Lukács và Sainte-Beuve
Tuy (dường như) không bao giờ nhắc đến Sainte-Beuve, nhưng Lukács lại rất giống Sainte-Beuve; hay, để dùng lại một khái niệm rất Sainte-Beuve, họ thuộc cùng một gia đình tinh thần. Những người thuộc vào trong một gia đình tinh thần có thể khác nhau ở mọi điểm, nhưng vẫn có một cái gì đó, thường xuyên rất ngầm, nối họ vào với nhau. Ở đây, trong trường hợp Lukács & Sainte-Beuve, ấy là cái nhìn vào văn chương, trên một đặc điểm: các đối tượng của cả Sainte-Beuve lẫn của Lukács có thể gây khó hiểu.
Trong trường hợp Sainte-Beuve, sự lờ đi những nhân vật văn chương lớn nhất (ít ra thì cũng nổi tiếng lâu dài) khiến không ít lần Sainte-Beuve bị nhìn nhận như là một nhà phê bình văn học kém cỏi, chẳng mấy có năng lực trong phát hiện giá trị (một lời độc địa - văn nhân thường độc địa - nói Sainte-Beuve là một con chó sục sạo khắp mọi nơi, nhưng lại là con chó không có mũi). Ta nhớ đến câu chuyện Baudelaire từng hết sức nài nỉ (có thể thấy rõ là không chút vờ vịt nào) Sainte-Beuve để nhà phê bình nhìn nhận mình.
Tâm hồn & Hình thức của Lukács bày ra một sự thể nếu không giống hệt thì cũng không hoàn toàn khác: giờ đây, các nhân vật trở thành đối tượng cho cuốn sách hồi trẻ (cuốn sách đầu tiên) của Lukács dễ gây khó hiểu: Rudolf Kassner là ai? Rồi thì Beer-Hofmann, Storm, Philippe? Tất nhiên, nếu không biết Paul Ernst hay Stefan George thì ấy là lỗi của độc giả, nhưng điều quan trọng ở đây không chỉ nằm ở chỗ, độc giả cần phải tự vươn lên cho ngang tầm với tác giả, mà còn có một điều khác nữa: Lukács - cũng như Sainte-Beuve - không hẳn coi phê bình văn học là một công việc của (nói một cách ngắn gọn) ghi nhận.
Nhưng, khi nhìn vào lịch sử phê bình văn học trên khoảng không gian (tức là, gồm cả thời gian) rộng hết mức khả dĩ, Albert Thibaudet thấy rằng Sainte-Beuve là điểm mốc rực rỡ (nhưng là một sự rực rỡ không hẳn dễ thấy): có phê bình văn học trước và phê bình văn học sau Sainte-Beuve. Nói một cách ngắn gọn, trước Sainte-Beuve - điều này là theo Thibaudet - có nhà phê bình nhưng không có phê bình. (tham khảo: Sinh lý học phê bình)
Đã vậy, Lukács còn khiến người ta e dè trên ít nhất hai điểm. Thứ nhất, cái nhìn của Lukács vào cùng một đối tượng có thể thay đổi - điều này làm những ai chỉ có thể chấp nhận sự nhất quán (nhưng sự nhất quán nào?) thấy khó chấp nhận nổi. Một trong những ví dụ lớn nhất là nhân vật xuất hiện trong Tâm hồn & Hình thức: Kierkegaard. Lukács của các giai đoạn sau nhìn nhận Kierkegaard khác rất nhiều so với Lukács của tuổi hai mươi. Nhưng chấp nhận sự thay đổi là một điều rất quan trọng (Roland Barthes từng trả lời khi gặp nhận xét về sự thay đổi ở mình: "Tôi tiến hóa").
Thêm nữa, Lukács triết gia - ở thời điểm của Tâm hồn và Hình thức, Lukács đã có rất nhiều tiếp xúc với toàn bộ những gì xuất chúng hơn cả của thế hệ trước: những Dilthey, Simmel và Weber; thêm một điểm rất hay không được nhìn nhận: Lukács là nhân vật cùng thế hệ với Martin Heidegger và Ortega y Gasset; với nhân vật thứ nhất, Lukács có thái độ như thế nào thì ai cũng đã biết, vì nó quá nổi tiếng, còn với nhân vật thứ hai, Lukács có thể hết sức châm biếm, dẫu rất ít khi nhắc tới - lại xuất hiện, ban đầu (nhưng cũng không chỉ ở một đoạn khởi đầu) như một nhà phê bình văn học. Những điều tương tự có thể tạo ra vô vàn ngờ vực; chẳng hạn, một người như Joseph Schumpeter quá mức xã hội học đối với các kinh tế gia nhưng lại quá mức kinh tế gia đối với các nhà xã hội học. Chấp nhận sự thay đổi đã khó, chấp nhận sự đa dạng - nói đúng hơn, sự rộng: một sự rộng khổng lồ - có lẽ còn khó hơn.
Quay trở lại với Lukács & Sainte-Beuve: nhưng vậy thì, họ làm gì?
Ít nhất là họ có một cái nhìn khác. Ta có thể hiểu, cái nhìn nhà phê bình văn học của họ là một cái nhìn có tính cách âm. Để hiểu điều này dễ dàng hơn, chỉ cần nghĩ, là có các ánh mắt đi tìm những gì chìm xuống. Negative, chứ không positive.
Người thực sự đưa sự âm vào triết học (cấp giấy thông thành cho nó) là Kant. Chỉ cần chi tiết này cũng giúp ta hiểu thêm rất nhiều điều: chính vì có phần âm lớn như vậy cho nên phần ánh sáng ở Kant rất lớn - đấy là một trong những khoảnh khắc sáng nhất. Khi bản thân Kant nói đến ánh sáng, thì ngay lập tức là một cặp khái niệm: thứ và trưởng - đã đến lúc con người đi từ cái thứ nhất sang cái thứ hai (tức là, chuyển về độ: sự chuyển này có thể lớn tới mức cũng chính là chuyển về bản tính). Nhìn nhận của Kant có thể hiểu là con người, trong tiến hóa của nó, đã trưởng thành được (ít nhất là hơn trước), nhưng cặp trưởng-thứ cần được hiểu theo mọi nghĩa mà chúng có thể bao hàm.
Tức là, có phần âm, mà rất ít người lần ra được. Nếu bỏ qua (trừu tượng hóa) Sainte-Beuve hay Lukács, một nhân vật nữa cũng hết sức thuộc về negative: Ferdinand de Saussure - từ đây ta thấy, ngôn ngữ học (hiện đại) đã ra đời từ chính sự âm, tức là đúng nguồn của nó.
Dĩ nhiên, sự e dè trước Lukács còn nằm ở một điểm lúc thì được nói công khai khi thì bị che giấu, nhưng lúc nào cũng có, cũng ở đó: ấy là một triết gia mác-xít.
Chính ở đây sự độc đáo của Lukács hiện ra rõ hơn bao giờ hết. Vì nếu nhìn vào cụm "triết gia mác-xít", ta sẽ thấy - chỉ cần đừng bị các cụm từ dắt mũi quá mức - chúng chẳng nói được mấy về Lukács. Tiến hóa của Lukács phức tạp hơn thế rất nhiều, và chính mấy tác phẩm thời trẻ giúp chúng ta thấy được những điều quan trọng trong tiến hóa ấy - nếu không kể những gì Lukács viết trong Nhật ký.
Lukács không mác-xít đến thế. Hoặc giả, Lukács là mác-xít theo lối duy nhất chuẩn xác, ngả đường duy nhất khả dĩ, nhưng lại rất khó đi (sự âm tính trong phê bình văn học cũng đã là cả một con đường hiểm). Mười năm của ba cuốn sách, từ 1913 đến 1923 là cả một tiến hóa rất khó tưởng tưởng. Tâm hồn & Hình thức, in ngay trước Thế chiến thứ nhất, là một Lukács nếu không hoàn toàn thì cũng phần lớn nằm trong thế giới của Kant. Cuốn sách in sau Thế chiến thứ nhất (nhưng hẳn được viết trong chiến tranh), Lý thuyết tiểu thuyết: vô cùng dễ dàng thấy ở đó Hegel. Năm 1923, Lịch sử và ý thức giai cấp: tất nhiên, một Lukács mác-xít đã hiện ra, một cách rực rỡ.
Nhưng sự rực rỡ ấy không thể có nếu thiếu đi các đoạn trước đó. Tức là, nếu thiếu mất phần âm.
Nhị Linh