Hoffmann, Kleist và La Motte-Fouqué
Novalis (trong cái nhìn Lukacs)
Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã in được tác phẩm của ba nhân vật trong số những người lãng mạn Đức (Heinrich von Kleist: ngay sắp tới đây). Những người lãng mạn Pháp được biết đến tại Việt Nam nhiều hơn rất nhiều so với những người lãng mạn Đức; chính ở đây cần điều chỉnh cái nhìn: lãng mạn Đức đi trước lãng mạn Pháp và trên nhiều phương diện lãng mạn Đức định hình lãng mạn Pháp. FORMApubli cũng sẽ in một số cuốn sách phê bình đi sâu hơn cả vào lãng mạn Đức, của một số nhân vật, nhất là Heinrich Heine, vốn dĩ có tầm quan trọng vô song trong lịch sử - cũng như các nhà văn lãng mạn Đức khác, tất nhiên.
Khi đã có ba nhân vật, thì ta đã có thể chạm vào một thực tại theo cách thức nhiều tính vật chất: từ ba điểm, ta có một mặt phẳng, tức là một phần, một mảnh, thậm chí là một vạt của một thực thể lớn hơn. Với những ai biết nhìn, chỉ một phân mảnh đã nói lên rất nhiều điều về một tổng thể.
Bởi, chủ yếu câu chuyện lãng mạn là câu chuyện của cái nhìn: các nhà văn lãng mạn kiệt xuất hơn cả là những người nhìn thấy những gì mà người khác không thấy - tất tật cùng nhìn vào một đối tượng, nhưng chỉ rất ít người thấy. Cái nhìn như vậy mở rộng thực tại.
E. T. A. Hoffmann, Heinrich von Kleist và Friedrich de la Motte-Fouqué: đây là những người tuyệt đối cùng thế hệ; họ sinh ra đời chỉ trong vòng hai năm (1776 và 1777: như vậy là sau Novalis 5 năm); đây cũng là một đặc tính rất lớn của lãng mạn Đức: rất nhiều nhân vật, ở một mật độ gần như không thể tưởng tượng xét trên trục thời gian, đã cùng nhau (nhưng cùng lúc, cũng chống nhau) tạo nên một giai đoạn chưa từng có và không lặp lại nữa.
Thomas Carlyle, nhân vật lớn của nước Anh, không chỉ đặc biệt quan tâm đến nước Pháp (Carlyle là tác giả một cuốn sách về Cách mạng Pháp 1789) mà còn thuộc vào số những người Anh vô cùng hiểu biết về Đức (cùng những người như, chẳng hạn, Coleridge). Viết introduction cho truyện của La Motte-Fouqué tại Anh, Carlyle nói đại ý, văn chương La Motte-Fouqué giống một giọng, không lớn, không vang rền, nhưng sự nhỏ bé của nó bao gồm rất nhiều tinh tế và vẻ đẹp hiếm thấy ở bất kỳ đâu khác. Một câu chuyện như Ondine phát ra vẻ đẹp riêng kể cả khi đã nhiều năm trôi qua từ khi nó được viết ra.
Hoffmann là một trường hợp cần được nhìn cả trong khung cảnh lịch sử xuất bản của Việt Nam: giống ở mọi nơi, các câu chuyện huyền hoặc của Hoffmann hiện diện không ít tại Việt Nam. Truyện về con chó Berganza là một cách hé lộ mối quan hệ giữa Hoffmann và Cervantes, điều trước đây không mấy khi được nhấn mạnh, nhưng hết sức quan trọng. Dẫu kỳ ảo đến mức nào, những người lãng mạn Đức không từ trên trời rơi xuống; họ có rất nhiều tương quan với quá khứ và lịch sử, và không chỉ là trong domain Đức: thậm chí, cần phải nói rằng, chính trong sự phá vỡ biên giới quốc gia (trong bối cảnh nước Đức đang trong chuyển động mãnh liệt về phía nhất thể: cả một nghịch lý lớn, nhưng nhiều ý nghĩa) mà lãng mạn Đức tìm được nguồn sống đích thực của nó. Không chỉ Cervantes, mà cả Shakespeare hay Calderón là nguồn cảm hứng rất lớn cho các nhà văn trẻ Đức cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Goethe, khi đã rất già, vẫn vô cùng chăm chú theo dõi những bước phát triển của văn chương bên Pháp (khi ấy, đã đi vào pha mãnh liệt của lãng mạn).
Kleist là một nhân vật dị thường (dẫu Hoffmann cũng hết sức dị thường), nhân vật gây ác cảm rất lớn cho Goethe. Không khác một nhà lãng mạn lớn khác, Stendhal, Heinrich von Kleist viết truyện dựa trên những gì có sẵn (điều này giúp trung hòa định kiến theo đó văn chương lãng mạn chui ra từ sự tưởng tượng viển vông không đáng tin): giống Tu viện thành Parme của Stendhal, Michael Kohlhaas là một câu chuyện mà Kleist tìm được trong các "chronicle" cũ. Cho đến giờ, đây vẫn là một trong những tác phẩm văn chương (một novella) thiết yếu hơn cả cho những ai muốn thăm dò tính cách Đức, vốn dĩ là một thứ rất không dễ hiểu. Những câu chuyện khác, Kleist có thể đọc được trên báo (dạng báo của thời ấy, gazette) rồi viết lại, kể cả những gì xảy ra ở rất xa xôi (Chili bên Nam Mỹ, đảo Santo Domingo, etc.) Những câu chuyện ấy, của Kleist, lúc nào cũng khiến độc giả có cảm giác đi quá các ranh giới của lý trí và của những gì bình thường. Đấy là văn chương nơi cái dị thường là lý tưởng, cũng là nơi cái nhìn cho thấy nó có thể thấy những điều đáng sợ tới mức nào.
Cao Việt Dũng