favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

François Mauriac và cái ác

17/05/2025 08:59

Một ý rất thường được gán cho một vài tiểu thuyết gia, rằng họ dùng tác phẩm của mình để nêu lên quan điểm đạo đức, hay một dạng khác của nó là phê phán hiện thực, giờ đây - khi đã có một bối cảnh rộng hơn - không còn lý do để tồn tại nữa. Joseph ConradHenry James là những trường hợp như thế, tầm vóc lớn văn chương của họ luôn luôn phải chịu những lầm lẫn dễ dãi với giáo điều và dạy luân lý, và có lẽ vì vậy vẫn gây dè chừng cho đến tận thời nay; xưng tụng về họ như những bậc thầy ngôn ngữ thậm chí còn đê tiện, nó biện minh cho việc từ chối đi sâu hơn, cùng lúc dè bỉu ngôn ngữ ấy. Tuy nhiên độc giả cũng đã biết rằng, theo chiều ngược lại, khi xuất hiện những văn chương mà chủ đề hầu như vắng bóng hoàn toàn đạo đức, Flaubert hay Baudelaire, khi cái thiện bị gạt qua một bên như thứ khô kiệt sức sống, tức tràn ngập những gì đầy nguy cơ cho tồn tại yên ổn của con người, cái ác, công chúng cũng lại lên cơn khó ở tương tự. Thậm chí cả tòa án cũng đã phải can thiệp. Dù phần lớn thời gian phớt lờ văn chương, con người xã hội, cũng như những gì phụ thuộc hoàn toàn vào sự dập dềnh ở đó, lại vô cùng nhạy cảm mỗi khi thế giới đờ đẫn ấy bị lung lay. Một nhà văn tồn tại trong mắt hậu thế chủ yếu như là một nhà văn Công giáo, François Mauriac, hay người đương thời với ông, Georges Bernanos, trước hết gây e dè trong một lĩnh vực ngay từ đầu đã được xác lập bằng cách thoát ra khỏi mọi phê phán đạo đức. Nhưng Mauriac còn gây phiền phức hơn thế; trong khi, cũng giống như Georges Bernanos, Mauriac thể hiện một sự quan tâm lớn đến cái ác dưới hình thức những xấu xa của con người về mặt tinh thần, ở các tiểu thuyết của nhân vật ấy sự cứu chuộc dường như là thứ yếu, những gì trông thấy hoàn toàn là sa mạc. Những người Công giáo đương thời tấn công ông vì ông không viết về các chủ đề thần học cơ bản, ngay cả Georges Bernanos cũng bình luận rằng trong các tác phẩm của Mauriac ông ngửi thấy bốc lên mùi nhà vệ sinh.

Cái ác, sau khi trạng thái nở rộ của nó được khám phá, và cùng lúc lại gợi về thứ trái ngược với nó khi thiếu vắng hoàn toàn như một đòi hỏi mơ hồ về sự cân bằng, dần đi đến chỗ trở thành một cái nền trên đó những tình thế con người được xem xét. Nó đã trở nên trung tâm khơi gợi trí tưởng tượng của độc giả, chẳng hạn như trong tiểu thuyết trinh thám - còn ở đâu cái ác có thể được trông chờ hơn được đây? Nhưng ngay cả tiểu thuyết trinh thám cũng nương theo chuyển động ấy, trung tâm tìm kiếm đã chệch đi khỏi bản thân tội ác và hướng về nguồn gốc sâu xa của nó, xem xét hoàn cảnh của con người khi cái ác được chấp nhận như một thứ nằm ở cốt lõi của sự sống. Bất kỳ thám tử xuất chúng nào cũng không thể biết được những sự thật được khám phá bởi một thanh tra Maigret dường không có mấy phẩm chất nổi trội ngoài sự kiên nhẫn. Nhưng Maigret phải biến mất hẳn thì tiểu thuyết của Georges Simenon mới tìm được đúng hình thức: các roman dur. François Mauriac tuy thuộc về thế hệ trước Simenon nhưng lại là một trong số ít người nhìn thấy tài năng lớn của nhà văn Bỉ, người, dù nổi tiếng viết rất nhiều, vẫn bị xem như chuyên gia sản xuất ra loại văn chương thứ cấp. Simenon, cũng là một người ngưỡng mộ Joseph Conrad, đã tìm thấy hình thức của mình với cái nhìn đặt ra một khoảng cách với mọi thứ - có lẽ do chính nỗ lực xóa liên tục, như Simenon thừa nhận, chỉ để lại những gì cốt yếu - theo cách ấy những cái bóng của sự việc được trình bày trong một bầu không khí được nắm bắt tuyệt khéo dẫn độc giả đến với một sự thật, cùng với một cơn khó ở đặc trưng.

Georges Simenon từng nói rằng khi viết, trước hết ông tạo ra các nhân vật, để cho họ đi lại, gặp nhau... và rốt cuộc thì có cuốn tiểu thuyết. Dường như Graham Greene cũng thấy điều tương tự nơi các nhân vật của Mauriac khi nhận xét rằng họ đã hoàn thiện từ đầu, và diễn biến của hành động thì không quan trọng bằng cái đã thôi thúc họ, hé mở qua những hoàn cảnh nơi họ được đặt vào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại nơi các nhân vật của ông không thể phát biểu rõ ràng, nó mơ hồ hiện lên như kết quả của một sự dồn ứ các mẩu vụn rải rác trong quá khứ. Sa mạc của Raymond - nhân vật trong Sa mạc tình yêu - trở nên rõ rệt trong tâm trí anh khi gặp lại sau mười bảy năm người mà anh xem là cốt lõi của nỗi nhục lớn nhất đời, thứ đã thúc anh đi đến tình trạng hiện tại; nhân vật chính trong Le Noeud de vipères khi đã già đối mặt với câu hỏi làm thế nào mà ông ta, vốn không phải là quái vật, lại đi đến chỗ căm ghét tột cùng và thèm khát niềm vui trả thù đến thế. Nhu cầu tìm kiếm rõ rệt hơn cả là khi Thérèse Desqueyroux - trong quyển tiểu thuyết cùng tên [bản dịch tiếng Việt của Mặc Đỗ: Người vợ cô đơn], và sau đó còn xuất hiện trong các tiểu thuyết khác của Mauriac - trên quãng đường từ tòa án về nhà gặp lại người chồng bị nàng đầu độc, buộc mình phải tìm ra lời giải thích cho sự việc khi mà bản thân nàng đã biết rằng lời nói chẳng còn ích gì sau những kinh nghiệm nàng có.

Cuốn tiểu thuyết về Bébé Donge [Sự thật về Bébé Donge, đã có bản dịch tiếng Việt] của Georges Simenon cũng có hành động trung tâm là một vụ vợ đầu độc chồng tương tự, tuy có chút khác biệt; thuốc độc khi ấy được lén bỏ vào cà phê có ý định gây hại rõ ràng, còn trong cuốn tiểu thuyết của Mauriac đó là dạng thuốc để chữa bệnh mà Bernard - chồng của Thérèse - uống thường xuyên. Đôi khi Thérèse lén tăng liều thuốc để xem phản ứng của Bernard thế nào, nhưng mọi thứ lại vỡ lở vào lúc Thérèse, trong một cơn lưỡng lự dửng dưng, dù biết rằng người chồng sắp uống ly thứ hai, tức quá liều, chỉ đứng nhìn. Nhưng dù thế nào thì những gì thôi thúc họ, Bébé Donge và Thérèse Desqueyroux, hành động đều như nhau: một cảm giác không thể xâm nhập. Sự ghét bỏ và xa cách đã lớn đến nỗi hiện diện của những người chồng không khác gì các hình thức chết, ở đó chỉ những phản ứng chân thực nhất của cơn đau xác thịt là đáng để trông chờ.

Con người, theo nhìn nhận của Mauriac, đã gắn liền với cái ác ngay từ đầu; tiểu thuyết của ông khảo sát sự lớn lên hạt mầm của nó. Thérèse từ bé đã thấy sự ngoan ngoãn của cô em chồng tương lai chủ yếu là do ngu xuẩn - bị tách biệt hoàn toàn với đời sống nàng tin là thực; và chính Thérèse cũng lại trở thành kẻ tách biệt trong con mắt cộng đồng ở thôn quê. Những lỗi nhỏ trong đời sống thường nhật chẳng bao giờ là quá hệ trọng, nhưng chúng lặp lại như những vệt nứt bề mặt và báo hiệu một sự dối trá lớn hơn. Ý niệm về tội ấy của các cộng đồng người đã bước vào giai đoạn của ý thức, trong tiểu thuyết của Mauriac cụ thể là người Công giáo ở tỉnh, tức đã qua giai đoạn của tồn tại, luôn được tiếp nối - vì những gì mang nguy cơ phá hoại đạo đức luôn gây ra ham muốn phải bị thanh toán - bởi những nỗ lực ngăn ngừa hơn là tìm cách chấp nhận nó như một thứ vốn tồn tại nơi kẻ giờ đây không thể thoát được dáng vẻ có tội; trước khi tự thấy mình xa rời Chúa, người ta đã được nhắc nhở. Nhưng những hạt mầm của Mauriac còn rất xa mới chạm đến mức có thể gọi là lỗi. Chúng, tồn tại như những trái ý nhỏ nhặt khó có thể trình bày thấu đáo mà người ta thực hành mọi lúc, mang dáng vẻ mơ hồ ở vô cùng nhiều mức độ, thành thử sống động như một linh hồn đích thực vốn thoát ra mọi ý niệm cố kết. Chỉ một nhếch mép cười bởi những liên tưởng sớm, một lời nói mà độ sắc trước hết gây e ngại, một ánh mắt dò hỏi gây khó chịu... là đủ để hình thành một nguy cơ. Bất kể điều gì Thérèse nói ra, đối với người chồng, cũng báo hiệu một ý nghĩ quái đản, và ngược lại, chỉ khi nào anh ta đi cho khuất mắt thì nàng mới thấy hết bị kìm kẹp, như một người trốn được ra hoang đảo.

Trong con mắt sa mạc của người chồng, nàng luôn luôn hoặc là nạn nhân, hoặc là thủ phạm. Nỗ lực vượt qua cái hố ngăn cách ấy vắt kiệt Thérèse. Dần dần qua các mốc sự kiện rất bình thường trong đời nàng hiểu rằng sự dối trá nàng buộc phải tỏ ra, bởi chẳng thể tìm được đường vào, sẽ theo nàng mãi mãi khi ở bên cạnh một thế giới bất khả cảm thông; không một rẽ ngoặt nào xuất hiện trên con dốc dài nàng trượt xuống, và khi làm mẹ nàng chẳng hề cảm thấy bất kỳ tình cảm thành thực nào với cục thịt vừa dứt ra ấy. Khi diễn ra hành động khiến nàng bị kết tội dường như kết quả chỉ gây bất ngờ cho những người bên phía nhà chồng, không phải với độc giả, tất cả đều đã được tìm thấy trong bầu không khí lơ lửng ở đó.

Chính bầu không khí ấy với những ấn tượng nó để lại là thứ Mauriac nhắm đến trong các tiểu thuyết của ông, không phải những mô tả hay phân tích nhân vật. Và nếu có thể gọi đó là các bi kịch thì trước hết các tiểu thuyết của Mauriac có thể được đọc như bi kịch về sự tan rã của gia đình. Ngay trong hạt nhân của xã hội, và càng hơn thế nữa: của một cộng đồng Công giáo - nơi gia đình được nhìn nhận với một vai trò quan trọng - Mauriac tìm thấy mảnh đất màu mỡ cho những hạt mầm của cái ác. Trong cuốn tiểu thuyết được viết sớm hơn so với những gì nổi tiếng nhất của Mauriac, Sa mạc tình yêu, không có một tội ác nào thành hình, cũng không có cả các âm mưu cho một cuộc trả thù bởi căm ghét tột cùng (khao khát trả thù của Raymond, nếu có thể gọi như vậy, đã thất bại thảm hại theo cách một trò trẻ con bị phớt lờ). Một cơn uất nghẹn tóm lấy ngay khi người ta bắt đầu hiểu ra những gì khả dĩ dẫn đến khổ đau vốn đã nằm sẵn trong vô vàn những điều nhỏ nhặt mà chẳng phải là ta không tham gia, và khi các triệu chứng xuất hiện cũng là khi biết rằng chẳng thể làm gì được nữa.

Sự lặp lại của va chạm vặt vãnh trong gia đình Courrèges - các lầm lẫn của người này về người kia - không trầm trọng đến mức bạo lực nhưng thừa sức gây ra cảm giác uất nghẹn khi phải nghĩ đến sự ràng buộc mãi mãi. Đó là nơi mà sự thay đổi, vốn dĩ nằm trong bản tính mỗi con người, bị phủ nhận không thương tiếc; cái nhìn đậm đặc ý thức về bản thân từ chối sự thay đổi nơi những gì nó trông thấy: gia đình Courrèges thuộc vào loại có thể nhìn một sự vật mà mãi mãi không trông thấy gì. Raymond ở tuổi mười bảy biết rằng không thể tìm thấy một con mắt thông cảm nơi những người cậu thấy vật vờ như bóng ma, và tình trạng gần như tuyệt vọng bởi ý thức thường xuyên về bản thân như một con quái vật dơ dáy ấy chỉ vô tình được cứu khi buộc phải tập trung học với mục đích duy nhất là thoát ly khỏi gia đình. Liệu rằng việc thực hiện các bổn phận và tuân theo những quy ước có khiến Raymond trở thành một đứa trẻ dễ mến hơn? Người ta tìm thấy một khả năng cho câu hỏi ấy nơi cuộc đời mẫu mực của người cha, người đã luôn quy phục các bổn phận và được xưng tụng như một vị thánh. Nhưng cả cha và con trai, dù sa đọa hay không sa đọa, mẫu mực hay bừa bãi, đều đi đến chỗ hoàn toàn cô độc như những thế giới tách biệt và phải tìm cách chịu đựng sự mòn mỏi của cuộc sống lẫn chung vào với nhau.

Sự xuất hiện của Maria Cross được cả người cha và người con bám lấy như một hy vọng về khả năng thoát khỏi những gì lúc nào cũng gắn chặt vào tồn tại của họ. Khi tình trạng căng cứng của ý thức về bản thân được thả lỏng, Raymond được Maria Cross nhìn thấy như trẻ thơ thuần khiết; tâm trí nàng tô vẽ thêm và tạo ra một hình thức mới bằng tình yêu: một cơ hội giải thoát con người khỏi một hình thức đã khô cứng. Nhưng ngay khi biết được cái tên của người phụ nữ, Raymond trở lại với con mắt sa mạc không chấp nhận nàng có thể là bất kỳ ai khác ngoài hình tượng về con người khét tiếng. Trong khi đó chỉ một mình bác sĩ Courrèges nhẫn nại với Maria, chỉ có ông nhận ra, hoặc tin là đúng, sự yếu đuối về tinh thần là thứ dẫn dắt Maria đi đến chỗ gây biết bao hiểu lầm; đó là một chuyển động của tình yêu, nhưng cũng là một tình yêu nảy sinh từ kẻ cô độc đòi được nhìn thấy. Bản thân Maria cũng đã ở trong tình trạng thê thảm, cái chết của đứa con, ý thức về hình ảnh chính mình trong mắt hàng xóm và về sự phụ thuộc vào người cho nàng một chỗ ở... nàng cũng có sa mạc của mình. Đứng trước những lời thú tội chân thành, sự bày tỏ không gìn giữ, lòng tin khăng khăng vào lòng tốt của ông bác sĩ già như một vị thánh nhân từ... không phải là bác sĩ Courrèges - kẻ già nua thảm hại chán ngắt, như ông thấy mỗi lần tự nhìn vào mình - không cay đắng, vì đương nhiên ông hiểu rằng Maria chỉ lặp lại các tình cảm quá khoa trương, khó mà xác định được khoảng cách với sự thật ở đó; nhưng sự cô độc cùng với dục vọng gặm mòn bên trong lâu ngày khiến ông mơ hồ nhìn ra những dấu hiệu dành riêng cho mình. Rốt cuộc cả người cha cũng như con trai đều gần như bị Maria đuổi ra khỏi nhà. Tình thế được phơi bày qua lời lẽ mê sảng của Maria, bị chấn động vì nhìn thấy sự thật về Raymond và về dục vọng bị giấu kín trong bản thân mình: chẳng hề tồn tại tình yêu tuyệt đối mà nàng thành thực tuyên xưng, thứ duy nhất có khả năng nối liền các vực thẳm. Thay vì cứu rỗi, bởi sự xuất hiện của Maria Cross là một khả năng của tình yêu, bác sĩ Courrèges và con trai lại rơi vào tình trạng tuyệt vọng - mà sau đó họ chỉ có thể tự tìm cách lãng quên bằng những ý họ biết rõ là tự đánh lừa - khi buộc phải thấy rằng ý nghĩ về tồn tại của mình trong mắt người khác là bất khả lay chuyển.

Sau mười bảy năm, sa mạc vĩnh viễn không thể thoát ra được của cha và con trai lại một lần nữa được khẳng định trong lần gặp lại Maria Cross, người giờ đây hầu không còn sót lại bất kỳ dấu vết nào của cơn khát khi xưa. Những khơi gợi về quá khứ, thời điểm rất quan trọng đối với hai con người bị hút về phía nàng như nguồn an ủi duy nhất, cú ngã hay chuyến tàu... chỉ đơn giản là bị phủi đi đầy thờ ơ và sốt ruột. Cơn tuyệt vọng trong sa mạc của mỗi người thậm chí mang dáng vẻ tầm thường. Raymond, trong cơ hội cuối cùng của anh, cố moi cho được ở Maria một dấu hiệu của tình yêu, thứ đối với anh là lòng căm hận nơi người phụ nữ đã giày vò tâm trí anh suốt quãng đời vô vọng đã qua; nhưng trong mắt nàng thậm chí anh còn không tồn tại. Như vậy là thêm một lần nữa, dù là bởi một sự dửng dưng đến ngỡ ngàng, người phụ nữ kia chỉ cho anh thấy sự thật về tên nhãi ranh dơ dáy vốn dĩ đã là hình ảnh chung quyết của số phận anh. Và còn có gì đáng thương hại hơn, cũng như có gì lại lố bịch hơn, cảnh bác sĩ Courrèges bảy mươi tuổi nằn nì xin cho được một ân huệ trong khi người kia cố xua ông đi ở ngưỡng cửa. Độc giả chợt nhận ra mình cũng tự hỏi giống như Raymond, mà mãi đến khi này - trong thoáng chốc tỉnh lại sau cơn mê bởi thấy rõ sa mạc của đời mình - mới có một khoảnh khắc hiếm hoi nhìn thấy người cha: làm sao ông, người vốn đã luôn luôn mang nỗi đau mà Raymond đang cảm thấy rất rõ ấy, nó khiến ông mang khuôn mặt giống như chết, làm sao ông lại có thể sống nổi sau chừng ấy thời gian với căn bệnh ung thư này? Không có thảm họa khủng khiếp nào, và cũng tuyệt đối không có khả năng cứu rỗi; trừ phi trước khi chết, trong một lần hiếm hoi ý thức tôn giáo được nhắc đến ở cuối cuốn tiểu thuyết, cha và con trai được ơn mặc khải. Chính trong sự tồn tại dai dẳng của dục vọng, ăn mòn âm ỉ bên trong và không bao giờ thỏa nỗi khắc khoải mong chờ được chuyển hóa, sự tồn tại của con người trong sa mạc hiện lên như một cảnh tượng khắc nghiệt nhất được khám phá.

Công Hiện

những cuộc đọc gần

Roth, Mauriac, và hai chuyển động của linh hồn

Về Törless

Tổ quốc của những tù binh

Gần như là happy ending

Nỗi ngứa ngáy những điều xa xôi

Vào thuở nớ vậy, buổi dạ-minh của cuộc phục-hồi

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công