Khó ở
Đã đến mùa của sự đi lại rộn rịp - ít nhất là trên bề mặt. Nhưng cũng là mùa của những khoảng hoang vu dằng dặc, như thể mọi hào hứng bên ngoài chỉ là những hòn đá vô vọng ném vào nỗi rỗng bên trong. Không thể ở đây, cũng không thể ở kia, và cũng không thực sự còn một bất cứ đâu ngoài đây để mơ về. Vậy là có một hiện tượng nghịch lý: những người mà bản tính là bất động, hờ hững với mọi phiêu lưu, lại cứ phải không ngừng đi, di chuyển như con thoi giữa hai đầu - hai địa điểm của sự khó ở. Đi để trút hết, để đẩy bắn mình ra - nhất là để nhẹ đi.
Dưới đây là một khối text nhấc ra từ Cháu trai Wittgenstein. Tên bài do chúng tôi đặt.
Khó ở
- Thomas Bernhard
Tôi đã luôn luôn ghét các quán cà phê Wien, bởi ở đấy tôi đã luôn bị đối đầu với những người cùng dạng với tôi, đó là sự thật và tôi đã không muốn cứ bị đối đầu liên tục với chính mình, chắc chắn không phải là ở quán cà phê nơi tôi đến để thoát khỏi chính mình, thế nhưng ngay chính ở đó tôi lại bị đối đầu với những người đồng dạng với mình. Tôi không chịu nổi chính mình, nói gì đến cả toán những người ngẫm và viết đồng dạng với tôi. Tôi tránh văn chương ở những chỗ tôi có thể, bởi tôi tránh chính bản thân mình, ở những chỗ tôi có thể và bởi thế tôi phải cấm bản thân việc đến quán cà phê ở Wien hay ít nhất cân nhắc đến điều đó khi tôi ở Wien, không bao giờ lui tới một quán cà phê văn chương Wien trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thế nhưng bởi tôi mang căn bệnh lui tới quán cà phê, tôi bị buộc phải luôn luôn lại đi vào một quán cà phê văn chương, cả khi mọi điều trong tôi phản kháng lại điều ấy. Tôi càng ghét nhiều và ghét sâu hơn nữa các quán cà phê văn chương kiểu Wien, thì tôi càng thường xuyên và với cường độ cao đi vào nó. Đó là sự thật. Ai biết được, sự phát triển của tôi hẳn đã lạc hướng thế nào, nếu tôi không làm quen với Paul Wittgenstein ở chính đỉnh điểm của khủng hoảng, nếu không có ông, hẳn nó đã bất thần quật ngã tôi vào thế giới văn nhân, vào cái thế giới xứng đáng với sự kinh tởm hơn mọi thứ khác, vào thế giới văn nhân Wien và vũng lầy tinh thần của nó, bởi lẽ hẳn khi ấy ở đỉnh điểm của khủng hoảng chắc chắn điều đơn giản nhất tôi có thể làm là: tự thích ứng, tự hạ mình và tự tuân phục, tức là trật cấp, và hòa vào đám văn nhân. Paul đã cảnh báo tôi về điều đó, bởi ông cũng đã luôn luôn ghét các quán cà phê văn chương. Tôi đã làm đúng, khi, chỉ từ hôm trước sang hôm sau, ít nhiều là vậy, nhằm tự mình cứu lấy mình, tôi bắt đầu cùng ông đến Sacher và không còn đến những quán cà phê văn chương kia nữa, đến Ambassador và không còn đến Hawelka, vân vân, chừng đến khi tôi được phép lại cho phép bản thân đến các quán cà phê văn chương trong một thời điểm mà nó không còn tác động chết người vào tôi nữa. Bởi các quán cà phê văn chương có tác động chết người đối với người viết, đó là sự thật. Mặt khác, đây cũng là sự thật, tôi thấy thân thuộc với các quán cà phê Wien của mình nhiều hơn ở Nathal, thân thuộc ở Wien tuyệt đối hơn ở Thượng Áo, mà từ cách đây mười sáu năm tôi đã tự áp đặt cho mình làm liệu pháp nhằm sống sót, mà đã chẳng bao giờ có thể dù chỉ nhắm đến nó như là tổ quốc nhỏ, dẫu chỉ, chắc hẳn, vì cái lý do đầy đại khái, là ngay tức khắc tôi bị cô lập quá mức tại Nathal, và cũng đã không làm gì để chống lại sự cô lập ấy, ngược lại, tôi đã đẩy sự cô lập ấy, cả lối có ý thức lẫn ngoài ý thức, tận tới độ cao nhất của tuyệt vọng. Tôi vẫn luôn luôn là con người thành thị, một con người của thành phố lớn và rốt cuộc, việc trong quãng thời gian đầu đời tôi đã sống ở một thành phố lớn, thành phố cảng lớn nhất của châu Âu, ở Rotterdam, đã thường trực đóng một vai trò lớn trong cuộc đời tôi, chẳng vô cớ mà tôi thở phào ngay khi tôi ở Wien. Ngược lại thế nhưng tôi phải, khi tôi ở Wien được vài hôm, trốn chạy về Nathal, nếu tôi không muốn chết ngạt trong bầu không khí kinh tởm của Wien. Chính bằng cách ấy, những năm vừa qua, tôi đã có thói quen lấy Wien đổi cho Nathal, và ngược lại lấy Nathal đổi cho Wien, theo nhịp điệu ít nhiều là hai tuần một lần, cứ hai tuần tôi lại bỏ chạy từ Nathan đến Wien, rồi, lại từ Wien đến Nathal và, do đó, tôi đã trở nên, chỉ nhằm sống sót được, một nhân vật bị tung hứng giữa Wien và Nathal, kẻ chỉ còn có thể sống nhờ cái nhịp được áp đặt hết sức kiên quyết ấy. Tôi về Nathal, để trấn tĩnh bản thân khỏi Wien, ngược lại tôi về Wien, để chữa lành bản thân khỏi Nathal. Sự bất an này tôi thừa hưởng từ ông ngoại của mình, người cả đời phải tồn tại trong một bất an ăn mòn con người như thế và cả cuối cùng đã ra đi bởi chính cái bất an ấy. Tất cả tổ tiên của tôi đều bị ám ảnh bởi một bất an như thế và đã không trụ được lâu ở một địa điểm và trên một ghế bành. Chỉ cần ở Wien ba hôm là tôi đã không trụ được thêm nữa, ba ngày ở Nathal là tôi không trụ được thêm nữa. Vào những năm cuối cuộc đời người bạn của tôi, ông đã hòa vào nhịp di chuyển qua lại này của tôi và rất hay đi cùng tôi về Nathal rồi từ đó quay lại, và ngược lại. Khi vừa đến Nathal, tôi tự hỏi, mình tìm gì ở Nathal, khi đến Wien, tôi tự hỏi, mình tìm gì ở Wien. Như chín mươi phần trăm tất cả mọi người, về cơ bản lúc nào tôi cũng muốn ở nơi tôi đang không ở, nơi tôi vừa trốn chạy. Số mệnh này trong những năm cuối trở nên tồi tệ hơn và tôi đi trong những cách quãng ngày một ngắn về Wien và lại quay về Nathal, và từ Nathal đến một thành phố lớn khác, đến Venice hay Rome và lại quay trở lại, đến Praha và lại quay về. Và sự thật là, tôi chỉ vui khi ngồi trên ô tô giữa một địa điểm tôi vừa rời đi và một địa điểm mà tôi đang đến, chỉ trên ô tô và trên đường đi là tôi vui, tôi là kẻ bất hạnh nhất trong số những người đến nơi mà người ta có thể tưởng tượng, dẫu là đến đâu, ngay khi đến rồi, tôi liền thấy bất hạnh vì đã đến. Tôi thuộc về những con người trong sâu xa không chịu nổi một địa điểm nào trên thế giới và chỉ vui khi ở giữa các địa điểm, từ chúng họ đi khỏi và hướng tới chúng họ đi đến. Trước đây vài năm tôi vẫn tin, một số mệnh bệnh tật như vậy phải nhất định sớm dẫn tôi tới sự điên hoàn toàn, tuy nhiên nó không dẫn tôi đến một sự điên hoàn toàn, nó thực ra che chắn cho tôi khỏi một thứ mà suốt cuộc đời là nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi. Và chính người bạn Paul của tôi, cũng như tôi, cùng một căn bệnh, cả ông cũng nhiều năm và hàng chục năm luôn luôn đi từ một điểm sang điểm khác chỉ vì mục đích của sự rời bỏ một địa điểm và của đi tới một địa điểm khác, chẳng bao giờ có thể tìm được hạnh phúc của mình trong bất kỳ dạng đến nơi nào; điều này ông cũng chưa bao giờ làm được và chúng tôi đã hay nói về nó. Ông luân đổi trong nửa đầu cuộc đời mình qua lại giữa Paris và Wien, cả giữa Madrid và Wien, London và Wien, như thích hợp với xuất thân và những điều kiện của ông, còn tôi, trong một thang bậc nhỏ hơn, như người ta có thể tưởng tượng, dẫu là với cùng nỗi ám ảnh bệnh tật, chỉ từ Nathal về Wien và ngược lại và từ Venice về Wien, tuy nhiên rồi cũng từ Rome về Wien, vân vân. Tôi là người du hành, người chuyển động, người di động và người đi khỏi hạnh phúc nhất, tôi là người đi đến bất hạnh nhất. Hẳn nhiên từ lâu đó đã là một trạng thái bệnh tật. Thêm một ám ảnh được định loại như một căn bệnh mà cả hai chúng tôi cùng có: căn bệnh đếm, mà chính cả Bruckner những năm cuối đời cũng mắc. Ví dụ như hàng tuần, hàng tháng, khi đi bằng tàu điện vào thành phố, tôi nhất định phải từ cửa sổ nhìn ra mà đếm những khoảng giữa của các cửa sổ tòa nhà hoặc chính những cửa sổ này hoặc những cánh cửa hoặc khoảng giữa những cánh cửa và tàu điện càng chạy nhanh, tôi càng phải đếm nhanh hơn và tôi không thể dừng việc đếm lại cho đến ranh giới của cơn điên, như tôi nghĩ thế. Thế là tôi, rất thường, để thoát khỏi căn bệnh đếm, khi đi bằng tàu điện xuyên Wien hoặc xuyên một thành phố khác, đã tự tạo một thói quen là không nhìn ra ngoài cửa sổ, đơn giản là cắm ánh mắt thẳng xuống đất, điều này đòi hỏi sự kiểm soát khủng khiếp mà tôi không phải lúc nào cũng có thể. Cả người bạn Paul của tôi cũng có căn bệnh đếm, thế nhưng ông có nó ở một tầm cỡ mạnh hơn nhiều và nó khiến việc đi bằng tàu điện với ông là không thể chịu nổi, như ông hay nói với tôi. Và ông cũng có cùng cái thói quen đã giằng kéo tôi đến ngưỡng của cơn điên, ấy là nhất định không đặt chân bừa lên các viên gạch hoặc đá lát, giống những người khác, mà theo một hệ thống được định ra hết sức cụ thể, chẳng hạn, bỏ qua hai viên liền, rồi đặt chân lên viên thứ ba, và cả ở đó, cũng không được làm thế nào thì làm, đặt chân theo lối ít nhiều thiếu hệ giống xuống giữa viên đá, mà phải thật sát vào rìa trên hay rìa dưới của nó, tùy trường hợp, chuẩn xác đến cỡ độ lớn một sợi tóc. Không điều gì được phép, ở những người như hai chúng tôi, phó mặc cho sự ngẫu nhĩ hay cẩu thả, tất cả phải có cái hình học, cái đối xứng, cái toán học cầu kỳ cùng cực. Tôi quan sát thấy ở ông chính căn bệnh đếm cũng như cái tính, không bước bừa vào nền đá, mà theo đúng một hệ thống đã được định sẵn nghiêm ngặt ngay từ đầu. Người ta luôn luôn bảo, những gì đối nghịch thì hút nhau, thế nhưng ở trường hợp của chúng tôi, đó lại là các điểm chung, và chúng tôi có hàng trăm và hàng nghìn cái như thế, mà tôi đã rất sớm thấy ở ông, cũng như ông ở thấy ở tôi. Và chúng tôi có nhiều trăm nhiều nghìn yêu thích chung cũng như hàng trăm và hàng nghìn ghét bỏ; rất hay có chuyện cùng một người thu hút hay khiến chúng tôi thấy kinh tởm. Dẫu có thế điều này dĩ nhiên hoàn toàn không có nghĩa, chúng tôi có cùng suy nghĩ trong mọi việc và cùng thị hiếu và cùng kết luận. Ví dụ như ông thích Madrid, tôi ghét nơi ấy. Tôi thích Adriatique, ông thì ghét, vân vân. Thế nhưng chúng tôi cả hai đều thích Schopenhauer và Novalis và Pascal và Velasquez và Goya, trong khi đó chúng tôi đều bị đẩy ra khỏi El Greco dù hoang dại tuy nhiên cơ bản là thiếu tính nghệ thuật trong cùng một mức độ to lớn. Ngài Baron trong những tháng cuối cùng của cuộc đời thực sự đã chỉ là một cái bóng của chính mình, như người ta hay nói, và trước cái bóng đó, ngày một nhận thêm nhiều nét của ma, mọi người ngày càng rời xa. Và chính tôi dĩ nhiên với cái bóng của Paul đã không có cùng một mối quan hệ như với Paul trước kia. Chúng tôi gần như không còn gặp nhau nữa, dẫu đấy chỉ là vì ông thường vài ngày liền không ra khỏi căn hộ ở Stallburggasse, và chúng tôi chỉ còn rất hiếm khi mới hẹn gặp nhau. Ngài Baron đã, quả thật, như người ta hay nói, lụi tắt. Một đôi lần tôi quan sát ông khu phố cổ mà ông chằng hề biết gì, trong khi ông khó nhọc bước đi, dọc theo các mặt tiền nhà của Grabenhäuser, rồi Kohlmarkt và cho đến tận Michaelerkirche và vào cả Stallburggasse, thường trực cố công, đúng là vậy, giữ tư thái cho ổn thỏa, nhưng thật ra đã bị, theo đúng nghĩa đen của từ này, biến thành cái bóng của chính mình, và đột nhiên ông làm tôi sợ. Tôi không dám bắt chuyện với ông. Tôi thà gánh cái áy náy tồi tệ còn hơn là chạm trán với ông. Tôi quan sát ông và, đè nén sự áy náy của mình, tôi đã không đi đến chỗ ông, tôi bỗng hãi sợ ông. Chúng ta tránh xa thứ bị cái chết đánh dấu và cả tôi cũng nhượng bộ sự hèn yếu này. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời người bạn tôi, tôi đã tránh ông, theo lối hoàn toàn có ý thức, tuân theo bản năng sinh tồn thấp kém, điều tôi không tha thứ cho chính mình. Tôi đã thấy ông đi từ bên này đường sang bên kia như một người đã từ lâu thoát ra khỏi thế giới này, người thế nhưng vẫn cứ bị ép buộc phải ở lại thế giới ấy, người không còn thuộc về nó, thế nhưng vẫn phải nằm lại. Trên cánh tay gầy guộc treo túi đi chợ quái quỷ, quái quỷ, trong đó ông đã mua rau và hoa quả mà ông tha về nhà, dĩ nhiên lúc nào cũng với nỗi sợ ai đó có thể thấy ông trong sự thảm hại và đáng thương tuyệt đối này của ông và bận lòng về điều ấy, nhưng tất nhiên có thể cả đó, từ phía tôi, là một lý do cũng thảm hại y hệt, ham muốn nương tay với ông, thứ đã ngăn cản tôi nói chuyện với ông, thứ đã giữ tôi lại không nói gì với ông, tôi không biết đấy là nỗi sợ của tôi trước một người đã là bản thân cái chết, hay đó là cảm giác của tôi, cần phải tránh cho ông một cuộc gặp với tôi, kẻ vốn dĩ còn chưa đến mức như ông, có khả năng là cả hai. Tôi quan sát ông và cùng lúc tự thấy xấu hổ. Bởi tôi thấy thật xấu hổ vì mình vẫn chưa ở điểm cuối trong khi người bạn thì đã rồi. Tôi không phải là một tính cách tử tế. Đơn giản là tôi chẳng có chút lòng tốt nào. Tôi đã lùi xa khỏi người bạn của mình, giống hệt những người khác, bởi tôi cũng như họ, muốn lùi xa khỏi cái chết. Tôi hãi sợ sự đối đầu với cái chết. Bởi mọi điều ở người bạn của tôi đã chính là cái chết. Hoàn toàn hiển nhiên, trong thời gian cuối, ông không còn động đậy gì nữa, đáng ra tôi đã phải xuất hiện, điều tôi có làm, chỉ là, tôi xuất hiện ở các quãng cách mỗi lúc một bớt thường xuyên hơn, và lần nào cũng với những cái cớ mới, lúc nào cũng rất thảm hại. Đôi khi chúng tôi vẫn đến Sacher và Ambassador và hẳn nhiên, cả Bräunerhof, bởi với ông đấy là nơi tiện hơn cả. Tôi đã đến, khi tôi không thể làm khác, một mình cùng ông, thế nhưng đi cùng mấy người bạn vẫn hơn, để họ san đều với tôi cái tuyệt đối kinh hãi giờ đây toát ra từ người bạn của tôi, bởi chỉ một mình với ông thì có lẽ tôi không thể chịu được. Sự suy sụp của ông càng tàn bạo bao nhiêu, quần áo của ông càng lịch thiệp bấy nhiêu, thế nhưng chính những áo quần đắt giá và lịch thiệp từ tủ đồ của ông, được thừa kế từ lãnh chúa Schwarzenberg đã chết từ nhiều năm trước, khiến việc nhìn cái con người đã hết sức lực kia trở nên một khổ hình đích thực. Nhưng cảnh tượng ông bày ra chẳng hề có gì kỳ quái, mà nó gây đảo lộn. Trên thực tế tất cả đã chợt chẳng còn muốn dính dáng gì với ông, bởi cái người giờ đây họ thấy lết đi trong nội thành với cái túi thực phẩm hoặc mỏi mệt đứng dựa vào một bức tường, đã không còn là cùng một người mà nhiều năm, nhiều chục năm trước họ bị hút vào, người giải trí và ủng hộ họ, người xua đi nỗi chán chường ngu độn của họ với những sự điên không thể vét cạn về toàn thế giới của ông và, nhờ những lời đùa cợt cùng các giai thoại của mình, đặt đối lập lại sự ù lì kiểu Wien và Hạ-Áo của họ chính cái đó, thứ mà tự mình hẳn họ chẳng bao giờ có khả năng vươn tới. Đã hết hẳn rồi, quãng thời gian của những câu chuyện phi lý về các chuyến đi khắp thế giới rộng lớn của ông, cũng như những tiết mục của ông, chẳng chút xót thương và do vậy lố bịch hóa gia đình ông, cái gia đình khinh bỉ rồi rốt cuộc căm ghét ông, mà chính ông định danh như là viện bảo tàng không thể cạn kiệt của các nỗi kinh hoàng mang nội dung Thiên Chúa-Do Thái-Quốc-Xã, những tiết mục mà ông thực thi với một sự hừng hực to lớn đầy mỉa mai và nhạo báng, với tất tật các thiên bẩm kịch nghệ của mình. Các tiết mục ông vẫn còn có thể thực thi ở đây đó không còn có hơi thở và mùi vị của thế giới rộng lớn, như người ta hay nói, mà chỉ còn là cái mùi của sự thảm hại và cái chết. Quần áo của ông, dẫu vẫn là những quần áo thanh lịch như trước đây, giờ đã chẳng còn tác động lối người đàn ông từng trải và tác động chắc chắn khơi gợi kính cẩn với người quan sát, chúng bỗng thực sự đã bị loại bỏ và nghèo nàn như tất cả những gì ông còn dám nói ra. Ông không còn du hành đến Paris bằng taxi, thậm chí đến Traunkirchen hay Nathal cũng không, ông chỉ, với đôi tất len mang ở chân và với cái túi bóng nhỏ trong đó cất đôi giày thể thao bẩn thỉu của ông, theo thời gian nó đã trở thành đôi giày yêu thích của ông, ở đâu đó trong toa hạng hai lẩn trong một góc, đi về Gmunden hay Traunkirchen.
Michaux đi