favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

John Ruskin: Tinh thần Ký ức

27/10/2024 21:27

John Ruskin, nhân vật từng khiến Marcel Proust trẻ tuổi có những niềm hứng khởi lớn về sự đọc (đi tận đến mức dịch tác phẩm của Ruskin - công việc rất hiếm khi Proust làm, tuy Proust không chỉ là tiểu thuyết gia mà còn là tiểu luận gia, một nhà phê bình lớn), xuất hiện tại mọi nơi trong cuộc sống tinh thần của cả một thời đại, cái thời đại có một khuynh hướng mãnh liệt về phía aesthetics. Hiện diện bao trùm của Ruskin giờ đây không còn được thấy rõ nữa - ngoại trừ, có thể nói vậy, cuốn sách về "stone" ở Venice, hay được bán ở các hiệu sách chuyên về du lịch, nhưng điều đó không đồng nghĩa với chuyện John Ruskin (cái nhìn ấy, và sự viết ấy) đã mất hết giá trị; vả lại, sự có mặt en filigrane, không hẳn thực sự rõ rệt, nhiều khi mới lại là hiện diện lớn và quan trọng.

Dưới đây là một phần (Chương VI, "The Lamp of Memory") trích từ tác phẩm nổi tiếng của John Ruskin, Seven Lamps of Architecture; từng có lúc, những người kiệt xuất hơn cả nhìn thấy các trình hiện đặc biệt nhất từ kiến trúc (Balzac không hề khác) - độc giả của Lawrence of Arabia biết tác giả của mình nhận được cảm hứng lớn như thế nào từ cuốn sách ấy để viết Seven Pillars of Wisdom, một cuốn sách rất lớn khác.

Những gì John Ruskin nói ở đây còn đặc biệt (và bất ngờ) có ý nghĩa vào một thời đại nơi người ta rất chú trọng "bảo tồn" và cả "phục dựng" các công trình kiến trúc cũ: rất có thể khi làm vậy, người ta không làm gì khác ngoài phá hoại nhiều hơn.

 

John Ruskin: Tinh thần Ký ức

- John Ruskin

I. Trong những giờ phút của cuộc đời mà người viết nhìn lại với lòng biết ơn đặc biệt, vì được đánh dấu bởi sự trọn vẹn khác thường của niềm vui hay sự sáng suốt của việc giảng dạy, có một khoảnh khắc đã trôi qua, cách đây vài năm, gần lúc hoàng hôn, giữa những khối rừng thông nhấp nhô dọc theo dòng sông Ain, phía trên ngôi làng Champagnole, ở Jura. Đó là một địa điểm mang lấy toàn bộ vẻ trang nghiêm, không chút hoang dã, của dãy Alps; nơi mang lại cảm giác về một uy quyền lớn bắt đầu được biểu lộ trên trái đất, và một sự hòa hợp sâu sắc đầy uy nghiêm trong cuộc trỗi dậy của những dãy đồi thông thấp trải dài; sự hiển lộ đầu tiên của các bản giao hưởng núi hùng tráng ấy, chẳng mấy chốc trở nên thật ầm ĩ và hoành hành điên cuồng dọc theo bức tường thành dãy Alps. Nhưng sức mạnh của chúng vẫn còn bị kìm hãm; và những dãy núi xa xa của vùng đồng quê nối tiếp nhau, giống như con sóng dài phập phồng thổn thức chuyển động nhấp nhô trên mặt nước tĩnh lặng từ một vùng biển xa xôi giông bão nào đó. Và có một vẻ dịu dàng sâu thẳm đẫm trong cái đơn điệu bao la ấy. Uy lực tàn phá và vẻ nghiêm khắc của các dãy núi trung tâm đồng loạt thu lại. Không có nhánh rẽ đóng băng, ngổn ngang nào của dòng sông băng cổ đại kia phạm đến những bãi cỏ Jura mềm mại; không có đống đổ nát nào phá vỡ hàng rào đẹp đẽ trong các khu rừng của nó; không dòng sông nhợt nhạt, vẩn đục, hay cuồng dại nào chọc nhánh rẽ thô lỗ và thất thường vào giữa những tảng đá của nó. Một cách kiên nhẫn, hết xoáy nước này rồi xoáy nước khác, những dòng xanh trong uốn mình ở những chỗ quen; và dưới sự im lìm tăm tối của các rặng thông không xáo động, nở rộ, năm này qua năm khác, những trảng hoa vui tươi mang lại phúc lành lớn ở mức tôi chưa từng biết đến tại nơi nào khác trên trái đất. Lúc ấy cũng đang là mùa xuân; và tất tật trồi lên thành những cụm dày đặc chen chúc vì tình yêu; có đủ chỗ cho tất cả, nhưng chúng nghiền nát đám lá của mình thành mọi dáng hình kỳ lạ chỉ để ních vào gần nhau hơn. Có hoa phong quỳ rừng, mọc chen chúc, thảng hoặc khép lại thành tinh vân: và có hoa me đất, đoàn đoàn lớp lớp như lễ rước trinh nữ của Mois de Marie [tháng Đức Mẹ - tháng Năm], những rãnh nứt thẳng đứng đen ngòm trên phiến đá vôi bị chúng làm tắc nghẽn như tuyết rơi dày đặc, và thường xuân khẽ chạm vào các cạnh - thường xuân thanh mảnh và yêu kiều như dây nho; thỉnh thoảng, từng chùm violet xanh và chuông hoa anh thảo túa ra ở các chỗ có nắng; và ở vùng đất trống trải hơn, cây đậu tằm, cây liên mộc, và cây thụy hương, và những nụ hoa ngọc bích nhỏ của cây tiểu thảo, dâu tây dại, chỉ trổ một hoặc hai bông, tất tật rải khắp trên cái mềm mại óng vàng của những mảng rêu màu hổ phách, dày, ấm áp. Khi ấy tôi vừa ra đến rìa khe núi; tiếng rì rầm trang nghiêm của dòng nước dâng lên đột ngột bên dưới, hòa cùng tiếng hót đám họa mi giữa những cành thông; và, ở phía bên kia thung lũng, nơi bị vây quanh bởi những vách đá vôi xám, một con chim ưng chầm chậm lượn trên đầu các mỏm đá, đôi cánh gần như chạm vào chúng, những bóng thông chập chờn đổ trên bộ lông vũ của nó; nhưng là với một độ cao cả trăm sải dưới ức, và những dải nước uốn lượn của dòng sông xanh đang lướt đi loang loáng chóng mặt bên dưới, những quả cầu bọt sóng rướn theo chuyển động của nó khi bay qua. Thật khó để hình dung ra một cảnh tượng hầu như chẳng phụ thuộc vào bất cứ gì ngoài sự chú ý đến vẻ đẹp ẩn dật và trang nghiêm của chính bản thân nó; nhưng người viết vẫn nhớ rất rõ sự trống vắng và lạnh lẽo đột ngột quẳng lên đó khi anh ta cố gắng, để đi sâu hơn vào những nguồn gây ra sự ấn tượng kia, để tưởng tượng ra, trong thoáng chốc, một cảnh tượng trong khu rừng nguyên sơ nào đó của Lục địa Mới. Đám hoa trong phút chốc mất đi ánh sáng, dòng sông mất đi âm nhạc; những ngọn đồi trở nên hoang vu một cách ngột ngạt; một vẻ nặng nề đè lên đám cành cây của khu rừng tối cho thấy bao nhiêu là uy quyền vừa mới đây lại phụ thuộc vào một sức sống chẳng phải là của chúng, bao nhiêu là vinh quang của sự bất diệt, hay tái sinh liên tục, và sự sáng tạo, được phản chiếu bởi những thứ quý giá trong ký ức của chúng hơn là bởi bản thân sự sáng tạo ấy, trong sự đổi mới của nó. Những bông hoa đã luôn nở rộ và những dòng suối đã luôn tuôn trào kia đã được nhuộm bởi sắc màu sâu thẳm của sự chịu đựng, lòng dũng cảm, và đức hạnh của con người; và các đỉnh đồi đen tuyền vươn lên trên bầu trời đêm nhận được sự tôn thờ sâu sắc hơn, bởi những cái bóng xa xăm của chúng đổ về đằng Đông lên bức tường thép của Joux và pháo đài bốn ô của Granson.

II. Với tư cách là trung ương và vệ nữ của uy quyền thiêng liêng này, Kiến trúc phải được chúng ta hướng đến với suy nghĩ nghiêm túc nhất. Chúng ta có thể sống, nhưng không thể nhớ mà không có nó. Lịch sử lạnh lùng biết bao, mọi hình ảnh vô hồn biết bao so với những gì mà dân tộc còn tồn tại đã viết ra, những gì mà đá cẩm thạch còn nguyên vẹn đã chống chọi! Bao nhiêu trang ghi chép đáng ngờ mà chẳng phải lúc nào chúng ta cũng cần đến, so với vài viên đá còn nằm chồng lên nhau! Tham vọng của những người xây dựng tháp Babel khi xưa đã định hướng đúng cho thế giới này: chỉ có hai kẻ mạnh chiến thắng trước sự lãng quên của con người, Thơ ca và Kiến trúc; và cái sau theo cách nào đó bao hàm cái trước, và hùng mạnh hơn trong cái thực của nó; thật tuyệt khi còn có, không chỉ những gì con người đã nghĩ vả cảm thấy, mà còn những gì mà bàn tay họ đã xử lý, sức mạnh họ đã rèn nên, mắt họ đã nhìn thấy, tất tật những ngày trong cuộc sống của họ. Thời đại của Homer bị bóng tối bao trùm, tính cách của ông thì bị sự nghi ngờ trùm lên. Không giống như thời đại của Pericles: và sắp đến rồi cái ngày chúng ta phải thú nhận, rằng mình đã học được nhiều điều về Hy Lạp từ mảnh vụn các tác phẩm điêu khắc của họ hơn là từ những giọng ca ngọt ngào hay những nhà sử học quân sự của họ. Và nếu như quả thật có bất kỳ lợi ích nào trong kiến thức của chúng ta về quá khứ, hoặc bất kỳ niềm vui nào trong ý nghĩ về việc được nhớ đến sau này, thứ có thể tiếp thêm sức mạnh cho sự nỗ lực và thêm kiên nhẫn cho sự chịu đựng ở hiện tại, có hai nhiệm vụ đối với kiến trúc của dân tộc mà tầm quan trọng của chúng chẳng thể bị xem là nói quá; thứ nhất, đem lại cho kiến trúc ngày nay tính lịch sử; và, thứ hai, bảo tồn, như là di sản quý giá nhất, kiến trúc các thời đại trước.

III. Chính ở nhiệm vụ đầu tiên của hai nhiệm vụ ấy mà Ký ức có thể thực sự được xem là Tinh Thần thứ Sáu của Kiến trúc [bảy tinh thần (ngọn đèn, lamp) của kiến trúc theo John Ruskin: Sacrifice, Truth, Power, Beauty, Life, Memory, Obedience]; bởi chính khi trở thành đài tưởng niệm hoặc tượng đài mà những công trình dân dụng hay nhà ở tư gia đạt được một sự hoàn thiện đích thực; và như thế phần nào là do các tòa nhà, với một quan điểm như vậy, được xây dựng theo lối ổn định hơn, phần nào vì những trang trí của chúng do vậy mà được làm cho sống động bởi một ý nghĩa mang tính ẩn dụ hoặc lịch sử.

Đối với các nhà ở tư gia, luôn luôn phải có một sự giới hạn nhất định đối với những quan điểm tương tự như vậy trong quyền lực, cũng như trong trái tim, của con người; nhưng tôi vẫn thường không thể không nghĩ đó là điềm xấu của một dân tộc khi nhà của họ được xây dựng chỉ duy nhất cho một thế hệ. Có một sự thiêng liêng trong ngôi nhà của người thiện không thể tái tạo được nơi khu nhà trọ mọc lên trên tàn tích của nó: và tôi tin rằng những người tốt đẹp ấy cũng thường cảm thấy đúng như vậy; rằng sau khi trải qua cuộc đời mình một cách ngay thẳng và sung sướng, họ sẽ đau buồn khi nghĩ rằng chỗ ở nơi trần thế của họ, đã chứng kiến và dường như đồng nhất với toàn bộ danh dự của họ, niềm vui và nỗi đau của họ - nơi ấy, cùng với tất tật ghi chép về họ, và tất tật những thứ vật chất mà họ đã yêu và coi sóc, để lại dấu ấn của chính mình lên chúng - đã bị cuốn trôi, ngay khi chỗ của họ trong nấm mộ được lấp đầy; rằng không có sự tôn trọng nào được thể hiện với chốn ấy, không có tình cảm nào dành cho nó, không có điều tốt lành nào được lấy ra từ đó bởi con cháu họ; rằng dẫu có một bia tưởng niệm trong nhà thờ, chẳng có sự tưởng niệm ấm áp nào trong tim và trong nhà dành cho họ; rằng tất tật những gì họ từng trân trọng đều bị khinh thường, và những nơi từng che chở và an ủi họ đã bị kéo sập thành tro bụi. Tôi cho rằng một người tốt sẽ lo sợ điều này; và rằng, hơn thế nữa, một đứa con tốt, một hậu duệ cao quý, sẽ e sợ làm điều đó với ngôi nhà của cha mình. Tôi cho rằng nếu như con người quả thật sống như con người, ngôi nhà của họ sẽ trở thành đền thờ - những ngôi đền mà chúng ta không dám làm tổn hại, và ở trong đó chúng ta được thánh hóa để sống; và hẳn phải là một sự phân hủy lạ lùng của tình cảm tự nhiên, một sự vô ơn kỳ lạ đối với tất cả những gì gia đình đã cho và ông cha đã dạy, một ý thức kỳ lạ khi chúng ta đã không chung thủy với danh dự của cha, khi cuộc sống của chính chúng ta sẽ chẳng khiến cho nơi chúng ta ở trở thành thiêng liêng đối với con cái, khi mà mỗi người đàn ông đành phải xây dựng cho riêng mình, và xây dựng chỉ vì cuộc cách mạng cỏn con của mỗi cuộc đời anh ta. Và tôi nhìn những khối đáng thương đúc bởi đá vôi và đất sét lúc nhúc trồi lên như nấm mốc trên các cánh đồng được nhồi nặn khắp thủ đô của chúng ta - nhìn những lớp vỏ mỏng manh, lảo đảo, vô lý của gỗ ép và đá giả - nhìn những hàng dài ảm đạm những thứ nhỏ nhen được làm cho trang trọng, giống nhau chẳng thể phân biệt và không có tình thân, cô độc như nhau - không chỉ với sự ghê tởm vô tình của một con mắt bị xúc phạm, không chỉ với nỗi buồn trước một phong cảnh bị báng bổ, mà còn với một linh cảm đau đớn rằng gốc rễ của sự vĩ đại dân tộc chúng ta hẳn phải thối nát từ trong cốt lõi khi chúng cắm xuống lỏng lẻo như thế vào mảnh đất quê hương; rằng những chỗ ở bất tiện và mất danh dự kia là các dấu hiệu của một tinh thần bất mãn lớn và lan rộng nơi quần chúng; rằng chúng đánh dấu thời điểm mà mục tiêu của mỗi người là đạt được một tầm cao hơn chút đỉnh so với mức tự nhiên của anh ta, và mỗi cuộc đời đã qua của con người phải chịu sự khinh miệt thường hằng; khi con người xây dựng với hy vọng thoát khỏi nơi họ xây dựng, và sống với hy vọng được quên đi những năm đã sống; khi nguồn an ủi, bình yên, tôn giáo của quê hương không còn được cảm nhận; và các khu nhà trọ đông đúc của một dân tộc bồn chồn và chật vật chỉ khác với những túp lều của người Ả Rập hay dân Gypsy ở sự kém cởi mở lành mạnh của họ trước không khí của thiên đường, và nơi họ chọn trên mặt đất kém hạnh phúc hơn; ở việc họ hy sinh tự do mà chẳng được nghỉ ngơi, và hy sinh sự ổn định mà chẳng có sự xa hoa nào đổi lại.

IV. Đây không phải điều xấu không đáng kể, hay không để lại hậu quả: nó rất đáng ngại, dễ lây lan và sinh sôi nảy nở như mọi sai lầm hay bất hạnh khác. Khi người ta không yêu gia đình mình, cũng không tôn kính ngưỡng cửa nhà mình, đó là dấu hiệu cho thấy họ đã làm ô danh cả hai, và họ chưa bao giờ thừa nhận tính phổ quát đích thực ở việc thờ phượng của người Cơ Đốc giáo, vốn thay thế sự thờ lạy ngẫu tượng nhưng không kính ngưỡng của người ngoại giáo. Chúa của chúng ta là một vị Chúa quan phòng, dù là một đấng cao vời; Ngài có một bàn thờ trong nhà mỗi người; hãy để người ta nhìn vào đó khi họ xé toạc và dốc tro bụi của nó ra. Chẳng phải là vấn đề thuần túy của sự thích thú nơi thị giác, cũng chẳng phải của sự kiêu ngạo nơi trí tuệ, hay của trí tưởng tượng được trau dồi và hay chỉ trích, việc làm thế nào, và ở phương diện nào của tính bền vững và trọn vẹn, mà các tòa nhà tư gia của một đất nước sẽ mọc lên. Đó là một trong các nghĩa vụ đạo đức, chẳng thể dung túng thêm cho sự thờ ơ bởi vì nhận thức về chúng phụ thuộc vào sự mách bảo của lương tâm được cân bằng và hòa hợp tinh tế, để xây dựng nên chỗ ở của chúng ta một cách cẩn thận, kiên nhẫn, say mê, và kiên trì cho đến khi hoàn thành, và với một sự nhìn nhận về tồn tại của chúng ít nhất là một quãng thời gian, trong tiến trình thông thường của các cuộc cách mạng dân tộc, có thể được cho là khã dĩ kéo dài đến khi đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng những mối quan tâm của địa phương. Ít nhất là như thế; nhưng còn tốt hơn nữa nếu như, trong mọi trường hợp có thể, người ta xây dựng ngôi nhà của họ theo quy mô tương xứng với tình trạng của họ khi khởi đầu, hơn là với thành tựu của họ khi kết thúc sự nghiệp trần thế; và xây dựng chúng để tồn tại được lâu như công việc của con người ở trại thái vững vàng nhất có thể hy vọng tồn tại được; ghi lại cho con cái họ những gì họ đã trải qua, và từ đâu, nếu nhờ vậy họ được chấp nhận, họ vươn lên. Khi những ngôi nhà được xây dựng như vậy, chúng ta có thể có được kiến trúc nhà ở đúng, khởi đầu cho tất tật mọi thứ khác, những thứ không xem nhẹ việc đối xử cách tôn trọng và chu đáo với nơi ở nhỏ cũng như lớn, và mang lại phẩm giá cho một người trưởng thành mãn nguyện trong cái eo hẹp của hoàn cảnh nơi trần thế.

V. Tôi xem tinh thần tự chủ đáng kính, kiêu hãnh, yên bình này, sự khôn ngoan vĩnh cửu của cuộc sống mãn nguyện này, hầu chắc chắn là một trong những nguồn chính của sức mạnh trí tuệ lớn trong mọi thời đại, và chẳng cần bàn cãi thêm rằng đó cũng chính là nguồn gốc nguyên thủy của kiến trúc vĩ đại của nước Ý và nước Pháp thời xa xưa. Cho đến ngày nay, sự quan tâm đến những thành phố đẹp nhất của họ vẫn phụ thuộc, không phải vào các cung điện nguy nga biệt lập, mà vào sự trang hoàng chăm chút và tế nhị của ngay cả những khu nhà nhỏ nhất trong những thời kỳ đáng tự hào của họ. Tác phẩm kiến trúc trau chuốt tỉ mỉ nhất ở Venice là một ngôi nhà nhỏ ở đầu Kênh Lớn, gồm một trệt hai lầu, ba cửa sổ ở mặt tiền tầng đầu tiên và hai cửa sổ ở mỗi tầng còn lại. Rất nhiều ngôi nhà thanh tú nằm trên những kênh hẹp hơn, và kích thước cũng không lớn hơn. Một trong những tác phẩm kiến trúc thú vị nhất thế kỷ 15 ở Bắc Ý là một ngôi nhà nhỏ trong hẻm, sau lưng khu chợ của Vicenza; nó ghi niên đại 1481, cùng khẩu hiệu Il. n’est. rose. sans. épine [chẳng hoa hồng nào không có gai]; ngôi nhà cũng chỉ có một trệt và hai lầu, với ba cửa sổ ở mỗi tầng, tách ra bởi rất nhiều hoa văn trang trí, và những ban công, được đỡ, ban công giữa bởi một con đại bàng hai cánh dang rộng, ban công hai bên bởi các griffin có cánh đứng trên cornucopiæ. Quan niệm cho rằng một ngôi nhà thì phải lớn mới được xây tốt hoàn toàn được dựng lên bởi thời hiện đại, và song song với đó là một ý khác, cho rằng không bức tranh nào có thể mang tính lịch sử trừ bức tranh có kích thước cho phép các nhân vật lớn hơn người thật.

VI. Vậy thì, tôi muốn những ngôi nhà thông thường của chúng ta được xây để tồn tại lâu dài, và để được yêu mến; dồi dào và đầy đủ tiện nghi nhất trong chừng mực có thể, cả bên trong lẫn bên ngoài; mang những nét giống nhau trong phong cách và tập quán, tôi sẽ nói sau, dưới một đầu đề khác; nhưng dù sao đi nữa cũng có những điểm khác biệt khả dĩ phù hợp và thể hiện tính cách và nghề nghiệp của mỗi người, và phần nào đó cả lịch sử của họ. Quyền này đối với ngôi nhà, tôi cho rằng, thuộc về người xây nó trước tiên, và phải được tôn trọng bởi con cái anh ta; và còn tốt hơn nếu chừa lại các tảng đá trống ở vài chỗ, để khắc tóm tắt vài dòng mô tả cuộc đời và kinh nghiệm của anh ta, nhờ vậy nâng chỗ ở đó lên thành một đài kỷ niệm, và phát triển, thành bài học có hệ thống hơn, một phong tục tốt đẹp vốn phổ biến từ lâu đời, vẫn còn tồn tại ở một số người Thụy Sĩ và người Đức, như sự thừa nhận ân sủng Chúa ban để xây dựng và sở hữu một chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, những lời ngọt ngào ấy có thể khép lại những gì chúng ta đang nói ở đây. Tôi đã lấy chúng từ mặt tiền một ngôi nhà thôn dã mới được dựng lên giữa những đồng cỏ xanh trải dài từ một ngôi làng ở Grindelwald xuống dải sông băng thấp hơn bên dưới:

"Mit herzlichem Vertrauen
Hat Johannes Mooter und Maria Rubi
Dieses Haus bauen lassen.
Der liebe Gott woll uns bewahren
Vor allem Unglück und Gefahren,
Und es in Segen lassen stehn
Auf der Reise durch diese Jammerzeit
Nach dem himmlischen Paradiese,
Wo alle Frommen wohnen,
Da wird Gott sie belohnen
Mit der Friedenskrone
Zu alle Ewigkeit."

VII. Ở các tòa nhà công cộng tính lịch sử phải được làm rõ hơn nữa. Một trong những lợi thế của kiến trúc Gothic - tôi sử dụng từ Gothic theo nghĩa rộng nhất để đối lập với cổ điển - đó là cho phép sự ghi nhận dồi dào hầu như là vô tận. Các mẫu điêu khắc trang trí tỉ mỉ và nhiều vô kể của nó cung cấp những phương tiện biểu đạt, theo cả nghĩa cụ thể hoặc tượng trưng, tất tật những gì cần biết về tình cảm hay thành tựu của dân tộc. Quả thật, có nhiều trang trí hơn mức cần thiết thông thường để có thể mang lấy tính cách cao cả như vậy; và nhiều thứ, ngay cả trong những giai đoạn nhiều suy tư nhất, được bỏ lại cho tự do tưởng tượng, hoặc chỉ bao gồm sự lặp lại đơn thuần của một vài biểu tượng hay dấu hiệu của dân tộc. Tuy vậy, nhìn chung là thiếu khôn ngoan, ngay cả trong việc thuần túy trang trí bề mặt, khi từ bỏ sức mạnh và đặc quyền của sự đa dạng mà tinh thần kiến trúc Gothic cho phép; đặc biệt là trong các hình tượng quan trọng-– các đầu cột hay ụ nổi, các chuỗi diềm tường, đương nhiên cũng như tất cả các phù điêu được công nhận. Các tác phẩm thô sơ nhất kể được một câu chuyện hay ghi nhận một sự thật thì tốt hơn là thật phong phú mà không có nghĩa. Không nên có một họa tiết trang trí nào được đặt trên các tòa nhà dân dụng lớn, mà không mang một ý định trí tuệ nào đó. Trình hiện sự thực của lịch sử trong thời hiện đại đã bị cản trở bởi một khó khăn, quả thật rất hóc búa, nhưng kiên định: đó là việc không thể làm chủ được y phục; tuy nhiên, bằng cách xử lý đủ táo bạo theo lối tưởng tượng, và sử dụng cách thành thực các biểu tượng, tất tật những trở ngại như thế có thể chế ngự được; có lẽ không đến mức nhất thiết phải làm cho tác phẩm điêu khắc được trọn vẹn vì chính bản thân nó, nhưng dù sao đi nữa cũng phải biến nó thành một yếu tố lớn và có nghĩa trong tổ hợp kiến trúc. Chẳng hạn, hãy xem việc xử lý các đầu cột của Dinh Tổng trấn ở Venice. Lịch sử, theo nghĩa đen, thực sự được giao phó cho các họa sĩ vẽ nội thất của nó, nhưng mỗi đầu cột của các vòm ở đó đều chứa đầy ý nghĩa. Đầu cột góc chính, mang nét chủ đạo của toàn thể, ở bên cạnh lối vào, được dành để tượng trưng cho Công lý Trừu tượng; bên trên là một tác phẩm điêu khắc về Phán quyết của Solomon, đáng chú ý bởi sự khuất phục tuyệt đẹp trong cách xử lý mục đích trang trí của nó. Các hình tượng, nếu như chủ đề được hợp thành hoàn toàn bởi chúng, hẳn phải vụng về làm gián đoạn đường vuông góc, và khiến giảm đi độ mạnh rõ rệt của nó; bởi vậy ở giữa các hình tượng, hoàn toàn không liên quan đến chúng, và quả thật đúng là chắn giữa đao phủ và người mẹ đang can thiệp, xuất hiện đoạn thân của một cây lớn, nâng đỡ và tiếp tục dáng nhọn của góc, những cái lá của nó bên trên che bóng và làm phong phú cho toàn thể. Đầu cột bên dưới mang trong bộ lá của nó hình tượng ngai vàng của Công lý, Trajan đang thực thi công lý cho góa phụ, Aristotle “che die legge”, và một hoặc hai chủ đề khác giờ đây không thể lý giải vì đã bị bào mòn. Các đầu cột kế tiếp theo thứ tự đại diện cho các đức hạnh và các thói xấu tương ứng, như là sự bảo tồn hoặc phá hoại hòa bình và sức mạnh dân tộc, kết thúc bằng Đức tin, với dòng chữ “Fides optima in Deo est.” Một hình tượng có thể trông thấy được ở mặt sau đầu cột, đang thờ lạy mặt trời. Sau đó, một hoặc hai đầu cột được trang trí phóng túng bởi các loài chim (Hình V)1, và rồi đến một loạt trình hiện, đầu tiên là nhiều loại hoa quả khác nhau, sau đó là loài vật ở các vùng đất khác nhau chịu sự thống trị của Venice.

VIII. Giờ thì, không nói đến công trình công cộng quan trọng nào khác, hãy tưởng tượng India House của chúng ta được trang hoàng theo cách này, bằng tác phẩm điêu khắc mang tính lịch sử hoặc tượng trưng: được xây dựng thật đồ sộ ngay từ đầu; sau đó gắn lên phù điêu về các trận chiến ở Ấn Độ, trang trí với những chạm khắc hoa lá phương Đông, hoặc khảm bằng những loại đá của phương Đông; và các thành phần quan trọng hơn cả trong họa tiết tạo bởi cuộc sống và cảnh vật ở Ấn Độ, và thể hiện nổi bật những ảo ảnh thờ phụng của người Hindu trong sự khuất phục của chúng trước Thập tự. Một tác phẩm như thế sẽ chẳng tốt hơn cả nghìn sự kiện lịch sử sao? Tuy nhiên, nếu chúng ta không có sự sáng tạo thiết yếu trong những nỗ lực như vậy, hoặc giả, có lẽ là một trong những lời bào chữa nhã nhặn nhất chúng ta có thể đưa ra cho sự thiếu sót trong những vấn đề như thế, chúng ta ít muốn nói về bản thân mình, kể cả bằng cẩm thạch, hơn các dân tộc của Lục địa, thì ít nhất chúng ta cũng không có cớ gì mà không lưu ý đến những mục tiêu nhằm bảo đảm độ bền của tòa nhà. Và vì câu hỏi này vô cùng thú vị trong mối quan hệ của nó với việc lựa chọn các phương thức trang trí khác nhau, nhất thiết phải đi sâu vào đó.

IX. Những sự quan tâm và mục đích của con người trong quần chúng hướng đến lòng nhân từ có thể xem là hiếm khi vượt quá thế hệ của họ. Họ có thể trông chờ vào hậu thế với tư cách khán giả, có thể hy vọng vào sự chú ý và nỗ lực vì sự tán tụng của nó: họ có thể đặt niềm tin vào sự công nhận của hậu thế cho các công lao chưa được thừa nhận, và đòi hỏi công lý hậu thế cho những nhầm lẫn đương thời. Nhưng tất cả những thứ này chỉ là ích kỷ, và không hề bao hàm sự chú ý nhỏ nhất, hay cân nhắc, đến sự quan tâm của những người, bởi số lượng của họ chúng ta sẽ bằng lòng làm phình rộng vòng tròn những kẻ xu nịnh chúng ta, bởi thẩm quyền của họ chúng ta sẵn sàng khuyến khích các yêu sách gây tranh cãi hiện tại. Ý tưởng về việc tự chối bỏ mình vì lợi ích của hậu thế, tiết kiệm trong hiện tại vì ích lợi những kẻ mắc nợ vẫn chưa chào đời, trồng rừng để con cháu có thể sống dưới bóng mát, hay dựng lên các thành phố cho quốc gia tương lai sinh sống, tôi cho rằng, không bao giờ có thể xảy ra cách hiệu quả giữa những động cơ được thừa nhận công khai cho sự nỗ lực. Tuy nhiên đây chẳng hề không phải là nhiệm vụ của chúng ta; cũng chẳng phải là vai trò mà chúng ta không cần duy trì cách thỏa đáng trên trái đất, trừ phi phạm vi hữu ích có dụng ý và được cân nhắc kỹ càng của chúng ta bao gồm không chỉ những đồng sự, mà còn cả những người kế nhiệm, trong kiếp sống của chúng ta. Chúa đã cho chúng ta mượn trái đất để sống; đó là một di sản lớn. Nó còn thuộc về những người đến sau, những người mà cái tên cũng đã được viết trong sách sáng thế, cùng mức thuộc về chúng ta; và chúng ta không có quyền, bằng bất cứ việc gì chúng ta làm hay sao lãng, khiến họ phải chịu các hình phạt không cần thiết, hay tước đi khỏi họ những lợi ích mà trong quyền hạn chúng ta có thể để lại. Và điều này, bởi đây là một trong những điều kiện được đặt ra cho sự lao động của con người, tỉ lệ thuận với thời gian giữa gieo và gặt, khiến hoa trái thêm viên mãn; và bởi vậy, nhìn chung, chúng ta càng đặt mục tiêu xa hơn, càng ít ham muốn tự làm nhân chứng cho những gì chúng ta đã nhọc công, thì thước đo thành quả của chúng ta càng rộng và phong phú hơn. Con người không thể làm lợi cho những người ở bên cạnh mình bằng như làm lợi cho những người đến sau; và trên các bục giảng mà giọng nói con người từng phát ra, chẳng từ đâu mà giọng ấy vươn xa như từ nấm mồ.

X. Quả thật, cũng không hề có bất kỳ tổn thất nào cho hiện tại, theo khía cạnh ấy, khi hành động vì tương lai. Mọi hành động của con người đều có được sự kính trọng, ân sủng, tất tật mọi vẻ tráng lệ đích thực, bởi mối liên hệ với những điều sắp đến. Chính tầm nhìn xa, sự kiên nhẫn thầm lặng và cả quyết, trên hết mọi đặc tính khác, đã tách con người khỏi con người, và đưa anh ta lên gần Đấng Tạo Hóa của mình; và chẳng có hành động hay nghệ thuật nào mà sự uy nghiêm không thể đo đếm được bởi việc kiểm chứng này. Vì thế, khi xây dựng, hãy nghĩ rằng chúng ta xây dựng cho muôn đời. Đừng để nó diễn ra chỉ như niềm vui hiện tại, cũng như chỉ sử dụng cho hiện tại; hãy để nó trở thành công việc mà con cháu chúng ta sẽ vì vậy mà biết ơn, và hãy nghĩ, khi chúng ta đặt đá chồng lên đá, rằng sẽ đến một lúc nào đó những hòn đá ấy được coi là thiêng liêng vì bàn tay ta đã chạm vào, và rằng con người sẽ nói khi nhìn vào thành quả lao động và thực thể đã được tạo nên bởi chúng, “Nhìn xem! Ông cha đã làm điều này cho chúng ta.” Bởi vì, quả thật, vinh quang lớn nhất của một công trình không nằm ở những tảng đá, hay vàng ròng của nó. Vinh quang thuộc về Tuổi của nó, bởi đó chúng ta cảm nhận được ý nghĩa sâu thẳm của tiếng nói, của sự quan sát nghiêm cẩn, của sự đồng cảm bí ẩn, không, của cả sự chấp thuận hay kết án nữa, nơi các bức tường từ lâu bị xói mòn bởi những đợt sóng nhân loại lướt qua. Chính trong sự làm chứng bền bỉ của chúng trước con người, trong sự tương phản lặng lẽ của chúng với bản tính chuyển tiếp của mọi thứ, trong sức mạnh, cái, qua sự trôi đi của các mùa và các thời, và sự suy tàn hay khởi sinh các triều đại, và sự thay đổi của bề mặt trái đất, độ bao phủ của biển, duy trì hình dạng được khắc lên chúng trong một quãng thời gian không thể vượt qua, nối liền các thời đại lãng quên kế tiếp nhau, và phần nào tạo nên bản sắc, khi nó được dồn tụ sự đồng cảm, của các dân tộc; chính trong vệt vàng của thời gian mà chúng ta phải tìm kiếm ánh sáng đích thực, cùng màu sắc, và sự quý giá của kiến trúc; và chỉ đến khi nào một tòa nhà được xem là có đặc điểm này, khi nào nó được trao tặng danh tiếng, được tôn vinh bởi những việc làm của con người, khi nào những bức tường của nó là nhân chứng của đau khổ, và những cột trụ của nó vươn lên từ bóng tối của cái chết, thì sự tồn tại của nó, lâu dài hơn cả các vật thể tự nhiên của thế giới xung quanh nó, mới có thể được ban cho thứ ngôn ngữ và sự sống mà chúng vốn sở hữu.

XI. Vậy thì, vì thời đại ấy, chúng ta phải xây dựng; thực vậy, không khước từ niềm vui của sự hoàn thiện hiện tại, cũng không do dự theo đuổi những phần nhỏ đặc điểm có thể phụ thuộc vào sự tinh tế của việc thể hiện đến mức tuyệt hảo mà chúng có thể, dẫu chúng ta có lẽ biết rằng theo thời gian, những chi tiết như thế sẽ bị hủy hoại; nhưng phải cẩn thận để công việc kiểu này không buộc phải hy sinh phẩm chất vĩnh viễn, và để tòa nhà không phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì dễ bị hủy hoại để tạo được ấn tượng. Điều này, quả thật, là luật cho sự cấu thành tốt trong bất kỳ trường hợp nào, việc sắp đặt các khối lớn luôn luôn là một vấn đề có tầm quan trọng lớn hơn việc đối xử với những thứ nhỏ; nhưng trong kiến trúc có nhiều điều mà bản thân cách xử lý ấy là khéo hay vụng thì tỉ lệ thuận với sự cân nhắc đúng đắn của nó về các tác động khả dĩ của thời gian: và (điều này vẫn cần được xem xét nhiều hơn) có một vẻ đẹp trong chính bản thân những hiệu ứng đó, những thứ mà không gì khác có thể thay thế, và sự khôn ngoan của chúng ta quan tâm và mong muốn. Mặc dù, cho đến lúc này, chúng ta mới chỉ nói về tình cảm đối với tuổi, có một vẻ đẹp đúng nghĩa trong các dấu vết của nó, tuyệt đến mức chẳng phải là không thường xuyên trở thành chủ đề được lựa chọn đặc biệt trong một số trường phái nghệ thuật, và đã in sâu lên các trường phái ấy một đặc tính thường xuyên được diễn đạt lỏng lẻo bằng từ “hoa mỹ” [picturesque, cũng có nghĩa là đẹp như tranh]. Có một tầm quan trọng nào đó trong mục đích hiện tại của chúng tôi khi xác định nghĩa đúng của cách diễn đạt này, như cách mà giờ đây nó thường được sử dụng; bởi vì có một nguyên tắc cần được phát triển từ cách sử dụng ấy, mặc dù nó vẫn luôn là cơ sở cho nhiều điều đúng đắn và xác đáng trong nhận xét của chúng ta về nghệ thuật, cho đến nay lại chưa bao giờ được hiểu ở mức hữu ích một cách chắc chắn. Có lẽ không từ nào trong ngôn ngữ (ngoại trừ những diễn đạt thuộc về thần học) là chủ đề tranh luận rất thường xuyên hoặc kèo dài như vậy; tuy thế lại không có gì mơ hồ hơn trong sự thừa nhận ấy, và đối với tôi dường như chẳng phải là vấn đề nhỏ khi xem xét bản chất của một ý mà tất tật đều cảm thấy, và (bề ngoài có vẻ) liên quan đến những điều tương tự, dẫu vậy mọi nỗ lực định nghĩa đều, tôi tin là vậy, kết thúc bằng việc chỉ đơn thuần liệt kê các hiệu ứng và đối tượng mà từ này bị gắn vào, hoặc bằng những nỗ lực trừu tượng hóa rõ ràng còn vô dụng hơn bất kỳ nỗ lực nào đã gây hổ thẹn cho cuộc thăm dò siêu hình về các chủ đề khác. Chẳng hạn, một nhà phê bình gần đây trên tờ Nghệ thuật đã trịnh trọng đưa ra lý thuyết rằng bản chất của sự hoa mỹ cốt ở việc thể hiện “sự suy tàn phổ quát”. Thật thú vị khi thấy kết quả của một nỗ lực minh họa cho ý tưởng này về vẻ đẹp, trong một bức tranh vẽ những bông hoa héo và quả thối, và cũng thú vị cùng mức ấy khi lần theo bất kỳ lý lẽ nào, dựa trên một lý thuyết kiểu như vậy, giải thích rằng vẻ hoa mỹ nơi một con lừa non thì trái ngược với một con ngựa non. Nhưng có nhiều lý do để bào chữa cho ngay cả những thất bại thảm hại trong lý luận kiểu như vậy, vì chủ đề này thực sự là một trong các chủ đề tối nghĩa nhất mà lý trí con người có thể trình bày rõ ràng; và bản thân quan niệm này lại khác nhau trong tâm trí những người khác nhau, tùy theo đối tượng nghiên cứu của họ, thành thử không thể mong đợi một định nghĩa nào đó có thể bao hàm nhiều hơn một số lượng nhất định các hình thức vô cùng đa dạng của nó.

XII. Tuy nhiên, tính chất riêng biệt đó, thứ phân biệt sự hoa mỹ khỏi những đặc tính của chủ thể thuộc về các lĩnh vực nghệ thuật cao hơn (và đây là tất cả những gì cần thiết phải xác định cho mục đích hiện tại của chúng ta), có thể được diễn đạt ngắn gọn và dứt khoát. Tính hoa mỹ, theo nghĩa này, là cái Siêu việt Ký sinh. Đương nhiên, mọi sự siêu việt, theo nghĩa từ nguyên đơn giản, đều đẹp như tranh, nghĩa là, phù hợp để trở thành chủ thể của một bức tranh; và mọi sự siêu việt, ngay cả theo nghĩa đặc biệt mà tôi đang cố gắng phát triển, thì hoa mỹ, theo nghĩa trái ngược với đẹp; nói cách khác, có nhiều tính hoa mỹ trong tác phẩm của Michael Angelo hơn của Perugino, tương ứng với sự thịnh hành của yếu tố siêu việt so với cái đẹp. Nhưng đặc điểm ấy, mà sự theo đuổi cùng kiệt thường được xem là hạ thấp nghệ thuật, là sự siêu việt ký sinh; tức là, một sự siêu việt phụ thuộc vào các sự cố, hoặc ít nhất phụ thuộc vào các đặc điểm chỉ là thứ yếu, của những chủ thể mà nó thuộc về; và sự hoa mỹ được phát triển hoàn toàn chính xác theo tỉ lệ thuận với khoảng cách từ trọng tâm của suy nghĩ đến những đặc điểm mà ở đó sự siêu việt được tìm thấy. Bởi vậy, hai ý niệm này là thiết yếu đối với tính hoa mỹ - thứ nhất, phải có tính siêu việt (vì vẻ đẹp thuần túy thì không hề hoa mỹ, và chỉ trở nên như thế khi yếu tố siêu việt hòa trộn vào nó), và thứ hai, vị trí mà sự siêu việt ấy ký sinh hoặc phụ thuộc vào. Bởi vậy, lẽ đương nhiên, bất kỳ đặc điểm nào của đường nét hay sắc độ hay biểu cảm tạo nên tính siêu việt, sẽ tạo ra tính hoa mỹ; tôi sẽ cố gắng trình bày chi tiết những đặc điểm này sau đây; nhưng, trong số những đặc điểm được thừa nhận rộng rãi, tôi có thể kể đến các góc cạnh hoặc các đường đứt đoạn, sự đối lập mạnh mẽ của sáng và tối, và màu sắc nghiêm trang, sâu lắng, hoặc tương phản táo bạo; và toàn bộ những điều này còn đạt đến độ hiệu quả cao hơn nữa, khi, thông qua sự tương đồng hoặc liên tưởng, chúng nhắc nhở ta về những tồn tại có tính siêu việt đích thực và cốt yếu, như đá hoặc núi, mây hoặc sóng. Giờ thì nếu như những đặc điểm này, hay bất kỳ đặc điểm nào khác mang tính siêu việt cao hơn và trừu tượng hơn, được tìm thấy trong chính tâm hồn và bản thể của thứ mà chúng ta ngắm nhìn, giống như tính siêu việt nơi Michael Angelo phụ thuộc vào sự thể hiện đặc điểm tinh thần trong các hình tượng của ông thì hơn rất nhiều vào các đường nét cao quý trong sự sắp đặt chúng, thì nghệ thuật thể hiện các đặc điểm như vậy không thể được gọi chính xác là sự hoa mỹ: nhưng, nếu chúng được tìm thấy trong những phẩm chất ngẫu nhiên hoặc ở bề ngoài, thì kết quả sẽ là nét hoa mỹ đặc biệt.

XIII. Do đó, trong cách xử lý các đặc điểm trên khuôn mặt con người của Francia hay Angelico, mảng tối chỉ được dùng để làm cho đường viền của các hình tượng được cảm nhận trọn vẹn; và tâm trí của người quan sát chỉ hướng đến duy nhất bản thân các hình tượng ấy (nghĩa là, hướng đến các đặc điểm cốt yếu của sự vật được thể hiện). Tất tật sức mạnh và tất tật siêu việt nằm ở những chi tiết ấy; mảng tối chỉ được sử dụng để phục vụ cho hình. Ngược lại, với Rembrandt, Salvator, hay Caravaggio, hình được dùng để phục vụ cho mảng tối; và sự chú ý được hướng vào đó, tài năng của họa sĩ nhắm vào các đặc điểm được tạo bởi mảng sáng và tối ngẫu nhiên vắt lên hay viền xung quanh các hình đó. Trong trường hợp của Rembrandt hơn nữa thường có một sự siêu việt cốt yếu trong sáng tạo và biểu đạt, và luôn luôn có một mức rất cao trong mảng sáng và tối của bản thân nó; nhưng phần lớn sự siêu việt ký sinh hoặc được lồng ghép có liên quan đến chủ đề của bức tranh, và bởi vậy đem lại sự hoa mỹ.

XIV. Một lần nữa, trong sự sắp đặt các tác phẩm điêu khắc của điện Parthenon, mảng tối thường được dùng như một nền tối mà trên đó các hình dạng được vẽ ra. Trường hợp này có thể thấy rõ nơi các metope, và hẳn là cũng gần như vậy ở phần pediment. Nhưng việc sử dụng mảng tối ở đó hoàn toàn là để thể hiện đường viền các hình; và chính các nét của chúng, chứ không phải hình dạng của mảng tối phía sau, mà nghệ thuật và con mắt hướng đến. Bản thân các hình tượng được làm rõ nhiều nhất có thể trong ánh sáng đủ, được hỗ trợ bởi phản quang; chúng được vẽ chính xác như, trên bình hoa, các hình tượng trắng nổi lên trên nền tối: và điêu khắc gia đã loại bỏ, hay thậm chí đấu tranh để tránh đi, tất tật các mảng tối không cần thiết để làm rõ hình dạng. Ngược lại, trong điêu khắc Gothic, bản thân mảng tối trở thành chủ đề suy tư. Nó được xem như một màu tối, được sắp xếp thành một số khối dễ chịu; thậm chí các hình tượng rất thường xuyên được tạo ra phụ thuộc vào vị trí các bộ phận của chúng: trang phục của chúng được làm phong phú hơn bằng cách hy sinh các hình dạng bên dưới, để tăng thêm vẻ phức tạp và đa dạng của các điểm trong mảng tối. Bởi vậy, cả trong điêu khắc và hội họa, có hai trường phái, ở một mức độ nào đó, đối lập nhau, trong đó một trường phái hướng về chủ đề với hình dạng cốt yếu của các sự vật, và trường phái còn lại với sáng và tối chúng thể hiện. Có nhiều mức khác nhau trong sự đối lập ấy: các mảng trung gian, như trong tác phẩm của Correggio, và tất tật các mức độ của cao quý và thấp kém theo rất nhiều cách thức: nhưng trường phái này thì luôn được công nhận là thuần khiết, và cái còn lại là trường phái hoa mỹ. Những gì được xử lý hoa mỹ sẽ được tìm thấy nơi tác phẩm Hy Lạp cổ đại, còn thuần khiết và không hoa mỹ tìm thấy trong Gothic; và ở cả hai đều có vô số các ví dụ, nổi bật nhất là các tác phẩm của Michael Angelo, trong đó mảng tối trở nên có giá trị như phương tiện biểu đạt, và bởi vậy được xếp vào những đặc điểm cốt yếu. Với vô số những ví dụ ngoại lệ và xuất chúng này tôi không thể đi sâu vào ngay được, chỉ muốn chỉ ra tính ứng dụng rộng rãi của định nghĩa chung.

XV. Một lần nữa, sự khác biệt sẽ được tìm thấy, không chỉ giữa các hình dáng và sắc độ như là đối tượng được lựa chọn, mà còn giữa những hình dạng cốt yếu và thứ yếu. Một trong những sự khác biệt chính yếu giữa hai trường phái điêu khắc kịch tính và hoa mỹ nằm ở cách xử lý tóc. Với các nghệ sĩ thời Pericles nó bị xem là phần thừa, chỉ hiển thị bằng ít nét sơ phác, và chỉ là phần phụ thuộc trong các chi tiết thể hiện tính chất của hình tượng và con người. Chẳng cần phải chứng minh đây hoàn toàn là một ý tưởng mỹ thuật, không phải một quan niệm của dân tộc. Chúng ta chỉ cần nhớ lại sự dùng người của Lacedæmone [Sparta], được gián điệp Ba Tư báo cáo vào buổi tối trước trận Thermopylæ, hoặc liếc qua bất kỳ mô tả nào của Homer về hình dáng lý tưởng, để thấy rằng vẻ đẹp điêu khắc thuần túy đã tuân theo quy tắc giảm thiểu việc thể hiện tóc, bởi e rằng, do những bất lợi đặc trưng của chất liệu, chúng sẽ can thiệp vào sự sáng rõ của các hình thức riêng biệt. Ngược lại, trong điêu khắc sau này, tóc gần như nhận được sự quan tâm hàng đầu của người thợ; và trong khi các nét mặt và chân tay được thể hiện vụng về và thô thiển, mái tóc lại uốn lượn và xoăn, tỉa thành những mảng lồi dày và đổ bóng, được sắp xếp thành những khối họa tiết trau chuốt: có sự siêu việt đích thực trong đường nét và sự phối hợp sáng tối của các khối này, nhưng nó lại, về mặt diễn tả đối tượng, là phần ký sinh, và bởi vậy mà hoa mỹ. Theo cùng nghĩa ấy chúng ta có thể hiểu ứng dụng của thuật ngữ này trong tranh vẽ động vật hiện nay, được phân biệt bởi sự chú ý đặc biệt đến màu sắc, độ láng, và bề mặt của da; và định nghĩa này cũng đứng vững không chỉ trong nghệ thuật. Ở bản thân con vật, khi sự siêu việt của chúng phụ thuộc vào hình dáng hay chuyển động của cơ bắp, hoặc các thuộc tính chủ đạo và cốt yếu, và có lẽ ở loài ngựa thì nhiều hơn cả, chúng ta không gọi chúng là hoa mỹ, mà xem chúng là đặc biệt phù hợp để đưa vào chủ đề thuần túy mang tính lịch sử. Đúng theo tỉ lệ mà các đặc điểm của sự siêu việt nơi chúng chuyển thành các ụ lồi; - thành bờm và râu như ở sư tử, sừng của hươu, bộ da sần sùi của lừa non, những mảng màu trắng đen của ngựa vằn, hay lông vũ - chúng trở nên hoa mỹ, và như thế trong nghệ thuật thì tương ứng với sự nổi lên nơi đặc điểm các ụ lồi này. Có lẽ tiện nhất là làm chúng nổi bật lên; thường xuyên ở chúng thể hiện độ uy nghiêm cao nhất, như những nét của báo và lợn rừng; và trong tay những người như Tintoret và Rubens, các đặc tính ấy trở thành phương tiện để làm sâu sắc thêm những ấn tượng cao cả và lý tưởng nhất. Nhưng sự hướng đến hoa mỹ trong suy nghĩ của họ luôn luôn dễ nhận biết được cách rõ rệt, giống như bám vào bề mặt, vào các đặc điểm thứ yếu, và phát triển từ đó một sự siêu việt khác với sự siêu việt nơi bản thân sự vật; một nét siêu việt, theo một cách nào đó, là chung cho tất cả các đối tượng của sáng tạo, và giống nhau trong các yếu tố cấu tạo nên chúng, cho dù nó được tìm thấy nơi các hốc và nếp gấp của mái tóc bờm xờm, nơi các kẽ nứt và khe hở của đá, trong sự rủ xuống nơi các bụi cây hay sườn đồi, trong sự thay đổi của vẻ vui tươi và u ám nơi sự đa dạng màu sắc của vỏ sò, lông vũ, hay các đám mây.

XVI. Bây giờ, hãy quay lại với chủ đề trực tiếp của chúng ta, tình cờ là, trong kiến trúc, vẻ đẹp được đưa thêm vào và mang tính ngẫu nhiên thì hầu như mâu thuẫn với việc bảo tồn bản sắc ban đầu, và sự hoa mỹ bởi vậy được tìm thấy trong tàn tích, và được cho là cốt ở sự đổ nát. Nhưng trái lại, ngay cả khi được tìm thấy như vậy, nó lại nằm ở chính sự siêu việt thuần túy của những khe hở, hay kẽ nứt, vệt ố, cây cỏ, những thứ đồng hóa kiến trúc với công việc của Tự nhiên, và ban tặng cho nó những cảnh huống của màu sắc và hình dạng mà con mắt loài người đồng loạt yêu mến. Cho đến khi điều này được hoàn thành, khi đã hoàn toàn tiêu hủy các đặc điểm đúng của kiến trúc, nó trở nên hoa mỹ, và nghệ sĩ, nhìn vào thân cây thường xuân thay vì các thân cột, đang thực hiện trong sự tự do táo bạo hơn việc lựa chọn nhỏ nhặt của điêu khắc gia với mái tóc thay vì nét mặt. Nhưng trong chừng mực việc ấy có thể được thể hiện theo cách phù hợp với đặc tính vốn có, sự siêu việt hoa mỹ hay xa lạ của kiến trúc thể hiện rõ chức năng cao quý này hơn bất kỳ đối tượng nào khác, đó là một biểu hiện của tuổi, của thứ mà, như đã nói, là cốt lõi vinh quang lớn nhất của một tòa nhà; và, bởi vậy, các dấu hiệu bề ngoài của vinh quang này, có sức mạnh và mục đích lớn hơn bất kỳ thứ gì thuộc về vẻ đẹp thuần túy là dễ cảm thấy của chúng, có thể được xếp vào hạng những đặc điểm thuần và cốt yếu; vô cùng là cốt yếu đối với tôi, thành thử tôi nghĩ rằng một tòa nhà không thể được xem là đạt đến thời huy hoàng của nó cho đến khi bốn hay năm thế kỷ đi qua nó; và toàn bộ sự lựa chọn và sắp đặt các chi tiết của nó phải có liên hệ với diện mạo của chúng sau thời kỳ ấy, để không có chi tiết nào được chấp nhận lại bị hư hại về mặt vật chất do thời tiết tác động, cũng như bởi sự thoái hóa về mặt cơ học mà sự suy tàn của một thời kỳ bắt buộc phải có.

XVII. Tôi không có ý định đi sâu vào bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc này. Chúng mang tầm quan trọng và sự phức tạp quá lớn để có thể chạm đến trong phạm vi hiện tại của tôi, nhưng một điều cần lưu ý, đó là những phong cách kiến trúc hoa mỹ theo nghĩa đã giải thích ở trên có liên quan đến điêu khắc, nghĩa là, mang phong cách trang trí phụ thuộc vào cách sắp xếp các điểm đổ bóng hơn là những nét đơn thuần, thì không chịu tổn thất, mà thường đạt được sự dồi dào của hiệu ứng khi các chi tiết của chúng phần nào bị bào mòn; bởi vậy mà những phong cách ấy, đặc biệt là Gothic Pháp, luôn nên áp dụng khi vật liệu được sử dụng dễ bị xuống cấp, chẳng hạn như gạch nung, sa thạch, hay đá vôi; và các những phong cách ít nhiều phụ thuộc vào đường nét thuần túy, chẳng hạn Gothic Ý, phải được thực hành hoàn toàn trên những vật liệt cứng và không phân hủy, đá hoa cương hay cẩm thạch. Rõ ràng là đặc tính của các vật liệu dễ tiếp cận đã ảnh hưởng đến sự hình thành của cả hai phong cách; và thậm chí chúng còn định đoạt với nhiều uy quyền hơn là lựa chọn của chúng ta đối với cả hai.

XVIII. Việc xem xét kỹ lưỡng nhiệm vụ ngoại đề nêu ở trên không nằm trong dự định của tôi lúc này; việc bảo tồn kiến trúc mà chúng ta sở hữu: ngoài vài lời ngắn gọn có thể được miễn thứ, là đặc biệt cần thiết trong thời hiện đại. Cả công chúng cũng như những người chăm sóc các di tích công cộng đều không hiểu được ý nghĩa đích thực của từ khôi phục. Nó có nghĩa là sự tàn phá cùng kiệt mà một công trình có thể phải chịu: một sự tàn phá mà không dấu vết nào còn sót lại có thể thu thập được; một sự tàn phá đi kèm với mô tả sai lệch về thứ bị tiêu hủy. Chúng ta hãy đừng tự dối mình trong vấn đề hệ trọng này; không thể, giống như làm người chết sống lại, khôi phục bất cứ thứ gì từng vĩ đại hay tuyệt đẹp trong kiến trúc. Điều mà tôi đã nhấn mạnh ở trên giống như là sự sống của cái toàn thể, tinh thần ấy chỉ được trao bởi bàn tay và con mắt của người thợ, không bao giờ có thể được gọi về. Một tinh thần khác có thể được trao bởi một thời đại khác, và khi ấy nó là một công trình mới; nhưng tinh thần của người thợ đã chết thì không thể được triệu hồi, và ra lệnh chỉ đạo những bàn tay khác, những suy nghĩ khác. Và đối với việc sao chép đơn thuần và trực tiếp, chắc chắn là không thể. Làm thế nào có thể sao chép lại các bề mặt đã bị ăn mòn nửa phân? Toàn bộ sự hoàn thiện của tác phẩm nằm ở nửa phân đã mất đi ấy; nếu cố gắng khôi phục lại lớp đã mất đi ấy, bạn sẽ thực hiện lối ước đoán; nếu bạn sao chép những gì còn lại, cứ cho là có thể làm một cách trung thực nhất (và sự chăm sóc, canh chừng, hay mức phí tổn nào có thể đảm bảo việc ấy?), thì cái mới tốt hơn cái cũ ở chỗ nào? Vẫn còn một sự sống nào đó nơi cái cũ, một khơi gợi bí ẩn nào đó về thứ đã từng tồn tại, và thứ đã mất đi; sự ngọt ngào nào đó trong những nét lịch duyệt mà mưa và nắng đã tạo ra. Chẳng có gì trong sự cứng nhắc thô thiển của tác phẩm chạm khắc mới. Hãy xem những con vật mà tôi đã trình bày trong hình XIV2, như một ví dụ về tác phẩm sống động, và giả sử những dấu vết của vảy và lông từng bị mòn đi, hay những nếp nhăn của lông mày, và ai sẽ khôi phục được chúng? Bước đầu tiên để khôi phục (tôi đã chứng kiến việc ấy, và vẫn được lặp đi lặp lại, chứng kiến việc ấy ở Casa d’Oro của Venice, ở Thánh đường Lisieux), là đập tan tác phẩm cũ thành từng mảnh; bước thứ hai thường là dựng lên bản mô phỏng rẻ tiền và đê tiện nhất có thể tránh khỏi bị phát hiện, nhưng trong mọi trường hợp, dù cẩn thận đến đâu và tốn công sức đến đâu, vẫn là một bản mô phỏng, một mô hình lạnh lẽo của những bộ phận như thế có thể được dựng lên, với các phần bổ sung mang tính ước đoán; và kinh nghiệm của tôi cho đến nay chỉ cung cấp cho tôi một trường hợp cá biệt, đó là Palais de Justice ở Rouen, ở đó ngay cả việc phục dựng này, ở mức độ tột cùng của sự trung thực khả dĩ, đã đạt được hay ít ra là cố sức nhắm đến.

XIX. Vậy nên chúng ta đừng nói về việc khôi phục nữa. Đó là Nói Dối từ đầu đến cuối. Bạn có thể tạo ra mô hình của một tòa nhà giống như bạn có thể tạo ra một xác chết, và mô hình của bạn có thể mang lớp vỏ của những bức tường cũ cũng như cái xác có bộ xương, với ưu điểm nào thì tôi chẳng thấy cũng chẳng quan tâm; nhưng tòa công trình cũ thì bị phá hủy, và điều đó còn trọn vẹn và tàn nhẫn hơn cả nếu như nó có bị chìm lấp dưới một đống bụi, hay chảy ra thành một ụ đất sét: có nhiều thứ thu thập được từ thành Nineveh hoang tàn hơn là từ thành Milan được phục dựng. Nhưng, người ta nói, có thể sẽ đến lúc việc khôi phục là điều bắt buộc. Cứ cho là như vậy. Hãy nhìn thẳng vào sự bắt buộc ấy, và hiểu theo đúng nghĩa của nó. Sự tàn phá là tất yếu. Hãy chấp nhận nó như thế, giật sập tòa nhà, ném những hòn đá bỏ đi của nó vào góc tường, biến thành đá dăm hay trộn vữa, tùy bạn; nhưng hãy làm một cách thành thực, và đừng dựng một lời Nói Dối lên trên chúng. Nhìn vào sự tất yếu ấy trước khi nó đến, và bạn có thể ngăn chặn nó. Nguyên tắc của thời hiện đại (một nguyên tắc mà tôi tin, ít nhất là ở Pháp, được các thợ nề thực hiện có hệ thống, để hiểu rõ công việc của mình, như khi tu viện St. Ouen bị các quan tòa của thị trấn kéo sập để tạo việc làm cho những kẻ lang thang), là trước hết bỏ mặc các tòa nhà, rồi sau đó khôi phục chúng. Hãy chăm sóc cẩn thận các di tích của bạn, và bạn sẽ không cần phải khôi phục chúng. Vài tấm chì phủ lên mái nhà đúng lúc, vài chiếc lá rụng và cành gãy được lấy ra khỏi máng nước đúng lúc, sẽ bảo vệ được cả mái lẫn tường khỏi bị hủy hoại. Hãy canh gác một tòa nhà cũ với sự chăm sóc cẩn trọng; trông chừng nó hết sức có thể, và bằng bất kỳ giá nào tránh mọi nguy cơ đổ nát. Hãy đếm những viên đá của nó như đếm ngọc trên một vương miện; cắt đặt người canh gác xung quanh nó như thể đang canh gác ở cổng một thành phố bị bao vây; buộc chặt nó lại bằng dây thép ở chỗ nào lỏng lẻo; gia cố bằng gỗ khối khi nó mục nát; đừng quan tâm đến vẻ xấu xí của sự viện trợ; vì mang một cái nạng thì tốt hơn là mất một chân; và hãy làm điều này một cách nhẹ nhàng, tôn kính, và liên tục, và nhiều thế hệ vẫn sẽ được sinh ra và chết đi dưới bóng của nó. Cái ngày tai họa của nó rốt cuộc cũng phải đến; nhưng hãy để nó đến một cách công khai và minh bạch, và đừng để bất kỳ sự thay thế giả vờ và kém cỏi nào tước đi khỏi nó những lễ nghi trong đám tang của ký ức.

XX. Nói thêm nữa về sự tàn phá bừa bãi hay ngu xuẩn là vô ích; lời tôi sẽ không chạm đến được kẻ gây ra chúng, nhưng dù có nghe hay không, tôi không được để cho sự thật bị che lấp, một lần nữa, việc chúng ta có bảo tồn các công trình của thời đã qua hay không thì chẳng phải là bởi đòi hỏi của sự thiết thực hay cảm xúc. Chúng ta không có bất kỳ quyền nào để động vào chúng. Chúng không phải là của chúng ta. Một phần chúng thuộc về những người đã xây dựng chúng, và một phần thuộc về tất tật mọi thế hệ con người sẽ nối tiếp chúng ta. Những người đã khuất vẫn có quyền của họ nơi chúng: những gì họ đã khổ công thực hiện, sự tán tụng dành cho thành tựu hay sự thể hiện của cảm xúc tôn giáo, hoặc bất kỳ thứ gì khác trong các công trình ấy mà họ dự định sẽ tồn tại vĩnh cửu, chúng ta không có quyền xóa bỏ. Những gì chúng ta tự xây dựng, chúng ta được tự do phá hủy; nhưng những gì người khác đã hiến sức lực, của cải, và cuộc sống để hoàn thành, quyền của họ đối với chúng không mất đi cùng với cái chết của họ; càng ít hơn nữa là quyền tận dụng những gì họ đã trao lại cho riêng chúng ta. Nó thuộc về tất tật những người kế thừa của họ. Sau này việc ấy có thể sẽ là một chủ đề buồn bã, hay một nguyên nhân gây tổn thương, cho hàng triệu người, việc chúng ta đã vì sự tiện dụng nhất thời của mình mà phá hủy những tòa nhà mà chúng ta chọn để loại bỏ. Nỗi buồn ấy, sự mất mát ấy chúng ta không có quyền gây ra. Nhà thờ Avranches có thuộc về đám đông đã phá hủy nó, nhiều hơn là thuộc về chúng ta, những kẻ buồn bã đi qua đi lại trên nền móng của nó không? Bất kỳ tòa nhà nào cũng không thuộc về những đám đông đã áp đặt bạo lực lên nó. Bởi vì một đám đông thì như thế, và luôn luôn là như thế; chẳng cứ là phải hóa rồ, hay trong tình trạng điên dại có suy xét; dù là trong đám đông không đếm xuể, hay đang ngồi trong các ủy ban; những kẻ phá hủy bất cứ điều gì một cách vô cớ đều là một bọn, và Kiến trúc thì luôn luôn bị phá hủy một cách vô cớ. Một tòa nhà đẹp thì đương nhiên xứng đáng với mặt đất nó đứng bên trên, và sẽ vẫn là như thế cho đến khi nào miền trung châu Phi và châu Mỹ trở nên đông đúc như Middlesex; đồng thời cũng chẳng có bất kỳ nguyên do nào hoàn toàn thỏa đáng để phá hủy chúng. Giả như có lúc nào thỏa đáng thì chắc chắn cũng chẳng phải lúc này khi mà vùng đất của cả quá khứ và tương lai đều bị lấn chiếm quá đáng trong tâm trí của chúng ta bởi thời hiện tại đầy bồn chồn và bất mãn. Sự tĩnh lặng tuyệt đối của tự nhiên đang dần rời xa chúng ta; hàng nghìn người từng, trong cuộc hành trình kéo dài không thể tránh khỏi của mình, là đối tượng cho những tác động, của bầu trời tĩnh lặng và những cánh đồng ngủ yên, mạnh hơn nhiều những gì đã biết hoặc thú nhận, giờ đây vẫn chịu đựng cơn sốt không ngừng của cuộc sống; và dọc theo các mạch thép đan trên khung đất nước, đập và chảy theo nhịp rừng rực những nỗ lực, nóng hơn và gấp gáp hơn từng giờ. Mọi sức sống đều tập trung qua động mạch rộn ràng dồn vào các thành phố trung tâm, vùng đất bị băng qua như một đại dương xanh bởi những cây cầu hẹp, và chúng ta bị ném trở lại những đám đông không ngừng ngột ngạt thêm tại cổng thành phố. Sự ảnh hưởng duy nhất tuyệt đối có thể thế chỗ cho ảnh hưởng của rừng và đồng ruộng, là uy quyền của Kiến trúc cổ đại. Đừng dành nó cho một quảng trường, hay lối đi có hàng rào và cây xanh, cả phố lớn hay bến cảng mở rộng cũng không. Niềm hãnh diện của một thành phố không nằm ở những thứ ấy. Hãy để chúng cho đám đông; nhưng nhớ rằng chắc chắn sẽ có những người bên trong vòng vây các bức tường đầy bất an kia muốn có những chỗ khác để đi dạo; để những hình dạng khác được trông thấy cách thân thuộc: giống như người thường xuyên ngồi ở nơi mặt trời rọi vào từ đằng Tây, để ngắm nhìn đường nét của mái vòm thành Florence vẽ lên nền trời sâu thẳm, hay để những người, thuộc Đoàn quân của ông ta, có thể chịu đựng hằng ngày để trông thấy, từ các phòng trong cung điện của họ, nơi cha ông họ yên nghỉ, tại chỗ giao nhau những phố tối tăm của Verona.


1 Plate V

2 Plate XIV, Sculpture from the Cathedral of Rouen

Công Hiện dịch

"qua các bộ môn nghệ thuật"

Âm nhạc ở giữa sử tính và tính cách cảm năng

Họa sĩ của cuộc sống hiện đại

Tình yêu và cái ác: Bazin nhìn Bunuel

Phê bình cơ thể (phần 1): Alain

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công