tiếp tục mạch lịch sử và hình thức, gần nhất ở kia
Thời đại mới nào cũng tự tuyên bố sự ra đời bằng một nhịp mới, một giọng mới, một khao khát gắn bó mới - bằng thơ. Nhưng chỉ có thơ nếu được viết ra cho độc giả còn chưa có và có thể không bao giờ có. Những thời không nghệ thuật, thơ ở đó như một lời cầu nguyện. Cũng là để xác nhận: không ai còn biết đọc thơ như thế nào.
L’Impassibilité [xa cách]! Không kẻ nào có thể thoát được việc bị gán cái mác này nếu hắn muốn nhiều hơn là chỉ sẻ chia những niềm vui bé mọn và những nỗi buồn vụn vặt của số đông đồng loại, nếu hắn từ chối dự phần vào những hối hả bán mua tỉnh lẻ và những ngồi lê đôi mách rộn ràng. Cái mác ấy đe dọa tất cả những ai mà tâm hồn không hoàn toàn ngập ngụa trong sự tầm thường, không nhảy chồm chồm trước mọi kích động nhỏ nhặt, đặc biệt là những người đã kiên quyết coi nghệ thuật là công việc nghiêm túc - những nhà thơ muốn tạo ra một thứ thơ tự đủ trong chính nó, từ đó không con đường nào dẫn chiếu ra ngoài, không đòi hỏi ở độc giả điều gì ngoài việc anh ta thực sự chìm vào, nếu anh ta có thể. Tasso và Orestes của Goethe, dẫu bị vò xé bởi cuồng loạn, đối với chúng ta vẫn lạnh như cẩm thạch. Thậm chí cả những tiếng nức nở của Baudelaire cũng bị kết án không được nghe, đơn giản bởi thiên tài của ông tìm ra được một ngôn ngữ quá sắc bén và chuẩn xác để biểu đạt nỗi đau đớn của mình. Giờ đây, sau Grillparzer và Hebbel, sau Keats và Swinburne, sau Flaubert và Mallarmé, đã đến lượt Stefan George. Ông là nhà thơ “lạnh” của thời chúng ta, người “xa cách cái sống”, và “kinh nghiệm” không gì cả - thơ của ông như những ly pha lê sáng bóng tuyệt mỹ gây cho đồng nghiệp nhiều ngưỡng mộ và bắt công chúng phải kinh ngạc trầm trồ nhưng chỉ thực sự nói điều gì đó với rất ít người.
[...]
Có những tác giả mà sự cô lập trong thời đại của mình bắt nguồn hoàn toàn từ nội dung và có những tác giả là nhà cảm năng thuần thành - những người không thể lại gần chủ yếu vì hình thức. [...] Một nhà cảm năng là kẻ sinh vào thời mà sự ý nghĩa tri nhận được bằng lý trí của hình thức đã biến mất, khi hình thức được coi là một cái khuôn có sẵn truyền thừa từ lịch sử và do đó, hơi quá tiện, trở thành vấn đề cá nhân, phụ thuộc hoàn toàn vào mỗi người nghệ sĩ; nhà cảm năng đích thực không có cách nào chấp nhận cơ chế này; anh ta không chịu được việc cứ thế ôm lấy những hình thức đã được tạo ra để biểu đạt trạng thái tâm hồn của những người khác mà không tìm cách biến đổi chúng, nhưng cũng không muốn biểu đạt tình cảm của mình một cách hoàn toàn không hình thức, dẫu điều đó là hết sức phổ biến trong mọi thời đại không nghệ thuật; anh ta dựng lên cho mình những “hướng đi” riêng, trong chừng mực có thể, và kéo ra từ bản thân những hoàn cảnh cụ thể có cơ may xác định và hé lộ tài năng của mình.
George là một nhà cảm năng theo định nghĩa này, định nghĩa duy nhất có chút nào giá trị. Ông là một nhà cảm năng, và điều này có nghĩa là bởi vì ngày nay không ai cần các bài hát nữa (có lẽ chỉ rất ít người cần, và cả với họ, nhu cầu tinh thần đối với các bài hát cũng hết sức mơ hồ, không xác quyết), ông phải tìm bên trong mình tất cả những khả thể của các bài hát có cơ may chạm đến độc giả lý tưởng còn chưa xuất hiện, kẻ có lẽ không tồn tại ở bất kỳ đâu. Ông phải tìm trong chính mình hình thức của thơ hôm nay, và dù nhận định này, dẫu đúng đến mức nào, không nói được cho chúng ta điều gì thực sự quan trọng về yếu tính của nhà thơ nơi ông, ít nhất nó cũng quét đi được một số sáo ngữ thường bật ra khi người ta bàn tới ông. Tôi sợ rằng phần nào mình cũng đang viết cho những độc giả đến giờ mới chỉ nghe toàn những thứ sáo mòn về ông và chưa đọc thấy điều gì khác trong tác phẩm của ông.
Các bài hát của Stefan George là những khúc ca lữ khách, những nhà ga trên một hành trình dường như vô tận, thăm thẳm theo một hướng nhưng có lẽ chẳng dẫn đến đâu. Tất cả chúng hợp thành một vòng tròn lớn, một tiểu thuyết mênh mông, bổ sung lẫn nhau, giải thích cho nhau, làm vững chắc, biến đổi, củng cố và làm tinh tế thêm nhau dẫu đây không hề là hiệu ứng cố tình. Chúng giống những lang thang của Wilhelm Meister và có lẽ hơi giống Giáo dục tình cảm nhưng hoàn toàn thuộc về nội giới, thuần lyrical, không có phiêu lưu hay sự kiện bên ngoài nào. Dạng sự kiện duy nhất của chúng là những đợt sóng triền miên của tâm hồn: những bồi đắp tâm hồn nhưng không phải ngọn nguồn dưỡng chất, sự lạc lối nhưng không phải điểm đến cuối cùng, nỗi giày vò của biệt ly nhưng không phải khao khát hướng đến đồng hành và hội ngộ, niềm sung sướng điên cuồng của cuộc gặp nhưng không phải mong chờ một hợp nhất hữu cơ sinh ra từ đó. Thế giới ấy không có gì ngoài nỗi sầu muộn êm dịu của nhớ nhung và niềm ngây ngất của trí năng đắm mình trong chiêm nghiệm cái vô thường, trong niềm hân hoan cay đắng của nó. Và nỗi cô độc nữa - không thể khác ở kẻ đã chọn làm khách độc hành vĩnh cửu. Chỉ dẫn từ cô độc đến cô độc, hành trình của ông lướt qua mọi bầu bạn con người, xuyên qua chớp nhoáng của những tình yêu lớn - để rồi luôn trở lại, theo một con đường mới, với những cô độc cao hơn, thuần khiết hơn, lạnh và vắng sầu muộn hơn.
Cái bay còn chưa kịp rời tay
chưa kịp nhìn lại những gì vừa gây dựng
sự hoàn thành nào cũng chỉ là ngưỡng cửa tới công trình kế tiếp
dẫu, cho nó, đến một viên đá cũng chưa thành hình
đã đậu xuống, dù chỉ một hạt hoa li ti
những tràng hoa đã tết, những điệu vũ trên rêu
và ánh nhìn thăm thẳm
rặng núi còn chưa biết
con đường nằm ở phía bên kia.
Hay, còn đẹp hơn:
Chừng nào núi còn bồng bềnh ánh sương
Vẫn còn tìm đường được
thảo dã thì thầm những âm thanh quen thuộc
nhưng trên con đường xám xịt: chỉ độc nỗi im lìm.
Không một bóng hình, dẫu chỉ vụt qua
khơi được chút hy vọng, khát khao hay an ủi.
Nơi tận cùng đêm chẳng còn lữ khách nào.
Bi kịch của Stefan George, vậy thì, nằm ở đâu? Các bài thơ chỉ vẽ ra chân dung tưởng tượng của nhà thơ, và lời đáp chúng mang đến chỉ thuần tính biểu tượng: chúng chỉ cho ta một Ý Plato về bi kịch, hoàn toàn sạch bóng kinh nghiệm. Yếu tính thơ của George là sự trinh khiết. Nó không tái tạo gì ngoài kinh nghiệm phổ quát nhất, thuần tính biểu tượng nhất, không cho phép độc giả nhận ra bất kỳ dấu hiệu gần gũi nào của sự sống. Tất nhiên một nhà thơ luôn chỉ nói về bản thân mình - những bài ca có thể bật lên bằng cách nào khác được đây? George không làm gì ngoài triền miên tự bạch, hé lộ những tầng sâu kín nhất của tâm hồn, vậy nhưng, với mỗi lời, ông lại càng trở nên xa cách và bí ẩn với chúng ta. Ông để ánh sáng của thơ rọi lên sự sống nhưng chỉ cho ta thấy cuộc đùa giỡn bất tận giữa ánh sáng và bóng tối - tương phản bập bùng của nó không để lộ công tua sắc nét nào. Thơ, ta biết, là hòa trộn các hình ảnh cụ thể cùng biểu tượng. Trước kia - chẳng hạn ở Heine, Byron, hay Goethe thời trẻ - kinh nghiệm là cụ thể và bài thơ chuyển hóa nó thành một điển hình, từ nó mà tạo ra biểu tượng. Cái ngẫu nhĩ, những gì chỉ xảy đến một lần - đường đi của chúng có thể dễ dàng hình dung từ các bài thơ - hiện ra trước mắt ta như những sự kiện có tầm quan trọng phổ quát, một giá trị có ý nghĩa với tất cả mọi người. Kinh nghiệm là cụ thể, trình hiện là điển hình; sự kiện chỉ mang tính cá nhân, nhưng các tính từ và ẩn dụ phải phổ quát. Những bài thơ thời ấy là các chân dung trừu tượng của một số cảnh vật hoặc những cuộc phiêu lưu được phong cách hóa của một số nhân vật nổi danh. Còn với George, sự điển hình hóa kinh nghiệm đã diễn ra từ trước bất kỳ dự đồ làm thơ nào. Trong lời giới thiệu một tập thơ của mình, ông viết: “Nghệ thuật đưa kinh nghiệm vào một chuyển hóa ghê gớm tới độ nó mất nghĩa với chính người sáng tạo; bất cứ kẻ nào cố tìm biết cái “vì sao” của mọi sự sẽ chỉ thấy rối trí thay vì được gợi mở.” Nhưng để biểu đạt kinh nghiệm này, kinh nghiệm đã được chưng cất cả ngàn lần và trở nên tuyệt đối điển hình, vĩnh viễn tách khỏi con người nhà thơ, ông phải dùng đến một thứ ngôn ngữ đạt được sức mạnh tức thì, đột ngột, và tuyệt đối tinh tế - nhẹ hơn cả xao động của lá cây. Cảnh vật trong thơ ông không hề tồn tại trong thế giới thật, nhưng từng cái cây, từng bông hoa vẫn thực và bầu trời vẫn bừng lên với những sắc màu độc nhất, không bao giờ lặp lại và hoàn toàn cụ thể. Ta không biết kẻ lữ khách lướt qua khung cảnh ấy, nhưng trong một thoáng diệu kỳ, ta như thấy hiện ra cả ngàn chuyển biến li ti trong hữu thể sâu kín nhất của hắn, chỉ để mất dạng hắn ngay khoảnh khắc tiếp theo, chẳng bao giờ còn thấy lại; ta không biết hắn yêu ai, vì đâu hắn đau khổ, hay tại sao hắn bất thần hân hoan ngây ngất, vậy nhưng chính lúc đó ta hiểu con người này hơn cả - hơn rất nhiều so với nếu biết rõ những gì từng xảy đến trong đời anh ta. Kỹ thuật của George là chủ nghĩa ấn tượng của cái điển hình. Tất cả các bài thơ của ông đều là những cú chớp máy thuần biểu tượng.
… Trong hừng hực lá đỏ
và ánh xanh kim loại những gốc thông
họ tha thẩn viếng từng cái cây, làm những vị khách im lìm
tách nhau trong mối bất hòa âu yếm
giữa lá cành vây bủa, bí mật rung lên
trong mỗi người
bài ca của giấc mơ còn chưa tới…
Trong những bài thơ này có tiếng kêu cố ghìm bật ra qua làn môi mím chặt, có lời thú nhận thì thầm như tự nó cất lên khi ngoảnh mặt trong căn phòng tối sẫm. Chúng thiết thân đến cùng cực nhưng lại giữ tác giả ở một khoảng cách không thể vượt qua đối với chúng ta. Chúng được viết như thể ta đã cùng nhà thơ đi đến tận cùng những gì đã xảy ra và giờ có thể chia sẻ cùng ông cái nhìn vời vợi vào những gì sẽ đến, như thể ta được dự phần vào cuộc bộc bạch với người tri kỷ - người chỉ xuất hiện một lần trong đời, biết tất cả về cuộc đời nhà thơ và bắt được ngay những ám chỉ tinh tế nhất - người đó hẳn sẽ phật ý nếu phải nghe thuật lại kinh nghiệm như đối với một kẻ vô tri nhưng chính vì thế càng quan tâm tới những chi tiết vô cùng nhỏ. (Những bài thơ đầu tay của George không được viết cho đối tượng đặc biệt này mà chỉ hướng đến độc giả chung chung). Đây là lý do vì sao những bài thơ ấy chỉ có thể hiển lộ những gì sâu kín nhất, những biến chuyển tinh tế đến gần như vô hình, và chính điều này nâng thơ của George - hơn bất kỳ ai trước đó - vượt hẳn lên không khí nặng nề của “nàng yêu tôi - nàng không yêu tôi”: chúng chẳng chịu nói gì ngoài những bi kịch nhẹ, tinh tế nhất mà chỉ trí năng bắt được.
Lòng chung thủy, tôi vẫn dõi theo em
trong đau khổ tột cùng, em uy nghi kiều diễm
Tôi khẩn cầu thần thánh
ban cho tôi buồn khổ
để được chìm vào sầu muộn cùng em.
Những bài ca của George, về cơ bản, biểu đạt cùng tình cảm, thỏa mãn cùng nhu cầu tinh thần với các vở kịch tâm hồn và các truyện ngắn đầy tính thơ của ông. Xét một cách nghiêm ngặt, phần lớn chúng có lẽ không phải là thơ mà là một hình thức hoàn toàn mới, chỉ vừa ra đời. Tôi cho rằng những tác giả viết theo cách này - George cùng một số nhà thơ Pháp, Bỉ, và Hà Lan - quả thật đã đến gần hơn cả thứ thơ mới mà các nhà thơ ngày nay, với vô vàn lý do và thiên hướng khác nhau, đang cố công đạt đến, vì nó họ cự tuyệt mọi sức mạnh đã được kiểm chứng của thơ, phá hủy mọi hình thức sẵn có mà chính họ, hơn bất kỳ ai, coi là thần thánh. Điều gì đã xảy ra? Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ, như đã nói, trong sự sống của mình, chúng ta không còn gán tầm quan trọng cốt yếu cho những bi kịch lớn, những xung đột tình cảm kỳ vĩ và những tương phản quá sắc nữa. Dường như chúng đa phần gây ngại ngùng bởi âm lượng của chúng đã trở nên quá lớn, quá nhiều gào thét đối với tri giác của chúng ta, cũng như các bi kịch của chúng ta hẳn quá thì thầm, quá nhẹ đối với ông cha mình. Trong sự sống của chúng ta ngày nay, cái đang trở thành hình thức cho giao tiếp giữa các tâm hồn lại chính là những ánh mắt gửi đi chỉ để lạc vào hư vô, những lời thốt ra rơi thẳng vào im lặng - tất tật những gì không được thấy, không được nghe và hẳn nhiên không được hiểu hay hồi đáp. Sự giao tiếp dường như kín đáo hơn nhưng lại nhanh hơn; vùng tương phản rộng hơn nhưng lại nhòe mờ hơn. Toàn bộ cỗ máy cồng kềnh, phức tạp của hầu như mọi vở kịch và truyện ngắn ngày nay dường như chỉ để chuẩn bị cho một khoảnh khắc của gặp gỡ hay ly biệt. Ta đờ đẫn theo dõi những trao đổi dông dài, gần như vô thưởng vô phạt - để rồi đột nhiên ngân lên, không hề báo trước, âm nhạc và khao khát sâu thẳm của tâm hồn (vì rút cục hình thức vừa ra đời vẫn là thơ). Ta run rẩy trước khoảnh khắc thánh thần để rồi, gần như ngay lập tức, ân sủng biến tan - và lại một lần nữa, ta bồn chồn bứt rứt, mòn mỏi chờ khoảnh khắc thần bí tiếp theo. Con người căm thù nhau, tàn sát nhau, và trên Golgotha của cuộc phá hủy cuối cùng, dội lên từ những vực sâu vô hạn tiếng chuông báo hiệu hợp nhất vĩnh cửu và chia ly vĩnh cửu… Những bài ca mới không cho ta điều gì ngoài những khoảnh khắc như thế. Chúng cự tuyệt mọi cơ chế chuẩn bị tẻ ngắt. Kỹ thuật của chúng đồng nhất hơn, tác động của chúng trực tiếp hơn bất kỳ hình thức nào được tạo ra ngày nay. Đáy sâu nội giới và ngoại hiện tác động tức thì vào cảm quan - kịch tâm hồn và truyện ngắn lyric phải đưa được lại gần nhau hai đối cực này. Và chính trong thơ lyric sinh ra ngày hôm nay, chúng tìm được hợp nhất hoàn toàn, tuyệt đối vắng nghịch âm.
Gần và xa: ý nghĩa của tương quan giữa chúng là gì? Từ điểm nhìn của quan hệ con người, tương quan này là nhịp luân phiên giữa kể và không kể, giữa biểu đạt và câm lặng. Con người ngày nay dường như sẵn sàng tuôn ra tất tật, kể hết sạch, cho bất kỳ ai; vậy nhưng ta không bao giờ thực sự kể gì; kẻ khác bị đẩy lại gần ta tới độ sự gần ấy khiến ta buộc phải thay đổi những gì ta kể cho họ về mình; song cùng lúc, họ lại ở xa ta tới mức tất thảy bốc hơi trên đường dẫn từ ta tới họ. Ta biết hết, hiểu hết, nhưng sự hiểu cao nhất của ta lại là một khoảnh khắc ngất ngây đờ đẫn, một sự không hiểu đẩy đến cực hạn, gần như sự thần bí tôn giáo. Ta chẳng ao ước gì hơn là thoát khỏi sự cô độc của mình, nhưng những gì gần ta nhất lại là những khoái lạc tinh tế đến rợn người của cô độc vĩnh cửu. Hiểu biết của ta về con người là thuyết hư vô của tâm lý học: ta thấy cả ngàn quan hệ nhưng không bao giờ bám được vào kết nối thực sự nào. Phong cảnh của tâm hồn ta chẳng tồn tại ở bất kỳ đâu, nhưng mỗi cái cây, mỗi bông hoa ở đó đều thực, sống động và cụ thể.
[...] Mỗi giây mỗi phút của cuộc đời tất cả chúng ta đều vật lộn với nan đề đầy bi kịch về nghệ thuật và sự sống. Khoảnh khắc ly biệt vĩnh cửu luôn kết thúc bằng cái bất khả của sự chia lìa, song đó là một bất khả tinh thuần hơn, sâu hơn, đúng hơn, hoàn toàn sạch bóng thứ huyền thoại bụi bặm về người yêu duy nhất. Chẳng có gì ngoài sự lặp triền miên một kinh nghiệm, mỗi lần một khác nhưng luôn rơi lại vào mê cung không thể thoát - kinh nghiệm ấy tái diễn với từng cái cây, từng đêm trăng sáng, từng mối giao cảm thoáng qua: không ngừng khao khát thuộc về một chốn nào, nhưng đủ trung thực để đối mặt nỗi sầu muộn thiên thu của việc không thể thuộc về đâu.
Con người trong các bài ca của George (ta có thể gọi đó là nhà thơ, nếu muốn - hoặc, đúng hơn, bóng người hiện ra từ toàn thể viễn tượng thơ - hay, chính xác nhất, con người mà nội dung sự sống dường như được biểu đạt trong những bài thơ này) là con người cô độc tách khỏi mọi liên kết xã hội. Nội dung mỗi bài ca của ông cùng toàn thể thế giới thơ ông là điều ta phải hiểu nhưng không bao giờ hiểu được: hai con người không bao giờ có thể hợp thành một. Và cả điều này nữa: cuộc tìm kiếm vĩ đại qua hàng ngàn con đường, xuyên qua mọi cô độc, trong mọi nghệ thuật - tìm kiếm những người giống ta, khao khát hợp thông với một điều gì đó hồn nhiên hơn, mộc mạc hơn, trong sáng hơn - những tạo vật còn giữ được bản tính nguyên thủy của chúng.
Những trái tim bay ta mòn mỏi kiếm tìm
Những điệu vũ thần tiên ta chẳng dám làm kinh động
Em nâng ta lên, đưa ta cùng bay bổng
Lạ lùng cười niềm thán phục của ta
Em cuốn ta vào ngây ngất chan hòa
Chẳng hề biết ta chỉ là kẻ đeo mặt nạ
Trái tim bồng bềnh, em tưởng ta là bạn
Đâu biết những quại quằn nặng nhọc của ta
xa em đến chừng nào!
Bóng người tưởng tượng mà chúng ta dựng lại từ các bài ca của George chịu đựng một nỗi vắng tự nhiên kỳ lạ. Tự nhiên không còn là người mẹ dịu hiền chia sẻ hân hoan và sầu muộn của những đứa con, thậm chí không còn là bối cảnh lãng mạn cho những rung động ấy. Dẫu cuộc giao cảm tâm hồn có lẽ sẽ không thể diễn ra nếu không có những chiếc lá nâu của khu vườn mùa thu, dẫu ta biết một quầng trăng xanh có thể quyết định cả một cuộc đời, con người vẫn hoàn toàn cô độc trong tự nhiên - sự cô độc chết chóc, không cứu rỗi. Hiệp thông tinh thần chỉ tồn tại trong khoảnh khắc của một thoáng chạm tay, như sự tựu thành một niềm ao ước đã mơ tưởng bao lần; nhưng chỉ cần thêm một bước lại gần, thêm một giây ngồi cạnh… và sẽ tan biến sạch toàn bộ ảo tưởng của sự thuộc về nhau.
Vậy nhưng đây vẫn là thơ của quan hệ con người - hay, như chính George gọi, rất chuẩn xác, của “giao tiếp nội giới”. Đây là thơ của tình tri kỷ, của giao cảm tâm hồn, của sự đồng điệu trong suy nghĩ. Đồng thời hòa trộn trong đó sự đồng cảm, tình bạn, lòng quyến luyến và tình yêu; không tình bạn nào không có bóng dáng yêu đương, không tình yêu nào không dựa trên sự tâm đầu ý hợp. Và khi chia ly, ta biết một điều gì đó không còn nữa - nhưng tuyệt đối không phải sự khô héo cạn kiệt của những gì đã từng. Sự kín đáo của George cơ hồ là triệu chứng, là biểu tượng cho sự hòa trộn không thể phân tách các tình cảm của thời chúng ta. Có lẽ kỹ thuật của ông ngăn ta thấy rõ những gì diễn ra cùng các nhân vật của câu chuyện; vậy nhưng toàn bộ mục đích của kỹ thuật ấy chính là để giấu chúng đi bởi kể cả nếu thấy rõ chúng, ta cũng không bao giờ hiểu được.
Đây là thơ của trí năng hiện đại, là sự hé lộ các trạng thái và tình cảm sống của nó một cách hết mực tinh tế, không còn cố thâu tóm những khía cạnh chung “có thể thấy ở mọi con người” bằng cách cố tỏ ra đơn giản, dễ hiểu và phổ biến nữa. Vậy nhưng đây không phải là thơ thuần trí óc, tính hiện đại của nó không chỉ phập phù trên bề mặt. Các đạo cụ cồng kềnh của đời sống hiện đại không có vai trò nào ở đây (như thường thấy trong thơ Dehmel) và không có cuộc đấu tranh thuần trí óc nào nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa hai cách khái niệm thế giới. Các bài ca của George chỉ hé lộ một tâm hồn bừng nở trong từng biến điệu nhỏ nhất và bộc lộ nó trong tình cảm. Ở phương diện này, George không khởi xướng một cuộc cách mạng hay thí nghiệm mới nào; về nội dung, ông không mảy may tìm kiếm xa hơn những gì sẵn có ở thơ lyric cũ. Nhưng ông đem đến cho các hiện tượng sống một suy tư thuần thơ - theo nghĩa cũ của từ này - và điều đó có lẽ chưa ai từng làm được.
[...] Trong thơ Stefan George có một chiều sâu quý tộc bất khả xâm phạm; nó chặn đứng, chỉ bằng một cú đưa mắt rất nhanh, mọi cử chỉ rất nhẹ, mọi sự rơi lệ tầm thường, mọi cái thở dài hời hợt, mọi ủy mị và não nuột rởm. Thế giới ấy hầu như vắng bóng thở than: cái nhìn của nó chiếu thẳng vào đáy mắt sự sống, bình thản, có lẽ với nhiều chịu đựng nhưng luôn can đảm, luôn ngẩng cao đầu. Từ đó vang lên những hợp âm cuối cùng của những chân dung cao quý nhất được tạo ra trong thời đại chúng ta: trong Shaw, cái nhìn kiên định, không chút nao núng của Caesar khi đối mặt thế giới; trong Hauptmann, động tác kết thúc vở kịch của Geyer và Kramer, Wann và Charlemagne; và trên tất cả, cú siết tay của Allmers và Rita khi bị bỏ mặc trên rìa vịnh, lúc sao đã lên và những Eyolf mất tích của họ, cả hai, những Eyolf họ chưa bao giờ nắm được, biến mất mãi mãi. Một vĩnh biệt mạnh mẽ, can đảm, hoàn toàn không bi lụy như chỉ có thể ở những tâm hồn cao quý, trái tim tan nát nhưng vẫn sải những bước dài - không có từ nào khác đúng hơn, đẹp hơn để hình dung nó ngoài cái từ rất Goethe này: “tự chủ”.
Ngón tay em rụt rè đan cành lá mệt nhoài!
Năm nay sẽ chẳng còn hoa nữa
Vật nài mấy cũng không để làm gì cả;
Một tháng Năm nào, có lẽ, sẽ mang chúng đến đây;
Thôi níu tay anh, đứng thẳng lên;
Cùng anh rời khu vườn trước ánh tà vĩnh biệt
Trước sương núi, trước mịt mù chung quyết
Đi thôi, trước khi mùa đông kịp xua đuổi chúng mình.
1908
(Lukács, Tâm hồn và Hình thức)
Một cuốn sách phải là một thách thức, một tối hậu thư, một lời tuyên chiến. Gửi đến ai? Đó là bí mật mà chỉ tác giả mới biết - nếu mà biết. Hầu hết các cuốn sách đều vô dụng, bởi thiếu chính cái bí mật ấy.
(Cahiers)