favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Praga Magica I, II

30/10/2024 10:34

Angelo Maria Ripellino là một trong những người Ý mê đắm thành phố Praha vùng Bohemia (có nhiều người Ý như vậy, trong suốt lịch sử) và đã viết một cuốn sách huyền hoặc về thành phố kỳ lạ ấy, Praga Magica.

I

Giờ vẫn vậy, đêm nào vào lúc năm giờ Franz Kafka cũng về nhà mình ở phố Celetná (Zeltnergasse), đội trên đầu cái mũ quả dưa và ăn vận toàn đồ đen. Giờ vẫn vậy, đêm nào Jaroslav Hašek cũng lớn giọng tuyên bố tại một quán rượu cho các bạn đồng hành trong cuộc nhậu nhẹt của mình rằng cấp tiến là một thứ nguy hại và chỉ sự vâng lời cho phép đạt tới tiến bộ đúng nghĩa. Praha vẫn sống dưới dấu hiệu của hai nhà văn ấy, họ, hơn so với bất kỳ ai, từng diễn tả sự kết án không thể lui tránh của nó, và do đó, nỗi khó ở của nó, tâm trạng tồi tệ của nó, các trò trong mưu mẹo của nó, những dối trá của nó, sự mỉa mai nhà tù của nó.

Giờ vẫn vậy, đêm nào vào lúc năm giờ Vítězslav Nezval cũng từ bỏ bầu không khí ngột ngạt của các quán bar cùng quán ăn úi xùi để quay về căn phòng áp mái của mình ở khu Troja, băng ngang sông Vltava trên một cái phà. Giờ vẫn vậy, đêm nào vào lúc năm giờ lũ ngựa nặng nề của các lái buôn bia cũng đi ra từ những nhà kho tại Smíchov. Đêm nào vào lúc năm giờ các bức tượng bán thân gô-tic của gallery toàn những quân vương, kiến trúc sư cùng tổng giám mục trang trí cho triforium của đại giáo đường Saint-Guy, cũng thức dậy. Giờ vẫn vậy, hai người lính chân đi khập khiễng, nòng súng lắp lưỡi lê, sáng ra cũng dẫn Josef Švejk từ các ngọn đồi Hradčany về phía Khu Phố Cổ bằng lối cầu Charles, và giờ vẫn vậy, giữa đêm, được mặt trăng chiếu rọi, hai tên đàn ông to béo và bóng bẩy, hai ma nơ canh chui ra từ một viện bảo tàng sáp, hai ô-tô-mát mặc áo rơ đanh gốt và đội mũ thành cao cũng vượt, theo chiều ngược, cùng cây cầu để giải Josef K. đi chịu hình, đến mỏ đá Strahow.

Giờ vẫn vậy, Lửa của Arcimboldo, được trình hiện bởi những con ngựa lửa, bay mình lao xuống từ Lâu đài, những nhà cửa của ghetto, giống các cái cốp nhỏ bằng gỗ, là mồi cho những đám cháy, những tên Thụy Điển từ Königsmark kéo các khẩu đại bác của mình vào Malá Strana, Stalin từ tòa công trình to tướng của mình nháy mắt hiểm độc, và lính tráng trong những ma nớp miên viễn đi khắp đất nước, như hồi sau thất bại Bạch Sơn. Praha "từng lúc nào cũng là một thành phố của những kẻ ưa phiêu lưu", người ta đọc được trong một đối thoại của Miloš Marten, "một cái ổ toàn đám phiêu lưu không lòng tin chẳng luật lệ, bọn họ, suốt nhiều thế kỷ, kéo tới theo hàng băng từ tứ xứ, cướp phá, quậy cho vui và lập ra luật"; "và kẻ nào cũng cắn xé, nhai ngấu nghiến, hết mẩu này đến mẩu khác, da thịt sống của vùng đất thảm hại đó, nó tự dâng mình đến tận mức kiệt sức, mà chẳng bao giờ được trả công".

Quá thường xuyên bị đè nén và trở thành nạn nhân cho cướp phá và sự võ đoán, quá thường xuyên bị giao nộp cho nhà xác của đám ngoại nhân hống hách, cho những đoàn lũ lính đánh thuê tham tàn cùng bọn khoác lác, chúng lao vào nó giống chó sói và xé tan xác nó. Biết bao nhiêu tên say xỉn thú vật, muốn can dự vào các sự vụ của Praha, đã tới đây ờ lì lại theo dòng thời gian: các hiệp sĩ thật đỏm với giáp phục mạ vàng và ngực ưỡn ra rủ đầy diềm với tua, những thầy tu thuộc đủ mọi dạng và đám giáo sĩ ma quỷ, Obergauner (Siêu lừa) đi xe xít đờ ca đổ bộ và gieo rắc cái chết, các Machiavelli tập tọng và đám phản bội đủ mọi cỡ, những khuôn mặt trông như chết treo với ánh mắt Mông Cổ giống trong các câu chuyện của Meyrink, đám quan liêu Caucasus mà nhiệm vụ là đâm nát sự suy nghĩ, được hộ sức bởi lũ cạo giấy và cảnh sát, bọn này, chĩa khẩu súng máy ra, hét to những thứ vớ vẩn thuộc ý luận, những đám tụ toàn các viên tướng bướng bỉnh và hung dữ trong đó có Epitchev không sao quên nổi, bọc mình trong những thẻ bài cùng mề đay, lừng danh vì sự nhiệt tình của thằng ngốc mặt đỏ lựng.

Ngay trước Thế chiến thứ hai, Josef Čapek, rồi sẽ chết tại một trại nazi, đã kể, trong một loạt biếm họa, câu chuyện về hai cái bốt cao ngạo, hai con quái vật màu đen và dính nhớp, chúng, tự nhân bội lên như lũ kỳ giông của người em trai Karel, phổ biến trên toàn vũ trụ sự dối trá, sụp đổ và cái chết. Ngày nay vẫn vậy, những cái bốt nặng giẫm cồm cộp lên Praha, bóp ngạt trí tưởng tượng của nó, hơi thở của nó, trí năng của nó. Và ngay cả khi người nào trong số chúng ta cũng đều chưa đánh mất hy vọng rồi một ngày sẽ trông thấy mấy cái giày đáng nguyền rủa đó, giống giày mà Čapek vẽ ra, kết thúc ở viện bảo tàng những thứ đồ xưa cũ mà Chronos Nhà Buôn Lạc Xoong Vĩ Đại thu thập, rất nhiều trong số chúng ta tự hỏi chẳng biết có phải, vì cuộc đời ngắn đến thế, chuyện sẽ xảy tới quá muộn hay chăng.

II

Detlev von Liliencron tin đinh ninh rằng xưa kia mình từng sống ở thủ đô của xứ Bohemia, không phải ở tư cách nhà thơ, mà ở tư cách thủ lĩnh lính đánh thuê của Wallenstein. Tôi cũng chắc chắn mình từng ở đó vào những thời kỳ khác. Có lẽ tôi đã đến đó trong đoàn tùy tùng của công chúa Sicilia, Perdita, nhân vật, trong The Winter's Tale của Shakespeare, lấy hoàng tử Florizel, con trai của Polixenes, vua Bohemia. Hoặc giả tôi từng là học trò của Arcimboldo, "họa sĩ quý giá về cái huyễn ảo", người sống nhiều năm dài ở triều đình của Đức Kim Thượng Hoàng đế Rodolphe II. Tôi đã giúp ông vẽ những bức chân dung lai ghép, những khuôn mặt gây nhiều lo lắng và đầy bậy bạ, như thể phồng tướng lên do mụn nhọt và hạch, mà ông dựng bằng cách tập hợp các loại quả, hoa, bông lúa mì, rơm và những con vật, theo cùng cách thức với những người Inca nhét các miếng bí vào má những xác chết của họ cho chúng phồng lên và gắn mắt vàng vào.

Hoặc nữa, vào cùng quãng thời gian, là lang băm tại một căn lán trên quảng trường Khu Phố Cổ đang tìm cách lừa đảo và rao bán bẫy ruồi; đám cảnh sát đã phát hiện được trò nghịch dại của tôi ào tới, tôi chỉ kịp đánh bài chuồn như một chú mèo bị đốt đít. Hay cũng có thể, tôi đã tới đó cùng Caratti, Alliprandi hoặc Lurago, một trong số rất nhiều kiến trúc sư người Ý kia, những người lăng xê mốt ba-rốc tại thành phố ven sông Vltava. Nhưng nếu xem bức tranh nơi Karel Škréta trình hiện (1653) Dionysius Miseroni cầm ở tay một cái cốc bằng mã não, tôi có cảm giác mình từng làm việc, vốn dĩ tôi đây thích giũa các từ như những hòn đá cứng, tại cửa hiệu của người thợ khắc đá kia, cũng là nhân vật trông coi các bộ sưu tập của hoàng đế.

Hoặc có thể khỏi cần phải đi ngược xa đến thế: tôi từng chỉ là một trong nhiều thợ stucco và lái buôn tượng nhỏ từ Ý sang hồi thế kỷ vừa rồi để mở ở Praha một cửa hàng bán tượng nhỏ bằng thạch cao. Dẫu nhiều khả năng hơn, cái chuyện tôi thuộc vào đội quân đông đảo những người, vào mọi giờ trong ngày, đi lang thang trên các ngõ và đường của thủ đô vùng Bohemia với một cái orgue de barbarie trang trí ở trước một sân khấu nhỏ gắn kính. Tôi đặt nó lên một cái chạc ba chân, bỏ tấm vải gai dầu phủ lên nó, và nhờ chuyển động của ma-ni-ven, trong ô kính tạo nên một chuỗi căn phòng nhỏ tí xíu treo đầy gương, bắt đầu nhảy múa các cặp công tử vận áo veste chẽn và quần trắng, cùng những quý nương váy phồng, tóc xù, quạt cầm tay.

Nhưng từ lâu một số người đã nhận dạng tôi như là Titorelli, kẻ bôi bẩn các tấm toan, tên lan truyền kitsch, cái kẻ, ngoài những bức chân dung, còn vẽ các tranh phong cảnh đầy tỉ mỉ và trau chuốt khiến nhiều người không thích vì "quá buồn". Cũng có những người nghĩ rằng tôi từng là người khách kia của ngân hàng, được K. trong Phiên tòa dẫn đi xem các công trình của Praha bởi vì anh ta biết một chút tiếng Ý và cũng có am hiểu nghệ thuật. Nguồn gốc miền Nam của tay khách hàng đang nói đây, "hàng ria xám xanh rậm" thơm phức của hắn, "cái áo veston bó nhỏ bé" của hắn, các cử chỉ của hai bàn tay lúc nào cũng động đậy của hắn dẫn dụ tôi đến chỗ nghĩ là có một cái gì đó đúng trong sự đồng hóa bông phèng ấy. Nếu quả là vậy thật, tôi thấy tiếc vì đã không đi, vào cái ngày mưa, lạnh và ẩm ướt đó, tới cuộc hẹn tại đại giáo đường xây vào thế kỷ 14 bởi Mathieu d'Arras và Peter Parler de Gmünd, tôi tiếc vì đã bắt ông biện lý đợi trong vô vọng. Nếu ngoài ra tôi nhớ rằng Titorelli được cho là "người tâm phúc của tòa án" và chắc chắn tay khách người Ý là một công cụ bí mật của ông ta, một sứ điệp, thì tôi liền thấy, trong cái trò chơi phù phiếm của các hiện thân ấy, rằng chính tôi cũng đã bị lôi kéo theo lối bệnh bủng vào màn méli-mélo của những buộc tội, những tố cáo, những thông điệp bí mật, những bản án và những chuộc tội kia, chúng tạo ra bí ẩn và nỗi đau khổ dai dẳng của Praha.

Chỉ một điều có thể chắc chắn được, ấy là từ nhiều thế kỷ này tôi đi tới đi lui trong thành phố ven sông Vltava, tôi hòa mình vào đông đảo, tôi vơ vẩn, tôi lang thang, tôi hít ngửi mùi bia, mùi khói đầu máy xe lửa, mùi bùn đáy sông, bạn có thể thấy tôi ở nơi nào, như Kolář khẳng định, "những bàn tay vô hình nhào bột những người đi ngang qua trên các tấm ván làm bánh của những vỉa hè", nơi nào, để nói như Holan, "người ta ngửi thấy mùi bánh mì cháy của các phố, dặm thêm tỏi của đám đông".

Huỳnh Bất Thức dịch

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công