bà, thấy thật vui. Không ai ngoài con có thể yêu mẹ nhiều hơn đâu, cô vừa nghĩ vừa cười bằng ánh mắt, và trọng lượng của trách nhiệm ấy khiến dâng lên trong miệng cô vị của máu. Như thể "mẹ và con gái" là sự sống và nỗi ghê tởm. Không, người ta không thể nói rằng cô yêu mẹ. Mẹ cô đâm dao vào cô, thế đấy. Bà già đã bỏ gương lại vào trong túi và mỉm cười nhìn cô chằm chằm. Khuôn mặt đã nhăn nhúm nhưng vẫn còn ranh mãnh dường đang cố công mang lại cho những người khác một ấn tượng nào đó mà cái mũ hẳn góp phần. Đột nhiên chuông của nhà ga vang lên, một chuyển động điên rồ chung loang ra, nhiều người chạy, tưởng tàu đã đi mất rồi: mẹ! người phụ nữ trẻ tuổi nói, Catarina! bà già nói. Họ ngạc nhiên nhìn vào mặt nhau, một cái va li trên đầu một người phu khuân vác xen vào trong tầm nhìn của họ và một thanh niên đang chạy xô vào cánh tay của Catarina, làm cho cổ cái váy của cô bị lệch đi. Khi họ lại có thể nhìn nhau, Catarina suýt buột miệng hỏi mẹ xem bà có quên gì không...

- Mẹ đã không quên gì chứ? mẹ cô hỏi.

Catarina cũng có cảm giác họ đã quên một cái gì đó, và họ cứ thế nhìn nhau, ngây ra, bởi nếu thực sự họ quên mất một cái gì đó, thì bây giờ đã quá muộn rồi. Một phụ nữ kéo theo một đứa bé đang khóc, rồi chuông của nhà ga lại vang lên... Mẹ, người phụ nữ trẻ tuổi nói. Vậy thì họ đã quên không nói với nhau điều gì? Nhưng giờ thì đã quá muộn. Cô thấy dường một hôm nào đó lẽ ra bà già đã phải nói với cô: mẹ là mẹ của con, Catarina. Và lẽ ra cô đã phải trả lời: Còn con là con gái mẹ.

- Chú ý đừng để bị gió lùa nhé! Catarina hét lên.

- Ơ kìa, con gái, mẹ có phải là trẻ con đâu, bà mẹ đáp, tuy vậy bà không quên kiểm tra bộ dạng của mình.

Bằng một bàn tay lấm chấm vết đồi mồi, hơi run, bà khẽ khàng chỉnh lại vành mũ và đột nhiên Catarina muốn hỏi xem bà có từng hạnh phúc với bố cô không.

- Con gửi lời chào dì nhé! cô hét lên.

- Được rồi, được rồi!

- Mẹ, Catarina nói, bởi một tiếng còi thật dài vang lên, giữa làn khói những cái bánh đã xoay.

- Catarina! bà già nói, miệng mở to và cặp mắt hoảng sợ, và khi đoàn tàu bắt đầu rùng rùng, cô con gái nom thấy bà đặt hai tay lên cái mũ: nó bị tụt xuống mũi bà, và trên mặt bà người ta chỉ còn thấy độc bộ răng giả mới.

Đoàn tàu rung lên bần bật và Catarina vẫy tay. Khuôn mặt của mẹ cô biến mất trong thoáng chốc và hiện ra trở lại, lần này không đội mũ, búi tóc đã xổ ra và các lọn tóc bạc xõa tung trên hai vai bà trông như tóc một cô thiếu nữ, mặt bà chúi xuống, không cười, có lẽ thậm chí còn không nhìn thấy con gái bà đang xa dần.

Giữa làn khói, Catarina lên đường quay về, mày nhíu lại và trong ánh mắt là vẻ tinh ranh của những người lác. Không có mẹ đi cùng, cô đã tìm lại được dáng đi đầy tự tin: chỉ có một mình thì dễ hơn. Đám đàn ông nhìn cô, trông cô dịu dàng, cơ thể hơi nặng nề. Cô bước đi đầy thanh thản, hiện đại trong cách ăn vận, mái tóc ngắn nhuộm màu đen gỗ gụ. Và mọi sự đã được lập trật tự theo cách thức khiến tình yêu đau đớn hiện ra với cô thật giống hạnh phúc - mọi thứ đều thật sống động và êm ái xung quanh cô, phố bẩn, các đoàn tàu tram cũ, đống vỏ cam - lực dồn lên rồi rút đi trong trái tim cô với một sự phong phú nặng nề. Cô rất đẹp vào giây phút này, vô cùng thanh lịch. Hòa nhập vào thời đại của mình và vào thành phố nơi cô đã sinh ra như thể chính cô chọn nó. Trong sự cồ quẹt nơi cặp mắt cô, hẳn bất kỳ ai cũng đoán được sở thích của người phụ nữ ấy dành cho những điều thuộc về thế giới này. Cô quan sát những người khác thật chú mục, tìm cách cố định lên các bóng dáng thay đổi liên tục đó khoái lạc của cô, hẵng còn ướt nước mắt do mẹ cô. Cô luồn lách đi giữa những cái xe ô tô, chơi lận để lên xe bus mà không phải xếp hàng, với một ánh mắt đầy mỉa mai: hẳn chẳng gì ngăn được cái người phụ nữ ấy, đánh hông thật mạnh khi bước đi, đi lên một bậc bí hiểm khác trong những ngày của cô.

Thang máy kêu ầm ầm trong cái nóng của bãi biển. Cô vừa mở cửa căn hộ vừa bỏ mũ ra. Cô dường đã sẵn sàng tận hưởng sự rộng của toàn thế giới, một con đường do mẹ cô mở, nó hôn lên ngực cô. Antonio chỉ hơi ngẩng lên khỏi quyển sách của anh. Chiều thứ Bảy từng luôn luôn là "của anh", và Severina chỉ vừa đi khỏi, anh đã khoái trá lặn mình trở lại vào đó, ngồi nơi bàn làm việc của mình.

Bà ấy đi rồi chứ?

- Tất nhiên rồi, Catarina vừa đáp vừa đẩy cửa phòng con trai cô.

Ra thế, đứa bé đúng là ở đây, cô tự nhủ với một sự nhẹ nhõm đột ngột. Con trai cô. Gầy và căng thẳng. Ngay khi đứng được, nó đã đi rất vững. Nhưng đã sắp lên bốn rồi mà nó vẫn nói như thể không hề biết các động từ: nó ghi nhận mọi sự đầy lạnh lùng nhưng không nối chúng vào với nhau. Nó đang mân mê một cái khăn ướt, đầy chính xác và xa xôi. Người mẹ cảm thấy một bụm ấm nóng dễ chịu, cô những muốn cố định vĩnh viễn đứa bé lại trong giây phút này. Cô nhấc cái khăn khỏi tay nó kèm lời mắng: ôi hư quá! Nhưng thằng bé nhìn lên trần nhà, thờ ơ, đang tự giao tiếp với chính nó. Lúc nào nó cũng lơ đãng. Còn chưa có ai thực sự làm nó chú ý được. Người mẹ giũ cái khăn mà hình dạng bị tung lên ngăn cản không nhìn được căn phòng: mẹ, đứa bé nói. Catarina quay phắt lại. Đây là lần đầu tiên nó gọi "mẹ" bằng tông giọng đó và không đòi gì. Như thế thì hơn là một sự nhận biết: mẹ! Catarina tiếp tục giũ cái khăn thật mạnh và tự hỏi mình sẽ có thể kể chuyện vừa xảy ra cho ai, nhưng cô không tìm được ai ngõ hầu hiểu nổi những gì cô không thể giải thích. Cô mạnh tay vắt cái khăn rồi phơi nó lên. Có lẽ cô sẽ có thể kể chuyện này nếu thay đổi hình thức câu chuyện của mình. Hẳn cô sẽ kể rằng con trai cô đã nói, mẹ, Chúa là ai? Không, có lẽ: mẹ, bé con muốn Chúa. Có lẽ. Chỉ thông qua các biểu tượng thì sự thật mới có thể tự áp đặt, chỉ thông qua các biểu tượng thì người ta mới chấp nhận nó. Cặp mắt cười vì lời nói dối cần thiết, và nhất là về sự xuẩn của chính mình, đột nhiên người phụ nữ trẻ tuổi thực sự phá lên cười vì đứa con, và không chỉ bằng mắt: cả người cô phá lên cười, một vỏ bọc vỡ tung ra, với sự hùng hổ của giọng nói khàn đi.

- Hư, thế là thằng bé vừa nói vừa nhìn vào mặt cô.

  • Chúng ta ra ngoài đi dạo thôi, cô đáp, đỏ mặt lên và cầm tay nó dắt đi.

Cô băng ngang phòng khách và không dừng lại, báo với chồng: bọn em ra ngoài đây! rồi đóng sập cửa căn hộ lại.

Antonio chỉ vừa kịp có thời gian ngẩng lên khỏi quyển sách - đầy ngạc nhiên, anh ngắm căn phòng đột nhiên trống không. Catarina! anh gọi, nhưng đã nghe thấy tiếng thang máy đi xuống. Họ đi đâu? vừa húng hắng ho và xì mũi anh vừa tự hỏi. Bởi thứ Bảy là của anh nhưng anh muốn vợ con anh ở nhà trong khi anh dùng thứ Bảy của mình. Catarina! anh lại gọi, cảm thấy bực bội, dẫu biết rằng cô không thể nghe thấy anh nữa. Anh đứng dậy, đi ra cửa sổ và một lát sau thì thấy vợ và con anh dưới phố.

Họ đã dừng lại, có lẽ vì Catarina đang tự hỏi phải đi đường nào. Và đột nhiên họ bước đi.

Tại sao cô lại đi với bước chân cả quyết thế kia, dắt tay đứa bé? Từ cửa sổ anh nom thấy vợ mình siết thật mạnh tay thằng bé và bước nhanh, mắt nhìn thẳng về phía trước, và kể cả không nhìn thấy, người chồng vẫn đoán được cái miệng của cô rắn đanh lại. Thằng bé, người ta không biết do thỏa thuận tăm tối nào, cũng nhìn thẳng về phía trước, đầy ngạc nhiên và ngây thơ. Nhìn từ trên cao, hai bóng dáng đánh mất đi phối cảnh quen thuộc, dường bị bẹt gí xuống nền đường, u tối hơn trong ánh sáng của biển. Tóc của thằng bé bay bay...

Người chồng lặp lại câu hỏi, nó, cho dù dưới sự trong trắng của câu nói thường nhật, khiến anh lo lắng: họ đi đâu? Đầy bận tâm, anh thấy rằng vợ anh đang hướng lối cho đứa bé và anh e rằng vào lúc họ thoát khỏi tầm với của anh, cô sẽ truyền sang cho đứa con... nhưng gì mới được? Catarina, anh nghĩ, Catarina, đứa bé kia vẫn còn trong trắng! Vào khoảnh khắc nào thì người mẹ, ôm chặt lấy một đứa bé, trao cho nó nhà tù của tình yêu ấy, thứ vĩnh viễn ụp xuống người đàn ông sẽ trưởng thành? Về sau, con trai của cô, đã trở thành đàn ông, một mình, hẳn sẽ đứng trước cùng cửa sổ này, đưa các ngón tay gõ lên ô kính này: tù nhân. Bị buộc phải đáp lại một người đã chết. Có ai bao giờ biết được vào khoảnh khắc nào người mẹ truyền sang cho con trai mình di sản của cô ta. Và với khoái lạc u tối như thế nào. Người mẹ và đứa con trai của cô ta kể từ nay hiểu được nhau trong bí ẩn chia nhau. Sau đó hẳn sẽ chẳng ai còn biết từ những cái rễ đen nào mà tự do của một người đàn ông hút lấy dưỡng chất. Catarina! anh giận dữ nghĩ, đứa bé trong trắng mà! Nhưng họ đã biến mất về phía bãi biển. Bí ẩn chia nhau.

Nhưng mình, còn mình? anh hỏi, phát hoảng lên. Họ đã đi mất, chỉ họ với nhau. Anh thì ở lại. Với thứ Bảy của anh. Và chứng cúm của anh. Trong căn hộ ngăn nắp, nơi "mọi sự đều ổn". Có lẽ vợ anh cùng đứa con trai bỏ trốn căn phòng này, với ánh sáng thật đều đặn, những thứ đồ đạc được lựa chọn rất có gu, các ri đô cùng các bức tranh? Đấy là những gì anh đã mang lại cho cô: một căn hộ của kỹ sư. Và anh biết rằng nếu vợ anh tận dụng hoàn cảnh của một người chồng trẻ và đầy tương lai, thì cô cũng khinh bỉ anh, với cặp mắt xảo trá của cô, cô, người đang chạy trốn với đứa con trai căng thẳng và gầy của cô. Người đàn ông thấy lo lắng. Vì nếu thế thì anh sẽ chỉ có thể tiếp tục mang lại cho cô - cứ nói là không có thành công nữa. Và vì anh biết hẳn cô sẽ giúp anh giành được nó và sẽ căm ghét những gì họ giành được. Là như vậy, cái người phụ nữ bình thản băm hai tuổi kia, người không bao giờ thực sự nói, như thể cô đã lúc nào cũng sống. Quan hệ của họ yên bình thế... Đôi khi anh tìm cách làm nhục cô, đi vào phòng nơi cô đang thay đồ vì anh biết là cô ghét bị nhìn thấy đang trần truồng. Tại sao anh lại cần làm nhục cô? Tuy nhiên anh biết rất rõ rằng cô sẽ chỉ thuộc về một người đàn ông chừng nào cô kiêu ngạo. Nhưng anh đã có thói quen biến cô trở nên nữ tính theo cách sau đây: anh làm nhục cô đầy âu yếm, và thế đấy: giờ thì cô mỉm cười - không chút thù hận nào? Có lẽ chính từ toàn bộ những cái đó mà đã nảy sinh quan hệ yên bình giữa họ, và những cuộc trò chuyện với giọng bình thản kia, chúng tạo ra bầu không khí tổ ấm cho đứa con. Nhưng chẳng phải đôi khi nó lên cơn giận dữ à? Đôi khi đứa con nổi cơn giận dữ, nó giậm chân, nó hét toáng, rơi vào các ác mộng. Từ đâu mà sinh ra cái tạo vật nhỏ bé rung bần bật kia, nếu không phải là từ những gì anh và vợ anh đã phạt đi khỏi cuộc sống hằng ngày. Họ sống bình thản đến độ, lúc một khoảnh khắc của niềm vui tới gần, họ trao nhau một ánh mắt thật nhanh, gần như mỉa mai, và mắt họ nói: chúng ta sẽ không lãng phí nó, chúng ta sẽ không hút cạn nó đi một cách lố bịch. Cứ như là họ đã lúc nào cũng sống.

Nhưng anh đã trông thấy cô từ cửa sổ, anh đã thấy cô bước thật nhanh, cầm tay đứa con trai, và anh đã tự nhủ: cô đang có một khoảnh khắc của niềm vui - một mình. Anh đã cảm thấy bị phật ý vì đã từ lâu, chỉ với cô thì anh mới có thể sống. Và cô đã làm được việc ấy, có các khoảnh khắc của cô - một mình. Chẳng hạn cô đã làm gì trên đường từ ga về nhà? Không phải anh nghi ngờ cô, mà là anh đang lo lắng.

Đoạn sáng cuối của chiều nặng nề và trang trọng ập xuống các đồ vật. Khô cong, cát rít lên. Sự tỏa rạng ấy đã đè nặng lên cả ngày. Sự rạng ấy vào lúc này, dẫu không ánh ỏi lên, trở nên mỗi lúc một âm vang hơn và gầm gào trong thang máy chạy không ngừng của tòa nhà. Khi nào Catarina về, họ sẽ vừa ăn tối vừa lấy tay xua lũ côn trùng của buổi đêm. Thằng bé con hẳn sẽ hét lên khi mới ngủ, Catarina ngắt ngang bữa tối một lúc... và thang máy, nó không thể nào dừng lại ít nhất trong một giây phút thôi à? Không, hẳn thang máy sẽ không dừng lại dẫu chỉ một giây phút.

Sau bữa tối, chúng ta sẽ đến rạp xem phim, người đàn ông quyết định. Vì, sau khi xem phim rốt cuộc sẽ là đêm, và ngày hôm nay sẽ vỡ tung ra với những đợt sóng va vào các tảng đá của Arpoador.

Giả Linh Hoa dịch

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công