Cạnh ban công nhà mình có mấy cành khế, từ cây khế của nhà bên cạnh. Nhà bên đấy là xưởng sơn mài, thường ngày các anh sơn mài vẫn tụ tập ở đấy làm việc. Các anh bên đấy vừa chặt bớt cành khế, thấy trời quang hẳn trong cái ngõ Khâm Thiên cụt bé tẹo này. Mèo nhà mình (hai đứa) hay trèo cành khế mà ra ngoài chơi, nhưng từ lúc các anh chặt cành, một đứa không giỏi leo trèo lắm đã phải ở nhà, trong khi đứa còn lại vẫn đi chơi như cũ. Đứa ở nhà hay ngồi than thở, giọng nó ê a, thường hay đòi mở cửa cho đi chơi, nếu thấy không phản ứng gì thì lại tự mò lên sân thượng nằm một mình. Con ở nhà này tên là Long, trông mặt lúc nào cũng như một đứa trẻ con xinh xắn, tính hay thơ thẩn, đã là nàng thơ của cả xóm này. Cả xóm ai cũng biết tên Long, cũng thích gọi Long vì Long sẽ quay cái mặt xinh lại nhả một chữ rồi cắp đít đi tiếp. Từ ngày Long phải ở nhà, có lẽ trong xóm cũng có người nhung nhớ.
Các anh sơn mài bên cạnh thì vẫn luôn rôm rả. Ngày nào cũng làm việc chăm chỉ, hoặc có không chăm chỉ thì mình cũng không biết, nhưng dù gì thì vẫn thường xuyên nghe tiếng loạch xoạch nói cười bên đấy. Thỉnh thoảng lại bật nhạc Bức tường với Quái vật tí hon, hoặc là rock Mỹ tầm đợt 80-90, và rồi lại làm, lại cười nói. Hôm nào cũng rôm rả. Hôm chặt cây cũng rôm rả. Bắc thang thế này, chặt cành kia, vặt quả đấy. Râm ran cả xóm. Trước hôm nghỉ tết, các anh, có thêm các chị mà bình thường không nghe thấy giọng, làm một bữa tiệc to. Xe để kín ngõ từ chiều. Người ra người vào nhộn nhịp. Tiếng lanh canh bát đũa, mùi luộc gà, mùi thịt nướng, và đứa mèo nhà mình trèo ra ngoài được - tên Cơm - cũng ăn trộm được một cái cánh gà về gặm chơi. Rôm rả, xôn xao, cho hết một buổi chiều từ tốn không bận bịu. Đến tối, khi tiệc đã ngà ngà, các anh chị đàn hát, cũng lại Bức tường với Quái vật tí hon, hoặc là rock Mỹ 80-90, như một đám sinh viên ở trọ thời nào đấy cũ cũ trước, vì chắc sinh viên ở trọ bây giờ không hát những bài đấy nữa, nghe giọng, nghe tiếng đàn, mình đoán mọi người bên đấy cũng ngây thơ ra tầm chục tuổi. Đàn hát, ăn uống, cứ thế, cho đến hết một ngày.
Hôm sau, xưởng sơn mài vắng hoe. Không có tiếng nói cười, tiếng loạch xoạch lạo xạo, trong ngõ không có tiếng xe, trong không khí không có rôm rả. Ngoài đường, cũng lấm tấm tết, tiết trời lạnh đi một tẹo, sương sương (hay ô nhiễm?) một tẹo, các hàng đóng cửa thêm một tẹo, đường vắng hơn một tẹo, người ăn mặc tươi lên một tẹo, và cây bên đường mởn lên một tẹo nữa. Cơm tha lôi về mấy miếng xương vứt đi từ tàn tiệc xưởng sơn mài, gặm cả ngày. Lại vẫn từ tốn, trong một tiết trời chậm rãi không tiếng râm ran.
Bạn cùng nhà mình, đếm từng ngày một, hai sáu, hai bảy, hai tám, cho đến tết, chờ đợi một cứu cánh khỏi áp ách thường nhật, bởi vì bạn bảo, trong tết thời gian dừng lại. Ngày thường, thời gian cứ trôi cứ trôi, tuồn tuột, vào một cái hố thẳm nào đấy không ai biết nó ở đâu. Người cứ trôi cứ trôi, theo dòng nào đấy chẳng ai hiểu. Người đứng trong dòng thấy bí bách muốn thoát ra, cũng chẳng biết làm thế nào, cứ bị cuốn đi cuốn đi như thế, ngụp lặn, chấp chới. Tết thời gian dừng lại. Thong thả. Dòng người dòng lũ lập lờ không trôi vào cái hố thẳm nữa. Lững lờ, cho dù trong cái xốn xang của một gia đình chuẩn bị tết, cũng vẫn không bị trôi tuột đi mất, mà không khí như loanh quanh ở đây thôi, không đi đâu cả, không phải lo lắng. Lúc này, nhân dịp dòng lũ không trôi, mình đi đâu cũng được, đi về phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, lên trên xuống dưới, về phía thường nhật hay về phía không thường, cũng đều được, cứ thong thả mà đi, không giục giã. Tết, thời gian ngừng lại một lần.
Trong năm không mấy khi có một quãng thời gian dừng lại như thế, với cuộc đời. Rồi tết cũng qua, cho dù thèm được nghỉ cũng chỉ được đến rằm là quá lắm, dòng lũ dòng thời gian đã bắt đầu cuồn cuộn. Các anh sơn mài đã quay lại. Mình cũng từ nhà bố mẹ quay về. Một nhà hàng xóm cũng chửi con trở lại. Mấy đứa mèo cũng quay lại, cho dù không có đi đâu. Quay lại với việc có người ở nhà thường xuyên, chắc thế, không nằm ườn ra cả ngày nữa mà lăn lộn đánh nhau chạy nhảy. Mẹ mình mới nhắn tin, rằng bánh kẹo mời khách tết vẫn còn nhiều, hôm nào qua mà lấy về ăn. Chiều nay, thoang thoảng trên ban công mùi nhà nào tắm lá mùi già, ra ngõ thấy ai đang ngồi đốt vàng mã. Như một chút tạm biệt cái khí trời im ắng mà trôi về theo cái dòng trần thế chảy mãi không ngừng.
Cái thiêng trong một cõi sau lịch sử này đã gần hết chỗ trốn. Bạn mình, quay về từ nhà bố mẹ, nói rằng không thấy tết mấy nữa. Cũng được hai ba ngày, thời gian đọng lại trong cái se se, nhưng cũng loãng. Quay đi quay lại thời gian đã đi tiếp. Mình đã đi đi tiếp. Mà không nhận ra. Người lại cứ cuốn đi cuốn đi, trong ngực thấy thiếu một ít ấm áp nào đấy mà không hiểu tìm đâu cho được. Lại cứ phải đến lúc lạnh mới tìm được ấm áp chăng? Cái nghi lễ của tết, ví dụ, vẫn còn giữ được một ít cái thiêng, mà người cũng cứ quên dần, hời hợt đi, bợt đi mãi. Nghi lễ trong thế kỷ hăm mốt này không đứng ra khỏi dòng thời gian, vẫn ở đấy, không thiêng, chỉ còn hình dáng, không có ý, chỉ còn thân xác vô hồn. Người ta lạnh đi, bợt đi, héo đi, thèm một cứu cánh nào đấy, trong tình yêu, một nghi lễ cũ không còn giữ được nhiều sức sống.
Không rõ tình yêu như thế nào, mình vẫn trẻ, vẫn chưa sống đủ nhiều, nhưng nhìn xung quanh, vả cũng tự nhìn mình, thấy người hay đòi chút ấm áp gì đấy mà cái yêu mang lại. Một ấm áp, chẳng hạn, mình có thể thấy trong các gia đình, bố mẹ ấm áp con, ông bà ấm áp cháu, đứa bé ấm áp đứa lớn, cả nhà ấm áp nhau. Một dạo, lang thang một mình ở một thành phố du lịch không quen, leo lên một ngọn đồi, nhìn vào cửa sổ một nhà, thấy một mẹ lúi húi ở bếp khói hơi, một con lăng xăng làm phiền mẹ, cửa sổ tầng trên tối đèn, sách vở bừa bộn trên bàn học bỏ dở, so với cái ánh nắng đang tắt dần đằng sau đồi, bên trong những bức tường kia những hơi người ấp nhau cũng đáng để thèm để khát. Dạo gần tết, các quảng cáo các lời hát bật trong những cửa hàng trên phố đều nhắc cái gia đình, nhắc cái ấm áp trong một tiết xuân ẩm mốc mờ sương mơn mởn. Cái ấm áp, cái tình yêu, chắc có lẽ trong đợt sau lịch sử này, vẫn còn được nhắc lại trong một biểu tượng gia đình.
Gia đình hay là chỗ trú của người đã hết trẻ. Người già giục người trẻ về nhà. Giục người trẻ xây một ngôi nhà mới. Xây móng trước - tậu trâu, kiếm tiền. Rồi xây cái ấm áp - lấy vợ, lấy chồng. Rồi xây một cái bọc quanh cái ấm áp đấy để giữ - làm nhà, hoặc thuê, hoặc ở nhà với bố mẹ (hoặc bố mẹ vợ/chồng), và sinh con. Thế là viên mãn, là đủ. Nhưng người trẻ, họ có một ngọn lửa nào đấy khác trong bụng, nó cuốn họ đi, nó thiêu đốt họ, nó cho họ sức để mà phong trần, để không cần chỗ trú. Và người trẻ, mình cũng thấy, thèm những tình yêu. Mình không bàn đến cái yêu đương, mình cũng xa lạ với nó. Mình bàn về tình yêu, cái ấm áp mà yêu đương không hiểu. Ngọn lửa trong bụng họ, nó chỉ thiêu chỉ đốt, chỉ ngấu chỉ nghiến, có lẽ không cho họ cái ấm áp của tình yêu. Cái thèm ấm áp này, mình hay thấy, dẫn họ đến với những tụ họp bạn bè. Người bám vào nhau, gọi tên nhau, cười nói nhau, thủ thỉ nhau, cùng nhau đốt ngọn lửa trong bụng, cùng nhau chạy, cùng nhau chửi bới, cùng nhau lăn lộn trong cái đời trẻ hỗn độn không hiểu gì. Người yêu lấy nhau, trong cái phẳng tuột của cõi hiện đại không gì quan trọng, trước khi mình cũng phẳng tuột khi đang cố xây nên một cái gì đấy quan trọng nơi này.
Gia đình và bè bạn, hai chỗ trú thường thấy của yêu, cũng dần trôi tuột vào trong cái hố thẳm đâu giữa thị thành. Có những chỗ khác nổi lên cho người trẻ, những cộng đồng của đam mê, mượn cái đam mê, cái lửa trong bụng, để yêu lấy nhau, những cộng đồng cố tách mình khỏi dòng lũ lớn. Cộng đồng làm phim, làm nghệ thuật, cộng đồng phượt, cộng đồng thiết kế, kiến trúc, cộng đồng chèo thuyền, cộng đồng du học sinh, cộng đồng chó alaska, vân vân. Có những chỗ ở đó cho người già, cũng là cộng đồng, tách mình khỏi dòng lũ, mượn những thẩm mỹ cũ không còn được thịnh hành. Cộng đồng làm thơ, cựu chiến binh, cộng đồng múa hát, cộng đồng mẹ, những người bạn tiểu học, khí công, những người đồng hương, những người bạn đại học, bạn đá bóng, dưỡng sinh, tổ hưu, vân vân. Có những chỗ cho cả người trẻ lẫn người già, dễ thấy như đạo tràng, như nhà thờ, hoặc trừu tượng như nhạc Trịnh, như thuốc lá thuốc lào, như bàn cờ tướng ở quán nước ven đường, hoặc như tết. Không có những chỗ trú này, người tản mác ra, làm gì đấy không bám níu vào đâu, chơi vơi, vụn vặt. Những chỗ trú của một thị thành thế kỷ hăm mốt, không dính lại được với nhau, rã rời.
Mình không ở trong cộng đồng nào, cũng không ở trong cuồn cuộn nào cụ thể, chỉ tha thẩn, cũng như con Long, ghé chỗ này một chút, chỗ kia một tẹo, ai gọi thì quay ra, rồi lại đi. Mình thỉnh thoảng than thở, rằng những chỗ trú, những nghi lễ mình thấy, hay thiếu mất cái ngây thơ để người ta tách rời khỏi, mà không từ chối, cơn lũ người. Để không chết chìm, nhưng cũng không ráo hoảnh. Một dạo, mình hay đọc những truyện cổ tích, cả những truyện cổ lẫn những chuyện viết mãi về sau. Chúng đều ngây thơ, chúng đều rộng lớn. Chẳng hạn như Grimm và Andersen, Hesse, Wilde, và Saint-Exupéry, rải rác từ thế kỷ mười chín đến giữa thế kỷ hai mươi, có lẽ cũng mong một chút ngây thơ nào đấy đang dần thiếu vắng đi trong cơn lũ người càng ngày càng cuộn chảy. Trong cái ngây thơ, người ta được dừng lại, đứng yên, im lìm, yêu, được ấm áp. Trong một thị thành đã mất ngây thơ, có lẽ không nghi lễ, không chỗ trú nào còn được nguyên vẹn.
Than thở vậy có lẽ đến đây là hết. Còn một chỗ trống gió lùa nào đấy trong câu chữ, không biết sao mà lấp được, đành mượn tạm mấy câu của cụ Nguyễn Du, xem như một đồng cảm với đến người ở nơi một cơn lũ khác.
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.
Có chút lòng riêng không nơi tỏ,
Dưới núi Hồng Sơn
thẳm Quế giang
(Hải, 22/02/2024)
thêm một căn phòng