Lukács về Kierkegaard
Vì đã có Robert Burton viết về Democritus nên cũng nên làm cho Kierkegaard xuất hiện, như vậy nghĩa là cũng tiếp tục chủ đề correspondence và nhật ký đã bắt đầu ở kia. Khi một nhân vật như Lukács đọc nhật ký và thư (thư tình nhưng cũng không hẳn là thư tình) của Kierkegaard thì có thể như thế nào? Lukács tất nhiên nhìn thấy trong quan hệ giữa Søren Kierkegaard và Regine rất nhiều tương đồng với chuyện giữa mình và Irma (chuyện đã kể ở kia). Đó là sự đọc dựa trên sympathie [cf. Albert Béguin] nhưng đồng thời cũng tìm cách vượt khỏi đó. Dưới đây chỉ rút ra đoạn nhiều sympathie nhất trong cả chương, bỏ đi các chú thích và đánh số đoạn.
SỰ VỠ VỤN CỦA HÌNH THỨC TRƯỚC CÁI SỐNG
Søren Kierkegaard và Regine Olsen
- György Lukács
Tháng Chín năm 1840, Søren Aaby Kierkegaard, magister artium, đính hôn với Regine Olsen, cô con gái mười tám tuổi của Ủy viên Quốc vụ Olsen. Chưa đầy một năm sau, ông hủy hôn ước. Ông đi Berlin và khi trở lại Copenhagen trở thành một kẻ lập dị khét tiếng; cung cách kỳ quặc khiến ông là mục tiêu thường xuyên của báo chí trào phúng, và dù các tác phẩm của ông, xuất bản dưới nhiều bút danh, được một số người ngưỡng mộ vì sự dí dỏm, chúng bị số đông căm ghét bởi nội dung “vô luân” và “bông lông”. Những công trình sau này đưa đến cho ông một kẻ thù mới - các lãnh đạo của Giáo hội Tin lành đang nắm quyền: và trong cuộc chiến khó khăn chống lại họ - ông khăng khăng rằng xã hội thời ấy không phải là một xã hội Cơ đốc giáo và quả thật đã khiến cho việc làm một Cơ đốc nhân chân chính trở thành bất khả - ông chết.
Vài năm trước đó, Regine Olsen đã kết hôn với một trong những kẻ trước kia theo đuổi nàng.
Điều gì đã xảy ra? Có vô số cách lý giải, và mỗi công bố tài liệu mới, mỗi lá thư, mỗi mục nhật ký của Kierkegaard lại khiến việc lý giải sự kiện dễ hơn, đồng thời làm cho khó hơn việc hiểu và đánh giá ý nghĩa của sự kiện ấy trong tổng thể sự sống của Søren Kierkegaard và của Regine Olsen.
Kassner, trong một bình luận không thể quên và không thể vượt qua về Kierkegaard, bác bỏ mọi diễn giải. “Kierkegaard,” ông viết, “biến quan hệ của mình với Regine Olsen thành thơ, và khi một Kierkegaard biến sự sống của mình thành một bài thơ, anh ta làm vậy không phải để giấu sự thật đi mà là để hé lộ nó.”
Không có lời giải thích, bởi cái có được còn hơn là một lời giải thích, ấy là một động tác. Kierkegaard nói: tôi là một người sầu muộn; ông nói: tôi già hơn nàng toàn bộ vĩnh cửu; ông nói: tội lỗi của tôi là đã cố cuốn nàng theo vào dòng xoáy; ông nói: nếu sự sống của tôi không phải là một sám hối lớn, nếu nó không phải là vita ante acta, thì…
Rồi ông bỏ Regine Olsen và nói ông không yêu nàng, chưa bao giờ thực yêu nàng, ông là một người mà dao động không ngừng của tâm hồn liên tục đòi hỏi những người mới và những quan hệ mới. Phần lớn những gì ông viết hùng hồn tuyên bố điều này, và cách ông nói, cách ông sống khăng khăng chỉ điều này nhằm củng cố lòng tin của Regine Olsen vào nó.
… Rồi Regine kết hôn với một trong những kẻ theo đuổi nàng khi trước và Søren Kierkegaard viết vào nhật ký: “Hôm nay tôi thấy một cô gái đẹp; cô ta không làm tôi xúc động mảy may. Không người đàn ông kết hôn nào có thể chung thủy với vợ mình hơn tôi đối với Regine.”
Động tác: sự xóa bỏ mọi mơ hồ để chỉ còn cái bất khả giải thích, với vô số nguyên nhân và kết quả. Quay lưng khỏi sự sống theo cách sẽ chẳng đưa tới gì ngoài đau buồn và bi kịch - một khi đã rõ ràng rằng việc họ gặp nhau phải là bi kịch, chẳng gì ngoài hủy hoại hoàn toàn, một sự hủy hoại không chút e dè, không có nguy cơ thực tại tan thành các khả thể. Nếu điều đối với Regine Olsen nghĩa là sự sống phải bị tước khỏi nàng, thì nó phải mất mọi ý nghĩa trong sự sống của nàng; nếu người yêu Regine Olsen phải bỏ nàng, thì kẻ bỏ nàng phải là một tên khốn, một kẻ quyến rũ tầm thường để mọi con đường trở lại với sự sống vẫn mở ra với nàng. Và vì sám hối của Søren Kierkegaard là sự quay lưng khỏi sự sống, sám hối ấy phải được nâng lên, làm cho càng vĩ đại bởi tấm mặt nạ kẻ có tội mà ông cao thượng mang vào, tấm mặt nạ ngụy trang cho tội lỗi thực của ông.
Việc Regine kết hôn với người đàn ông khác là cần thiết cho Kierkegaard. “Nàng đã hiểu đúng,” ông viết, “nàng hiểu mình phải kết hôn”. Ông cần việc kết hôn của nàng để mối quan hệ giữa họ chẳng còn gì mơ hồ, không còn khả thể nào ngoài thực tại này: kẻ quyến rũ và cô gái bị phụ bạc. Nhưng cô gái đã nguôi ngoai và tìm được đường trở lại sự sống. Dưới tấm mặt nạ kẻ quyến rũ là nhà tu khổ hạnh - sự khổ hạnh kết tinh trong động tác vĩnh cửu ông đã tự nguyện khép mình vào.
Sự thay đổi trong thái độ của nàng đi theo đúng con đường Kierkegaard vạch ra từ đầu. Đằng sau tấm mặt nạ cười bất biến của kẻ quyến rũ là gương mặt thực của nhà tu: buồn thảm và cũng bất biến như thế. Động tác là thuần nhất và biểu đạt tất thảy. “Kierkegaard biến sự sống của mình thành thơ.”
Khác biệt cốt yếu giữa sự sống này và sự sống khác nằm ở câu hỏi sau: sự sống ấy là tuyệt đối hay chỉ tương đối; những đối cực không thể pha trộn trong sự sống ấy có thực sự được phân tách bởi một đường rạch ròi, dứt khoát hay không. Cần phải xác định xem đâu mới là hình thức đúng của các vấn đề sống, “hoặc - hoặc” hay “không những - mà còn” mới là công thức đúng khi con đường tách đôi. Kierkegaard luôn nói: tôi muốn thành thực, và sự thành thực này không gì khác là nghĩa vụ - trong nghĩa thuần nhất, đầy nhất của từ nghĩa vụ - sống trọn sự sống của mình theo nguyên tắc thơ: nghĩa vụ phải chọn và đi đến cùng lựa chọn của mình mỗi lần con đường tách làm đôi.
Nhưng khi một người nhìn quanh mình, anh ta không thấy những con đường và những ngã rẽ, cũng không hề thấy các lựa chọn phân định rạch ròi; tất cả đều không ngừng chuyển hóa thành điều gì khác. Chỉ khi ngoảnh đi rồi nhìn lại rất lâu sau đó, ta mới nhận ra được biến đổi đã rồi, một vật đã thành vật khác - và có lẽ thậm chí khi ấy cũng chưa thể nhận ra. Nhưng cái sâu sắc của triết học Kierkegaard nằm ở chỗ ông xác lập bên dưới những biến đổi không ngừng của sự sống một số điểm cố định và vạch ra bên trong các sắc thái không ngừng tan chảy vào nhau một số phân biệt tuyệt đối. Một khi đã xác định được quả thật có những vật thực sự tách bạch nhau, ông bày chúng ra trong sự phân biệt mồn một, không chút mơ hồ - cái phân tách chúng không bao giờ còn có thể bị bất kỳ biến sắc hay chuyển tiếp nào làm nhòe nữa. Sự thành thật của Kierkegaard, như thế, đưa đến nghịch lý sau: bất kỳ thứ gì chưa kịp phát triển thành một nhất thể mới có khả năng xóa đi mọi biến đổi trước đó phải bị cô lập dứt khoát trong vĩnh cửu. Giữa những vật khác nhau, ta nhất thiết phải chọn một, không được tìm thỏa hiệp hay một hợp nhất cao hơn có khả năng hóa giải các mâu thuẫn “chỉ có ý nghĩa bề mặt”. Và như thế, chẳng thể nào có hệ thống vì không thể sống một hệ thống - hệ thống vĩnh viễn là một lâu đài quá mênh mông mà kẻ tạo ra nó chỉ có thể lẩn vào một góc khiêm tốn. Trong một hệ thống logic, chẳng bao giờ có chỗ cho cái sống; khởi điểm của một hệ thống luôn là ngẫu nhĩ và, từ phối cảnh của sự sống, chỉ là tương đối - một khả thể, không hơn. Không có hệ thống nào cho sự sống. Trong sự sống chỉ có cái rời, cái đơn, cái cụ thể. Tồn tại là khác. Và chỉ cái cụ thể, đơn lẻ mới có thể hoàn toàn vắng bóng biến đổi và mơ hồ. Sự thật chỉ là chủ quan - có lẽ; nhưng cái tuyệt đối chủ quan chắc chắn là sự thật; cái đơn là cái duy nhất là; cá nhân là người thực.
Trong sự sống có một số vùng khả thể cơ bản, mà Kierkegaard gọi là các bước: bước cảm năng, bước đạo đức, bước tôn giáo. Các bước này phân biệt nhau với sự rạch ròi không cho phép bất kỳ chuyển tiếp nào. Nối chúng là phép màu, là cú lao mình màu nhiệm, là biến hình đột ngột của toàn bộ hữu thể một con người.
Như thế, đây chính là sự thành thực của Kierkegaard: ông nhìn tất cả trong sự phân biệt rạch ròi - hệ thống tách rời sự sống, người tách rời người, bước tách rời bước; ông nhìn trong sự sống cái tuyệt đối, không chấp nhận thỏa hiệp tầm thường nào.
Nhưng chẳng phải việc thấy sống là không thỏa hiệp cũng là một thỏa hiệp hay sao? Chẳng phải việc ghì chặt đến vậy cái tuyệt đối lại là lảng tránh nghĩa vụ nhìn vào tất thảy sao? Chẳng phải một bước cũng là một “nhất thể cao hơn” sao? Chẳng phải sự cự tuyệt một hệ thống sống tự nó cũng là một hệ thống - quá hệ thống sao? Chẳng phải cú lao mình không là gì ngoài một chuyển tiếp đột ngột sao? Chẳng phải rút cục thì vẫn có một phân biệt nghiêm ngặt ẩn sau mỗi thỏa hiệp, ẩn sau cả sự cự tuyệt nó kiên quyết nhất sao? Liệu ta có thể thành thực đối mặt sự sống mà vẫn phong cách hóa được các sự kiện của nó trong hình thức văn chương hay không?
Sự thành thực nội tại trong động tác của Kierkegaard chỉ có thể được đảm bảo nếu mọi thứ ông làm là vì Regine Olsen. Thư từ và nhật ký của ông không ngừng nhắc lại điều này: nếu họ ở bên nhau thì không chỉ tiếng cười sôi nổi của Regine sẽ phá vỡ sự im lặng nghiêm trang của nỗi sầu muộn nơi ông, mà cả tiếng cười cũng sẽ bị hủy hoại, sự nhẹ tươi vui của nó sẽ rơi thõng xuống nền đá. Chẳng ai được gì từ một hy sinh như thế. Và vì vậy nghĩa vụ của ông (dù ông phải trả giá bao nhiêu ở phương diện hạnh phúc con người, tồn tại con người) là cứu cuộc đời Regine Olsen.
Nhưng câu hỏi là liệu cuộc đời Regine có phải thứ duy nhất ông cứu hay không. Chẳng phải chính điều mà, ông tin, khiến họ nhất thiết phải chia lìa cũng là điều cốt yếu đối với sự sống của chính ông sao? Chẳng phải ông đã không từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại sầu muộn (một cuộc chiến hẳn ông sẽ giành thắng lợi) vì ông yêu nó, có lẽ yêu tha thiết hơn mọi điều gì khác và không thể hình dung sống mà không có nó sao? “Sầu muộn của tôi là lâu đài của tôi,” ông viết, và ở một đoạn khác, ông phát biểu (tôi chỉ trích một vài trong vô vàn ví dụ): “Trong sầu muộn lớn của tôi, tôi vẫn yêu sự sống, tôi yêu nó chính vì tôi yêu sầu muộn của tôi.” Rồi, viết về Regine và chính mình: “… nàng sẽ bị hủy hoại và có lẽ sẽ phá hủy cả tôi bởi tôi sẽ phải thường trực căng mình ra để cố nâng nàng lên. Tôi quá nặng đối với nàng, nàng quá nhẹ đối với tôi, nhưng dẫu thế nào cũng chắc chắn có nguy hiểm của sự căng mình quá sức.”
Có những con người mà - để có thể trở thành vĩ đại - bất cứ thứ gì chỉ lờ mờ giống hạnh phúc và ánh nắng phải bị cấm ngặt. Karoline từng viết về Friedrich Schlegel: “Có những người bừng nở dưới áp bức, Friedrich là một trong số đó - nếu ông hưởng hào quang của thành công dù chỉ một lần thôi, nó sẽ phá hủy những gì tinh túy nhất trong ông.” Robert Browning viết lại bi kịch của Friedrich Schlegel trong thiên sử buồn về Chiappino, con người hùng mạnh và cao thượng, có khả năng đạt tới những tình cảm sâu thẳm chừng nào còn ở trong bóng tối; sự sống của ông chẳng thể có ý nghĩa nào ngoài sự khốn cùng và khát khao vô vọng; khi ông được nâng lên cao hơn từng bao giờ hy vọng trong những giấc mơ và những cơn sốt điên cuồng nhất, ông trở nên trống rỗng, và những lời cay độc của ông khó mà ngụy trang được nỗi đau ông cảm thấy khi ý thức được sự trống rỗng này - sự trống rỗng đến cùng “vận hạnh”. (Browning gọi thảm họa này là “một bi kịch của tâm hồn”).
Có lẽ Kierkegaard biết điều đó, hoặc có lẽ ông cảm thấy nó. Có lẽ bản năng sáng tạo cuồng bạo của ông - được giải phóng bởi nỗi đau ông cảm thấy lập tức sau khi chia tay Regine - đã đòi hỏi từ trước con đường duy nhất khả dĩ cho sự thăng hoa này. Có lẽ điều gì đó bên trong ông biết rằng hạnh phúc - một khi đạt được - sẽ biến ông thành què quặt và cằn cỗi suốt phần đời còn lại. Có lẽ ông sợ rằng hạnh phúc không hẳn là không thể đạt tới, rằng sự nhẹ của Regine rút cục sẽ hóa giải được nỗi sầu muộn vĩ đại nơi ông, và rằng hai người sẽ có thể hạnh phúc. Nhưng ông sẽ thành gì đây nếu không có sầu muộn vĩ đại của mình?
Kierkegaard là một Socrates tình cảm. “Yêu là việc duy nhất tôi biết làm,” ông nói. Nhưng Socrates chỉ muốn nhận ra, muốn hiểu những người yêu, và do đó vấn đề trung tâm trong sự sống của Kierkegaard chẳng hề là câu hỏi đối với Socrates. “Yêu là việc duy nhất tôi biết làm,” Kierkegaard nói, “hãy cho tôi một đối tượng để yêu, chỉ một đối tượng thôi. Nhưng đây, tôi đứng sững như một cung thủ, cung giương tới tận cùng giới hạn nhưng lại bị yêu cầu bắn cái đích chỉ cách mình năm bước. Điều này tôi không làm được, cung thủ nói, nhưng hãy đặt đích ngắm hai hay ba trăm bước xa hơn, các người sẽ thấy!”
Hãy nhớ lời cầu nguyện của Keats đối với tự nhiên:
Một chủ đề! một chủ đề! tự nhiên vĩ đại! Xin ban cho tôi một chủ đề;
Hãy để tôi khởi sự mơ.
Yêu! Ai là người tôi có thể yêu mà đối tượng tình yêu sẽ không cản đường yêu? Con người nào đủ mạnh, có thể chứa tất thảy trong mình để tình yêu đối với anh ta trở thành tuyệt đối, mạnh hơn tất thảy? Ai có thể đứng cao đến vậy, trên tất tật những kẻ khác, tới nỗi bất kỳ ai yêu anh ta sẽ không bao giờ dám đòi hỏi gì ở anh ta, không bao giờ dám chứng minh mình đúng hơn anh ta - để tình yêu mà anh ta được yêu sẽ là một tình yêu tuyệt đối?
Cố để đừng bao giờ được chứng minh mình là đúng, đây là định nghĩa của Kierkegaard về yêu. Nguyên nhân của sự tương đối không thể thoát trong mọi quan hệ con người - sự chao đảo phập phù và, do vậy, sự tầm thường của chúng, nằm ở chỗ cái đúng lúc thì nằm ở người này, khi lại thuộc về người khác; lúc thì người này tốt hơn, cao hơn, đẹp hơn, khi thì sự vượt trội lại rơi vào người kia. Chỉ có thể có sự bất biến và chân xác, không chút mơ hồ khi có khác biệt về chất giữa hai người yêu nhau, khi một người cao hơn người kia tới mức vấn đề đúng sai (ở nghĩa rộng nhất) không bao giờ có thể được đặt ra, dẫu chỉ đặt ra như một câu hỏi.
Đó là lý tưởng tình yêu của những hiệp sĩ trung cổ khổ hạnh, nhưng nó sẽ không bao giờ còn lãng mạn nữa. Cái nhìn tâm lý của Kierkegaard đã cướp khỏi ông lòng tin ngây thơ (ngây thơ đối với một Kierkegaard) rằng người phụ nữ được yêu, người mà những kẻ hát rong kiên quyết quay đi khỏi để có thể yêu nàng, hay thậm chí cả những huyễn ảnh phi thực về nàng, theo cách của riêng mình - có thể đủ khác thực tại để tình yêu trở thành tuyệt đối. Điều này, tôi tin, là cội rễ của tinh thần tôn giáo nơi Kierkegaard. Có thể yêu Chúa với tình yêu này, không kẻ nào ngoài Chúa. Ông từng viết rằng Chúa là đòi hỏi thiết yếu của tinh thần con người, và con người bám vào đòi hỏi này để trốn khỏi sự khốn cùng của điều kiện con người, để có thể chịu đựng sự sống. Phải, nhưng được tôn lên quá cao bên trên tất cả những gì thuộc con người, chia lìa khỏi chúng bởi những chiều sâu tuyệt đối, làm sao Chúa của Kierkegaard có thể giúp một con người chịu đựng sự sống con người của hắn? Tôi tin rằng Chúa ấy có thể, chính vì thế mà có thể. Kierkegaard cần sự sống phải tuyệt đối, vững đến mức không dung thứ bất kỳ thách thức nào; tình yêu của ông phải là sự ôm trùm toàn bộ, không chừa lại mảy may. Ông cần một tình yêu không tra vấn, một tình yêu ở đó sự đúng và vượt trội không lảo đảo giữa hai người - lúc kẻ này, khi kẻ khác. Tình yêu của tôi chỉ có thể là một xác tín tuyệt đối, bất khả hoài nghi nếu tôi không bao giờ đúng: và chỉ Chúa mới có thể cho tôi sự vững lòng này. “Ta yêu một người,” ông viết, “và ta muốn luôn được chứng minh là sai trước người ấy, nhưng trời, người ấy không chung thủy với ta, và dù điều ấy làm ta đau đớn chừng nào, sự đúng vẫn thuộc về ta, ta sai khi yêu người kia sâu đến thế.” Tâm hồn phải hướng về Chúa vì nó không thể sống không có tình yêu, và Chúa cho người biết yêu tất thảy những gì trái tim hắn khao khát. “Xin những nghi ngờ dằn vặt đừng bao giờ kéo tôi xa khỏi người, xin suy tư đừng bao giờ khiến tôi phải sợ rằng tôi có thể chứng minh mình đúng: trước Chúa tôi luôn sai.”
Kierkegaard là một người hát rong và một nhà Plato, là cả hai theo đường lối lãng mạn và tình cảm. Trong những chốn ẩn náu sâu thẳm nhất của tâm hồn ông bừng bừng ngọn lửa hy sinh cho lý tưởng về một người phụ nữ, nhưng chính ngọn lửa này cũng thiêu cháy cây cột trói chặt nàng. Khi con người chạm trán thế giới lần đầu, tất cả những gì vây quanh hắn đều thuộc về hắn, vậy nhưng các vật rời, đơn lẻ luôn biến mất trước mắt hắn, chúng cứ thế trượt đi, lướt qua theo mỗi bước chân. Hẳn hắn sẽ chết vì đói khát, cái chết bi thảm, vô nghĩa lý, giữa tất tật của cải dồi dào của thế giới, nếu người phụ nữ không ở đó - phụ nữ biết ngay từ đầu làm sao tóm được các vật, biết cách dùng và tầm quan trọng trực tiếp của tất cả chúng. Như thế, chính người phụ nữ - trong nghĩa của ngụ ngôn Kierkegaard - đã cứu lại con người cho sự sống, nhưng chỉ để ghìm hắn xuống, trói hắn vào cái hữu hạn của sự sống. Người phụ nữ đích thực, người mẹ, là đối cực của bất kỳ khao khát cái vô hạn nào. Socrates kết hôn với Xanthippe và hạnh phúc với bà chỉ vì ông coi hôn nhân là một chướng ngại trên con đường dẫn tới Lý tưởng, vì ông hân hoan khi vượt qua những khó nhọc của hôn nhân, hệt như Chúa của Suso nói: “Con đã luôn tìm được, trong mọi vật, thứ ngoan cố chống lại con; và đó là dấu hiệu của những người được chọn, những người ta muốn có cho mình.”
Kierkegaard không dấn mình vào cuộc vật lộn này; có lẽ ông lảng tránh nó, có lẽ ông không cần nó nữa. Ai có thể biết được? Thế giới của hiệp thông con người - thế giới đạo đức mà hình thức tiêu biểu là hôn nhân đứng giữa hai thế giới của tâm hồn Kierkegaard: thế giới của thơ thuần và thế giới của lòng tin thuần. Dẫu nền tảng của sự sống đạo đức - “nghĩa vụ” - có vẻ vững chắc hơn so với những “khả thể” của sự sống nhà thơ, phán quyết vĩnh cửu của nó vẫn chỉ là những chao đảo vĩnh viễn nếu so với sự chân xác và vững vàng tuyệt đối của những gì thuộc về tôn giáo. Nhưng chất của các tình cảm tôn giáo là không khí, cũng như chất của các khả thể nhà thơ. Đâu là đường phân tách chúng?
Vậy nhưng có lẽ đây không phải là câu hỏi cần đặt ra ở đây. Đối với Kierkegaard, Regine Olsen chẳng là gì ngoài một bước trên con đường dẫn đến ngôi đền băng giá chung quyết của tình yêu độc nhất dành cho Chúa. Tội lỗi của ông đối với nàng chỉ càng làm sâu sắc quan hệ của ông với Chúa; yêu nàng trong chịu đựng, bắt nàng phải chịu đựng làm mãnh liệt thêm những thăng hoa của ông và xác định mục tiêu duy nhất cho con đường của ông. Tất cả những gì hẳn sẽ đứng chắn giữa họ nếu họ thực sự thuộc về nhau chỉ chắp cánh cho cú bay của ông. “Tôi cảm hơn em vì chưa bao giờ hiểu tôi,” ông viết trong một lá thư cho nàng, lá thư ông chưa bao giờ gửi, “vì điều đó dạy tôi tất thảy. Tôi cảm ơn em vì đã bất công đến vậy với tôi, bất công một cách cuồng nhiệt, vì điều đó đã xác định cuộc đời tôi.”
Kể cả Regine, kẻ bị bỏ rơi, cũng chỉ có thể là một bước trên con đường dẫn đến mục đích chung quyết của ông. Trong những giấc mơ của mình, ông biến nàng thành một lý tưởng bất khả chạm tới, nhưng cái bước mà nàng chiếm giữ là con đường chắc chắn nhất có khả năng dẫn ông tới cái vĩ đại đích thực. Trong thơ vinh danh phụ nữ của những người hát rong Provençal, sự bội bạc vĩ đại là điều kiện của sự chung thủy vĩ đại; một người phụ nữ phải thuộc về một kẻ khác để có thể trở thành lý tưởng, để có thể được yêu với tình yêu đích thực. Nhưng sự chung thủy của Kierkegaard còn lớn hơn của những người hát rong, và chính vì thế sự bội bạc của ông cũng khủng khiếp hơn nhiều: cả người phụ nữ được yêu sâu sắc nhất cũng chỉ là phương tiện, là con đường đến với tình yêu lớn, tình yêu tuyệt đối duy nhất - tình yêu Chúa.
Bất cứ điều gì Kierkegaard làm, vì bất kỳ lý do gì, đều chỉ là để cứu sống Regine Olsen. Dẫu động tác cự tuyệt có thể có bao nhiêu nghĩa bên trong, bên ngoài - trong mắt Regine Olsen - động tác này phải là độc nghĩa. Kierkegaard cảm thấy rằng đối với Regine, chỉ có một hiểm nguy, hiểm nguy của sự mơ hồ. Và vì, đối với nàng, không sự sống nào khả dĩ mọc ra từ tình yêu nàng dành cho ông, ông muốn, bằng toàn bộ khả năng - hy sinh thanh danh mình - sao cho nàng sẽ không còn cảm thấy gì với ông ngoài căm hận. Ông muốn Regine coi ông là một tên khốn, ông muốn toàn gia đình nàng ghét ông như ghét một kẻ quyến rũ tầm thường; vì nếu Regine căm hận ông, nàng sẽ được cứu.
Nhưng sự chia tay đến quá đột ngột, dẫu đã được dọn đường bằng những trận cãi nhau dài và căng thẳng. Regine đột nhiên phải thấy Kierkegaard là một người khác hoàn toàn con người nàng từng biết; nàng sẽ phải đánh giá lại từng lời, từng sự im lặng trong mỗi phút họ bên nhau để có thể thấy rằng cái mới quả thật nối với cái cũ - để thấy Kierkegaard là một chỉnh thể con người; và kể từ khoảnh khắc ấy, nàng phải đọc mọi điều ông có thể sẽ làm trong ánh sáng mới kia. Kierkegaard làm tất cả để thuận lợi cho nàng, để đẩy dòng hình ảnh vừa mới hình thành của nàng về một hướng độc nhất - hướng ông muốn, hướng duy nhất dẫn đến cái đích đúng cho Regine: lòng căm hận.
Đây là hậu cảnh, là ánh sáng của cái sống nằm bên dưới văn chương sắc tình của Kierkegaard - đặc biệt là Nhật ký kẻ quyến rũ. Một nhục cảm vô thể và một sự tàn nhẫn khó nhọc là tông chủ đạo của sự viết này. Sự sống tình ái, sự sống tươi đẹp, sự sống đẩy đến cực hạn khoái lạc tâm hồn - chúng xuất hiện trong trước tác của ông như một khái niệm, một cách sống mà Kierkegaard biết là khả thể trong ông, nhưng mọi chiêm nghiệm và phân tích tinh tế của ông cũng không thể nào biến nó thành thực. Ông là kẻ quyến rũ tuyệt đối trừu tượng, chẳng cần gì ngoài khả thể của sự quyến rũ, một tình huống được tạo ra và thưởng thức đến tận cùng; kẻ quyến rũ ấy không thực sự cần phụ nữ với tư cách đối tượng của khoái lạc. Ông là ý Plato của kẻ quyến rũ, lậm quá sâu vào tư cách kẻ quyến rũ đến nỗi thậm chí phải thể là kẻ quyến rũ thực sự; ông quá xa cách, đứng quá cao so với con người - tới nỗi lời gọi của ông khó mà chạm đến họ, hoặc hiện diện của ông trong sự sống của họ chỉ như một lóe chớp siêu phàm, không thể nào lý giải: kẻ quyến rũ tuyệt đối hiện ra trước mọi phụ nữ như một người lạ vĩnh cửu, nhưng (Kierkegaard không nhận ra được khía cạnh này), chính vì anh ta xa cách vô hạn nên khó mà tránh có vẻ khôi hài trong mắt những phụ nữ - dù vì lý do gì - không bị hủy diệt khi hiện diện của anh ta trùm lên chân trời sự sống của nàng.
Chúng ta đã nói rằng mặt nạ kẻ quyến rũ là động tác của Kierkegaard - vì Regine Olsen. Nhưng khả thể kẻ quyến rũ đã tiềm tàng trong ông, và một động tác thì luôn tác động lại lên tâm hồn kẻ khởi phát nó. Không có hài kịch thuần trong sự sống: đây có lẽ là sự mơ hồ, sự bất định đáng buồn nhất của quan hệ con người. Ta chỉ có thể chơi với những gì đã tồn tại và không thể chơi với bất cứ thứ gì mà nó không trở thành một phần của sự sống; và dù sự sống có thể được thận trọng giữ cho tách khỏi cuộc chơi, nó vẫn cứ run rẩy trước sự chơi.
Regine, tất nhiên, chỉ có thể thấy động tác, và động tác bắt nàng phải đánh giá lại toàn bộ các sự kiện trong sự sống của mình, đẩy chúng đến đối cực của những gì chúng từng là. Ít nhất, đó là điều Kierkegaard muốn, và ông đánh cược tất cả cho điều đó. Nhưng một khi điều gì từng thực sự sống, sự đầu độc lớn nhất đối với nó chỉ có thể là sự nhận ra rằng tất cả chỉ là bỡn cợt, bông đùa; một thực tại không bao giờ có thể được đánh giá lại hoàn toàn, theo cách không thể bác bỏ; chỉ cái nhìn của ta về thực tại ấy và những giá trị ta gán cho nó là biến đổi. Điều gì đã xảy ra giữa Regine và Kierkegaard là sự sống, là thực tại của cái sống, và nó chỉ có thể bị rũ đi, làm rối tung theo cách bất khả vãn hồi trong cái nhìn hồi cố sinh ra từ việc buộc phải đánh giá lại động cơ. Vì nếu hiện tại bắt Regine phải nhìn Kierkegaard khác đi thì cái nhìn này là thực chỉ ở hiện tại; thực tại của quá khứ nói bằng một giọng khác và không thể bị làm cho bặt tiếng hoàn toàn bởi giọng nói yếu ớt hơn của hiểu biết mới.
Không lâu sau cuộc chia tay, Kierkegaard viết thư cho Bösen, người bạn duy nhất ông có thể dựa vào, nói rằng nếu Regine biết ông đã cẩn trọng sắp xếp mọi thứ ra sao, đã làm đến cùng một khi quyết định nhất thiết phải chia tay, thì nàng, chính vì thế, sẽ nhận ra tình yêu ông dành cho nàng lớn đến chừng nào. Khi cuối cùng Regine cũng đọc những gì Kierkegaard viết, sau khi ông đã qua đời, nàng viết cho Lund, người thân của ông: “Những trang này đặt mối quan hệ của chúng tôi dưới một ánh sáng mới, đã có lúc tôi thấy nó dưới ánh sáng ấy, nhưng nỗi rụt rè đã ngăn không cho tôi tin chắc rằng mình nhìn đúng; vậy nhưng lòng tin không thể lay chuyển của tôi vào anh ấy luôn làm tôi thấy lại nó, hết lần này đến lần khác.”
Chính Kierkegaard cũng cảm thấy phần nào sự thiếu xác quyết này. Ông thấy động tác của mình vẫn chẳng là gì ngoài một khả thể trong mắt Regine, cũng như động tác của Regine trong mắt ông chỉ là khả thể. Động tác không thể đủ tạo ra một thực tại vững vàng giữa họ. Nếu có một con đường qua đó ông có thể tìm được thực tại đúng thì đó là con đường tìm đến Regine: nhưng đi con đường ấy, dẫu thận trọng đến đâu, sẽ là phá hủy mọi thứ ông đã đạt được từ trước đến nay. Ông phải giữ mình đông cứng trong tư thế bên ngoài trong khi bên trong thì thấp thỏm; với tất cả những gì ông biết, sự sống của nàng có thể thực sự đã được an bài. Có lẽ, nếu ông tiến một bước về phía nàng, ông có lẽ sẽ gặp được một thực tại sống? Nhưng có lẽ chỉ là có lẽ. Mười năm sau khi hủy hôn ước, ông vẫn không dám gặp nàng. Có lẽ hôn nhân của nàng chỉ là một mặt nạ. Có lẽ nàng vẫn yêu ông như trước, và một cuộc gặp hẳn sẽ xóa bỏ tất cả những gì đã xảy ra.
Nhưng cả việc duy trì sự vững vàng bất biến của động tác cũng là bất khả - nếu quả thật động tác ấy đã bao giờ thực sự vững. Ta không thể, dù muốn đến đâu, liên tục ngụy trang một sầu muộn lớn đến thế như thể đó chỉ là trò chơi; ta cũng chẳng bao giờ có thể giấu mãi một tình yêu tha thiết đến thế bên dưới bề ngoài của sự bội bạc. Phải, động tác tác động lên tâm hồn, nhưng tâm hồn, đến lượt mình, cũng tác động lên chính động tác luôn tìm cách giấu nó đi - tâm hồn sáng lên bên trong động tác và không bên nào, động tác hay tâm hồn, có khả năng mãi mãi bất động trong sự cứng đờ thuần nhất, mãi mãi tách khỏi nhau. Cách duy nhất để bảo vệ sự thuần nhất của động tác là đảm bảo rằng bất cứ khi nào một trong hai người tạm rời tư thế, anh ta phải bị hiểu lầm. Bằng cách này, những cử chỉ thiếu thận trọng, những lời bất cẩn thốt ra sẽ đạt được ý nghĩa xác quyết đối với sự sống; và phản ứng dội lại mà động tác tạo ra, đến lượt nó, sẽ đủ mạnh để khắc chế cơn bốc đồng, thiết lập lại tư thế đã chọn. Khi họ chia tay, Regine hỏi Kierkegaard, gần như một cách ngờ nghệch, giữa những van vỉ và tra vấn đầy nước mắt, liệu có khả năng ông vẫn nghĩ đến nàng đôi lúc hay không, và câu hỏi này trở thành chủ âm của toàn bộ cuộc đời Kierkegaard. Khi đính hôn, nàng gửi thiệp cho ông, trông chờ một dấu hiệu tán thành, nhưng hành động này lại khơi lên một dòng suy nghĩ khác hẳn trong tâm hồn băn khoăn của ông. Khi ông không còn chịu nổi sức nặng của tấm mặt nạ và nghĩ rằng đã tới lúc giải thích cho nhau, Regine, thuận ý chồng, trả lại thư ông không mở, thực hiện một động tác xác quyết để giữ tất thảy trong sự mơ hồ vĩnh viễn - đối với nàng, mọi thứ đã luôn thiếu xác quyết ngay từ đầu - và cũng để đảm bảo rằng một khi Kierkegaard qua đời, nàng sẽ than khóc sự thiếu xác quyết chính mình đã tạo ra bằng cách từ chối nghe lời giải thích của ông. Dù họ gặp hay không gặp, vẫn luôn là công thức ấy: một người vội vàng rời động tác trong cơn bốc đồng rồi lại vội vàng trở về tư thế cũ - cả hai lần đều bị người còn lại hiểu lầm.
(còn nữa, tức là, ở trong sách)
Anh Hoa dịch
Vì đã có tương đối Ingeborg Bachmann nên sẽ rất sớm có Paul Celan (có thể luôn tuần này), tất nhiên vẫn là correspondence. Sự đọc correspondence không phải lúc nào cũng êm ái, đôi khi nó có thể rất xóc, nhất là khi có quá nhiều sympathie trong lúc đọc. Khi Flaubert đọc correspondence của Balzac, rồi Henry James lại đọc correspondence của Flaubert về chuyện Flaubert đọc correspondence của Balzac, đồng thời đọc correspondence của Flaubert, hẳn là không khỏi lo âu cho số phận các correspondence của chính mình, thì sẽ thế nào?
Tiện có nhật ký Kierkegaard thì cũng tiếp tục luôn nhật ký một chuyện tình của Leopardi, nhân vật xét ra cũng không khác Flaubert hay Henry James về khía cạnh tình ái: một khối nhục cảm khổng lồ, ấy thế mà lại chẳng dính gì.