favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2023
Next

Milan Kundera: Bỏ đi và trở về

12/07/2023 08:25

Điều hay ho nhất của người đọc khi đi du lịch khắp nơi, đó là bạn sẽ gặp những nhân vật, cảnh vật và có khi là cả chính tác giả, đâu đó đôi khi, trên hành trình của bạn. 

Từ Đức sang Séc bằng đường bộ theo ngả Chemnitz, thoắt một cái, gần như ta không kịp nhận ra, đường biên giới đã được vượt qua. Biên giới giữa các quốc gia châu Âu giờ đây đã trở nên rất mờ, nhiều khi không nhìn thấy trạm gác biên phòng, nhưng sự thay đổi cảnh quan thì vẫn cảm nhận được, nhiều khi rất mạnh mẽ. Qua Chemnitz, bỗng như thể có một quyền năng tự nhiên nào đó kết thúc vẻ vuông vắn, ngay ngắn của cảnh quan Đức và mở ra trước mắt chúng ta nét mềm mại đặc trưng của xứ Bohemia. 

Bohemia, trước tiên với tôi là sự mềm mại ấy, với những đường cong liên tiếp, một không khí nhẹ nhõm rất đặc biệt. Bohemia, như tôi đã biết qua những miêu tả của một nhà văn Séc mà tôi yêu mến từ rất nhiều năm nay, Milan Kundera, đúng là như vậy. Chiếc xe chạy trên các đường nhỏ, hai bên là rừng cây, cánh đồng, nhiều lúc như thể là thứ duy nhất chuyển động trong khung cảnh này, nhưng cũng như thể hòa trộn vào những chuyển động vô hình của một vùng đất tươi tắn, đầy sức sống, không lúc nào tĩnh lặng, như một người trẻ tuổi vui tươi. Và đột nhiên, ý nghĩ của tôi về văn chương Milan Kundera còn cụ thể hơn. Dường như cảnh tượng này, một thị trấn ven biên giới, chính là bối cảnh cho đoạn cuối cuốn tiểu thuyết Điệu valse giã từ, cuốn sách được Kundera viết vào thời điểm ông đi khỏi đất nước Séc để sang Pháp sống. 

Điệu valse giã từ là cuốn sách về sự ra đi, với giai điệu cuối cùng là những cảm giác của nhân vật Jakub ngay trước khi rời khỏi đất nước, rời khỏi xứ Bohemia đầy yêu quý nhưng cũng gây cảm giác ngột ngạt khủng khiếp, bởi vì ngay cả vẻ mềm mại uốn lượn kia cũng hoàn toàn có thể bao vây áp bức con người, thậm chí còn có thể trở thành một nhà tù đích thực. Đi thêm nhiều cây số, tôi tới thành phố spa Karlovy Vary, một địa danh rất nổi tiếng, và tới lúc này thì tôi chợt hiểu ra, mình vừa đi ngược, một cách biểu tượng, con đường trước đây Jakub, nhân vật chính của Điệu valse giã từ, từng đi. Không hề tìm hiểu thêm bằng cách tra cứu, tôi tin chắc điều đó là đúng. 

Karlovy Vary là một thành phố nhỏ có những nguồn nước khoáng nóng được tiếng là rất tốt cho sức khỏe, nên người ta kéo đến đây để chữa bệnh, để tắm nước nóng; hiện nay du khách vẫn mua những chiếc cốc hình dáng đặc biệt bán ngay ở đây, hứng nước chảy ra từ những vòi nước lộ thiên và uống luôn. Có vẻ thứ nước khoáng này rất tốt cho đường tiêu hóa của con người. Bộ phim Casino Royale trong loạt Điệp viên 007 James Bond được quay ở đây, và tôi dễ dàng nhận ra đây phải là bối cảnh cho "thành phố nước nóng" nơi diễn ra những câu chuyện chính của cuốn tiểu thuyết Điệu valse giã từ. Bóng hình của các nhân vật trong cuốn sách, từ nhân vật chính Jakub, bác sĩ Skreta chuyên trị chứng vô sinh cho phụ nữ, nghệ sĩ kèn trumpet, rồi cô y tá tội nghiệp bỏ mạng vì một viên thuốc độc lọt vào tay cô do tình cờ, tất tật như thể vẫn lờ mờ đâu đây, trong ánh hoàng hôn đang trùm xuống dòng kênh thành phố. 

Văn chương có sức mạnh đặc biệt như thế, nó làm ta tưởng tượng ra từ trước các địa danh mà ta còn chưa thực sự đặt chân đến. Và nhất là, văn chương cho ta một sự tin chắc vào những chuyện đã xảy ra trên trang giấy, như thể còn thực hơn là trong cuộc đời. Ở Karlovy Vary, tôi còn nhìn thấy khách sạn "Richmond", được giữ nguyên tên trong Điệu valse giã từ, là nơi nhân vật triệu phú kỳ dị trong cuốn tiểu thuyết ấy đã sống. Đi qua một công viên, tôi tự nhủ ắt đây phải là nơi những ông già của cuốn sách ấy rượt đuổi những con chó tội nghiệp, cũng là nơi những đứa trẻ dạo chơi thành nhóm, tất cả đều có khuôn mặt hao hao bác sĩ Skreta[1]. Văn chương không chỉ miêu tả chính xác hơn cả đời thực, mà văn chương còn động chạm đến những tầng sâu của cảnh quan, sự vật, động đến tâm hồn sâu kín của những vùng đất. 

Vài hôm sau, tại Praha, dấu ấn các tác phẩm của Milan Kundera tiếp tục đeo đẳng tôi, hòa vào với cái nhìn cảnh quan xung quanh của tôi, cho dù tôi cũng nhận thấy Praha thấm đẫm hình ảnh Franz Kafka. Tinh thần của Kafka dường như vẫn lơ lửng trên thành phố, những phố phường Praha dường như vẫn in dấu chân Kafka trong những chuyến đi dạo ngày ngày năm xưa. 

Trên cây cầu nổi tiếng của Praha, được gọi bằng cái tên phổ biến "cầu Charles" nhưng trong tiếng Séc "Charles" là "Karel", trong tiếng Latin là "Calorus", trong tiếng Đức là "Karl", đến một đoạn rất gần một ngôi nhà nhô ra, đột nhiên tôi nghĩ đến một cảnh trong cuốn tiểu thuyết Cuộc sống không ở đây, viết ở giai đoạn đầu sự nghiệp văn chương của Milan Kundera. Nhân vật trong sách đã từ trên cầu nhảy vào một ngôi nhà; trước đây tôi cứ tưởng đó chỉ là cảnh trong một giấc mơ, không thể làm được ngoài đời thực, nhưng lúc đã ở trên cầu thì tôi hiểu ra, người ta hoàn toàn có thể làm như vậy. Cây cầu rất cổ này được xây trên dòng sông Vltava (còn một tên nữa là Moldau, từng trở thành đề tài cho một tác phẩm xuất sắc của nhà soạn nhạc Smetana), chính là dấu ấn vô cùng mạnh mẽ của một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Séc. 

Vua Charles Đệ tứ ở thế kỷ XIV là vua xứ Bohemia, nhưng cũng là Hoàng đế La Mã hiển hách, người có công lao vô cùng to lớn đối với đất nước Séc, làm cho Séc trở nên hùng cường, thống lĩnh một phần lớn quý tộc vương triều châu Âu một thuở. Ngoài cây cầu tuyệt đẹp mang dáng dấp trường tồn, ông còn là người cho xây dựng nhiều công trình lớn khác, như nhà thờ thánh Vitus ở Praha; thành phố Karlovy Vary, nơi đầu tiên tôi đặt chân đến trên đất Séc, "thành phố nước nóng" nhiều vương vấn ấy, cũng được đặt tên theo tên vị hoàng đế (Karlovy Vary còn được gọi là Carlsbad). 

Praha, đối với tôi, vẫn trong những liên tưởng liên quan chặt chẽ đến văn chương của Milan Kundera, gắn bó chặt chẽ với sự trở về, tức là ngược lại với Karlovy Vary, địa điểm của sự ra đi. Trong cuốn tiểu thuyết Vô tri, kiệt tác lớn của Kundera, nhân vật chính, một phụ nữ, sau nhiều năm sống ở Pháp, đã quay trở về Praha. Lồng vào câu chuyện chính ấy là một câu chuyện lớn khác của sự trở về quê quán, thấm đẫm tinh thần hoài nhớ xứ sở và quá khứ: câu chuyện của chàng Ulysse trở về đảo Ithaque yêu dấu. Vĩnh viễn tôi không quên được hình ảnh cây ô liu tuyệt vời trên bờ biển, thứ đầu tiên của quê hương mà Ulysse có tiếp xúc. Ngay lần đầu tiên đọc đoạn văn đẹp đến nao lòng ấy, xúc cảm trong tôi đã rất lớn, tôi như mường tượng được một cách cụ thể một thứ vô hình như nỗi nhớ quê hương, như niềm tiếc nuối quá vãng đã qua. 

Praha của Milan Kundera trong Vô tri đã thay đổi rất nhiều, trong cái nhìn của nhân vật quay trở về sau thời gian dài vắng mặt. Miêu tả thành phố của ông đượm rất nhiều sự mỉa mai, nhất là hình ảnh những người khách du lịch hớn hở mặc áo phông in chân dung Kafka. Những người khách du lịch và tất cả những gì liên quan đang tạo ra một trong những vấn đề lớn hiện nay, ở nhiều khía cạnh rất đa dạng, cả tốt lẫn xấu. 

Nhưng ngay cả trong cuốn tiểu thuyết nhiều buồn bã và châm biếm ấy, đến một lúc nhân vật của Milan Kundera cũng chợt nhận ra được một hình ảnh thành phố Praha chân thực, không bị nhiễm những đường nét hài hước của du lịch và những nỗi cay đắng của đổi thay khó ngờ. Đó là sau khi ta đã phải chịu khó tìm kiếm rất nhiều. Bởi vì, dẫu có chuyện gì xảy ra, tinh thần nhẹ nhõm và mềm mại của Bohemia vẫn ở đó, có chui sâu hơn xuống bên dưới những vẻ ngoài, nhưng vẫn còn ở đó. 

Và với nhà văn, văn chương là quê hương, dẫu cho khái niệm quê hương đang thay đổi, châu Âu cũng đang thay đổi và sẽ còn thay đổi rất nhiều. Về điều này, khó có ai nói hay hơn nhà văn Maurice Blanchot: "Ai viết văn cũng sống trong sự lưu đày của công việc viết; đó chính là quê hương của người ấy, nơi người ấy không phải là một nhà tiên tri".

Tử Yên Nguyễn Thu Thủy (trích từ Một chuyến đi)


[1] Độc giả luôn luôn tưởng tượng và thường xuyên tưởng tượng sai: ở cuộc gặp với Milan Kundera, khi tôi hỏi có phải Karlovy Vary được ông dùng làm bối cảnh cho Điệu valse giã từ không, thì ông đã trả lời ngay là hoàn toàn không.

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công