favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Annie Ernaux: Bị chiếm

09/05/2024 08:00

Lúc nào cũng có cảm giác Annie Ernaux đang viết nhật ký, không thể viết gì ngoài nhật ký. Nhưng đó là thứ nhật ký tạo ra khoảng cách với chính mình, hiện diện chỉ để vắng mặt, đi thẳng vào dục vọng để triệt tiêu dục vọng không thương xót. Văn chương ấy nói được những sự thật mà chỉ phụ nữ mới nhìn thấy, bằng giọng không thể dửng dưng hơn. 

Sau đây là một text về sự ghen, rút ra từ tập Écrire la vie

 

Bị chiếm

- Annie Ernaux

Tôi đã luôn muốn viết như thể mình không còn ở đây khi cuốn sách ra đời. Viết như thể tôi sắp chết, như thể chẳng còn thẩm phán nào nữa. Dù là ảo tưởng, có lẽ, khi tin rằng sự thật chỉ có thể hiện ra qua sự chết.

Việc đầu tiên tôi làm khi tỉnh dậy là tóm lấy cái vật đang dựng đứng trong giấc ngủ của anh và bám cứng vào đó như vào một cành cây. Tôi nghĩ, "chừng nào tôi còn bám được vào đây, tôi sẽ không lo lạc trong thế giới này.” Hôm nay, tưởng tới cái câu ấy, tôi bỗng nghĩ có lẽ ý tôi là chẳng có gì đáng ao ước ngoài điều đó - giữ chắc bàn tay mình trên cái vật của anh. 
Giờ anh đang cùng một phụ nữ khác trên giường. Có lẽ cô ta cũng đang cùng động tác, bàn tay với xuống, bám lấy cái vật của anh. Suốt mấy tháng nay tôi nhìn đâu cũng thấy bàn tay ấy - tôi cảm thấy nó như thể bàn tay tôi. 


Nhưng chính tôi đã bỏ W. - vài tháng trước, sau sáu năm bên nhau. Vì chán, và cũng vì không thể vứt bỏ tự do của tôi - tự do giành lại sau mười tám năm hôn nhân - để lại rúc vào cuộc sống chung mà từ đầu anh khao khát. Chúng tôi vẫn điện thoại, vẫn gặp - thỉnh thoảng. Một đêm anh gọi cho tôi, báo là sẽ rời studio để dọn về ở chung với một phụ nữ. Từ giờ chúng tôi sẽ phải chặt chẽ về điện thoại - chỉ được gọi vào di động, và về chuyện gặp nhau - không đêm hôm, cũng không cuối tuần. Cảm giác sụp đổ xâm chiếm tôi, tôi cảm thấy đang dâng lên một điều gì đó. Hình bóng người phụ nữ bắt đầu chiếm lấy tôi. Tôi chỉ còn nghĩ thông qua cô ta. 


Người phụ nữ dâng kín đầu tôi, ngực tôi, bụng tôi, cô ta theo tôi khắp nơi, chi phối mọi cảm xúc của tôi. Cùng lúc, việc bị chiếm đẩy sự sống của tôi lên một cường độ mới - những chuyển động bên trong tôi chưa bao giờ biết là có thể, một dạng năng lượng sốt bừng, những vọt trào tưởng tượng tôi chưa từng dám tin mình biết cách - nỗi thao thức triền miên.  
Tôi, theo cả hai nghĩa của từ này, bị chiếm. 

Chẳng còn lòng dạ nào cho những băn khoăn tủn mủn. Tôi như được nâng lên khỏi mọi tầm thường đời sống. Nhưng cả những suy tư chính trị và thời sự cũng trôi tuột khỏi tôi. Tôi cố tìm, nhưng ngoài vụ Concorde rơi ngay sau khi cất cánh đến một Hotelissimo de Gonesse nào đó, chẳng còn gì của mùa hè 2000 đọng lại.
Chỉ có đau đớn - và một suy nghĩ không còn biết làm gì ngoài nhìn và cố hiểu sự đau đớn ấy. 


Nhất định tôi phải biết cô ta tên gì, làm gì, bao nhiêu tuổi, sống ở đâu. Những chi tiết có vẻ vô thưởng vô phạt này - những dữ kiện chung chung mà xã hội dùng để truy vết một cá nhân - hóa ra quan trọng đến thế. Tóm được chúng, tôi mới ép được ra từ toàn bộ khối phụ nữ nhờ nhờ một típ thể chất và xã hội, dựng được một thân thể, một cách sống, phác được hình hài một con người. Ngay khi anh chịu kể cho tôi, rất ngần ngừ, rằng cô ta bốn bảy tuổi, là giáo sư, đã ly hôn và có con gái mười sáu tuổi, sống ở đại lộ Rapp, quận VII, một bóng hình liền hiện ra - nghiêm ngắn trong chiếc sơ mi và mái đầu chải chuốt, đang ngồi bên bàn chuẩn bị cho bài giảng trong căn hộ bourgeois sáng dịu. 

Con số 47 như một thứ vật chất bám nhằng nhẵng lấy tôi. Tôi thấy hai chữ số - to vật vã - giăng mắc khắp nơi. Tôi bắt đầu chỉ nhìn phụ nữ theo vị trí trong thang tuổi, trong quá trình lão hóa hằn dấu không chừa một ai, và tôi đánh giá họ bằng cách so dấu hằn của tôi và của họ. Tất cả những ai tôi đặt vào khoảng giữa bốn và năm chục tuổi, với sự “giản dị trang nhã” đặc trưng cho cư dân các quận thanh lịch đều trở thành, với tôi, bóng cô ta.  

Tôi nhận ra mình căm ghét mọi nữ giáo sư - dù tôi từng, và nhiều bạn tôi vẫn đang làm giáo sư - cái  vẻ sao mà quyết đoán và sắc sảo quá mức, như thể chẳng bao giờ có thể mắc sai lầm. Và thế là tôi rơi lại vào nỗi khiếp đảm đối với các cô giáo hồi còn ở lycée - cái thời tôi luôn nghĩ sẽ chẳng bao giờ giống được họ, làm được như họ. Đây thân thể địch thủ của tôi, được cấy lên từng mẫu của thứ mang cái tên không thể chuẩn hơn: thân thể dạy [chơi chữ: nghĩa là đội ngũ giáo viên].  

Trong métro, mọi phụ nữ tuổi bốn mươi mang cặp sách đều là “cô ta”, và chỉ cần nhìn cô ta là tôi đau đớn. Tôi căm hận sự dửng dưng của những đôi mắt phụ nữ này trước cái nhìn hun hút của tôi, sự quyết đoán sắc gọn của họ khi nhấc mình khỏi ghế rồi lướt xuống ga - tên ga tức thì ghim chặt vào óc tôi - như thể hủy diệt tồn tại của tôi, và tôi thấy động tác ấy - của kẻ mà suốt chuyến tàu tôi coi là người tình mới của W. - như cố tình sỉ nhục tôi. 


Có hôm tôi chợt nhớ đến J., mắt ngời sáng, tóc xoăn bồng, khoe khoang về những đê mê ập tới trong giấc ngủ, rợn tới độ thốc cho cô ta bật dậy. Lập tức người phụ nữ kia thế ngay vào đó - tôi nhìn, tôi nghe cô ta ngây ngất tơi bời, một đợt, một đợt, rồi đợt nữa. Cứ như thể một loài phụ nữ ngun ngút dục tình, những giống cái vượt trội vẫn hiên ngang trên bìa Supplément Sexe mỗi hè đang rùng rùng mọc lên quanh tôi - và tôi hoàn toàn bị hất ra ngoài cái quầng sáng lòa ấy. 
Cuộc cấy thân của cô ta vào những phụ nữ khác không buông tha tôi lấy một phút: đâu đâu tôi cũng chỉ thấy cô ta. 


Nếu đang xem Le Monde hay lướt tin nhà đất mà tình cờ ngó thấy tên đại lộ Rapp thì coi như xong; cái tên ấy - nơi trú ngụ của người phụ nữ - sẽ giăng kín mắt tôi, cả đoạn sau tôi sẽ chẳng còn đọc thấy gì nữa. Có một vùng mà giờ tôi thà chết chứ không thò chân tới - nó mơ hồ trải từ Invalides đến tháp Eiffel, ôm trọn cầu de l'Alma và cái khu thật yên tĩnh, thật sang gọi là quận VII. Cả vệt dài ấy triền miên chập chờn trong tôi - nó đã nhiễm hình bóng người phụ nữ - tôi bị ép phải nhìn nó không ngơi nghỉ; những luồng chói từ đỉnh tháp Eiffel hiện ra trong cửa sổ trên cao nơi căn nhà ngoại ô phía Tây của tôi cứ tối đến lại tắm đẫm nó trong những nhịp sáng đều đều không lối thoát - cho tới tận nửa đêm. 


Khi có việc buộc phải đến khu Latin - nơi, chỉ sau đại lộ Rapp, khả năng tôi gặp họ đi cùng nhau là lớn nhất, tôi thấy mình như tiến vào vùng địch; bốn phía trùng trùng những ánh mắt chĩa vào tôi. Hình bóng cô ta chập chờn khắp nơi, dường như không còn chỗ nào cho tôi cả. Lúc nào tôi cũng thấy mình như đang làm một sự gì ám muội. Đi xuôi đại lộ Saint-Michel hay đường Saint-Jacques, kể cả chỉ vì buộc phải thế, cũng như đang phơi bày ham muốn nhìn trộm anh và cô ta. Dưới ánh mắt buộc tội đè nghiến lên mình, tôi thấy cả Paris như đang trừng phạt tôi vì ham muốn ấy. 


Điều lạ lùng nhất của lòng ghen là nó có thể lấp đầy cả thành phố, cả thế giới bằng hình bóng một người chưa bao giờ ta gặp. 


Những phút hiếm hoi được buông tha, khi tôi lại như trước kia, có thể nghĩ về một điều gì khác, hình ảnh người phụ nữ bỗng đột ngột xoẹt qua. Dường như không phải nó cộm lên bên trong tôi - nó ập vào từ bên ngoài. Cứ như thể người phụ nữ có thể tùy nghi xâm chiếm rồi rút khỏi tâm trí tôi mà tôi chẳng làm gì được. 

Cuốn phim thường lãng đãng trải ra trong tôi - những sung sướng chờ mong, một hẹn hò, một kỳ nghỉ, đêm sinh nhật - chuỗi huyễn ảnh êm ái tôi vẫn dệt nên về hạnh phúc đời mình bỗng rách toạc vì cuộc đột khởi của hình bóng cô ta. Lồng ngực tôi quặn lại. Đến cả khi mơ mẩn tôi cũng không được thoát. Tôi thậm chí chẳng còn là chủ thể các phăng te di của mình nữa. Tôi chỉ còn là cái bóng nhờ nhợ của người phụ nữ chưa bao giờ gặp. Hay, nói như một người Senegal từng kể với tôi chuyện bị một kẻ thù ám riết, tôi bị “vật”.

Tôi chỉ thoát được sự bám đuổi hãi hùng này những khi thử cái váy hay cái quần vừa mua cho buổi hẹn tiếp theo với W. Cái nhìn tưởng tượng của anh trả tôi về lại với tôi. 

    
Tôi đã bắt đầu khốn khổ vì xa anh. 

Khi không bị người phụ nữ ám, tôi lại làm mồi cho những tấn công của thế giới bên ngoài - nó không ngừng nhắc tôi về quá khứ với anh, giờ đã mang hình hài một mất mát không cách nào khỏa lấp.


Đột ngột, một tới tấp choáng váng những hình ảnh từ quá khứ ấy trút xuống như những séquence điện ảnh chồng lên nhau nhưng không chịu xóa nhau đi. Những con đường, quán cà phê, buồng khách sạn, những tàu đêm và bãi biển - chúng trào lên, cuộn lên, rầm rập xô vào nhau. Một trận tuyết lở các cảnh và địa điểm đè nghiến lấy tôi - chúng không ngừng ấn lên tôi sự thật hãi hùng này: “Mình đã từng ở đó”. Tôi thấy óc mình như đang cố xả hết những hình ảnh dồn tụ qua mấy năm với W., hoàn toàn bất lực trước cơn lũ thốc. Cứ như thể thế giới những năm ấy, bởi tôi đã không cảm nhận được hương vị độc nhất của nó, đang quay lại trả thù tôi, quyết tâm nuốt chửng tôi. Có những lúc tôi tưởng hóa điên vì sầu muộn. Nhưng sầu muộn chỉ là dấu hiệu cho thấy một lần nữa đã lại qua rồi - tôi đã không điên. Chỉ có một cách để chặn lại những hủy diệt bạo tàn này: tự rót cho mình một ly rượu đầy hoặc nuốt một viên Imovane. 


Lần đầu tiên, tôi thấy rõ đến thế tính vật chất của tình cảm và cảm giác - tôi cảm thấy sự rắn đặc và hình thức vật lý của chúng, nhưng cả sự độc lập của chúng nữa - chúng hoàn toàn tự tung tự tác, chẳng đếm xỉa gì đến ý thức của tôi. Trong tự nhiên cũng có tương ứng của những trạng thái nội giới này: triều lên, vách sụp, hố sụt, tảo nở. Tôi hiểu ra vì sao người ta cần đến những ẩn dụ và so sánh về lửa và nước. Cả những liên tưởng sáo nhất cũng từng được sống, bởi một ai đó, một khi nào đó. 


Triền miên, những bài hát và bản tin radio quăng tôi lại vào quãng thời gian với W. Nghe 7 seconds, Juste quelqu’un de bien hay một cuộc phỏng vấn Ousmane Sow, tác giả của những khối tượng kỳ vĩ trên Pont des Arts mà chúng tôi đã xem cùng nhau là đủ khiến cổ và ngực tôi quặn thắt. Bất cứ điều gì gợi lên sự chia ly, xa cách - một Chủ Nhật, một nữ MC rời đài FIP, nơi bà ta đã gắn bó ba chục năm - cũng bóp nghiến cổ họng tôi. Giống những kẻ trở nên mong manh vì bệnh tật hay trầm cảm, tôi trở thành hộp tăng âm cho mọi muộn sầu.

Một đêm, trên sân ga RER, tôi nghĩ đến Anna Karenina lúc nàng chuẩn bị quăng mình xuống gầm tàu, với chiếc xắc đỏ nho nhỏ của nàng.


Tôi nhớ quay quắt những ngày đầu với anh, sự “kỳ vĩ” của cái vật ấy, như tôi từng viết trong nhật ký. Không, cái tôi thấy hiện đi hiện lại không phải là việc cô ta chiếm chỗ tôi. Tôi chỉ thấy tôi như không bao giờ tôi còn có thể, không bao giờ còn yêu và chắc chắn về tình yêu của anh như thế, ở đúng ngưỡng những thứ chưa xảy ra giữa chúng tôi.

Tôi muốn có lại anh. 

Tôi nhất quyết xem một bộ phim trên TV, lấy cớ đã lỡ nó khi ra rạp. Nhưng rồi tôi phải thừa nhận rằng đó chỉ là cái cớ. Tôi đã bỏ lỡ vô số bộ phim ở rạp mà chẳng thèm ngó ngàng khi chúng xuất hiện trên TV mấy năm sau. Tôi muốn xem L’école de la chair chỉ vì biết cốt truyện của nó giống tôi và W. - một thanh niên nghèo rớt và một phụ nữ đứng tuổi có tiền - cũng câu chuyện giờ đang diễn ra giữa W. và người phụ nữ kia. 
Dù kịch bản thế nào, chỉ cần nhân vật nữ đau đớn thì đó chính là nỗi đau của tôi, được đặt vào cơ thể diễn viên trong một sự nhân đôi ghê rợn. Tôi quằn quại tới độ gần như được giải thoát khi phim hết. Một tối, tôi nghĩ mình đã chìm tới đáy tuyệt vọng với một bộ phim Nhật đen trắng lấy bối cảnh hậu chiến - chẳng có gì ngoài mưa và mưa. Tôi tự nhủ rằng chỉ sáu tháng trước, tôi sẽ rất thích thú xem bộ phim này, sẽ tìm thấy trong cảnh đau đớn mà tôi không phải chịu một nỗi đê mê dìu dịu. Thực tế là sự thanh tẩy chỉ có ích cho kẻ nào không bị dục vọng nhấn chìm.


Tình cờ nghe I will survive, bài hát mà - rất lâu trước khi rền vang trong các phòng thay đồ World Cup - tôi đã có lúc điên cuồng nhảy theo trong căn hộ của W., tôi như hóa đá. Khi vần vũ trước anh, tôi đã chẳng để ý gì ngoài nhịp điệu và giọng khàn khàn của Gloria Gaynor - với tôi lúc ấy, tất cả nghe như chiến thắng của tình yêu trước thời gian. Giờ trong siêu thị, giữa hai đoạn quảng cáo, leitmotiv cũ bỗng nhận lấy một nghĩa chưa từng, đầy tuyệt vọng: tôi, cả tôi nữa, I will survive.

Anh không chịu nói cho tôi dù tên hay họ cô ta. 
Cái tên khuyết tạo thành một cái hố há hoác, một khoảng âm âm hun hút - quanh đó tôi miệt mài đảo đi đảo lại.
Trong những cuộc gặp sau đó, ở quán cà phê hay ở nhà tôi, anh luôn đáp lại những câu hỏi dai dẳng của tôi - đôi khi được đặt ra như một trò đố chữ (“Cho em biết chữ cái đầu tên cô ấy”) - bằng sự từ chối để tôi “dắt mũi”, kèm theo câu “Em biết để được gì?” Và dù sẵn sàng lập luận rất hăng rằng ham muốn được biết nằm ở yếu tính của cái sống, của trí năng con người, tôi vẫn đáp, “Chẳng được gì” nhưng trong bụng thì nghĩ, “Tất cả.” Từ hồi tiểu học, tôi đã nhất quyết phải biết tên con bé lớp bên mà tôi thích ngắm vào giờ nghỉ. Đến tuổi dậy thì, đó lại là tên cậu trai tôi thường gặp trên đường - những chữ đầu tên cậu ta tôi đã cặm cụi khắc lên bàn học. Dường như chỉ cần gắn được một cái tên lên người phụ nữ, tôi sẽ có thể dựng ra, nhờ những gì gợi lên bởi cái từ ấy, bởi âm thanh ấy, một típ tính cách cụ thể, sẽ giữ chắc được trong mình một hình ảnh về cô ta - dẫu nó có thể sai hoàn toàn. Trong tình trạng thiếu bản thể của tôi lúc này, biết được tên người phụ nữ nghĩa là sở hữu được một phần nào đó của cô ta. 


Tôi thấy trong cách anh khăng khăng từ chối cho tôi biết tên hay miêu tả bất cứ điều gì về người phụ nữ nỗi sợ rằng tôi sẽ tấn công cô ta một cách bạo lực hay bỉ ổi, rằng tôi sẽ gây một vụ xì căng đan xấu xí (tức là cho rằng tôi có thể rơi xuống tận mức ấy - hình dung tởm lợm của anh khiến tôi khổ sở vô cùng). Có lúc tôi còn ngờ một trò thao túng xảo quyệt - anh bắt tôi phải thèm thuồng ức chế để giữ lấy niềm ham muốn vừa bùng lại trong tôi. Những lúc khác tôi lại nghĩ anh muốn bảo vệ cô ta, che chắn cho cô ta khỏi mọi suy nghĩ của tôi, làm như chúng có thể gây tổn hại cho cô ta không bằng. Nhưng sự thật là dường như anh chỉ đang hành động theo thói quen từ bé, xuất phát từ việc phải luôn tìm cách giấu thói nát rượu của ông bố trước bè bạn: anh đã quen che giấu mọi thứ, kể cả những chuyện ít có khả năng gây phán xét nhất; anh rút ra từ nguyên tắc “không nói, không bị tội” sự rụt rè kiêu ngạo của mình. 

Cuộc tìm kiếm cái tên người phụ nữ đã trở thành một nỗi ám ảnh, một nhu cầu phải được thỏa mãn bằng mọi giá.
Tôi đã vắt được từ anh thêm vài giọt thông tin. Hôm anh cho tôi biết cô ta là giảng viên lịch sử trường Paris-III, tôi lao ngay lên Internet xới tung website trường. Khi mò được tới danh sách giảng viên xếp theo chuyên môn kèm số điện thoại, tôi thấy trào lên một niềm hạnh phúc kỳ lạ - gần như điên cuồng - mà lúc ấy chẳng khám phá trí tuệ nào có thể mang đến cho tôi. Tôi kéo tiếp màn hình nhưng càng lúc càng chán nản: dù khoa sử ít nữ hơn hẳn nam, tôi cũng chẳng có dấu hiệu nào khả dĩ để nhận ra cô ta trong danh sách chóng mặt kia. 

Mỗi manh mối mới moi ra được từ anh lại đẩy tôi vào một cuộc đào bới vật vã trên Internet - thứ bỗng trở nên quan trọng vô biên trong cuộc sống của tôi. Ngay khi biết được rằng cô ta viết luận án về người Chaldéen, tôi liền cho chạy “máy tìm” - vừa làm vừa nghĩ đây thật là một cái tên chuẩn xác - từ “luận án”. Sau vô số cú click vào đủ các đường link - chuyên môn, nơi làm luận án - cuối cùng tôi cũng thấy hiện ra cái tên một giảng viên từng thấy trong danh sách giáo sư cổ sử trường Paris-III. Tôi ngồi như hóa đá trước những chữ mồn một trên màn hình. Tồn tại của người phụ nữ đã trở thành một thực tại không còn cách nào xóa bỏ. Cứ như thể một bức tượng oai vệ vừa vọt lên từ lòng đất. Rồi một nỗi phẳng lặng trùm lên tôi, và cả sự trống rỗng giống như khi vừa qua một kỳ thi. 
Một lúc sau, nghi ngờ bỗng gợn lên, tôi cuống cuồng tra danh bạ Minitel. Sau nhiều dò tìm, tôi nhận ra giảng viên kia không sống ở Paris mà ở Versailles. Không thể là “cô ta” được. 

Mỗi lần bị vây hãm bởi một giả thuyết mới về danh tính người phụ nữ, sự bạo liệt của ý nghĩ vừa vọt trào, lỗ thủng há hốc nó tạo ra trong lồng ngực tôi, cảm giác bừng sốt nơi bàn tay tôi lại trở thành bằng chứng tuyệt đối của xác tín - có lẽ giống như dấu hiệu khải ngộ đối với một thi sĩ hay học giả. 

Một tối, xác tín ấy lại bừng lên trước một cái tên khác trong danh sách giáo sư và lập tức tôi tra Internet xem cô ta có xuất bản gì liên quan đến người Chaldéen không. Ghi chú về cô ta có dòng này: “Bản dịch các relique của Thánh Clément, bài báo đang chuẩn bị”. Tôi sướng điên, tưởng tượng mình sẽ ném vào W. những lời mỉa mai tàn khốc, “Dịch các relique của Thánh Clément, chủ đề ly kỳ quá nhỉ!” hay “Khắp nơi người ta đang nhấp nhổm chờ bài báo này đấy - công trình xoay chuyển cả thế giới chứ đùa à!” Tôi ướm thử tất cả những biến thể độc địa cái câu sẽ dìm chết công trình của người phụ nữ. Cho tới khi xuất hiện những dấu hiệu làm lung lay giả thiết “cô ta” là tác giả bài báo - bắt đầu từ việc rõ ràng chẳng có liên hệ gì giữa người Chaldéen và Thánh Clément, giữa Giáo hoàng và người tử đạo.


Tôi tưởng tượng mình sẽ gọi đến số điện thoại của tất cả các nữ giáo sư - tôi đã lên danh sách kỹ - và hỏi, sau khi cẩn thận bấm 36 51 để giấu danh tính, “Tôi có thể nói chuyện với W. không?” Nếu đúng số cô ta, câu trả lời là “được,” tôi sẽ dùng giọng tục tĩu xoáy ngay vào những gì W. đã trót hở ra khi lo lắng về một bệnh nào đó của cô ta, “Cưng à, cái bóng đái chết tiệt của em đã đỡ chưa?” rồi dập máy luôn. 


Những lúc như thế, tôi thấy trỗi lên trong mình một sự man rợ nguyên thủy. Tôi vụt nhận ra tất cả những trò tôi có thể quăng mình vào nếu xã hội không kìm tôi lại, chẳng hạn thay vì chỉ cố dò tên người phụ nữ trên Internet, tôi sẽ vừa xả súng vào cô ta vừa hét lên “Con đĩ! Con đĩ! Con đĩ!” Có những lúc tôi đã làm đúng như thế, chỉ không có súng trong tay. Tôi đau khổ vì không giết được cô ta. Và tôi ghen tị với những tập tục nguyên thủy, những xã hội tàn bạo, nơi người ta có thể bắt cóc, thậm chí giết người trong phút mốt, tránh được sự bám đuổi nhằng nhẵng - mà với tôi thì như vô tận - của đau khổ. Đột nhiên tôi hiểu sự khoan hồng của tòa với các vụ án tình, vì sao họ ngại ngần trừng phạt kẻ sát nhân bằng luật pháp thông thường - thứ luật xuất phát từ lý trí và xã hội nhưng đối nghịch với một luật khác, cồn cào trong phủ tạng: luật quy định rằng bằng mọi giá ta phải xóa bỏ tồn tại của kẻ đã xâm chiếm thân thể và tinh thần ta. Về cơ bản, họ không muốn lên án hành động cuối cùng của kẻ đã bị kết án phải khôn nguôi đau đớn - niềm tuyệt vọng của Othello và Roxane.

Bởi vì tôi chỉ đang cố giành lại tự do của mình, hất đi cái gánh đang oằn trĩu trong mình; tất cả những gì tôi làm hoàn toàn chỉ để như thế. 


Tôi nhớ cô gái W. đã bỏ rơi để quen tôi; cô ta đã phóng vào anh những lời căm hận, “Tôi sẽ găm kim vào người anh, từng cái từng cái một.” Cái trò găm kim vào hình nhân nặn từ vụn bánh mì giờ không còn có vẻ ngu ngốc với tôi như khi ấy nữa. Nhưng cùng lúc, hình ảnh bàn tay tôi dí nát vụn bánh, chăm chú cắm từng cái kim vào tim, vào óc kẻ tưởng tượng nằm trước mặt vẫn là hình ảnh một người khác, một mụ già ngơ ngẩn đáng thương: làm sao tôi có thể để mình “rơi” đến tận mức ấy. Dẫu thế, rơi vẫn là một cám dỗ vừa kích động vừa hãi hùng, như thể tôi đang cúi đầu lửng lơ trên mặt giếng và thấy bóng mình run rẩy dưới sâu. 

Động tác viết, ở đây, có lẽ cũng không quá khác động tác găm kim. 

Tôi dần chấp nhận những hành vi mà trước kia tôi kỳ thị hay cười nhạo. “Làm sao lại có thể như thế được?” đã trở thành “Cả mình cũng có thể làm thế.” Tôi đặt tư thế và nỗi ám ảnh của mình cạnh vô số câu chuyện khác, chẳng hạn chuyện một phụ nữ trẻ triền miên gọi điện khủng bố bạn trai cũ và người tình mới của gã ta, làm tắc nghẽn máy trả lời tự động suốt mấy năm trời. Tôi thấy “cô ta” trong vô vàn phụ nữ, và tôi cũng thấy mình trong tất cả những kẻ - dù điên rồ hay táo bạo hơn - đều dám “cho nổ cầu chì” rồi đến đâu thì đến.
(Có khả năng là dù tôi không biết, câu chuyện của tôi cũng đã trở thành hình mẫu cho ai đó ngoài kia rồi.) 

Ban ngày, tôi dìm được ham muốn, nhưng đêm xuống, mọi cưỡng cự rơi tuột và cơn thèm biết lại bùng lên, còn cồn cào hơn - như thể chỉ bị hoạt động ban ngày ru ngủ tạm thời hay bị lý trí dập bớt. Sau cả một ngày chống chọi, tôi buông hẳn mình vào đó. Đó là phần thưởng của tôi vì đã “ngoan ngoãn” quá lâu, giống những người béo phì tối đến tự thưởng cho mình một thanh sô cô la sau cả ngày kiêng cữ. 

Điều tôi muốn làm nhất - gọi “không sót một ai” trong tòa nhà cô ta đang sống cùng W. (tôi đã lần ra tên và điện thoại của họ trong Minitel) - cũng là điều đáng sợ nhất. Chỉ một động tác, tôi sẽ vừa đến gần hơn tồn tại thực của người phụ nữ, vừa có cơ may nghe thấy một giọng nói có thể là của cô ta. 
Một tối, tôi máy móc ấn từng số một - sau chuỗi 36 51. Có những lần gặp máy trả lời tự động, chuông đổ không ai nghe; đôi khi một giọng đàn ông “alô”, tôi dập máy. Nếu là phụ nữ, tôi sẽ hỏi thăm W. bằng giọng bình tĩnh rành rọt và trước khi đầu bên kia kịp nói không hay giật mình hỏi lại, tôi liền kêu là nhầm số. Từ kế hoạch đến hành động là một bước nhảy đầy kích thích bởi sự lén lút của nó. Tôi cẩn thận ghi cạnh từng số đã gọi: nam hay nữ, có phải máy trả lời tự động không, có ngập ngừng không. Một phụ nữ cúp máy ngay sau câu hỏi của tôi, không nói một lời. Đúng cô ta rồi. Nhưng rồi tôi lại thấy bằng chứng này chưa đủ. “Cô ta” phải được đưa vào danh sách đỏ. 
Trong những cái tên tôi gọi có một phụ nữ cho biết, qua máy trả lời tự động, số di động của cô ta. Dominique L. Quyết tâm không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, sáng hôm sau tôi gọi ngay. Một giọng nữ vui tươi, vừa nôn nóng vừa hạnh phúc trả lời điện thoại. Tiếng “Alô” réo rắt. Tôi im lặng. Đầu bên kia đột ngột trở nên cảnh giác, miễn cưỡng nhắc lại, “Alô.” Cuối cùng tôi cúp máy, không nói gì, bối rối và kinh hoàng khi phát hiện ra một sức mạnh ma quỷ dễ dàng nhường ấy - tôi có thể gây hoảng sợ cho một kẻ khác từ xa và hoàn toàn tránh được mọi trừng phạt.

Sự đứng đắn hay thiếu đứng đắn trong những hành vi và ham muốn ấy không phải là câu hỏi tôi đặt cho mình lúc đó hay kể cả bây giờ, khi viết những dòng này. Tôi tin rằng chỉ khi không đặt câu hỏi như thế, người ta mới có thể đến gần sự thật. 


Trong trạng thái vừa chênh vênh vừa cồn cào thèm biết ấy, những manh mối đã gạt đi vẫn có thể đột ngột trồi lên. Tôi có biệt tài kéo những dữ kiện xa nhau tít mù khơi vào một chuỗi suy diễn nhân quả. Chẳng hạn, buổi tối sau hôm anh hoãn một cuộc hẹn, khi nghe loáng thoáng dự báo thời tiết nói ngày mai chúng ta sẽ kỷ niệm lễ Dominique, tôi liền cả quyết rằng đó là tên người phụ nữ: anh không thể đến nhà tôi vì đó là ngày tên của cô ta, họ sẽ đi nhà hàng, dùng bữa tối lung linh ánh nến. Suy đoán này xẹt qua tôi như chớp điện. Không còn nghi ngờ gì nữa. Tay tôi đột nhiên lạnh toát. Dòng mạch “vừa ngưng một nhịp” khi nghe cái tên Dominique củng cố xác tín của tôi. 


Người ta có thể coi cuộc săn lùng điên loạn và sự vơ quàng vơ xiên này là một áp dụng lầm lạc của trí năng. Nhưng tôi thì thấy chức năng thơ của nó - công việc của văn chương, tôn giáo và paranoia. 
Vả lại tôi viết sự ghen chính trong khi tôi sống nó - tôi theo dõi, dồn tích những ham muốn, cảm giác, hành động của tôi không ngừng nghỉ. Đây là cách duy nhất tôi có thể cho nỗi ám ảnh này một vật chất tính. Lúc nào tôi cũng sợ để vuột mất điều thực sự cốt yếu. Viết, như là sự ghen với cái thực. 

Một sáng, F., một cô bạn của con trai tôi gọi cho tôi. Con bé vừa chuyển nhà, nó cho tôi địa chỉ mới, ở quận XII. Bà chủ nhà mời nó dùng trà và còn cho nó mượn vài cuốn sách: đó là một giáo sư Lịch sử ở trường Paris-III. Những từ này, đột ngột nảy ra trong một cuộc trò chuyện phất phơ, đối với tôi có dáng vẻ một vận may trên trời rơi xuống. Sau nhiều tuần lùng sục vô ích, giọng nói trẻ con của F. bỗng cho tôi cơ hội biết tên người phụ nữ, giáo sư dạy cùng môn, cùng trường với chủ nhà con bé. Nhưng tôi thấy ngay là không thể nào lôi F. vào cuộc tìm kiếm của mình; chỉ cần tôi hé ra một mẩu tò mò, nó chắc chắn sẽ đánh hơi được sự khác thường ám muội, chín phần mười liên quan đến tình ái. Dập máy rồi, dù cố chống cự, tôi vẫn không dìm hẳn được cám dỗ gọi lại cho F. để nhờ con bé hỏi về người phụ nữ. Tôi không hề nhận ra rằng ngay từ lúc ấy, những lời sẽ dùng để giải thích cho F. đã bắt đầu manh nha trong tôi. Chỉ sau vài giờ, ham muốn đòi được giải tỏa đã đánh gục nỗi sợ phơi mình của tôi, và tối đó, trong cơn cuồng loạn tự thuyết phục mình rằng những gì mình sắp làm không chỉ vô hại mà còn nhất thiết, tôi quyết tâm bấm số F., tha thiết cầu cho con bé ở nhà để tôi không phải hoãn lại cuộc điều tra, để tôi có thể giải thoát mình khỏi mấy câu đã nhẩm đến triệu lần chiều nay, “F., cô có chuyện muốn hỏi cháu! Một chuyện rất tiểu thuyết! Cháu có tình cờ biết tên…” vân vân. 
Như tất cả những lần tôi tưởng đã chạm đến mục tiêu, sau khi giao việc tìm kiếm cho F., tôi lại rơi tuột vào một cơn bải hoải, gần như hững hờ với cuộc đợi chờ, thậm chí với cả kết quả của nó. Câu trả lời của F. sau đó chỉ khiến tôi thêm ngờ vực: bà chủ nhà bảo không biết giáo sư kia là ai. Chắc chắn bà ta nói dối: bà ta biết người phụ nữ, cả bà ta cũng muốn bảo vệ cô ta. 

Tôi viết trong nhật ký, “Mình quyết định không gặp anh ấy nữa.” Viết ra lúc ấy, tôi đã không còn đau đớn, và tôi tưởng hết đau đớn - nhờ viết - là hết mất mát, hết ghen. Nhưng vừa gập sổ lại là ham muốn biết tên người phụ nữ, cơn thèm truy vết cô ta lại trào lên - và thế nghĩa là sẽ còn đau đớn. 


Anh qua nhà tôi

(còn nữa)

Anh Hoa dịch

 

Bản đầy đủ của "Bị chiếm" sẽ được đăng trên chuyên đề VănBản+ Vẽ một phụ nữ, dự kiến phát hành vào kỳ hè 2024. Độc giả có thể đăng ký theo dõi các ấn phẩm của FORMApubli tại đây. 

nhật ký chiến tranh

nhật ký tình đầu

nhật ký cắn thuốc

nhật ký trôi dạt

nhật ký phản loạn

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công