Nguyễn Văn Vĩnh ở giữa Molière và Balzac
Đã đến lúc - và đây là lần đầu tiên - chúng ta thực sự ở trước một khả năng: biết được thực sự Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch sách như thế nào; công việc dịch sách ấy - lần đầu tiên - sẽ không còn mơ hồ giống như một huyền thoại, như cho đến giờ vẫn cứ vậy, nữa. Điều này kèm với nguy cơ: rất có thể huyền thoại sẽ còn lớn thêm lên, chứ không nhỏ đi - nhưng theo một nghĩa khác, một hướng khác.
Và điều này là trong bối cảnh, té ra ngay đến cả câu hỏi Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch gì (chứ chưa cần, dịch như thế nào), chưa ai làm nổi. Kể cả những người được coi là chuyên gia về Nguyễn Văn Vĩnh, chuyên gia về báo chí, hay chuyên gia về văn học Việt Nam hiện đại, cận đại, đều không nói được chính xác tên các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. (c'est très comique: du Molière, toujours)
Bệnh tưởng, Trưởng-giả học làm sang, Người biển-lận (đây còn chưa phải là toàn bộ địa hạt Nguyễn Văn Vĩnh dịch Molière - tôi sẽ còn trở lại sau): đây là các bản dịch của giai đoạn Nguyễn Văn Vĩnh Đông Dương tạp-chí, cũng là đoạn của dịch nhiều thứ khác (Charles Perrault, Gulliver, etc.). Tức là một thời gian ngắn sau khi Đông Dương tạp-chí bắt đầu (1913). Vài năm trước đó nữa, ta có thể ghi nhận Nguyễn Văn Vĩnh dịch Tam Quốc diễn nghĩa (cùng Phan Kế Bính) đăng trên một tờ có thể coi là có ý nghĩa proto trong tổng số những tờ báo (và quyển tạp chí, và cuốn sách) của Nguyễn Văn Vĩnh.
Ta sẽ sớm biết (tức là đọc: không có sự biết nào khác, ngoài đọc chính văn bản; chính vì bỏ qua nguyên tắc vô cùng sơ đẳng này cho nên nghiên cứu ở Việt Nam luôn luôn lệch lạc, dẫn đến một sự thể rất hiển nhiên, là chẳng tin được gì trong đó) Nguyễn Văn Vĩnh dịch Lesage, dịch Fénelon và nhiều nữa (vào thời điểm hiện nay, người ta chỉ có thể tìm được dễ dàng phần dịch La Fontaine - mà tôi rất ngờ là có nhiều nhầm lẫn; điều này tôi sẽ trở lại sau, Gulliver, thấp thoáng các câu chuyện Perrault và Mai-nương Lệ-cốt: như vậy thì rất ít, gần như còn chưa là gì so với tổng số công việc mà Nguyễn Văn Vĩnh từng làm; trong số ấy, quyển duy nhất dày dặn là Mai-nương có được là nhờ các tìm kiếm của tôi, cách đây vài năm, khi tôi muốn nhìn vào lịch sử báo chí Việt Nam). Nhưng đã có thể nhìn vào Molière và Balzac.
Molière và Balzac: hết sức đơn giản, chỉ cần như vậy, Nguyễn Văn Vĩnh đã ngay lập tức tự đặt được mình vào con đường vương giả của văn chương Pháp. Một voie royale trên đó Nguyễn Văn Vĩnh đã xoay trở avec quel talent.
Balzac mơ mình trở thành một Molière mới. Ai cũng mơ mình trở thành một Molière mới. Stendhal cũng thế, nếu đọc nhật ký hồi trẻ
tất nhiên, Balzac không chỉ muốn trở thành một Molière mới, vì Balzac còn muốn mình là một Rabelais mới, một Scott mới, etc. Và Balzac đã vươn lên đến tầm của Molière không chỉ ở chuyện tạo ra một nhân vật ngang hàng được với Harpagon (Hạc-công, trong bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh) - Grandet, mà còn ở chỗ cũng đã - giống Molière - tóm lấy toàn bộ xã hội con người.
Tôi còn nhớ đến nam tước de Charlus, trong Tìm thời gian mất của Proust, đã không chỉ bình luận Balzac (Hết ảo tưởng, nhưng nhất là câu chuyện về princesse de Cadignan, và đặc biệt là khu vườn của de Cadignan, mà Charlus nói mình biết rõ, vì nó là vườn nhà một trong những ses cousines; đây là một trong những khu vườn nổi tiếng nhất trong lịch sử văn chương Pháp, đến cả Michel Foucault cũng nhận được nhiều cảm hứng từ đó) mà còn bỗng đột nhiên hỏi Morel le violoniste, đã bao giờ đọc Molière hay chưa.
Lần trước tôi đã nói đến câu chuyện dịch Molière ở Việt Nam. Còn câu chuyện dịch Balzac? ai cũng biết đây là chủ đề yêu thích của tôi.
Tôi sẽ nói lại một điều: trong toàn bộ câu chuyện dịch Balzac ở Việt Nam, chỉ có ba bản dịch xứng đáng được với Balzac, Bông huệ trong thung (Vũ Đình Liên), César Birotteau (Mặc Đỗ) và Miếng da lừa (Nguyễn Văn Vĩnh). Có thể nói thêm ngay: như vậy thì tức là, chỉ những nhân vật ở ngoài giới đại học (các chuyên gia, những universitaire, etc.) mới làm được như vậy.
Tôi đã làm được cho César Birotteau của Mặc Đỗ quay trở lại. Chỉ một thời gian ngắn nữa, Miếng da lừa của Nguyễn Văn Vĩnh cũng sẽ quay trở lại, dưới dạng toàn vẹn, và dưới một lớp da mới.
Ta sẽ nhìn vào lựa chọn của Nguyễn Văn Vĩnh - tức là, cụ thể, La Peau de chagrin: tại sao lại Miếng da lừa?
Một giả định, nếu trong tổng số Vở kịch con người, chỉ được chọn một - để dịch sang tiếng Việt - thì phải chọn như thế nào, trong số gần 100 đơn vị tác phẩm?
Nếu tiêu chí còn có thêm yếu tố: cần phải chọn lấy cái gì nói lên bản thân Balzac rõ hơn cả, thì ngay tức khắc, sẽ không còn nhiều lựa chọn. Ngoài Louis Lambert (Laure, sa soeur chérie: "Nhưng Louis Lambert, đó chính là Balzac"), thì Bông huệ trong thung (đây là cuốn tiểu thuyết không để người ta thấy ngay được yếu tố tự truyện, nhưng chẳng hạn một chi tiết, cuộc nói chuyện giữa thằng bé và ngôi sao trên trời, thuộc vào số những gì không thể có nếu thiếu kinh nghiệm trực tiếp), và - tất nhiên - Miếng da lừa. Câu chuyện về Raphaël (Nguyễn Văn Vĩnh: "Ra-phần") de Valentin, ngoài nhiều điều khác, vẽ chân dung chính Balzac. Và "nhiều điều khác" cũng không hề nhỏ. Ta biết rằng Miếng da lừa được Balzac đặt ở vị trí số một trong loạt tác phẩm triết học (Louis Lambert cũng thuộc "Études philosophiques", và cả César Birotteau mới đầu cũng vậy, trước khi Balzac chuyển nó đi chỗ khác - César Birotteau là một tiểu thuyết rất lớn, và có tầm quan trọng vô biên); những cuốn tiểu thuyết triết học đối với Balzac vô cùng quan trọng: triết học tức là chuyện nguyên nhân, từ nguyên nhân ấy thì mới có các kết quả, đã tán ra từ nguyên nhân, rải rác ở những chỗ chẳng hạn như "moeurs" (phong hóa) etc. (trong các xen). Thêm nữa, chỉ cần nhìn ngược lại, xem Voltaire đã quan tâm đến moeurs như thế nào.
Nhưng vẫn cần nói rõ hơn về Miếng da lừa. Muốn vậy, thì kiểu gì cũng vẫn phải nói triết học. Vậy thì tôi sẽ nói triết học (nói triết học thì không phải là triết lý). Vả lại, nghe vậy thôi, chuyện hết sức đơn giản (cho dù truyện thì không hề đơn giản: tôi đọc Miếng da lừa từ năm mười mấy tuổi, lần đầu tiên, và ở lần đọc ấy, chủ yếu tôi quan tâm đến Foedora - điều đó cũng dễ hiểu):
Ta hãy lấy một nhân vật, nhân vật điển hình hơn cả của thế kỷ 18 (bởi vì Balzac đi từ thế kỷ 18 vào thế kỷ 19) - vậy thì cũng đồng nghĩa với: nhân vật duy lý hơn cả. Không có ai khác ngoài Fontenelle đảm bảo được vị trí ấy.
Thế nhưng, Fontenelle nghĩa là gì? Fontenelle là một người sống rất lâu (đến quãng tuổi chính xác giống như nhân vật chủ hiệu đồ cổ, người đưa cho de Valentin miếng da lừa, tức là ngoài 100 - pha xuất hiện trở lại của nhân vật ấy, giữa những trò hề của xã hội, là một hiện hình địa ngục đúng nghĩa). Triết lý sống của Fontenelle nằm cốt yếu ở một điểm: cần phải tiết kiệm énergie. Fontenelle thực hành điều này tận đến mức, sẽ không giơ tay lên nếu không phải làm một việc gì đó tối cần thiết. Tức là, con người (ai cũng thế) có một lượng énergie nhất định, nhưng rất ít đủ khôn ngoan để lưu giữ nó và dùng nó tiết kiệm (một cách duy lý, etc.) - điều này xuyên suốt (tuy theo đường lối âm bản) Miếng da lừa: có vouloir và có pouvoir. Cái muốn của con người rất ghê gớm, nó đe dọa phá hủy mọi thứ; nhưng nó chỉ thực sự nguy hiểm khi nào đã được thỏa.
Bất kỳ độc giả nào của Balzac (chỉ cần đọc trên dưới mười cuốn trong Vở kịch con người - nhưng đừng có cả mười đều rất ngắn) đều biết như vậy: biết đến cái nhìn của Balzac vào énergie, cũng như vào pensée. "Pensée" đối với Balzac không hoàn toàn là ý nghĩ, suy nghĩ, mà rộng hơn nhiều, có thể liên quan cả đến những yếu tố như "con mắt tinh thần", "thần giao cách cảm", etc., nhất là sự dồn tụ ý chí ở cường độ rất cao. Pensée ở Balzac, và imagination ở Edgar Poe (Poe kém Balzac 10 tuổi). Từ đó mà có đi tìm cái tuyệt đối, những kiệt tác về âm nhạc và hội họa - ở không ít câu chuyện thuộc phần "Études philosophiques" của Vở kịch con người.
Nhưng chưa hết: Balzac có một sự tò mò tinh thần ở mức độ hiếm có. Triết học của thế kỷ 18, nhưng cả triết học của thời Balzac - ở thời ấy, các Idéologue hết sức có uy thế. Idéologie và Sensualisme: nói một cách ngắn gọn, Condorcet và nhất là Destutt de Tracy. Idéologie (ý luận) như chúng ta hiểu là ý luận theo cái nhìn của Marx, và ý luận theo viễn kiến của Marx thì gần như chỉ có tính cách negative, nhưng idéologie ở các Idéologue thì không hẳn. Ta còn biết, Balzac hứng thú với Lavater và Gall, chẳng hạn (cái sọ có hình thù thế nào thì căn cứ được vào đó để biết được người mang cái sọ, etc.), nhưng mối quan tâm rất lớn của Balzac đặt vào zoologie, nhất là cuộc tranh cãi giữa Saint-Hilaire và Cuvier. Có không ít điều trong Miếng da lừa, ta có thể hiểu rõ hơn nếu biết Balzac quan tâm đến những gì, và thích nhìn vào đâu.
Một trong các đường nối quan trọng để Nguyễn Văn Vĩnh đi vào được thế giới của Balzac chính là sự tò mò này.
Thêm nữa, những điều vừa nói trên đây không thể so được, nhất là về cường độ (yếu tố đặc biệt lớn, cũng là yếu tố khiến văn chương Balzac có thể tồn tại xuyên qua thời gian như chúng ta thấy) với những gì mà Balzac thể hiện trong những tác phẩm của Vở kịch con người. Nếu văn chương đã tạo ra ba cảnh cái chết của phụ nữ đáng nhớ hơn cả, thì đấy là cái chết của Anna Karenina, cái chết của Emma Bovary và cái chết của Madame de Mortsauf, trong Bông huệ trong thung. Cái chết của "Ra-phần" trong Miếng da lừa cũng là một trường đoạn rất lớn: trường đoạn ấy khiến ta rùng mình khi đọc, và cũng làm ta hiểu tại sao Balzac lại viết câu chuyện Dante đi đày (thêm một tác phẩm thuộc Études philosophiques). Trong khu vườn tuyệt diệu của mình, princesse de Cadignan (tức nữ hầu tước de Maufrigneuse - trong thế giới của Balzac, không chỉ Vautrin tù khổ sai hay Ferragus, một tù khổ sai khác, mới biến hình, mà các phụ nữ cũng có thể làm như vậy: những Protée ở khắp mọi nơi trong cõi ấy) kể cho một người bạn, nữ bá tước d'Espard (mà câu chuyện chính, ta biết trong tiểu thuyết ngắn L'Interdiction: một trong những câu chuyện tàn nhẫn nhất từng có trên đời) về cuộc tình với Daniel d'Arthez. D'Arthez, hay Louis Lambert, hay de Valentin, cả một loạt nhân vật trẻ tuổi, tài năng cao vợi nhưng đốt cháy ngay lập tức thiên tài mà họ mang. Những vụ cháy (và nổ) ấy - nhiều khi xảy ra ở tầng ngầm - cứ không ngừng âm vang trong thế giới văn chương Balzac.
Nhận về một thế giới như vậy không hề đơn giản. Còn thế giới Molière? - tất nhiên, thêm một cõi mênh mông nữa. Ta có thể thấy, rất dễ dàng, ở đây Nguyễn Văn Vĩnh dễ dàng hơn. Chỉ việc chọn lấy những vở kịch nào Molière nói đúng nhất về phần âm bản của người Pháp. Nhưng vậy thì cũng đồng nghĩa với bỏ lỡ mất một phương diện rất đặc thù ở (kịch) Molière: lòng ghen. Molière vĩ đại hơn cả ở những gì liên quan đến ghen tuông. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh biết cách bù lại: các bản dịch tiếng Việt Molière trở thành toàn thể (điều này là then chốt: cần phải toàn thể, nếu muốn ở trên cùng bình diện với Molière, và cả Balzac: vậy thì mới có thể nhìn thấy) nhờ yếu tố: chúng được dịch để có thể diễn. Không phải tất cả (thậm chí còn rất ít) vở kịch được viết ra để diễn; điều đó cũng đúng với việc dịch các vở kịch - phần lớn đều không dùng để diễn được. Một vở kịch không thể diễn, điều đó cũng tương đương với một bản nhạc không thể chơi, hay thậm chí, một miếng da lừa không thể co lại.
(Nguồn: Nhị Linh)