favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Phê bình cơ thể (phần 2): Baudelaire

08/06/2024 08:58

Để tiếp tục chủ đề đã bắt đầu ở kia (cũng rất liên quan: về sự đi, đi để không đến).

Đặt phê bình cơ thể của Alain và Baudelaire cạnh nhau làm hiện ra một điều: chuyển động của vẽ. Alain nói không gì ngẫn cho bằng chuyện cứ ngồi đực ra mà nhìn một người đang nhảy múa, nhất là khi không rành nghệ thuật ấy. Không thể chuyển động cùng nhịp, người ta chỉ thấy ở màn biểu diễn một cái gì giả tạo và xấu. Sẽ chẳng thấy gì nếu không say.

Baudelaire không nói gì khác hơn trong Họa sĩ. Là homme du monde tức là có khả năng vô tận về chiêm ngưỡng, giống một người mới ốm dậy hay một đứa trẻ. "Đứa trẻ thấy mọi điều như mới; lúc nào nó cũng say."

Nhưng họa sĩ còn cần yếu tố khác, ngoài khả năng say: trí nhớ, kỷ luật và cường độ thực thi phi thường của một cái máy lớn - một tinh thần khắc kỷ đủ sức áp khuôn cho những dục vọng nhìn cuồng bạo nhất. Chính ở đây, Baudelaire lại gần Alain - người phát biểu rằng cái đẹp, ông vua của luân lý, chẳng là gì ngoài những dục vọng lớn được thuần hóa: là trật tự tìm thấy lại. Dưới đây là ba chương từ Họa sĩ của cuộc sống hiện đại, khi Baudelaire bình luận các croquis phong hóa của M.G. (tức Constantin Guys). Chúng tôi chủ ý chọn ra các đối tượng mà Alain cũng hướng cái nhìn vào. 

 

Nhà binh

Để định nghĩa thêm một lần nữa thể loại các chủ đề mà nghệ sĩ thích hơn cả, chúng tôi sẽ nói rằng ấy là hào nhoáng của sống, đúng như nó tự dâng ra ở các thủ đô của thế giới văn minh, hào nhoáng của sống nhà binh, sống thanh lịch, sống ga lăng. Nhà quan sát của chúng ta luôn luôn chính xác ở vị chỗ của ông, tại mọi nơi nào trôi chảy các ham muốn sâu sắc và mãnh liệt, những Orénoque của trái tim con người, chiến tranh, tình yêu, trò chơi; khắp nơi nào náo động những bữa tiệc cùng các hư cấu trình hiện những yếu tố lớn ấy của hạnh phúc và sự thiếu may mắn. Nhưng ông cho thấy một thiên ái rất rõ đối với nhà binh, đối với người lính, và tôi tin rằng tình cảm đó phái sinh không chỉ từ các phẩm hạnh cùng những phẩm chất nhất thiết chuyển từ tâm hồn của chiến binh sang tư thế của anh ta cùng khuôn mặt của anh ta, mà cũng từ cả trang hoàng dễ thấy mà nghề của anh ta khoác lên người anh ta. M. Paul de Molènes đã viết vài trang cũng duyên dáng ngang với hữu lý, về sự cồ quẹt nhà binh và về ý thức luân lý của những trang phục lấp lánh kia mà tất tật các chính phủ đều thích mặc lên cho các đội quân của mình. Hẳn M. G. sẽ sẵn lòng ký tên dưới những dòng ấy. 

Chúng ta đã nói đến đặc ngữ của sự đẹp đặc biệt cho mỗi thời kỳ, và chúng ta đã quan sát thấy rằng mỗi thế kỷ đều, có thể nói vậy, có vẻ duyên cá nhân của nó. Cùng nhận xét có thể được áp dụng cho các nghề; mỗi nghề lại rút được sự đẹp bên ngoài của nó từ những luật luân lý trước đó nó tuân phục. Nơi một số, sự đẹp ấy sẽ được mang dấu của năng lượng và, nơi những nghề khác, nó sẽ mang những dấu hiệu hiển hiện của sự biếng nhác. Vậy thì cũng giống biểu trưng của tính cách, ấy là con dấu của định mệnh. Nhà binh, nếu nhìn nhận chung, có sự đẹp của mình, như dandy và phụ nữ ga lăng có sự đẹp của họ, theo một gu khác về cốt yếu. Người ta sẽ thấy là tự nhiên việc tôi lờ đi các nghề nơi một tập luyện chuyên nhất và dữ dội làm biến dạng cơ bắp và đánh dấu vẻ tòng thuộc lên khuôn mặt. Vốn dĩ quá quen với những bất ngờ, nhà binh khó lòng ngạc nhiên được. Dấu hiệu riêng cho sự đẹp, như vậy, sẽ là, ở đây, một sự vô lo kiểu chiến binh, một hỗn hợp dị thường của bàng quan và sự táo bạo; đó là một sự đẹp phái sinh từ nỗi cần thiết phải sẵn sàng chết vào mỗi phút. Nhưng khuôn mặt của nhà binh lý tưởng sẽ phải được đánh dấu bằng một sự đơn giản lớn; bởi, vốn sống chung giống các thầy tu và các học sinh, quá quen với việc ký thác các mối lo thường nhật của cuộc đời lên một thứ quan hệ cha con trừu tượng, những người lính, ở nhiều điều, cũng đơn giản như bọn trẻ con; và, giống trẻ con, khi nghĩa vụ đã hoàn thành, họ rất dễ vui thú và có xu hướng về phía những trò giải khuây dữ dội. Tôi nghĩ là mình không quá lời khi khẳng định rằng tất tật những nhìn nhận luân lý trên hết sức tự nhiên vọt ra từ các croquis cùng tranh màu nước của M. G. Chẳng típ nhà binh nào thiếu đi ở đó, và tất tật đều được nắm bắt với một dạng niềm vui hào hứng: viên sĩ quan bộ binh già, nghiêm túc và buồn, gây khổ cho con ngựa của ông ta bằng sự béo phì; viên sĩ quan ban tham mưu xinh xẻo, thắt eo thật chặt, lắc lư hai vai, cúi người chẳng chút rụt rè nào xuống phô tơi của các quý bà, và là kẻ, nhìn từ sau lưng, khiến người ta nghĩ tới lũ côn trùng thanh mảnh nhất và thanh lịch nhất; zouave và lính tập, những người mang trong dáng dấp của họ một tính cách quá đà của sự táo bạo và của sự độc lập, và như một tình cảm mạnh hơn về trách nhiệm cá nhân; vẻ thong dong nhiều khéo léo và vui tươi của kỵ binh nhẹ; vẻ bên ngoài mơ hồ trịnh trọng và hàn lâm của các bộ phận đặc biệt, giống pháo binh và công binh, thường được xác nhận bởi dáng vẻ không mấy nhiều tính cách chiến binh của những cặp kính: không cái nào trong số những mẫu ấy, không cái nào trong số những sắc thái ấy bị lơ là mất, và tất tật được tóm tắt lại, được định nghĩa với cùng tình yêu và cùng tinh thần.

Tôi đang có ở ngay dưới mắt một trong những bức tranh ấy, về một vẻ bề ngoài chung thực sự anh hùng, nó trình hiện một toán bộ binh đi đầu; có lẽ những người đó quay về từ Ý và đang dừng lại nghỉ trên các đại lộ trước sự hào hứng của đám đông; có lẽ họ vừa hoàn thành một chặng dài trên những con đường của xứ Lombardie; tôi không biết. Điều hiển hiện, khả tri một cách đầy đủ, ấy là tính cách kiên quyết, đầy táo bạo, ngay cả trong sự yên bình của nó, của tất tật các khuôn mặt dãi dầu nắng, mưa và gió kia.

Đấy đúng là sự đồng phục về biểu đạt được tạo ra bởi sự nghe lời cùng những đau đớn chịu chung, vẻ cam chịu của lòng can đảm đã bị thử thách bởi các mệt mỏi thật dài. Những cái quần xắn lên và bị nhốt tù trong ghệt, những áo ca pốt nhàu nhĩ bởi bụi, mơ hồ bợt màu, nói tóm lại là chính toàn bộ quân trang đã lấy được vẻ bề ngoài không thể phá hủy của những con người từ xa trở về và đã trải các cuộc phiêu lưu lạ thường. Hẳn có thể nói rằng tất tật những người đó được chống trên hông họ vững chắc hơn, được dựng trên chân họ vuông vắn hơn, nhiều sự thẳng đứng hơn so với các đàn ông khác có thể. Nếu Charlet, người từng luôn luôn đi tìm thể loại đẹp ấy và người đã thường tìm được nó tới vậy, thấy bức họa này, hẳn ông sẽ bị ấn tượng mạnh một cách dị thường.

 

Dandy

Người giàu, lười biếng, và người, dẫu uể oải, chẳng có mối bận tâm nào khác ngoài chạy theo đuôi hạnh phúc; người được nuôi lớn trong sự xa xỉ và đã quá quen ngay từ hồi trẻ với việc nghe lời những người khác, nói tóm lại, người không có nghề nghiệp nào khác ngoài sự thanh lịch, sẽ luôn luôn được hưởng, vào mọi thời, một vẻ bề ngoài nổi bật, hoàn toàn biệt lập. Dandysme là một thiết chế mơ hồ, cũng kỳ quặc như đấu tay đôi; rất cũ, bởi vì César, Catilina, Alcibiade cung cấp cho chúng ta các típ sáng bừng về nó; rất chung, bởi vì Chateaubriand đã tìm được nó trong những khu rừng và bên bờ các hồ của Tân Thế giới. Dandysme, thứ vốn dĩ là một thiết chế ở bên ngoài các luật, có những luật nghiêm ngặt mà tất tật các thuộc dân của nó đều quy phục một cách chặt chẽ, dẫu cho sự hừng hực và sự độc lập trong tính cách của họ có là như thế nào đi nữa.

Các tiểu thuyết gia Anh đã, hơn so với những người khác, bồi bổ tiểu thuyết về high life, và các người Pháp, như M. de Custine, đã đặc biệt muốn viết những cuốn tiểu thuyết tình yêu, trước hết đã hết sức cẩn thận, và rất chí lý, phú cho các nhân vật của họ những tài sản đủ rộng lớn để chi trả chẳng chút do dự tất tật các phăng te di của họ; sau đó họ miễn cho những người đó khỏi mọi nghề nghiệp. Những con người ấy không có trạng thái nào khác ngoài chăm bón cho ý về cái đẹp nơi con người họ, thỏa mãn các dục vọng của họ, cảm thấy và suy nghĩ. Như vậy họ sở hữu, tùy họ thích và trong một chừng mực rộng lớn, thời gian và tiền, mà nếu không có thì phăng te di, bị thu nhỏ về trạng thái mơ mẩn thoáng qua, chẳng mấy có thể được dịch thành hành động. Thật không may vì rất đúng, chuyện nếu không có thời gian rỗi và tiền, tình yêu chỉ có thể là một truy hoan của kẻ tiện dân hay sự hoàn thành một nghĩa vụ thuộc hôn nhân. Thay vì thói thất thường cháy bỏng hay mơ mộng, nó trở thành một ích lợi đáng ghê tởm.

Tôi nhắc đến tình yêu khi đang nói về dandysme là vì tình yêu là mối bận tâm tự nhiên của những kẻ biếng nhác. Nhưng dandy không nhắm vào tình yêu như là mục đích đặc biệt. Nếu tôi nhắc tới tiền thì đấy là vì tiền thì không thể thiếu đối với những người nào biến các dục vọng của mình thành một sự thờ phụng; nhưng dandy không khát khao tiền như về phía một điều cốt yếu; hẳn một sự mua chịu vô chừng là đủ cho anh ta; anh ta từ bỏ dục vọng thô thiển ấy lại cho đám phàm nhân thô thiển. Dandysme thậm chí còn không phải, giống nhiều người ít chịu suy tư có vẻ nghĩ thế, là một sở thích vô chừng mực đối với toilette và sự thanh lịch vật chất. Những điều đó đối với dandy hoàn hảo chỉ là một biểu tượng cho sự vượt trội có tính cách quý tộc của tính cách anh ta. Do đó, trong mắt anh ta, trước hết say cuồng nổi bật, sự hoàn hảo của toilette đồng nghĩa với sự đơn giản tuyệt đối, thứ là, quả thật, cách tốt hơn cả để khiến cho mình nổi bật. Vậy thì đâu là dục vọng kia, cái, trở thành học thuyết, đã biến các môn đệ thành các kẻ thống trị, cái thiết chế bất thành văn ấy, thứ đã hình thành một đẳng cấp cao ngạo đến thế? Trước hết đó là nhu cầu cháy bỏng được tự biến mình thành một sự độc đáo, được chứa trong các giới hạn bên ngoài của các lề thói. Ấy là một dạng thờ phụng chính mình, cái có thể sống sót qua sự tìm kiếm hạnh phúc thấy được nơi người khác, nơi phụ nữ, chẳng hạn; thứ thậm chí có thể sống sót sau mọi điều gì mà người ta gọi là các ảo tưởng. Đó là khoái lạc gây ngạc nhiên và niềm thỏa mãn đầy kiêu ngạo không bao giờ ngạc nhiên. Một dandy có thể là một người uể oải, có thể là một người đau khổ; nhưng, ở trường hợp thứ hai, anh ta sẽ mỉm cười như người Lacédémone dưới cú cắn của con cáo.

Người ta thấy rằng, bởi một số khía cạnh, dandysme sát kề với tinh thần luận và với khắc kỷ luận. Nhưng một dandy không bao giờ có thể là một người thô lậu. Nếu phạm một tội ác, có lẽ anh ta sẽ không bị trật cấp; nhưng nếu tội ác đó sinh ra từ một nguồn vụn vặt, thì sự mất danh dự sẽ là không thể vãn hồi. Xin độc giả đừng bị khiếp hãi trước sự nghiêm trang ở trong cái phù phiếm ấy, và anh ta cần nhớ là có một sự lớn lao trong tất tật những sự điên, một lực trong tất tật các quá đà. Tinh thần luận mới lạ thường sao! Đối với những ai vừa là các linh mục vừa là các nạn nhân của nó, tất tật những điều kiện vật chất phức tạp trước đó họ quy phục, kể từ toilette không thể chê trách vào mọi giờ khắc trong ngày và ban đêm cho đến các trò khó nhiều hiểm nguy hơn cả của thể thao, chỉ là một môn thể dục chuyên dùng để củng cố ý chí và để luyện kỷ luật cho tâm hồn. Sự thật là, tôi đã không hoàn toàn sai khi nhìn nhận dandysme như là một dạng tôn giáo. Quy tắc nhà tu kín nghiêm ngặt hơn cả, quy chế không thể cưỡng lại của Vieux de la Montagne, kẻ ra lệnh cho các môn đệ lên cơn say của ông ta phải tự sát, không có tính cách bạo chúa hơn mà cũng không được tuân lời hơn so với học thuyết về sự thanh lịch và sự độc đáo kia, nó áp đặt, cả nó nữa, lên những môn đồ nhiều tham vọng và nhỏ nhoi của nó, những người thường đầy ắp cơn hừng hực, các dục vọng, lòng can đảm, năng lượng được giữ chặt, cái câu khủng khiếp ấy: Parinde ac cadaver [Theo cách thức của xác chết]!

Việc những người đó khiến cho mình được gọi là tinh xảo, khó tin, đẹp, sư tử hoặc dandy, tất tật đều chui ra từ cùng một nguồn; tất tật tham gia cùng tính cách đối lập và nổi loạn; tất tật đều là những đại diện cho những gì là tốt đẹp hơn cả trong lòng kiêu ngạo của con người, cho cái nhu cầu ấy, rất hiếm ở những người của ngày hôm nay, được chiến đấu chống lại và phá hủy sự vụn vặt. Từ đó mà sinh ra, nơi các dandy, cái thái độ cao ngạo kia của đẳng cấp khiêu khích, kể cả là trong sự lạnh lẽo của nó. Nhất là dandysme xuất hiện vào những thời kỳ trung chuyển nơi dân chủ còn chưa toàn năng, nơi quý tộc chỉ mới chao đảo và bị thui chột một phần. Trong sự rối loạn của những thời kỳ ấy vài người bị trật phẩm, bị kinh tởm, ăn không ngồi rồi, nhưng tất tật đều phong phú lực sinh thành, có thể hình dung ra dự đồ lập dựng một dạng quý tộc mới, lại càng khó mà bẻ gãy hơn vì nó sẽ được đặt trên nền các năng lực quý giá nhất, khó phá hủy nhất, và trên những thiên bẩm thuộc trời cao mà công việc và tiền không thể trao. Dandysme là bừng sáng của sự anh hùng cuối cùng trong các suy đồi; và típ dandy được tìm thấy lại bởi lữ khách tới Bắc Mỹ chẳng hề làm hư hại chút nào ý đó: bởi chẳng gì ngăn cản đặt giả định rằng các bộ lạc mà chúng ta gọi là hoang dã là những tàn tích của những văn minh đã biến mất. Dandysme là một mặt trời đang lặn; giống tinh tú xuống dần kia, nó ngạo, không sự ấm nóng và ngập đầy nỗi sầu muộn. Nhưng, hỡi ôi! thủy triều lên của dân chủ, thứ xâm chiếm mọi sự và cào bằng mọi sự, ngày qua ngày nhấn cho chìm nghỉm những đại diện cuối cùng kia của lòng kiêu ngạo con người và tuôn các sóng của sự quên vào các dấu vết của những myrmidon phi thường đó. Các dandy hiện ra ở chỗ chúng ta càng lúc càng hiếm hơn, trong khi ở bên những người hàng xóm của chúng ta, tại Anh, tình trạng xã hội và hiến pháp (hiến pháp đúng nghĩa, tức là hiến pháp được diễn tả bởi các phong hóa) sẽ còn để lại lâu dài nữa một chỗ cho những thừa kế nhân của Sheridan, của Brummel và của Byron, đấy là nói nếu như mà xuất hiện được những ai xứng danh với họ.

Cái đối với độc giả đã có vẻ như là một trữ tình ngoại đề không hề là một trữ tình ngoại đề, mà thật là thế. Những nhìn nhận cùng những mơ mẩn luân lý hiện ra từ các bức họa của một nghệ sĩ là, trong nhiều trường hợp, sự dịch tốt nhất mà nhà phê bình có thể tạo từ đó; các gợi ý thuộc vào một ý mẹ và, bằng cách liên tiếp bày chúng ra, người ta có thể làm cho đoán được nó. Tôi có cần nói rằng M. G., khi ông vẽ phác một trong những dandy của mình trên giấy, luôn luôn trao cho anh ta tính cách lịch sử của anh ta, thậm chí thuộc truyền thuyết, hẳn tôi dám nói vậy, nếu chuyện không phải là về thời hiện tại và về những điều thông thường vẫn được xem là rồ dại? Chính ở đây có vẻ nhẹ về các dáng điệu kia, sự chắc chắn của các cung cách kia, sự đơn giản trong vẻ thống trị, cách thức mặc một cái áo kia và điều khiển một con ngựa kia, những tư thế lúc nào cũng bình thản ấy nhưng để lộ sức mạnh, thứ khiến chúng ta nghĩ, những lúc ánh mắt chúng ta phát hiện một trong các con người được nhận đặc quyền đó, nơi họ cái xinh đẹp và cái đáng gờm hòa trộn vào với nhau lối bí hiểm đến thế: "Có lẽ đây là một người giàu, nhưng chắc chắn hơn đây là một Hercule không việc làm."

Nhất là, tính cách sự đẹp của dandy đồng nghĩa với vẻ lạnh lùng vốn dĩ phát xuất từ sự cả quyết không thể lay chuyển, không chịu sống động; hẳn có thể nói một ngọn lửa ngầm ẩn để cho mình được đoán biết, thứ hẳn có thể nhưng lại không muốn tỏa rạng. Đấy là cái, nơi những hình ảnh kia, được diễn tả một cách hoàn hảo.

 

Ngợi ca trang điểm

Có một bài hát, tầm phào và ngu si tới nỗi người ta chẳng mấy có thể trích dẫn trong một công trình có vài ý hướng về phía nghiêm túc, nhưng nó lại dịch ra rất chuẩn, trong phong cách vaudeville, cảm năng của những người không nghĩ. Tự nhiên làm cho sự đẹp đẹp lên! Hoàn toàn có thể đặt giả định rằng nhà thơ, nếu anh ta có thể nói bằng tiếng Pháp, sẽ nói: Sự đơn giản làm cho sự đẹp đẹp lên! điều này cũng tương đương với sự thật sau đây, thuộc một thể loại hoàn toàn bất ngờ: Cái không làm cho những gì có đẹp lên.

Phần lớn các nhầm lẫn liên quan tới cái đẹp sinh ra từ hình dung sai của thế kỷ 18 liên quan đến mo ran. Tự nhiên vào quãng thời gian ấy đã được coi là cơ sở, nguồn và típ của mọi sự tốt cùng mọi sự đẹp khả dĩ. Sự phủ nhận tội tổ tông chẳng phải là đã không đóng góp nhiều cho sự mù chung của thời kỳ đó. Dẫu vậy nếu chúng ta nhất trí chỉ quy chiếu điều này đến sự vị hiển hiện, đến kinh nghiệm của mọi thời và đến Gazette des tribunaux, thì chúng ta sẽ thấy rằng tự nhiên chẳng dạy gì, hay gần như không gì hết, tức là nó buộc con người phải ngủ, uống, ăn, và tự đảm bảo, theo lối được chăng hay chớ, chống lại các thù địch của bầu không khí. Cũng chính nó thúc đẩy con người giết đồng loại của mình, ăn thịt hắn, nhốt hắn lại, tra tấn hắn; bởi, ngay khi đi ra khỏi trật tự của các nhất thiết và các nhu cầu để bước vào trật tự của xa xỉ và các khoái lạc, chúng ta liền thấy rằng tự nhiên chỉ có thể khuyên nhủ tội ác. Chính tự nhiên không thể sai đó đã tạo ra sự giết cha cùng sự ăn thịt người, và cả nghìn điều khốn nạn khác mà sự thẹn thùng cùng sự tế nhị ngăn cản chúng ta kể tên. Chính triết học (tôi đang nói đến triết học tốt), chính tôn giáo ra lệnh cho chúng ta nuôi bố mẹ nghèo và tàn tật. Tự nhiên (vốn dĩ chẳng là gì khác ngoài giọng nói của lợi ích chúng ta) ra lệnh cho chúng ta nện chết họ đi. Hãy duyệt qua, hãy phân tích tất tật những gì là tự nhiên, tất tật các hành động cùng các ham muốn của con người tự nhiên thuần khiết, bạn sẽ chẳng tìm được gì ngoài toàn những gớm ghê. Mọi thứ gì là đẹp và cao quý đều là kết quả của lý trí và của tính toán. Tội ác, mà động vật người đã múc được sở thích từ trong bụng mẹ, ở khởi đầu là rất tự nhiên. Phẩm hạnh, ngược lại, thì nhân tạo, siêu nhiên, bởi vì đã cần phải, vào mọi thời và nơi tất tật những quốc gia, các vị thần cùng các nhà tiên tri để dạy nó cho loài người bị động vật hóa, và vì con người, một mình, hẳn sẽ bất lực không tìm nổi. Cái ác được làm chẳng cần chút nỗ lực nào, một cách tự nhiên, bởi định mệnh; cái tốt luôn luôn là sản phẩm của một nghệ thuật. Toàn bộ những gì tôi nói về tự nhiên như cố vấn tệ hại trong địa hạt luân lý, và lý trí như kẻ cứu rỗi và cải cách đích thực, có thể được chuyển dịch vào trật tự của cái đẹp. Như vậy tôi được dẫn tới chỗ nhìn điểm trang như một trong những dấu hiệu của sự cao quý nguyên thủy ở tâm hồn con người. Những dòng giống mà văn minh của chúng ta, vốn rối bời và biến thái, sẵn lòng coi là hoang dã, với một sự kiêu ngạo và một sự khoa trương hoàn toàn nực cười, hiểu được, cũng rõ như đứa trẻ con, tính tinh thần cao của toilette. Kẻ hoang dã và baby cho thấy, thông qua khát khao ngây thơ của họ hướng đến cái rực rỡ, hướng đến sự uy nghi tột cùng của các hình thức nhân tạo, nỗi chán ngán của họ đối với cái thực, và cũng chứng tỏ, dẫu họ không muốn, tính cách phi vật chất nơi tâm hồn họ. Bất hạnh cho kẻ nào, giống Louis XV (người không phải sản phẩm của một văn minh đúng nghĩa, mà của một tái hồi barbarie), thúc đẩy sự đồi bại tới tận chỗ chỉ còn nếm hưởng được tự nhiên đơn giản!

Như vậy mốt phải được nhìn nhận như là một triệu chứng của sở thích lý tưởng còn lại trong bộ não con người ở trên toàn bộ những gì cuộc sống tự nhiên dồn tụ lại ở đó về phương diện thô thiển, trần tục và xấu xa, như một sự biến dạng trác tuyệt của tự nhiên, hay nói đúng hơn như một sự thử thường hằng và liên tiếp của cải hoán ở tự nhiên. Do vậy người ta đã nhận xét được đầy hữu lý (mà không khám phá được lý do của điều đó) rằng tất tật các mốt đều duyên dáng, tức là duyên dáng lối tương đối, vì mỗi cái lại là một nỗ lực mới, ít nhiều may mắn, về phía cái đẹp, một xấp xỉ nào đó của một lý tưởng mà ham muốn không ngừng hối thúc tinh thần con người không được thỏa mãn. Nhưng các mốt không được, nếu người ta muốn nếm hưởng chúng, bị nhìn nhận như là những vật chết; vậy thì cũng ngang với ngưỡng mộ đống quần áo thải treo lên, xộc xệch và trơ ì giống bộ da của thánh Barthélemy, trong tủ của một người bán quần áo cũ. Cần phải hình dung ra chúng được tiếp sức sống, được làm cho động, bởi những phụ nữ đẹp mặc chúng. Chỉ có điều như vậy người ta sẽ hiểu nghĩa và tinh thần của chúng. Vậy nên nếu câu châm ngôn: Tất tật các mốt đều duyên dáng, khiến bạn bị sốc như là quá tuyệt đối, thì hãy nói, và bạn sẽ chắc chắn là mình không bị nhầm: Tất tật đều đã duyên dáng một cách hợp thức.

Phụ nữ ở đúng trong quyền của mình, và thậm chí nàng còn thành tựu được một dạng nghĩa vụ khi lo sao hiện ra thật ma thuật và siêu nhiên; nàng cần phải gây ngạc nhiên, nàng phải bỏ bùa; là thần tượng, nàng phải tự mạ để được mộ. Như vậy nàng phải vay mượn từ tất tật các nghệ thuật những phương cách nhằm vươn lên trên tự nhiên nhằm khiến quy phục tốt hơn những trái tim và tạo ấn tượng mạnh lên các tinh thần. Chẳng có chút quan trọng nào chuyện mưu mẹo và xảo thuật được tất tật biết, nếu thành công của chúng chắc chắn và hiệu ứng thì luôn luôn không thể cưỡng lại. Chính trong những nhìn nhận này mà nghệ sĩ triết gia sẽ dễ dàng tìm được sự hợp thức hóa cho tất tật các thực hành được sử dụng vào mọi thời bởi những phụ nữ nằm cố kết và thần thánh hóa, có thể nói vậy, sự đẹp mong manh của họ. Liệt kê những cái đó thì sẽ là vô số kể; nhưng, để tự bó hẹp chúng ta lại trong cái mà thời chúng ta gọi một cách thô lậu là trang điểm, thứ chỉ thấy mỗi sự sử dụng bột gạo, vốn dĩ bị phạt vạ thông công theo lối hết sức ngẫn bởi các triết gia thơ ngây, có mục đích và kết quả là khiến biến mất khỏi sắc da tất tật những vết mà tự nhiên đã cấy quá mức mạnh tay vào đó, và tạo ra một nhất thể trừu tượng nơi hạt và màu của da, nhất thể ấy, giống nhất thể được tạo ra bởi áo may-ô, ngay tức thì xích con người lại gần với bức tượng, tức là với một bản sinh thần thánh và cao hơn? Về phần màu đen nhân tạo viền lấy con mắt và màu đỏ đánh dấu phần cao của má, dẫu việc dùng cái đó được rút từ cùng nguyên tắc, từ nhu cầu vượt qua tự nhiên, kết quả được tạo ra nhằm thỏa mãn một nhu cầu hoàn toàn đối nghịch. Màu đỏ và màu đen trình hiện sự sống, một sự sống siêu nhiên và quá mức; cái khung đen kia làm cho ánh mắt trở nên sâu hơn và kỳ dị hơn, mang lại cho con mắt một vẻ ngoài cả quyết hơn của cửa sổ mở vào vô tận; màu đỏ, nó đốt cháy gò má, thì còn làm tăng thêm nữa độ trong của đồng tử và thêm vào cho một khuôn mặt phụ nữ đẹp dục vọng bí hiểm của nữ giáo sĩ.

Vậy nên, nếu tôi hiểu đúng, việc vẽ mặt không thể được sử dụng trong một mục đích thô lậu, không thể thú nhận, bắt chước tự nhiên đẹp và cạnh tranh với tuổi trẻ. Vả lại người ta đã quan sát thấy rằng cái xảo không làm sự xấu đẹp lên và chỉ có thể phụng sự cho đẹp. Ai mà cả gan giao cho nghệ thuật cái chức năng khô cằn, bắt chước tự nhiên? Trang điểm không được giấu mình đi, tránh để cho nó bị đoán; nó có thể, ngược lại, bày ra, nếu không phải với sự vờ vịt thì ít nhất cũng là với một dạng ngây thơ.

Tôi sẵn lòng cho phép những người nào mà sự nghiêm trang nặng nề ngăn cản tìm kiếm cái đẹp cho đến tận trong các biểu hiện tỉ mỉ hơn cả của nó, cười những suy tư của tôi và buộc tội chúng sự trang trọng trẻ con; đánh giá khổ hạnh của họ chẳng có gì để chạm tới tôi; tôi sẽ chỉ hài lòng với việc kêu gọi cái đó ở chỗ những nghệ sĩ đích thực, cũng như các phụ nữ đã được nhận vào lúc sinh ra một tia của thứ lửa thiêng kia mà họ những muốn dùng để tự làm cho mình sáng hoàn toàn lên.

Cao Việt Dũng dịch

 

Alain nói tôn giáo là một nghệ thuật đúng nghĩa, còn Baudelaire thì gọi dandysme là một dạng tôn giáo. Cái lõi của cả hai kinh nghiệm này là sự khắc kỷ và tinh thần luận. Chúng ta sẽ sớm đi sâu vào chủ đề ấy (tôn giáo và nghi lễ). Chẳng hạn, có thể bắt đầu ở kia

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công