favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Quyển Sách

09/05/2024 09:49

Chưa đầy một năm trước, một văn chương Ba Lan kỳ diệu đã hiện ra trong tiếng Việt: Những hiệu quế của Bruno Schulz. Pha bùng nổ ấy cũng đã làm được cho một người Ba Lan khác, Gombrowicz, xuất hiện (như vậy chỉ còn thiếu Witkacy là đủ ba người ngự lâm pháo thủ). 

(một Ba Lan khác, quê hương của Madame Hanska thần thánh

khác nữa, một cánh rừng: hai cậu bé cùng yêu một cô bé Ba Lan)

Bruno Schulz đã nhanh chóng tìm được độc giả của mình. Sau Những hiệu quế, đã có rất nhiều mong chờ cho tập truyện tiếp theo, với hình con mắt trên bìa, Dưỡng đường đồng hồ cát. Giờ chúng ta chỉ còn phải chờ thêm vài tuần để được chạm vào nó. 

Dưới đây là truyện đầu tiên rút ra từ Dưỡng đường, vẫn do Xuân Trường phụ trách. 

 

Quyển sách

- Bruno Schulz

I

Rất đơn giản, tôi gọi đó là Quyển Sách mà chẳng kèm theo bất kỳ hình dung hay phẩm chất nào, và trong sự kìm giữ này có một sắc thái bất lực, một sự đầu hàng câm lặng trước tính mênh mông của cõi siêu nhiên, bởi không từ nào, không ám chỉ nào, có thể gợi ra cho thỏa đáng cơn rùng mình của nỗi sợ, linh cảm về một thứ không tên vượt quá tất tật mọi khả năng ngạc nhiên của chúng ta. Việc chất đống các tính từ hoặc thừa mứa các phẩm chất thì có thể giúp được gì đây khi ta phải đối mặt với điều tuyệt diệu nhường ấy? Vả lại, bất kỳ độc giả đích thực nào – và câu chuyện này chỉ dành riêng cho anh ta – dù sao cũng sẽ hiểu khi tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta và cố truyền đạt ý mình. Một ánh nhìn ngắn sắc lẹm hay một cái siết nhẹ vào tay sẽ khuấy vào anh ta sự biết, và anh ta sẽ hấp háy mắt đầy sung sướng trước sự xuất sắc của Quyển Sách. Bởi vì, bên dưới cái bàn tưởng tượng, thứ chia cách tôi với độc giả của tôi, chẳng phải chúng ta bí mật siết tay nhau sao?

Quyển Sách... Ở đâu đó lúc bình minh của tuổi thơ, buổi rạng đông đầu tiên của cuộc đời, chân trời đã bừng sáng với ánh rực dịu dàng của nó. Quyển Sách, với tất tật những huy hoàng của nó, nằm trên bàn làm việc của bố tôi, và ông, lặng lẽ mải mê với nó, kiên nhẫn chà xát một đầu ngón tay ẩm lên mặt trên các tấm đề can, cho đến khi những trang giấy trắng trở nên đục mờ và ma quái với một linh tính đầy vui thích và, đột ngột bong ra từng mẩu giấy lụa, để lộ một mảng mắt đuôi công; nhòe đi vì xúc động, mắt ta hướng về một bình minh nguyên sơ của những màu thần thánh, hướng về một vệt ẩm diệu kỳ của màu thiên thanh thuần khiết nhất.

Ôi, cuộn phim tuôn xuống, ôi, sự tràn ngập của ánh sáng, mùa xuân sung sướng ấy, ôi, bố...

Đôi khi bố tôi thơ thẩn đâu mất và để tôi một mình với Quyển Sách: gió lạo xạo thổi qua các trang của nó và các bức hình sẽ nổi lên. Và khi những trang lộng gió được lật, hòa lẫn các màu và hình dạng, một cơn rùng mình chạy suốt các cột chữ, giải phóng ra khỏi giữa các từ hàng đàn chim én và chim chiền chiện. Hết trang này đến trang khác dập dềnh trong không trung và nhẹ nhàng thấm đẫm phong cảnh với vẻ rạng rỡ. Những lúc khác, Quyển Sách nằm im và gió mở nó ra nhè nhẹ như một bông cải khổng lồ nở bừng; từng lá bông cải, lá này đến lá kia, mí mắt dưới mí mắt, tất tật nhắm tịt, mềm mượt, và mơ màng, chầm chậm hé ra một con ngươi xanh, một quả tim công sặc sỡ, hoặc một tổ chim ruồi ríu rít.

Ấy là đã từ rất lâu về trước. Lúc ấy mẹ tôi vẫn chưa xuất hiện. Tôi dành nhiều ngày cùng bố trong căn phòng của chúng tôi, vào thời điểm đó nó rộng như cả thế giới.

Những viên pha lê rủ xuống từ chiếc đèn treo lấp đầy căn phòng với những màu được khuếch tán, một cầu vồng bắn tung tóe vào mọi góc và, khi chiếc đèn lắc lư ở đầu sợi xích treo nó, cả căn phòng xoay vòng trong những mảnh màu cầu vồng, như thể các khối cầu của chín hành tinh đã bị đổi chỗ, cái này vòng qua cái kia. Tôi thích ngồi giữa hai chân bố tôi, níu chặt mỗi bên như những cây cột. Đôi khi ông viết thư. Tôi ngồi trên bàn làm việc của ông và xem, bị hút hồn, những nét nguệch ngoạc chữ ký của ông, ngoằn ngoèo xoắn xuýt như âm láy của giọng ca đầy màu sắc. Những nụ cười chớm nở trên giấy dán tường, những con mắt nhắm, những cú nhảy lộn nhào. Để mua vui cho tôi, bố tôi thổi ra bong bóng xà phòng từ một ống rơm dài; chúng vỡ tung óng ánh trong khoảng không hay đập vào tường, màu sắc của chúng còn đọng lại lơ lửng trong không trung.

Rồi mẹ tôi được cụ thể hóa, và bài ca tươi sáng thuở ban đầu kia đi đến hồi kết. Bị quyến rũ bởi những vuốt ve của mẹ, tôi quên bố tôi, và cuộc sống của tôi bắt đầu đi theo một con đường mới và khác, chẳng ngày lễ và không phép mầu. Thậm chí hẳn tôi đã quên Quyển Sách mãi mãi, nếu không có đêm ấy và giấc mơ ấy.

II

Một buổi sáng mùa đông tăm tối tôi dậy từ sớm – dưới các gờ nổi của bóng tối một bình minh hung tợn chiếu xuống vực sâu bên dưới – và trong khi vô vàn các dáng hình và dấu hiệu mờ sương vẫn còn nhung nhúc dưới mí mắt, tôi bắt đầu mơ màng lộn xộn, bị dằn vặt bởi nhiều hối tiếc khác nhau về Quyển Sách cũ bị lãng quên.

Không ai có thể hiểu được tôi và, bực tức vì sự trì độn của họ, tôi khởi sự mè nheo nhiều hơn, quấy rối bố mẹ tôi với sự thiếu kiên nhẫn dễ nổi giận.

Đi chân trần, mặc độc chiếc áo ngủ và run lên vì phấn khích, tôi lục tung sách trên kệ sách của bố và, tức tối cũng như thất vọng, tôi cố mô tả cho những khán giả đầy sửng sốt cái điều không thể diễn tả nổi kia, thứ mà chẳng lời nào, chẳng hình ảnh nào vẽ ra bởi một ngón tay thanh mảnh run rẩy, có thể gợi lên được. Tôi vắt kiệt mình với những màn giải thích không hồi kết, phức tạp và mâu thuẫn, và bật khóc trong bơ vơ tuyệt vọng.

Bố mẹ đứng sững trước tôi, lúng túng, hổ thẹn vì nỗi bất lực của họ. Họ không khỏi cảm thấy bứt rứt. Sự quyết liệt của tôi, nỗi sốt ruột nóng bừng đầy cấp bách trong tông giọng tôi, khiến tôi như thể đứng về bên lẽ phải, như thể mang một lời trách cứ xác đáng. Họ đem đến cho tôi nhiều quyển sách khác nhau và ấn chúng vào tay tôi. Tôi phẫn nộ quẳng chúng đi.

Một trong số chúng, một cuốn sách dày và nặng, hết lần này đến lần khác cứ được bố đẩy về phía tôi. Tôi mở nó ra. Đó là cuốn Kinh Thánh. Tôi nhìn thấy trong các trang của nó một bầy lớn thú vật lang thang, lấp đầy các con đường, rẽ thành nhiều nhánh hướng về những vùng đất xa xôi. Tôi thấy bầu trời lấp kín những đàn chim đang bay, và một kim tự tháp khổng lồ lộn ngược, đặt ở mặt trên bằng phẳng của nó là con tàu của Noah.

Tôi ngước ánh mắt đầy trách móc lên bố. “Bố phải biết nó mà, bố,” tôi hét lên, “bố phải biết. Đừng làm bộ, đừng lảng đi nữa! Quyển sách ấy đã làm nên bố. Sao bố lại đưa cho con cuốn ngụy thư kia, bản mô phỏng kia, một thứ được làm giả hết sức vụng về? Bố đã làm gì với Quyển Sách rồi?” Bố tôi ngoảnh mặt đi.

III

Nhiều tuần trôi qua. Nỗi kích động của tôi đã dịu xuống, rồi hết sạch, nhưng hình ảnh Quyển Sách tiếp tục nung nấu trong ký ức tôi với một ngọn lửa rực sáng; một cuốn Codex lớn, sột soạt, một cuốn Kinh Thánh bão táp, gió thổi qua các trang của nó, đoạt mất nó như một bông hồng khổng lồ rụng xuống những cánh hoa.

Bố tôi, thấy rằng tôi đã bình tâm trở lại, một hôm đến bên tôi và nói với tông giọng gợi ý nhẹ nhàng: “Sự thật mà ai cũng biết, là có rất nhiều sách. Quyển Sách là một chuyện thần thoại mà chúng ta tin khi còn trẻ, nhưng không còn xem là chuyện nghiêm túc nữa khi chúng ta già đi.”

Vào lúc ấy tôi đã giữ chặt lấy một quan điểm khác hẳn. Tôi đã biết rằng Quyển Sách là một điều hiển nhiên đúng, rằng đó là một mục đích. Tôi mang trên vai sức nặng của một sứ mệnh vĩ đại. Tôi không trả lời; tôi khinh bỉ và ngập tràn một niềm kiêu hãnh đầy đắng cay, ương ngạnh.

Thật ra, tôi đã có được những mảnh vụn còn sót lại của Quyển Sách, vài mẩu ít ỏi đáng thương bởi số phận trớ trêu đã rơi vào tay tôi. Tôi đã giấu kho báu của mình cẩn thận khỏi tất cả mọi người, đau buồn vì sự sụp đổ hoàn toàn của quyển sách ấy và biết rằng tôi không còn có thể trông chờ bất kỳ ai hiểu rõ được giá trị của những trang bị cắt xén kia. Chuyện đã xảy ra như sau:

Một ngày mùa đông năm ấy tôi ngạc nhiên khi thấy Adela đang dọn dẹp một căn phòng. Cầm một cái cọ lông dài trên tay, chị nghiêng người lên một bàn đọc 12 sách, trên đó có một số giấy tờ. Tôi nhìn qua vai chị, không hẳn vì tò mò mà vì muốn ở sát bên chị và thưởng thức mùi hương cơ thể chị mà nét quyến rũ tươi trẻ chỉ vừa tự bộc lộ trước những giác quan mới được đánh thức của tôi.

“Xem này,” chị nói, khuất phục chẳng kháng cự trước sự áp sát của tôi. “Có người để được tóc dài đến chạm đất thật sao? Mình muốn có mái tóc như thế.”

Tôi nhìn bức hình. Trên một trang giấy khổ lớn có ảnh chụp một phụ nữ khá mập và thấp mang khuôn mặt bộc lộ nghị lực và sự lịch duyệt. Từ đầu cô ấy chảy ra một dải tóc khổng lồ, nặng trĩu ngả xuống lưng cô và kéo lê những lọn đuôi tóc dày dặn trên mặt đất.

Đó là một điều kỳ dị khó mà tin được của tự nhiên, một cái áo choàng đầy ắp và thùng thình được xe kết bởi các lọn tóc xoắn. Thật khó mà tưởng tượng được rằng sức nặng của nó chẳng hề gây đau đớn khi mang, rằng nó chẳng làm tê liệt cái đầu mà nó đè lên. Nhưng chủ nhân của vẻ tráng lệ này dường như rất tự hào vì mang nó, và dòng chú thích in dưới bức ảnh kể về lịch sử của phép mầu ấy, bắt đầu với những từ: “Tôi, Anna Csillag, sinh ra tại Karłowice ở Moravia, tóc từng mọc rất kém.” Đó là một câu chuyện dài, cấu tứ tương tự như chuyện về ông Job. Bởi ý định của thần linh, Anna Csillag đã mắc chứng tóc mọc kém. Cả làng thương hại cô vì khuyết tật này, họ khoan thứ cho cô bởi cuộc đời gương mẫu của cô, dẫu họ ngờ rằng cô bị chứng ấy không hẳn là không hoàn toàn xứng đáng. Nhưng, thật kỳ lạ, những lời cầu nguyện tha thiết của cô đã được lắng nghe, lời nguyền đã được gỡ bỏ khỏi đầu của cô, và Anna Csillag đã được ban ơn với phước lành của sự mặc khải. Cô nhận được các dấu hiệu và điềm báo rồi chế ra một hỗn dược, một phương thuốc vạn năng kỳ diệu giúp phục hồi khả năng sinh sản của da đầu. Cô bắt đầu mọc tóc, và còn hơn thế nữa, chồng cô, các anh em trai, thậm chí cả bà con họ hàng của cô đã được bao phủ chỉ sau một đêm bởi những mái tóc mới mọc đen dày khỏe mạnh. Ở trang tiếp theo, Anna Csillag xuất hiện sau sáu tuần kể từ khi toa thuốc được hé lộ cho cô, vây quanh bởi các anh em trai, anh em rể, và các cháu trai, những người đàn ông tóc mọc tua tủa với các hàm râu quai nón dài chạm thắt lưng, được trưng ra trước niềm ngưỡng mộ của những người chứng kiến, trong sự phun trào tua tủa đích thực, đực tính tràn trề như loài gấu. Anna Csillag trở thành ân nhân của cả ngôi làng, nơi ban phước lành cho những mái đầu gợn sóng và những lọn tóc mai phi thường, và cánh đàn ông trong làng, từ đó trở đi, có thể quét đất với các bộ râu rậm như chổi sể. Anna Csillag trở thành thánh tông đồ của tóc tai rậm rạp. Sau khi mang lại hạnh phúc cho ngôi làng quê hương của mình, giờ đây cô muốn làm cho cả thế giới hạnh phúc và đã yêu cầu, nài xin và thúc giục mọi người đón nhận món quà của thần linh để được cứu rỗi, thứ hỗn dược tuyệt diệu mà chỉ mình cô biết bí quyết.

Tôi đọc câu chuyện ấy qua cánh tay của Adela và đột nhiên nảy ra một ý nghĩ gây choáng ngợp. Đây chính là Quyển Sách, những trang cuối của nó, phần phụ lục không chính thức, lối vào phụ của tòa nhà đầy ngập đồ phế thải và rác rưởi! Những mảnh cầu vồng bỗng nhiên nhảy múa trên giấy dán tường. Tôi giật lấy xấp giấy từ tay Adela, và tôi thì thào, giọng ấp úng: 

“Chị tìm thấy quyển sách này ở đâu?”

“Ngốc quá,” chị nhún vai đáp lại. “Lúc nào nó cũng nằm đây; bọn ta xé vài trang mỗi ngày đem đến lò mổ để gói thịt hoặc dùng gói bữa trưa cho bố cậu...”

IV

Tôi lao bổ về phòng mình.

(còn nữa)

Xuân Trường dịch

 

Độc giả có thể tải bản đầy đủ của "Quyển Sách" ở đây (sẽ cần đăng nhập). Sách dự kiến phát hành vào kỳ Hạ 2024. Để đăng ký nhận tin về các đợt xuất bản sách/ tạp chí của chúng tôi trong năm, xin điền link sau hoặc liên hệ formapubli.vitanova@gmail.com Chúng tôi sẽ liên hệ qua email khi có ấn phẩm mới. 

Thêm vào giỏ hàng thành công