favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Ghi chép khi đọc Elsa Morante

11/05/2025 19:41

Đặt Hòn đảo của Arturo bên cạnh Aracoeli, ta sẽ lập tức có được một đối xứng, và thú vị hơn nữa, một khả thể của cuộc đời ai đó có tuổi thơ giống như Arturo và tuổi già giống như Emmanuel. Cuộc đời ấy kéo ta vào chung nỗi bất hạnh, cô độc và vỡ vụn liên miên; nhưng giống như cái đẹp, cái ác cũng có lực quyến mị riêng của nó; ta lập tức bị hút vào và nuốt chửng bởi đã trót có những vết sẹo tương thích với thế giới ấy. Đó chính là nghịch lý của văn chương Elsa Morante, con người luôn luôn ruồng rẫy và muốn thoát khỏi cái xấu xí, thế nhưng sự bất khả nằm ở chỗ chính cái xấu xí lại là nơi duy nhất họ còn nhận ra mình, cảm thấy mình đang sống và, giữ được tri cảm chân thật nhất về tồn tại.

Trong cả hai tiếu thuyết, bi kịch nảy mầm từ một cái nhìn phân loại hết sức đơn giản mà đứa trẻ nào cũng có từ buổi chập chững tiếp nhận thế giới, sự phân biệt giữa cặp nhị nguyên xấu – đẹp (từ đây trổ ra rất nhiều cặp nhị nguyên khác). Arturo sống với một bộ chân lý tự xây dựng từ sách vở, tin vào những giá trị bất diệt của lòng can đảm, danh dự, nam tính, cao thượng. Bởi vậy, khi người cha kết hôn với một cô gái bình dân, và quan hệ vợ chồng ấy phơi lộ những khía cạnh xác thịt, Arturo không thể chấp nhận. Tương tự, Emmanuel trong  Aracoeli sống trong một vũ trụ đạo đức lý tưởng hoá hình tượng người mẹ. Anh tôn sùng người mẹ trong dáng vẻ một nữ thần rực rỡ bao nhiêu thì hắt hủi người mẹ trong dáng vẻ sa sút, suy đồi bấy nhiêu. Ở cả hai trường hợp, nhân vật không thể chấp nhận cái nhất nguyên; xung đột được đẩy lên tột cùng khi sự hiện diện song song của cái tốt và cái xấu lại tụ trong chính những người họ yêu thương nhất.

Sự phân loại hết sức tự nhiên và bản năng ấy ở con người theo năm tháng đã mở ra cả một chiều tâm lý phức tạp: nhân vật khi nhận ra nếu không chịu từ bỏ cái nhìn cũ sẽ lập tức bị đày vào một thế giới hỗn loạn, loay hoay và mơ hồ. Trong tiểu thuyết, cả hai nhân vật đều có các thời khắc được lựa chọn; nhưng họ đều đã từ chối. Sau nhiều lần vỡ mộng, Arturo quyết định đi khỏi hòn đảo thiên đường Procida để gia nhập quân ngũ. Song lý tưởng anh hùng cá nhân của cậu vẫn sống mạnh mẽ; cả trong một thế giới không còn chân trời, cậu vẫn cho rằng mình có thể “học cách chiến đấu” để rồi “chọn lý tưởng”; cậu ra đi trong ảo vọng mới. Điều mà phần kết của Hòn đảo của Arturo còn bỏ ngỏ đã được nối tiếp ở Aracoeli. Nếu Arturo trốn chạy để giữ lại phần lý tưởng còn sót, thì Emmanuele đã bị giam cứng trong thế giới hỗn loạn. Anh không còn nơi để đi, không còn gì để níu giữ, không còn bất kỳ ảo tưởng nào – chỉ còn những tàn tích ký ức ám ảnh như vòng lặp. Nhưng khác với Arturo, Emmanuele không trốn chạy ra bên ngoài; anh trốn chạy vào bên trong, tái diễn một cách tuyệt vọng niềm khao khát được yêu thương và được tha thứ mà anh không bao giờ còn thực hiện được. 

Nhưng nhân vật của Morante gây đồng cảm bởi cả hai đều đã không chọn, đều thất bại liên tiếp và hầu như không được cứu rỗi. Cũng không phải vì ở lại (hoặc cố gắng níu giữ) thế giới của cái đẹp mà các nhân vật sẽ giữ được một đời sống cách ly khỏi cái xấu, dù có thể chỉ diễn ra trong cõi tháp ngà ảo vọng tự mình. Trên thực tế, cả Arturo và Emmanuel đều đã mang mầm ác. Song một phẩm tính khiến họ vẫn cứ là những nhân vật lý tưởng, thậm chí khiến ta ngưỡng mộ: lòng kiên định - dù thảm thương - tiếp tục sống như những nhân chứng nội tâm cho sự không thể hòa giải giữa cái đẹp và cái ghê tởm. Không ai trong hai người họ học được bài học đạo đức sau khổ đau, không ai được tái sinh sau sám hối. Họ không trở nên tốt hơn, nhưng thành thật và gai góc hơn vì đã đi đến tận cùng mâu thuẫn của mình mà không tháo chạy.

Có lẽ chính cái nhìn ấy đã khiến Elsa Morante từ chối đứng chung hàng với những người Neorealism cùng thời – trong đó có cả chồng bà, Alberto Moravia. Con người Neorealism tin vào sức mạnh thức tỉnh của chân lý xã hội, vào khả năng hướng thiện qua nhận thức giai cấp hoặc kinh nghiệm lịch sử trong khi Elsa Morante hướng vào con người không phải để cứu rỗi mà để thừa nhận sự bất khả cứu rỗi, để ghi nhận tính mâu thuẫn, bất toàn và bất khả quy về của cảm xúc con người. Văn chương ấy không đặt niềm tin vào tương lai, không gửi gắm thông điệp cải tạo, mà chỉ ghi lại thật trung thực nỗi tuyệt vọng có hình người. Thế nhưng chính khi đẩy mọi thứ tới cùng cực, một cõi hoà giải bỗng le lói. Elsa Morante cho thấy sự thật sâu nhất của con người được cấu thành từ cả hai và chỉ thực sự hiện hữu khi dám giữ lấy cả hai mà không tự lừa phỉnh. Đó là bằng chứng cuối cùng của cái sống thật.

Từ tâm của văn chương Elsa Morante nằm ở chỗ nó không cứu rỗi và cũng không kết tội.

Thanh Nghi

những cuộc đọc gần đây

Roth, Mauriac, và hai chuyển động của linh hồn

Về Törless

Tổ quốc của những tù binh

Gần như là happy ending

Nỗi ngứa ngáy những điều xa xôi

Vào thuở nớ vậy, buổi dạ-minh của cuộc phục-hồi

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công