favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Maupassant đọc Turgenev

07/05/2024 22:57

tiếp tục chủ đề Maupassant đọc

Maupassant viết liên tục hai bài về Turgenev (đều mang tên “Ivan Tourgueneff”, đăng ngày 5 tháng Chín 1883 trên tờ Le Gaulois và ngày 6 tháng Chín trên tờ Gil Blas). Đây là thời điểm Turgenev vừa qua đời, ở Pháp; với Turgenev, cũng như với Flaubert, Maupassant có nhiều kỷ niệm (ở đoạn cuối đời, Flaubert chỉ còn mấy người bạn, là Turgenev, Maupassant và George Sand).

Trong hai bài này, chủ yếu Maupassant chỉ nói đến Turgenev tác giả của các cuốn tiểu thuyết, và chỉ nói thoáng qua về truyện ngắn của nhà văn Nga - nhưng truyện của Turgenev, nhất là “Ba cuộc gặp” (được nhắc đến ở cuối bài thứ hai) được Maupassant vô cùng ngưỡng mộ; Maupassant nói tới niềm ngưỡng mộ ấy ở nhiều chỗ khác.

Tên của các nhân vật Nga được để đúng như Maupassant viết

 

Ivan Tourgueneff

- Maupassant

Tiểu thuyết gia lớn người Nga, người đã chọn nước Pháp làm tổ quốc, Ivan Tourgueneff, vừa chết sau một cơn hấp hối hãi hùng đã kéo dài gần một tháng nay.

Ông là một trong những nhà văn đáng kể nhất của thế kỷ này và cùng lúc là con người trung thực nhất, thẳng nhất, chân thành nhất trong mọi sự, tận tâm nhất mà người ta có thể gặp được. Vốn dĩ là người đẩy sự khiêm tốn tận đến chỗ gần như tự hạ thấp bản thân, ông đã không muốn người ta nhắc đến mình trên các tờ báo; và, hơn một lần, các bài báo chứa đầy những ngợi ca từng khiến ông bị tổn thương như các sỉ nhục, bởi ông không chấp nhận việc người ta có thể viết cái gì khác ngoài những tác phẩm văn chương. Ngay cả sự phê bình các tác phẩm nghệ thuật đối với ông cũng dường là sự ba hoa xích tốc thuần túy và, những lúc một nhà báo nói ra, nhân viết về một trong những cuốn sách của ông, các chi tiết cụ thể về ông và về cuộc đời ông, thì ông cảm thấy một nỗi bực bội đúng nghĩa trộn lẫn vào với một dạng xấu hổ của nhà văn, nơi sự khiêm nhường dường là một nỗi thẹn thùng.

Hôm nay, khi con người lớn lao ấy vừa qua đời, chúng ta hãy nói, trong chỉ vài lời, về ông.

 

Lần đầu tiên tôi gặp Ivan Tourgueneff, ấy là ở nhà Gustave Flaubert.

Một cánh cửa mở ra. Một người khổng lồ xuất hiện. Một người khổng lồ có cái đầu bằng bạc, như hẳn người ta sẽ nói trong một truyện cổ tích. Ông có mái tóc bạc thật dài, hàng lông mày bạc rậm, cùng một bộ râu bạc lớn, và thực sự đó là màu trắng của bạc, ánh lên, bừng sáng các phản chiếu; và, trong sự trắng ấy, một khuôn mặt bình thản tốt lành, với những nét hơi quá thô; một cái đầu của Thần Sông đúng nghĩa, “phả các đợt sóng của mình ra”, hoặc giả, thêm nữa, một cái đầu của Cha Vĩnh Cửu.

Người ông rất cao, rộng khổ, đầy mà không to béo, và con người hùng tráng kia có các cử chỉ của đứa trẻ, rụt rè và đầy kìm giữ. Ông nói bằng giọng rất dịu, hơi mềm, như thể cái lưỡi quá dày xoay chuyển khó khăn. Đôi khi, ông do dự, tìm từ chính xác trong tiếng Pháp nhằm diễn tả suy nghĩ của ông, nhưng ông luôn luôn tìm được nó với một sự chuẩn xác đáng kinh ngạc, và nỗi do dự thoáng qua kia mang tới cho lời ông nói một vẻ duyên dáng đặc biệt.

Ông biết cách kẻ chuyện bằng một cách thức quyến rũ, khoác lên cho từng sự vị nhỏ nhặt nhất một tầm quan trọng nghệ thuật cùng một màu gây thích thú, nhưng người ta yêu quý ông ít bởi giá trị thật cao của trí tuệ ông hơn so với bởi sự ngây thơ tốt lành của ông, lúc nào cũng ngạc nhiên. Bởi ông ngây thơ đến khó mà tin nổi, tiểu thuyết gia thiên tài đó, người đã đi khắp thế giới, quen biết tất tật những nhân vật lớn trong thế kỷ của ông, đọc toàn bộ những gì mà một con người có thể đọc, và nói giỏi ngang như tiếng mẹ đẻ của ông tất tật các ngôn ngữ châu Âu. Ông vẫn cứ ngạc nhiên, sửng sốt trước những điều có vẻ hết sức đơn giản đối với lũ học sinh Paris.

Hẳn người ta có thể nói rằng thực tại phập phồng gây thương tổn cho ông, bởi tinh thần ông không hề kinh ngạc trước những điều được viết ra, trong khi ông lại bùng lên dữ dội trước những gì sở nghiệm dẫu nhỏ đến đâu. Có lẽ sự thẳng thớm cực điểm của ông và lòng tốt theo bản năng rất rộng rãi của ông làm cho ông cảm thấy một dạng ớn lạnh khi tiếp xúc với các cứng rắn, các thói tật cùng các lừa dối của bản tính con người; trong khi trí năng của ông, ngược lại, những lúc ông một mình suy nghĩ trước cái bàn của mình, khiến ông hiểu và xâm nhập cuộc đời cho tới tận những nỗi nhục bí mật của nó giống người ta thấy, từ một cửa sổ, ngoài phố, các sự kiện mà người ta chẳng hề dự phần.

Ông đơn giản, tốt và thẳng đến quá mức, nhiều lòng biết ơn hơn so với bất kỳ ai khác, tận tâm như chẳng mấy khi người ta có thể, và trung thành với những người bạn, chết cũng như còn sống.

Những ý kiến văn chương của ông có một giá trị và một tầm với lại càng đáng kể hơn vì ông không đánh giá thông qua quan điểm bó hẹp và đặc biệt nơi tất tật chúng ta đều tự đặt mình vào, mà ông đã thiết lập một dạng so sánh giữa những văn chương của tất tật các dân tộc trên đời mà ông biết chân tơ kẽ tóc, bằng cách ấy mở rộng trường các quan sát của ông, đặt cạnh nhau hai cuốn sách in ở hai đầu thế giới, được viết bằng hai thứ tiếng khác nhau.

Mặc cho tuổi tác và sự nghiệp đã gần như kết thúc của mình, ông có về văn chương các ý hiện đại nhất và tiên tiến nhất, vứt bỏ tất tật các hình thức cũ của tiểu thuyết theo kiểu lấy dây buộc và kèm những lắt léo nhiều tính cách kịch và đầy thông thái, đòi hỏi người ta làm ra “cuộc đời”, chỉ mỗi cuộc đời mà thôi - các “khúc của cuộc đời” không kèm những cốt truyện và không có các phiêu lưu lớn.

“Tiểu thuyết”, ông hay nói, là hình thức mới hơn cả của nghệ thuật văn chương. Ngày hôm nay nó mới chỉ bắt đầu thoát ra khỏi các thủ pháp của truyện thần tiên mà mới đầu nó đã sử dụng. Nó từng quyến rũ, nhờ vào một sự duyên dáng thuộc tiểu thuyết nhất định, các trí tưởng tượng ngây thơ. Nhưng, giờ đây khi gu được thuần khiết hóa, cần phải vứt bỏ tất tật những phương tiện thấp kém đó, đơn giản hóa và nâng nghệ thuật ấy lên, vốn dĩ nó là nghệ thuật về cuộc đời, nó phải là câu chuyện cuộc đời.

Những lúc người ta nói với ông về sự bán được nhiều của một số cuốn sách thuộc thể loại quyến rũ, ông bảo:

- Những người có trí tuệ tầm tầm đông hơn nhiều so với những người được phú cho một tinh thần tế nhị. Mọi thứ đều phụ thuộc vào phân hạng trí năng mà ta hướng đến. Một cuốn sách khiến đám đông thích, thường xuyên hơn cả, nó không hề làm ta thích được. Và, nếu nó làm chúng ta thích cùng lúc với làm đám đông thích, thì hãy chắc chắn là do những lý do tuyệt đối trái ngược.

Thiên bẩm quan sát hùng mạnh mà ông sở hữu đã khiến ông thấy được, từ lâu trước khi nó lộ ra ngoài thanh thiên bạch nhật, cái mầm ủ của cách mạng Nga. Ông ghi nhận trạng thái mới đó của các tinh thần trong một cuốn sách nổi tiếng, Cha và con. Ông đã gọi là hư vô những người theo giáo phái mới mà ông vừa khám phá được trong đám đông dân chúng náo động, như một nhà tự nhiên học đặt tên cho con thú chưa được biết mà ông ta hé lộ tồn tại.

Rất nhiều ồn ào đã dấy lên xung quanh cuốn tiểu thuyết ấy. Một số người đùa cợt, những người khác thì phẫn nộ; chẳng một ai muốn tin vào những gì mà nhà văn thông báo. Cái tên hư vô ấy thì còn lại, trỏ giáo phái đang sinh ra, mà người ta đã sớm ngừng từ chối tồn tại.

Kể từ bấy, Tourgueneff dõi theo, với dục vọng không vương chút lợi ích nào của nghệ sĩ, bước đi cùng sự phát triển của học thuyết cách mạng mà ông đã dự cảm được, nhận thấy và làm lộ ra.

Vì không thuộc phái nào, thường xuyên bị tấn công bởi những người này và những kẻ kia, chỉ hài lòng với việc ghi nhận và quan sát, ông liên tiếp cho in Khói và Đất hoang, những cuốn sách tho thấy theo cách thức rõ nhất các chặng của những người hư vô, sức mạnh và sự yếu của các tinh thần rối loạn đó, những nguyên nhân cho các suy sụt của họ và những nguyên nhân cho các tiến bộ của họ.

Được tuổi trẻ độ do yêu kính, được tiếp đón bằng những hoan tô rộn ràng, mỗi lần nào ông về Nga, bị quyền lực e ngại, có chút khả nghi đối với các đảng cực đoan, được ngưỡng mộ bởi tất tật, Tourgueneff thế nhưng đã không sẵn lòng quay lại đất nước của ông, mà ông yêu nồng nhiệt; bởi ông giữ kỷ niệm về vài ngày ngồi tù mà ông đã trải qua sau khi in Hồi ký của một lãnh chúa Nga [tức là Bút ký người đi săn; cuối thế kỷ 19, người Pháp biết đến tác phẩm của Tourgueneff nhờ đọc bản dịch mang nhan đề ấy].

Ở đây ta không thể tiến hành việc phân tích các tác phẩm của con người rất lớn lao ấy, người sẽ vẫn là một trong những thiên tài cao nhất của văn chương Nga. Ông sẽ cứ là - bên cạnh nhà thơ Pouchkine, bạn của ông, mà ông ngưỡng mộ đầy nồng nhiệt, nhà thơ Lermontoff và tiểu thuyết gia Gogol - một trong những nhân vật mà nước Nga sẽ dành cho lòng biết ơn lớn nhất và vĩnh cửu nhất, vì hẳn ông mang lại được cho dân tộc đó một cái gì bất tử và vô giá: một nghệ thuật, những tác phẩm không thể quên, một vinh quang quý giá hơn và khó suy đổ hơn so với tất tật các vinh quang! Những người như ông làm được nhiều điều cho tổ quốc mình hơn so với những người như prince de Bismarck: họ tự làm cho mình được yêu quý bởi tất tật những tinh thần cao, tại tất tật các phần trên mặt đất.

Ông từng, ở Pháp, là bạn của Gustave Flaubert, của Edmond de Goncourt, của Victor Hugo, của Émile Zola, của Alphonse Daudet, của tất tật những nghệ sĩ ngày nay được biết tới.

Ông từng rất yêu âm nhạc và hội họa, sống trong một bầu không khí của nghệ thuật, rung động với tất tật các ấn tượng tinh tế, với tất tật các cảm tri mơ hồ mà nghệ thuật đem đến, và không ngừng tìm kiếm những hân hưởng vi diệu và hiếm ấy.

Không một tâm hồn nào từng rộng mở hơn, tinh ròng hơn và nhiều sức xuyên thấu hơn, không tài năng nào quyến rũ hơn, không trái tim nào trung tín và hào phóng hơn.

(Le Gaulois, 5 tháng Chín 1883)


Ivan Tourgueneff

- Maupassant

Cái tên của nhà văn đáng kể vừa chết sẽ còn lại trong tương lai giữa những cái tên lớn hơn cả của lịch sử văn chương.

 

Chừng nào nước Nga thoát được ra khỏi giai đoạn khó khăn mà nó đang băng ngang; chừng nào dân tộc trẻ trung và mới ấy có được vị trí của mình trong nền văn minh và trong các nghệ thuật, người ta sẽ nhận ra rõ hơn so với ngày hôm nay đâu là các thiên tài đã mở đường cho nó.

Tourgueneff sẽ chiếm vị trí hàng đầu giữa những tinh thần của giờ khắc ban đầu đó, cả nhờ tài năng của ông, lẫn nhờ vai trò đặc biệt mà ông từng đóng trong chính trị thông qua văn chương.

Vả lại sẽ chỉ có năm hay sáu người, những nhà văn sẽ bước đi ở đầu văn chương trẻ trung tại tổ quốc của họ.

Chúng ta gần như không biết tên của họ, chúng ta đây, những người vốn dĩ chẳng biết gì về những điều tồn tại ở bên ngoài chỗ chúng ta.

Đó là: Pouchkine, một Shakespeare tuổi niên thiếu, chết ngay giữa thiên tài, khi tâm hồn ông, theo cách nói của ông, đang mở rộng, khi ông “cảm thấy đủ chín để hình dung và sinh ra các tác phẩm hùng mạnh.”

Ông đã bị giết chết vì đấu súng vào năm 1837.

Lermontoff, một nhà văn kiểu Byron thậm chí còn độc đáo hơn, và sống động hơn, và rung động hơn và dữ dội hơn Byron.

Ông đã bị giết chết vì đấu súng vào năm 1841 ở tuổi hai mươi bảy.

Gogol, một tiểu thuyết gia tầm vóc lớn lao, một nhà sáng tạo thuộc dòng giống của Balzac và Dickens.

Trong số đó còn lại một người, vẫn sống, là nhà chính trị cũng ngang mức với tiểu thuyết gia và vừa đóng một vai trò quan trọng trong vòng những năm vừa qua; đó là bá tước Léon Tolstoi, tác giả của, chẳng hạn, cuốn sách, hết sức ngoại lệ, từng thành công vang dội ở chỗ chúng ta: Chiến tranh và Hòa bình.

Rốt cuộc, Ivan Tourgueneff, vừa chết.


Sự nghiệp văn chương của Tourgueneff từng là một trong những sự nghiệp nhiều sóng gió và dị thường nhất.

Ông bắt đầu khi còn trẻ, rất trẻ. Vì tưởng mình là nhà thơ giống tất tật các tiểu thuyết gia mới bắt đầu, ông đã làm vài câu thơ in ra mà không giành được thành công lớn. Thế là, cảm thấy sự nản chí ập đến, sẵn sàng từ bỏ văn chương, ông sắp đi sang Đức học triết, thì một sự khích lệ bất ngờ tới với ông từ nhà phê bình Nga nổi tiếng Belinski. Con người ấy từng tạo ra lên chuyển động văn chương của đất nước ông một ảnh hưởng quyết định, và uy quyền của ông từng rộng hơn, nhiều tính cách thống trị hơn so với uy quyền của bất kỳ nhà phê bình nào khác vào mọi thời và tại mọi nơi.

Khi ấy ông đang điều hành một tờ tạp chí tên là “Người cùng thời”, và ông nhờ Tourgueneff viết một truyện ngắn nhỏ bằng văn xuôi cho tuyển tập đó.

Tourgueneff trẻ tuổi, nồng nhiệt, độ do, lớn lên hoàn toàn ở tỉnh, trên thảo nguyên, từng nom thấy người nông dân ở nhà mình trong các đau đớn cùng những vất vả đáng sợ của anh ta, trong sự phục dịch và nỗi bần cùng của anh ta, thấy vô cùng thương xót cái con người làm lụng hèn mọn và nhẫn nại ấy, hết sức phẫn nộ chống lại đám người áp bức, đầy căm ghét sự bạo chúa.

Ông miêu tả trong vài trang các tra tấn giáng xuống những người bị tước hết mọi thứ đó, nhưng với rất nhiều nồng nhiệt, sự thật, hứng khởi và phong cách, đến nỗi một nỗi xúc động lớn đã từ đó lan truyền đi, mở rộng ra tất tật các tầng lớp xã hội.

Bị cuốn đi bởi thành công mau chóng và không được dự tính đó, ông tiếp tục viết một chuỗi nghiên cứu ngắn vẫn nhằm vào dân chúng các vùng nông thôn; và như vô số mũi tên lao đến cắm vào cùng một cái đích, mỗi trang ấy đập vào trái tim của sự thống trị lãnh chúa, nguyên tắc nông nô xấu xa.

Chính bằng cách này mà cuốn sách ấy đã được tạo ra, kể từ đó đã thành lịch sử, nó mang nhan đề: Hồi ký của một lãnh chúa Nga.

Nhưng khi ông muốn tập hợp in thành sách tất tật các mảnh rời ấy, thì sự kiểm duyệt vĩnh cửu đã không cho.

Sự tình cờ của một cuộc gặp riêng trên tàu hỏa với một trong những thành viên của thiết chế quản lý việc đó khiến tác giả trẻ tuổi giành được sự cho phép từ nhân vật chính thức, người sẽ mất chức vì làm vậy.

Cuốn sách có một sự vang động to lớn, bị thu giữ, còn tác giả thì bị bắt và phải ngồi tù một tháng, không phải tại một nhà tù giống các nơi ở chỗ chúng ta dùng để nhốt những người bị kết án vì các loại tội như vậy, mà chung đụng cùng đám ma cà bông cùng lũ trộm cướp trên đường; rồi ông bị hoàng đế Nicolas lưu đày.

Sự ân xá, dẫu được thỉnh bởi thái tử Sa hoàng, rất lâu mới chịu đến. Có lẽ lý do cho điều đó nằm ở chỗ, theo yêu cầu của thái tử, Tourgueneff, sau khi đã gửi một bức thư cho hoàng đế, không chịu quỳ gối dưới những bàn chân thiêng liên của ông ta (biến thể của lối nói chỗ chúng ta: “Kẻ nô tài xin được vâng lệnh.”)

Sau đó ông về nước, nhưng không còn sống ở đó nhiều nữa. Rốt cuộc, ngày 19 tháng Hai năm 1861, hoàng đế Alexandre, con trai của Nicolas, đã tuyên bố bãi bỏ chế độ nông nô; và một bữa tiệc tưởng niệm hằng năm được lập ra nơi có mặt tất tật những ai từng tham gia thể động chính trị lớn đó. Thế nhưng, vào một trong những cuộc hội họp ấy, một nguyên thủ Nga lừng danh, Milutine, khi nâng cốc với Tourgueneff, đã nói với ông: “Sa hoàng, thưa ông, đã đặc biệt giao cho tôi việc nhắc lại với ông rằng một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến ngài quyết định giải phóng các nông nô là việc đọc cuốn sách của ông, Hồi ký của một lãnh chúa Nga.”

Cuốn sách ấy, ở Nga, vẫn rất phổ biến và gần như cổ điển. Tất cả mọi người đều biết nó, thuộc lòng nó và ngưỡng mộ nó. Nó từng là nguồn gốc cho danh tiếng lớn của tác giả của nó ở tư cách nhà văn và ở tư cách người độ do (hẳn người ta có thể nói ở tư cách người giải phóng) cùng lúc với việc nó là nguyên tắc cho sự nổi tiếng to lớn của ông.


Nhưng một vai trò chính trị khác cũng từng được dành cho nhà văn ấy: chính ông là người đã khám phá và đặt tên cho những người hư vô.

Một sự náo động mơ hồ, hẵng còn chưa thể nắm bắt, trùm lên quốc gia Nga, giống các mầm bệnh kia, chúng khuấy động thật lâu cơ thể của chúng ta trước khi người ta có thể phát hiện được bản tính của chứng tật là gì. Thế nhưng Tourgueneff, người quan sát chăm chú và sâu sắc, đã là người đầu tiên để ý thấy trạng thái mới đó của các tinh thần, sự bừng lên chậm chạp của khủng hoảng nơi những căn bệnh của dân chúng ấy, sự lên men chính trị và triết học vẫn còn tăm tối ấy, thứ sẽ hất tung toàn bộ nước Nga.

Trong một cuốn sách gây nhiều ồn ào: Cha và con, ông ghi nhận hoàn cảnh tinh thần của giáo phái mới ra đời này. Để chỉ nó thật rõ ông đã chế ra, ông đã sáng tạo một từ: những kẻ Hư vô.

Ý kiến công cộng, vốn dĩ lúc nào cũng mù quáng, phẫn nộ hoặc cười nhạo. Tuổi trẻ bị chia làm hai phe; một phản đối, nhưng bên kia thì vỗ tay, tuyên bố: “Đúng thế, chỉ mình ông ấy đã thấy được đúng, chúng tôi đúng là những gì mà ông ấy khẳng định.” Chính từ khoảnh khắc ấy trở đi, mà học thuyết hẵng còn trôi nổi, lơ lửng trong không khí, đã được phát ngôn thật nét, chính những kẻ hư vô thì thực sự có ý thức về tồn tại của mình, sức mạnh của mình và tạo ra một phái đáng gờm.

Trong một cuốn sách khác, Khói, Tourgueneff dõi theo các tiến bộ, bước đi của những tinh thần cách mạng, cùng lúc với các suy đổ của họ, những nguyên nhân cho sự bất lực của họ. Khi ấy ông bị tấn công từ hai phía cùng một lúc; và sự bất thiên ái của ông làm dậy lên chống lại ông hai phe đối nghịch nhau.

Đấy là vì ở Nga cũng như ở Pháp, cần phải thuộc về một đảng. Hãy là bạn hoặc kẻ thù của quyền lực, hãy tin vào trắng hoặc đỏ, nhưng hãy tin. Nếu ta chỉ bình thản mà quan sát như người hoài nghi cả quyết; nếu ta ở lại bên ngoài các tranh đấu đối với ta dường là thứ yếu; hay nếu, ngay cả nếu thuộc về một cánh, ta lại cả gan nhận thấy những suy đổ cùng điên rồ của bạn bè ta, thì người ta sẽ đối xử với ta như một con thú nguy hiểm; người ta sẽ truy sát ta mọi nơi; ta sẽ bị sỉ nhục, bị đánh hội đồng, kẻ phản bội và phản phúc; bởi điều duy nhất mà tất tật các con người căm ghét, trong tôn giáo cũng như trong chính trị, ấy là sự độc lập tinh thần đúng nghĩa.

Tourgueneff từng, và vậy là rất đúng, bị xem là một người độ do. Vì đã kể các chỗ yếu của những người cách mạng, người ta đối xử với ông như một người anh em giả dối. Chẳng vì thế mà ông bớt tiếp tục các nghiên cứu của mình về cái đảng vẫn cứ lớn mạnh thêm đó, hết sức kỳ lạ và khủng khiếp, và cuốn tiểu thuyết lớn cuối cùng của ông, Đất hoang, chỉ ra với một sự sáng sủa đáng kinh ngạc tình trạng tinh thần của hư vô luận hiện nay.

Ông đã có, do một sự độc lập tuyệt đối, một vị thế dị thường tại đất nước ông. Là kẻ khả nghi đối với những người nắm quyền lực và khả nghi đối với những người cách mạng, ông từng là, trên thực tế, một người bạn trung thành đối với những người này và đối với những người kia, lại còn không có ý kiến. Những người hư vô tị nạn ở Paris luôn luôn thấy cửa nhà ông mở cho họ; do đó mỗi lần ông, hằng năm, đi về Nga, những người bạn Pháp của ông lại e ngại biện pháp nặng tay nào đó của chính phủ nhằm vào ông. Triều đình nương nhẹ ông nhưng không tỏ cho ông một tình bạn lớn. Nhưng tuổi trẻ yêu kính ông, ồn ào hoan hô ông trên các phố Saint-Petersburg.


Tác phẩm văn chương của ông khá đồ sộ. Đây hoàn toàn không phải chỗ để phân tích nó. Chúng ta hãy nhắc thêm một cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp nữa: Lũ xuân.

Nhưng có lẽ chính tại các truyện ngắn mà sự độc đáo của nhà văn ấy, vốn dĩ là một người kể chuyện phi thường, được phát triển hơn cả.

Vốn dĩ là một nhà tâm lý học sâu sắc và một thợ thủ công tinh xảo, ông biết tạo ra trong vòng vài trang một tác phẩm tuyệt đối, cho thấy những hình tượng đầy đủ bằng vài nét lướt nhẹ, thiện xảo tới nỗi người ta chẳng thể nào hiểu nổi bằng cách nào mà các hiệu ứng như thế lại có thể đạt tới được với những phương tiện đơn giản đến vậy, ở vẻ ngoài. Ấy là một người gọi được hồn, không có đối thủ trong việc làm chúng ta xâm nhập tận bên trong một con người mà ông cũng bày cho chúng ta bên ngoài như thể ta thấy được người đó, và điều này làm được mà người ta không bao giờ để ý thấy các thủ pháp của ông, những từ của ông, những ý đồ cùng những ranh mãnh nhà văn của ông. Nhất là ông biết cách tạo ra bầu không khí cho các câu chuyện của mình với một thiên tài vô song. Người ta cảm thấy, ngay lúc đọc một trong những tác phẩm của ông, chính mình bị mắc vào môi trường mà ông gợi lên, người ta hít thở không khí của chỗ đó, người ta chia sẻ các nỗi buồn, nỗi hoảng sợ hay niềm vui của nó. Ông mang tới cho các lá phổi một thứ hương lạ thường và đặc biệt, ông mang đến cho chúng ta vị của những cuốn sách của ông như thể người ta đang được uống một thứ đồ uống đắng tuyệt diệu nào đó.

Cả ông cũng từng là một người sầu muộn, nhưng là một người sầu muộn êm dịu, một con người nhẫn nhục nhận thấy sự bần cùng của các vật và của những con người mà không bừng lên giận dữ hay phẫn nộ. Ông mang lại rất rõ toàn bộ sắc thái hết sức cá nhân của ông trong những kiệt tác dưới đây, chúng tên là Người phụ nữ bị bỏ mặc, Nhà quyền quý của thảo nguyên, Ba cuộc gặp, Vua Lear của thảo nguyên, Nhật ký của một người thừa.

Ông từng, ở văn chương, nơi các ý hiện đại nhất và tiên tiến nhất, cho rằng tiểu thuyết gia, vì không có mẫu nào khác ngoài cuộc đời, chỉ được họa ra cuộc đời đúng như nó vốn dĩ, không kèm những lắt léo cùng phiêu lưu ngoạn mục. Cái mà người ta gọi là cốt truyện trong một cuốn tiểu thuyết làm ông phẫn nộ, bởi ông không hiểu bằng cách nào người ta lại có thể có đầu óc ngây thơ đến độ đi quan tâm tới những sự kiện chẳng có chút đáng tin nào. Tuy nhiên ông rất mê các nhà thơ mà nghệ thuật, ngược lại, nằm ở chỗ nuôi dưỡng chúng ta bằng những viễn tượng và ảo tưởng. Ông đặt lên hàng đầu Shakespeare, Goethe và Pouchkine. Tinh thần rõ nét của ông không mấy ăn nhập với sự dồi dào vang vọng của Victor Hugo, nhân vật hiện thân cho thơ Pháp. Có lẽ còn thêm việc khí chất nhiều tính cách triết học của Tourgueneff thấy ngạc nhiên trước khí chất thuần túy mơ mộng của Victor Hugo.

Các hình dung thần bí, thần luận một cách lạ thường, các lý thuyết tôn giáo-huyễn tưởng của nhà thơ Pháp, sự vắng mặt hoàn toàn của thiên tài khoa học nơi ông, và những đà bật trác tuyệt nhưng phi logic của thiên tài thơ phi thường của ông đã đánh thức các mối do dự, các e dè trong tinh thần sáng sủa của tiểu thuyết gia triết gia kia, người từng khám phá được một cuộc cách mạng đang sinh ra và nhất là gắn mình chặt vào với ý, người xâm nhập những con người rất mực dễ dàng, người yêu quý khoa học thực chứng, và người từng, ngay từ hồi còn nhỏ, nổi loạn chống lại mọi giáo điều, mọi tôn giáo, mọi Chúa, người đã vẫn cứ là kẻ vô thần bình thản nhất, dịu dàng nhất, nhưng kiên quyết nhất trên đời, thờ ơ trước mọi lòng tin đến độ thậm chí ông còn từng kinh ngạc vì người ta đi mất thời gian mà nhắc tới những điều như vậy.

(Gil Blas, 6 tháng Chín 1883)

Cao Việt Dũng dịch
(từ Guy de Maupassant, Chroniques, t.2/3, 10/18, “Fins de siècles”, 1994)

phê bình phơi-ơ-tông

Edgar Allan Poe

Baudelaire

Henry James

Katherine Mansfield

George Eliot

Dostoievski (một tờ tạp chí nhưng lại tên là Nhật ký)

 

lý thuyết tiểu thuyết

Lukács

Maupassant

Henry James (plus: lý thuyết phê bình)

Roland Barthes

E.M. Forster

Maurice Bardèche

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công