favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Con voi

04/05/2024 12:34

Khi viết Chuyện các bà vợ già, Arnold Bennett đặt cho mình một thử thách: vượt qua Une Vie (Một cuộc đời) của Maupassant - cuốn tiểu thuyết thuật lại toàn bộ lịch sử cuộc đời một phụ nữ. 

[một pha viết lại khác, cũng là chuyện một phụ nữ: George Eliot và Henry James]

Không có gì lạ. Những năm chín mươi của thế kỷ XIX, Maupassant là một tượng đài. Bennett và các nhà văn cùng thời đã đọc Une Vie "với nỗi kính sợ lặng câm, như đỉnh cao của thành tựu tiểu thuyết." Chính Henry James khi mới khởi sự cũng chỉ tìm cách viết được như Maupassant. Nhưng với cả Bennett lẫn James, đến một thời điểm, Maupassant không còn là tiêu chí nữa. Năm 1908, đọc lại Une VieBennett thậm chí còn thấy nó thua xa Giống như là chết lẫn Pierre và Jean.

Một năm trước đó (1907), Bennett cuối cùng cũng thực sự bắt đầu được Chuyện các bà vợ già, sau rất nhiều năm ấp ủ và vòng vèo qua năm, sáu cuốn tiểu thuyết ngắn khác. 

Đoạn trích sau được rút ra từ chương IV, quyển thứ nhất: "Con voi."

 

Con voi

- Arnold Bennett 

“Sophia, đi xem voi không? Đi!” Constance vào phòng khách lớn với lời rủ rê trên đôi môi hăng hái.

“Không,” Sophia nói, vẻ hợm hĩnh. “Em bận lắm chả có thời gian đi xem voi đâu.”

Mới hai năm hai cô đã lớn cả; tay áo dài, váy dài, mái tóc đã vào khuôn và một thái độ vô cùng nghiêm túc, như thể cuộc sống đã bày ra tất cả những trách nhiệm ghê gớm của ; tuy vậy đôi khi tuổi thơ vẫn bất ngờ đâm xuyên qua vẻ ngoài nghiêm trang, như Constance lúc này, bị đánh thức những thứ như mấy con voi, tuyên bố bằng những cử chỉ sôi nổi rằng rốt cuộc tuổi thơ chưa chết. Hai chị em nhà này khác nhau một trời một vực. Constance mang tạp dề lông alpaca đen và một cây kéo ở đầu một sợi dây cao su đen dài, dấu hiệu của cửa tiệm mình. Cô đang rất thành công trong gian may trang phục nữ. Cô đã học được cách ăn nói luôn luôn điềm đạm, theo cách khiêm tốn của cô. Cô đã hơi đẫy ra, ai cũng thích cô. Còn Sophia thì đã trở thành một sinh viên. Càng ngày cô càng dè dặt. Người bạn duy nhất của cô là Cô Chetwynd, người mà, mặc cho chênh lệch tuổi tác, cô rất thân thiết. Ở nhà cô nói rất ít. Cô thiếu nhã nhặn; cô “dễ dỗi,” như mẹ cô nói. Cô đòi hỏi người khác phải lịch sự với mình, nhưng không đáp lại. Quả thật, thái độ của cô là thái độ khinh khỉnh nửa phần che giấu, có khi hiền lành, có khi lạnh lùng gay gắt. Cô không mang tạp dề, trong cái thời tạp dề hầu như là căn bản của đoan trang. Không! Không đời nào cô chịu mang tạp dề đâu, chấm hết. Cô không được gọn gàng như Constance, và nếu như bàn tay Constance đã thô ráp do phải thường xuyên vật lộn với kim, kim băng, hoa giả và vải vóc thì đôi tay đẹp của Sophia hiếm khi không dây mực. Nhưng Sophia xinh đẹp tuyệt trần. Cả mẹ cô lẫn Constance đều giữ cái ý bản năng rằng dù sao thì gương mặt tuyệt mỹ ấy vẫn phần nào biện hộ cho sự cộc cằn của cô.

“Thôi được,” Constance nói, “em không đi thì chị rủ mẹ.”

Sophia, cắm cúi đọc sách, không trả lời. Nhưng đỉnh đầu cô nói: “Dù sao thì tôi cũng chẳng quan tâm.”

Constance ra khỏi phòng, nhưng chỉ một lát sau đã quay lại cùng với mẹ.

“Sophia,” mẹ cô nói, hồ hởi và phấn khích, “con sang ngồi với cha một lát để chị Constance và mẹ ra sân chơi xem con voi nhé? Trong đó con cũng có thể làm việc được giống như ở đây. Cha con đang ngủ.”

“Vâng, được thôi,” Sophia kiêu căng đồng ý. “Sao cứ phải nhặng xị hết cả lên vì một con voi thế? Nhưng dù sao thì trong phòng mẹ cũng yên tĩnh hơn. Ở đây ồn ào kinh khủng.” Cô vừa ném cái nhìn kiêu kỳ ra Quảng Trường vừa uể oải đứng lên.

Đó là buổi sáng ngày hội Wakes thứ ba ở Bursley: không phải thứ lễ hội hiện đại cầu kỳ và đáng kính mà là một kỳ chơi bời linh đình trác táng, thô thiển nhất trong tất cả những hình thức biểu lộ niềm vui. Toàn bộ trung tâm thị trấn được dành cho cuộc náo nhiệt của cư dân. Bầy thú của Wombwell chiếm cứ phần lớn Quảng Trường, trong một cái rạp lớn hình chữ nhật, với những con thú giận dữ gầm rú suốt ngày đêm. Và trải dài từ trung tâm kỳ thú này, xuyên thẳng lên chợ, ngang qua tòa thị chính đến ngân hàng Duck, quảng trường Duck và bãi đất hoang gọi là “sân chơi” là hàng trăm lều treo biểu ngữ bày ra ti tỉ cuộc vui ghê rợn. Anh có thể thấy những cảnh hung bạo của cách mạng Pháp, của quần đảo Fiji,[1] sự tàn phá của những căn bệnh ghê tởm, da thịt sống của một người đàn bà gần như trần truồng mà người ta đảm bảo là nặng hai mươi hai stone,[2] những bộ xương trong kính vạn hoa bí ẩn và những cuộc thi đấu đẫm máu của những nhà vô địch cởi trần đến thắt lưng (với cơ hội được nhặt một cái răng đỏ máu lên như thánh tích). Anh có thể thử sức mạnh bằng cách đánh vào bụng tấm hình một đồng loại và kiểm tra tài thiện xạ bằng cách ném quả bóng gỗ vào đầu những tấm hình khác. Anh cũng có thể bắn súng trường vào những mục tiêu khác nhau. Con phố nào cũng la liệt các quầy hàng chất đầy thức ăn, chủ yếu là cá khô, lòng động vật và bánh gừng. Tất cả các quán rượu chật kín người, những con sâu rượu điên cuồng, đàn ông và đàn bà, xô đẩy nhau trên vỉa hè khắp mọi nơi, tiếng la hét của họ đua với tiếng kèn trumpet, tiếng còi, tiếng trống trong các quán lều và tiếng những món đồ chơi inh tai, huyên náo mà lũ trẻ con mang theo.

Đó là một cảnh tượng huy hoàng, nhưng không phải cảnh tượng dành cho những gia đình danh giá. Trường Cô Chetwynd đã đóng cửa để con gái những gia đình danh giá có thể được yên cho đến khi điều tồi tệ nhất đã qua. Nhà Baines phớt lờ hội Wakes hết sức có thể, chọn tuần lễ đó để trưng bày đồ tang trong ô cửa sổ ở bên tay trái, không cho Maggie ra ngoài dù bất cứ lý do gì. Bởi vậy thành công xã hội vang dội của con voi, cái thứ quá dễ dàng kéo được Bà Baines vào cơn lốc xoáy, thật không tầm thường.

Đêm trước, một trong ba con voi của Wombwell đã bất thình lình quỳ lên một người đàn ông trong rạp, rồi nó đi ra khỏi rạp và nhặt quàng một gã đàn ông khác từ trong đám đông đang nhìn chòng chọc những bức tranh lớn phía trước, cố gắng cho gã thứ hai này vào mồm. Bị tay quản tượng người Ấn ngăn lại bằng một cây chĩa, nó thả phịch gã kia xuống đất rồi húc ngà vào một động mạch trên cánh tay nạn nhân. Cuối cùng nó cũng chịu để cho mình bị dẫn đi, giữa sự náo động vô tiền khoáng hậu. Nó bị dẫn ra sau rạp, ngay trước những ô cửa chớp nhà Baines và bị người ta lấy cọc, ròng rọc và dây thừng bắt quỳ xuống. Đầu nó bị bôi vôi và sáu người trong Đội Súng Trường được chỉ định bắn vào nó ở khoảng cách năm yard, trong lúc cảnh sát chặn đám đông bằng dùi cui. Nó chết ngay tức khắc, ngã xuống với một tiếng uỵch nhẹ nhàng. Đám đông hoan hô, và, say sưa vì tầm quan trọng của mình, Những Người Tình Nguyện bắn thêm ba loạt đạn nữa vào xác con voi, rồi được công kênh như những người anh hùng đến vô số quán rượu. Con voi, được hai bạn đồng hành của nó đưa lên toa tàu chở hàng, đã biến mất vào đêm tối. Đó là sự xúc động mạnh nhất từng xảy ra hay có lẽ sẽ có bao giờ từng xảy ra, ở Bursley. Nỗi phấn khích do sự bãi bỏ đạo luật Corn hay Inkerman cũng chẳng nghĩa lý gì so với chuyện này. Ông Critchlow, được gọi đến để đặt vội một cái ga-rô quanh cánh tay của nạn nhân thứ hai, sau đó đã ghé vào kể hết cho Ông John Baines. Tuy vậy, Ông Baines chẳng mấy quan tâm. Ông Critchlow thành công hơn với các bà, những người, dù đã chứng kiến cuộc hành quyết từ phòng khách lớn, vẫn khát khao được nghe thuật lại từng chi tiết nhỏ.

Hôm sau người ta được biết rằng con voi đang nằm bẹp cạnh sân chơi, đang chờ quyết định chôn cất từ ông trưởng Mõ Tòa và ông Sĩ Quan Quân Y. Và ai cũng quyết phải đến xem xác nó. Không độc quyền xã hội nào có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của con voi chết. Những người hành hương từ tất cả Năm Thị Trấn đều đến xem.

“Mẹ đi đây,” Bà Baines nói, sau khi đội mũ bonnet và khoác khăn choàng.

“Vâng,” Sophia nói, giả vờ miệt mài nghiên cứu, giờ đã yên vị trên sofa dưới chân giường cha.

Còn Constance, sau khi thò đầu qua cửa, hút mẹ theo sau mình như thỏi nam châm.

Sophia nghe thấy một cuộc chuyện trò đáng chú ý ngoài lối đi.

“Bà đi xem con voi đấy ạ, thưa Bà Baines?” giọng Ông Povey hỏi.

“Phải. Có gì không?”

“Tôi nghĩ tôi đi với bà là hơn. Đám đông sẽ hung dữ lắm.” Giọng Ông Povey rất vững; anh ta đã có chỗ đứng trong hiệu.

“Thế còn cửa hiệu?”

“Chúng ta sẽ không đi lâu,” Ông Povey nói.

“Đúng đấy, mẹ ạ,” Constance khẩn khoản nói thêm.

Sophia cảm thấy ngôi nhà rung lên lúc cánh cửa hông đóng sập lại. Cô nhảy bật dậy để xem ba người kia băng xéo phố Nhà Vua, lao vào hội Wakes. Chuyến đi ba người này chắc chắn là cống vật giá trị nhất cho con voi chết! Thật đáng kinh ngạc. Chuyện này khiến Sophia hiểu rằng mình đã tính nhầm tầm quan trọng của con voi. Cô thấy tiếc vì đã khinh bỉ sức hút của . Cô đã bị bỏ lại phía sau, và niềm vui của cuộc sống đang kêu gọi cô. Từ đây, cô có thể thấy bên trong quán rượu Vaults nằm đối diện con phố bên dưới, nơi thợ thuyền – thợ gốm và thợ mỏ – trong những bộ quần áo đẹp nhất của họ, một số còn đội cả mũ chỏm cao, đang uống rượu, khoa tay múa chân, cười đùa trên băng ghế cạnh cái quầy dài.

Đang đứng bên cửa sổ phòng ngủ như thế, cô bỗng thấy một người đàn ông trẻ đi lên phố Nhà Vua, theo sau là một phu khuân vác đẩy một chiếc xe bằng phẳng chở hành lý. Anh ta từ tốn đi ngang qua dưới chính ô cửa sổ cô đang đứng. Cô đỏ mặt. Rõ ràng cô đã giật mình bởi một sự xáo động không hề bình thường khi trông thấy chàng thanh niên này. Cô liếc nhìn những cuốn sách trên sofa rồi lại liếc nhìn cha. Ông Baines, gầy gò, hốc hác, đáng thương cực điểm, vẫn đang ngủ. Giờ đây óc ông hầu như đã ngừng hoạt động; ông phải được cho ăn và chăm bẵm như một em bé có râu, và cả ban ngày ông cũng ngủ li bì. Sophia rời phòng. Ngay sau đó cô chạy vào cửa hiệu, làm cho ba cô phụ việc trẻ thất kinh. Trong góc gần cửa sổ trên vách trang trí, một hốc tường nhỏ đã hình thành nhờ ngăn một phần quầy bằng những hộp hoa cảnh lớn đặt lộn ngược. Cái góc này đã dần dà bị gọi là “góc của Cô Baines.” Sophia vội vàng chạy đến đó, chen qua một cô phụ việc trẻ trong không gian chật hẹp giữa mặt sau quầy và bức tường kệ. Cô ngồi xuống cái ghế của Constance giả vờ tìm kiếm thứ gì đó. Cô đã kịp chỉnh trang trước tấm gương đứng ngả được trong phòng trưng bày, trên đường đi ra từ buồng ngủ người ốm. Khi nghe thấy một giọng nói gần cánh cửa mở vào hiệu, đầu tiên hỏi Ông Povey rồi hỏi Bà Baines, cô đứng lên, và chộp lấy món đồ ở gần mình nhất, tình cờ là một cây kéo, rồi vội vàng chạy về phía cầu thang phòng trưng bày như thể cây kéo là cái chén thánh mà người ta đã cố tìm, bị giấu đi đố kỵ. Cô muốn dừng chân và quay lại, nhưng có điều gì đó đã ngăn cô. Cô đang ở cuối quầy, dưới cái cầu thang cong thì một người phụ việc nói:

“Cô có biết khi nào Ông Povey hay mẹ cô về không, Cô Sophia? Đây là ...”

Đó là một sự giải thoát thần thánh đối với Sophia.

“Họ ... tôi ...” cô lắp bắp, đột ngột quay đi. May sao cô vẫn được cái quầy che chắn.

Chàng trai trẻ cô đã trông thấy ngoài phố táo bạo tiến lên.

“Chúc một buổi sáng tốt lành, thưa Cô Sophia,” anh ta nói, mũ cầm tay. “Lâu rồi tôi mới lại có cái niềm sung sướng là được trông thấy cô.”

Trong đời, cô chưa bao giờ đỏ mặt đến thế. Cô hầu như không biết mình đang làm gì khi lại chậm chạp về góc của chị, với chàng trai trẻ đi theo, ở bên dành cho khách của quầy.

Hồng Chương dịch 


[1] Quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương.

[2] Đơn vị đo trọng lượng, bằng khoảng 6,4 kg.

 

Henry James, "Cuộc gặp"

Bruno Schulz, "Quê hương"

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công