favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2023
Next

Gertrude Stein ở giữa

04/05/2023 08:25

Lúc nào cũng biết cách ở giữa (tất nhiên, ta dễ nghĩ đến nhan đề cuốn tiểu thuyết của Hartley, The Go-Between), Gertrude Stein có thể ở giữa cả hai anh em nhà James: tất nhiên là William James và Henry James.

Tuy không phải là con người của bằng cấp, không chọn con đường academia, nhưng Gertrude Stein từng là học trò của chính William James lừng danh, tại Radcliffe. Thậm chí, William James còn tỏ ra quan tâm đến cô sinh viên trẻ tuổi, và nhất định nghĩ cô sinh viên ấy hoàn toàn có thể có danh phận lớn trong triết học hoặc tâm lý học.

Điều đáng kinh ngạc là Gertrude Stein lại không ngay lập tức quan tâm đến Henry James, người em trai tiểu thuyết gia của William James. Phải mãi về sau này, Gertrude Stein mới bắt đầu đọc Henry James. Nhưng dẫu muộn, Gertrude Stein tỏ ra khả năng đọc của mình lớn đến mức nào: ngay lập tức, Gertrude Stein biết Henry James là một nhân vật văn chương khổng lồ (và không được hiểu). Gertrude Stein có vai trò như vậy (hiểu ra những gì không được hiểu, đương thời), rất nhiều lần.

Vị trí của Gertrude Stein không khác mấy, ở một khía cạnh nhất định, so với Henry James: họ là những người Mỹ ở châu Âu, tuy châu Âu với Henry James đồng nghĩa với Ý và Anh hơn nhiều so với Pháp (như ở trường hợp của Gertrude Stein). Dẫu thế nào, James hay Stein thì cũng đã là ở một hoàn cảnh hoàn toàn khác so với vài tiền bối lỗi lạc của họ, nhất là Benjamin Franklin của trước đó, một dạng "đại sứ không chính thức" của Mỹ tại Paris.

Henry James và Gertrude Stein nằm ở lưng chừng, chưa đẩy cái nhìn vào nước Mỹ xuất thân của họ đến cực điểm như Ezra Pound. Cả James lẫn Stein đều có thể trở về Mỹ trong vinh quang, được mời thuyết trình, chứ không giống sự quay lại Mỹ của Pound.

Ở một vị trí như vậy, tất nhiên ta hiểu Gertrude Stein là một ở giữa trong tương quan Mỹ-châu Âu. Điều dường như là hiển nhiên này thật ra lại cần nhìn kỹ, bởi nó không dễ thấy. Các nhân vật tiểu thuyết của Henry James qua lại hai bên Đại Tây Dương, nhưng Gertrude Stein không viết giống James: không phải là những tiểu thuyết có cốt truyện. Sự ở giữa của Gertrude Stein, trên phương diện này, có thể thấy ở - chẳng hạn - cuốn sách tạo nên danh tiếng văn chương ban đầu của Gertrude Stein: Three Lives. Đây là một sự ghép của hai yếu tố: yếu tố Flaubert (Trois Contes) và yếu tố Maupassant (Une vie). Gertrude Stein xen vào giữa hai nhà văn Pháp, và vậy là ta có một cuốn sách vô cùng hấp dẫn, về ba cuộc đời phụ nữ, một trong những tác phẩm văn chương gây nhiều rung động hơn cả của thời kỳ ấy.

Tất nhiên, Gertrude Stein đã quá nổi tiếng ở vị trí người phát hiện các họa sĩ. Picasso không bao giờ vẽ có người mẫu, nhưng đã bắt Gertrude Stein ngồi làm mẫu rất nhiều lần, để vẽ chân dung - một bức tranh vô cùng nổi tiếng. Gertrude Stein là một dạng cảm hứng to lớn của hội họa một thời, cũng là một người nâng đỡ rất nhiều họa sĩ, người nhìn ra tài năng. Một Gertrude Stein ở giữa hội họa và văn chương, giữa vẽ và viết. Gertrude Stein đã kể (vô cùng hấp dẫn, như mọi câu chuyện mà Madame kể) mình từng đi mua tranh (cùng ông anh trai) như thế nào, khi mà còn chưa ai biết đến Picasso.

Cũng có lúc, Gertrude Stein ở giữa (không nhất thiết là với mục đích dàn hòa) các cặp vợ chồng, chẳng hạn như vợ chồng Picasso, nhất là khi Picasso còn sống với người vợ Fernande.

Văn chương của Gertrude Stein có những phẩm chất lớn, nhưng - ta có thể dễ dàng đoán được - con người Gertrude Stein cũng vậy, mang rất nhiều phẩm chất lớn. Để ở giữa được, cần phải có những năng lực hiếm có. Tất nhiên, khi đã nói đến ở giữa, thì các cực hết sức quan trọng. Nhưng, các cực càng quan trọng, thì sự ở giữa càng khó. Và đây không phải là một sự ở giữa nhằm trung hòa, điều hòa: sự ở giữa của Gertrude Stein nhiều khi tạo cảm giác về một sự đẩy thêm, cho các cực điểm càng cực điểm hơn. Vậy thì lại càng khó.

Sự viết của Gertrude Stein là một cuộc đi trên dây, và sợi dây chăng trên vực thẳm: lúc nào cũng có nguy cơ ngã nhào xuống dưới. Không một thể loại nào an toàn được nữa khi Gertrude Stein đã đi vào đó. Đấy là một trong các nhân vật (rất hiếm) không viết theo những thể loại có sẵn, mà tạo ra thể loại. Vì không gì có sẵn chứa được đầy đủ các nhân vật tương tự. Autobiography, khi vào tay Gertrude Stein (và không chỉ một lần: vì không chỉ có Autobiography of Alice Toklas), liền biến thành một cái gì đó khác hẳn, những ranh giới của nó không phải bị Gertrude Stein phá đi, mà đơn giản là với Gertrude Stein, không có ranh giới nào cả. Là một người rất mê đọc truyện trinh thám, khi truyện trinh thám còn chưa trở thành cả một ngành công nghiệp, Gertrude Stein cũng viết truyện trinh thám. Gertrude Stein là một big reader, điều đó khiến cái nhìn của Gertrude Stein không mấy khi nhầm lẫn, và hiểu ra từ rất sớm một điều: các giới hạn, chúng chẳng bao giờ tồn tại.

Dĩ nhiên, sự ở giữa của Gertrude Stein trong tiến triển các thế hệ nhà văn Mỹ là một trong những điều thấy rõ hơn cả. Theo truyền thuyết, danh xưng cho cả một thế hệ văn chương Mỹ là do Gertrude Stein tìm ra. Một chuyện không phải truyền thuyết: cuộc gặp giữa Ezra Pound và Gertrude Stein tại nhà của Gertrude Stein, ở Paris. Chi tiết nổi tiếng của cuộc gặp ấy là Pound ngồi xuống làm gãy một cái ghế của Gertrude Stein. Những ai quan tâm đến cái ghế gãy đó sẽ tìm thấy rất nhiều phiên bản, do nhiều người khác nhau kể.

Các câu chuyện liên quan đến Gertrude Stein, phần lớn chúng đều trở thành fable. Đấy chính là số phận của những người fabulous.

Cao Việt Dũng

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công