favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

James và Turgenev

14/05/2024 21:18

Như vậy là tiếp tục project Henry James dài đã bắt đầu ở kia, với pha mới nhất ở kia (sách sẽ phát hành trong ba tuần, cùng hai cuốn nữa của kỳ Hạ). Với sự xuất hiện của Turgenev (một cú nối rất bất ngờ vào Maupassant), một nhân vật nữa cũng đã lấp ló: Mandelstam).  

 

James và Turgenev

Lần đầu tiên Henry James biết đến Dickens là cả một câu chuyện đáng nhớ: lúc đó, James còn rất nhỏ, mới khoảng năm, sáu tuổi. Một buổi tối nọ, sau khi cho James đi ngủ, bà mẹ của James, dưới phòng khách, bảo ai đó đọc to David Copperfield để mọi người cùng nghe. Nhưng James đã, thay vì lên giường ngủ, trốn xuống nhà và chui được vào một góc mà không ai nhìn thấy, và có thể nghe câu chuyện. Được một lúc thì David Copperfield làm cậu bé James xúc động quá mức, không kìm được, òa lên khóc. Và thế là bị phát hiện.

Thackeray thì từng đến nhà James khi sang Mỹ làm “conference”, do ông bố, Henry James Sr., mời. Henry James, cũng còn nhỏ nhưng đã lớn hơn trong trường đoạn David Copperfield vừa nói, bước vào phòng, chào Thackeray, và nhà văn nổi tiếng thấy tò mò về diện mạo và trang phục của James nên gọi cậu bé lại gần để ngắm nghía, nhất là cái áo.

Chuyện Henry James (còn rất trẻ) gặp George Eliot thì đã quá nổi tiếng. Chủ yếu James được thúc đẩy bởi niềm ngưỡng mộ to lớn dành cho George Eliot của Alice, em gái mình. James đã miêu tả George Eliot là một phụ nữ đặc biệt xấu xí, nhưng sau đó nói ngay là mình thấy yêu bà - rất có thể chính sự xấu xí to lớn của George Eliot là lý do cho tình yêu ấy. Trong địa hạt tình cảm, người ta gần như không bao giờ biết James thực sự nghĩ thế nào.

Năm 13 tuổi, James đang ở Paris: gia đình James ở châu Âu một thời gian dài (ngay khi Henry James mới sinh, họ cũng đã sang châu Âu nhưng sau đó quay lại Mỹ; trong khoảng năm năm, từ khi James 12 đến 17 tuổi lại là châu Âu, nhưng không liên tục - giữa chừng có một đợt về Mỹ, và lúc ấy gia đình James mới bắt đầu sống tại Newport rồi rộng ra là New England, với Cambridge, Boston và Concord, chứ không phải New York và Albany như trước nữa). Một hôm, James thấy ở nhà có một số Revue de Paris và cầm lên đọc. James đã biết đến Madame Bovary như vậy (trước khi trở thành cuốn sách, tác phẩm đã được đăng feuilleton, và khi in thành sách thì mới bùng nổ xì căng đan, dẫn tới phiên tòa nổi tiếng) và sẽ vĩnh viễn lưu giữ ấn tượng mà kỳ báo gây ra cho mình.

Từ khi còn chưa trở thành nhà văn, Henry James đã gặp không ít nhân vật lớn của văn chương, nghệ thuật Anh và Pháp. Chẳng hạn, có lần James tình cờ trông thấy Matthew Arnold, và tuy trước đó hết sức ngưỡng mộ nhân vật ấy, James cảm thấy con người mà mình gặp thật nhàm chán và thô thiển. Một sự tình cờ khác hấp dẫn hơn: một lần đến viện bảo tàng xem tranh, đang ngắm một kiệt tác hội họa thì bỗng James nhận ra bên cạnh mình có một người khác cũng đang ngắm nó, và James nhận ra, căn cứ vào cái đầu và mái tóc, rằng đó là Swinburne - vậy là, như James sẽ kể, Swinburne thì say sưa ngắm tranh, còn James thì say sưa ngắm Swinburne. Nếu muốn kể thêm, thậm chí James còn từng gặp Darwin.

Nhưng James gặp Turgenev là một câu chuyện có ý nghĩa hoàn toàn khác. Sự gặp này như thể là dấu hiệu chứng nhận cho chuyển hóa ở James, và là như vậy không chỉ ở khía cạnh chứng nhận của một nhà văn lớn cho một nhà văn mới vào nghề; thêm nữa, sự gặp đã xảy ra vào một thời điểm then chốt và tại một địa điểm lớn trong cuộc đời Henry James.

James đọc Turgenev từ trước khi gặp Turgenev. James đọc Turgenev trong bản dịch tiếng Đức. Đó là James ở tuổi 30, mới ở Ý đi sang Bad Homburg: thời điểm của “Madame de Mauves”, novella sẽ còn được nhắc đến rất lâu về sau, kể cả ngày nay.

Nước Ý có ý nghĩa biểu tượng với rất nhiều nhân vật. Thậm chí, dẫu có thể nghĩ Mandelstam chưa bao giờ đến Ý hoặc cùng lắm cũng chỉ đặt chân lên nước Ý trong vòng một buổi, thì suốt đời nhà thơ Nga vẫn lúc nào cũng coi Ý là một dạng tổ quốc của tinh thần, chốn để thường trực hướng tới. Với bản thân James, nước Ý là địa điểm đặc biệt. Gia đình James từng ở châu Âu nhiều lần, nhưng họ chỉ biết đến Anh, Pháp và Thụy Sĩ. Phải khi đã lớn, tự đi sang châu Âu (và đi một mình) thì James mới lần đầu biết Florence, Venice hay Rome. Không có gì khó hiểu, khi Roderick Hudson, cuốn tiểu thuyết đúng nghĩa đầu tiên của James (trước đó đã có một cuốn tiểu thuyết khác lấy bối cảnh Boston nhưng có thể nghĩ James sẽ chối bỏ nó) lấy bối cảnh chủ yếu là Ý, sau đoạn đầu diễn ra tại một nơi bên Mỹ, Northampton, mà James từng biết hồi Nội chiến. Nước Ý là khám phá của James đã lớn, không còn ràng buộc với gia đình nữa, một chốn mà James nhìn thấy bằng con mắt của chính mình, đồng thời cũng là điểm đánh dấu sự thoát khỏi gia đình, có thể gọi ngắn gọn là “Quincy Street”.

Vừa đọc Turgenev, lại đang viết phê bình (Henry James không quyết định được ngay từ đầu rằng mình sẽ là tiểu thuyết gia: trong mắt rất nhiều người, James là một nhà phê bình thì nhiều hơn là một nhà văn; đặc biệt, đó là ý kiến như đinh đóng cột của Henry James Cha), James nồng nhiệt gọi đó là “tiểu thuyết gia lớn nhất hiện thời”.

Sau đó, cũng trong năm 1873, James đến Baden-Baden: vì biết Turgenev ở đó, James tìm cách gặp, nhưng Turgenev lại vừa đi Carlsbad. Nhưng Turgenev viết thư từ Carlsbad và cho địa chỉ của mình tại Paris, “rue Douai”, bày tỏ mong muốn sẽ được gặp nhà văn trẻ tuổi ở đó.

Cuộc gặp James-Turgenev sẽ không diễn ra ngay sau đó. Henry James về lại Mỹ: đây là thời điểm James tìm cách chinh phục New York. Nhưng bầu không khí New York mau chóng làm cho James không chịu nổi. Thoáng nhìn thấy khả năng có thể sống lâu dài ở châu Âu, James quyết định sang đó.

Tính đến thời điểm ấy (James đã qua tuổi ba mươi được vài năm), đã có không ít chuyến vượt biển. Ta cần biết, để đi từ Mỹ sang châu Âu vào thời kỳ ấy, cần khoảng 7 đến 10 ngày. Tàu từ Mỹ sang chủ yếu dừng tại hai bến cảng lớn, Liverpool ở Anh và Le Havre ở Pháp (Le Havre sẽ trở thành bối cảnh cho một truyện ngắn của James, “Bốn cuộc gặp”).

Và thế là, James tới Paris vào ngày 11 tháng Mười một năm 1875. Sau khi làm việc cần phải làm là viết bài đầu tiên gửi cho tờ Tribune (công việc được thỏa thuận từ trước khi James lên đường: nguồn thu nhập của James trông chờ không ít vào đó; tuy nhiên, James sẽ không giữ việc ấy lâu, và quyết định bỏ khi nhận ra tờ báo đợi từ mình những bài quá mức tầm phào, mà James không sao tự hạ mình để viết nổi), James đi tới Montmartre để gặp Turgenev tại nhà Viardot.

Turgenev hơn James 25 tuổi, nhưng giữa hai bên đã có ngay một mối cảm tình sâu đậm. Trong những lần ở Paris trước đó, James chưa từng tìm được một người đối thoại văn chương nào khác ngoài James Russell Lowell. Nhưng Lowell vẫn là một người Mỹ. Turgenev là một người Nga, gần như trở thành người Pháp, lại là một tượng đài đúng nghĩa, một người khổng lồ gây ấn tượng mạnh (khi miêu tả Turgenev, Maupassant cũng nói ngay rằng đó là một người có vóc dáng khổng lồ). Tuổi 33 của James mang đậm dấu ấn Turgenev. James đặc biệt than phiền cho cuộc sống của Turgenev tại Paris, với những người thuộc gia đình Viardot. Turgenev cũng đau ốm luôn.

Ngay lập tức, Turgenev dẫn James đến các cuộc gặp đông người tại nhà Flaubert, được tổ chức vào Chủ nhật. Ở đó, James gặp Goncourt, Zola, Daudet và Maupassant, còn rất trẻ. Có vài lần James gặp riêng Flaubert, và sẽ đặc biệt xúc động kể lại cái lần Flaubert đọc cho mình nghe các bài thơ của Théophile Gautier.

Cũng chính nhờ Turgenev mà James cảm thấy đỡ lạc lõng tại Paris: James sẽ không ở lại đó lâu, mà sang London, và tận khi ấy mới tìm được đúng chỗ cho mình. Như vậy là, trong vòng vài năm, Henry James đi qua cả mấy trung tâm lớn nhất, New York, Paris rồi London. Quãng thời gian ở Paris, tuy James tìm được chủ đề cũng như chất liệu cho cuốn tiểu thuyết The American, nhưng đó cũng là quãng thời gian khốn khổ về giao tiếp xã hội. Ở châu Âu, James không thích dính chặt vào vòng giao tiếp của những người Mỹ, nhưng lại không thực sự xâm nhập được cuộc sống của các Pa ri diêng (chuyện sẽ khác hẳn khi James sang London: chính vì thế, James nhanh chóng chọn nước Anh làm ngôi nhà mới cho mình) - chính nhờ Turgenev mà James có được những người bạn Nga; đây là các nhân vật mà đến Colm Tóibín vẫn còn khai thác, trong cuốn tiểu thuyết lấy Henry James làm nhân vật chính, The Master.

Ngay trước khi rời Mỹ sang châu Âu vào cuối cái năm 1875 đáng nhớ ấy, Henry James đã viết một tiểu luận về Balzac. Quãng thời gian ở Paris (với Turgenev như thể một thiên thần hộ mệnh) giúp James không lâu sau đó có thể đưa cho Macmillan, nhà xuất bản Anh đầu tiên của mình, tập bản thảo viết về các nhà thơ cùng tiểu thuyết gia Pháp.

Nguồn cảm hứng từ Turgenev còn lớn hơn thế nhiều (Turgenev như thể tỏa ra một sự quyến rũ không thể cưỡng, một charm mạnh tới nỗi người ta chỉ có thể sửng sốt về vai trò của Turgenev trong việc nước Nga Sa hoàng bãi bỏ chế độ nông nô). Một truyện của Turgenev tên là “Ba cuộc gặp”, thì truyện đã nhắc ở trên của James tên là “Bốn cuộc gặp”.

Maupassant cũng đặc biệt nhắc đến truyện ngắn đó - một trong những truyện khiến người ta ngưỡng mộ Turgenev hơn cả. Nhưng điều kỳ lạ là giữa hai nhân vật từng gặp nhau hồi còn trẻ ở nhà Gustave Flaubert ấy, Henry James lại mới là người dùng cảm hứng từ “Ba cuộc gặp” để viết truyện của mình.

Ngược lại, cần phải nhìn thấy dấu vết của Turgenev nơi Maupassant ở những chỗ khác (tuy Maupassant lại không nhấn mạnh vào đó). Đặc biệt, câu chuyện về một con chó của Turgenev, “Mumu” (hay “Moumou”), độc giả của Maupassant có thể nhận ra nhiều nét (một nhân vật bị buộc phải nhúng nước một con chó cho nó chết) của nó nơi một truyện ngắn của Maupassant. Hoặc giả, có thể nghĩ, Maupassant có chung mối quan tâm đến chó, giống Turgenev. Một truyện khác của Maupassant có cảnh vô cùng tàn nhẫn khi người ta giết chết một con chó, bằng một dạng hành động hay được gọi là gratuit; hay trong cuốn tiểu thuyết Mont-Oriol, một con chó bị tan xác bởi thuốc nổ: cảnh tượng đặc biệt tàn nhẫn theo kiểu Maupassant.

Từ nhà văn lớn người Nga, cả Henry James cũng nhận được nhiều điều.

Cao Việt Dũng

 

 

Chuyện giữa Henry James và Flaubert không chỉ có thế. Bình luận của James về đống thư từ của Flaubert, được xuất bản và biên tập hết sức tệ hại sau khi Flaubert chết (sự vụ liên quan đến cả Balzac) đã được kể ở kia. Tiến hóa của một nhân vật phức tạp như James phải đi qua rất nhiều vòng vèo, nhiều cái chết, không khác Edgar Allan Poe, một người Mỹ nữa. Những cái chết phụ nữ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong con đường của James. Ai cũng biết Vẽ một phụ nữ lấy cảm hứng từ một phụ nữ chưa kịp sống, nhất là chưa kịp chứng kiến châu Âu. Daisy Miller cũng là một phụ nữ chết rất trẻ (nhưng nhân vật trong Di sản Aspern thì lại là một phụ nữ sống quá lâu, mãi mới được chết). Cả hai truyện đều lấy bối cảnh là nước Ý. Tính chất trung tâm - nhưng là một trung tâm ma quái - của nó đã được miêu tả rất chi tiết ở kia

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công