favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Thorstein Veblen: Tầng lớp nhàn rỗi (phần 2)

11/10/2024 18:39

Tiếp tục marathon

 

Tầng lớp nhàn rỗi

- Thorstein Veblen

Chương II

Ganh đua tài sản

Trong tiến hóa văn hóa, sự xuất hiện của một tầng lớp nhàn rỗi trùng hợp với sự khởi đầu của sở hữu. Điều này tất yếu xảy ra, vì hai thiết chế này là kết quả của cùng các lực kinh tế. Ở giai đoạn sơ khai của sự phát triển, chúng chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng các sự vị chung về cấu trúc xã hội.

Ở tư cách các yếu tố của cấu trúc xã hội - những sự vị mang tính quy ước, tầng lớp nhàn rỗi và sở hữu là hai vấn đề rất quan trọng trong chủ đề đang bàn. Chỉ thường xuyên không làm việc không đủ tạo nên một tầng lớp nhàn rỗi, cũng như chỉ sử dụng và tiêu thụ không tạo nên sở hữu. Cuộc điều tra hiện tại không quan tâm đến sự khởi đầu của sự lười biếng, cũng không quan tâm đến việc chiếm hữu các vật dụng hữu ích cho tiêu thụ cá nhân. Vấn đề ở đây là nguồn gốc và yếu tính của một tầng lớp nhàn rỗi như một quy ước ở một phía và sự khởi đầu của sở hữu cá nhân như một quyền quy ước hoặc đòi hỏi công bằng ở phía bên kia.

Phân biệt ban đầu giữa tầng lớp nhàn rỗi và tầng lớp lao động bắt nguồn từ sự phân chia công việc giữa nam và nữ ở các giai đoạn thấp hơn của thời kỳ man rợ. Tương tự, hình thức sở hữu sớm nhất là sự sở hữu phụ nữ bởi những người đàn ông khỏe mạnh trong cộng đồng. Sự vị này có thể được diễn đạt một cách tổng quát hơn và phù hợp hơn với lý thuyết của người man rợ, bằng cách nói rằng đó là quyền sở hữu của người đàn ông đối với người phụ nữ.

Chắc chắn đã có sự chiếm hữu các vật hữu ích trước khi tập quán chiếm hữu phụ nữ xuất hiện. Tập quán của các cộng đồng cổ xưa hiện nay, nơi không có sự sở hữu phụ nữ, là minh chứng cho quan điểm này. Trong tất cả các cộng đồng, cả nam và nữ đều có thói quen chiếm dụng cho mình nhiều loại vật dụng hữu ích; tuy nhiên, những vật dụng này không được coi là thuộc sở hữu của người chiếm dụng và tiêu thụ chúng. Việc chiếm dụng và tiêu thụ thường xuyên một số vật dụng cá nhân nhỏ diễn ra mà không đặt ra vấn đề quyền sở hữu; tức là, không có câu hỏi nào về quyền đòi hỏi chính đáng đối với các vật ngoại vi.

Sự sở hữu phụ nữ bắt đầu từ các giai đoạn thấp hơn của văn hóa man rợ, rõ ràng là thông qua việc bắt giữ các nữ tù binh. Lý do ban đầu cho việc bắt giữ và chiếm hữu phụ nữ dường như là do giá trị của họ ở tư cách chiến lợi phẩm. Thực hành bắt phụ nữ từ kẻ thù làm chiến lợi phẩm đã dẫn đến một hình thức hôn nhân dựa trên sở hữu, tạo ra một gia đình với người đàn ông làm chủ. Tiếp đó là sự mở rộng chế độ nô lệ tới tù binh và những đối tượng thấp kém khác ngoài phụ nữ, cùng mở rộng hình thức hôn nhân sở hữu sang những phụ nữ không phải bị bắt từ kẻ thù. Kết quả của sự ganh đua trong hoàn cảnh của cuộc sống săn mồi là, một mặt, một hình thức hôn nhân dựa trên sự cưỡng ép, và mặt khác tập quán sở hữu. Hai thiết chế này không thể phân biệt rõ ràng trong giai đoạn phát triển ban đầu của chúng; cả hai đều bắt nguồn ham muốn thể hiện quyền lực bằng cách trưng bày những kết quả bền vững từ các chiến công của những người đàn ông thành công. Cả hai cũng đáp ứng khuynh hướng thích thống trị thấm nhuần trong tất cả các cộng đồng săn mồi. Từ sự sở hữu phụ nữ, khái niệm sở hữu mở rộng ra bao gồm cả các sản phẩm từ lao động của họ, và do đó nảy sinh sự sở hữu không chỉ con người mà còn cả tài sản.

Bằng cách này, một hệ thống sở hữu tài sản nhất quán dần dần được thiết lập. Và dù ở những giai đoạn phát triển sau này, tính hữu dụng của tài sản đối với tiêu thụ đã trở thành yếu tố nổi bật nhất trong giá trị của chúng, sự giàu có vẫn chưa mất đi hoàn toàn vai trò như một bằng chứng danh dự về sức mạnh vượt trội của người sở hữu.

Bất cứ nơi nào thiết chế sở hữu tư nhân xuất hiện, dù chỉ ở dạng sơ khai, quá trình kinh tế đều mang đặc điểm của một cuộc đấu tranh giữa con người để chiếm hữu tài sản. Trong lý thuyết kinh tế, và đặc biệt là trong số những nhà kinh tế học bám sát các học thuyết cổ điển được hiện đại hóa, người ta thường diễn giải cuộc đấu tranh nhằm chiếm đoạt của cải về cơ bản là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Đây chắc chắn là đặc điểm chính của nó trong các giai đoạn sơ khai và kém hiệu quả của nền sản xuất. Điều này cũng đúng trong tất cả các trường hợp mà "sự keo kiệt của tự nhiên" nghiêm khắc đến mức chỉ cung cấp được một cuộc sống nghèo nàn cho cộng đồng để đổi lại sự nỗ lực không ngừng trong việc tìm kiếm phương tiện sinh tồn. Nhưng trong tất cả các cộng đồng đã phát triển tương đối, công nghệ sản xuất dần vượt qua giai đoạn sơ khai này. Hiệu quả sản xuất hiện nay đã đạt đến mức cung cấp nhiều hơn đáng kể so với nhu cầu sinh tồn tối thiểu cho những người tham gia vào quá trình sản xuất.

Không phải hiếm khi lý thuyết kinh tế nói về cuộc đấu tranh tiếp tục để tích lũy của cải trên nền tảng sản xuất mới này như là sự cạnh tranh nhằm tăng tiện nghi trong cuộc sống - chủ yếu là tăng tiện nghi vật chất mà việc tiêu dùng hàng hóa mang lại.

Mục đích của việc chiếm hữu và tích lũy tài sản theo quy ước là để tiêu thụ số của cải đã tích lũy - dù là tiêu dùng trực tiếp bởi người sở hữu tài sản hay bởi gia đình của họ, những người trong trường hợp này được coi là đồng nhất với họ về lý thuyết. Đây ít nhất là mục đích tiêu dùng được coi là chính đáng về mặt kinh tế, mà lý thuyết cần xem xét. Việc tiêu dùng này, tất nhiên, có thể được hiểu là phục vụ nhu cầu vật chất - sự thoải mái về mặt thể chất hoặc nhu cầu cao hơn - tinh thần, thẩm mỹ, trí tuệ, v.v.; những nhu cầu sau này được đáp ứng gián tiếp thông qua việc tiêu dùng hàng hóa, theo cách mà tất cả những ai đọc về kinh tế đều quen thuộc.

Nhưng chỉ khi hiểu theo một nghĩa rất xa so với ý nghĩa ngây thơ ban đầu, ta mới có thể nói rằng việc tiêu dùng hàng hóa là động lực dẫn đến sự tích lũy tài sản một cách nhất quán. Động lực nằm ở gốc rễ của sở hữu là sự ganh đua; và chính động lực ganh đua này tiếp tục hoạt động trong quá trình phát triển của thiết chế mà nó tạo ra, cũng như trong sự phát triển của tất cả những đặc điểm trong cấu trúc xã hội mà thiết chế sở hữu chạm đến. Sở hữu của cải mang lại danh dự; đó là một sự phân biệt mang tính so sánh. Không thể nói điều tương tự về sự tiêu thụ hàng hóa, cũng như bất kỳ động lực nào khác có thể hình dung dẫn đến việc chiếm hữu và đặc biệt là việc tích lũy của cải.

Tất nhiên, không thể bỏ qua thực tế rằng trong một cộng đồng mà hầu hết các hàng hóa đều thuộc sở hữu tư nhân, nhu cầu kiếm sống là một động lực mạnh mẽ và luôn hiện hữu đối với các thành viên nghèo hơn của cộng đồng. Nhu cầu sinh tồn và cải thiện sự thoải mái vật chất có thể là động lực chiếm hữu chủ đạo trong một thời gian đối với những tầng lớp lao động chân tay, sinh kế bấp bênh, sở hữu ít và thường tích lũy ít; nhưng trong quá trình thảo luận, ta sẽ thấy rằng ngay cả với những tầng lớp nghèo túng này, ưu thế của động lực do nhu cầu vật chất không mạnh như đôi khi người ta giả định. Ngược lại, đối với những thành viên và tầng lớp trong cộng đồng chủ yếu quan tâm đến việc tích lũy của cải, động lực sinh tồn hoặc thoải mái về vật chất không bao giờ đóng vai trò đáng kể. Sự sở hữu bắt đầu và phát triển thành một thiết chế không phải trên cơ sở liên quan đến mức sinh tồn tối thiểu. Ngay từ đầu, động lực chi phối là sự phân biệt so sánh gắn liền với của cải, và ngoại trừ những trường hợp tạm thời và đặc biệt, không có động lực nào khác chiếm ưu thế ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào sau đó.

Sở hữu bắt đầu từ việc coi chiến lợi phẩm như chiến tích của tấn công thắng lợi. Khi nhóm người còn đang trong giai đoạn di chuyển liên tục và vẫn còn tiếp xúc chặt chẽ với các nhóm thù địch khác, giá trị của những vật dụng hay con người bị chiếm hữu chủ yếu nằm ở sự so sánh phân biệt giữa người sở hữu và kẻ thù bị cướp. Thói quen phân biệt giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của nhóm mà cá nhân đó thuộc về dường như xuất hiện muộn hơn. Sự so sánh phân biệt giữa người sở hữu chiến lợi phẩm danh dự và những người hàng xóm kém thành công trong cùng nhóm chắc chắn xuất hiện sớm như một yếu tố khẳng định giá trị của những vật phẩm sở hữu, mặc dù ban đầu đó không phải là yếu tố chính của giá trị này. Khả năng chiến đấu của người đàn ông vẫn chủ yếu được coi là khả năng chiến đấu của cả nhóm, và người sở hữu chiến lợi phẩm cảm thấy mình chủ yếu là người giữ danh dự cho nhóm của mình. Cách đánh giá về sự khai thác chiến công từ quan điểm cộng đồng này vẫn xuất hiện ở các giai đoạn phát triển xã hội sau này, đặc biệt là khi liên quan đến vinh quang trong chiến tranh.

Tuy nhiên, ngay khi tập quán sở hữu cá nhân bắt đầu trở nên nhất quán hơn, quan điểm thúc đẩy so sánh phân biệt - nguồn gốc của tư hữu - sẽ bắt đầu thay đổi. Thực tế, thay đổi này là hệ quả tất yếu của thay đổi kia. Giai đoạn ban đầu của sở hữu, giai đoạn chiếm đoạt và chuyển đổi một cách ngây thơ, bắt đầu chuyển sang giai đoạn tổ chức sơ khai của sản xuất trên cơ sở sở hữu tư nhân (đối với nô lệ); đoàn người phát triển thành một cộng đồng sản xuất tự túc ở mức độ lớn hoặc nhỏ. Khi đó, của cải không còn được coi trọng nhiều như một bằng chứng cho những cuộc đột kích thành công, mà là minh chứng cho sức mạnh vượt trội của người sở hữu tài sản so với các cá nhân khác trong cộng đồng. So sánh phân biệt giờ đây chủ yếu là so sánh giữa người sở hữu và các thành viên khác trong nhóm. Sở hữu vẫn mang yếu tính của chiến lợi phẩm, nhưng khi văn hóa phát triển, nó ngày càng trở thành chiến tích của thành công đạt được trong "trò chơi" sở hữu giữa các thành viên trong nhóm, được thực hiện bằng các phương pháp tương đối hòa bình của cuộc sống du mục.

Dần dần, khi hoạt động sản xuất ngày càng thay thế hoạt động săn mồi trong đời sống hằng ngày của cộng đồng và trong thói quen tư duy của con người, của cải tích lũy cũng dần thay thế chiến lợi phẩm từ các cuộc săn mồi như biểu hiện quy ước của quyền lực vượt trội và thành công. Với sự phát triển của một nền sản xuất thường xuyên, ổn định, sở hữu tài sản trở nên ngày càng quan trọng và hiệu quả như một cơ sở để đạt được danh tiếng và sự kính trọng. Điều này không có nghĩa là sự kính trọng dựa trên những bằng chứng trực tiếp về sức mạnh và sự dũng mãnh sẽ biến mất, hay các cuộc săn mồi thành công hoặc các chiến công trận mạc không còn thu hút sự tán dương và ngưỡng mộ của đám đông và khơi dậy lòng ghen tị của những đối thủ kém thành công hơn. Tuy nhiên, cơ hội để đạt được sự nổi bật thông qua việc thể hiện sức mạnh vượt trội trực tiếp trở nên ít phổ biến hơn cả về phạm vi lẫn tần suất. Trong khi đó, cơ hội cho sự tấn công trong sản xuất và tích lũy tài sản ngày càng tăng.

Quan trọng hơn là tài sản giờ trở thành bằng chứng dễ nhận thấy nhất về mức độ thành công, khác biệt so với các kỳ tích anh hùng. Do đó, tài sản dần trở thành cơ sở quy ước của sự kính trọng. Sở hữu tài sản ở một mức độ nào đó trở thành điều cần thiết để đạt được địa vị đáng kính trong cộng đồng. Tích lũy, sở hữu tài sản trở thành không thể thiếu trong việc bảo vệ danh tiếng cá nhân. Khi của cải tích lũy trở thành biểu tượng được chấp nhận của năng lực vượt trội, sở hữu tài sản cũng dần trở thành một cơ sở độc lập và dứt khoát của sự kính trọng. Sở hữu tài sản, dù chủ động - thông qua nỗ lực cá nhân hay thụ động - thông qua thừa kế từ tổ tiên hoặc người khác, đều trở thành nền tảng quy ước của sự danh giá. Ban đầu chỉ được coi là bằng chứng cho năng lực vượt trội, nó giờ trở thành một thể động danh dự tự thân. Sự giàu có là danh dự và choàng danh dự cho người sở hữu nó. Qua một bước tinh lọc nữa, tài sản thừa kế thụ động từ tổ tiên hoặc người đi trước còn trở thành danh giá hơn so với tài sản do chính người sở hữu tạo ra; tuy nhiên, sự phân biệt này thuộc về giai đoạn sau trong quá trình phát triển của văn hóa tài sản và sẽ được đề cập sau.

Sự dũng mãnh và chiến công vẫn có thể tiếp tục là cơ sở để đạt được sự kính trọng cao nhất trong xã hội, dù sở hữu tài sản đã trở thành cơ sở của sự danh giá thông thường và địa vị đứng đắn. Bản năng săn mồi và sự tán dương khả năng săn mồi hiệu quả đã ăn sâu vào thói quen tư duy của những cộng đồng đã trải qua thời kỳ văn hóa săn mồi kéo dài. Trong đánh giá của xã hội, danh dự cao nhất mà con người có thể đạt được có thể vẫn là những thành tựu từ chiến công vượt trội trong chiến tranh hoặc năng lực có tính chất nửa săn mồi trong lĩnh vực chính trị. Nhưng để đạt được địa vị đứng đắn thông thường trong cộng đồng, tích lũy của cải trở thành phương tiện chính. Cần phải đạt được một tiêu chuẩn tài sản nhất định, dù tiêu chuẩn này có phần mơ hồ, giống như ở giai đoạn săn mồi trước đây, người đàn ông man rợ cần phải đạt được tiêu chuẩn của bộ tộc về sức chịu đựng, sự tinh khôn và kỹ năng chiến đấu. Một tiêu chuẩn về tài sản trong trường hợp này, và về sự dũng mãnh trong trường hợp kia, là điều kiện cần thiết để có được danh giá, và bất kỳ điều gì vượt quá mức tiêu chuẩn đều được coi là đáng tuyên dương.

Những thành viên trong cộng đồng không đạt được chuẩn (dẫu mơ hồ) về sự dũng mãnh hoặc giàu có, sẽ phải chịu tổn hại trong sự kính trọng của đồng loại và chính lòng tự trọng của họ cũng sẽ bị tổn hại, vì cơ sở thông thường của sự tự trọng là sự tôn trọng mà một người nhận được từ những người xung quanh. Chỉ những cá nhân tính lệch chuẩn mới có thể duy trì lòng tự trọng của mình lâu dài khi phải đối mặt với sự coi thường của cộng đồng. Những ngoại lệ rõ ràng đối với quy tắc này có thể gặp chủ yếu ở những người có lòng tin tôn giáo mạnh . Tuy nhiên, những ngoại lệ này hiếm khi là ngoại lệ thực, bởi vì những người như vậy thường dựa vào sự tán thưởng được cho là đến từ một chứng nhân siêu nhiên đối với hành động của họ.

Ngay khi sở hữu tài sản trở thành cơ sở của sự kính trọng trong xã hội, nó cũng trở thành điều kiện cần thiết để có được sự hài lòng mà ta gọi là tự trọng. Trong bất kỳ cộng đồng nào có tư hữu, để giữ được sự an tâm của mình, một cá nhân cần phải sở hữu lượng tài sản tương đương với những người mà họ thường so sánh mình, và sẽ cực kỳ thỏa mãn khi sở hữu nhiều hơn những người khác. Tuy nhiên, khi một người có thêm tài sản và quen với tiêu chuẩn tài sản mới đạt được, mức mới này cũng sẽ không mang đến nhiều thỏa mãn hơn mức cũ. Xu hướng trong mọi trường hợp là luôn coi tiêu chuẩn hiện tại là điểm khởi đầu cho việc tiếp tục gia tăng tài sản; điều này lại tạo ra một tiêu chuẩn mới về thế nào là đủ và một hình dung mới về vị trí của mình so với những người xung quanh. Trong vấn đề ta đang bàn, mục tiêu của tích lũy tài sản là đạt vị trí cao trong so sánh với các thành viên khác trong cộng đồng. Chừng nào so sánh này chưa đặt mình ở vị trí cao, cá nhân bình thường sẽ còn sống trong bất mãn dai dẳng với hoàn cảnh hiện tại; và khi anh ta đạt được cái có thể gọi là tiêu chuẩn tài sản bình thường của cộng đồng hoặc của tầng lớp của anh ta trong cộng đồng, sự bất mãn này sẽ chuyển thành khao khát khôn nguôi, làm sao tạo ra một khoảng cách tài sản ngày càng lớn giữa anh ta và chuẩn trung bình này. Kết quả phép so sánh mang tính phân biệt này không bao giờ có thể trở nên quá cao cho cá nhân, đến mức anh ta không còn muốn xem mình cao hơn nữa so với các đối thủ trong cuộc cạnh tranh về danh tiếng tài sản.

Về cơ bản, ham muốn hướng đến sự giàu có hầu như không thể được hoàn toàn thỏa mãn trong bất kỳ trường hợp cá nhân nào, và rõ ràng việc thỏa mãn ham muốn của cả cộng đồng là không thể. Cho dù của cải có được phân phối rộng rãi, bình đẳng hay "công bằng" thế nào đi nữa thì cũng không sự gia tăng chung nào về của cải cộng đồng có thể tiến gần đến việc thỏa mãn nhu cầu này, bởi nền tảng của nó là ham muốn của mỗi người - được vượt trội so với tất cả những người khác. Nếu, như đôi khi người ta giả định, động lực tích lũy là nhu cầu sinh tồn hoặc sự thoải mái vật chất, thì có thể các nhu cầu kinh tế tổng thể của một cộng đồng sẽ được thỏa mãn ở một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển hiệu quả sản xuất. Nhưng vì cuộc đấu tranh này thực chất là một cuộc chạy đua để đạt được danh tiếng dựa trên sự so sánh phân biệt, nên không có khả năng đạt được mục tiêu cuối cùng nào.

Những điều vừa nêu không có nghĩa sự tôn trọng và ghen tị từ đồng loại là động lực duy nhất thúc đẩy ham muốn về tài sản. Mong muốn có thêm sự thoải mái và an toàn cũng là một động lực ở mọi giai đoạn của quá trình tích lũy trong một cộng đồng sản xuất hiện đại; mặc dù tiêu chuẩn thế nào là đủ trong những khía cạnh này cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi thói quen ganh đua về tài sản. Sự ganh đua này định hình phần lớn các phương pháp và lựa chọn các đối tượng chi tiêu cho sự thoải mái cá nhân và một cuộc sống đứng đắn.

Bên cạnh đó, quyền lực mà của cải mang lại cũng là một động lực thúc đẩy việc tích lũy. Khuynh hướng hướng tới các hoạt động có mục đích và sự ghê tởm đối với mọi nỗ lực vô ích, sinh ra từ việc con người, về bản tính, là một tác nhân, không biến mất khi con người bước ra khỏi văn hóa cộng đồng ngây thơ, nơi tinh thần đoàn kết không phân tích và không phân biệt cá nhân với cộng đồng là chủ đạo. Khi bước vào giai đoạn săn mồi, nơi sự ích kỷ theo nghĩa hẹp trở thành yếu tố chi phối, khuynh hướng này vẫn đi theo con người như một đặc điểm định hình cuộc sống của họ. Khuynh hướng hướng về thành tựu và sự ghê tởm đối với sự vô dụng vẫn là động lực kinh tế cơ bản. Chỉ có cách thức biểu đạt và đối tượng mà khuynh hướng hoạt động này hướng đến là thay đổi. Dưới chế độ tư hữu, phương tiện dễ thấy nhất để đạt được mục tiêu là việc chiếm hữu và tích lũy tài sản; và khi sự đối kháng giữa người và người được nhận thức rõ hơn, khuynh hướng đạt thành tựu - tức là bản năng làm việc - ngày càng được định hình, thành khao khát vượt trội người khác về thành tựu tài sản. Thành công tương đối, được đo bằng sự so sánh mang tính phân biệt về tài sản với những người khác, trở thành mục đích quy ước của hành động. Mục tiêu chính đáng của nỗ lực là làm sao đạt được vị trí cao trong so sánh với người khác; nỗi ghê tởm đối với sự vô dụng phần lớn hòa với động lực ganh đua. Nó gia nhiệt cho cuộc đấu tranh bằng cách khiến mọi thất bại và bằng chứng về thất bại bị chỉ trích không khoan nhượng. Nỗ lực có mục đích giờ chủ yếu hướng tới một trình bày đáng kính hơn về của cải tích lũy. Trong số các động lực khiến con người tích lũy của cải, ganh đua vẫn giữ vị trí hàng đầu cả về phạm vi lẫn cường độ.

Khi sử dụng từ "phân biệt", có lẽ không cần thiết phải giải thích rằng từ này không có ý khen ngợi hay phê phán bất kỳ hiện tượng nào mà từ này mô tả. Thuật ngữ này được sử dụng theo nghĩa kỹ thuật để chỉ sự so sánh giữa các cá nhân nhằm đánh giá và phân loại họ theo giá trị tương đối - trong một nghĩa cảm năng hoặc đạo đức - từ đó trao cho và xác định mức độ tự hào hợp lý trong sự tự đánh giá bản thân và sự đánh giá của người khác về họ. So sánh phân biệt là quá trình định giá con người dựa trên giá trị của họ.

Anh Hoa dịch

(phần 1)

rất liên quan

bao nhiêu là đủ, hay, một phụ nữ săn mồi thì sẽ thế nào

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công