Jena cuối thế kỷ mười tám
Để tiếp tục chủ đề Phơi-ơ-tông: dựng lại lịch sử những pha kỳ diệu của vận động tinh thần thông qua các tờ tạp chí. Tiểu luận dưới đây được rút ra từ quyển sách ở kia (cũng tầm này cách đây ba năm, công việc dịch cho quyển sách ấy đã bắt đầu). Tên bài do chúng tôi đặt (các chú thích đã được lược bỏ để độc giả tập trung vào văn bản chính).
Jena cuối thế kỷ mười tám
- György Lukács
Bối cảnh là thế kỷ mười tám đang ngắc ngoải: thế kỷ của lý trí luận, của người bourgeois hiếu chiến đang trên đà thắng lợi và ý thức được sự thống trị của mình. Ở Paris, các lý thuyết gia mơ màng vẫn đang loay hoay với các khả thể của lý trí luận, dồn vào đó toàn bộ logic tàn nhẫn và khát máu của họ, nhưng ở các trường đại học Đức, hết cuốn sách này đến cuốn sách khác đã ra đời, hủy diệt niềm hy vọng ngạo nghễ của lý trí luận - hy vọng rằng không gì hoàn toàn nằm ngoài tầm với của lý trí. Napoléon và sự phản động của trí thức đã đến gần nhau tới đáng sợ; sau làn sóng vô chính phủ mới đang trên bờ vực sụp đổ, trật tự cũ lại một lần nữa ngóc đầu trở dậy.
Jena cuối thế kỷ mười tám. Một giai đoạn trong cuộc đời một vài con người, và đối với thế giới cũng chỉ có ý nghĩa mang tính giai đoạn. Khắp nơi trên trái đất, chiến trận vang rền, những vũ trụ từng oanh liệt đến thế đến hồi suy sụp. Trong khi đó, ở đây, trong một thị trấn nhỏ nước Đức, vài người trẻ tuổi bắt đầu tụ lại với nhau, toan tính tạo ra từ hỗn loạn tột cùng một văn hóa mới, một văn hóa thực sự phổ quát và hòa hợp. Họ lao vào công việc này với sự ngây thơ liều lĩnh không thể nào lý giải, dạng ngây thơ chỉ được ban cho những người mà hoạt động của ý thức đạt đến cường độ bệnh hoạn, và với những người này cũng chỉ cho một lý tưởng độc nhất trong đời, trong chỉ vài khoảnh khắc. Đó là vũ điệu trên miệng núi lửa tuôn trào, một giấc mơ sáng chói về cái bất khả; ký ức về nó vẫn sống trong tâm hồn người quan sát như một nghịch lý gây chóng mặt sau rất nhiều năm. Mặc cho sự phong phú của những gì họ đã mơ và đã gieo trồng, “vẫn có một điều gì đó thiếu lành mạnh về toàn bộ việc này”. Một tòa Babel tinh thần phải được dựng lên, dẫu nó chẳng có nền tảng nào ngoài không khí; nó nhất thiết phải sụp đổ, nhưng khi nó sụp, nhưng người xây nó cũng sụp theo.
1
Friedrich Schlegel từng viết rằng Cách mạng Pháp, thuyết khoa học của Fichte và Wilhelm Meister của Goethe là ba sự kiện lớn nhất thời đại. Bộ ba này thu nhiếp toàn bộ tinh thần bi kịch và sự vĩ đại của dòng Đức. Với nước Đức, chỉ có một con đường dẫn đến văn hóa: con đường nội giới, con đường cách mạng tinh thần; không người nào có thể nghiêm túc hình dung một cuộc cách mạng thực. Những kẻ được định để trở thành con người hành động hoặc phải úa tàn trong cô tịch hoặc phải phát động các viễn cảnh phi lai, chơi với các khả thể táo bạo của suy nghĩ; những người mà nếu ở bên kia sông Rhine sẽ trở thành các anh hùng bi kịch chỉ có thể, ở Đức, sống định mệnh của mình trong thơ. Nhận định của Schlegel, như vậy, tỏ ra sáng suốt và khách quan đáng ngạc nhiên nếu ta đánh giá đúng thời đại và bối cảnh; thậm chí đáng kinh ngạc là ông đặt Cách mạng Pháp cao đến thế, vì đối với tinh thần Đức, Fichte và Goethe mới là sự kiện thực, có ý nghĩa thực trong sự sống, trong khi ý nghĩa của Cách mạng thì hết sức mơ hồ. Bởi đã trở thành bất khả các tiến bộ và thay đổi thuộc về ngoại giới, năng lượng dồn hết vào bên trong; “đất của các nhà thơ và nhà tư tưởng” nhanh chóng vượt qua mọi nơi khác ở cả độ sâu, độ tinh tế và sức mạnh nội giới. Nhưng điều này chỉ càng làm tăng khoảng cách giữa đỉnh núi và vùng đất bằng bên dưới; dẫu những kẻ lên được đến đỉnh bị chóng mặt vì độ sâu vực thẳm, dẫu sự loãng của không khí Alpine gây khó thở cho họ, họ cũng chẳng thể làm gì - cuộc đi xuống đã thành bất khả: toàn bộ bình địa bên dưới đã thuộc về những thế kỷ xa xôi. Cũng bất khả không kém việc nâng những người sống ở đó lên cao để cuộc sống trên đỉnh núi bớt phần cô quạnh và nguy hiểm. Con đường duy nhất là con đường dẫn lên cao mãi - đợi họ chẳng có gì ngoài sự trải dài bất tận của cô độc rợn người.
Tất cả dường như tuột xích. Đỉnh nào cũng chỉ dẫn vào không gian rỗng. Lý trí luận, chính nó, cũng đã gây ra đủ nguy hiểm và phá hoại: nó đã truất ngôi mọi giá trị đang tồn tại, ít nhất là trên lý thuyết, và những ai còn đủ can đảm chống lại nó chẳng có gì dẫn đường ngoài những phản ứng rời rạc và hỗn loạn thuần tình cảm. Nhưng khi Kant xuất hiện, phá hủy kho vũ khí hiển hách của cả hai phe tham chiến thì dường như chẳng gì còn có thể áp đặt trật tự lên khối kiến thức mới ngày một đùn cao hay những vực sâu há hoác nữa.
Chỉ mình Goethe làm được điều đó. Nổi lên giữa đại dương hỗn loạn của vô vàn ý thức cá nhân ủ dột, mất cương, viễn kiến của ông về một cái ngã đạt đến độ tự ý thức bạo chúa là một đảo hoa rực rỡ. Khắp quanh ông, ý thức cá nhân đang đi tới chỗ suy tàn, đang trở thành một hỗn loạn các bản năng, một tầm thường đánh mất mình trong bùng nhùng những tâm trạng và chi tiết vô phương hướng, một cám dỗ bỏ cuộc rời rã, đáng thương hại; chỉ mình ông có thể tìm ra trật tự cho mình. Sức mạnh của ông nằm ở khả năng lặng lẽ chờ đợi cho tới khi vận may mang đến sự tựu thành cùng khả năng cự tuyệt - với sự bình thản lạnh lùng - tất cả những gì đối với ông vẩn lên mùi nguy hiểm. Nghệ thuật chiến đấu của ông không chấp nhận đem cái cốt yếu ra đánh cược, cũng không bao giờ cho phép hy sinh nó trong các thỏa hiệp và hiệp ước hòa bình. Trong các cuộc chinh phục của ông, mọi sa mạc được phát hiện đều lập tức biến thành vườn hoa dưới sức xuyên thấu của cái nhìn, và sự cự tuyệt của ông chỉ càng làm tăng sức mạnh cùng sự hòa hợp của toàn bộ gia tài ông đã chinh phục được.
Nhưng tất cả những sức mạnh khủng khiếp mà thế kỷ ấy đã cởi xích vẫn gầm gào trong ông; những lưỡi tầm sét ông phải viện đến để chế ngự các Titan cuồng loạn trong mình có lẽ còn ghê gớm hơn những kẻ sa chân xuống vực thẳm Tartarus chỉ vì thiếu thận trọng và tự chủ. Ông không hề trốn chạy các hiểm nguy - ông đối mặt chúng chỉ để nghiền nát chúng, lần lượt, dưới chân mình; ông chịu đựng mọi tra tấn của cô đơn nhưng luôn trong tư thế chuẩn bị để đứng một mình. Mọi vọng âm từ kẻ khác đối với ông đều gây kinh ngạc - một tình cờ hạnh phúc; nhưng cuộc đời ông là một tất yếu vĩ đại, nghiệt ngã và vinh quang, ở đó mọi sự cự tuyệt và từ bỏ phải làm tăng sức mạnh của toàn thể không kém gì những gia tài thêm vào.
Hẳn cách đúng nhất để nói về những người Lãng mạn buổi đầu là thuật lại thật chi tiết ý nghĩa của Goethe đối với từng người, ở từng khoảnh khắc cuộc đời họ. Ta sẽ thấy những vinh quang vang dội và bi kịch không lời, những hy vọng cao vời, phiêu lưu táo bạo cùng hành trình bất tận. Và ta sẽ nghe hai tiếng hét chiến trận hợp thành lời thệ độc nhất: phải bằng được ông! phải vượt qua ông!
2
Jena cuối thế kỷ mười tám. Vài trong số những con đường dốc nhất của những kẻ toan tính chinh phục đỉnh cao giao cắt ở đây trong khoảnh khắc; những kẻ đã luôn cô độc nhận ra - với nỗi ngất ngây vang động - rằng có những người cũng đang nghĩ cùng nhịp và tình cảm của họ cơ hồ cũng thuộc cùng hệ thống với mình. Sự khác nhau giữa những người này vượt quá giới hạn mọi hình dung, và việc nảy nở giữa họ một tình yêu mạnh tới mức xui họ tin rằng có thể, dẫu chỉ trong một thời gian ngắn, đồng hành trong cuộc leo dốc cô đơn nghe chẳng khác nào cổ tích.
Sự quần tụ này, dẫu trải khắp nước Đức, đã chẳng tạo ra được gì ngoài một salon văn chương lớn, mầm mống của một kiểu văn nhân mới mà nền tảng là xã hội. Ở đó tập hợp những tinh thần Đức độc lập và ngoan cường nhất. Từng người bọn họ leo con đường dài, khó nhọc của riêng mình để đến nơi cuối cùng cũng thấy được mặt trời và khung cảnh bao la; mỗi người chịu đựng mọi tra tấn của kẻ bị bỏ mặc trên sa mạc, đói khát văn hóa và sự bầu bạn tinh thần, chịu đựng nỗi đau bi thảm, ngây ngất của một ý thức cá nhân bị kéo căng tới cận kề đứt phựt. Họ cảm thấy con đường mình đi - con đường mà mỗi thế hệ trẻ của nước Đức chỉ vừa bừng tỉnh đã đi trước đó - chẳng dẫn tới đâu ngoài hư vô; và gần như đồng thời, họ thấy khả năng đi từ hư vô tới một điều gì đó, khả năng giải thoát mình khỏi tình trạng vô chính phủ của việc tồn tại chỉ với tư cách văn nhân - tình trạng mà bối cảnh ngoại giới đã áp đặt lên họ - và họ hăng hái lao mình vào sứ mệnh sáng tạo một nền văn hóa mới.
Không lâu trước đó, Goethe đã trở thành người đầu tiên hoàn thành được mục tiêu này. Có lẽ chính điều đó đã cứu thế hệ văn nhân mới khỏi sự kích động thường trực, vô hướng không ngừng ngốn ngấu và làm tiêu mòn năng lượng - thứ đã hủy hoại những con người vĩ đại nhất của nước Đức suốt nửa thế kỷ trước. Điều họ cố đạt đến, giờ đây chúng ta gọi là “văn hóa”, nhưng khi nó đứng trước mắt họ lần đầu như một mục tiêu có khả năng cứu chuộc, họ đã tìm cách nắm bắt nó bằng hàng nghìn công thức văn chương, cố đến gần nó bằng hàng nghìn cách khác nhau. Họ biết rằng nó phải là cái đích chung quyết của mọi con đường và cảm thấy mọi kinh nghiệm có thể hình dung phải được chấp nhận và sống đến tận cùng để “nhà thờ vô hình” mà họ có sứ mệnh xây lên đạt được độ phổ quát phong phú có khả năng ôm trùm hết thảy. Một tôn giáo mới như thể sắp sửa được tạo ra, một tôn giáo phiếm thần, nhất nguyên, phụng thờ tiến bộ, một tôn giáo sinh ra từ những chân lý mới và những khám phá khoa học mới. Friedrich Schlegel tin rằng trong lực xuyên thấu của lý tưởng luận - thứ đã lộ diện trong các môn khoa học tự nhiên trước khi hiện ra với ý thức trong triết học và thống nhất ý thức của thời đại - ẩn giấu một lực nguyên ủy đủ khả năng tạo ra huyền thoại, chỉ chờ được làm sống dậy để sinh ra một nền tảng mới cho thơ, nghệ thuật và mọi biểu đạt của sự sống, nền tảng ấy sẽ rắn chắc và phổ quát chẳng khác nào nền tảng từng có của người Hy Lạp.
Huyền thoại học này không đơn giản là một đòi hỏi lý tưởng của nỗ lực khủng khiếp ở những người khao khát tạo ra một phong cách mới; nó còn trở thành cấu trúc cơ sở của một tôn giáo mới. Họ thường gọi mục đích tối hậu của mình là tôn giáo và quả thật sự chuyên nhất của khát khao nơi họ là biểu hiện của tinh thần tôn giáo đích thực - thứ đặt dưới sự áp chế và chi phối của nó mọi mục tiêu khác. Khó người nào, ngay thời điểm ấy, có thể diễn đạt rành mạch mục đích tối hậu đó là gì, và thậm chí ngày nay cũng không dễ nén nghĩa của nó vào bất kỳ công thức nào. Vấn đề, tất nhiên, được đặt ra với họ hết sức rõ ràng, không chút mơ hồ bởi bản thân sự sống. Một thế giới mới như thể đang trong quá trình hình thành, sinh ra những con người mới với những khả thể mới về sự sống; nhưng cả sự sống cũ - vẫn bám trụ dai dẳng - và sự sống mới đang dần thành hình đều không có chỗ cho những người con ưu tú nhất của chúng. Mọi sự trở nên ngày càng khó khăn hơn, gay go hơn cho những nhân vật thực sự lớn của thời đại - việc chỉ đơn giản tồn tại, thuộc về sự sống, nhận lấy một vị trí, một thế đứng đối với họ đã thành gần như bất khả. Khắp nơi, trong mọi tác phẩm nghệ thuật, câu hỏi được đặt ra là: Làm sao có thể sống được, phải sống như thế nào? Họ kiếm tìm một đạo đức của thiên tài (“thiên tài là điều kiện tự nhiên của con người”, Novalis nói) và, còn hơn thế, một tôn giáo của thiên tài - vì ngay cả đạo đức cũng chỉ có thể là phương tiện để đạt tới mục đích tối thượng ấy, hòa hợp chung quyết ấy. Tất tật những tôn giáo cũ,Trung Cổ, Hy Lạp của Goethe và cả Công giáo đều chẳng là gì hơn các biểu tượng tạm thời cho khát khao hoàn toàn mới này, ý chí cuồng bạo không chấp nhận điều gì thấp hơn hợp nhất tuyệt đối của họ nâng mọi tình cảm lên tầng tôn giáo, không bỏ sót gì, từ bé mọn đến lớn lao, tình bạn và triết học, thơ và sự sống.
Các tông đồ của tôn giáo mới này quần tụ trong những salon ở Berlin và Jena, tranh cãi và thảo luận trong bầu không khí hừng hực nghịch lý chương trình cho cuộc chinh phục thế giới mới. Rồi họ khởi động một tờ review, một tờ review xuất chúng, quái đản, sâu sắc và tuyệt đối bí hiểm, dòng nào cũng tỏa ra sự bất khả không dè giữ, cũng tự tuyên bố rằng nó chẳng thể nào có bất kỳ tác động thực tiễn nào. Vả lại nếu có thì sao…? “Dẫu sao vẫn có một điều gì đó thiếu lành mạnh về toàn bộ việc này…”
3
Goethe và những người Lãng mạn. Tôi nghĩ những gì vừa nói đã cho thấy rõ mối tương liên giữa họ nằm ở đâu - và có lẽ còn rõ hơn con đường của họ chia lìa ở điểm nào. Tất nhiên, những người Lãng mạn thấy cả hai điều này; mỗi lần đến gần được Goethe mang lại cho họ niềm hân hoan và kiêu hãnh ngập tràn, trong khi nỗ lực tách khỏi ông luôn chỉ là những nét phác rụt rè, lén lút. Wilhelm Meister là kinh nghiệm định hình tất cả họ, nhưng cuối cùng chỉ Karoline tuyệt đối trung thành với con đường của Goethe và chỉ Novalis có can đảm tuyên bố thẳng rằng phải bỏ con đường ấy đi. Ông là người thấy rõ hơn bất kỳ ai Goethe bỏ xa mình cùng các bạn mình đến thế nào: tất cả những gì đối với họ chỉ là phương pháp và ý tưởng, Goethe đã đưa vào hành động; những loay hoay với vấn đề của họ chỉ có thể làm sinh ra những phản chiếu có vấn đề chẳng kém, trong khi Goethe thực sự siêu vượt các vấn đề của mình; và khi họ đang toan tính tạo ra một thế giới mới nơi thiên tài, nhà thơ của thế giới ấy, có thể tìm được quê hương, Goethe đã tìm thấy quê hương ngay trong sự sống của thời đại mình.
Nhưng Novalis cũng thấy rõ không kém Goethe đã phải hy sinh những gì để tìm thấy quê hương ấy, và toàn bộ con người ông kháng cự cái ý theo đó giải pháp của Goethe là con đường duy nhất. Cả ông cũng mơ về hòa hợp chung quyết của Wilhelm Meister, xem đó là mục tiêu sự sống của mình, và với sự sáng suốt không kém Goethe, ông thấy rõ những hiểm nguy trùng trùng trong các khởi sự và con đường của hành trình ấy. Tuy vậy, ông cho rằng việc đạt được mục tiêu đã làm Goethe nghèo đi, mòn đi, rằng cuộc chinh phục không nhất thiết phải gây ra điều đó.
Chính ở điểm này, con đường của Lãng mạn và của Goethe tách nhau. Cả hai đều tìm kiếm một cân bằng của cùng các lực đối nghịch, nhưng những người Lãng mạn muốn một cân bằng trong đó cường độ của các lực phải được bảo trì nguyên vẹn, không chút nào sứt mẻ. Cá nhân luận của Lãng mạn cứng cỏi hơn, bướng bỉnh hơn, nặng ý thức hơn, ít chấp nhận thỏa hiệp hơn của Goethe, và Lãng mạn tin rằng có thể đạt tới sự hòa hợp chung quyết chính bằng cách đẩy cá nhân luận này tới cực hạn.
Thơ là đạo đức của nó, đạo đức là thơ của nó. Novalis từng nói rằng đạo đức, ở gốc rễ, chính là thơ; Friedrich Schlegel thì cho rằng mọi phát kiến, mọi sự tìm ra cái mới đích thực đều có giá trị đạo đức tự thân. Nhưng người Lãng mạn không có ý định cô lập mình trong cá nhân luận. “Suy nghĩ là đối thoại, là khởi phát dây đồng cảm,” Novalis nói. Những cách ngôn và mảnh viết rời của tờ Athenaeum - biểu đạt sáng rõ nhất, chuẩn xác nhất cho chương trình của họ - không phải là công trình của riêng cá nhân nào; trong nhiều trường hợp, thậm chí còn không thể chỉ ra ai là tác giả. Chúng sinh ra từ nỗ lực vạch ra đường hướng chung trong suy nghĩ của những người Lãng mạn; đôi khi họ hợp những ý xa nhau vời vợi trong một cách ngôn chỉ để tạo ra ấn tượng về sự đồng thuận và ngăn một cá tính bật lên quá rõ so với khung cảnh chung.
Họ muốn tạo ra một văn hóa, làm nghệ thuật trở thành một điều học được, muốn làm chủ thiên tài. Họ muốn - như ở những kỷ nguyên vĩ đại của loài người - mọi giá trị mới tạo ra phải trở thành tài sản không thể tách rời, họ muốn tiến bộ không còn chịu chi phối của cái ngẫu nhĩ. Họ thấy rõ rằng nền tảng khả dĩ duy nhất cho một văn hóa như thế là một nghệ thuật sinh ra từ kỹ thuật và tinh thần của vật chất. Họ muốn dâng mình cho nghệ thuật tạo ra các tổ hợp từ đúng, như những nhà giả kim cổ xưa từng bỏ cả cuộc đời nghiên cứu các khả thể của việc kết hợp kim loại.
Nhưng tạo ra một công trình nghệ thuật, dẫu là một công trình toàn bích, không thể là mục tiêu tối thượng đối với họ; nếu công trình nào có giá trị thực, giá trị ấy chỉ nằm ở việc nó là phương tiện Bildung. “Trở thành Chúa, làm người, tự giáo dục, tự khuôn định mình - đó chỉ là những biểu đạt khác nhau của cùng một nghĩa,” Friedrich Schlegel nói, và Novalis bổ sung: “Thơ là hình thức thể động của tinh thần con người.” Hoàn toàn không phải chuyện nghệ thuật vị nghệ thuật, đây là một tôn giáo đích thực, một Phiếm thi luận [pan-poetism].
Đó là giấc mơ cổ xưa của thời đại hoàng kim. Nhưng thời đại hoàng kim không phải là chốn trú ẩn thuộc về một quá khứ đã mất đi mãi mãi, chỉ đôi khi hiện ra chập chờn trong những huyền thoại xa xôi - đó là mục đích mà mỗi người có nghĩa vụ phải theo đuổi, không ngừng nghỉ. Đó là “bông hoa xanh” mà những hiệp sĩ mơ bôn ba tìm kiếm, là Trung Cổ mà họ tha thiết phụng thờ, là Cơ đốc giáo mà họ tụng ca; không có điều gì con người không thể đạt được, sẽ đến một thời điểm cái bất khả không còn nữa. “Người ta buộc tội các nhà thơ là cường điệu,” Novalis viết. “Nhưng đối với tôi, các nhà thơ còn chưa đi đủ xa… Họ vẫn chưa nhận ra mình có những quyền năng gì, những thế giới nào phải tuân phục họ.” Đây chính là lý do Wilhelm Meister khiến ông thất vọng, lý do ông nói rằng, về cơ bản, đó là một công trình phản thơ, “một Candide nhắm vào thơ”.
Bằng cách này, ông tuyên án tử hình lên cuốn sách bởi đối với người Lãng mạn, thơ là trung tâm thế giới. Cái nhìn Lãng mạn là Phiếm thi luận: toàn thể đều là thơ, thơ là “một và toàn thể”. Chưa bao giờ, chưa từng với ai, từ “nhà thơ” lại mang ý nghĩa thần thánh, phổ quát như đối với người Lãng mạn Đức. Kể cả nếu trong các thời đại sau này vẫn sẽ có nhiều người, nhiều thi sĩ coi thơ là ngôi đền độc nhất xứng đáng được dâng tế vật, chỉ kỷ nguyên Lãng mạn mới ôm siết toàn bộ sự sống một cách cuồng bạo và tuyệt vọng đến thế; chỉ nó mới không ngoảnh mặt với sự sống, không chối từ những sản vật phong nhiêu của sự sống; nó là khả thể duy nhất của việc thành tựu mục tiêu chung quyết mà không vứt bỏ điều gì trên hành trình. Cái người Lãng mạn nhắm tới là một thế giới nơi sự sống ở mức thực có thể diễn ra. Cũng như Fichte, họ nói về cái “tôi”. Theo nghĩa này họ là các nhà vị kỷ luận, bầy tôi và tín đồ cuồng nhiệt của sự định hình và bừng nở của cái tôi; đối với họ, ý nghĩa của mọi thứ đều được quy về việc chúng đóng góp tới đâu cho sự biến đổi và lớn mạnh của cái tôi nơi họ. “Chúng ta vẫn chưa là “tôi”,” Novalis viết. “Nhưng chúng ta có thể và phải trở thành “tôi”, chúng ta là nụ của cái “tôi” rồi sẽ thành hình.” Nhà thơ là con người duy nhất ứng với con đường này, chỉ anh ta thực sự sở hữu khả thể của việc trở thành “tôi”. Vì sao?
Một thời đại khát khao văn hóa sẽ không thể tìm thấy trung tâm của nó ở đâu ngoài nghệ thuật; sự thiếu thốn văn hóa càng lớn, khao khát càng tha thiết, bạo cuồng. Nhưng chính ở đây, vấn đề cốt yếu là làm sao đạt được sự thụ động tuyệt đối, sự buông mình hoàn toàn trước cuộc đời; đó là triết học về sống của người Lãng mạn, dẫu chưa bao giờ họ phát biểu chúng một cách có ý thức. Đối với họ, nghệ thuật của sống là nghệ thuật thích ứng và chuyển hóa mọi sự kiện xảy đến theo đường lối độc nhất của thiên tài. Họ khai thác đến kiệt cùng, nâng lên mức của tất yếu tất cả những gì số phận đặt vào đường đi của họ; họ biến số phận thành thơ, nhưng không khuôn gò hay áp chế nó. Con đường họ đi phải dẫn đến hợp nhất hữu cơ của tất cả những gì xảy đến với họ; hình ảnh của các vật tự đạt đến một hòa hợp tuyệt bích mà không cần điều khiển.
Nhưng con đường này là khả thể duy nhất mở ra cho khao khát sâu thẳm của họ - khao khát đạt được tổng hợp vĩ đại của nhất thể và phổ quát. Họ tìm kiếm trật tự, nhưng là một trật tự thu nhiếp được tất thảy, không bỏ sót bất cứ điều gì; họ ôm ghì lấy cái toàn thể để sao cho từ sự tổng hòa tất cả nghịch âm có thể sinh ra một bản giao hưởng cao hơn. Tổng hợp của nhất thể và phổ quát chỉ có thể thực hiện trong thơ, và chính vì thế thơ đối với người Lãng mạn trở thành trung tâm thế giới. Chỉ trong thơ họ mới tìm được một khả thể tự nhiên đủ sức hóa giải mọi mâu thuẫn và nâng họ đến một hòa hợp cao hơn; chỉ trong thơ mới có thể đưa những vật rời rạc vào đúng chỗ của chúng chỉ bằng cách cho chúng hiện ra với tông đậm hay nhạt. Trong thơ, tất cả trở thành biểu tượng, nhưng tất cả cũng không là gì ngoài biểu tượng; mọi thứ đều đầy nghĩa, nhưng không gì có thể tuyên bố giá trị tự nó. Nghệ thuật sống của người Lãng mạn là thơ với tư cách thể động; họ biến những luật nền tảng nhất, sâu kín nhất của nghệ thuật thơ thành mệnh lệnh nhất quyết đối với sự sống.
Khi nào tất cả được hiểu đúng và được sống đến tận cùng, mâu thuẫn ở mức thực không còn nữa. Dẫu bề ngoài theo đuổi những con đường nào, người Lãng mạn đều chỉ truy cầu duy nhất một điều: sự khuôn định và bừng nở cái “tôi”; nhịp của khao khát kiếm tìm làm nảy sinh ở họ tình bạn, tình thân nhưng không tạo ra được một cộng đồng chung hướng. Sự giống và khác nhau giữa họ, về cơ bản, quy về việc chọn từ; quan điểm và xác tín của họ cùng lắm chỉ là các con đường có cơ may dẫn đến giá trị thực - chúng đa phần là những biểu đạt bất toàn và tạm bợ cho những tình cảm chưa đủ chín để được trao hình thức. Cái làm biến mất những nghịch âm chưa được hóa giải là cảm giác về nhịp và lễ (hai điều này là một). Nếu Goethe không can thiệp, anh em Schlegel hẳn đã cho in cạnh nhau, trong một số Athenaeum, Heinz Widerporst của Schelling và Christendom của Novalis. Những xác tín khác nhau không thể chia rẽ họ - ở khía cạnh này, chúng quả thật có giá trị rất nhỏ đối với sự sống. Mọi nỗ lực và tấn công, dù nhắm đến đâu, đều được đón nhận với nhiều châm biếm, nhưng khi được xem xét ở khía cạnh biểu tượng, chúng sẽ được ghi nhận như một tôn giáo - nếu chúng xứng đáng.
Vị kỷ luận của người Lãng mạn đậm sắc thái xã hội và thế tục. Họ hy vọng rằng sự mở ra của những tầng sâu và độ cao chưa từng biết của cái tôi cuối cùng sẽ đưa con người thực sự gần lại nhau; chính họ cũng tìm thấy trong đó sự cứu rỗi khỏi những hỗn loạn và cô độc của riêng mình. Họ tin chắc rằng sự viết độc đáo, ngoan cường, không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào của họ sẽ tạo ra được hiệp thông đích thực và tất yếu giữa người viết và người đọc, sẽ đảm bảo độ phổ biến của họ - một trong những mục tiêu quan trọng nhất của các nhà Lãng mạn. Họ thấy rõ rằng sự thiếu vắng một hiệp thông như thế là lý do duy nhất khiến cho sự nở rộ huy hoàng của các lực cá nhân độc nhất vô nhị ở thời đại mình không kết được thành quả ngọt là một nền văn hóa mới. Họ hy vọng tạo dựng được một hiệp thông như thế từ vòng tròn giới hạn và khép kín của mình, và họ đã thành công - trong vòng tròn ấy, duy trì được vài năm. Chừng nào họ, những con người với xuất phát điểm và hướng đi hoàn toàn khác nhau, còn có vẻ đang theo đuổi cùng mục tiêu vĩ đại, họ còn muốn tin rằng mọi bất đồng và chệch choạc đều chỉ là bề ngoài, muốn thấy chỉ những điểm chung của họ là cốt yếu; hòa âm này, họ tin, chỉ là khúc dạo đầu khiêm tốn cho hòa âm chuẩn vĩ đại sẽ đến sau này. Nhưng đã chỉ cần chút ít xô lệch giá trị trong tinh thần của một vài thành viên để “Hansa” tan rã: hòa âm kỳ diệu vụt biến thành chuỗi chát chúa đinh tai.
Dường như sự tự nguyện rút khỏi sự sống là cái giá phải trả cho nghệ thuật sống của người Lãng mạn, nhưng họ chỉ ý thức điều này trên bề mặt, ở khía cạnh tâm lý học. Yếu tính của sự rút lui này cùng những quan hệ sâu thẳm của nó là điều các nhà Lãng mạn không bao giờ hiểu được. Thực tại ở mức thật của sự sống biến mất trước mắt họ và được thay thế bằng một thực tại khác, thực tại thuần thơ, thuần tinh thần. Họ tạo ra một thế giới đồng chất, thống nhất một cách hữu cơ trong chính nó và coi đó là thế giới thực. Điều này đem lại cho thế giới của họ tính cách thiên thần, lửng lơ treo giữa thiên đường và mặt đất, sáng lòa vô thể; nhưng sức căng khủng khiếp giữa thơ và sự sống - thứ trao cho cả hai sức mạnh thực và khả năng sáng tạo - chính vì thế mà mất đi. Và họ thậm chí còn chẳng đi tìm nó, họ chỉ đơn giản bỏ lại nó phía sau trong cú bay quá nhẹ thẳng đến thiên đường; họ hầu như không còn nhận ra nó tồn tại. Chỉ bằng cách này họ mới có thể đạt đến cái phổ quát nhưng cũng chính vì thế, họ không nhận ra được những giới hạn của nó. Những giới hạn này đối với họ không phải là bi kịch - như đối với những người sống cái sống của mình đến tận cùng - cũng không phải là con đường dẫn đến một công trình đích thực, chân xác mà sự vĩ đại và sức mạnh sẽ nằm chính ở chỗ nó giữ cho những gì không đồng chất tách hẳn nhau và tạo được một thế giới mới thống nhất trong chính nó, độc lập hoàn toàn với thực tại. Những giới hạn này đối với họ chỉ có nghĩa là một sụp đổ, một choàng tỉnh khỏi cơn mơ cháy bừng ngây ngất, một chấm hết buồn thảm chẳng đưa lại điều gì mới, cũng chẳng hứa hẹn tái diễn nào của thăng hoa. Vì coi vũ trụ tạo ra trong mơ là thế giới thực, họ chẳng bao giờ có thể tách hẳn hai thứ khỏi nhau; chính nhờ đó, họ duy trì được niềm tin rằng có thể hành động mà không cần từ bỏ bất cứ điều gì và rằng có thể biến sự sống thành thơ. Nhưng mọi hành động, mọi thể động, mọi sáng tạo đều đặt ra giới hạn. Không thể thực hiện bất kỳ hành động nào mà không từ bỏ một điều gì đó, và kẻ đã gieo mình vào hành động không bao giờ còn có thể ôm trọn được tất thảy, nắm được cái phổ quát nữa. Chính vì lẽ ấy mà, dẫu gần như không thể nhìn thấy, đất cứ sụt đi ngay dưới chân họ và những công trình kỳ vĩ, hùng mạnh của họ dần hóa thành lâu đài cát để rồi tan biến vào hư không. Giấc mơ cùng nhau tiến đến mục tiêu chung quyết cũng tan đi như sương mịn và chỉ vài năm sau, hầu như chẳng còn ai trong số họ hiểu nổi ngôn ngữ của nhau nữa. Theo cùng một cách, giấc mơ sâu thẳm nhất, hy vọng về một nền văn hóa mới cũng tan đi. Nhưng lúc này họ đã đủ say sưa với việc thuộc về một cộng đồng và không còn tiếp tục những cú vút bay trên những con đường riêng cô độc nữa. Nhiều người trong số họ trở thành kẻ bắt chước chính tuổi trẻ của mình; vài kẻ khác, kiệt sức vì cuộc kiếm tìm vô vọng một tôn giáo mới và viễn cảnh vô chính phủ sát kề - thứ chỉ càng làm mạnh thêm khát khao trật tự - nhẫn nhục quay lại vùng nước yên của những tôn giáo cũ, thành thử chính những kẻ từng khởi sự khuôn định lại, sáng tạo lại thế giới cuối cùng lại trở thành người cải đạo thuần thành. “Dẫu sao vẫn có một điều gì đó thiếu lành mạnh về toàn bộ việc này…”
4
Cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa nhắc nhiều tới Novalis, vậy nhưng từ đầu đến cuối, ông là nhân vật trung tâm, là vấn đề cốt yếu của chúng ta. Không ai nhấn mạnh tầm quan trọng độc nhất của các mục tiêu chung quyết một cách ngoan cường như con người mong manh bị kết án chết trẻ này; không ai giương mình cho những hiểm nguy của Lãng mạn trong sự sống nhiều đến thế - vậy nhưng ông là người duy nhất trong số những lý thuyết gia lớn của nghệ thuật sống Lãng mạn thành công trong việc sống một sự sống đạt đến hòa hợp đích thực. Chóng mặt vì vực thẳm trải rộng dưới chân cả trong những ngày tươi sáng nhất, những người khác lần lượt rơi xuống đó từ các tầng cao nơi họ đứng, chỉ riêng Novalis thành công trong cuộc đấu tranh thảm khốc, ép những hiểm nguy thường trực phải nhả ra sức mạnh nuôi dưỡng sự sống của mình. Hiểm nguy tấn công ông cuồng bạo hơn, tàn phá thân thể ông khốc liệt hơn những kẻ khác, nhưng (hoặc có lẽ chính vì thế) ông giành giật được từ đó lực sống mạnh hơn tất cả. Thường trực rập rình là hiểm nguy của cái chết - cái chết của bản thân ông và của những người gần gũi nhất với tâm hồn ông. Chương trình của sự sống ở ông chỉ có thể mang độc một hình thức: tìm ra nhịp đúng cho những cái chết trong sự sống mà ông đã biến thành thơ và đặt sự sống của ông vừa khít như một phần không thể tách rời vào giữa những cái chết này, trong một hòa hợp chung quyết. Phải sống sao cho cái chết trở thành một khoảnh khắc tất yếu chứ không phải một sự kiện làm gián đoạn cái sống; nhưng muốn vậy, tất cả cả những gì sinh ra từ cái đẹp và luật nội giới vĩnh viễn chỉ có thể là các mảnh dở dang. Phải trụ được sau cái chết của người yêu dấu, nhưng sao cho giai điệu của nỗi đau không được ru ông vào câm lặng, sao cho cái chết mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới, sao cho cái chết sẽ đến của chính ông được đặt vào một quan hệ sâu thẳm với cái chết của người phụ nữ ông yêu và sự sống ngắn ngủi chảy giữa hai cái chết, dẫu vậy, vẫn phong phú, đầy tràn cái sống.
Chính ở Novalis, các thiên hướng Lãng mạn được đẩy đến tận cùng. Lãng mạn luôn, một cách có ý thức, từ chối công nhận bi kịch là một hình thức của sống (dù tất nhiên vẫn chấp nhận nó như một hình thức văn chương). Khát vọng cao nhất của Lãng mạn là làm bi kịch biến mất hoàn toàn khỏi thế giới, hóa giải những tình huống bi kịch theo cách chối từ bi kịch. Cả ở đây, sự sống của Novalis cũng đạt tới đỉnh cao của Lãng mạn: định mệnh của ông luôn đặt ông vào những tình huống mà một người khác hẳn sẽ chẳng rút ra được gì ngoài sự cam chịu hoặc ngất ngây bi kịch, nhưng bất cứ thứ gì tay ông chạm vào đều biến thành vàng, và không gì có thể đến với ông mà không nuôi dưỡng tinh thần ông. Ông không ngừng đau đớn, bị ép hết lần này đến lần khác phải chìm xuống những tầng sâu tuyệt vọng, nhưng ông vẫn mỉm cười, và ông hạnh phúc.
Friedrich Schlegel trẻ tuổi ghi lại cuộc đối thoại đầu tiên giữa họ, khi cả hai đều chỉ vừa hai mươi. Novalis cả quyết rằng “không có cái ác trên thế giới này và tất cả đang mang chúng ta đến gần một thời hoàng kim mới”. Nhiều năm sau, ở cuối đời, người anh hùng của cuốn tiểu thuyết duy nhất Novalis viết vẫn nguyên vẹn xác tín ấy: “số phận và tâm hồn chỉ là hai cái tên khác nhau cho cùng một khái niệm”.
- Anh Hoa dịch
Chương này còn một đoạn nữa, rất quan trọng. Chúng tôi không chép lại nó vì nó chỉ có nghĩa trong chỉnh thể quyển sách, trong câu hỏi Lukács đặt ra trong bức thư viết cho người bạn trong chương đầu. Một trong những lý do Tâm hồn và hình thức đạt được đến mức ấy là bởi nó đã được báp-têm bằng một bức thư (nhưng chẳng có gì chung với "tâm thư"). Cả quyển sách là correspondence, một âm nhạc dài, và những đoạn đẹp nhất của nó là correspondence ở nhiều tầng, chẳng hạn.
Về Athenaeum