Wittgenstein, Bernhard và Bachmann
về Cháu trai Wittgenstein (Thomas Bernhard)
và Bachmann
Hai người bạn hoặc người quen gặp nhau tại một “khu vườn” giữa hai “Pavilion” ở nơi dường như là một bệnh viện tâm thần: đây là bối cảnh, như chúng ta biết, cho cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Sam và nhân vật chính trong Chương III thuộc cuốn tiểu thuyết Watt của Beckett. Trong một cuốn tiểu thuyết khác (hoặc có thể là hồi ký tự truyện?) được viết khoảng bốn mươi năm sau đó bởi nhà văn người Áo Thomas Bernhard, mô hình này lại xuất hiện. Người kể chuyện là một bệnh nhân thuộc Pavilion Hermann - nơi dành cho bệnh nhân phổi; phía bên kia, một phần khác thuộc khu phức hợp bệnh viện trên Wilhelminenberg của ngoại ô thành phố Wien, là Pavilion Ludwig dành cho bệnh nhân tâm thần, nơi bạn của người kể chuyện là Paul Wittgenstein, cháu trai của triết gia, đang điều trị. Cháu trai Wittgenstein (1982) là câu chuyện về mối quan hệ giữa Thomas Bernhard và Paul Wittgenstein, giữa những bệnh nhân phổi và những bệnh nhân tâm thần, giữa “Pavilion Hermann” và “Pavilion Ludwig”, cả hai đều trở thành một phần của cùng một xã hội bệnh tật, theo tự vị của Bernhard, đó là Wien hậu Thế chiến thứ hai.
Cháu trai Wittgenstein, tác phẩm cuối cùng trong loạt tác phẩm mà chúng ta có thể gọi là hư cấu liên quan tới Wittgenstein của Bernhard, mang đến một cái nhìn tuyệt vọng hơn nhiều về ngôn ngữ so với các tác phẩm hư cấu của Beckett hay [Gertrude] Stein. Nhận định nổi tiếng: “Giới hạn ngôn ngữ của tôi là giới hạn thế giới của tôi” (“Die Grenzen meiner Sprache bedeuten die Grenzen meiner Welt”) được Bernhard (cũng như Ingeborg Bachmann, người đã trích dẫn nó nhiều lần với thái độ ngưỡng mộ) hiểu, không phải, theo cách thông thường, như là khẳng định rằng một người không thể xâm nhập thế giới độc lập với ngôn ngữ của mình, mà hơn thế (và có phần lập dị), như là tuyên bố về giới hạn của con người, những giới hạn đó (Grenzen),cuối cùng dẫn tới sự không thể nói - sự im lặng. Việc chuyển hướng này không đáng ngạc nhiên khi ta nhớ rằng những người Áo thời hậu chiến như Bernhard và Bachmann có lý do chính đáng để nhạy cảm với Die Grenzen, bởi những biển cảnh báo mang dòng chữ *Grenze *là cảnh tượng thường nhật, phân định ranh giới giữa bên trong và bên ngoài, giữa nước Áo an toàn và ấm áp, nơi ta cảm thấy như nhà của mình, và Đông Âu khiếp sợ và xa lạ chỉ cách đó khoảng trăm dặm về phía Bắc (Tiệp Khắc), phía Đông (Hungary) và Đông Nam (Nam Tư). Việc bị bao vây bởi đế chế Xô Viết cũng là một lời nhắc nhở về nỗi hổ thẹn của nước Áo trong thời kỳ Hitler, sự hưởng ứng nhiệt tình của họ với việc Đức Quốc xã sáp nhập vào tháng Ba năm 1938. Trong bối cảnh đó, “giới hạn ngôn ngữ” dễ dàng được hiểu là giới hạn của ngôn ngữ Đức, cụ thể là ngôn ngữ của những tác phẩm trữ tình vĩ đại viết bằng tiếng Đức tính từ Goethe và Hölderlin cho đến Rilke và Trakl. [cf. Lukacs, Lịch sử ngắn văn chương Đức]
Sự phát triển văn pháp của cả Bernhard lẫn Bachmann đều phải được hiểu trong bối cảnh giới hạn đặc biệt này. Cả hai đều lớn lên ở vùng tỉnh của Áo (Bachmann ở Klagenfurt, Bernhard ở Traunstein và Salzkammergut). Cả hai, theo nghĩa nào đó, đều không có cha (Bachmann từ chối người cha theo Đức Quốc xã; Bernhard không bao giờ biết mặt người đàn ông, một nông dân địa phương, đã khiến mẹ ông, một cô gái quê, mẹ ông, có bầu). Cả hai đều rời quê hương để theo đuổi sự nghiệp học vấn cao hơn (Bachmann theo đuổi triết học tại Đại học Wien, nơi bà viết luận án tiến sĩ có tên “Tiếp nhận phê phán triết học hiện sinh của Martin Heidegger”, một luận án, như bà giải thích sau đó, được viết không phải để bày tỏ lòng ngưỡng mộ mà là để chống lại Heidegger; Bernhard theo đuổi ngành sân khấu và âm nhạc tại Salzburg Mozarteum, nơi ông viết luận án về Brecht và Artaud). Cả hai đều bắt đầu sự nghiệp với tư cách nhà báo, đồng thời viết thơ. Cả hai đều đạt được thành công rực rỡ nhưng càng lúc càng dị ứng với thói đạo đức giả của văn hóa Wien thời hậu chiến, một nền văn hóa chối bỏ triệt để đến mức, theo lời Bachmann, dường như nó đã “rơi ra khỏi lịch sử”. Bachmann định cư ở Rome và bắt đầu viết bộ ba tiểu thuyết dự kiến mang tên Todesarten (Những cách chết), trong đó chỉ có phần đầu tiên, Malina (1971), được hoàn thiện. Bernhard định cư tại một trang trại hẻo lánh ở Thượng Áo và viết hàng chục tiểu thuyết cũng như kịch, những vở diễn của ông - đặc biệt là vở kịch cuối cùng Heldenplatz - đã gây ra tranh cãi chính trị gay gắt. Cuối cùng, cả hai đều qua đời vào quãng giữa sự nghiệp theo cách khá bất ngờ: Bachmann vào năm 1973 ở tuổi bốn mươi sáu, do bị bỏng bởi tai nạn hút thuốc (hoặc đó là một vụ tự tử?); Bernhard vào năm 1989 ở tuổi năm mươi tám, do căn bệnh phổi đã đeo bám ông từ thời thơ ấu.
Nhưng có lẽ mối liên kết kỳ lạ nhất giữa hai người nằm ở chỗ họ đều bắt đầu với tư cách nhà thơ trữ tình, coi việc sáng tác thơ là sứ mệnh cao cả nhất mà người cầm bút có thể mong đợi, song cả hai đều từ bỏ việc viết thơ trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Bernhard và Bachmann xuất bản tập thơ đầu tiên của họ vào giữa những năm 1950 (Bachmann vào năm 1953, Bernhard vào năm 1957), chuyển sang viết tiểu thuyết và kịch vào đầu những năm 1960, và về cơ bản đã ngừng viết tác phẩm thơ mới sau năm 1963. Hay chính xác hơn, họ đã ngừng viết các văn bản được coi là thơ theo cách thông thường. Bởi vì tiểu thuyết của họ khó có thể được gọi là tiểu thuyết, kịch của họ (hoặc, trong trường hợp của Bachmann, là Hörspiel) khó có thể được gọi là kịch, mà là những tác phẩm lai ghép được xây dựng trên các cấu trúc lặp lại từ và cụm từ phức tạp, những dạng thức cách điệu cao độ khiến người ta liên tưởng đến thơ thay vì văn xuôi.
Marjorie Perloff, Wittgenstein’s Ladder. Poetic Language and the Strangeness of the Ordinary (The University of Chicago Press, 1996), trích chương V, “Border Games.”
Thanh Nghi dịch
Trong Cháu trai Wittgenstein, Thomas Bernhard đặc biệt phê phán thế giới kịch của Wien.
Còn kịch Đức? Kịch Đức thì có thể thếnày (chương cuối: "Siêu hình học của bi kịch", về Paul Ernst)
Meanwhile, kịch Pháp và kịch Việt Nam