favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Thoreau: Lịch sử tự nhiên vùng Massachusetts

16/05/2024 23:57

Ở kia đã nói đến chuyện Melville là độc giả của Thomas Browne và nhờ đọc Browne mà thực hiện được cú chuyển mình để thực sự trở thành nhà văn lớn. Nhân vật nước Anh thế kỷ XVII ấy còn gợi ý cho một người Mỹ nữa, Henry David Thoreau, trong cái nhìn vào Tự Nhiên. Một tinh thần Anh quá uyên bác, lúc nào cũng khắc khoải về yếu tính của mọi sự hoàn toàn có thể gây ngại ngần cho việc đọc. Trong Die Ringe des Saturn, Sebald so sánh các câu của Browne với những chuỗi đưa đám dằng dặc, không biết đâu là cùng. Nhưng Sebald cũng nói luôn, ngay sau đó, rằng một khi vượt qua được sự nặng nề của văn xuôi ấy, độc giả sẽ phải choáng ngợp với sự nhẹ, nhất là sự trong suốt của nó. Từng chi tiết nhỏ nhất hiện ra mồn một, vậy mà không có chi tiết nào thừa. 

(Sự choáng ngợp của một nhà văn từ Tân thế giới khi gặp một tinh thần Anh thuộc tạng Browne có thể lên đến mức bấn loạn, như đã được kể ở kia.)

Nhưng trước hết, Henry David Thoreau: đó là một nhân vật tuyệt đối cùng thế hệ với Melville. Ở đây chủ yếu biết đến Thoreau của Walden hay Civil Disobedience, nhưng như thế thì cũng chẳng khác nào chỉ biết Tocqueville của Nền dân trị Mỹ, bỏ mất phần lớn nhất, về lịch sử Cách mạng. Dưới đây là Thoreau về tự nhiên, nhưng không phải chuyện chui vào rừng sống. 

 

 Lịch sử tự nhiên vùng Massachusetts (1842)

- Henry David Thoreau

Khi tuyết đã phủ khắp đất, cũng là khi tôi ngất ngây đọc sách Audubon viết về mộc lan, về những đảo nhỏ tận Florida, về gió biển ấm áp của đất ấy; về lối làm rào sắt, về cây gạo, về những cuộc di cư của chim sẻ Gia-va; về Labrador khi hết đông; về băng tan trên ngã ba sông Missouri. Những suy tưởng về non nước trù phú này sẽ thêm cho tôi sinh khí.

Vòng lại vòng cuộc đời khó nhọc,

ta bắt gặp đôi khoảnh khắc thiên thanh,

xinh đẹp khác nào phi yến, mẫu đơn

mà nàng xuân rắc đầy lạch khúc khuỷu:

trước phút giây biêng biếc màu trời ấy

những triết lý vuốt ve bọn hờn tủi

bỗng hóa trò lừa. Tôi nhớ đầu đông,

từ căn lầu buốt giá, tôi nhìn ngắm:

trong ánh sáng lặng thinh của chị Hằng

trên những cành cây, lan can, miệng cống,

có bao mũi băng vươn cây giáo lạnh

sửa soạn giao tranh hỏa tiễn mặt trời.

Tôi nhớ một trưa hè, nắng lung linh,

tia nắng vô danh nghiêng nghiêng sà xuống

thăm thảo nguyên cao rực rỡ diệp liên,

Tôi đã nghe, khi hồn tôi xanh mướt,

bên diên vỹ xanh bầy ong thầm thì

và tiếng ấy, khắp cỏ lục, cứ vang đi.

Suối bây giờ đã đi cùng mọi ngả

đứng đó làm thinh, mình tưởng nhớ mình

- Tôi từng nghe tiếng suối thời rộn rã,

lao triền dốc, vui đưa dòng thêu thắt

vượt thảo nguyên, hòa suối lớn đồng bằng,

nơi tiếng trẻ trung nó đã lặng đi

trong dòng nước đằm mình đang chuyển động.

Tôi đã thấy những luống cày vỡ đất

người cày đi trước, chim hét theo sau,

còn chung quanh, bao cánh đồng lọm khọm,

chui trong chăn tuyết, râu băng bạc đầy.

Nhờ chút ấy Đức Chúa trời sắm sẵn,

lòng tôi lại giàu có, phăm phăm việc mùa đông.

Vào kỳ đông, tôi sẽ cảm thấy khỏe khoắn lạ thường khi nghe đến cây dâu tằm, cây thương lục mỹ và bách xù. Chẳng phải thiên thai được tạo nên từ những nét huy hoàng bình dị này của mùa hạ hay sao? Labrador và East Main - trong những từ này chảy một dòng sinh khí đặc biệt mà không một tín lý đang ngắc ngoải nào biết được. Chúng đâu chỉ là tên gọi tầm thường của những bang nằm trong Liên bang. Dẫu ở hai xứ ấy chẳng có thăng trầm nào ngoài sự luân phiên của mùa màng, hứng thú của chúng ta vẫn không cạn. Những gì đang diễn ra nơi ấy, Quốc hội sao biết hết được. Cây hồng vàng và dẻ ngựa, con diều hâu vuốt sắc - chúng ghi lại những gì? Điều gì đang dần hé lộ khi hạ chuyển sang đông ở Nam lẫn Bắc Carolina, ở Rừng Thông Lớn, ở Thung lũng Mohawk? Ở đất nào cũng thế, chuyện chính trị khi nào cũng tẻ; người ta bị hạ thấp ngay khi bị coi là thành viên của một tổ chức chính trị. Từ điểm nhìn ấy, vùng đất nào cũng phô ra những triệu chứng của suy đồi. Tôi sẽ chỉ thấy Đồi Bunker, nhà tù Sing-Sing, Đặc khu Columbia và đảo Sullivan, cùng mấy trục đường nối chúng với nhau. Nhưng tất cả tầm thường và nhỏ nhặt hơn cả trận gió đông hay gió nam thổi qua chúng.

Sự lành mạnh không thể tìm được trong xã hội, chỉ tìm được ở tự nhiên mà thôi. Nếu không ít nhất giữ chân mình đứng vững giữa tự nhiên, toàn gương mặt người ta sẽ xanh xao, tái nhợt. Xã hội lúc nào cũng bệnh; càng tốt đẹp thì càng thế. Nơi đó không có hương nào trong lành như hương gỗ thông, cũng không có mùi nào thấm đượm và lại sức như cây thường xuân trên những đồng cỏ cao nguyên. Tôi có thói quen luôn mang theo vài cuốn sách về lịch sử tự nhiên như một dạng tiên dược. Đọc sách này sẽ phục hồi trương lực của cơ thể. Với người đang bệnh, tự nhiên cũng bệnh, nhưng với người khỏe, tự nhiên là suối nguồn sức khỏe. Không tai họa, không thất vọng nào đến được với người biết ngâm ngợi một nét đẹp tự nhiên. Những học thuyết rao truyền nỗi tuyệt vọng, rao truyền thói chuyên chế hay sự nô dịch - về đường tâm linh hay chính trị - chưa bao giờ đi ra từ môi miệng những ai đã dự phần vào sự an tịnh của tự nhiên. Chắc chắn là ở đây, trên bờ Đại Tây dương, lòng can trường thực sự sẽ không chùng xuống chừng nào hai bên chúng ta có những Xứ Lông thú hộ giá. Tiếng “Xứ Lông thú” đủ sức khiến bất kỳ ai, dù đang ở hoàn cảnh nào, cũng phấn chấn lên. Vân sam, độc cần và thông sẽ không chấp nhận niềm tuyệt vọng. Hình như một số tín điều đang thịnh hành trong các nhà thờ hay nhà hội thường quên đi những tay thợ săn mặc áo lông thú bên hồ Great Slave, quên rằng xe trượt tuyết của người Esquimeaux là do chó kéo, rằng trong ánh tà dương của xa xôi xứ bắc, người thợ săn sẽ không bỏ cuộc mà lần theo dấu của hải cẩu hay mooc biển trên tuyết trắng.

Những kẻ vội vàng gióng hồi chuông báo tử cho thế giới là những kẻ có trí tưởng tượng bệnh hoạn. Những môn phái sống trì độn này chẳng làm được gì tốt hơn là sắm sửa khăn liệm và viết điếu văn cho những người còn đang bận sống ngoài kia ư? Lòng tin trên thực tế của loài người đang đi ngược lại lời an ủy của người thuyết giáo. Lời giảng của họ có nghĩa gì với tôi đâu, nếu tôi không cảm nhận được ở đó thứ gì kiên định và hân hoan như tiếng kêu của lũ dế, nếu tôi không cảm thấy những cánh rừng tự do, bên trên là nền trời xanh ngắt. Nếu không thường xuyên được những dòng nước óng ả đón vào lòng và tắm táp cho tươi tỉnh, tôi sẽ chán loài người. Rõ ràng, niềm vui là điều kiện của sự sống. Hãy nghĩ về những con cá con mới nở đang nhảy lách tách trên mặt ao, ức vạn côn trùng chào đời trong một tối hè, tiếng kêu không ngớt của nhái bén làm ngân vang rừng xuân, vẻ thờ ơ vô ưu của lũ bướm đang náo động cánh rừng, thâu nhận hàng ngàn sắc màu trên đôi cánh; hãy nghĩ về cả con cá tuế bơi ngược dòng, nhờ nước kỳ cọ mà vảy thành bóng loáng, hắt hào quang lên bờ suối.

Những tưởng cái huyên náo này của tôn giáo, văn chương và triết học, bô bô ở những giảng đài, học đường và phòng khách có thể rung ngân khắp vũ trụ và là thứ âm thanh bao trùm như tiếng răng rắc của trục trái đất; nhưng nếu người nọ ngủ một giấc say, thì chỉ từ hoàng hôn hôm nay đến bình minh ngày mai, những thứ ấy sẽ bị quên sạch. Những huyên náo ấy chỉ là chuyển động dài ba tấc của con lắc đồng hồ, tức khắc góp phần tạo nên nhịp đập vĩ đại của tự nhiên. Khi chúng ta mở mắt và lắng tai nghe, huyên náo này biến mất trong khói tỏa và tiếng rung rinh, tựa như xe lửa mất hút trên đường ray. Khi tôi phát hiện một vẻ đẹp trong một góc khuất nào của tự nhiên thì tâm hồn lắng đọng và bình yên cần có để suy ngẫm vẻ đẹp ấy sẽ nhắc nhở tôi rằng một đời sống có thể riêng biệt, riêng biệt đến độ không sao tả nổi, có thể thầm lặng và ít ham hố dường nào. Vẻ đẹp nấp ẩn trong lớp rêu xanh cần được thưởng ngoạn từ góc linh thiêng, tĩnh lặng nhất. Khoa học quả là quá trình đào luyện đáng ngưỡng mộ hướng tới những chinh chiến trong đời thật. Quả thật, lòng kiên gan bền chí của những nghiên cứu khoa học còn ấn tượng hơn nhiều so với cái dũng được ca tụng của chiến binh. Tôi vui khi biết rằng Thales[1] đêm nào cũng thao thức, trăn trở, bằng chứng nằm ở chính những khám phá thiên văn của ông. Trước khi lên đường đi Lapland, Linnaeus[2] kiểm tra nào lược, nào áo thay, quần da, mũ lưới chống vắt, với niềm đắc chí chẳng khác gì Bonaparte kiểm tra dàn pháo chuẩn bị cho chiến dịch đánh Nga. Lòng quả cảm lặng lẽ của con người thật đáng ngưỡng mộ. Đôi mắt anh ta phải thu vào nào cá, hoa, chim, những thú hai chân và bốn chân. Khoa học luôn can trường, bởi học biết là học biết điều tốt đẹp; trước khoa học, những hồ nghi và nguy hiểm liền chùn bước. Những gì kẻ hèn nhát bỏ qua trong vội vã, khoa học sẽ điềm tĩnh nghiên cứu, đi đầu như nhà tiên phong mở đường cho hàng bao ngành nghề theo sau. Nhưng bọn hèn nhát không có phẩm tính khoa học; bởi không thể có khoa học từ vô tri. Có thể có khoa học từ lòng dũng cảm, bởi dũng cảm đưa ta tiến lên; nhưng một cuộc rút lui họa hoằn mới được tổ chức tốt; nếu tốt thì nó lại là bước tiến có tính toán trong nghịch cảnh.

Giờ ta nói sát chủ đề hơn một chút. Khoa sâu bọ mở rộng giới hạn của sự sống theo một chiều khác, để rồi tôi bước đi giữa tự nhiên với một cảm tri về không gian và tự do lớn hơn. Nó hơn nữa còn mách bảo rằng vũ trụ này không được tạo ra một cách thô lậu, mà toàn hảo đến từng chi tiết. Tự nhiên sẽ đứng vững trước những xét nét kỹ càng nhất; người mời gọi chúng ta nhìn những cọng lá bé nhỏ nhất, lấy con mắt của côn trùng mà chiêm ngưỡng đồng bằng người trải rộng. Tự nhiên không có kẽ hở, phần nào cũng căng nhựa sống. Tôi cũng đã khoái trá tìm ra nguồn gốc của hằng hà sa số những thanh âm không những điền đầy buổi trưa hè mà dường như còn là chất liệu hun đúc nên vĩnh hằng. Có kẻ nào không nhớ tiếng ve sầu chói gắt? Từ rất lâu rồi, ở Hy Lạp đã có những đôi tai biết lắng nghe âm thanh ấy, như bài vịnh của Anacreon[3]:

Ve kia hạnh phúc sao:

Trên những tán cây cao

Uống vào giọt sương đẫm,

Hát như ông hoàng nào.

Phàm thứ gì ngươi thấy

Trên cánh đồng đẹp tươi

Phàm thứ gì sinh sôi

Trong cánh rừng xanh ngắt:

Thảy đều thuộc về ngươi.

Bạn của đám nông dân

Không gây ai tổn hại

Ai ai cũng quý tài

Sứ giả mùa hè đấy.

Thi thần cùng cảm tạ

Mặt trời mến mộ mi

Người ban khúc mê ly

Tặng ngươi, người ca kỹ.

Hỡi kẻ, dẫu phàm trần,

Không héo bởi thời gian

Sống không cần giọt huyết

Chỉ hát ca vô vàn

Khổ đau, trăm loài hứng

Duy ngươi, cứ dong nhan

Cất tiếng ca điêu luyện

Leo lên bậc thánh thần.

Vào những ngày thu, tiếng dế vang khắp chốn; cũng như vào hè, người ta chủ yếu nghe tiếng dế khi đêm xuống, thì vào thu, bằng tiếng chi rứ không ngớt, chúng rước về buổi chiều muộn của năm. Tất cả những kiêu căng làm phiền muộn thế giới cũng không mảy may xô dịch được tiết nhịp mà đêm đã chọn. Mỗi nhịp đêm đều khớp với tiếng dế gáy, tiếng gõ của bọ gỗ bám trên tường. Giữa hai phách của đêm, bạn thử chèn vào một phách của riêng mình, xem phách bạn đánh có đều không.

Khoảng hai trăm tám mươi loài chim lưu trú lâu dài tại đây, hoặc chỉ đến vào mùa hè, hoặc chỉ tạt qua đất này. Những loài trú đông là những loài được người địa phương như chúng ta yêu quý nhất. Lũ chim trèo cây và bạc má theo bầy chuyền cành khắp thung lũng, con này hót xua đuổi kẻ phá đám, trong khi con còn lại, bằng tiếng khe khẽ ngọng nghịu, lại gọi mời kẻ phá đám ấy; cô nàng giẻ cùi kêu thất thanh trong rừng quả; loài quạ thì ò ọ đồng thanh với tiếng sấm; tiếng gà gô tựa như mắt xích đỏ hung kéo suốt từ thu sang xuân, duy trì chuỗi ngày hè không gián đoạn; con diều hâu với sự dũng mãnh như chiến binh không nao núng trước những cơn gió đông; lũ chim cổ đỏ[4] và chiền chiện lấp ló gần những khe nguồn ấm áp trong rừng; chim sẻ tuyết gom nhặt vài hạt trong vườn hay vài mẩu thức ăn trong sân; thi thoảng chim bách thanh với giai khúc vô tư và ấm áp lại như mang mùa hè quay lại.

Buồm chàng có bao giờ xếp lại

Là xuân, thu, đông, hay là hè;

Mùa đông khói cuộn, chàng lên cưỡi

Miệng huýt bài ca chỉ mình nghe

Khi xuân đến, và băng trên sông vẫn đang tan, những vị khách đi lẻ đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Lần nữa, chàng thi sĩ đất Teos lại cất tiếng ca về New England, như khi xưa chàng đã ca về Hy Lạp:

MÙA XUÂN TRỞ LẠI

Kìa xem, mùa xuân đến

Nàng Duyên dâng hoa hồng

Kìa xem, sóng đại dương

Mềm mại, cứ bềnh bồng

Kìa xem bầy vịt lặn

Kìa xem sếu đang bơi

Mặt trời tỏa ánh nắng

Mây thôi gợn da trời

Những công việc con người

Được tỏ ra sáng ngời

Thế gian đơm trái ngọt

Olive cho quả sai

Thần rượu giờ lên ngôi

Và trên cây, trên cành

Trái ngon đầy, trĩu nặng

Đu đưa, thắm duyên lành.

Vào mùa này, vịt trời hay đậu xuống nước lặng cùng lũ mòng biển; bọn này cũng không quên tận dụng làn gió đông để tới thăm đồng cỏ trong xứ, bơi theo toán hai hoặc ba con, rỉa lông rỉa cánh rồi lặn xuống mổ rễ cây loa kèn hay nam việt quất vẫn chưa tan băng. Ta thấy đàn ngỗng đầu tiên vẫy cánh về phương bắc, tạo hình cái bừa dài và những đường lượn sóng; tiếng ríu rít của chim sẻ hót hay từ những bụi cây và hàng rào chào đón ta; tiếng kêu não nùng của chim chiền chiện từ đồng cỏ vọng lại, rõ ràng và du dương; chim sơn ca, như một vệt xanh lơ, chớp lòe trước mắt ta khi đi bách bộ. Mùa này, người ta thi thoảng cũng bắt gặp chim ó uy nghi lướt trên mặt nước, và ai đã nhìn thấy sẽ không thể nhanh quên vẻ uy nghi trong dáng nó bay. Nó lao đi như con tàu chiến, đủ mạnh để đương đầu với những sức mạnh tự nhiên, đôi khi lại nghiêng hẳn sang bên, như con thuyền chòng chành nghiêng hẳn về bên mạn, giương lên như sẵn sàng phóng đi móng vuốt, đúng khí phách của loài quốc điểu. Dáng dấp nó đĩnh đạc, điềm tĩnh, tựa chúa tể núi rừng và sông suối. Ánh mắt nó không run sợ trước anh điền chủ, thậm chí còn khiến anh ta cảm thấy chính mình mới là kẻ xâm nhập vào lãnh địa. Và cách nó rút lui, bình tâm và điềm nhiên, thật không khác gì tiến quân. Cạnh tôi là một cặp ưng biển mà thợ săn đã bắn hạ bên một hồ nước đâu đó gần đây. Thân chúng dài chừng hơn hai thước, sải cánh rộng gần sáu thước; đã vài năm nay đôi chim vẫn bắt cá ở vùng này. Nuttall có viết: “Người xưa, cụ thể là Aristotle, thích tin rằng chim ưng biển dạy ưng con nhìn thẳng mặt trời, đứa nào không nhìn được là bị giết bỏ. Linnaeus thậm chí còn tin lời người xưa, rằng một bàn chân của giống chim này có các ngón tách biệt, trong khi bàn chân còn lại thì có màng, thành thử nó bơi được bằng một chân và bắt cá bằng chân còn lại.” Nhưng ở đôi chim của tôi, con mắt dạn dày kia giờ đã đục, móng vuốt sắc không còn cảm biết gì nữa. Nhưng tiếng kêu lanh lảnh của nó như vẫn còn dư thanh trong cổ; trong cánh nó còn tiếng gào của đại dương, trong vuốt nó còn cái bạo ngược của Dớt, và cơn thịnh nộ người còn nằm đâu đó trong những chiếc lông cương nơi đầu và cổ. Tất cả đều gợi tôi nhớ về cuộc hành trình của những anh hùng Argos, và dẫu là người đần độn nhất cũng có thể vì chiêm ngưỡng những vẻ này mà có cảm hứng bay qua Núi Thơ.[5]

Tiếng vạc kêu, mà Goldsmith và Nuttall đã tả, thường xuyên vẳng lại từ những đầm lầy, cả sáng lẫn tối, như tiếng máy bơm hay tiếng chặt gỗ từ sân trại xa xôi nào đó. Tôi chưa biết ai tả được cách mà âm thanh này được tạo ra. Có lần, một người hàng xóm của tôi đã thấy con chim này vùi mỏ xuống nước, hút vào cho căng, sau đó ngẩng đầu lên và sau chừng bốn hoặc năm lần rướn cổ, phun những tia nước đi xa hai đến ba thước, vừa làm vừa phát ra âm thanh này.

Mùa hè bất diệt cuối cùng cũng ùa về với tiếng khúc khích của chim gõ kiến giữa những ngọn sồi mọc trên sườn đồi, và một triều đại mới bắt đầu trong không khí an toàn bình lặng.

Vào tháng Năm, tháng Sáu, dàn đồng ca của rừng đạt đến hòa âm tuyệt đối. Trong không gian rộng lớn ấy, trước đôi tai tò mò của loài người, còn có gì hay hơn để xâm chiếm những khoảng bao la trống vắng.

Mỗi thanh âm

là cả một mùa hè

Khi mùa cứ trôi qua và những loài chim chỉ ghé thăm chúng ta cũng vỗ cánh tạm biệt thì rừng lại yên ắng, tuy vài sợi lông vũ có làm rộn bầu không khí uể oải gật gà. Nhưng chàng ngao du đơn độc có khi vẫn còn thấy rằng tâm trạng nào cũng tìm được một lời hồi đáp hoặc một cách biểu đạt từ những tầng sâu của rừng.

Tôi nghe lanh lảnh lời chim hét,

the thé tôi nghe bạn giẻ cùi.

Bắt điệu rót ra dăm nốt nhạc

là con bạc má rừng xa xôi.

Lời con chim ấy, lời ít ỏi

cất lên ca tụng kẻ anh hào

tỏ ra cho đất trời cùng biết

đức hạnh mới đáng yêu làm sao.

Con chim hằng nga[6] vẫn hòa điệu hát với thời tiết oi bức bên ao, và những giờ trưa thảnh thơi giữa thôn cũng chẳng thiếu những ca công của riêng mình.

Trên cây đu nơi cành hoa cao
Chú vàng anh ngâm khúc ngọt ngào
Giữa một ngày như bao ngày khác
Nâng suy tưởng ta lên trăng sao

Mùa thu đến mang chút dáng dấp của mùa xuân mới. Tiếng chim choi choi ríu rít trên những đồng cỏ khô, lũ sẻ thông chuyền từ cây này sang cây khác, chim chồn hôi và gõ kiến thì bay thành đàn, chim sẻ cánh vàng thì đu lấy những luồng gió đến sớm nhất, như một con nhái bén có cánh đang trộm nhìn qua sột soạt biển lá. Lũ quạ cũng bắt đầu tụ lại; chúng bay là là, chầm chậm, bay một mình hay từng đôi, từng ba con. Đứng dưới đất, ta có thể đếm từng con hay từng đàn bay qua, mỗi nhóm cách nhau chừng nửa dặm, cho đến khi đếm được cả trăm.

Tôi nghe nói ở đâu đó rằng người da trắng đã đưa loài quạ tới đất nước này; nhưng như thế thì tôi cũng phải tin là chính họ đã trồng những cây thông và độc cần ở đây. Lũ quạ nào phải loài spaniel, đợi loài người đi trước rồi mới theo chân họ tới. Nó bay vụt qua những khoảng rừng thưa, như thần phách u uẩn của người Anh-điêng, và thường khiến tôi nghĩ về vua Philip[7] và tù trưởng Powhatan, hơn là Winthrop[8] và Smith.[9] Quạ là chứng tích của những thời đại xa xưa. Mê tín bám vào thế gian, nhẹ nhưng lâu bền như thế đấy. Ở Anh (England) có con rook; người ta suy ra nó từ Anh qua Anh Mới (New England) và lấy cái tên crow.

Hồn rừng u uẩn trú trong ngươi

Loài chim bước ra từ sử thi

Vun vút trên nẻo đường đơn độc

Tựa ngôi sao hè đang lao đi

Chim xuyên qua bao núi bao đồi

Qua rừng, qua nội, suối dưới trời,

Kìa chim, chim nhủ lời gì đấy

Buồn nào trĩu cánh là là bay?

Quả cảm nào làm ngươi cất giọng

Đặt ngươi trên cả những khóm mây

Trên nhúm người đêm ngày phiền muộn

Mà ngươi thoáng tạt qua nơi này?

Vào những buổi tối tháng Mười, khách bộ hành hay cánh lái tàu có thể nghe thấy tiếng rì rầm của chim dẽ giun lượn vòng trên những đồng cỏ; trong thiên nhiên, thanh âm của nó là thanh âm gần tiếng hát của linh hồn nhất. Cuối thu, khi băng giá bắt đầu nhuốm trắng những những phiến lá, một thân một mình, chú chim lặn mỏ đen đến thăm những ao chuôm kín nắng kín gió. Nơi đây, nó có thể nương náu mà không bị phiền hà cho đến hết mùa thay lông, và khiến bao cánh rừng âm vang những tiếng cười hoang dã. Con chim này, chim Thợ lặn miền Bắc, rất xứng với danh xưng của mình: khi bị thuyền câu đuổi, nó lặn xuống nước, bơi như cá chừng sáu mươi sào, có khi còn xa hơn, nhanh như người ta chèo thuyền. Kẻ rượt bắt nếu muốn tìm lại con mồi, phải ghé tai xuống mặt sóng mà ngóng xem nó sẽ ngoi lên ở đoạn nào. Khi ngoi lên, một lần vỗ cánh thôi là nó rũ hết nước, và bình tâm lướt đi cho đến khi tiếp tục bị quấy rầy.

Trong năm, đây là những cảnh tượng và thanh âm chạm đến giác quan ta thường xuyên nhất. Nhưng có khi ta nghe một nốt nhạc mới, trong đó mênh mang những Carolina hay Mexico khác mà sách vở chưa tả đến, và qua đó hiểu rằng môn điểu học chưa làm ích gì cho mình.

Báo cáo cho thấy rằng có khoảng bốn mươi loài bốn chân trong bang này, và trong số đó, rất may, có vài giống gấu, sói, linh miêu và mèo rừng.

Vào lúc nước sông xuân tràn bờ, xạ hương nặng trĩu nương theo những cơn gió lộng từ những đồng cỏ, và cái tươi mới của mùi ấy gợi cho tôi về một hoang vu chưa ai khám phá. Những cánh rừng chưa khai phá ấy hẳn không còn xa nữa. Nhìn thấy ổ của lũ chuột xạ hương, đắp từ bùn và cỏ, trên bờ sông cách mặt nước chừng ba, bốn thước, tôi xúc động y như khi đọc về những nấm mồ đắp đất ở châu Á. Nơi khác có hải ly; còn ở những bang Hoa Kỳ đã nhiều dân đến ở thì có loài chuột xạ hương. Vài năm trở lại đây, dân số loài này ở vùng này đã tăng. Trong số những con sông đổ xuống dòng Merrimack, sông Concord bị dân lái thuyền coi là sông chết. Theo lời kể, dân da đỏ lại gọi sông này là Musketaquid, hay Prairie River (sông thảo nguyên). Dòng nó uể oải, nước thì nhiều bùn hơn những sông còn lại, nhưng nhiều cá mú, chim chóc để săn bắt hơn. Lịch sử Thành phố chép: “Ở vùng này xưa kia, nghề buôn lông thú được lấy làm trọng. Ngay từ năm 1641 đã thành lập một công ty trong khu kiều dân, do thiếu tá Willard quê Concord giữ chức tổng giám đốc, có độc quyền giao dịch thương mãi lông thú và những vật phẩm khác với người Anh-điêng. Để nắm độc quyền, họ phải nộp cho ngân sách công một phần hai mươi lượng lông thú sở hữu.” Đến giờ, trong dân chúng bang này vẫn có người đi đánh bẫy, và đi xa nữa về phía tây cũng có, bên những dòng suối. Cả ngày lẫn đêm họ đi giăng, đi thăm bẫy mà không sợ người Anh-điêng. Có người một năm bẫy được 150 đến 200 con, thậm chí có anh bắn hạ ngày ba mươi sáu con. Lông thú dĩ nhiên không còn giá trị như thuở trước, chỉ mùa đông, mùa xuân mới được bảo quản tốt. Đến khi băng vỡ, nước lùa hết chuột ra khỏi tổ, thì chuột - đứa bơi lội, đứa nghỉ trên bờ, đứa bám hờ vào cỏ hay lau sậy bên nước - bỏ mạng dưới những tay săn lướt qua lướt lại trên thuyền là nhiều nhất. Bình thường chúng ranh mãnh, nhưng lại rất dễ sa bẫy: người ta chỉ cần đặt lưới trong tổ hay bất cứ nơi đâu chuột thường lai vãng, chẳng cần mắc mồi, mặc dù đôi khi có bôi xạ hương vào để nhử. Kỳ đông đến, thợ săn khoét lỗ trên mặt băng, đợi chúng thò lên mặt nước là bắn. Chuột thường đào hang trong những bờ cao, cửa hang thì đào bên dưới mặt nước, rồi cứ từ đó xây lên, cao hơn mực nước lúc triều dâng mới thôi. Ổ loài chuột này đắp từ cỏ khô và lông chim; đôi khi, do đất nơi chân hang lún xuống, ổ chuột ấy sẽ lộ ra nơi bờ thấp và lỗ rỗ. Vào xuân, ổ có từ ba đến bảy hoặc tám con non.

Rất thường, khi buổi sáng, khi thì buổi tối, trên mặt nước phẳng lặng sẽ xuất hiện một gợn nước dài, một con chuột xạ đang bơi nhưng duy có cái mũi là nhô lên khỏi mặt nước, thi thoảng miệng ngậm một cành cây mang về xây tổ. Khi biết mình đã bị phát hiện, nó sẽ ngụp xuống, bơi dưới nước chừng năm, sáu sào rồi ẩn mình trong hốc tổ hay trong đám sậy. Nó ẩn mình dưới nước mười phút liên tục. Có lần người ta còn thấy, con chuột này, khi không bị quấy nhiễu gì, còn tạo ra một bong bóng khí dưới mặt băng, cứ phồng lên xẹp xuống theo nhịp thở thảnh thơi của nó. Khi nghi có có hiểm nguy trên bờ, nó đứng thẳng người, y như con sóc, rồi quan sát xung quanh chừng vài phút, không hề động đậy.

Vào thu, nếu một áng cỏ ngăn giữa hang chuột và dòng suối, lũ chuột sẽ lấy bùn, cỏ mà đắp những cái hang cao ba, bốn thước ngay gần bờ suối. Đây không phải nơi chuột đẻ, mặc dù đến khi băng tan và nước tràn về, ở đó ngươi ta hay bắt gặp con non; đây thực chất là hang dành cho lúc săn mồi, nơi chứa thức ăn để chuột tạm trú trong mùa đông. Thức ăn chủ yếu là các loài cây thân cỏ và trai nước ngọt mà cứ vào xuân là vô số vỏ bị chuột xả ra xung quanh hang.

Người Penobscot thường khoác lên mình nguyên bộ lông chuột xạ, vẫn còn chân đuôi lủng lẳng, đầu thì dúi vào dây lưng mà biến thành túi đựng. Anh ta nhét vào đó đủ thứ, nào đồ câu, nào dầu xạ để bôi lên bẫy.

Gấu, sói, linh miêu, mèo hoang, hươu, hải ly và chồn marten đã mất dạng; rái cá giờ cũng hiếm thấy, còn giống chồn nhỏ giờ hiếm gặp hơn trước nhiều.

Có lẽ trong hàng những loài bốn chân chưa thuần hóa, cáo là loài có danh tiếng đồn xa nhất và quen thuộc nhất từ thời Pilpay và Aesop[10] đến nay. Dấu chân mới in của loài cáo luôn khiến cho cuốc đi bộ mùa đông trở nên khác lạ. Tôi nhẫm lên dấu chân mà một con cáo đã in cách đây vài giờ - hoặc nhẫm lên dấu chân cáo đã in khi nó lần theo những bước do chính tôi nhử - trong rón rén và thấp thỏm, như thể tôi đang bước trên lối đi của thần rừng, như thể tôi bắt gặp tới nơi rồi con cáo trong hang ổ nó. Tôi nao nức muốn biết cái gì đã tạo nên những đường cong đài các của con cáo ấy, và những đường cong ấy khớp đến đâu với những dao động trong óc nó. Tôi biết cái óc ấy quyết định rẽ lối nào, hướng về phía chân trời nào, nhờ theo dõi cách những dấu chân này sắp xếp. Tôi biết nó chạy nhanh hay chậm nhờ vào khoảng cách và độ nông sâu của những vết chân, bởi chạy dẫu nhanh bao nhiêu thì dấu vẫn lưu lại. Có khi bạn còn gặp dấu chân của một lúc nhiều con, thấy được nơi chúng đã nô giỡn với nhau, quay lượn hàng trăm vòng - và điều này cho thấy trong thiên nhiên cũng có những rảnh rang đùa nghịch rất riêng.

Khi thấy một con cáo băng qua cái ao phủ tuyết với vẻ vô tư lự, hay khi lần theo dấu chân nó trong ánh nắng dọc sườn đồi, tôi muốn dâng cả đất lẫn trời cho nó như trao trả hai thứ ấy về chủ nhân đích thực. Nó không đi về phía mặt trời; vầng dương dường như bám gót nó, giữa cả hai dường như có một mối tương thông có thể nhìn thấy được. Có lúc, khi tuyết dày chừng năm, sáu inch nhưng vẫn xốp, bạn có thể đuổi theo và, vung chân hất tung một đám tuyết, phát hiện một con cáo dưới chân. Bị phát hiện, con cáo sẽ điềm nhiên tuyệt vời, chọn chính xác hướng chạy an toàn nhất, dù nó có thể vì vậy mà chậm một nhịp. Có khiếp sợ, nhưng không bước nào của nó kém đẹp. Bước chạy của nó gần như giống bước phi nước nhỏ của loài báo, cứ như thể lớp tuyết tuyệt nhiên không gây trở ngại nào, con thú di chuyển trên tuyết ấy thậm chí còn đang tiết kiệm sức. Đến đoạn mấp mô thì đường chạy của cáo là một chuỗi những đường cong yểu điệu, cứ lựa theo hình thù mặt đất mà uốn lượn. Con cáo chạy như thể lưng nó không xương và thi thoảng, cứ chạy chừng một hay hai sào, nó lại chúi mõm xuống đất, rồi lại kiêu hãnh ngẩng cao đầu khi thấy chạy như thế là đã đủ. Khi tới một con dốc, nó chụm hai chân trước, trượt nhanh xuống triền đồi, vừa trượt vừa đùn chỗ tuyết ngay trước mặt. Bước nó thả êm ái tới mức dẫu ở gần đến đâu, bạn cũng không nghe nổi tiếng gì; nhưng cũng vì dáng nó đi, mà dù ở khoảng cách nào, bạn cũng không thể không nghe tiếng chân nó uyển chuyển.

* * * * *

Trong bản Báo cáo có miêu tả bảy mươi lăm chi và một trăm linh bảy loài cá. Dân đánh cá hẳn ngỡ ngàng nếu biết rằng những ao, những suối ở bất kỳ phố thị nào bị đất liền tứ bề bao bọc có đến trong ngoài mười hai giống cá đang sinh sống, tập tính ra sao chưa ai biết cả. Nhưng chỉ nghe tên, chỉ biết nơi ở của vài giống ấy thôi, người ta đã yêu mọi giống cá trên đời. Tôi thậm chí còn muốn biết số vảy của từng giống, muốn biết trên từng bộ vây có bao nhiêu cái vảy. Nếu khám phá ra rằng trong lòng suối kia có một con cá tuế, tôi sẽ cảm thấy mình hiểu biết hơn, may mắn hơn bao người. Tôi thậm chí còn thấy hai chúng tôi, một cá một người, cảm biết nhau,  trở nên thân quen nhau ở chừng mực nào đó.

Những trò câu cá và nghịch ngợm cỏn con đã từng mang cho tôi niềm vui đơn sơ nhưng to lớn, sánh ngang niềm vui đã gây thi hứng cho Homer hay Shakespeare thuở xưa. Tới giờ, khi lần giở từng trang và suy ngẫm từng bức vẽ trong cuốn Angler’s Souvenir, tôi vẫn như muốn reo lên

Trên đời có những sự này ư

Ập tới ta như một áng mây hè?

Kề cận với thiên nhiên, hành động của con người dường như tự nhiên nhất, dường như lẹ làng nương theo đó. Lưới đánh cá nho nhỏ làm từ sợi lanh, tỏa trên đoạn nước sông vừa nông, vừa trong - nó chẳng xâm phạm thiên nhiên nhiều hơn là con nhện giăng mạng mình dưới nắng. Tôi dừng thuyền giữa dòng, ngó xuống mặt nước lấp loáng ánh mặt trời mà ngắm những mắt lưới tay người làm ra, rồi băn khoăn không biết tại sao họ - những kẻ hay ầm ào quát tháo ấy - lại tạo được ra tác phẩm tinh xảo ấy. Mảnh dây bện trông như một loại thủy thảo mới, đối với dòng sông thì như một kỷ vật đẹp đẽ minh chứng dấu ấn của con người giữa thiên nhiên, được người ta phát hiện ra trong đúng cái thầm lặng và mong manh mà họ phát hiện ra một dấu chân trên cát.

Khi tuyết phủ hết mặt băng, tôi chắc rằng dưới chân tôi là những kho báu thực sự; tôi đặt chân đến đâu thì dưới đó sẽ là một cái mỏ. Hàng sải dưới lớp băng nặng nề kia có bao nhiêu con cá chó đang lững lờ? Với chúng, vòng biến đổi của các mùa trong năm hẳn là một hiện tượng kỳ thú. Cuối mùa, mặt trời và gió sẽ thổi đi màn bằng tuyết, để bọn cá lại thấy bầu trời.

Đầu xuân, băng tan là mùa xiên cá. Gió đột ngột đổi chiều, từ gió đông và đông bắc thành gió tây, gió nam. Những trụ băng, trước vẫn leng keng khắp đồng nội, thì bây giờ rỉ từng giọt từ ngọn xuống cuống, để rồi cùng hàng triệu anh em khác dâng thành vũng. Hơi nước bay lên từ từng mái nhà và hàng rào.

Tôi thấy mặt trời làm khô những giọt lệ trần ai

Những giọt lệ mừng vui, khô rồi càng chảy mạnh

Nơi những con suối có tiếng lách cách vỡ vụn của những đụn băng nhỏ, chúng trôi xuôi ở những tốc độ khác nhau, vẻ rất tự tại và đầy hy vọng. Nơi đá hoặc thân cây ngã soài bắc thành cầu, có nước róc rách chảy bên dưới, bạn nghe được tiếng băng trôi vội vã đang thầm thĩ chuyện trò cùng nhau. Mỗi khe suối là một mạch nhựa nuôi sống cả đồng cỏ. Ở ao chuôm, băng nứt vỡ râm ran, vui tươi và gây niềm phấn khởi; còn ở nơi suối rộng lòng hơn thì có tảng băng xoay vòng phát ra tiếng kèn kẹt thô ráp, vừa trôi vừa va đập vào những thứ khác. Mới đây thôi, tảng băng ấy là lối đi cho anh tiều phu và loài cáo; có khi dấu giày trượt băng và lỗ câu cá chó trên tảng băng vẫn còn mới tinh. Ủy ban thành phố thường lo sợ kiểm tra những cây cầu, những thôi đê, cứ như thị sát bằng mắt thôi là ngăn được băng tan để tiết kiệm cho kho bạc nhà nước vậy.

Ăm ắp nước sông, dòng năng lượng

thầm lặng ôm thành phố nằm ngoan,

dâng lại dâng, nước sông đầy ăm ắp

như một dòng năng lượng hiền hòa,

luôn lách trong ngoài, ôm thành phố ta,

chốc biến búi cỏ khô thành ốc đảo.

Như một A-ra-rát mỉm cười úy lạo,

đảo tí hon thành chốn chuột nghỉ chân

Musquetaquid, sông không gợn sóng

những dòng nàng chưa ai biết ở đâu,

- cũng như sâu lắng nhất là hồn thầm lặng nhất

dẫu suy tư còn thoăn thoắt trong đầu.

Từng náo động những ngày hè nắng cháy,

sang mùa này, không có một bóng thuyền

từ Nashawtuck về miền Vách đá

chỉ im lìm một giấc ngủ lặng yên.

Nhưng ở lòng sông, dưới mặt nước hiền,

quanh co nghìn đồi, thông qua nghìn mạch,

bao suối âm thầm, bao dòng khẽ tiếng

vẫn dâng nhanh, vẫn dồn bước triền miên.

Làng chúng mình khác nào đất Venice

Phá đằng kia khác nào kênh lạch nọ

Vịnh Naples lỗi lạc trong sách vở

Chính ở đây, vụng nước giữa hàng phong

Và khi ngắm nương ngô bác nhà bên

Tưởng đâu mũi Sừng Vàng[11] lạc đến

Nơi đây thiên nhiên trao bài học

Tự xa xưa, độc người da đỏ nghe

Và tôi tin, Venice và Naples

Đã học lấy phần nho nhỏ đem về

Nhưng bạn à, bậc minh sư cao thủ

Vẫn hơn xa xảo kỹ anh học trò.

Bác đánh cá sửa thuyền rồi hạ thủy. Mùa này xiên cá là thích hợp nhất, bởi cỏ dại thì chưa kịp mọc, trong khi các loài cá thì đang tụ tập nơi nước nông, bởi vào hè chúng thích ở sâu hơn, nơi nước mát; còn mùa thu thì cỏ lại che khuất chúng mất rồi. Điều thiết yếu đầu tiên là nhiên liệu đốt lò; người ta thường lấy rễ cây thông mềm bên dưới những gốc đã ruỗng mục, bị chặt trước đó từ 8 đến 10 năm.

Có một cái lò giữ lửa làm từ vành sắt, buộc vào đầu thuyền cách mặt nước chừng ba thước, một cây xiên cá bảy răng dài khoảng mười bốn thước, một cái rổ hoặc thùng lớn để mang chất đốt lúc đi và mang cá lúc về, một chiếc áo choàng dày dặn, là bạn đã được trang bị đầy đủ cho một chuyến đánh bắt. Tối xuất hành phải là một tối ấm trời, lặng lẽ; và khi đã thắp rồi đống lửa tí tách trước mũi thuyền, bạn có thể tách bến như con đom đóm lao vào đêm. Dẫu là linh hồn trì độn nhất cũng không thể bước vào chuyến đi như vậy mà không có chút tinh thần phiêu lưu, mà không cảm thấy như mình vừa lấy cắp con thuyền của Charon[12] và nửa đêm xuôi dòng Styx[13] xuống lãnh địa của Diêm Vương. Sao Diêm Vương rong chơi trên trời ban cho kẻ dạ hành mơ màng rất nhiều suy tưởng, dẫn lối anh ta dấn bước, như ánh sáng hắt ra từ cây đèn bí ngô, đi qua những đồng cỏ mênh mang; hoặc nếu đa cảm hơn, anh ta có thể tự mua vui bằng cách tưởng tượng ra những thứ thuộc về cõi trần, xa xôi trong đêm lặng, khác nào những con thiêu thân đang lướt qua cây nến mà chính anh thắp. Còn người đi sông lặng lẽ thì nhẹ khua mái chèo đẩy thuyền mình trên mặt nước, trong niềm kiêu hãnh và tự hào âm ỉ, như thể anh ta là đốm lân tinh, kẻ mang ánh sáng đến những cõi u minh này, như thể anh là nàng Trăng ban phát trùng trùng ánh sáng diệu vợi. Một, hai sào về cả hai bên thuyền và từ mặt nước xuống sâu đến vài thước đều được thắp sáng còn hơn cả ban ngày, và người đi sông tận hưởng cơ hội hiếm hoi mà bao người ao ước, bởi giờ đây nóc thành phố dưới nước đã thực sự mở ra, và anh được theo dõi cuộc thương mãi nửa đêm của loài cá. Cá dưới nước có đủ dáng, đủ hình; con nằm ngửa, phơi bụng trắng, con thì lơ lửng không nông không sâu, dăm con lẹ làng chèo qua chèo lại với cử động mơ màng của cặp vây, vài con khác lại hơi hoạt náo - một cảnh không khác chốn đô thị loài người. Có khi, anh bắt gặp một con rùa đang lựa những miếng ngon nhất, hoặc một con chuột xạ hương đang nghỉ ngơi trên nệm cỏ. Anh có thể thi triển tài khéo của mình, xem có đâm trúng được những con cá ở xa đang tung tăng, hay xiên những con gần hơn rồi ném chúng vào lòng thuyền như xiên những củ khoai trong chậu đất, hoặc dùng tay bắt gọn những con say ngủ hay không. Nhưng rồi anh cũng sẽ tập sống mà không cần những gặt hái này và nhận ra được đâu là đối tượng anh cần thực sự theo đuổi. Anh sẽ thấy rằng khi bỏ những thú vui kia đi, anh sẽ được đền bù bằng vẻ đẹp và cảnh nên thơ vô tận mà anh là trung tâm. Đám thông mọc ghé xuống bờ nước rực rỡ như thể gần đó đang cháy lớn; khi anh cùng ngọn lửa lướt đi dưới làn liễu, con chim sẻ hót hay trên cành sẽ thức giấc, và giữa đêm cất lên giai điệu vốn sửa soạn cho buổi sớm. Khi xong việc, vì phải lần theo sao Bắc đẩu xuyên đêm tối về nhà, anh sẽ cảm thấy mình đã ít nhiều gần hơn với ngôi sao ấy, bởi anh đã lạc lối giữa trần gian rồi.

Xiên cá kiểu này, cá bắt được thường là cá chó đen, cá mút, cá pecca, lươn, cá nheo, cá tráp và cá bảo liên đăng, mẻ bắt được mỗi đêm nặng từ ba chục đến sáu chục cân. Có một số loài, nếu không có ánh sáng tự nhiên thì rất khó nhìn ra; đặc biệt là cá pecca mà những vệt đen vì loang rộng ra nên trông có vẻ rất đáng sợ. Báo cáo viết cá này có bảy vệt đen vắt ngang lưng, tuy nhiên con số này không cố định, bởi vì ở một số nơi, số vệt lên đến chín, mười.

* * * * *

Hình như ở xứ này rùa có cả thảy tám loài, rắn mười hai loài - trong đó một loài có nọc độc - ếch và cóc tổng cộng tám loài, sa giông mười hai, thằn lằn chỉ có một.

Tôi thấy chuyển động của loài bò sát đặc biệt lôi cuốn. Chúng khiến cho tay chân của con người, lông cánh của chim chóc, vây của các loài cá thành dư thừa, cứ như thiên nhiên chỉ nuông chiều trí tưởng tượng của mình trong quá trình sinh tạo những thứ ấy. Khi bị đuổi bắt, rắn đen lao vào bụi rậm trú ẩn, dễ dàng và duyên dáng trườn quanh những cành cây mảnh dẻ thưa lá, cách mặt đất chừng năm, sáu thước, như một chú chim vút từ tán này sang tán khác, hoặc treo lơ lửng trên những vòng hoa giữa những chạc cây. Sự mềm dẻo và linh động ở những động vật cấp thấp hơn sẽ tương đương với một hệ thống chi phức tạp ở những động vật cao hơn; muốn trổ ngón lắt léo điêu luyện mà không viện đến tay chân bình thường thì ại cần cái khôn ngoan và cơ trí của loài rắn.

Vào tháng Năm, người ta săn rùa cá sấu (Emysaurus serpentina) trên bãi cỏ hoặc dưới sông. Ngư dân nhìn khắp mặt nước phẳng lặng và cách nhiều sào đã nhìn ra cái mũi rùa ngoi lên mặt nước. Anh ta dễ dàng cố định con mồi, vốn không chịu nhanh chân bỏ chạy và làm kinh động con nước, mà chỉ từ từ rụt đầu, chống một chân hoặc nương vào nắm cỏ nào để nghỉ ngơi. Trứng rùa, chôn cách mặt nước một quãng, ở nơi có đất mềm - giống như tổ chim bồ câu - thì thường bị chồn hôi moi lên chén hết. Ban ngày, rùa bắt cá ăn, như cóc bắt ruồi; người ta nói nó tiết ra từ miệng thứ dịch trong suốt nào đó để nhử cá.

Trong công cuộc giáo dục và tôi rèn con cái, thiên nhiên còn tận tâm hơn cả những ông bố bà mẹ tận tâm nhất. Trông mà xem, những bông hoa kia có thua gì quý cô dưới bóng cây, lặng lẽ làm xốn xang chàng trai đang đào mương ở cánh đồng. Lúc bách bộ trong rừng, tôi biết rằng trước tôi, một đấng sắp đặt khôn ngoan đã tới đây rồi; nơi đây, tôi tìm thấy mẫu mực cho những khoảnh khắc tinh thuần nhất đời mình. Tôi cảm động khi chứng kiến tình bạn ngọt ngào và tình thân ái trong thiên nhiên, khi thấy địa y bám trên cây nào thường hao hao lá cây đó. Trong những phong cảnh kỳ diệu nhất, ta sẽ thấy những vẻ thanh thanh, mỏng manh, ví như những vòng hoa mảnh dẻ làm từ hơi nước, những viền sương, những cành hoa nhẹ như lông vũ, khiến người ngắm không khỏi liên tưởng đến cái tinh túy cao sang, đến một dòng dõi, một nề nếp quyền quý. Những nàng tiên, những con quỷ nhỏ là đây chứ đâu; chúng biểu trưng cho cái yểu điệu thanh thoát, cái cao quý của cõi trời mà ta thấy. Thử mang về một cành hoa rừng nho nhỏ, hay một viên đá pha lê từ suối, đặt nó lên mặt lò sưởi: bên cạnh dáng vẻ cao quý của chúng, những đồ trang trí trong nhà sẽ thành ra thô lậu tầm thường ngay. Nó sẽ tỏa ra sự vượt trội, cứ như thuộc về một xã hội tao nhã và tinh tế hơn. Nó biết đón chào và đáp lại tất cả những nồng nhiệt và anh hùng trong ta.

Vào mùa đông, tôi thường có lúc đột ngột dừng chân để thán phục cây cối bên đường, chúng cứ lớn lên mà chẳng lo xa, bất kể thời điểm hay hoàn cảnh nào. Khác với con người, chúng không chờ đợi; bây giờ luôn luôn là hoàng kim của tuổi trẻ. Đất, không khí, ánh nắng và mưa đã đủ là dịp tiện cho chúng rồi; những điều kiện tự nhiên ấy, ở những thế kỷ thái cổ, cũng chẳng hề tốt hơn. “Mùa đông bất mãn” của chúng không bao giờ đến. Hãy xem những búp lá bạch dương bản xứ vui vẻ nhô ra giữa băng tuyết trên cành cây mới đây còn trơ trọi. Chúng cho thấy một vẻ tự tin trần trụi. Một người có thể hân hoan tạm trú giữa hoang dã nếu anh ta tìm được nơi ấy hoa đuôi sóc của dương liễu hoặc tổng quán sủi[14]. Khi đọc về những thứ cây này trong ghi chép của những người phiêu lưu lên phương bắc (gần vịnh Baffin hoặc sông Mackenzie), tôi còn nghĩ chính mình sống ở đó cũng được. Đây chính là những đấng cứu rỗi cây cỏ của loài người chúng ta, và tôi tin sức chúng ta còn bền được tới tận lúc chúng quay trở lại thế gian. Chúng xứng đáng được tạo ra bởi những vị thần vĩ đại hơn cả Minerva[15] hay Ceres[16]. Thử hỏi ai là nữ thần nhân từ đã ban những loài cây này cho nhân loại?

Thiên nhiên huyền thoại và bí nhiệm luôn vận hành trong cái tự do và phóng túng của bậc thiên tài. Người có phong cách xa hoa và cầu kỳ, và có cả tay nghề nữa.  Khi làm chén người hành hương, ngươi khuôn nắn toàn bộ - gồm chân, lòng chén, quai và mũi - theo một hình thù chỉ có trong tưởng tượng, cứ như chén ấy sẽ là chiếc xe mà một thủy thần nào đó, như Nereus hay Triton chẳng hạn, dùng để đi.

Vào mùa đông, nhà thực vật học đâu cần giam mình trong phòng chứa mẫu cây, giữa những pho sách, và đoạn tuyệt với những thú vui ngoài trời; anh ta có thể nghiên cứu một đối tượng mới của sinh lý thực vật, gọi là thực vật học kết tinh cũng được. Mùa đông 1837 đặc biệt ưu ái khoa này. Tháng Mười hai, dường như đêm nào thần cây cỏ cũng lởn vởn qua những nơi mà mùa hè nó thường lai vãng, dai dẳng đến kỳ lạ. Tuyết muối - hiện tượng vốn hiếm gặp ở đây hay bất kì đâu, và sau bình minh thì người ta không quan sát được tác động của nó nữa - đã thổi tận mấy đợt. Đi dạo vào buổi sớm lặng như tờ và băng giá, tôi thấy cây cối trông như những sinh thể vô hình của bóng đêm bị bắt gặp đang đánh giấc; phía bên này thì nằm rúc vào nhau, đổ mái tóc xám xuống một thung lũng xa khuất mà mặt trời chưa chiếu tới; phía bên kia thì nối đuôi nhau thành hàng một, lần theo một dòng nước, trong khi những bụi cây, những đám cỏ - giống như những nàng tiên và yêu tinh bóng đêm - tìm cách vùi những cái đầu thu nhỏ của mình trong tuyết. Nhìn từ bờ cao, dòng sông mang sắc xanh ngả vàng, mặc dù bốn bề đều trắng tuyết. Thân cây, bụi cây, chóp cỏ nào ló ra khỏi nền tuyết đều bị một lớp băng dày bao phủ: mùa hạ khoe bao nhiêu lá xiêm y thì mùa đông cũng khoe từng ấy. Đêm nào cũng vậy, đến như những cây làm giậu ở nhà người ta cũng đâm những lá băng. Sống lá tỏa gân và những gân lá mỏng manh - cả hai đều rõ ràng, nổi bật, còn những chỗ lõm trên rìa lá thì cách đều. Những chiếc lá này nằm trên những cành đối diện mặt trời, ánh nắng thường chiếu thẳng, cùng phiến lá tạo thành góc vuông. Chúng làm chỗ dựa cho những chiếc lá khác, rồi đến lượt những chiếc lá ấy lại làm chỗ cho những lá khác nhờ vào; tất cả đứng theo đủ thứ góc, chẳng cần viện đến cành cây nào nâng đỡ. Khi những tia nắng chênh chếch đầu tiên chiếu lên cảnh vật, lá cỏ như lủng lẳng bao nhiêu món trang sức lấp lánh, kêu leng keng thật vui tai khi quệt phải bước chân người lãng du, và khi người lãng du đi vòng từ bên kia qua bên này, anh ta sẽ thấy những món trang sức ấy hồi quang đủ sắc cầu vồng. Tôi cảm tưởng những chiếc lá hồn ma này và những phiến xanh mang lại hình khối cho chúng là những tạo vật tuân thủ cùng một quy luật. Theo quy luật, nhựa cây dồn lại, tạo thành chiếc lá hoàn hảo, và theo cùng quy luật ấy, các tinh thể pha lê lũ lượt tụ lại bên ngọn cờ của chúng. Dường như chất liệu là gì không quan trong, quy luật thì chỉ có một và bất biến. Xuân đến, cây cỏ vươn dài và làm đầy những khuôn đúc mà vào hạ, vào đông vẫn luôn đứng đó chờ được vật chất lấp đầy.

Cấu trúc lá này xuất hiện ở cả san hô, ở lông chim, ở một phần rất lớn của cả thế giới vật sống lẫn vật không sống. Ta cũng thấy hiện tượng “quy luật bất chấp vật chất” này khi ta quan sát sang bao nhiêu trường hợp khác - tỉ dụ trong các tiết nhịp của thiên nhiên, khi những hình thái, màu sắc, mùi hương ở động vật lại có những đối ngẫu trong thực vật. Thì cũng giống như mọi tiết nhịp đều ngụ chỉ một giai điệu vĩnh hằng vậy, độc lập khỏi bất cứ tri giác cụ thể nào.

Nếu muốn xác nhận rằng cây cỏ cũng được tạo thành từ hiện tượng kết tinh, chúng ta có thể quan sát viền băng đang tan bám nơi cửa sổ: những tinh thể hình kim đang tụ lại, tạo hình những cánh đồng ngũ cốc rung rinh trước gió, hoặc hình những xếp lúa rải rác chồi lên từ những gốc rạ; một mặt thì giống thảm thực vật của đới nóng với những hàng cọ tán cao vút, những cây đa tán rộng giống như trong bức hình cảnh sắc phương đông; mặt khác lại hao hao hình ảnh một rừng thông vùng cực, đông cứng và các cành ủ rũ hướng xuống dưới.

Cách sinh trưởng của cỏ cây được coi là điển hình cho mọi sinh trưởng. Nhưng vì ở các tinh thể, quy luật rõ ràng hơn (do vật chất mà quy luật ấy áp dụng vào đơn giản hơn, chóng sinh chóng diệt hơn), cho nên sẽ chẳng vừa khôn ngoan, vừa tiện lợi hay sao nếu ta coi tất cả các loại sinh trưởng, tất cả các hình thức làm đầy tìm thấy trong tự nhiên là sự kết tinh, không nhanh thì chậm?

Những lúc như thế, ở phía bãi bồi, nơi nào mà nước hay thứ gì đó khoét một hốc nhỏ thì miệng hốc và rìa ngoài - giống cổng vào một tòa lũy - liền dựng lên lóng lánh những giáp trụ băng tuyết. Ở chỗ này, ta như thấy dăm chiếc lông đà điểu nhỏ xíu, giống chỏm lông phất phơ trên mũ những tay dũng sĩ tiến quân vào cứ địa; nơi khác, ta lại thấy cờ hiệu hình quạt lướt qua của các đạo quân người Lilliput; và ở nơi khác nữa, những mũi băng dồn lại từng chùm giống gai thông, có gọi là một phương đội cầm giáo cũng được. Ở suối, dưới lớp băng bề mặt - ở độ sâu bốn, năm foot, nơi băng đóng còn dày hơn - là một khối tinh thể băng đính nhiều lăng trụ, mỗi lăng chĩa về một hướng. Đến khi tảng băng ấy lật ngược, phần bằng phẳng xuống dưới, phần gai góc quay ngược lên, thì những lăng trụ ấy trông như những tháp, những mái nhà của thành phố gô-tích nào; hoặc giống những thuyền tàu chen chúc trong một cảng nhộn nhịp, buồm tàu nào tàu nấy căng đẫy. Sình lầy trên lối đi, nơi băng đã tan, cũng kết tinh, trên bề mặt có nhiều vệt nứt sâu dài; còn những khối tinh thể bám hai bên rãnh, cứ xét cách mà những mũi kim của chúng được sắp xếp, thì thật chẳng khác gì đá amiăng[17]. Quanh những gốc rạ, những cuống hoa, băng tụ thành những vỏ hình nón không đều, thành những vòng nhẫn của tiên. Có nơi, tinh thể băng phủ lên đá hoa cương, phủ lên những tinh thể thạch anh vốn là công trình của một đêm dài hơn và là những tinh thể mất nhiều thời gian hình thành hơn. Nhưng với những đôi mắt không bị tính cách ngắn ngủi của đời người làm cho thiên kiến thì cả hai tan biến nhanh như nhau cả.

Có một sự kiện, chép lại trong bản Báo cáo về Động vật Không xương sống, sẽ khiến chúng ta suy nghĩ về không gian và thời gian theo một hướng hoàn toàn mới : “Ta cần tiếp cận sự phân bố những vỏ trai, sò dưới đại dương như tiếp cận một sự kiện thuộc về khoa địa chất. Cape Cod[18], vòng tay phải vươn ra đại dương của bang Massachusetts, dài tổng cộng 50, 60 dặm. Chiều ngang của dải đất ấy chỉ đôi dặm; nhưng xưa nay chính nó đã ngăn cản sự di cư của nhiều loài thân mềm. Vì mấy dặm bề ngang ấy mà nhiều chi nhiều loài không thể qua lại và chưa từng chung đụng … Trong số 197 loài thủy sinh, 83 loài không đến được bờ nam, và 50 loài thấy ở bờ nam nhưng bờ bắc lại không có.”

Trai thông thường, Unio complanalus, hay đúng hơn là fluviatilis mà chuột chũi bỏ lại bên lạch nước, trên những tảng đá và gốc cây, có vẻ là một thức ăn quan trọng với người Anh-điêng. Ở nơi nọ, được cho là nơi họ đã tụ tập ăn uống, người ta tìm thấy vỏ sò với số lượng lớn, cao 30 thước so với mặt sông. Vỏ trai chôn dưới lòng đất, dày đến cả thước, lẫn với tro và hài cốt của người Anh-điêng.

Những nghiên cứu được tôi đặt đầu chương với cùng sự tùy ý mà một thầy giảng chọn những đoạn, những chương để thuyết trên bục, là những nghiên cứu cho thấy sự dày công hơn là niềm hào hứng. Chính phủ muốn có những bản kê hoàn chỉnh về trăm thứ tài nguyên họ có, kèm với đó là những thông tin bổ sung tức thời mang lại hữu ích.

Tuy thế, những báo cáo về các loài cá, bò sát, côn trùng và động vật không xương sống lại cho thấy nhọc công nghiên cứu và tìm tòi, có giá trị độc lập với mục tiêu của cơ quan lập pháp.

Báo cáo về Thực vật dạng cỏ và Chim muông không mấy giá trị - cho đến chừng nào người ta còn dễ dàng tìm đọc Bigelow và Nuttall. Chúng chỉ có giá trị chỉ rõ, một cách khá chính xác, những loài tìm thấy ở bang này. Chính chúng tôi đã phát hiện ra vài lỗi ở những báo cáo ấy; con mắt kinh nghiệm hơn chắc chắn sẽ làm dày thêm danh sách lỗi.

Thú Bốn chân xứng đáng với một báo cáo dứt khoát hơn, nhiều thông tin hơn là những báo cáo đã làm.

Những tập báo cáo ấy chủ yếu xoay quanh chuyện đo đạc, tính toán và những mô tả chi tiết, không gây hào hứng cho độc giả thông thường, thi thoảng xen vào một câu văn màu sắc để làm xiêu lòng người đọc, giống những cây mọc trong rừng tối, chỉ ra lá chứ không ra hoa. Nhưng đất nói chung vẫn chưa ai vỡ, và ta chẳng trách người khai hoang nếu vụ đầu của anh ta chẳng cho được bông hoa nào. Ta chớ xem thường giá trị của một sự vị được ghi chép; ngày nào đó, sự ấy sẽ nở thành chân lý. Thật ngạc nhiên khi thấy, sau nguyên một thế kỷ, người ta chỉ thêm được dăm mẩu dữ kiện quan trọng vào môn lịch sử tự nhiên của bất cứ loài động vật nào; còn lịch sử tự nhiên của loài người vẫn đang được viết từ từ. Vả lại, đứng trong chỗ từng người mà xét thì ai cũng đang hiểu biết tạm đủ. Anh dân quê, chị chăn bò nào cũng biết rằng cái màng của dạ múi khế trong con bê sẽ làm đông sữa, biết nấm nào là nấm ăn được và giàu dinh dưỡng. Ta không thể bước vào cánh đồng hay cánh rừng nào mà không cảm thấy rằng hòn đá nào cũng đã bị lật lên, miếng vỏ cây nào cũng đã bị cậy. Nhưng kể cả khi màn che đã bị gỡ thì phơi bày vẫn là chuyện dễ, nhìn thấy mới là chuyện khó. Người ta nói rất hay: “tư thế của tra xét là cặm cụi”. Sự sáng suốt không tra xét; nó ngắm nhìn. Phải ngắm nhìn đủ thì mới thấy. Khởi nguồn của triết học bao giờ cũng chậm. Kẻ nhìn ra được một quy luật, hoặc nối được với nhau chỉ hai sự vị thôi là kẻ được thần linh mách bảo. Chúng ta có thể mường tượng rằng đã có thời mà “Nước chảy từ đỉnh xuống chân đồi” là kiến thức người ta đem dạy ở các trường. Con người đích thực của khoa học sẽ hiểu rõ tự nhiên hơn nhờ phương pháp sắp xếp kiến thức vi tế hơn; anh ta sẽ ngửi, nếm, nhìn, nghe và cảm nhận tốt hơn những người khác, và kinh nghiệm của anh ta sẽ sâu sắc, tinh tế hơn. Chúng ta không học thêm được gì từ phép diễn dịch hay từ suy luận, từ sự áp dụng toán học vào triết học; chúng ta học qua giao tiếp trực diện và đồng cảm. Với khoa học, cũng giống như luân lý học, ta không thể nắm được chân lý bằng phương pháp và cơ trí; kẻ thực hành phương pháp Bacon[19] cũng là kẻ ngụy biện như ai; và dẫu có máy móc và kỹ nghệ giúp sức, con người khoa học nhất vẫn phải là con người lành mạnh nhất, mở nhất, sở hữu thứ trí khôn ngày càng giống trí khôn vẹn toàn của người Anh-điêng.


[1] Thalès de Milet (khoảng 624 TCN – khoảng 546 TCN), là một triết gia, một nhà toán học người Hy Lạp sống trước Socrates, người đứng đầu trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp. Ông cũng được xem là nhà triết gia đầu tiên của triết học Hy Lạp cổ đại, là "cha đẻ của khoa học".

[2] Carl Linnaeus (1707-1778) cũng được biết đến với quý danh Carl von Linné, là một nhà thực vật học, một bác sĩ kiêm nhà động vật học người Thụy Điển, người đã đặt nền móng cho hệ thống danh pháp hiện đại. Ông được biết đến như cha đẻ của hệ thống phân loại hiện đại.

[3] Thơ của Anacreon còn lưu lại được quá ít ỏi, chủ yếu là phong cách của Anacreon qua thơ của các nhà thơ khác. Mô-típ chính là rượu, tình yêu và cuộc sống khoái lạc cùng các giai nhân -  những thứ mà từ cổ chí kim vẫn được coi là phần thưởng Tạo hóa ban cho con người ở trần gian vốn đầy rẫy nhọc nhằn. Nhiều bài thơ của nhiều tác giả dân gian về sau được viết theo mô típ ấy và gán cho Anacreon.

[4] Một con chim cổ đỏ lông trắng, và thi thoảng là một con chim cun cút trắng. Sách Audubon viết rằng tổ chim cổ đỏ thường nằm dưới nền rừng; nhưng con chim dường như không lựa chọn so với nhiều loài khác xét về vị trí xây tổ. Tôi thấy tổ của nó nằm dưới mái rạ của một chuồng trại bỏ hoang, và trong một trường hợp cá biệt, ở vùng gần như ít bóng cây, chim cổ đỏ xây tổ cùng với hai con chim đớp ruồi, phía cuối tấm ván trên mái của một xưởng cưa, cách máy cưa chừng vài foot, khi máy này hoạt động thì tổ cũng rung lắc chừng vài inch. (Chú thích của tác giả)

[5] Parnassus là một ngọn núi đá vôi ở miền trung Hy Lạp.

[6] Tên gốc là phoebe bird.

[7] Cuộc chiến Vua Philip, cuộc chiến đầu tiên của người bản địa, diễn ra ở miền Nam New England từ năm 1675 đến năm 1676. Nó được đặt tên theo Wampanoag chief Metacom, sau này được gọi làVua Philip, người dẫn đầu cuộc nổi dậy đẫm máu kéo dài mười bốn tháng.

[8] John Winthrop là một luật sư Thanh giáo người Anh và là một trong những nhân vật hàng đầu trong việc thành lập Thuộc địa Vịnh Massachusetts.

[9] Thoreau muốn nhắc đến triết gia Adam Smith.

[10] Aesop là một nhà văn Hy Lạp. Ông sinh ra là một người nô lệ, vào giữa thế kỷ 6 trước Công nguyên, thuộc giai đoạn Hy Lạp cổ đại. 

[11] Cửa sông ở Thổ Nhĩ Kỳ.

[12] Trong thần thoại Hy lạp, Charon hay Kharon là người lái đò dưới cõi âm Hades, có nhiệm vụ chở linh hồn người mới chết qua sông Styx.

[13] Trong thần thoại Hy Lạp, Styx là con sông làm ranh giới giữa trần gian và âm phủ - thế giới thuộc quyền cai trị của thần Hades. Con sông này chính là lối đi vào cõi hoàng tuyền.

[14] Nhiều người leo núi có thể ăn sống những hoa đuôi sóc này, dù có vị đắng. Nhiều người dùng hoa này nấu canh, làm gia vị món hầm hoặc làm trà.

[15] Minerva là nữ thần La Mã từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên trở đi, tương đương với nữ thần Athena Hy Lạp. Bà là nữ thần đồng trinh của thơ ca, y học, trí tuệ, thương mại, dệt, hàng thủ công, ảo thuật, và các nhà phát minh của âm nhạc. Bà thường được coi là biểu tượng của sự khôn ngoan. 

[16] Trong tôn giáo La Mã cổ đại, Ceres là nữ thần của nông nghiệp, cây ngũ cốc, khả năng sinh sản và tình mẫu tử.

[17] Amiăng (Asbestos) là một tập hợp gồm sáu khoáng vật silicat xuất hiện trong tự nhiên: các tinh thể sợi mỏng và dài (tỷ lệ co khoảng 1:20), mỗi sợi có thể nhìn thấy bao gồm hàng triệu sợi nhỏ có thể được giải phóng bằng mài mòn và các quá trình khác.

[18] Cape Cod là một mũi địa lý kéo dài ra Đại Tây Dương từ góc đông nam của lục địa Massachusetts, ở phía đông bắc nước Mỹ.

[19] Bacon được gọi là cha đẻ của chủ nghĩa kinh nghiệm. Những tác phẩm của ông đã hình thành và phổ biến phương pháp luận quy nạp đáp ứng cho yêu cầu khoa học, và thường được gọi là "Phương pháp Bacon", hay đơn giản là "phương pháp khoa học".

Nguyễn Công Nam dịch

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công