favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Bốn cuộc gặp

15/05/2024 01:49

"Bốn cuộc gặp" được gợi hứng nhiều từ "Ba cuộc gặp" của Turgenev - truyện ngắn mà Maupassant và tất nhiên, James, vô cùng ngưỡng mộ: James nồng nhiệt gọi Turgenev là “tiểu thuyết gia lớn nhất hiện thời” (chuyện đã kể ở kia). 

Giống Daisy Miller hay Con quái vật trong rừng, đây là một cái nhìn hồi cố về một phụ nữ đã qua đời -  cái nhìn rất đặc trưng James: nhìn bằng tưởng tượng. 

 

Bốn cuộc gặp

- Henry James

Tôi chỉ gặp nàng bốn lần, nhưng tôi nhớ chúng rất rõ; nàng tạo một ấn tượng mạnh lên tôi. Tôi nghĩ nàng vô cùng xinh đẹp và hấp dẫn, – một mẫu người đặc biệt duyên dáng. Tôi rất tiếc khi nghe tin nàng qua đời, nhưng tại sao tôi lại tiếc khi nghe chuyện ấy? Lần cuối tôi gặp nàng, nàng chắc chắn đâu có như vậy – nhưng tôi sẽ kể lại những cuộc gặp của chúng tôi theo trình tự diễn ra.

I

Cuộc gặp đầu tiên diễn ra ở miền quê, trong một tiệc trà nho nhỏ, một đêm tuyết phủ. Chừng là mười bảy năm về trước. Bạn tôi Latouche, đến đón Giáng sinh với mẹ anh, đã nài tôi đi cùng, và người phụ nữ tốt bụng ấy đã tổ chức cho chúng tôi cuộc vui mà tôi vừa nhắc. Với tôi hôm ấy thực sự vui; tôi chưa bao giờ đi sâu vào New England vào mùa ấy. Trời đổ tuyết cả ngày, phủ cao tới đầu gối. Tôi tự hỏi làm cách nào các quý cô mở được lối vào nhà; nhưng rồi tôi hiểu rằng ở Grimwinter một buổi dạ tiệc văn chương nghệ thuật với sự góp mặt của hai quý ông đến từ New York có thể được xem là bõ công đến dự.

Giữa buổi tiệc, Mrs. Latouche hỏi tôi “liệu có phản đối” cho các cô gái trẻ xem ảnh không. Những bức ảnh này xếp lại thành mấy tập lớn, được đem về nhà bởi con trai bà, người, giống như tôi, vừa mới trở về từ châu Âu. Tôi nhìn quanh và ngạc nhiên khi thấy rằng hầu như cô nào cũng đã được cấp cho một đối tượng quan tâm còn hấp dẫn hơn cả bức tranh sặc sỡ nhất. Nhưng có một người đứng một mình gần bệ lò sưởi, đang nhìn quanh căn phòng với một nụ cười rất khẽ mà, chẳng hiểu thế nào, có vẻ mâu thuẫn với sự cô lập của mình. Tôi nhìn cô một lát, và nói, “cháu muốn cho cô gái kia xem chúng.”

“Ô, phải rồi,” Mrs. Latouche nói, “cô nàng đúng là người thích hợp. Cô ấy không quan tâm đến mấy trò tán tỉnh; ta sẽ bảo cô ấy.”

Tôi phản đối rằng nếu cô không màng đến trò tán tỉnh thì cô có lẽ không phải người thích hợp; nhưng Mrs. Latouche đã đến đề xuất cô xem những bức ảnh.

“Cô ấy thích lắm,” bà trở lại và nói. “Cô ấy đúng là người thích hợp, rất hiền lành và thông minh.” Và rồi bà bảo tôi cô gái trẻ đó là Miss Caroline Spencer, và bà cũng giới thiệu tôi với nàng.

Miss Caroline Spencer không hẳn là một người đẹp, nhưng dáng vóc nhỏ nhắn yêu kiều. Nàng hẳn đã gần ba mươi, nhưng nom như một cô bé và có nước da của một đứa trẻ. Nàng có mái đầu rất xinh, tóc nàng vấn lên như một bức tượng bán thân Hy Lạp, dù thực ra chẳng biết nàng đã bao giờ thấy bức tượng bán thân Hy Lạp nào chưa. Tôi đồ là nàng rất “nghệ sĩ,” trong chừng mực  Grimwinter cho phép những xu hướng như vậy. Ánh mắt nàng dịu dàng, ngơ ngác, môi mỏng, hàm răng cũng rất xinh. Quanh cổ nàng quấn thứ mà các cô thường gọi, tôi tin thế, là “ruche”, được giữ bởi một chiếc ghim rất nhỏ màu hồng san hô, và trên tay nàng cầm một chiếc quạt làm bằng rơm bện điểm trang bằng dải ruy băng hồng. Nàng mặc váy lụa đen hở vai. Giọng nàng nhẹ và rõ, hàm răng trắng lấp lánh giữa hai làn môi mỏng nhưng dịu dàng khi nàng nói, và nàng có vẻ vô cùng hài lòng, thậm chí hơi xao xuyến, khi trông đợi bài thuyết minh của tôi. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ sau khi tôi lấy những tập ảnh ra khỏi chỗ của chúng và đặt mấy cái ghế lại gần môt ngọn đèn. Những bức ảnh thường là về những thứ tôi biết, – khung cảnh bao la của Thụy Sĩ, Ý, và Tây Ban Nha, phong cảnh và hình chụp nhà cửa cùng những tranh vẽ và bức tượng nổi tiếng. Tôi nói mọi điều có thể về chúng, và người bạn của tôi, nhìn chúng khi tôi giơ chúng lên, ngồi bất động hoàn toàn, chiếc quạt rơm chạm môi dưới. Thảng hoặc, tôi đặt một trong các bức ảnh xuống, nàng nói rất dịu dàng, “Anh từng thấy nơi đó chưa?” Tôi thường đáp lại rằng tôi đã đến đó nhiều lần (tôi là một nhà du hành rất cừ), và rồi tôi cảm thấy đôi mắt tuyệt đẹp của nàng liếc xéo tôi. Ngay từ đầu tôi đã hỏi nàng từng đến châu Âu chưa; nàng trả lời, “không, không, không,” bằng một giọng thì thầm bí mật, hơi quá nhanh. Nhưng sau đó, nàng nói rất ít, dù chẳng bao giờ rời mắt khỏi những bức ảnh, thành thử tôi sợ nàng đã chán. Bởi vậy, sau khi chúng tôi xem xong một tập ảnh, tôi đề nghị kết thúc, nếu như nàng muốn. Tôi cảm thấy không phải là nàng chán, mà là sự dè dặt của nàng khiến tôi lúng túng, và tôi muốn làm cho nàng cất lời. Tôi quay lại nhìn nàng, và nhận ra một vệt ửng hồng trên đôi má nàng. Nàng vẫn đang phe phẩy quạt. Thay vì nhìn tôi, nàng lại dán mắt vào một tập ảnh khác, dựng nghiêng tựa vào bàn.

“Anh sẽ cho tôi xem cái đó chứ?” nàng hỏi, với chút run rẩy trong giọng nói. Tôi hầu như có thể tin rằng nàng đang bối rối.

“Rất hân hạnh,” tôi trả lời, “nếu như cô không mệt.”

“Không, tôi không mệt,” nàng cả quyết. “Tôi rất muốn – tôi thích lắm.”

Và khi tôi cầm tập ảnh kia lên, nàng chạm tay vào nó, vuốt nhè nhẹ.

“Và anh cũng đã đến đây sao?” nàng hỏi.

Khi mở tập ảnh ra, tôi thấy dường như mình đã đến đó. Một trong những bức đầu tiên là khung cảnh lâu đài Chillon, bên hồ Geneva.

“Chỗ này,” tôi nói, “tôi đã đến nhiều lần. Tuyệt đẹp phải không?” Và tôi trỏ vào phản chiếu hoàn hảo của những tảng đá gồ ghề và những đỉnh tháp trọn trên mặt nước yên trong vắt. Nàng không nói, “Ôi, mê quá đi!” rồi đẩy nó ra để xem bức ảnh kế tiếp. Nàng nhìn một lúc, rồi nàng hỏi có phải đó là nơi đã giam giữ Bonnivard, nhân vật mà Byron đã kể không. Tôi tán thành, và cố trích vài câu thơ của Byron, nhưng nỗ lực này của tôi không mấy thành công.

Nàng phe phẩy cái quạt một lúc, và rồi lặp lại chính xác các câu thơ, bằng một giọng nhẹ, đều đều, nhưng dễ chịu. Ngay khi đọc xong nàng đỏ mặt. Tôi khen ngợi nàng và bảo rằng nàng đã được trang bị hoàn hảo để đến thăm Thụy Sĩ và Ý. Nàng liếc xéo tôi lần nữa, để xem tôi có nghiêm túc không, và tôi nói thêm rằng muốn xác nhận những miêu tả của Byron thì nàng phải đi nước ngoài nhanh lên; châu Âu đang loại bỏ Byron theo lối rất đáng buồn.

“Tôi phải khởi hành sớm chừng nào?” nàng hỏi.

“Ồ, tôi sẽ cho cô mười năm.”

“Tôi cho là tôi có thể đi trong vòng mười năm tới,” nàng trả lời hết sức điềm đạm.

“Được thôi,” tôi nói, “cô sẽ thích lắm đấy; cô sẽ thấy nơi đó vô cùng quyến rũ.” Và ngay lúc ấy tôi bắt gặp bức ảnh chụp một góc nào đó của một thành phố ngoại quốc mà tôi yêu mến, và những kỷ niệm êm dịu ùa về. Tôi diễn thuyết (tôi cho là vậy) hơi quá hùng hồn; người bạn của tôi ngồi nghe, nín thở.

“Anh hẳn đã ở nước ngoài rất lâu?” nàng hỏi, một lúc sau khi tôi ngừng nói.

“Nhiều năm,” tôi nói.

“Và anh đã du lịch khắp nơi?”

“Tôi đã du lịch rất nhiều. Tôi ham đi vô cùng; và may mắn là tôi có thể.”

Nàng lại nhìn xéo tôi rất lâu. “Vậy anh hẳn biết nhiều ngoại ngữ?”

“Không quá thạo.”

“Nói chúng có khó không?”

“Tôi không tin chúng có thể làm khó cô đâu,” tôi lịch sự trả lời.

“Ồ, không hẳn là tôi muốn nói; tôi chỉ muốn nghe,” nàng nói. Rồi, sau một lúc, nàng nói thêm, “Người ta bảo rạp hát ở Pháp đẹp tuyệt.”

“Đẹp nhất thế giới.”

“Anh thường đến đó chứ?”

“Khi đến Paris lần đầu, tối nào tôi cũng ở đó.”

“Tối nào cũng!” Và nàng mở tròn xoe đôi mắt trong veo. “Với tôi như vậy nghĩa là” – và nàng do dự một thoáng – “là hết sức tuyệt vời.” Vài phút sau nàng hỏi, “Anh thích nước nào hơn cả?”

“Có một nơi mà tôi thích hơn tất thảy. Tôi nghĩ cô hẳn cũng vậy.”

Nàng nhìn tôi một lúc, và rồi nàng dịu dàng nói, “Nước Ý?”

“Nước Ý,” tôi cũng dịu dàng trả lời; và trong một khoảnh khắc chúng tôi nhìn nhau. Nàng lung linh như thể, thay vì cho nàng xem ảnh, tôi đã dâng tình yêu cho nàng. Và như để càng làm đậm thêm so sánh ấy, nàng quay đi, mặt đỏ bừng. Một sự im lặng bao trùm, cuối cùng chính nàng phá vỡ nó:

“Đó là nơi tôi thực sự muốn đến thăm.”

“Ồ, chính nó đây!” Tôi nói.

Nàng im lặng ngắm hai, ba bức ảnh. “Người ta bảo nó không quá đắt đỏ.”

“Như một vài nơi khác? Phải, nhưng đó không phải là điểm quyến rũ nhất của nó.”

“Nhưng tất cả đều rất đắt, đúng không?”

“Ý cô là, châu Âu?”

“Việc đến đó và du lịch. Vấn đề là ở đó. Tôi có rất ít tiền. Tôi dạy học,” Miss Spencer nói.

“Dĩ nhiên người ta phải có tiền,” tôi nói, “nhưng cũng có thể xoay sở được với một khoản vừa phải.”

“Tôi nghĩ tôi có thể xoay sở được. Tôi đã để dành được một khoản, và lúc nào tôi cũng tích thêm một chút.” Nàng dừng lại một lúc, và rồi tiếp tục với vẻ háo hức bị kìm nén, như thể việc kể chuyện ấy với tôi là một niềm thỏa mãn hiếm hoi, tuy có lẽ thiếu trong sạch, “Nhưng không chỉ là chuyện tiền bạc. Mọi thứ đều như thế. Mọi thứ đều chống lại việc lên đường, tôi đã chờ, chờ mãi. Nó chẳng khác nào một lâu đài trên mây. Tôi gần như sợ nói về nó. Hai hay ba lần nó đã đến gần một chút, rồi tôi nói ra và nó bốc hơi. Tôi đã nói về nó quá nhiều rồi,” nàng giả đò – rõ ràng cuộc chuyện đã có tông của một cơn run ngây ngất. “Có một người phụ nữ, người bạn lớn của tôi; cô ấy không muốn đi, còn tôi thì cứ nói mãi chuyện này. Tôi khiến cô ấy mệt kinh lên được. Có lần cô ấy còn bảo không biết rồi tôi sẽ thế nào. Tôi có lẽ sẽ phát điên nếu không được đi châu Âu, và tôi chắc chắn sẽ phát điên nếu tôi đi.”

“Chà,” tôi nói, “cô vẫn chưa đi, nhưng cô có điên đâu.”

Nàng nhìn tôi một lát, rồi nói, “tôi không chắc lắm. Tôi không thể nghĩ về bất kỳ điều gì khác. Lúc nào tôi cũng nghĩ về nó. Nó không cho tôi được yên thân mà nghĩ tới những chuyện gần gũi hơn, những chuyện đáng ra tôi phải quan tâm. Một kiểu loạn trí, anh biết đấy.”

“Thế thì chỉ có một phương thuốc, là đi,” tôi nói.

“Tôi có niềm tin rằng nhất định tôi sẽ đi. Tôi có một người anh họ ở châu Âu!” nàng nói.

Chúng tôi xem thêm vài bức ảnh nữa, và tôi hỏi có phải lúc nào nàng cũng ở Grimwinter không.

“Ồ, không, thưa ngài,” Miss Spencer nói. “Tôi đã ở Boston hai mươi ba tháng.”

Tôi lấy giọng khôi hài đáp rằng trong trường hợp ấy thì những vùng đất lạ hẳn sẽ chỉ làm nàng thất vọng; nhưng tôi hoàn toàn không thể làm nàng lo lắng.

“Tôi biết nhiều về chúng hơn anh nghĩ,” nàng nói, mỉm cười dè dặt, tao nhã. “Ý tôi là bằng cách đọc; tôi đọc rất nhiều và không chỉ Byron; tôi đọc cả lịch sử và sách hướng dẫn du lịch. Tôi biết là mình sẽ thích nó.”

“Tôi hiểu trường hợp của cô,” tôi nói ngay. “Cô có dục vọng của người Mỹ, – dục vọng hướng về cái đẹp như tranh. Với chúng ta, tôi cho rằng từ nguyên thủy đã vậy – tiền thân của kinh nghiệm. Kinh nghiệm đến và chỉ bày cho ta thấy những gì ta đã mơ.”

“Tôi nghĩ điều đó rất đúng,” Caroline Spencer nói. “Tôi đã mơ mọi thứ; rồi sẽ đến lúc tôi biết mọi thứ!”

“Tôi e rằng cô đã bỏ phí rất nhiều thời gian.”

“Ô, phải, đó là cái tật tồi tệ nhất của tôi.”

Những người xung quanh chúng tôi bắt đầu thưa dần; họ chuẩn bị ra về. Nàng đứng dậy và rụt rè chìa tay cho tôi, nhưng ánh mắt nàng sáng rực, đến quái lạ.

“Tôi sắp quay lại đó,” tôi nói khi bắt tay nàng. “Tôi sẽ chờ tin cô.”

“Tôi sẽ cho anh biết,” nàng đáp, “nếu tôi thất vọng.”

Và nàng đi ra, có vẻ hơi xúc động, tay vẫn phe phẩy cái quạt rơm nhỏ xíu.

II

Sau cuộc gặp vài tháng, tôi trở lại châu Âu, và rồi ba năm trôi qua. Tôi sống ở Paris và đến cuối tháng Mười, từ thành phố ấy tôi đi Havre để gặp vợ chồng chị tôi, họ viết thư báo cho tôi là sắp đến đó. Tới Havre, tôi nhận ra tàu hơi nước đã cập bến; tôi bị chậm mất gần hai tiếng rồi. Tôi bù lại bằng cách đến thẳng khách sạn, nơi người thân của tôi đã xếp đặt mọi thứ xong xuôi. Chị tôi đã lên giường, kiệt sức vì chuyến đi; chị là một người đi biển tồi đến đáng buồn, và những khốn khổ của chị trong chuyến vượt biển này đã chạm giới hạn. Lúc này chị chỉ muốn được nghỉ ngơi yên tĩnh và không thể gặp tôi hơn năm phút; vì vậy mọi người đều bằng lòng ở lại Havre cho đến hôm sau. Anh rể tôi vì quá lo cho vợ nên không muốn rời phòng chị; nhưng chị cố nài anh ra ngoài đi dạo với tôi để lấy lại cảm giác trên đất liền. Ngày đầu thu ấm áp và quyến rũ, tản bộ qua những con phố tấp nập, rực rỡ của cảng biển cũ nước Pháp cũng đã đủ thú vị. Chúng tôi đi dọc theo những cảng tàu ồn ào nắng chói chang, và rồi rẽ vào một phố lớn dễ chịu, nửa nắng nửa râm – một phố tỉnh của Pháp, trông như một bức tranh màu nước cũ: những ngôi nhà nhiều tầng, đầu hồi màu đỏ, mái dốc, xám, cao; cửa chớp xanh lục trên các ô cửa sổ và màn cuộn cũ lơ lửng bên trên; những chậu hoa trên ban công và những phụ nữ đội mũ trắng thấp thoáng nơi cửa ra vào. Chúng tôi đi trong bóng râm; tất tật những thứ ấy trải ra ở phần ngập nắng của con phố, hợp thành một bức tranh không ngừng biến đổi. Chúng tôi vừa đi vừa ngắm; rồi, đột nhiên, anh rể tôi đứng lại, nắm chặt tay tôi và nhìn chằm chằm. Tôi nhìn theo ánh mắt anh và nhận ra chúng tôi đã dừng lại ngay trước một tiệm café; ở đó, dưới một mái hiên, vài bộ bàn ghế được bày trên vỉa hè. Các cửa sổ mở ra bên trên; nửa tá cây trồng trong chậu đặt hai bên cửa ra vào; vỉa hè rải đầy cám sạch. Đó là một quán café nhỏ xinh, cổ điển, yên tĩnh; bên trong, dưới bóng tối lờ mờ, tôi thấy một người phụ nữ đẹp mã, to béo, mũ quấn ruy băng hồng, ngồi vắt vẻo với một cái gương ở sau lưng đang mỉm cười với ai đó khuất tầm mắt tôi. Tuy vậy, tất cả những điều này tôi chỉ nhận ra sau đó; thứ trước tiên ánh mắt tôi bắt được là một phụ nữ ngồi một mình, bên ngoài, ở một trong mấy cái bàn đá cẩm thạch nho nhỏ. Anh rể tôi đứng lại để nhìn cô gái. Có thứ gì đó trên cái bàn nhỏ, nhưng cô gái đang ngả lưng ra sau, im lặng, tay khoanh lại, mắt dõi xuống phố về phía khác, không phải chỗ chúng tôi. Tôi chỉ chớp được một góc rất hạn chế của cô nhưng ngay lập tức có cảm giác đã thấy cô ở đâu rồi.

“Cô gái nhỏ trên tàu hơi nước!” anh rể tôi kêu lên.

“Cô ấy ở trên tàu hơi nước của anh à?” tôi hỏi.

“Từ sáng đến tối. Cô ấy chẳng bao giờ say. Cô ấy vẫn thường ngồi lì ở mạn tàu, khoanh tay giống y như vậy, nhìn về chân trời phía đông.”

“Anh định đến bắt chuyện sao?”

“Tôi không biết cô ấy. Tôi chưa bao giờ làm quen. Lúc đó tôi quá tã. Nhưng tôi vẫn thường nhìn và – chẳng hiểu tại sao – rất chú ý đến cô ấy. Một cô gái Yankee nhỏ nhắn đáng yêu. Tôi đồ rằng đó là một cô giáo đang đi nghỉ, các học trò của cô hẳn đã góp một khoản tiền cho việc đó.”

Cô gái hơi quay mặt lại, làm cho góc nghiêng rõ hơn, nhìn vào mặt tiền ngôi nhà mái dốc màu xám ngay đối diện. Rồi tôi nói, “Tôi sẽ tự đến bắt chuyện vậy.”

“Tôi thì không đâu; cô ấy quá rụt rè,” anh rể tôi nói.

“Bạn thân mến, tôi biết cô ấy đấy. Tôi từng cho cô ấy xem vài bức ảnh trong một buổi tiệc trà.”

Và tôi tiến đến chỗ nàng. Nàng quay lại nhìn tôi. Đúng thế, nàng chính là Miss Caroline Spencer. Nhưng nàng không nhận ra tôi nhanh như vậy; nàng có vẻ giật mình. Tôi đẩy một cái ghế đến bên bàn và ngồi xuống.

“Chà,” tôi nói, “tôi hy vọng là cô đã không phải thất vọng!”

Nàng nhìn tôi chăm chú, hơi đỏ mặt; rồi nàng hơi nhổm lên, chừng đã nhận ra.

“Chính anh là người đã cho tôi xem những bức ảnh, ở Grimwinter!”

“Phải, là tôi. Chuyện tình cờ này thú thật. Tôi thấy mình như có vinh dự đón tiếp cô với đầy đủ lễ bộ, một cuộc chào đón chính thức. Tôi đã nói với cô quá nhiều về châu Âu mà.”

“Anh có nói quá nhiều đâu. Tôi vui lắm!” Nàng dịu dàng kêu lên.

Trông nàng vui thực sự. Không có dấu hiệu nào cho thấy sự già đi; nàng vẫn xinh đẹp một cách nghiêm trang, nhã nhặn và kín đáo như lần gặp trước. Nếu như lần ấy nàng giống một bông hoa thân mảnh, với màu sắc dịu dàng của Thanh giáo thì có thể tưởng tượng trong vị trí của nàng lúc này, bông hoa thanh nhã ấy chừng đã mờ đi. Ngồi gần nàng là một quý ông lớn tuổi đang nhấp rượu áp-xanh; phía sau nàng, dame de comptoir trong chiếc ruy-băng hồng đang kêu lên “Alcibiade! Alcibiade!” với người phục vụ đeo tạp dề dài. Tôi giải thích với Miss Spencer rằng người bạn đồng hành của tôi mới đây đã ở cùng nàng trên chuyến tàu, rồi anh rể tôi đến và được giới thiệu với nàng. Nhưng nàng nhìn anh như thể chưa từng trông thấy anh, và tôi nhớ ra anh đã nói với tôi rằng mắt nàng lúc nào cũng chỉ dán chặt vào đường chân trời phía đông. Rõ là nàng không hề để ý đến anh và, vẫn mỉm cười rụt rè, nàng chẳng cố vờ rằng nàng đã thấy. Tôi ngồi lại với nàng trước hiên quán café, còn anh trở lại khách sạn với vợ. Tôi nói với Miss Spencer rằng thật kỳ lạ khi tình cờ gặp nàng ngay vào giờ đầu tiên nàng đặt chân đến đây, nhưng tôi rất sung sướng được có mặt đúng lúc để ghi nhận những ấn tượng đầu tiên của nàng.

“Ôi, tôi không biết phải nói sao,” nàng nói; “tôi thấy cứ như đang bồng bềnh trong mơ. Tôi đã ngồi đây được một tiếng, và vẫn không muốn rời. Mọi thứ đẹp tuyệt vời. Tôi không biết có phải cà phê làm tôi say không; kỳ diệu quá.”

“Thật ra,” tôi nói, “nếu quá ngây ngất với Havre buồn tẻ đến tội nghiệp này, cô sẽ chẳng còn sức để ngưỡng mộ những thứ tuyệt vời hơn. Đừng tiêu hết sự ngưỡng mộ của cô từ ngày đầu tiên; nên nhớ rằng đó là thẻ tín dụng của trí năng và cảm năng cô. Nhớ rằng còn rất nhiều nơi, nhiều điều tuyệt đẹp đang đợi cô; hãy nhớ nước Ý yêu dấu ấy!”

“Tôi không sợ kiệt sức,” nàng vui vẻ nói, vẫn nhìn những ngôi nhà đối diện. “Tôi có thể ngồi đây cả ngày, tự nhủ với mình rằng rốt cuộc ta đã tới đây. Nơi này thật tối, thật cũ, thật khác biệt.”

“Nhân tiện,” tôi hỏi, “làm sao cô lại ngồi đây thế? Cô đã chọn được chỗ trọ nào chưa?” Tôi nửa mừng nửa lo về sự trong sáng tuyệt đối mà người phụ nữ xinh xắn tế nhị này thể hiện ra khi chọn dừng chân ở một điểm cô lập quá nổi bật bên rìa trottoir[1].

“Anh họ tôi đưa tôi tới đây,” nàng trả lời. “Anh biết đấy, tôi đã kể với anh rằng tôi có một người anh họ ở châu Âu. Anh ấy đã gặp tôi trên tàu hơi nước sáng nay.”

“Anh ta không đáng được gặp cô nếu như anh ta bỏ rơi cô sớm như vậy.”

“Ồ, anh ấy mới rời tôi chừng nửa giờ thôi,” Miss Spencer nói. “Anh ấy đi rút tiền cho tôi.”

“Tiền của cô để ở đâu?”

Nàng khẽ cười. “Tôi cảm thấy hoàn toàn không có vấn đề gì nếu nói cho anh biết! Nó ở trong vài tờ chi phiếu du lịch.”

“Thế những tấm chi phiếu của cô ở đâu?”

“Trong túi anh tôi.”

Lời bày tỏ này được thốt ra rất điềm tĩnh, nhưng hiểu sao tôi thấy ớn lạnh. Ngay lúc ấy tôi hoàn toàn không giải thích được nguyên do của cảm giác ấy, vì tôi đâu đã biết gì về ông anh họ của Miss Spencer. Vì đó là anh họ của nàng, mọi suy đoán đều có lợi cho anh ta. Nhưng tôi đột nhiên lo lắng khi nghĩ tới việc nửa giờ sau khi nàng cập bến, số tiền ít ỏi của nàng hẳn đã chuyển hết vào tay anh ta.

“Anh ấy có đi du lịch cùng cô không?” Tôi hỏi.

“Chỉ đến Paris thôi. Anh ấy là sinh viên nghệ thuật, ở Paris. Tôi viết thư cho anh ấy, bảo rằng tôi đang đến, nhưng tôi chẳng hề trông đợi anh ấy sẽ đến đón tôi ở bến tàu. Tôi đã nghĩ sẽ chỉ gặp anh ấy trên xe lửa đi Paris. Anh ấy thật tử tế. Nhưng anh ấy lúc nào cũng rất tử tế và tháo vát.”

Ngay lập tức tôi cảm thấy cực kỳ tò mò về người anh họ tháo vát, chàng sinh viên nghệ thuật.

“Anh ấy đến ngân hàng rồi à?” tôi hỏi.

“Phải, đến ngân hàng. Anh ấy dẫn tôi đến một khách sạn, một nơi nhỏ bé kỳ lạ, cổ quái đẹp mê ly, với một khoảng sân ở chính giữa và hành lang vây xung quanh, một bà chủ dễ thương với chiếc mũ xếp nếp tuyệt đẹp và bộ váy vừa vặn hết sức! Một lúc sau chúng tôi đi ra và đi bộ đến ngân hàng, vì tôi không có tiền Pháp. Nhưng tôi vẫn đang say sóng và thấy tốt hơn là nên ngồi xuống. Thế là anh ấy tìm chỗ này cho tôi và tự mình đến ngân hàng. Tôi sẽ đợi cho đến khi anh ấy quay lại.”

Nghe có vẻ thật lạ lùng, nhưng tôi chợt nghĩ rằng có thể anh ta sẽ chẳng bao giờ quay lại. Tôi ngồi xuống cái ghế bên cạnh Miss Spencer và quyết tâm chờ xem việc này rồi sẽ đến đâu. Nàng vô cùng tinh ý; có gì đó thật cảm động ở điều này. Nàng chú ý đến mọi thứ mà chuyển động của con phố bày ra trước mắt chúng tôi, nét đặc biệt của trang phục, hình dáng các phương tiện đi lại, những con ngựa Norman to lớn, các linh mục béo tròn, mấy con chó poodle được tỉa lông. Chúng tôi nói về những thứ ấy, và có điều gì đó thật quyến rũ trong tri nhận tươi mới của nàng, trong cách những tưởng tượng qua sách vở của nàng xác nhận và chào đón mọi thứ.

“Thế cô sẽ làm gì tiếp theo, sau khi anh họ cô quay lại?” Tôi hỏi.

Nàng do dự một lúc. “Chúng tôi cũng không biết nữa.”

“Khi nào cô đến Paris? Nếu đi chuyến xe lửa bốn giờ, tôi có thể hân hạnh được đi cùng các bạn.”

“Tôi không nghĩ sẽ đi chuyến ấy. Anh họ tôi cho là tốt hơn nên ở lại đây vài ngày.”

“Ồ!” tôi thốt lên và trong vòng năm phút không nói gì thêm. Tôi tự hỏi không biết anh họ của nàng đã, nói theo kiểu đường phố, “chết dẫm” ở đâu rồi. Tôi nhìn khắp con phố, nhưng không thấy bóng dáng một sinh viên nghệ thuật người Mỹ tháo vát nào. Cuối cùng tôi tùy tiện nhận xét rằng Havre khó có thể là một trạm dừng hợp thẩm mỹ cho một chuyến du lịch châu Âu. Đây là một địa điểm thuận tiện, không hơn, một chốn quá cảnh, và sự quá cảnh ấy thường diễn ra rất chóng. Tôi đề xuất nàng đi Paris ngay chuyến tàu chiều, và trong khi chờ sẽ giúp nàng giải khuây bằng cách đưa nàng đến pháo đài cổ ở cửa bến cảng – tòa công trình hình trụ được đặt tên theo Francis Đệ nhất, trông giống một lâu đài St. Angelo thu nhỏ. (Gần đây nó đã bị phá hủy.)

Nàng lắng nghe vẻ thích thú; rồi bỗng nhiên nàng trở nên nghiêm trang.

“Anh họ tôi nói rằng khi nào quay lại, anh ấy sẽ có một chuyện rất đặc biệt sẽ kể cho tôi, thế nên chúng ta không thể làm gì hay quyết định gì cho đến khi tôi được nghe chuyện đó. Nhưng tôi sẽ bắt anh ấy nói thật nhanh, và rồi chúng ta sẽ đến pháo đài cổ. Chẳng cần vội đến Paris; còn nhiều thời gian mà.”

Nàng mỉm cười với đôi môi dịu dàng phớt son khi buông những lời sau cùng. Nhưng tôi, nhìn nàng với dự định đã nung nấu sẵn, chẳng thấy gì ngoài một tia lo sợ nhỏ xíu trong mắt nàng.

“Đừng nói với tôi,” tôi nói, “là anh chàng khốn khổ ấy sẽ mang đến cho cô một một tin xấu đấy nhé!”

“Tôi đoán là tin xấu, nhưng tôi không nghĩ nó xấu lắm đâu. Dẫu sao thì tôi cũng phải nghe nó đã.”

Tôi liếc nhìn nàng lần nữa. “Cô không đến châu Âu để nghe,” tôi nói. “Cô đến để nhìn!” Nhưng giờ tôi khá chắc rằng anh họ của nàng sẽ trở lại. Nếu quả thật hắn có điều gì bất tiện phải nói với nàng thì chắc chắn hắn phải quay lại. Chúng tôi ngồi thêm một lúc nữa, tôi hỏi về kế hoạch du lịch của nàng. Nàng đếm trên đầu ngón tay, điểm từng cái tên với một vẻ trang trọng đặc biệt: từ Paris đi Dijon rồi Avignon, từ Avignon đi Marseilles rồi lên đường đến Cornice; từ đó đi Genoa, rồi Spezia, Pisa, Florence, rồi về Nhà. Rõ ràng là nàng chưa từng tính đến chuyện đi một mình sẽ bất tiện đến thế nào; và vì nàng không có bạn đồng hành nên đương nhiên tôi hết sức thận trọng, tránh làm kinh động cảm giác về sự an toàn ở nàng. Rốt cuộc anh họ của nàng cũng quay lại. Tôi thấy hắn tiến về phía chúng tôi từ một con phố nhỏ, và ngay khi mắt tôi bắt gặp hắn, tôi đã chắc chắn rằng đây chính là tay sinh viên nghệ thuật tháo vát người Mỹ. Hắn mang mũ trùm đầu và jacket nhung đen bạc phếch, giống y những kẻ tôi thường bắt gặp trên Rue Bonaparte. Từ cổ áo sơ mi của hắn hiện lên cần cổ thon dài, nhìn xa không có vẻ gì sắc nét. Hắn cao, gầy, tóc đỏ, mặt lốm đốm tàn nhang. Tôi có rất nhiều thời gian để quan sát trong khi hắn đến gần tiệm café, nhìn tôi chằm chằm với ánh mắt kinh ngạc tất nhiên dưới quầng tóc rủ. Tôi lập tức tôi giới thiệu mình là người quen cũ của Miss Spencer. Hắn chăm chú hướng cặp mắt đỏ nhỏ xíu vào tôi rồi cúi chào với một cái gật đầu trịnh trọng kiểu Pháp cùng cú lia mũ phớt.

“Anh không đi cùng chuyến tàu sao?” hắn hỏi.

“Không, tôi không đi chuyến ấy. Tôi ở châu Âu được ba năm rồi.”

Hắn cúi chào tôi lần nữa, trang trọng và ra hiệu mời tôi ngồi xuống. Tôi ngồi nhưng chỉ để quan sát hắn trong chốc lát; tôi thấy đã đến lúc quay về với bà chị của mình. Anh họ của Miss Spencer là một chàng kỳ quặc. Tự nhiên đã không khuôn hình cho hắn hợp với phục trang kiểu Byron hay Raphael, chiếc áo doublet vải nhung và cái cổ để trần của hắn không hài hòa với các đặc điểm trên khuôn mặt. Tóc hắn cắt sát ôm lấy đầu; hai tai thì lớn tướng và không cách nào làm cho giống nhau. Điệu bộ của hắn rất thiếu tự nhiên, làm ra vẻ ủ rũ đa cảm nhưng hoàn toàn trái ngược với đôi mắt sắc sảo, kỳ dị của hắn. Có lẽ tôi có thành kiến, nhưng tôi thầm nghĩ ánh mắt hắn thật nguy hiểm. Hắn không nói gì một lúc lâu, chỉ chống tay lên cây ba toong và lướt mắt dõi khắp con phố. Rồi cuối cùng, chầm chậm nhấc cây ba toong lên chỉ về một phía, “Cái đó đẹp thật,” hắn nhẹ nhàng nhận xét. Hắn nghiêng đầu sang một bên, khép hờ đôi mắt nhỏ xíu. Tôi nhìn theo hướng cây gậy của hắn; vật vừa được trỏ vào là một tấm vải đỏ treo trên ô cửa sổ cũ. “Màu đẹp lắm,” hắn tiếp tục; và không hề xoay đầu, hắn chuyển cái nhìn lim dim chăm chú sang tôi. “Thiết kế tốt,” hắn lại nói. “Rất hài hòa,” hắn nói, giọng cứng và thô lỗ.

“Tôi thấy là anh có con mắt hết sức tinh tường,” tôi trả lời. Em họ của anh cho tôi biết anh đang nghiên cứu về nghệ thuật.” Hắn vẫn nhìn tôi như cũ, không nói gì, và tôi tiếp tục với vẻ lịch sự có chủ đích, “tôi cho là anh đang ở xưởng vẽ của một trong những con người vĩ đại ấy.”

Hắn vẫn nhìn tôi, và rồi hắn nói khẽ, “Gérôme.”

“Anh có thích không?” tôi hỏi.

“Anh có hiểu tiếng Pháp không?” hắn nói.

“Một chút thôi,” tôi trả lời.

Mắt hắn vẫn không rời tôi; rồi hắn nói, “J’adore la peinture!”[2]

“Ồ, tôi hiểu mà!” tôi đáp. Miss Spencer nắm lấy cánh tay gã anh họ, tỏ một cử chỉ hài lòng và xúc động; thật thú vị khi được ở giữa những người có thể nói ngoại ngữ nhẹ như không. Tôi đứng dậy để cáo từ và hỏi Miss Spencer xem ở Paris, tôi có thể đến đâu để được vinh dự phục vụ nàng. Nàng sẽ ở khách sạn nào?

Nàng quay sang anh họ dò hỏi, và gã lại dòm tôi qua cái liếc mắt ti hí uể oải. “Anh biết khách sạn Hôtel des Princes không?”

“Tôi biết nó ở đâu.”

“Tôi sẽ đưa cô nàng đến đó.”

“Chúc mừng cô,” tôi nói với Caroline Spencer. “Tôi tin rằng đó là chỗ nghỉ chân tốt nhất trên đời; và trong trường hợp tôi vẫn còn chút thời gian để ghé thăm cô ở đây, hiện cô đang ở đâu?”

“Ồ, tên nó đẹp lắm,” Miss Spencer vui vẻ nói. “À la Belle Normande[3].”

Khi tôi đứng dậy cáo từ, gã anh họ gửi tôi một lời chào kiểu cách với cái mũ phớt đẹp như tranh của hắn.


[1] Lối đi bộ

[2] Tiếng Pháp, tôi thích vẽ tranh

[3] Tiếng Pháp, ở Norman Tươi đẹp.

(còn nữa)

Công Hiện dịch

[Không khó để thấy sự liên quan giữa chàng anh họ học nghệ thuật của cô gái Mỹ ngây thơ ở đây với những trường đoạn về Gilbert Osmond trong Vẽ (một người Mỹ ở châu Âu nữa). Cả hai đều có năng lực khiến người đối diện (một số dạng người) phải bối rối, thậm chí khiếp sợ - sự đáng sợ tỉ lệ thuận với ma lực chết người của họ.] 

 

"Bốn cuộc gặp" sẽ xuất hiện đầy đủ trong ấn bản tiếp theo của dự án Henry James (bắt đầu từ đây). Để nhận tin về các đợt xuất bản của FORMApubli, độc giả có thể đăng ký tại đây.

 James viết 

 Những người châu Âu

Vẽ một phụ nữ

Con quái vật trong rừng & Ban thờ người chết

Daisy Miller & Di sản Aspern

Bi kịch từ lỗi

Một vấn đề

Bốn cuộc gặp

Hình tượng trên tấm thảm

Richard khốn khổ

 

 James đọc

đọc Flaubert

đọc George Eliot

đọc Turgenev

đọc Balzac

đọc phê bình

 

đọc James

William Dean Howells

Mona Ozouf

E.M.Forster

Gertrude Stein

Pietro Citati

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công