favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Leopardi đi khỏi

06/05/2024 14:10

Chủ đề Leopardi mới bắt đầu nhưng đã có hai chân - cả CantiNhật ký. Sau đây là một bình luận.  

(một nhân vật khác cũng từng nhắc tới Leopardi, trong hồi ức về Katherine Mansfield)

 

Leopardi đi khỏi 

- Cao Việt Dũng

Leopardi là người đi trước sát nhất của Schopenhauer (trước đó: Robert Burton cùng một số nhân vật Hy Lạp, La Mã và Trung cổ - nếu chỉ muốn nhìn vào châu Âu). Xét về tinh thần - bao hàm luôn cả khí chất, cái nhìn - thì như vậy: đó là hai nhân vật, cùng PoeBaudelaire, rỏ xuống thế kỷ 19 nhiều sầu muộn u tối cường độ lớn hơn cả. Các trận mưa, nhưng đấy là mưa đá, hoặc mưa a xít. Nhưng Leopardi, nếu nhìn vào ngoại hình (vì không phải lúc nào cũng nên chỉ chăm chăm nhìn vào tinh thần; vả lại tinh thần là một thứ rất khó thấy, nếu không muốn nói là gần như chẳng bao giờ thấy được), gợi ngay một nhân vật trước đó: Lichtenberg. Vả lại, sự sáng suốt ở cả Lichtenberg lẫn Leopardi đều rất lớn, đặc biệt khi họ viết châm ngôn.

Một lòng tin nhất định - và dai dẳng - muốn rằng thiên tài nằm trong cái bướu. Lichtenberg và Leopardi thuộc vào số những người khẳng định lòng tin ấy hơn cả. Ở Leopardi, thậm chí không chỉ có bướu sau lưng mà phía trước ngực cũng có. Quả thật, đó là một nhân vật dị dạng, với chiều cao chưa đầy một mét rưỡi, mắc rất nhiều bệnh (lý do khiến người ta thấy Leopardi, kể cả vào đoạn cuối đời, liên tục ăn đồ ngọt, rất thích kẹo: bánh kẹo đối với Leopardi thì cũng tương tự thuốc phiện đối với Thomas De Quincey, tuy "thuốc phiện", ở trường hợp nhân vật ấy, không hoàn toàn giống thuốc phiện mà người ta hay nghĩ). Ngoại hình của Leopardi, trở nên như vậy trong những năm của tuổi niên thiếu, được rất nhiều người quy cho việc Leopardi quá sức cố công học hành, sự học hành khiến cho bất kỳ ai từng tìm hiểu cũng thấy khiếp sợ; nhưng về sau này, ý kiến chung dần chuyển sang chỗ nghĩ rằng Leopardi mắc bệnh lao phổi và vẻ ngoài kia là kết quả của điều đó. Không chỉ dị dạng, nhiều khi Leopardi còn không nhìn thấy gì, mắt gần như bị mù; thậm chí, theo một số lời chứng không nhiều hữu hảo, Leopardi còn "bốc mùi", có thể ngửi rõ nếu ở gần. Dẫu có thế nào, Leopardi cũng có một đặc điểm không hẳn là quá khó gặp trong số các nhân vật kiệt xuất của thế kỷ 19: monstrous. Đó là một nhân vật gớm ghiếc, không chỉ vì ngoại hình mà còn do vượt khỏi mọi giới hạn, làm những điều không thể tưởng tượng nổi (chẳng hạn, sự học hành, nghiên cứu ở mức độ ngốn ngấu chưa từng có). Chỉ cần biết Leopardi đã viết Zibaldone với cường độ như thế nào, và rốt cuộc cuốn sách - monster - ấy, dày bao nhiêu trang, là đã có thể bắt đầu hình dung được.

Bệnh tật và ốm yếu, dường như mọi sự đã được an bài, để Leopardi không bao giờ rời khỏi Recanati, thành phố (nhỏ) quê hương. Thêm nữa, bố mẹ - nhất là ông bố, Monaldo; đây cũng là nhân vật mang không ít dấu hiệu của monster - Leopardi không muốn vậy. Hơn hai mươi năm đầu đời, Giacomo Leopardi chỉ sống tại "cung điện" của nhà Leopardi (Giacomo Leopardi là một "bá tước"), vô cùng thân thiết với hai người em (còn có những đứa con khác nữa trong gia đình Leopardi), Carlo và Paolina. Monaldo là một nhân vật không mấy nổi trội về đầu óc và hiểu biết, dẫu sẽ là không đúng nếu nói đó là một người chẳng có chút tài năng nào, nhất là khi viết Tự truyện, nhưng lại là người xây dựng một thư viện gia đình vô cùng đồ sộ, tuy lệch lạc - nơi "học tập" chuyên cần trong nhiều năm của Leopardi. Nếu đọc thơ của Leopardi, người ta sẽ nghĩ nhà thơ vô cùng yêu quý Recanati, nhưng điều đó không đúng. Ngoài hai mươi tuổi, Leopardi từng lên kế hoạch trốn đi khỏi đó - kế hoạch sụp đổ và đã không có cuộc trốn thoát nào.

Nhưng rốt cuộc, Leopardi cũng đi khỏi Recanati và càng ngày càng không muốn quay lại đó nữa. Cuối cùng, Leopardi sẽ qua đời tại Naples, vào năm 1837, khi chưa tròn bốn mươi tuổi.

Vì đi khỏi Recanati, Leopardi sẽ đến một số nơi, tuy không nhiều lắm - và không bao giờ đi đâu ngoài nước Ý; ít nhất thì Leopardi cũng đã không trở thành một người cả đời ở yên một chỗ; chắc hẳn đấy là điều cho thấy Leopardi thoát khỏi được sự tàn tật của mình. Và cũng vì sự đi khỏi đó, Leopardi gặp một số người (tuy cũng không nhiều lắm). Trong số đó có Manzoni, tác giả của Những kẻ đính hôn. Ta rất muốn biết cuộc gặp giữa hai con người ấy có thể như thế nào, vì Manzoni cũng là một nhân vật montrous, tất nhiên là theo một cách khác. Leopardi gặp Manzoni cùng lúc với gặp Stendhal; lại thêm một monster.

Khi chết, ở bên cạnh Leopardi là Antonio Ranieri, người bạn trẻ hơn mà Leopardi quen từ trước đó và trở nên thân thiết. Ranieri sẽ trở thành người in (rất nhiều) tác phẩm của Leopardi (posthumous, tất nhiên). Còn có thêm người em gái của Antonio: điều kỳ lạ là người em gái ấy cũng tên là Paolina, giống em gái của chính Leopardi. Nếu muốn đẩy sự kỳ lạ đi thêm nữa, thì Paolina lại từng có mối tình đau khổ (và gần như duy nhất trong đời) với một nhân vật tên đúng là Ranieri (tên chứ không phải họ, như Antonio Ranieri); chính vì thế, lúc biết anh trai mình thân với một "Ranieri", Paolina Leopardi đã tưởng ông anh vì một ý thích quỷ quái muốn chơi xấu mình. Paolina, em gái của Leopardi, cả đời là gái già, là người còn sống sau cái chết của anh trai và cả của bố mẹ; rất có thể Paolina sống trinh trắng cả đời - có khả năng giống người anh của mình.

Quãng năm, bảy năm cuối cùng của Leopardi sống cùng Ranieri trở thành chủ đề rất được quan tâm của nhiều nhà văn thế kỷ 20. Người ta đã suy đoán nhiều điều về mối quan hệ ấy. Nhưng dĩ nhiên, đến cuối cùng, chẳng thể nào biết được điều gì rõ ràng, nhất là những gì mà khí hậu tinh thần của thế kỷ 20, vốn dĩ rất thích các câu chuyện về đồng tính, muốn biết. Trước khi quen Antonio Ranieri rất lâu, Leopardi từng có một người bạn khác, Pietro Giordani; đây thì lại là một người hơn (nhiều) tuổi so với Leopardi. Đọc thư của Leopardi gửi Giordani, người ta cũng rất dễ bị đẩy đến chỗ nghĩ đây là một mối tình đúng nghĩa. Nhưng, cả ở đó, vẫn không có gì chắc chắn được. Có lẽ tốt hơn hết là nên như vậy.

Leopardi đi khỏi nhà mình, đi khỏi Recanati, đi khỏi thế giới (ít nhân vật nào ở gần trăng đến như vậy, nếu ta đọc tổng số những gì Leopardi từng viết: đấy là một trong những người không thực sự thuộc về mặt đất này), và cũng đi khỏi thời đại của mình. Cần phải không hợp tác một chút nào với mọi tập quán đương thời thì mới có thể như vậy: không làm gì để kiếm tiền, không lấy vợ, thậm chí còn gần như không biết gì về những điều đang xảy ra trên đời. Trong lúc còn sống, Leopardi cho in rất ít thứ đã viết - một phần vô cùng nhỏ trong tổng số; Zibaldone thì rất nhiều năm về sau, người ta mới biết.

Nhất là, Leopardi như thể lúc nào cũng vắng mặt, đi khỏi chính những gì mà Leopardi viết. Hiếm có người nào tạo được ấn tượng lớn đến vậy về cái không-tôi, về một điều gì đó không thể nói rõ liên quan đến sự phổ quát: không một dấu vết. Dẫu là một người không được sinh ra để dịch chuyển, Leopardi lại chính là một người-đi-khỏi.

(đi khỏi chứ không phải rời đi).
 

Leopardi ngoài Zibaldone

đi khỏi, bỏ đi, đi

mưa a xít

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công