Gentleman cắn: niềm vui và nỗi đau
Đã làm được cho Baudelaire và Poe hiện ra, nhất là khía cạnh đọc của hai nhân vật ấy. Như vậy cũng đã đến lúc Thomas de Quincey xuất hiện - đủ một bộ ba.
một bộ ba khác (còn chưa được một năm)
Baudelaire là độc giả lớn của de Quincey và Poe. Chính nhờ tìm ra hai nhân vật ấy - một Anh, một Mỹ - mà Baudelaire form được mình. Không một nhà thơ nào mang lại nhiều vinh quang cho văn chương Pháp hơn Baudelaire [cf. Valéry]. Với Baudelaire, thơ Pháp lần đầu tiên gây được hồi ứng vượt xa biên giới. Swinburne, Gabriele d'Annunzio hay Stefan George [cf. Tâm hồn và hình thức] là những tinh thần được gợi hứng vô biên từ đó.
Những tinh thần như thế không biết đến giới hạn. Nói đúng hơn, họ chỉ thở được nơi vực thẳm, cùng nhịp với những thứ vượt mọi hình dung con người (bởi thế mà có sự vu khống dai dẳng về nghiện ngập và trác táng). Nhưng chẳng ai có thể sáng suốt hơn, vắng dục vọng và sober hơn những người như thế.
Hai text sau - tuyệt đối đối xứng nhau - được rút từ cuốn sách đang tiến hành, Gentleman cắn thuốc phiện, Công Hiện dịch.
Niềm vui từ thuốc phiện (trích)
- Thomas de Quincey
Ngài cố Công tước ___ thường nói, “Thứ Sáu tới, nếu Chúa phù hộ, tôi định uống say;” và cũng tương tự như vậy tôi thường ấn định trước bao nhiêu lần trong một quãng thời gian nhất định, và khi nào thì tôi sẽ trụy lạc với thuốc phiện. Hiếm khi nhiều hơn một lần trong ba tuần, vì lúc ấy tôi không thể mạo hiểm mà ngày nào cũng gọi, như về sau này, “một cốc laudanum negus, ấm, không đường.” Không, như tôi đã nói, hiếm khi tôi uống laudanum, vào quãng ấy, hơn một lần mỗi ba tuần; thường là vào tối thứ Ba hoặc thứ Bảy; Lý do của tôi là thế này. Ngày ấy Grassini hát ở rạp Opera, và giọng nàng khiến tôi mê mẩn hơn bất kì thứ gì tôi từng được nghe. Tôi không biết tình trạng của rạp Opera giờ đây ra sao, đã bảy hoặc tám năm rồi tôi chưa từng quay lại đó, nhưng vào lúc ấy, đây là chỗ đông người thú vị nhất ở London để dành trọn một buổi tối. Năm shilling cho phép ta đứng ở bao lơn, chỗ này ít bị quấy rầy hơn nhiều so với chỗ ngồi ở các rạp hát; dàn nhạc xuất sắc với sự hùng tráng đầy ngọt ngào và du dương ở đây khác hẳn so với tất tật mọi dàn nhạc khác của nước Anh, mà tổ hợp của chúng, tôi phải thú nhận, là không thể chấp nhận được với tai tôi, bởi tiếng ồn chõi nhau của các nhạc cụ và quyền bạo chúa tuyệt đối của tiếng vĩ cầm. Những khúc hợp xướng vang lên thật tuyệt diệu, và khi Grassini xuất hiện ở một đoạn giữa hai màn kịch, như nàng thường làm, và thổ lộ tâm hồn tha thiết của mình với tư cách là Andromache bên nấm mồ của Hector chẳng hạn, tôi tự hỏi liệu có người Thổ nào, trong tất tật những người từng bước vào Thiên đường của kẻ cắn thuốc phiện kia, đạt được dù chỉ một nửa khoái lạc mà tôi có. Nhưng quả thật, tôi đã vinh danh những người man rợ ấy quá nhiều khi cho rằng họ có khả năng chạm đến bất kỳ lạc thú nào tương đương với những lạc thú thuộc về trí năng của một người Anh. Bởi âm nhạc là một lạc thú thuộc về trí năng hay xác thịt còn tùy thuộc vào khí chất của người nghe. Và nhân tiện, ngoại trừ khúc phóng túng tuyệt diệu về chủ đề ấy trong Twelfth Night, tôi không nhớ gì trừ một điều đã được nói một cách thỏa đáng về chủ đề âm nhạc trong văn chương; đó là một đoạn trong Religio Medici của Sir T.Brown, và mặc dù đặc biệt đáng chú ý bởi sự uy nghi, nó cũng mang một giá trị thuộc về triết học, bởi vì đã chỉ ra một lý thuyết đúng về hiệu ứng âm nhạc. Sai lầm của hầu hết mọi người là cho rằng họ tiếp xúc với âm nhạc bằng tai, và bởi vậy hoàn toàn thụ động trước những tác động của nó. Nhưng không phải thế; chính là bởi phản ứng của trí óc với những ghi nhận từ tai (chất liệu cảm nhận được bởi giác quan, hình thức bởi trí óc) mà khoái lạc được hình thành, và do đó những người cùng có tai thính như nhau lại khác nhau rất nhiều về điểm này. Giờ thì, thuốc phiện, bằng cách tăng cường đáng kể khả năng hoạt động cho trí óc, lẽ tất yếu, thường đẩy mạnh phương thức hoạt động đặc biệt của nó mà nhờ đó chúng ta có thể tạo ra từ nguyên liệu thô của âm thanh cơ bản một khoái lạc tinh vi thuộc về trí năng. Nhưng, một người bạn nói, một chuỗi nối tiếp các âm thanh du dương đối với tôi giống như một tập hợp các ký tự Ả Rập; tôi chẳng thể gắn ý tưởng nào vào với chúng. Ý tưởng! thưa ngài? Chẳng có cơ hội nào cho chúng; tất cả các loại ý tưởng khả dĩ trong một trường hợp như vậy đều có một ngôn ngữ của những cảm xúc tượng trưng. Nhưng đây là một chủ đề xa lạ với múc đích hiện tại của tôi; chỉ cần nói rằng một dàn đồng ca, chẳng hạn, với hòa âm phức tạp bày ra trước mắt tôi, như trong một tác phẩm sắp đặt, là toàn bộ kiếp trước của tôi – không phải được hồi tưởng bởi một hành động của trí nhớ, mà như thể hiện ra và hóa thân thành âm nhạc; không còn đau đớn day đi day lại một chỗ nữa; nhưng chi tiết về các sự việc của nó đã bị loại bỏ hoặc đã trộn lẫn trong nét trừu tượng mơ hồ nào đó, và những dục vọng của nó trở nên cao cả, sinh động, và siêu phàm. Tất tật chỉ mất năm shilling. Và ngoài âm nhạc của sân khấu và dàn nhạc, tôi có xung quanh mình, trong những khoảng tạm nghỉ, âm nhạc của tiếng Ý từ những phụ nữ Ý – vì bao lơn thường đông đặc người Ý – và tôi lắng nghe với cùng một niềm vui mà nhà du hành Weld đã có khi nằm và nghe, ở Canada, tiếng cười ngọt ngào của phụ nữ Anh điêng; vì bạn hiểu càng ít về một ngôn ngữ, bàn càng nhạy cảm hơn với giai điệu hoặc độ gắt những thanh âm của ngôn ngữ ấy. Bởi vậy, cũng vì lẽ ấy, quả là lợi thế lớn cho tôi khi là một môn sinh tồi của tiếng Ý, đọc rất ít, và hầu như không nói được, cũng không hiểu đến một phần mười những gì tôi nghe.
Đó là thú vui ca kịch của tôi; nhưng tôi còn có một niềm vui khác mà, vì nó chỉ có thể có được vào tối thứ bảy, đôi khi phải đấu tranh với tình yêu dành cho rạp Opera; vì thời ấy các đêm ca kịch thường xuyên diễn ra vào thứ Ba và thứ Bảy. Về chủ đề này, tôi e rằng mình sẽ tỏ ra khá mơ hồ, nhưng có thể đảm bảo với độc giả rằng không hề mơ hồ hơn so với Marinus trong quyển Cuộc đời của Proclus của ông, hay rất nhiều những nhà viết tiểu sử và tự truyện nổi danh khác. Niềm vui này, như tôi đã nói, chỉ có được vào một tối thứ Bảy. Vậy thì, buổi tối thứ Bảy đối với tôi có gì hơn hẳn tất tật những buổi tối khác? Tôi không có công việc nào để nghỉ ngơi, không có tiền công để nhận; vậy tôi còn phải quan tâm đến chuyện gì vào tối thứ Bảy, hơn là đến nghe Grassini hát? Đúng, độc giả rất hợp lý; những gì bạn đặt ra là không thể trả lời được. Tuy nhiên sự thật đúng là như vậy, bởi xét rằng những người khác nhau hướng cảm xúc của họ theo những lối khác nhau, và phần lớn đều có xu hướng thể hiện sự quan tâm của họ đến những âu lo của người nghèo chủ yếu bằng lòng thương hại, được bày tỏ dưới hình thức này hay hình thức khác, trước những mệt nhọc và khổ đau của họ, tôi vào quãng ấy lại sẵn sàng bày tỏ sự quan tâm của mình bằng cách đồng cảm với niềm vui của họ. Những nỗi đau bởi nghèo khó tôi đã được thấy quá nhiều, nhiều hơn mức tôi muốn nhớ; nhưng niềm vui của người nghèo, những an ủi cho tâm hồn họ, và sự nghỉ ngơi của họ sau công việc mệt nhọc, không bao giờ gây ngột ngạt cho việc chiêm ngưỡng. Giờ đây tối thứ Bảy là thời điểm cho cuộc trở về chủ yếu, thường xuyên và định kỳ với sự nghỉ ngơi của người nghèo; vì mục đích này mà những bè phái thù địch nhất đoàn kết lại với nhau, và thừa nhận một mối liên kết chung của tình huynh đệ; hầu hết mọi tín đồ Cơ Đốc đều nghỉ ngơi sau những lao động mệt nhọc. Đây là sự nghỉ ngơi mở đầu cho một sự nghỉ ngơi khác, và được tách ra thành trọn một ngày và hai đêm khỏi những quãng mệt nhọc bởi lao động. Bởi vậy mà tôi luôn cảm thấy, vào một tối thứ Bảy, như thể mình cũng được giải thoát khỏi một ách lao động nào đó, cũng có chút tiền lương để nhận, và một sự nghỉ ngơi xa xỉ nào đó để tận hưởng. Bởi vậy, vì muốn được chứng kiến, trên quy mô lớn nhất có thể, một cảnh tượng khiến lòng trắc ẩn của tôi được trọn vẹn, vào các buổi tối thứ Bảy, sau khi cắn thuốc, tôi thường lang thang dấn bước, chẳng quan tâm mấy đến phương hướng hay lộ trình, đến tất tật những nơi buôn bán và những khu vực khác của London mà người nghèo lui tới vào một tối thứ Bảy, để tiêu tiền lương của họ. Tôi đã nghe thấy nhiều nhóm các gia đình, gồm một người đàn ông, bà vợ, đôi khi có thêm một hoặc hai đứa con, dừng lại bàn bạc trên lối đi hay trên phương tiện của họ, hoặc về khoản tiền còn lại trong hầu bao, hoặc về giá của những thứ vật dụng trong nhà. Dần dà tôi trở nên quen với những mong muốn của họ, những khó khăn và ý kiến của họ. Đôi khi là những xì xầm bất mãn có thể nghe thấy được, nhưng thường xuyên hơn là những biểu hiện trên nét mặt, hay của những từ được thốt ra, cho thấy sự kiên nhẫn, hy vọng, và tĩnh tại. Và về tổng thể, tôi phải nói rằng, ít nhất ở điểm này, người nghèo lại triết lý hơn người giàu – rằng ở họ cho thấy một sự phục tùng sẵn sàng và vui vẻ hơn trước những gì họ xem là thói xấu hết thuốc chữa hay mất mát không thể khắc phục được. Bất cứ khi nào có cơ hội, hoặc có thể làm như vậy mà không có vẻ quấy rầy, tôi nhập vào các nhóm bọn họ, và cho ý kiến về những vấn đề đang thảo luận, những ý này, nếu không phải lúc nào cũng đúng, thì cũng luôn được đón nhận một cách khoan dung. Nếu tiền công tăng lên một chút hoặc dự kiến như vậy, hoặc ổ bánh mì rẻ hơn một tẹo, hoặc có tin hành và bơ sẽ hạ giá, tôi rất vui; tuy nhiên, giả như điều ngược lại mới đúng, tôi cũng rút ra được từ thuốc phiện phương cách nào đó để tự an ủi mình. Bởi vì thuốc phiện (giống như loài ong, hút lấy chất liệu cho mình một cách bừa bãi từ hoa hồng và từ bồ hóng ống khói) có thể chế ngự mọi cảm xúc để tuân theo điều chủ chốt. Một vài những chuyến đi lan man như thế dẫn tôi đi rất xa, vì một kẻ cắn thuốc phiện quá hạnh phúc khi quan sát chuyển động của thời gian; và thỉnh thoảng trong lúc cố lái hướng về nhà, theo những nguyên tắc hàng hải, bằng cách nhìn chằm chằm sao Bắc Đẩu và hau háu tìm kiếm một lối đi về phía bắc, thay vì cứ đi vòng quanh tất cả các eo biển và mũi đất mà tôi đã nhân đôi lên trong chuyến du hành của mình, tôi bất chợt gặp phải vô vàn rắc rối với những con hẻm, những lối vào hết sức bí mật, và câu đố đầy bí ẩn của những phố không dẫn ra đường cái ấy, hẳn là, tôi tưởng tượng, đã làm lúng túng sự táo bạo của người khuân vác và gây rối trí người đánh xe ngựa. Nhiều lần hẳn tôi đã gần như tin rằng mình là người đầu tiên khám phá ra một vài trong những terræ incognitæ[1] ấy, và nghi ngờ liệu chúng có được đưa vào bản đồ hiện hành của London chưa. Tuy vậy, với tất tật những chuyện ấy, tôi đã phải trả một cái giá đắt cho những năm sau này, khi khuôn mặt con người người thống trị những giấc mơ của tôi, và những bước chân lộn xộn của tôi ở London quay về và ám ảnh giấc ngủ của tôi, cùng với cảm giác về tình trạng hỗn loạn, thuộc về luân lý và trí năng, chúng khiến lý trí trở nên hỗn độn, hoặc khiến lương tâm phải khổ sở và ăn năn.
Nỗi đau từ thuốc phiện (trích)
- Thomas de Quincey
Giờ đây tôi chuyển sang chủ đề chính của những lời thú nhận sau cùng, về lịch sử và nhật ký của những gì đã diễn ra trong các giấc mơ của tôi, vì đây là nguyên nhân trực tiếp và xác đáng gây ra nỗi đau khổ sâu sắc nhất của tôi.
Điều mà tôi lưu ý đầu tiên trước những sự thay đổi quan trọng đang diễn ra ở giai đoạn này trong cơ cấu tổ chức về mặt thể chất của tôi là việc đánh thức lại một trạng thái của thị giác thường xuất hiện vào thời thơ ấu, hoặc trạng thái đầy kích thích của sự cáu gắt. Tôi không biết liệu độc giả của tôi có nhận thấy rằng nhiều đứa trẻ, có lẽ là hầu hết, có khả năng vẽ, theo lối mù mờ, đủ loại bóng ma. Ở một số đứa trẻ khả năng ấy chỉ đơn giản là một cảm giác máy móc của mắt; những đứa khác lại có một khả năng chủ động hoặc bán chủ động để giải tán hay triệu tập chúng; hoặc, như một đứa trẻ từng nói khi tôi hỏi nó về vấn đề này, “cháu có thể bảo chúng đi, thế là chúng đi, nhưng đôi khi chúng đến khi cháu không gọi chúng đến.” Bởi thế tôi nói với cậu bé rằng cậu gần như tuyệt đối có quyền ra lệnh cho các hồn ma như một viên chỉ huy La Mã ra lệnh cho binh lính của mình. – Vào khoảng giữa năm 1817, tôi cho là vậy, quyền năng này đã khiến tôi thực sự lo lắng: vào ban đêm, khi tôi nằm thao thức trên giường, những đám rước khổng lồ diễu qua trong vẻ tráng lệ buồn thảm; những phù điêu kể những câu chuyện không bao giờ kết thúc, mà đối với cảm giác của tôi chúng buồn và trang nghiêm như thể được tạc nên từ những thời đại trước Oedipus hay Priam, trước Tyre, trước Memphis. Và đồng thời một sự thay đổi tương ứng cũng xảy ra trong các giấc mơ của tôi; một rạp hát dường như đột ngột mở màn và bừng sáng trong não tôi, nơi trình diễn hằng đêm những cảnh tượng còn rực rỡ hơn vẻ huy hoàng của trần thế. Và bốn điều sau đây có thể xem là đáng chú ý hơn cả vào lúc này:
1. Khi trạng thái sáng tạo của thị giác tăng lên, một sự đồng cảm dường như nảy sinh giữa các trạng thái thức và mơ của não bộ ở điểm này – bất cứ thứ gì tôi nhớ lại và phác ra bởi một động tác có chủ ý trong bóng tối đều rất có thể sẽ tự dịch chuyển vào trong những giấc mơ của tôi, thành thử tôi sợ phải sử dụng quyền năng này; bởi vì, giống như vua Midas biến mọi thứ thành vàng nhưng bởi vậy mà làm hỏng những hy vọng và đánh lừa những ham muốn con người của ông, bất kỳ thứ gì có thể được biểu hiện bằng hình ảnh mà tôi nghĩ đến trong bóng tối, ngay lập tức tự biến thành những bóng ma của thị giác; và bằng một quá trình mà dường như là tất yếu, ngay khi được phác bởi những màu sắc nhạt nhòa hư ảo, như viết ra bởi thứ mực đồng cảm, chúng được nối dài bởi phản ứng hóa học dữ dội của những giấc mơ trở nên lộng lẫy đến mức không thể chịu đựng nổi mà ăn mòn trái tim tôi.
2. Vì điều này và tất tật những thay đổi khác trong những giấc mơ của tôi đều đi kèm với sự lo âu thầm kín và nỗi u sầu ảm đạm, những điều hoàn toàn không thể nói thành lời. Dường như mỗi đêm tôi đều rơi, không phải theo lối ẩn dụ, mà là rơi theo đúng nghĩa đen, xuống những lỗ hổng và hang sâu không ánh mặt trời, vực thẳm dưới tận cùng mọi vực thẳm, mà ở đó tôi không thể leo lên trở lại. Khi thức giấc, tôi cũng không cảm thấy rằng mình đã leo lên được. Tôi không tập trung vào điểm này; bởi vì trạng thái ảm đạm khi dự phần vào những cảnh tượng lộng lẫy ấy, rốt cuộc trở nên hoàn toàn đen đặc, giống như một cơn chán nản muốn tự sát nào đó, không thể diễn tả bằng lời.
3. Cảm nhận về không gian, và rốt cuộc cả cảm nhận về thời gian, đều bị ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ. Những tòa nhà, phong cảnh, vân vân… được bày ra với những tỷ lệ quá lớn đến mức mắt thường không thể thu nhận đầy đủ. Không gian trương phồng, và được khuếch đại vượt qua mọi phạm vi có thể diễn tả được. Tuy nhiên, điều này không làm tôi băn khoăn nhiều bằng sự giãn nở quá mức của thời gian; đôi khi tôi dường như đã sống trọn 70 hay 100 năm trong một đêm – không những thế, đôi khi có những cảm giác về một thiên niên kỷ đã trôi qua trong khoảng thời gian ấy, hoặc, tuy vậy, về một khoảng thời gian vượt xa mọi giới hạn mà loài người từng biết đến.
4. Những sự việc nhỏ nhặt nhất thời thơ ấu, hay những xen đã bị lãng quên trong những năm sau này, thường xuyên quay trở lại: tôi không thể nói là đã nhớ lại chúng, bởi vì nếu tôi được kể cho nghe về chúng khi thức dậy, hẳn tôi sẽ không thừa nhận rằng chúng là những phần thuộc về trải nghiệm trong quá khứ của mình. Nhưng đặt chúng trước mặt tôi, trong những giấc mơ, giống như những điều trực giác, và khoác lên cho chúng tất tật những cảnh huống dễ phai mờ và kèm theo cảm xúc, tôi nhận ra chúng ngay lập tức. Tôi được một người họ hàng gần kể lại rằng hồi còn nhỏ cô ấy từng bị rơi xuống sông, và khi cận kề cái chết mà chỉ ngay trước lúc được cứu, cô ấy đã nhìn thấy cả cuộc đời mình, với từng sự việc vụn vặt nhất của nó, cùng lúc trải ra trước mắt cô như trên một tấm gương; và cô có một năng lực được khuếch trương đột ngột để hiểu thấu toàn bộ và từng phần một. Điều này, từ một số những kinh nghiệm với thuốc phiện của mình, tôi có thể tin được; quả thật tôi đã thấy điều tương tự được tái khẳng định trong những quyển sách hiện đại, và kèm theo một nhận xét mà tôi tin chắc là đúng; đó là, quyển sổ kết toán gây khiếp sợ mà Thánh kinh nhắc đến thật ra chính là ký ức của mỗi người. Về điều này ít nhất tôi cảm thấy chắc chắn rằng, không gì có thể bị quên đi bởi ký ức; cả ngàn tai nạn có thể và sẽ phủ một lớp màn xen giữa ý thức hiện tại của chúng ta với những dòng chữ bí mật được khắc lên ký ức; những tai nạn cùng loại cũng sẽ xé toạc bức màn này; nhưng dù có bị che lấp hay không, chữ khắc vẫn còn lại mãi mãi, giống như các vì sao dường như biến mất trước ánh sáng ban ngày, trong khi thực tế chúng ta đều biết rằng chính ánh sáng đã phủ lên chúng như một tấm màn, và rằng chúng đang đợi được lộ ra khi ánh sáng che khuất kia rút đi.
Sau khi lưu ý rằng bốn điều này giúp phân biệt một cách rạch ròi giấc mơ của tôi với giấc mơ của người khỏe mạnh, giờ tôi sẽ trích dẫn một trường hợp để minh họa cho điều đầu tiên, và sau đó sẽ dẫn ra sự việc nào mà tôi nhớ được, theo thứ tự thời gian, hoặc bất kỳ sự việc nào có thể tạo cho những điều đã nói trên nhiều ấn tượng dưới dạng hình ảnh hơn đối với độc giả.
Hồi còn trẻ, và đúng là ngay từ lúc ấy, thỉnh thoảng để giải trí, tôi đã là một độc giả lớn của Livy, người mà tôi phải thú nhận rằng tôi thích, về cả phong cách và nội dung, hơn bất kỳ nhà sử học La Mã nào khác; tôi thường xuyên cảm thấy những âm thanh trang trọng và làm kinh sợ nhất, và đại diện rõ nhất cho vẻ uy nghiêm của người La Mã, ở hai từ thường xuất hiện của Livy – Consul Romanus, đặc biệt là khi nhà lãnh sự được giới thiệu trong tính cách nhà binh của ông. Ý tôi muốn nói rằng những từ như vua, quốc vương, quan nhiếp chính, vân vân…, hoặc bất kỳ tước hiệu nào khác dành cho những người thể hiện ở họ tập hợp sự uy nghiêm của một dân tộc vĩ đại, lại tác động ít hơn đến những xúc cảm tôn kính của tôi. Tôi cũng đã, dẫu không phải là độc giả lớn của lịch sử, khiến mình trở nên quen thuộc theo lối tỷ mỉ và có thể phê bình với một giai đoạn của lịch sử Anh, tức là thời kỳ Chiến tranh Nghị viện, bị thu hút bởi sự vĩ đại về mặt đạo đức của một số nhân vật được miêu tả vào thời này, và bởi những hồi ký thú vị còn sót lại từ thời đại đầy bất ổn đó. Cả hai phần của sự đọc nhẹ nhàng này của tôi, vốn thường xuyên cung cấp cho tôi chất liệu để suy ngẫm, giờ đây cung cấp chất liệu cho những giấc mơ của tôi. Tôi thường trông thấy, sau khi vẽ lên khoảng không trong bóng tối như một kiểu nhắc lại khi vừa thức giấc, một đám đông phụ nữ, và có thể là một lễ hội và các điệu nhảy. Và tôi nghe thấy nó nói, hoặc tôi tự nói với mình, “Đây là những người phụ nữ Anh trong thời kỳ bất hạnh của Charles I. Đây là vợ và con gái của những người đã gặp nhau trong hòa bình, ngồi cùng một bàn ăn, kết liên minh với nhau bằng hôn phối hay bằng máu; và tuy vậy, sau một ngày nào đó vào tháng Tám năm 1642, không còn cười với nhau bao giờ nữa, cũng chẳng gặp nhau trừ phi trên chiến trường; và ở Marston Moor, Newbury, hay Naseby, đã cắt đứt mọi ràng buộc của tình yêu bằng lưỡi gươm tàn bạo, và rửa sạch trong máu ký ức về tình bạn thời xa xưa.” Các quý cô nhảy múa, và trông đáng yêu như trong thời kỳ George IV. Tuy vậy tôi cũng biết, ngay cả trong mơ, rằng họ đã nằm dưới mồ gần hai thế kỷ. Khung cảnh lịch sử này sẽ đột ngột tan biến; và chỉ cần vỗ tay một cái là có thể nghe được tiếng tim đập rộn của Consul Romanus; và ngay lập tức đi “lướt qua,” trong những áo choàng sĩ quan lộng lẫy, Paulus hay Marius, được vậy quanh bởi một nhóm các tướng chỉ huy, với chiếc áo dài đỏ thẫm treo trên một ngọn giáo, và theo sau là alalagmos[1] của quân đoàn La Mã.
Nhiều năm về trước, khi tôi đang xem Cổ vật La Mã của Piranesi, Mr. Coleridge, đứng bên cạnh, mô tả cho tôi những bức tranh khắc của người nghệ sĩ ấy, được gọi là Những giấc mơ của ông, chúng ghi lại cảnh tượng những ảo ảnh của chính ông trong cơn mê sảng vì sốt cao. Vài bức trong số chúng (tôi chỉ mô tả theo trí nhớ của Mr. Coleridge) trình bày những đại sảnh Gothic rộng lớn, trên thềm bày đủ mọi loại dụng cụ và máy móc, bánh xe, dây thừng, ròng rọc, đòn bẩy, máy bắn đá, vân vân…, thể hiện sức mạnh ghê gớm được biểu dương và chế ngự mọi phản kháng. Men theo các bức tường bạn có thể thấy là một cầu thang; ở trên đó, đang dò dẫm đi lên, là chính Piranesi: lần theo các bậc thang thêm chút nữa bạn sẽ thấy nó dẫn đến một chỗ đứt đoạn đột ngột mà không có lan can, và không cho phép kẻ đã chạm đến cực hạn đi tiếp trừ phi lao xuống vực sâu bên dưới. Bất kể chuyện gì đã xảy ra cho Piranesi đáng thương, bạn cho rằng ít nhất công việc của ông ấy bằng cách nào đó phải chấm dứt ở đây. Nhưng bạn ngước mắt lên, và trông thấy vế thang thứ hai ở cao hơn, mà trên đó lại là Piranesi, nhưng lần này đang đứng sát bờ vực thẳm. Hãy lại ngước mắt lên thêm, sẽ trông thấy còn nhiều vế thang trong không trung khác nữa, và vẫn lại là Piranei bận bịu với công việc đầy tham vọng của ông; và cứ thế, cho đến khi cả những bậc thang dang dở cũng như Piranesi mất hút trong bóng tối tít trên cao đại sảnh[2]. Với cùng sức mạnh của sự phát triển không ngừng nghỉ và khả năng tự tái tạo như thế mà các công trình kiến trúc của tôi đã tiếp diễn trong những giấc mơ. Ở giai đoạn đầu căn bệnh của tôi sự huy hoàng trong giấc mơ quả thực chủ yếu thuộc về kiến trúc; và sự tráng lệ ấy của các thành phố và cung điện tôi chưa bao giờ tận mắt trông thấy khi thức trừ phi ở trên mây. Từ một nhà thơ lớn hiện đại tôi trích dẫn một đoạn mô tả, như một quang cảnh thực sự được nhìn thấy trên mây, mà phần lớn những chi tiết ấy tôi lại thường xuyên nhìn thấy trong lúc ngủ:
Quang cảnh, ngay lập tức cho thấy,
Một thành phố hùng mạnh – dám cho là
Một bãi công trường bỏ hoang, chìm thật sâu
Và tự rút vào một sâu thẳm kỳ lạ,
Chìm đắm trong huy hoàng – vô cùng tận!
Cấu tạo bằng kim cương, và bằng vàng,
Cùng những vòm ngọc thạch, những chóp tháp bạc,
Và rực sáng mái hiên chồng mái hiên, lên cao
Cao nữa; nơi đây, những mái che bình yên sáng sủa
Giữa ngang dọc các đại lộ; những tòa tháp được bao quanh
Bởi những thành lũy mà trên mặt tiền bồn chồn không yên của chúng
Mang các vì sao – ánh sáng của tất tật mọi viên ngọc!
Bởi tinh chất trần gian được trổ nên
Từ chất liệu tối tăm của giông bão
Giờ đây đã dẹp yên; trên chúng, và trên các vịnh,
Và trên những dốc núi và đỉnh núi, thổi đến đó
Những làn hơi nước đã rút đi – ở nơi ấy
Trạm dừng của chúng dưới bầu trời thiên thanh. Vân vân…[3]
Cảnh tượng thật hùng vĩ, “những thành lũy mà trên mặt tiền bồn chồn không yên của chúng mang các vì sao,” hẳn đã chép ra từ các giấc mơ có tính kiến trúc của tôi, vì nó thường xuyên xảy ra. Chúng tôi nghe kể về Dryden và Fuseli, trong thời hiện đại, họ đinh ninh rằng ăn thịt sống có thể tạo ra được những giấc mơ tráng lệ: sẽ tốt hơn bao nhiêu nếu vì một mục đích như vậy mà ăn thuốc phiện, việc này tôi không nhớ đã có nhà thơ nào được xác nhận rằng đã làm hay không, ngoại trừ kịch tác gia Shadwell; và vào thời cổ đại Homer được cho là, tôi nghĩ điều này đúng, đã biết đến tác dụng của thuốc phiện.
Tiếp nối các tòa kiến trúc của tôi là những giấc mơ về các hồ nước và những dải nước rộng óng ánh bạc: những thứ này ám ảnh tôi nhiều đến mức tôi sợ (dù có lẽ điều này thật lố bịch với một y sĩ) rằng một trạng thái hoặc khuynh hướng sưng phù nào đó của não có thể đã tự làm nó trở nên (hãy dùng một từ siêu hình) khách quan; và cơ quan có tri giác ấy tự chiếu nó ra thành vật thể của chính nó. Trong hai tháng tôi đã phải chịu đựng ghê gớm trong đầu mình, phần cấu trúc của cơ thể tôi cho đến giờ vẫn hoàn toàn không bị ảnh hưởng hay hư hại bởi sự yếu đuối (ý tôi là về mặt thể chất) mà tôi thường nói về nó, như Lord Orford cuối cùng đã nói về dạ dày của ông ấy, rằng nó dường như là bộ phận sau rốt còn sống sót của cơ thể tôi. Cho đến giờ tôi chưa từng cảm thấy một cơn nhức đầu, hay bất kỳ cơn đau nhỏ nhất nào, ngoại trừ những cơn đau do chứng viêm cơ gây ra bởi hành động dại dột của chính tôi. Tuy nhiên, tôi đã vượt qua được đợt tấn công này, dù chắc hẳn sắp sửa xảy ra điều gì đó hết sức nguy hiểm.
Và nước giờ đây đã thay đổi tính chất – từ những hồ nước trong vắt sáng như gương giờ chúng trở thành các biển và đại dương. Và lúc này xảy ra một thay đổi to lớn, nó tự khai mở dần dần như một cuộn giấy suốt nhiều tháng, hứa hẹn một nỗi dày vò dai dẳng; và trên thực tế nó chưa bao giờ rời bỏ tôi cho đến khi căn bệnh của tôi chấm dứt. Cho đến giờ những khuôn mặt con người vẫn thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của tôi, nhưng không hề mang vẻ chuyên quyền hay có sức mạnh dày vò đặc biệt nào. Nhưng giờ đây thứ mà tôi gọi là ách bạo chúa của khuôn mặt con người bắt đầu bộc lộ. Có lẽ phần nào đó của quãng đời ở London của tôi phải chịu trách nhiệm cho việc này. Nhưng dẫu thế nào, giờ đây trên mặt nước rung chuyển của đại dương khuôn mặt con người bắt đầu xuất hiện; mặt biển dường như được lát kín với vô vàn khuôn mặt ngước lên trời – những khuôn mặt van nài, phẫn uất, tuyệt vọng, dập dồn dâng lên hàng nghìn, hàng vạn, hàng thế hệ, hàng thế kỷ: nỗi xúc động của tôi là vô cùng tận; tâm trí tôi quay cuồng và dâng trào cùng đại dương.
[1] Tiếng La Tinh, vùng đất không ai biết.
[2] Các bản khắc De Quincey mô tả thuộc về chuỗi Carceri d'Invenzione, tức Nhà tù tưởng tượng, của kiến trúc sư Ý Giovanni Battista Piranesi (1720-1778).
[3] Đoạn thơ trích từ “The Excursion” của William Wordsworth
[4] Tiếng La tinh, khẩu hiệu chiến tranh
Công Hiện dịch