Ortega Y Gasset: Sự trỗi dậy của con người nhân quần
Las Masas nếu dịch là đám đông/ số đông thì khá thuận, nhưng ở đây sẽ dịch là “con người nhân quần”, bởi trong lý lẽ của tác giả, Las Masas không phải để nói đám đông/ số đông theo nghĩa thông thường ta hiểu (thường kèm với ý khinh miệt), cũng không phải nói một tầng lớp xã hội cụ thể nào, thậm chí cũng không phải để nói “dân chúng” (một từ tuyên huấn), mà là nói về con người trung bình trong thiên hạ, nhưng tác giả ngờ rằng giờ họ mới là chủ nhân thực sự của thế giới, tầng lớp không-ai-cả nhưng là rất nhiều người, vọt lên một cách chóng mặt.
Text sau đây được dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, theo bản in La rebelión de las masas (Mexico City, 2010). Đó là một cuốn sách dài, và đây là những đoạn rút từ các chương của nó, theo ý người dịch.
Sự trỗi dậy của con người nhân quần (1929)
- Ortega Y Gasset
Sự tiến lên trên nhịp lịch sử
Đây là sự kiện vĩ đại của thời đại chúng ta, được mô tả mà không che giấu sự tàn bạo của nó. Hơn nữa, nó là một mới mẻ tuyệt đối trong lịch sử văn minh của chúng ta. Chưa bao giờ, trên đường hành lịch sử, lại có cái gì tương tự. Nếu phải tìm ra điều gì tương tự, ta sẽ phải nhảy ra khỏi lịch sử của mình và đắm mình vào một thế giới với các cơ chế sinh học hoàn toàn khác với thế giới của chúng ta; chúng ta sẽ phải bước vào thế giới cổ đại và đến thời kỳ suy vong của nó. Lịch sử của Đế chế La Mã cũng là lịch sử của lật đổ, của đế chế nhân quần, của đám đông xóa bỏ các thiểu số lãnh đạo và thay thế họ. Khi đó, cũng xảy ra hiện tượng của tụ tập, của đầy ắp. Vì vậy, như Spengler đã nhận xét rất đúng, cần phải xây dựng, như hiện nay, những tòa nhà khổng lồ. Thời đại của con người nhân quần là thời đại của sự đồ sộ.
Chúng ta sống dưới đế chế hung bạo của con người nhân quần. Chí phải; chúng ta đã hai lần dùng từ "hung bạo" cho đế chế này, chúng ta đã trả món quà cho vị thần của các đề tài; bây giờ, với tờ vé trong tay, chúng ta có thể vui vẻ bước vào chủ đề, nhìn vào bên trong cảnh tượng. Hay có ai nghĩ rằng tôi sẽ chỉ hài lòng với mô tả ấy, có thể chính xác, nhưng là mô tả bên ngoài, chỉ là bề mặt, dưới đó hiện lên sự kiện kinh hoàng khi nhìn từ quá khứ? Nếu tôi bỏ qua chủ đề này và ngừng ngay bài luận hiện tại của mình, người đọc sẽ thấy xuất hiện một ý nghĩ hợp tình rằng hiện hữu kỳ diệu của con người nhân quần lên bề mặt lịch sử không mang lại cho tôi gì ngoài vài lời miệt, một chút khinh, chút gờm, thêm một chút chán - chính tôi, vốn đã có tiếng là duy trì một quan điểm lịch sử mang tính quý tộc rõ ràng. Sự thể mang tính cách mạng, bởi vì tôi chưa bao giờ nói rằng xã hội loài người phải là quý tộc, mà nhiều hơn thế. Tôi đã nói, và vẫn tin - mỗi ngày một chắc cú hơn - rằng xã hội loài người là quý tộc mãi mãi, muốn hay không, bởi chính bản chất của nó, đến mức nó chỉ là xã hội trong chừng mực nó là quý tộc, và không còn là xã hội khi nó mất đi tính quý tộc. Xin hiểu đúng rằng tôi đang nói về xã hội chứ không phải về chính thể.
Không ai có thể tin rằng trước sự cuồng nộ kỳ lạ này của nhân quần, những người quý tộc có thể hài lòng với việc phẩy tay một cái nhẹ nhàng, giống như một quý ông Versailles. Versailles - hiểu theo nghĩa đó - không phải là quý tộc, mà là điều ngược lại: đó là cái chết và sự mục rữa của tinh thần quý tộc lớn lao. Theo đó, những gì còn lại trong những con người quý tộc thực thụ chỉ là sự duyên dáng xứng đáng trong cách họ đón nhận sự ghé xuống của máy chém: họ chấp nhận nó như khối u chấp nhận dao mổ. Không. Kẻ nào cảm nhận được nhiệm vụ sâu sắc của quý tộc thì cảnh tượng con người nhân quần sẽ gây kích thích, sôi trào như anh thợ điêu khắc thấy đá cẩm thạch nguyên khối. Quý tộc xã hội không giống chút nào với cái nhóm nhỏ tí tự nhận mình là "xã hội" và chỉ sống nhờ những thăm hỏi mời mọc. Mọi thứ trong thế giới này đều có giá trị và sứ mệnh riêng; nhóm "xã hội" nhỏ này cũng có sứ mệnh của nó trong thế giới rộng lớn, nhưng một sứ mệnh rất phụ thuộc và không thể so sánh với công việc vĩ đại của quý tộc thực sự.
Tôi không có gì phản đối khi nói về ý nghĩa mà cuộc sống thanh nhã này mang lại, thoạt nhìn có vẻ như vô nghĩa; nhưng chủ đề của chúng ta bây giờ là một vấn đề khác, rộng lớn hơn. Tất nhiên, "xã hội thanh tây" ấy cũng thay đổi theo thời gian. Một cô nàng trẻ trung, hiện đại, là ngôi sao sáng nhất trong đám thanh sắc ở Madrid, đã khiến tôi chướng dạ, vì nàng phán: "Tôi không thể chịu đựng được một buổi khiêu vũ ít hơn tám trăm khách”. Nghe câu ấy, tôi thấy rằng phong cách của con người nhân quần đang thắng thế ngày nay trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống và thậm chí chiếm ưu thế ở cả những góc cuối cùng, dường như chỉ dành riêng cho những người đặc biệt.
Vì vậy, tôi cũng bác bỏ mọi cách giải thích về thời đại của chúng ta mà không phát hiện ra ý nghĩa tích cực ẩn giấu dưới sự thống trị hiện tại của con người nhân quần và những người chấp nhận nó một cách ngoan ngoãn, mà không cảm thấy sợ hãi. Mọi số phận đều mang sự kịch tính và bi thảm trong chiều sâu của nó. Ai chưa từng cảm nhận được nguy hiểm của thời đại này thì chưa đến được cốt lõi của số phận, chỉ mới vỗ về cái má tàn tạ của nó. Trong số phận của chúng ta, yếu tố đáng sợ chính là cuộc nổi dậy đạo đức mãnh liệt và cuồng nộ của con người nhân quần, uy nghi, không thể bị khuất phục và mơ hồ như mọi số phận. Nó sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Liệu đó có phải là một cái ác tuyệt đối, hay một điều tốt có thể xảy ra? Nó đang ở đó, phủ hiện diện của nó lên thời gian của chúng ta như một gã khổng lồ, một dấu chấm hỏi vũ trụ, luôn mang hình dáng mơ hồ, với một cái gì đó giống như guillotine hoặc thòng lọng, nhưng cũng có một cái gì đó mà nó muốn là một cổng vinh quang!
Sự kiện mà chúng ta cần giải phẫu có thể được khuôn dưới hai tiêu đề này: thứ nhất, con người nhân quần ngày nay đang thực hiện một phạm vi hoạt động sống mà phần lớn trùng với những gì trước đây dường như chỉ dành riêng cho các thiểu số; thứ hai, cùng lúc đó, con người nhân quần đã trở nên không phục tùng trước các thiểu số: họ không vâng lời, không theo ai, không tôn trọng đám bề trên kia, mà ngược lại, gạt hẳn sang một bên và lấy chỗ.
Phân tích tiêu đề đầu tiên xem nào. Tôi muốn nói rằng con người nhân quần hiện nay thưởng thức những niềm vui và sử dụng những công cụ mà trước đây chỉ có các nhóm ưu tú sở hữu. Họ có những ham muốn và nhu cầu mà trước đây được coi là tinh hoa, vì chỉ thuộc về số ít người. Một ví dụ tầm thường: vào năm 1820, không có mười phòng tắm trong các ngôi nhà tư nhân ở Paris; đó là những gì được ghi lại trong hồi ký của Comtesse de Boigne. Nhưng còn hơn thế nữa: con người nhân quần hiện nay biết và sử dụng, rất chi thành thục, nhiều kỹ nghệ mà trước đây chỉ có những cá nhân chuyên môn mới sử dụng.
Và không chỉ là những kỹ nghệ vật chất, mà quan trọng hơn, là những kỹ nghệ pháp lý và xã hội. Vào thế kỷ XVIII, một số ít thiểu số đã phát hiện ra rằng mỗi cá nhân con người, chỉ vì sự ra đời của mình, và không cần bất kỳ chứng chỉ đặc biệt nào, đều có những quyền chính trị cơ bản, những quyền được gọi là quyền con người và quyền công dân, và rằng, trên thực tế, những quyền này, chung cho tất cả mọi người, là những quyền duy nhất tồn tại. Mọi quyền khác gắn liền với tài năng đặc biệt đều bị coi là đặc quyền. Đầu tiên, đây chỉ là một lý thuyết thuần túy và là ý tưởng của một vài người; sau đó, những người ít ỏi này bắt đầu thực hành ý tưởng đó, áp dụng và đòi hỏi nó: những thiểu số ưu tú. Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ XIX, con người nhân quần, những người ngày càng say mê với ý tưởng về những quyền này như một lý tưởng, không cảm nhận được chúng trong bản thân mình, không thực hành chúng, không làm cho chúng có hiệu lực, mà thực tế, dưới các pháp luật dân chủ, vẫn sống, vẫn cảm thấy như trong chế độ cũ. "Dân chúng" - như người ta gọi họ vào lúc đó - đã biết rằng họ là chủ quyền, nhưng họ không tin điều đó. Ngày nay, lý tưởng đó đã trở thành hiện thực, không chỉ trong các pháp luật, vốn là những mô hình bên ngoài của đời sống công cộng, mà trong trái tim của mỗi cá nhân, bất kể ý của họ là gì, ngay cả khi ý của họ có phản động; tức là ngay cả khi họ đập nát và nghiền nát những thể chế nơi những quyền đó được công nhận.
Theo tôi, người không hiểu được cảnh huống đạo đức kỳ lạ của con người nhân quần thì không thể giải thích được những gì đang bắt đầu xảy ra trong thế giới ngày nay. Sự thống trị của cá nhân không có năng lực, của con người nói chung đã từ một ý tưởng hoặc lý tưởng pháp lý trở thành một trạng thái tâm lý cấu thành nên con người trung bình. Và hãy chú ý: khi một điều gì đó từng là lý tưởng trở thành một phần của thực tế, thì không thể tránh khỏi nó sẽ không còn là lý tưởng nữa. Sự uy tín và ma thuật, những đặc điểm của lý tưởng, tác động của nó đối với con người, sẽ biến mất. Những quyền bình đẳng của phấn hứng dân chủ hào phóng giờ trở thành những ham muốn và giả định vô thức.
Vậy thì, ý nghĩa của những quyền đó không là gì ngoài việc giải thoát những linh hồn con người khỏi sự nô lệ bên trong và tuyên bố một nhận thức về quyền lực và phẩm giá trong họ. Đó không phải là điều mà người ta mong muốn sao? Để con người trung bình cảm thấy mình là chủ nhân, làm chủ, là chúa tể của chính mình và cuộc sống của mình? Điều đó đã được thực hiện rồi. Vậy tại sao những người tự do, những người dân chủ, những người tiến bộ cách đây ba mươi năm lại phàn nàn? Hay là họ, như những đứa trẻ, muốn một thứ gì đó, nhưng không muốn những hậu quả của nó? Người ta muốn con người trung bình trở thành chủ nhân. Vậy thì đừng ngạc nhiên khi họ hành động vì chính mình và trước chính mình, khi họ đòi hỏi tất cả các thú vui, khi họ quyết đoán áp đặt ý chí của mình, khi họ từ chối mọi sự nô lệ, khi họ không ngoan ngoãn theo ai cả, khi họ chăm sóc bản thân và thời gian rảnh rỗi của mình, khi họ chú ý đến trang phục của mình: đó là một vài thuộc tính vĩnh viễn đi kèm với ý thức về quyền lực. Hôm nay, chúng ta thấy chúng hiện diện trong con người trung bình, trong con người nhân quần.
Vậy chúng ta có thể nói rằng cuộc sống của con người trung bình hiện đã được cấu thành bởi một phạm vi hoạt động sống mà trước đây chỉ đặc trưng cho các thiểu số ưu tú. Nhưng con người trung bình đại diện cho địa hạt mà lịch sử của mỗi thời đại diễn ra; nó trong lịch sử giống như mức của biển trong địa lý. Vì vậy, nếu mức trung bình hiện nay là nơi mà trước đây chỉ có các quý tộc chạm tới, thì điều đó có nghĩa là, một cách rõ ràng, mức lịch sử đã đột ngột tăng lên - sau những sự chuẩn bị sâu kín và ngầm, nhưng trong biểu hiện của nó, đột ngột - một bước nhảy vọt trong một thế hệ. Cuộc sống con người, tổng thể, đã vươn lên. Người lính, có thể nói vậy, có nhiều điểm giống như đại úy; quân đội nhân loại giờ được cấu thành từ những đại úy. Chỉ cần nhìn vào năng lượng, sự quyết đoán, sự linh hoạt mà bất kỳ cá nhân nào cũng thể hiện trong cuộc sống hôm nay, họ chộp lấy niềm vui đến, áp đặt quyết định của mình.
Tất cả cái tốt, tất cả cái xấu của hiện tại và của tương lai gần đều có nguồn gốc và căn nguyên trong sự gia tăng tổng thể của mức lịch sử này.
Nhưng giờ chúng ta nhận ra một cảnh báo không chủ ý. Việc mức trung bình của cuộc sống hiện giờ là mức của những thiểu số xưa kia là một sự kiện mới ở Châu Âu; nhưng đó lại là sự kiện bản địa, cấu thành, của châu Mỹ. Hãy để người đọc suy ngẫm để hiểu rõ ý của tôi về sự bình đẳng pháp lý này. Trạng thái tâm lý của việc cảm thấy là chủ nhân và bình đẳng với mọi cá nhân khác, mà trước đây chỉ những nhóm nổi bật mới có được ở Châu Âu, chính là điều đã xảy ra từ thế kỷ XVIII, gần như từ trước đó, ở châu Mỹ. Và một sự trùng hợp mới, thậm chí còn kỳ lạ hơn! Khi trạng thái tâm lý của con người trung bình xuất hiện ở Châu Âu, khi mức tồn tại tổng thể của họ tăng lên, thì phong thái và cách thức của cuộc sống Châu Âu ở mọi lĩnh vực đột ngột có một hình dạng khiến nhiều người phải nói: "Châu Âu đang trở nên giống Mỹ." Những người nói như vậy không cho hiện tượng này một tầm quan trọng lớn; họ nghĩ rằng đó chỉ là một sự thay đổi nhẹ trong phong tục, một mốt thời trang, và, bị lầm lẫn bởi tương đồng bên ngoài, họ quy nó cho một ảnh hưởng nào đó từ Mỹ đối với Châu Âu. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề này đã bị người ta nói quá giản tiện, trong khi thực tế nó tinh tế, bất ngờ và sâu sắc hơn rất nhiều.
Máu lịch sự của tôi đang cố gắng thỏ thẻ để tôi bảo với những người bên kia bờ đại dương rằng, thực sự thì Châu Âu đã trở nên giống Mỹ, và điều này là do ảnh hưởng của Mỹ đối với Châu Âu. Nhưng không: sự thật giờ đang xung đột với sự lịch thiệp, và nó phải chiến thắng. Châu Âu không trở thành Mỹ. Châu Âu chưa nhận được một ảnh hưởng lớn nào từ Mỹ. Cả hai điều này, nếu có, hiện mới chỉ bắt đầu; nhưng chúng không xảy ra trong quá khứ gần đây, mà hiện tại chỉ là sự tiếp nối của quá khứ. Có một đống ý tưởng sai lầm gây khó khăn cho tầm nhìn của chúng ta, cả người Mỹ và người Châu Âu. Sự thắng lợi của con người nhân quần và sự thăng tiến tuyệt vời của mức độ sống đã xảy ra ở Châu Âu vì những lý do nội tại, sau hai thế kỷ giáo dục tiến bộ quần chúng và sự giàu lên song song về mặt kinh tế của xã hội. Tuy nhiên, kết quả này trùng hợp với đặc điểm quyết định nhất của sự tồn tại ở Mỹ: và chính vì vậy, bởi vì tình huống đạo đức của con người trung bình ở Châu Âu trùng với người Mỹ, mà lần đầu tiên người Châu Âu hiểu được cuộc sống của người Mỹ, điều mà trước đây đối với họ là một câu đố và một bí ẩn. Do đó, đây không phải là một ảnh hưởng mà giống như một sự hồi lưu, điều ít ai ngờ tới: đó là một sự đồng nhất.
Từ trước đến nay, người Châu Âu luôn mơ hồ cảm thấy mức độ trung bình của cái sống ở Mỹ cao hơn so với ở lục địa già. Trực giác không phân tích nhưng rõ ràng, về sự thật này đã hình thành nên cái ý, luôn được chấp nhận, chưa bao giờ bị nghi ngờ, rằng Mỹ là tương lai. Người ta sẽ hiểu rằng một ý rộng lớn và sâu sắc như vậy không thể đến từ hư không, như người ta nói về những loài lan mọc trên không trung, không có rễ. Cơ sở của nó là sự nhìn nhận một mức cao hơn của cái sống trung bình ở bên kia đại dương, trái ngược với mức thấp hơn của các thiểu số ưu tú ở Mỹ so với các thiểu số Châu Âu. Nhưng lịch sử, như nông nghiệp, được nuôi dưỡng từ những thung lũng chứ không phải từ những đỉnh cao, từ độ cao trung bình xã hội chứ không phải từ những đỉnh cao.
Chúng ta sống trong cào bằng bình quân: tài sản được đồng đều hoá, văn hóa giữa các tầng lớp xã hội được đồng đều hóa, giới tính cũng được đồng đều hóa. Vậy thì các châu lục cũng bị đồng đều hóa. Và vì người Châu Âu vốn ở dưới mức cơ bản của cái sống, trong sự đồng đều hóa này, họ chỉ có thể hưởng lợi. Nhìn từ khía cạnh này, sự nổi dậy của con người nhân quần mang nghĩa một sự gia tăng tuyệt vời về lực sống và khả năng, hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta thường nghe về sự suy tàn của Châu Âu: cái nhận định hàm hồ thô thiển - không ai hiểu rõ đang nói về điều gì - các quốc gia Châu Âu, văn hóa Châu Âu, hay là điều gì đó dưới tất cả những điều này mà quan trọng hơn rất nhiều, là lực sống của Châu Âu. Chúng ta sẽ nói về các quốc gia và văn hóa Châu Âu sau - và có thể nhận định kia áp dụng cho chúng thật - nhưng về lực sống, rõ ràng nhận định về suy tàn là một sai lầm nghiêm trọng. Nếu diễn đạt theo cách khác, có thể ý của tôi sẽ thuyết phục hơn hoặc ít có vẻ hoang đường hơn, vậy nên tôi nói rằng ngày nay bình quân một người Ý, bình quân một người Tây Ban Nha, bình quân một người Đức, ít khác biệt về lực sống so với một người Mỹ hay một người Argentina cách đây ba mươi năm. Và đây là một dữ liệu mà người Mỹ không nên quên.
Tiêu chuẩn thời đại
Đế chế của con người nhân quần có một khía cạnh tích cực là sự leo lên nấc thang lịch sử và nó tiết lộ rằng lực sống trung bình hiện nay đang ở một mức cao hơn so với quá khứ. Điều này làm chúng ta nhận ra rằng cái sống có thể có những độ cao khác nhau, và rằng mệnh đề thường được lặp lại khi nói về “tiêu chuẩn thời đại" là một mệnh đề nhiều ý nghĩa mặc dù thiếu ý thức. Chúng ta nên dừng lại ở điểm này, vì nó giúp chúng ta xác định một trong những đặc điểm gây ngạc nhiên nhất của thời đại chúng ta.
Ví dụ, người ta thường nói rằng điều này hay điều kia không phù hợp với "tiêu chuẩn thời đại". Thực tế, không phải thời gian trừu tượng của lịch sử mà là thời gian sống, cái mà mỗi thế hệ gọi là "thời đại của chúng ta", luôn có một mức nhất định: hôm nay nó cao hơn hôm qua, hoặc giữ nguyên, hoặc tụt xuống. Hình ảnh về sự tụt, được gói gọn trong từ "suy sụp", bắt nguồn từ trực giác này. Tương tự, mỗi người cảm nhận, rõ ràng hơn hay kém, quan hệ mà cuộc sống của mình có với độ cao của thời đại mà nó diễn ra. Có người cảm thấy trong các hình thức tồn tại hiện nay như một người sống sót sau tai nạn không thể thoát khỏi, tốc độ biến chuyển của thời đại, sức mạnh và năng lượng mà mọi thứ được thực hiện, làm cho người có tinh thần cổ xưa cảm thấy lo lắng, và nỗi lo này đo sự chênh lệch giữa nhịp của họ và tiêu chuẩn của thời đại. Mặt khác, người sống trọn vẹn và thoải mái với các hình thức hiện tại có ý thức về quan hệ giữa độ cao của thời đại chúng ta và tiêu chuẩn của những thời đại đã qua. Mối quan hệ đó là gì?
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng con người của một thời đại luôn cảm thấy các thời đại trước đó là thấp hơn so với thời đại của mình, đơn giản chỉ vì chúng đã qua. Chỉ cần nhớ lại quan điểm của Jorge Manrique, rằng bất kỳ thời đại nào đã qua đều là thời đại tốt hơn.
Nhưng điều này cũng không đúng. Không phải mọi thời đại đều cảm thấy thấp kém hơn những thời đại đã qua, cũng không phải tất cả đều cho rằng chúng ta vượt trội hơn những thời đại đã tồn tại và được nhớ đến. Mỗi thời đại lịch sử thể hiện một cảm giác khác nhau về hiện tượng lạ lùng của độ cao trong cái sống, và tôi ngạc nhiên khi các nhà tư tưởng và sử gia chưa bao giờ chú ý đến một sự kiện rõ ràng và sâu sắc như vậy.
Ấn tượng mà Jorge Manrique tuyên bố chắc chắn là ấn tượng phổ biến nhất, ít nhất nếu xét một cách tổng quát. Hầu hết các thời đại không cảm thấy thời đại của họ cao hơn những thời đại cũ. Ngược lại, điều thường thấy là con người cho rằng trong quá khứ có những thời tốt đẹp hơn, nơi cái sống đầy tràn hơn: “Hoàng kim thời đại" - họ hay nói thế, những người được giáo dục bởi Hy Lạp và Roma; "Alcheringa," người thổ dân Australia nói. Điều này cho thấy những con người ấy cảm thấy nhịp của cái sống chính họ thiếu đầy đủ, suy yếu, không thể làm đầy hoàn toàn mạch máu. Chính vì lý do này, họ tôn trọng quá khứ, những “cổ điển hoàng kim thời đại," sự tồn tại của chúng được họ coi là rộng lớn hơn, phong phú hơn, hoàn hảo hơn và khó khăn hơn cuộc sống của thời đại họ. Khi nhìn lại và tưởng tượng những thế kỷ quý giá đó, họ cảm thấy không thể kiểm soát chúng, mà ngược lại, họ cảm thấy bị áp đảo bởi chúng, như một mức nhiệt độ, nếu có ý thức, sẽ cảm nhận rằng nó không chứa đựng mức cao hơn; trái lại, trong mức cao ấy có nhiều năng lượng hơn chính nó.
Từ một trăm năm rưỡi sau công nguyên, ấn tượng về một lực sống hẹp dần, sự giảm sút, sự suy yếu và yếu bóng vía đã ngày càng rõ hơn trong Đế chế La Mã. Horace từng hát: "Cha mẹ chúng ta, tệ hơn ông bà chúng ta, đã đẻ ra chúng ta còn hư hỏng hơn, và chúng ta sẽ đẻ ra một thế hệ thậm chí còn gớm hơn nữa." (Odes, sách III, 6. Aetas parentum peior avis tulit / nos nequiores, mox daturos / progeniem vitiosorem).
Hai thế kỷ sau, không có đủ người Ý trung bình có giá trị để lấp đầy các vị trí chỉ huy trong quân đội, và họ đã phải thuê lính Dalmatia, rồi sau đó lại thuê lính từ những rợ người sông Danube và sông Rhine. Trong khi đó, phụ nữ trở nên vô sinh và Ý giảm dân số.
Giờ chúng ta hãy xem một loại thời đại khác, có vẻ như có ấn tượng lực sống khác hẳn. Đó là một hiện tượng rất thú vị mà chúng ta cần phải gọi tên. Khi cách đây không quá ba mươi năm, các chính trị gia nói trước quần chúng, họ thường từ chối một biện pháp chính phủ này hay biện pháp kia, nói rằng nó không tương hợp với "sự đầy tràn của thời đại." Thật thú vị khi nhớ lại rằng chính câu nói này cũng được Trajan sử dụng trong lá thư nổi tiếng gửi Pliny, khi khuyên ông không nên truy lùng các Kitô hữu chỉ dựa trên những tố cáo ẩn danh: Nec nostri saeculi est. Vì vậy, đã có một số thời đại trong lịch sử mà người ta cảm thấy rằng mình đã đạt đến một độ cao sung túc, một đích đến, thời kỳ mà người ta tin rằng đã đến cuối chặng đường, khi một nỗ lực cổ xưa được hoàn thành và một hy vọng được hoạch định. Đó là "sự sung túc của thời đại," sự trưởng thành hoàn toàn của cuộc sống lịch sử.
Thực tế thì ba chục năm trước, người Châu Âu tin rằng cuộc sống con người đã đạt đến mức mà nó nên có, cái mà nhiều thế hệ mong muốn từ lâu, mà phải luôn luôn như vậy. Thời đại của sung túc luôn được cảm nhận như là kết quả của rất nhiều thời kỳ chuẩn bị khác, của những thời đại thiếu đầy đủ, thấp kém hơn chính nó, mà trên đó thời điểm này được xây dựng vững chắc. Nhìn từ độ cao của nó, những thời kỳ chuẩn bị ấy xuất hiện như thể chúng chỉ sống với nỗ lực và ảo tưởng chưa hoàn thành, những thời kỳ chỉ có mong muốn chưa thỏa mãn, những người tiên phong cháy bỏng, "vẫn chưa," là sự đối lập đau đớn giữa một khát vọng rõ ràng và thực tế không đáp ứng được nó. Thế kỷ XIX nhìn nhận Thời Trung Cổ như vậy. Cuối cùng, đến một ngày, ước muốn cũ kỹ đó, đôi khi kéo dài hàng nghìn năm, dường như được thực hiện: thực tế tiếp nhận và tuân theo nó. Chúng ta đã đạt đến độ cao đã nhìn thấy, đến đích đã được dự đoán, đến đỉnh của thời gian! Từ "vẫn chưa," chúng ta đã có "cuối cùng."
Đây là cảm giác mà tổ tiên của chúng ta và cả thế hệ của họ có về cuộc sống của chính họ. Đừng quên điều này: thời đại của chúng ta là một thời đại đến sau một thời đại sung túc. Vì vậy, không thể tránh khỏi rằng những ai vẫn gắn bó với bờ bên kia, với quá khứ toàn vẹn ấy, và nhìn mọi thứ dưới lăng kính của nó, sẽ chịu đựng ảo ảnh cảm thấy thời hiện tại như một sự suy giảm từ sự sung túc, như một sự suy tàn.
Nhưng một người già yêu sử, một người say mê nắm bắt nhịp đập của các thời, không thể để mình bị mê hoặc bởi lăng kính của những "sự sung túc" tưởng tượng ấy.
Như tôi đã nói, điều cốt yếu để tồn tại một "thời đại sung túc" là một khát vọng xưa cũ, mà trong suốt nhiều thế kỷ đã rút vào trong mong muốn và đòi hỏi, cuối cùng một ngày nào đó được thỏa mãn. Và thực tế, những thời kỳ đầy đủ ấy là những thời kỳ tự thỏa mãn chính mình; đôi khi, như trong thế kỷ XIX, thỏa mãn đến mức quá mức. Nhưng giờ chúng ta nhận ra rằng những thế kỷ đầy thỏa mãn đó, những thế kỷ đạt được mọi thứ, lại đã chết ở bên trong. Sự đầy đủ lực sống thực sự không nằm ở sự thỏa mãn, thành tựu hay sự đạt được. Cervantes đã nói "con đường luôn luôn tốt hơn là đích đến." Một thời đại đã thỏa mãn khát vọng, lý tưởng của nó, là một thời đại không còn mong muốn gì thêm, một thời đại mà nguồn suối khát vọng đã kiệt. Nói cách khác, sung túc trứ danh kia thực ra là một cái kết. Có những thế kỷ, vì không biết làm mới những khao khát của mình, mà chết vì thỏa mãn, giống như một con ong thợ may mắn chết sau khi giao phối.
Vì vậy, có một sự thật gây ngạc nhiên là những giai đoạn được gọi là sự sung túc ấy luôn cảm thấy có một nỗi buồn rất đặc thù.
Khát vọng đã được nuôi dưỡng từ từ, và mà vào thế kỷ XIX dường như cuối cùng đã được thực hiện, chính là thứ mà tóm tắt lại, được gọi là "văn hóa hiện đại." Từ cái tên đã khiến người ta lo lắng: một thời đại tự gọi mình là "hiện đại", mà tất cả những thời đại khác chỉ là quá khứ của nó tức là ấn định những sự chuẩn bị và khát vọng khiêm tốn hướng tới nó! Những mũi tên không có sức mạnh, trượt mục tiêu!
Liệu có thể cảm nhận được sự khác biệt căn bản giữa thời đại của chúng ta và cái thời đại vừa qua, đã bị bỏ lại phía sau? Thực tế, thời đại của chúng ta không cảm thấy nó là thời đại cuối cùng; ngược lại, ngay trong bản chất của nó, có một trực giác mơ hồ rằng không có thời đại nào là cuối cùng, chắc chắn, mãi mãi được khẳng định, mà ngược lại, chính đòi hỏi rằng một loại hình sống - cái gọi là "văn hóa hiện đại" - có thể là cuối cùng, dường như là một sự ngoan cố và hẹp hòi không thể tin được trong viễn kiến. Và khi cảm nhận như vậy, chúng ta cảm thấy một ấn tượng tuyệt vời rằng mình đã thoát ra khỏi một không gian chật hẹp và kín đáo, đã trốn thoát, và một lần nữa bước ra dưới những vì sao, vào thế giới chân thực, sâu sắc, khủng khiếp, bất ngờ và không bao giờ cạn kiệt, nơi mà tất cả, tất cả đều có thể: điều tốt nhất và điều tồi tệ nhất.
Niềm tin vào văn hóa hiện đại là thứ tẻ nhạt: đó là biết rằng ngày mai sẽ giống hôm nay về mọi mặt, rằng tiến bộ chỉ là sự tiếp tục bước đi những "luôn luôn" trên một con đường giống hệt con đường đã có dưới chân chúng ta. Một con đường như vậy thực ra là một Khám Chí Hoà, kéo dài mà không tài nào thoát ra.
Sơ kỳ Đế chế, những anh tỉnh lẻ nào đó đến Roma - ví dụ Lucano hoặc Seneca - và thấy những công trình hoành tráng của đế chế, biểu tượng của một quyền lực vĩnh cửu, trái tim họ thắt lại. Không có gì mới mẻ có thể xảy ra trên thế giới nữa. Roma là vĩnh cửu. Và nếu có một nỗi buồn từ những tàn tích, như hơi bay lên từ những vùng nước chết, thì người tỉnh lẻ nhạy cảm cảm nhận được một nỗi sầu không kém mạnh mẽ, mặc dù có dấu hiệu ngược lại: nỗi buồn của Cửu Trùng Đài.
Trước trạng thái cảm xúc đó, liệu có thể không rõ ràng ư, cảm giác của thời đại chúng ta giống như niềm vui và sự náo nhiệt của những đứa trẻ trốn học? Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai trên thế giới, và điều đó bí mật khiến chúng ta vui; bởi vì điều đó, không thể đoán trước, một chân trời luôn mở ra với mọi khả thể, chính là cái sống đích thực, sự tràn đầy của sống.
Điều này trái ngược hoàn toàn với chẩn đoán về sự suy tàn vang lên trên những trang viết của nhiều người đương thời. Đây là một sai lầm quang học xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một ngày nào đó chúng ta sẽ xem xét một số nguyên nhân; nhưng hôm nay tôi muốn dự đoán nguyên nhân hiển nhiên nhất: đó là vì, trung thành với một hệ tư tưởng, mà theo tôi là đã lỗi thời, họ chỉ nhìn vào chính trị hay văn hóa trong lịch sử, mà không nhận ra rằng tất cả những điều đó chỉ là bề mặt của lịch sử; rằng thực tế lịch sử là, trước hết và sâu xa hơn điều đó, một khát vọng sống thuần túy, một sức mạnh giống như sức mạnh vũ trụ; không phải là cùng một thứ nhưng là người chị em của sức mạnh khiến đại dương động đậy, thụ tinh cho loài thú, làm nở hoa trên cây, làm rung chuyển hành tinh.
Trước những chẩn đoán về sự suy tàn, tôi có mấy lẽ sau:
Sự suy tàn là một khái niệm có hàm ý so sánh. Suy tàn là từ một trạng thái cao hơn xuống một trạng thái thấp hơn. Nhưng so sánh này có thể được thực hiện từ những quan điểm khác nhau, đa dạng đến khó hình dung. Đối với một người sản xuất đầu lọc bằng hổ phách, thế giới đang suy tàn vì người ta không còn sử dụng đầu lọc hổ phách nữa. Những góc nhìn khác sẽ đáng kính hơn, nhưng thực tế, chúng vẫn chỉ là những quan điểm riêng biệt, tùy tiện và bên ngoài cái sống mà bản chất của nó chính là điều đang được đánh giá. Chỉ có một góc nhìn hợp lý và tự nhiên: đó là sống trong cuộc sống ấy, chiêm ngưỡng nó từ bên trong và xem liệu nó có cảm thấy mình đang suy tàn, tức là bị sa sút đi, nhạt đi nhiều.
Nhưng ngay cả khi nhìn từ bên trong chính mình, làm sao để biết một cuộc sống có cảm thấy hay không cảm thấy mình suy tàn? Đối với tôi, không có nghi ngờ gì về triệu chứng quyết định: một cuộc sống không muốn bất kỳ cuộc sống nào trước đây, không muốn bất kỳ điều gì trước đây, do đó, chỉ muốn chính nó, thì không thể nghiêm túc gọi là suy tàn. Tất cả cuộc thảo luận của tôi về vấn đề "tiêu chuẩn của thời đại" đã đi đến kết luận này. Vì thực tế là, chính chúng ta hiện nay đang tận hưởng một cảm giác cực kỳ kỳ lạ ở điểm này; theo tôi biết, đây là cảm giác duy nhất cho đến nay trong lịch sử đã biết.
Trong các phòng khách của thế kỷ trước, luôn đến một lúc mà các quý bà và những nhà thơ được huấn luyện của họ không thể tránh tự hỏi lẫn nhau: “Quý anh chị muốn sống trong thời đại nào?" Và thế là mỗi người, mang theo hình bóng của cuộc đời mình, bắt đầu lang thang tưởng tượng trong các con đường lịch sử để tìm kiếm một thời kỳ mà họ có thể dễ dàng khớp với khuôn mẫu của cuộc sống mình. Bởi vì, dù cảm thấy, hoặc muốn cảm thấy, mình đang ở trong sự đầy đủ, thế kỷ XIX thực sự vẫn gắn liền với quá khứ, trên vai của quá khứ mà họ tưởng mình đang đứng; họ thực sự thấy nó như là sự lên đến đỉnh cao của quá khứ. Vì thế, họ vẫn tin vào những thời kỳ tương đối "cổ điển" - thế kỷ của Pericles, thời Phục Hưng - nơi các giá trị hiện tại đã được chuẩn bị. Điều này đủ để khiến chúng ta nghi ngờ về những thời kỳ đầy đủ; chúng quay mặt về phía sau, nhìn về quá khứ mà chúng đang hoàn thành.
Vậy thì, điều gì mà một người đại diện cho thời đại hiện tại sẽ nói một cách chân thành nếu được hỏi câu hỏi tương tự? Tôi tin rằng không có gì phải nghi ngờ: bất kỳ quá khứ nào - không có ngoại lệ - sẽ khiến anh ta cảm thấy như đang ở trong một không gian chật chội ná thở. Nói cách khác, con người của thời đại này cảm thấy rằng cuộc sống của mình phong nhiêu hơn tất cả các cuộc sống trước đây, hoặc nói ngược lại, quá khứ toàn vẹn đã trở nên quá nhỏ bé so với nhân loại hiện nay. Cảm nhận này về cuộc sống của chúng ta hôm nay đã hủy bỏ mọi suy tư về sự suy tàn nếu nó không được nhìn nhận một cách rất cẩn trọng.
Cuộc sống của chúng ta hiện tại, ít nhất là trong cảm giác, phong nhiêu hơn tất cả các đời trước. Bằng cách nào mà người ta lại cảm thấy suy tàn được nhỉ? Ngược lại mới đúng: vì cảm thấy mình là sự sống lớn hơn, chúng ta đã mất hết mọi sự tôn trọng, mọi sự chú ý đối với quá khứ. Chính vì thế mà lần đầu tiên chúng ta gặp phải một thời kỳ xóa bỏ mọi chủ nghĩa cổ điển, không công nhận bất kỳ mô hình hay quy chuẩn nào của quá khứ, và sau nhiều thế kỷ không gián đoạn sự tiến hóa, thời đại này lại xuất hiện như một khởi đầu, một bình minh, một tuổi thơ. Chúng ta nhìn lại, và thời Phục Hưng nổi tiếng đối với chúng ta giờ đây giống như một thời chật hẹp, nhà quê tỉnh lẻ, với những cử chỉ vô nghĩa, mà sao không thẳng luôn là rườm rà.
Tôi đã tóm tắt tình huống này từ lâu theo cách sau: "Sự phân ly nghiêm trọng giữa quá khứ và hiện tại là sự kiện chung của thời đại chúng ta mà sự hoang mang đặc biệt của cuộc sống trong những năm này gây ra, trong đó bao hàm những ý ngờ vực mờ tỏ. Chúng ta cảm thấy như thể đột nhiên chúng ta đã bị bỏ lại một mình trên Trái Đất; rằng những người chết không chết đùa mà chết thật; họ không thể giúp chúng ta nữa. Tinh thần truyền thống còn lại đã tan biến. Các mô hình, quy chuẩn, những thước đo không còn giúp chúng ta nữa. Chúng ta phải giải quyết vấn đề của mình mà không có sự hợp tác tích cực của quá khứ, trong thực tại ngày nay - dù là trong nghệ thuật, khoa học hay chính trị. Người Châu Âu giờ đơn chiếc, không có những linh hồn đã khuất bên cạnh, như Peter Schlemihl, kẻ mất bóng. Đây là điều xảy ra khi giờ trưa đến."
Vậy thì, tóm lại, cái tiêu chuẩn của thời đại chúng ta là gì?
Đó không phải là tính cách sung túc của thời đại, và tuy nhiên, nó cảm thấy trội hơn hẳn tất cả các thời đại đã qua và tất cả những sự sung túc đã được biết đến. Thật không dễ dàng để diễn đạt cảm giác mà thời đại của chúng ta có về chính mình: nó tin rằng mình trội hơn những thời đại khác, và đồng thời lại cảm thấy như một khởi đầu, không chắc chắn liệu mình có phải là một sự lãng quên hay không. Chúng ta sẽ chọn biểu hiện nào? Có lẽ là: hơn tất cả các thời đại khác và thấp hơn chính mình. Rất mạnh mẽ, và đồng thời không chắc chắn về số phận của mình. Tự hào về sức mạnh của mình và đồng thời sợ hãi nó.
Sự phát triển của cái sống
Sự thống trị của con người nhân quần và sự tăng tiến trên nhịp đi của lịch sử, độ cao tiêu chuẩn của thời đại mà nó báo hiệu, không gì khác hơn là những triệu chứng của một thực tế rộng lớn và toàn diện hơn. Thực tế này gần như kỳ quái và khó tin trong sự đơn giản và hiển nhiên của nó. Đó là, đơn giản mà nói, thế giới bỗng phát triển, và cái sống cũng phát triển theo.
Trước hết, sống đã thực sự trở nên toàn cầu; ý tôi là, nội dung của cuộc sống đối với con người trung bình ngày nay bao trùm toàn bộ hành tinh; mỗi cá nhân giờ đây sống quen thuộc với cả thế giới. Cách đây không lâu, dân Sevilla theo dõi từng giờ trong các tờ báo phổ biến của họ về những gì đang xảy ra với một nhóm người ở gần Cực, nghĩa là, trên nền trời rực lửa của vùng đồng bằng Andalusia, những băng sơn trôi dạt. Mỗi vùng đất không còn bị giới hạn trong vị trí hình học của nó, mà với nhiều tác động thị giác, nó có ảnh hưởng đến những nơi khác trên hành tinh. Theo nguyên tắc vật lý rằng một vật hiện diện ở nơi nó có tác động, ngày nay chúng ta có thể công nhận mọi điểm trên địa cầu có mặt khắp nơi một cách hiệu quả nhất. Sự gần gũi của những điều xa xôi, sự hiện diện của những thứ vắng mặt, đã mở rộng một cách phi thường khoảng nhìn của mỗi cuộc đời.
Và thế giới cũng đã phát triển về mặt thời gian. Tiền sử và khảo cổ học đã phát hiện ra những phạm vi lịch sử có chiều dài gần như huyễn hoặc. Những nền văn minh và đế chế từng không ai biết đến đã được đưa vào ký ức của chúng ta như những lục địa mới. Báo chí minh họa và màn ảnh đã mang tất cả những mảnh thế giới xa xôi này đến với khoảng nhìn trực tiếp của công chúng.
Tuy nhiên, sự mở rộng thời-không của thế giới này tự nó không có ý nghĩa gì cả. Không gian và thời gian vật lý là những thứ đơ tuyệt đối của vũ trụ. Chính vì thế, việc tôn sùng tốc độ thuần túy mà những người đương thời của chúng ta đang thực hiện nhất thời lại có lý hơn nhiều so với những gì người ta thường nghĩ. Tốc độ, được tạo nên từ không gian và thời gian, không kém đơ hơn những yếu tố cấu thành của nó; nhưng nó giúp chúng ta vô hiệu hóa chúng. Một sự đơ không thể bị chế ngự trừ khi có một sự đơ khác. Đối với con người, chiến thắng không gian và thời gian vũ trụ, vốn hoàn toàn vô nghĩa, là một vấn đề danh dự, và không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy một niềm vui trẻ con khi làm cho tốc độ trống rỗng vận hành, nhờ đó chúng ta tiêu diệt không gian và bóp nghẹt thời gian. Khi vô hiệu hóa chúng, chúng ta làm cho chúng sống động hơn, làm cho việc dùng chúng cho cái sống trở nên khả thi hơn, chúng ta có thể có mặt ở nhiều nơi hơn trước, tận hưởng nhiều chuyến đi hơn, tiêu thụ nhiều thời gian vũ trụ hơn trong ít thời gian sống hơn.
Nhưng, cuối cùng, sự phát triển thực chất của thế giới không nằm ở kích thước lớn hơn của nó, mà ở việc nó bao gồm nhiều thứ hơn. Mỗi vật - hãy hiểu từ này theo nghĩa rộng nhất - là một cái gì đó có thể được muốn, tìm kiếm, thực hiện, hủy bỏ, khám phá, tận hưởng hoặc từ chối; tất cả những điều này đều là các hoạt động sống.
Hãy lấy một trong những hoạt động của chúng ta, chẳng hạn như mua sắm. Hãy tưởng tượng hai người, một người của thời hiện tại và một người của thế kỷ XVIII, cả hai có tài sản tương đương tính theo giá trị của tiền ở từng thời kỳ, và so sánh danh mục sản phẩm mà mỗi người có thể mua. Sự khác biệt gần như không thể tin. Số lượng lựa chọn mở ra trước người mua hiện đại gần như vô hạn. Thật khó để tưởng tượng ra một món hàng không tồn tại trên thị trường, và ngược lại: không ai có thể tưởng tượng và muốn tất cả những thứ đang được bán.
Sẽ có anh nào đó bảo, với tài sản tương đương, người hiện đại không thể mua được nhiều hơn người của thế kỷ XVIII. Nhưng thực tế không phải vậy. Ngày nay, người ta có thể mua được nhiều thứ hơn, vì công nghiệp đã làm cho hầu hết các mặt hàng trở nên rẻ hơn. Nhưng ngay cả khi điều đó không đúng, tôi cũng không bận tâm; thực ra, điều đó chỉ càng nhấn mạnh hơn điều tôi muốn nói.
Hoạt động mua sắm kết thúc bằng việc quyết định chọn một món hàng; nhưng trước hết, nó là một sự lựa chọn, và sự lựa chọn bắt đầu bằng việc nhận thức về những gì thị trường cung cấp. Do đó, sống, trong khía cạnh "mua sắm" của nó, trước hết là sống với những khả thể mua có sẵn. Khi nói về cái sống của chúng ta, người ta thường quên mất điều này, điều mà tôi cho là cực kỳ quan trọng: cái sống của chúng ta, trong từng khoảnh khắc, và trước hết, là nhận thức về những gì khả dĩ với chúng ta. Nếu vào bất kỳ thời điểm nào, chúng ta chỉ có duy nhất một lựa chọn thì không thể gọi đó là một “khả thể" nữa. Nó sẽ chỉ là sự thể nhất thiết.
Nhưng điều đó không xảy ra: thực tế kỳ lạ của cuộc sống chúng ta là nó luôn đặt trước chúng ta nhiều con đường khác nhau, và chính vì có nhiều con đường, chúng mang bản chất của những khả thể mà chúng ta phải quyết định lựa chọn. Nói rằng chúng ta đang sống cũng có nghĩa là nói rằng chúng ta đang tồn tại trong một môi trường của những khả thể nhất định. Môi trường này thường được gọi là “cảnh trạng". Mọi cuộc sống đều là sự tồn tại bên trong “cảnh trạng" hoặc thế giới. Bởi vì đây là ý nghĩa nguyên thủy của khái niệm "thế giới". Thế giới chính là tập hợp các khả thể tồn tại của chúng ta. Vì vậy, nó không phải là thứ tách biệt hay xa lạ với cái sống của chúng ta mà là ranh giới thực sự của nó. Nó đại diện cho những gì chúng ta có thể thành; do đó, nó là tiềm năng sống của chúng ta. Nhưng tiềm năng này phải được cụ thể hóa để trở thành hiện thực, hay nói cách khác, chúng ta chỉ trở thành một phần rất nhỏ của những gì chúng ta có thể trở thành. Chính vì thế mà thế giới dường như quá bao la, trong khi chúng ta, bên trong nó, lại quá nhỏ bé. Thế giới hay cái sống khả thể của chúng ta luôn lớn hơn số phận hay cuộc sống thực tế của chúng ta.
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự phát triển của cái sống con người trong khía cạnh tiềm năng. Ngày nay, chúng ta có một phạm vi khả thể rộng chưa từng có. Trong lĩnh vực tri thức, chúng ta có nhiều con đường tư duy hơn, nhiều vấn đề hơn, nhiều dữ liệu hơn, nhiều khoa học hơn, nhiều điểm nhìn hơn. Trong khi các nghề nghiệp hay con đường sự nghiệp của xã hội nguyên thủy chỉ đếm trên đầu ngón tay - mục đồng, thợ săn, chiến binh, pháp sư - thì danh sách các công việc có thể làm ngày nay là vô cùng phong phú.
Điều tương tự cũng xảy ra với những thú vui, mặc dù - và đây là một hiện tượng nghiêm trọng hơn người ta tưởng - danh sách những thú vui không phong phú bằng những khía cạnh khác của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với một người có cuộc sống trung bình trong thành phố - và các đô thị chính là đại diện của lối sống hiện đại - những cơ hội tận hưởng đã tăng lên một cách đáng kinh ngạc trong thế kỷ này.
Nhưng sự phát triển của tiềm năng sống không chỉ giới hạn ở những điều đã nói trên. Nó còn gia tăng theo một cách trực diện hơn và ly kỳ hơn. Có một thực tiễn thường xuyên được quan sát thấy: trong các hoạt động thể chất và thể thao ngày nay, con người đạt được những thành tích vượt xa tất cả những gì được biết đến trong quá khứ. Không đủ để chỉ đơn giản ngưỡng mộ từng thành tích này và công nhận các kỷ lục mà chúng phá vỡ, mà còn phải nhận ra ấn tượng mà sự lặp lại của chúng để lại trong tâm trí chúng ta, khiến chúng ta tin rằng cơ thể con người ngày nay có những khả năng vượt trội hơn bao giờ hết.
Điều tương tự cũng xảy ra trong khoa học. Chỉ trong vòng mấy mươi năm, khoa học đã mở rộng một cách khó tin viễn kiến của nó về vũ trụ. Vật lý của Einstein hoạt động trong những không gian rộng lớn đến mức vật lý cổ điển của Newton chỉ còn như một căn gác xép nhỏ bé. Và sự mở rộng theo chiều rộng này là kết quả của một sự phát triển theo chiều sâu trong khả năng dự đoán khoa học. Vật lý của Einstein được xây dựng trên cơ sở những khác biệt nhỏ nhặt mà trước đây bị bỏ qua, không được tính đến vì chúng dường như không quan trọng. Cuối cùng, nguyên tử, vốn từng được coi là ranh giới cuối cùng của thế giới, giờ đã phình to đến mức trở thành cả một hệ thống hành tinh.
Và trong tất cả những điều này, tôi không muốn đề cập đến giá trị của chúng như một sự hoàn thiện của văn hóa - điều đó không phải là mối quan tâm của tôi lúc này - mà là sự gia tăng năng lực chủ quan mà tất cả những điều đó thể hiện. Tôi không nhấn mạnh rằng vật lý của Einstein chính xác hơn vật lý của Newton, mà rằng con người Einstein có khả năng đạt được độ chính xác và sự tự do tư duy lớn hơn con người Newton; cũng giống như việc một nhà vô địch quyền anh ngày nay tung ra những cú đấm mạnh hơn bao giờ hết.
Giống như cách điện ảnh và hình ảnh minh họa đưa những nơi xa xôi nhất trên hành tinh đến trước mắt con người trung bình, báo chí và những cuộc trò chuyện đưa đến họ tin tức về những thành tựu trí tuệ này, trong khi các thiết bị kỹ thuật mới phát minh xác nhận chúng từ những ô cửa trưng bày. Tất cả điều này tạo ra trong tâm trí họ một ấn tượng về một sức mạnh vô biên.
Tôi không có ý nói rằng thời nay tốt hơn so với các thời đại khác. Tôi chưa bàn về chất lượng cuộc sống hiện tại, mà chỉ nói về sự phát triển của nó, sự gia tăng về số lượng hay khả thể. Tôi tin rằng tôi đã mô tả một cách mạnh mẽ ý thức của con người hiện đại, nhịp sống của họ, điều cốt yếu nằm ở chỗ họ cảm thấy mình có tiềm năng lớn hơn bao giờ hết và rằng tất cả quá khứ đều có vẻ nhỏ bé so với họ.
Cần phải có mô tả này để loại bỏ những suy tưởng về sự suy tàn, đặc biệt là sự suy tàn của phương Tây, vốn đã lan tràn trong khí hậu của thập kỷ vừa qua. Hãy nhớ lại lập luận mà tôi đã đưa ra, một lập luận mà tôi thấy đơn giản nhưng hiển nhiên: Không thể nói về sự suy tàn mà không xác định rõ ràng điều gì đang suy tàn. Thuật ngữ bi quan đó ám chỉ đến nền văn hóa sao? Có phải nền văn hóa Châu Âu đang suy tàn? Hay chỉ đơn thuần là sự suy tàn của các tổ chức quốc gia ở Châu Âu?
Giả sử điều đó là đúng. Nhưng liệu có đủ cơ sở để nói về sự suy tàn của phương Tây không? Hoàn toàn không. Bởi vì những sự suy tàn này chỉ là sự suy giảm cục bộ, liên quan đến những yếu tố thứ yếu của lịch sử - văn hóa và quốc gia. Chỉ có một loại suy tàn tuyệt đối: đó là khi sức sống suy giảm; và điều này chỉ tồn tại khi con người cảm nhận được nó. Chính vì lý do này mà tôi đã dành thời gian để xem xét một hiện tượng thường bị bỏ qua: đó là ý thức hoặc cảm giác mà mỗi thời đại có về độ cao lực sống của nó.
Điều này đã dẫn chúng ta đến việc nói về sự “sung túc" mà một số thế kỷ từng cảm nhận được, đối lập với những thời kỳ khác, khi con người cảm thấy mình rơi xuống từ những đỉnh cao, từ những thời đại vàng son huy hoàng trong quá khứ. Và tôi đã kết luận bằng cách nhấn mạnh một thực tế quá rõ ràng: thời đại của chúng ta được đặc trưng bởi một niềm tin kỳ lạ rằng nó vượt trội hơn tất cả các thời đại trước đây; hơn thế nữa: nó hoàn toàn tách rời khỏi quá khứ, không công nhận bất kỳ thời nào là chuẩn mực hay cổ điển mà chỉ nhìn nhận chính nó như một cuộc sống mới, cao hơn tất cả những gì đã tồn tại trước đó và không thể quy giản về chúng.
Tôi cho rằng nếu hiểu lơ mơ chỗ này thì không thể thấy được thời đại của chúng ta, bởi vì đây chính là vấn đề cốt lõi của nó. Nếu nó cảm thấy suy tàn, nó sẽ nhìn những thời đại khác cao hơn nó, và điều đó đồng nghĩa với việc tôn trọng, ngưỡng mộ và tôn vinh những nguyên tắc đã định hình chúng. Khi đó, thời đại của chúng ta sẽ có những lý tưởng rõ ràng và vững chắc, ngay cả khi nó không có khả năng thực hiện chúng. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại: chúng ta đang sống trong một thời đại cảm thấy mình có khả năng thực hiện mọi thứ một cách phi thường, nhưng lại không biết phải làm gì bây giờ. Ta thống trị mọi thứ, nhưng lại không làm chủ được mình. Ta cảm thấy lạc trong chính sự phong phú của mình. Với nhiều phương tiện hơn, nhiều tri thức hơn, nhiều công nghệ hơn bao giờ hết, hóa ra thế giới ngày nay lại là thế giới bất hạnh nhất từng tồn tại: nó hoàn toàn trôi dạt vô định.
Một dữ liệu thống kê - Un dato estadístico
Bài tiểu luận này muốn đưa ra một chẩn đoán về thời đại của chúng ta, về cuộc sống hiện tại của chúng ta. Phần đầu tiên của nó đã được trình bày, và có thể được tóm tắt như sau: cuộc sống của chúng ta, xét như một kho tàng các khả năng, thật vĩ đại, dồi dào, vượt trội hơn tất cả những gì lịch sử từng biết đến. Nhưng cũng chính vì hình thức của nó lớn hơn nên nó đã vượt khỏi mọi khuôn khổ, nguyên tắc, quy tắc và lý tưởng do truyền thống để lại. Đây là một cuộc sống nhiều hơn tất cả các cuộc sống trước đây, và vì thế cũng nhiều vấn đề hơn. Nó không thể định hướng theo quá khứ. Nó phải tự sáng tạo ra định mệnh của chính mình.
Nhưng bây giờ chúng ta cần hoàn thiện chẩn đoán này. Sống, trên hết, là những gì chúng ta có thể trở thành, là khả thể nhưng đồng thời cũng là sự quyết định giữa các khả thể đó để xác định chúng ta thực sự sẽ trở thành gì. Hoàn cảnh và quyết định là hai yếu tố cơ bản cấu thành nên sống. Hoàn cảnh - tức là các khả thể - là những gì sống trao cho chúng ta và bắt buộc chúng ta chấp nhận. Nó chính là thứ mà chúng ta gọi là thế giới. Sống không chọn lựa thế giới của nó, mà sống nghĩa là tự nhiên thấy mình đang ở trong một thế giới nhất định và không thể thay đổi: thế giới hiện tại. Thế giới của chúng ta là chiều tất yếu gắn liền với cái sống của chúng ta.
Nhưng tất yếu này không giống như cơ học. Chúng ta không bị ném vào sống như một viên đạn bắn ra từ khẩu súng trường, với quỹ đạo đã được định sẵn. Tất yếu mà chúng ta rơi vào khi sinh ra trong thế giới này - thế giới luôn là thế giới hiện tại - hoàn toàn trái ngược. Thay vì áp cho chúng ta một quỹ đạo cố định, nó đặt ra nhiều hướng đi, và từ đó buộc chúng ta phải... lựa chọn. Một điều kiện thật kỳ lạ cho cuộc sống của chúng ta! Sống nghĩa là cảm thấy mình bị buộc phải thực hiện tự do, phải quyết định mình sẽ trở thành gì trong thế giới này. Không một khoảnh khắc nào mà ta được phép ngừng đưa ra quyết định. Ngay cả khi ta tuyệt vọng đến mức phó mặc cho mọi thứ đến đâu hay đến đó, thì ta cũng đã quyết định không quyết định.
Do đó, nói rằng hoàn cảnh quyết định tất cả trong cuộc sống là một điều sai lầm. Ngược lại: hoàn cảnh chính là những tình thế tiến thoái lưỡng nan luôn đổi mới mà chúng ta phải đối diện để quyết định. Nhưng chính nhân cách của chúng ta mới là thứ đưa ra quyết định.
Điều này cũng đúng đối với đời sống tập thể. Trong đó, cũng có một chân trời các khả thể, và sau đó là một quyết định chọn lựa cách thức tồn tại tập thể. Quyết định này xuất phát từ bản chất của xã hội, hay nói cách khác, từ kiểu người thống trị trong xã hội đó. Trong thời đại chúng ta, con người đại chúng đang chi phối; chính hắn là kẻ quyết định.
Đừng nhầm lẫn điều này với thời kỳ dân chủ, khi quyền bầu cử phổ thông được thực hiện. Trong chế độ bầu cử phổ thông, quần chúng không thực sự quyết định; vai trò của họ chỉ là ủng hộ quyết định của một trong các nhóm thiểu số. Các nhóm này đưa ra “chương trình” của mình - một từ rất thích hợp. Những chương trình này thực chất là kế hoạch sống tập thể, trong đó quần chúng được mời gọi chấp nhận một dự án quyết định nào đó.
Nhưng ngày nay, điều hoàn toàn khác đang diễn ra. Nếu quan sát đời sống chính trị ở các quốc gia nơi chiến thắng của quần chúng đã tiến xa nhất - các nước Địa Trung Hải - thì điều đáng kinh ngạc là ở đó, chính trị diễn ra theo kiểu từng ngày. Đây là một hiện tượng hết sức kỳ lạ. Quyền lực công nằm trong tay một đại diện của quần chúng. Quần chúng mạnh đến mức đã tiêu diệt mọi khả năng đối lập. Họ sở hữu quyền lực công với một mức độ áp đảo chưa từng thấy trong lịch sử.
Và tuy nhiên, quyền lực công và chính phủ lại chỉ sống từng ngày; nó không vạch ra một tương lai rõ ràng, không báo hiệu một hướng đi nào có thể hình dung được. Tóm lại, nó tồn tại không có một chương trình sống, không có một dự án. Nó không biết mình sẽ đi về đâu, vì thực ra, nó không đi đâu cả, nó không có một lộ trình hay một quỹ đạo định sẵn. Khi cố biện minh cho chính mình, nó không viện dẫn tương lai mà ngược lại, tự giam mình trong hiện tại và tuyên bố một cách chân thành: “Tôi là một hình thức chính quyền bất thường, được áp đặt bởi hoàn cảnh.”
Nói cách khác, nó tồn tại chỉ vì sự cấp bách của hiện tại, không phải vì những tính toán cho tương lai. Vì thế, hoạt động của nó chỉ đơn thuần là né tránh xung đột theo từng giờ, không phải để giải quyết chúng, mà chỉ để tạm thời thoát khỏi chúng bằng bất kỳ phương tiện nào, ngay cả khi điều đó có thể dẫn đến việc tích lũy thêm những xung đột lớn hơn trong tương lai gần.
Đây luôn là cách mà quyền lực chung vận hành khi nó nằm trong tay quần chúng: toàn năng nhưng phù du. Con người đại chúng là kẻ sống mà không có dự án và trôi dạt theo dòng. Vì thế, hắn không xây dựng được gì, dù các khả thể và quyền lực của hắn là khổng lồ. Và chính kiểu người này đang quyết định vận mệnh thời đại của chúng ta. Do đó, cần phải phân tích yếu tính của hắn. Chìa khóa cho phân tích này nằm ở việc quay trở lại phần đầu của bài tiểu luận và đặt câu hỏi: Tất cả những đám đông hiện đang lấp đầy và tràn ngập sân khấu lịch sử này đến từ đâu?
Vài năm trước, nhà kinh tế học vĩ đại Werner Sombart đã nhấn mạnh một dữ kiện vô cùng đơn giản nhưng kỳ lạ thay lại không được nhắc tới khi người ta suy ngẫm về các vấn đề đương đại. Chỉ riêng dữ kiện đơn giản này cũng đủ để làm sáng tỏ cái nhìn của chúng ta về châu Âu hiện tại, và nếu chưa đủ thì ít nhất nó cũng đưa ta đến hướng của mọi sự sáng tỏ.
Dữ kiện đó là: từ khi lịch sử châu Âu bắt đầu vào thế kỷ VI cho đến năm 1800 - nghĩa là trong suốt chiều dài mười hai thế kỷ, dân số châu Âu chưa bao giờ vượt quá 180 triệu người.
Nhưng rồi, từ năm 1800 đến 1914 - tức là chỉ trong hơn một thế kỷ - dân số châu Âu đã tăng từ 180 triệu lên... 460 triệu!
Sự tương phản giữa những con số này không để lại bất kỳ nghi ngờ nào về sức sinh sôi mạnh mẽ của thế kỷ vừa qua. Chỉ trong ba thế hệ, châu Âu đã sản sinh ra một khối lượng khổng lồ con người, như một dòng lũ tràn vào sân khấu lịch sử, nhấn chìm nó. Chỉ cần dữ kiện này cũng đủ để hiểu chiến thắng của quần chúng và tất cả những gì phản ánh và báo hiệu trong đó. Hơn nữa, dữ kiện này cũng nên được xem như yếu tố cụ thể nhất để bổ sung vào sự phát triển của đời sống mà tôi đã đề cập trước đó. Nhưng đồng thời, dữ kiện này cũng cho thấy rằng sự thán phục của chúng ta đối với sự phát triển của các quốc gia mới như Hoa Kỳ là vô căn cứ. Chúng ta kinh ngạc trước sự tăng trưởng dân số của Mỹ, nơi trong một thế kỷ đã đạt đến con số 100 triệu người, nhưng thực chất điều kỳ diệu chính là sự bùng nổ dân số của châu Âu. Đây là một lý do khác để xua tan ảo tưởng về "Mỹ hóa" châu Âu. Ngay cả đặc điểm có vẻ như là rõ ràng nhất để mô tả nước Mỹ - tốc độ gia tăng dân số - cũng không phải là điều đặc trưng của nó. Châu Âu trong thế kỷ qua đã tăng trưởng dân số nhanh hơn cả Mỹ. Mỹ thực chất chỉ là sản phẩm từ sự dư thừa của châu Âu.
Kể cả khi dữ kiện do Werner Sombart tính toán có thể chưa được nhiều người biết đến, thực tế về sự gia tăng dân số đáng kể của châu Âu đã quá rõ ràng để cần nhấn mạnh thêm. Do đó, điều thực sự quan trọng trong những con số trên không chỉ là sự gia tăng dân số mà chính là tốc độ tăng trưởng quá nhanh của nó. Và đó chính là điều quan trọng đối với chúng ta lúc này. Bởi vì tốc độ tăng trưởng ấy có nghĩa là, trong một thời gian ngắn, hàng loạt con người đã bị đẩy vào lịch sử với một nhịp quá nhanh, đến mức không thể hấp thụ đầy đủ nền văn hóa truyền thống. Và thực tế, kiểu người trung bình của người châu Âu hiện đại sở hữu một tâm hồn khỏe mạnh và mạnh mẽ hơn so với thế kỷ trước, nhưng đơn giản hơn nhiều. Chính vì vậy, đôi khi hắn tạo ra ấn tượng như một con người nguyên thủy xuất hiện đột ngột giữa một nền văn minh cổ kính.
Trong các trường học - thứ mà thế kỷ trước rất tự hào, người ta không thể làm gì hơn ngoài việc dạy cho quần chúng những kỹ thuật của cuộc sống hiện đại, nhưng không thể giáo dục họ. Họ đã được trao công cụ để sống một cách mãnh liệt, nhưng không được nuôi dưỡng sự nhạy cảm với những nghĩa vụ lịch sử vĩ đại. Họ đã được tiêm nhiễm một cách vội vã niềm kiêu hãnh và sức mạnh của các phương tiện hiện đại, nhưng không phải tinh thần. Chính vì vậy, họ chẳng muốn dính dáng gì đến tinh thần, và các thế hệ mới sẵn sàng nắm quyền thống trị thế giới như thể thế giới là một thiên đường không có dấu vết của quá khứ, không có những vấn đề truyền thống và phức tạp.
Do đó, thế kỷ trước vừa có vinh quang vừa có trách nhiệm trong việc đã thả những đám đông vĩ đại vào dòng chảy của lịch sử. Chính thực tế này mang lại cho chúng ta góc nhìn đúng đắn nhất để đánh giá công bằng về thế kỷ ấy. Phải có điều gì đó phi thường, không thể so sánh được trong thế kỷ đó khi bầu khí quyển của nó đã tạo ra một mùa gặt con người khổng lồ.
Thật nông cạn và lố bịch khi ca ngợi những nguyên tắc khơi cảm hứng cho bất kỳ thời đại quá khứ nào khác mà không trước hết nhìn nhận và cố gắng lý giải sự thật vĩ đại này.
Lịch sử hiện ra như một phòng thí nghiệm khổng lồ, nơi mọi thử nghiệm có thể tưởng tượng đã được tiến hành nhằm tìm ra một công thức tổ chức đời sống công cộng tối ưu cho con người. Và vượt qua mọi sự tinh vi lý thuyết, chúng ta thấy một thực tế đơn giản: khi gieo hạt giống con người vào môi trường của hai nguyên tắc chính - dân chủ tự do và kỹ thuật - chỉ trong một thế kỷ, dân số châu Âu đã tăng gấp ba lần.
Một thực tế đầy sức sống như vậy buộc chúng ta, trừ khi muốn tự biến mình thành kẻ điên, phải rút ra những kết luận sau đây. Một, dân chủ tự do dựa trên sáng tạo kỹ thuật là mô hình tổ chức công cộng ưu việt nhất mà con người từng biết đến. Hai: mô hình này có thể không phải là hoàn hảo nhất có thể tưởng tượng, nhưng bất kỳ mô hình nào tốt hơn cũng sẽ phải bảo tồn những nguyên tắc cốt lõi của nó. Và ba: bất kỳ sự quay trở lại nào với các mô hình xã hội kém tiến bộ hơn thế kỷ XIX đều là hành động tự sát.
Sau khi đã thừa nhận điều này với tất cả sự rõ ràng mà thực tế đòi hỏi, chúng ta cần phải chống lại thế kỷ XIX. Bởi vì, nếu thế kỷ đó rõ ràng chứa đựng điều gì đó phi thường và không thể so sánh, thì nó cũng mắc phải những sai lầm căn bản và những thiếu sót cốt lõi. Bằng chứng là nó đã sinh ra một kiểu người - những con người đại chúng nổi loạn - đang đe dọa chính những nguyên tắc đã tạo ra sự sống của họ.
Nếu kiểu người này tiếp tục thống trị châu Âu, nếu hắn thực sự là kẻ quyết định vận mệnh, thì chỉ cần ba mươi năm nữa, châu lục này sẽ quay trở lại thời kỳ man rợ. Những thành tựu kỹ thuật, cả về luật pháp lẫn vật chất, sẽ biến mất một cách dễ dàng, giống như cách mà bao bí mật sản xuất đã bị lãng quên nhiều lần trong lịch sử. Cuộc sống sẽ co lại. Sự phong phú của các khả thể ngày nay sẽ biến thành sự thiếu thốn, nghèo nàn, và một sự bất lực đầy đau đớn - một sự suy sụp thực sự. Bởi vì sự nổi loạn của quần chúng cũng chính là điều mà Rathenau gọi là "sự xâm lăng theo chiều dọc của những kẻ man rợ”. Do đó, điều quan trọng nhất lúc này là phải hiểu thấu con người nhân quần - hắn chính là sức mạnh tiềm tàng cho cả điều tốt đẹp nhất lẫn điều xấu xa nhất.
Sự tàn bạo của “chuyên môn hóa” - La barbarie del“especialismo”
Luận điểm là nền văn minh thế kỷ XIX đã tự động tạo ra con người đại chúng. Không thể kết thúc bài trình bày chung của mình mà không phân tích, trong một trường hợp cụ thể, cơ chế của sự sản xuất đó. Như vậy, khi cụ thể hóa, sự thuyết phục của luận điểm sẽ mạnh mẽ hơn.
Văn minh thế kỷ XIX - tôi đã nói - có thể được tóm gọn trong hai chiều hướng lớn: dân chủ tự do và kỹ thuật. Bây giờ, chúng ta chỉ xem xét chiều hướng thứ hai. Kỹ thuật đương đại ra đời từ sự kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và khoa học thực nghiệm. Không phải tất cả kỹ thuật đều mang tính khoa học. Người chế tạo rìu đá trong thời kỳ Chelense không có khoa học, và tuy nhiên, họ đã tạo ra một kỹ thuật. Trung Quốc đã đạt đến một trình độ kỹ thuật cao mà không hề ngờ tới tồn tại của vật lý học. Chỉ có kỹ thuật hiện đại của Châu Âu mới có nguồn gốc khoa học, và từ nguồn gốc đó, nó có đặc điểm riêng, khả năng tiến bộ không giới hạn. Các kỹ thuật khác - Mesopotamia, Nile, Hy Lạp, La Mã, Đông phương - phát triển đến một điểm không thể vượt qua, và khi chúng đạt đến mức đó, chúng bắt đầu một suy thoái đáng tiếc.
Kỹ thuật phương Tây tuyệt vời này đã làm cho sự phát triển tuyệt vời của châu Âu trở nên khả thi. Hãy nhớ rằng chính tiểu luận này đã phát triển, và như tôi đã nói, nó chứa đựng những suy ngẫm ban đầu của tất cả những điều này. Từ thế kỷ V đến năm 1800, dân số châu Âu không vượt quá 180 triệu. Từ năm 1800 đến 1914, nó tăng lên hơn 460 triệu. Sự nhảy vọt này là điều độc nhất trong lịch sử loài người. Không thể nghi ngờ rằng kỹ thuật - cùng với dân chủ tự do - đã đẻ ra con người đại chúng trong nghĩa định lượng của thuật ngữ này. Nhưng những trang này đã cố gắng chỉ ra rằng nó cũng có trách nhiệm đối với sự tồn tại của con người đại chúng trong nghĩa định tính và mang tính khinh miệt của thuật ngữ ấy.
“Đại chúng” - tôi đã cảnh báo từ đầu - không đặc biệt chỉ người công nhân; nó không chỉ ra một giai cấp xã hội, mà là một kiểu hay cách thức làm người xuất hiện ngày nay ở tất cả các giai cấp xã hội, vì vậy nó đại diện cho thời đại của chúng ta, nơi mà nó chiếm ưu thế và thống trị. Bây giờ chúng ta sẽ thấy điều này một cách rõ ràng.
Ai đang nắm quyền lực xã hội ngày nay? Ai áp đặt cấu trúc tinh thần của mình trong thời đại này? Chắc chắn là giai cấp tư sản. Ai, trong giai cấp tư sản đó, được coi là nhóm ưu tú, là tầng lớp quý tộc hiện tại? Chắc chắn là kỹ sư: kỹ sư, bác sĩ, tài chính, giáo sư, v.v. Ai, trong nhóm kỹ thuật, đại diện cho nó với tầm cao và sự tinh khiết nhất? Chắc chắn là con người khoa học. Nếu một nhân vật thiên văn viếng thăm Châu Âu và có ý định đánh giá nó, nếu họ hỏi loại người nào trong số những người sống ở đó mà họ muốn được đánh giá, không nghi ngờ gì Châu Âu sẽ chỉ ra, hài lòng và tự tin với một phán quyết thuận lợi, những người làm khoa học của mình. Dĩ nhiên là nhân vật thiên văn sẽ không hỏi về những cá nhân đặc biệt mà sẽ tìm kiếm quy tắc, kiểu mẫu “con người khoa học”, đỉnh cao của nhân loại Châu Âu.
Vậy thì hóa ra con người khoa học hiện đại là hình mẫu của con người đại chúng. Và không phải ngẫu nhiên, cũng không phải do khuyết điểm cá nhân của mỗi con người khoa học mà bởi vì chính khoa học - căn bản của nền văn minh - tự động biến họ thành con người đại chúng, nghĩa là làm cho họ trở thành những người nguyên thủy, những kẻ man rợ hiện đại.
Điều này đã được biết đến rất nhiều: đã có vô số lần điều này được ghi nhận; nhưng chỉ khi được kết hợp vào cơ thể của bài tiểu luận này, nó mới đạt được đầy đủ ý nghĩa và tính nghiêm trọng.
Khoa học thực nghiệm bắt đầu vào cuối thế kỷ XVI (Galileo), được hình thành vào cuối thế kỷ XVII (Newton) và bắt đầu phát triển vào giữa thế kỷ XVIII. Sự phát triển của một thứ gì đó là điều khác với sự hình thành của nó và bị chi phối bởi những điều kiện khác. Sự hình thành của vật lý, tên gọi chung của khoa học thực nghiệm, đòi hỏi một nỗ lực thống nhất. Đó là công trình của Newton và những người cùng thời. Nhưng sự phát triển của vật lý bắt đầu một công việc trái ngược với sự thống nhất. Để tiến bộ, khoa học cần những người làm khoa học phải chuyên môn hóa. Các nhà khoa học, chứ không phải khoa học. Khoa học không phải là chuyên gia. Nếu không, nó sẽ không còn là sự thật. Ngay cả khoa học thực nghiệm, khi được xem xét toàn bộ, cũng không còn là sự thật nếu tách rời khỏi toán học, logic, triết học. Nhưng công việc trong đó chắc chắn - không thể tránh khỏi - phải chuyên môn hóa.
Sẽ rất thú vị và hữu ích, hơn cả những gì có thể thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên, nếu làm một lịch sử về các ngành khoa học vật lý và sinh học, chỉ ra quá trình chuyên môn hóa ngày càng tăng trong công việc của các nhà nghiên cứu. Điều này sẽ cho thấy cách mà, qua từng thế hệ, con người khoa học đã dần bị thu hẹp lại, bị giam cầm trong một lĩnh vực trí thức ngày càng chật. Nhưng điều quan trọng không phải là những gì lịch sử này sẽ dạy chúng ta, mà là điều ngược lại: cách mà mỗi thế hệ nhà khoa học, vì phải giảm bớt phạm vi công việc của mình, đã dần mất liên lạc với các phần khác của khoa học, với một sự giải thích toàn diện về vũ trụ, điều duy nhất xứng đáng với cái tên khoa học, văn hóa, văn minh châu Âu.
Sự chuyên môn hóa bắt đầu chính xác vào thời điểm mà con người "từ điển bách khoa" được gọi là con người văn minh. Thế kỷ XIX bắt đầu số phận của nó dưới sự chỉ đạo của những sinh vật sống theo cách bách khoa, mặc dù sản phẩm của họ đã đậm tính chuyên môn. Trong thế hệ tiếp theo, phương trình đã thay đổi, và chuyên môn bắt đầu thay thế văn hóa toàn diện trong mỗi con người khoa học. Năm 1890, khi một thế hệ thứ ba tiếp nhận quyền lực trí thức của Châu Âu, chúng ta gặp một kiểu nhà khoa học chưa từng có trong lịch sử. Đó là một con người, trong tất cả những gì cần biết để trở thành một nhân vật có uy tín, chỉ biết một khoa học cụ thể, và ngay cả trong khoa học đó, anh ta chỉ biết tốt một phần nhỏ mà anh ta đang nghiên cứu. Anh ta thậm chí tuyên bố như một đức tính việc không quan tâm đến những gì nằm ngoài cái cảnh hẹp mà anh ta chuyên tâm nghiên cứu và gọi sự tò mò về toàn bộ tri thức là "nghiệp dư."
Vấn đề là, bị giam cầm trong sự hạn hẹp của phạm vi nhìn nhận, anh ta thực sự khám phá ra những sự kiện mới và thúc đẩy khoa học của mình, mà anh ta hầu như không hiểu hết, và với nó là toàn bộ bách khoa tri thức, thứ mà anh ta cố tình không biết. Làm sao điều này có thể và đã xảy ra? Cần phải nhấn mạnh sự kỳ quặc của sự kiện không thể phủ nhận này: khoa học thực nghiệm đã tiến bộ phần lớn nhờ vào công việc của những con người phi thường tầm thường, thậm chí kém hơn cả tầm thường. Nói cách khác, khoa học hiện đại, nguồn gốc và biểu tượng của văn minh hiện tại, đã nhận vào mình những con người trí thức tầm thường và cho phép họ hoạt động thành công. Lý do cho điều này là ở một điểm vừa là lợi thế lớn nhất vừa là mối nguy lớn nhất của khoa học mới và tất cả văn minh mà nó chỉ đạo và đại diện: cơ giới hóa. Một phần lớn những điều cần làm trong vật lý hay sinh học là công việc cơ khí có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai, hoặc gần như vậy. Đối với tác dụng của vô số nghiên cứu, có thể chia khoa học thành những đoạn nhỏ, giam mình trong một phần và không quan tâm đến những phần khác. Sự chắc chắn và chính xác của các phương pháp cho phép sự phân tách tạm thời và thực tế của tri thức. Người ta làm việc với một trong những phương pháp đó như với một cỗ máy, và thậm chí không cần phải có những ý nghiêm ngặt về ý nghĩa và cơ sở của chúng để có được những kết quả phong phú.
Như vậy, phần lớn các nhà khoa học thúc đẩy sự tiến bộ chung của khoa học trong khuôn khổ phòng thí nghiệm của mình, như con ong trong tổ của nó hay như con cá rô trong ngăn của nó.
Nhưng điều này tạo ra một kiểu người hết sức kỳ lạ. Nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một sự kiện mới trong tự nhiên buộc phải cảm thấy một ấn tượng về sự thống trị và sự tự tin ở bản thân. Với một chút công bằng bề ngoài, người ta sẽ coi ông ta là "một người biết". Và thực tế, trong ông ta có một mảnh của cái mà cùng với những mảnh khác không có trong ông ta sẽ tạo thành tri thức thực sự. Đây là tình trạng nội bộ của chuyên gia, người đã đạt đến sự phóng đại cuồng nhiệt nhất trong những năm đầu của thế kỷ này. Chuyên gia "biết" rất rõ về góc nhỏ trong vũ trụ của mình; nhưng ông ta hoàn toàn không biết những thứ khác.
Đây là một ví dụ quý giá của con người kỳ lạ mới mà tôi đã cố gắng định nghĩa qua nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau. Tôi đã nói rằng đó là một hình thức con người chưa từng có trong toàn bộ lịch sử. Chuyên gia giúp chúng ta cụ thể hóa giống loài này và cho chúng ta thấy toàn bộ tính cách cực đoan của sự mới mẻ của nó. Bởi vì trước đây, con người có thể chia đơn giản thành người thông thái và người dốt, người thông thái hơn hay kém, người dốt hơn hay kém. Nhưng chuyên gia không thể được xếp vào một trong hai loại đó. Ông ta không phải là người thông thái, bởi vì ông ta chính thức không biết những gì không thuộc chuyên môn của mình; nhưng ông ta cũng không phải là người dốt, vì ông ta là “một người khoa học” và biết rất rõ về phần nhỏ vũ trụ của mình. Chúng ta sẽ phải nói rằng ông ta là một người thông thái-dốt, điều này rất nghiêm trọng, vì có nghĩa là ông ta sẽ cư xử trong tất cả những vấn đề mà ông ta không biết, không phải như một người dốt, mà với tất cả sự kiêu căng của người thông thái trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Và thực tế, đây là cách hành xử của chuyên gia. Trong chính trị, trong nghệ thuật, trong các quy tắc xã hội, trong các khoa học khác, ông ta sẽ có những quan điểm của một người nguyên thủy, của một người vô cùng dốt nát; nhưng ông ta sẽ có những quan điểm đó với năng lượng và sự tự mãn, mà không chấp nhận - và điều này thật nghịch lý - những chuyên gia trong những vấn đề đó. Khi chuyên môn hóa, nền văn minh đã làm cho ông ta trở nên kín đáo và hài lòng trong sự giới hạn của mình; nhưng chính cảm giác nội tâm về sự thống trị và giá trị này sẽ khiến ông ta muốn chiếm ưu thế ngoài chuyên môn của mình. Từ đó, kết quả là ngay cả trong trường hợp này, đại diện cho cực điểm của con người có phẩm chất - chuyên môn - và do đó, là điều đối lập nhất với con người đại chúng, kết quả là ông ta sẽ hành xử như một con người đại chúng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống.
Lời cảnh báo này không mơ hồ. Bất cứ ai cũng có thể quan sát sự ngớ ngẩn trong cách mà họ suy nghĩ, phán xét và hành động ngày nay trong chính trị, nghệ thuật, tôn giáo và các vấn đề chung của cuộc sống và thế giới, những “người khoa học”, và rõ ràng là sau họ, các bác sĩ, kỹ sư, tài chính, giáo sư, v.v. Tình trạng "không lắng nghe", không chịu tuân theo các cấp bậc cao hơn mà tôi đã nhiều lần trình bày như đặc điểm của con người đại chúng, đạt đến cực điểm chính xác ở những người này, những người chỉ được chuyên môn hóa một phần. Họ tượng trưng cho, và phần lớn tạo thành, đế chế hiện tại của các đám đông, và sự man rợ của họ là nguyên nhân trực tiếp của sự suy đồi đạo đức ở Châu Âu.
Mặt khác, họ là ví dụ rõ ràng và chính xác nhất về cách mà nền văn minh của thế kỷ qua, khi bị bỏ mặc theo xu hướng tự nhiên của mình, đã sản sinh ra sự phục sinh của nguyên thủy và man rợ.
Kết quả ngay lập tức của sự chuyên môn hóa không được bù đắp là hôm nay, khi số lượng "người khoa học" nhiều hơn bao giờ hết, lại có ít người "văn hóa" hơn, chẳng hạn, vào khoảng năm 1750. Và điều tồi tệ nhất là, với những "chuyên gia khoa học" này, ngay cả sự tiến bộ nội bộ của khoa học cũng không được đảm bảo. Vì khoa học cần, đôi khi, như là một sự điều chỉnh hữu cơ của sự phát triển của chính mình, một công việc tái cấu trúc, và như tôi đã nói, điều này đòi hỏi một nỗ lực thống nhất, ngày càng khó khăn, ngày càng làm phức tạp hơn những lĩnh vực rộng lớn của tri thức tổng thể. Newton có thể tạo ra hệ thống vật lý của mình mà không biết nhiều triết học, nhưng Einstein đã phải ngập trong triết học của Kant và Mach để có thể đạt được tổng hợp sắc bén của mình. Kant và Mach - với những cái tên này chỉ đại diện cho một khối lượng lớn các tư tưởng triết học và tâm lý học đã ảnh hưởng đến Einstein - đã giúp giải phóng tâm trí của ông và mở đường cho sự đổi mới của ông. Nhưng Einstein không phải là đủ. Vật lý đang bước vào cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong lịch sử của mình, và chỉ có một bách khoa toàn thư mới, có hệ thống hơn bách khoa đầu tiên, mới có thể cứu nó.
Chuyên môn hóa, thứ đã tạo ra tiến bộ của khoa học thực nghiệm trong suốt một thế kỷ, đang tiến gần đến một giai đoạn mà nó sẽ không thể tiến bộ nếu không có một thế hệ tốt hơn xây dựng một công cụ nghiên cứu mới có lợi hơn.
Nhưng nếu chuyên gia không hiểu được sinh lý học nội tại của khoa học mà họ nghiên cứu thì họ càng không hiểu được các điều kiện lịch sử để khoa học có thể tồn tại; nghĩa là, họ không hiểu cách mà xã hội và tâm hồn con người phải được tổ chức để các nhà nghiên cứu có thể tiếp tục tồn tại. Sự suy giảm các vocations khoa học mà chúng ta đang quan sát trong những năm gần đây - và mà tôi đã đề cập - là một triệu chứng đáng lo ngại đối với bất kỳ ai có một ý rõ ràng về văn minh, một ý thường thiếu vắng ở "người khoa học" điển hình, đỉnh cao nền văn minh hiện tại của chúng ta. Ông ta tin rằng nền văn minh tồn tại đó, đơn giản là như vỏ trái đất và rừng nguyên sinh.
Mối nguy hiểm lớn nhất, Nhà nước - El mayor peligro, el Estado
Trong một sự tổ chức tốt của các vấn đề công, đám đông là những người không hành động tự mình. Đó là sứ mệnh của nó. Nó đến thế giới này để được dẫn dắt, ảnh hưởng, đại diện, tổ chức - thậm chí để không còn là đám đông nữa, hoặc ít nhất là để mong muốn điều đó. Nhưng nó không đến thế giới này để tự mình làm tất cả những điều đó. Nó cần phải tham chiếu cuộc sống của mình đến một cơ quan cấp cao, được tạo ra bởi các thiểu số ưu tú. Có thể tranh luận về việc ai là những người ưu tú, nhưng nếu không có họ - dù là người này hay người khác - nhân loại sẽ không tồn tại trong những gì là thiết yếu nhất: không nên có bất kỳ sự nghi ngờ nào về điều này, mặc dù Châu Âu đã dành cả một thế kỷ chôn đầu mình dưới cái bóng của cái mũ, giống như những con đà điểu, để xem liệu có thể không nhìn thấy chứng cứ rực rỡ đó hay không. Đây không phải là một ý kiến được xây dựng trên những sự kiện ít nhiều xảy ra và có thể xảy ra mà là một quy luật của "vật lý" xã hội, kiên định hơn nhiều so với các quy luật vật lý của Newton. Ngày mà một triết lý thực sự - điều duy nhất có thể cứu rỗi Châu Âu - thống trị, người ta sẽ nhận ra rằng con người, dù có muốn hay không, là một sinh vật buộc phải tìm kiếm một cơ quan cấp cao. Nếu người đó tự tìm thấy cơ quan đó thì đó là một con người ưu tú, nếu không thì đó là một con người đại chúng và cần phải nhận được từ người khác.
Cố gắng để đám đông hành động tự mình là, do đó, nổi loạn chống lại định mệnh của chính nó, và vì thế, vì đám đông bây giờ đang làm chính điều đó , tôi sẽ nói về sự nổi loạn của đám đông. Bởi vì suy cho cùng, điều duy nhất thực sự có thể gọi là nổi loạn là không chấp nhận định mệnh của chính mình, là nổi loạn chống lại chính mình. Nổi loạn của thiên thần Luzbel cũng sẽ không kém nổi loạn nếu thay vì cố gắng trở thành Chúa - cái đó không phải là định mệnh của ông ta, ông ta cố gắng trở thành thiên thần thấp nhất, cả cái đó cũng không phải là định mệnh của ông ta. (Nếu Luzbel là người Nga, như Tolstoi, có thể ông ta sẽ thích kiểu nổi loạn thứ hai này, kiểu nổi loạn không chống lại Chúa hơn kiểu nổi loạn nổi tiếng kia).
Khi đám đông hành động tự tiện, nó chỉ có một cách để làm điều đó, vì nó không có cách nào khác: nó xét xử. Không phải ngẫu nhiên mà luật Lynch là của Mỹ, vì Mỹ, theo một cách nào đó, là thiên đường của đám đông. Và sẽ không thể ngạc nhiên khi bây giờ, khi đám đông chiến thắng, bạo lực cũng chiến thắng, và bạo lực trở thành lý lẽ duy nhất, học thuyết duy nhất. Tôi đã lâu rồi lưu ý về sự phát triển của bạo lực như một quy chuẩn. Hôm nay nó đã đạt đến mức phát triển tối đa, và đó là một dấu hiệu tốt, vì điều đó có nghĩa là một sự suy giảm tự động sẽ bắt đầu. Hôm nay, bạo lực đã trở thành ngôn từ của thời đại; những người hùng biện, những kẻ vô nghĩa coi nó là của mình. Khi một thực tế con người đã hoàn thành lịch sử của nó, đã đắm chìm và chết đi, những con sóng sẽ nhổ ra nó trên bờ của hùng biện, nơi xác chết sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài. Hùng biện là nghĩa trang của những thực tế con người, nếu không thì là bệnh viện của họ. Thực tế sống sót qua tên gọi của nó, và mặc dù chỉ là lời nói, nó cuối cùng vẫn là lời nói, và luôn giữ lại một phần sức mạnh ma thuật của nó.
Tuy nhiên, mặc dù không phải là không thể rằng uy tín của bạo lực như một quy chuẩn được thiết lập một cách trơ trẽn đã bắt đầu giảm sút, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục chịu thiết chế của nó; dù ở một hình thức khác.
Tôi đề cập đến mối nguy hiểm lớn nhất hiện nay đang đe dọa văn minh châu Âu. Như tất cả những mối nguy hiểm khác đe dọa nền văn minh này, mối nguy này cũng sinh ra từ chính nó. Thậm chí hơn thế: nó là một trong những vinh quang của nó; đó là Nhà nước đương đại. Vậy là chúng ta gặp lại một phản chiếu của những gì đã nói về khoa học trong chương trước: sự sinh sôi của các nguyên lý của nó thúc đẩy nó đi đến một sự tiến bộ kỳ diệu; nhưng điều này không thể không đẩy mạnh sự chuyên môn hóa, và sự chuyên môn hóa đe dọa sẽ làm nghẹt ngòi khoa học.
Điều tương tự xảy ra với Nhà nước.
Hãy nhớ lại Nhà nước vào cuối thế kỷ XVIII ở tất cả các quốc gia châu Âu. Thật ít ỏi! Chủ nghĩa tư bản đầu tiên và các tổ chức công nghiệp của nó, nơi mà lần đầu tiên kỹ thuật, kỹ thuật mới, kỹ thuật hợp lý, chiến thắng, đã tạo ra một sự phát triển đầu tiên của xã hội. Một giai cấp xã hội mới xuất hiện, mạnh mẽ hơn về số lượng và quyền lực so với những giai cấp trước đó: giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản đó có, trên hết, một thứ: tài năng, tài năng thực tế. Họ biết cách tổ chức, kỷ luật, duy trì sự liên tục và kết nối nỗ lực. Giữa họ, như trong một đại dương, con "tàu Nhà nước" trôi dạt. Tàu Nhà nước là một phép ẩn dụ được giai cấp tư sản phát minh lại, họ tự cảm thấy mình như một đại dương, toàn năng và đầy sóng gió. Con tàu đó chẳng có gì đáng kể hoặc hầu như không có gì: hầu như không có binh lính, hầu như không có quan lại, hầu như không có tiền. Nó đã được chế tạo trong thời Trung Cổ bởi một giai cấp rất khác so với các tư sản: những người quý tộc, những người đáng ngưỡng mộ vì lòng dũng cảm, tài lãnh đạo và ý thức trách nhiệm của họ. Nếu không có họ, các quốc gia châu Âu sẽ không tồn tại. Nhưng với tất cả những đức tính của trái tim, các quý tộc luôn gặp khó khăn với đầu óc. Họ sống dựa vào bộ phận nội tạng khác. Với trí thông minh rất hạn chế, họ cảm tính, bản năng, trực giác; tóm lại, "irracionales" (phi lý). Vì thế, họ không thể phát triển bất kỳ kỹ thuật nào, điều đòi hỏi phải có sự hợp lý hóa. Họ không phát minh ra thuốc súng. Họ đã thua. Không thể phát minh ra vũ khí mới, họ để cho giai cấp tư sản - lấy từ phương Đông hay nơi khác - sử dụng thuốc súng, và từ đó, tự động, giành chiến thắng trong trận chiến với các chiến binh quý tộc, các "hiệp sĩ", những người ngu ngốc đội áo giáp, gần như không thể di chuyển trong trận chiến, và những người không nhận ra rằng bí mật vĩnh cửu của chiến tranh không chỉ nằm ở phương tiện phòng thủ mà còn ở phương tiện tấn công: một bí mật mà Napoleon sẽ phát hiện lại.
Vì Nhà nước là một kỹ thuật - về trật tự công cộng và hành chính - nên "chế độ cũ" đã bước vào cuối thế kỷ XVIII với một Nhà nước vô cùng yếu ớt, bị một xã hội rộng lớn và hỗn loạn vây quanh và tấn công từ mọi phía. Sự chênh lệch giữa quyền lực của Nhà nước và sức mạnh xã hội vào thời điểm đó lớn đến mức, nếu so sánh với tình hình dưới thời Charlemagne thì Nhà nước thế kỷ XVIII trông như một sự thoái hóa. Nhà nước thời Charlemagne, dĩ nhiên, ít quyền lực hơn Nhà nước dưới thời Louis XVI; nhưng ngược lại, xã hội bao quanh nó không có sức mạnh nào cả. Sự chênh lệch lớn giữa sức mạnh xã hội và quyền lực công đã tạo điều kiện cho cách mạng bùng nổ, những cuộc cách mạng (cho đến năm 1848).
Nhưng với cuộc cách mạng, giai cấp tư sản đã giành lấy quyền lực công và áp dụng vào Nhà nước những phẩm chất không thể phủ nhận của mình. Chỉ trong hơn một thế hệ, họ đã tạo ra một Nhà nước mạnh mẽ, chấm dứt các cuộc cách mạng. Từ năm 1848, tức là từ khi thế hệ thứ hai của các chính phủ tư sản bắt đầu, châu Âu không còn chứng kiến những cuộc cách mạng thực sự nữa. Và chắc chắn không phải vì thiếu lý do để nổi dậy, mà vì không còn phương tiện để làm điều đó. Quyền lực công đã được cân bằng với sức mạnh xã hội. Tạm biệt những cuộc cách mạng mãi mãi! Ở châu Âu giờ chỉ còn điều ngược lại: đảo chính. Và tất cả những gì về sau có vẻ như là một cuộc cách mạng, thực chất chỉ là một cuộc đảo chính được ngụy trang.
Trong thời đại của chúng ta, Nhà nước đã trở thành một cỗ máy khổng lồ vận hành một cách kỳ diệu, với hiệu suất đáng kinh ngạc nhờ vào số lượng và độ chính xác của các phương tiện của nó. Đặt giữa lòng xã hội, chỉ cần bấm một nút là những đòn bẩy khổng lồ của nó lập tức được kích hoạt và tác động nhanh chóng đến bất kỳ phần nào của cơ thể xã hội.
Nhà nước hiện đại là sản phẩm hiển hiện nhất và rõ ràng nhất của văn minh. Và thật thú vị, thật đáng suy ngẫm khi nhận ra thái độ của con người đại chúng đối với nó. Hắn ta nhìn thấy nó, ngưỡng mộ nó, biết rằng nó đang ở đó, đảm bảo cho cuộc sống của hắn; nhưng hắn không nhận thức được rằng nó là một sáng tạo của con người, do một số người nghĩ ra và được duy trì bởi những đức tính và giả định mà con người trong quá khứ đã có, và rằng nó có thể biến mất vào ngày mai. Con người đại chúng thậm chí coi Nhà nước là một quyền lực vô danh, và vì hắn ta cũng cảm thấy mình là một cá thể vô danh-trung bình, hắn tin rằng Nhà nước là của hắn. Hãy tưởng tượng khi một quốc gia gặp khó khăn, xung đột hay một vấn đề nào đó trong đời sống công: con người đại chúng sẽ có xu hướng ngay lập tức yêu cầu Nhà nước đảm nhận nó, giải quyết trực tiếp nó bằng những phương tiện khổng lồ và không thể chống lại của mình.
Bạch Dương dịch