Pietro Citati: Vẽ một phụ nữ
Vẽ một phụ nữ là câu chuyện sinh ra từ một cuộc đọc choáng ngợp (chuyện đã kể ở kia) và đến lượt mình, nó cũng gây choáng ngợp cho những độc giả giỏi nhất của mỗi thế hệ. Sau một thế kỷ rưỡi, câu chuyện về cô gái Mỹ kỳ lạ ấy vẫn không thôi ám ảnh - càng lúc càng mơ hồ bí ẩn sau màn sương thời gian. Dưới đây là cuộc đọc của một người Ý, Pietro Citati - nhân vật mà chúng ta sẽ còn gặp lại nhiều. Citati đọc Vẽ trong quyển sách nhan đề Il Male assoluto (Cái Ác tuyệt đối), in năm 2000. Ở đây, Citati thấy ngay là phải đặt Vẽ cạnh những chân dung phụ nữ đẹp nhất từng có trên đời - số phận cao quý và bi thảm mà các tinh thần lớn không cách nào tránh khỏi. Đó là những chân dung tạo ra bởi tình yêu.
Vẽ một phụ nữ
- Pietro Citati
Tôi nghĩ rằng Vẽ một phụ nữ của Henry James chiếm giữ một vị trí tuyệt đối dị thường trong văn chương tự sự của thế kỷ XIX. Tất tật các tiểu thuyết lớn nhất của thế kỷ - những gì lớn nhất của Balzac và Dickens, Madame Bovary, Giáo dục tình cảm, Anna Karenina, Chiến tranh và Hòa bình, Quỷ, Anh em Karamazov… - đều được xây dựng xung quanh nhiều trung tâm tự sự, chúng phản chiếu lẫn nhau. Vẽ một phụ nữ chỉ có một trung tâm duy nhất; chỉ một trái tim, “hiện hình hiếm” mang cái tên Isabel Archer. James yêu nàng với một sự nồng nhiệt dịu dàng, chỉ tình cảm mà Tolstoi dành cho Anna Karenina mới sáng ngang được: bốn nhân vật lớn yêu nàng đắm đuối; và tất tật những người khác - chị em gái, các bà bác già, các ông chủ ngân hàng, rồi thì nữ bá tước mờ ám, những kẻ khoe mẽ nhỏ bé, những nhà báo nhiều khoa trương, các dame quý tộc - đều được định nghĩa trong tương quan với nàng, như những hiệp vần, các biến tấu, tương phản của tính cách nàng. Nàng là ánh sáng, nó tỏa chiếu xuống cuốn sách. Và nếu ánh sáng của nàng bị che đi, bọc lại, bị giăng bẫy, bị giấu đi bởi bóng tối, thì đấy là một bi kịch ở một tầm vóc còn lớn hơn so với bi kịch của Madame Bovary hay của Anna Karenina. Chừng ánh sáng của Isabel biến mất, cả vũ trụ liền bị dìm vào bóng tối.
Chúng ta đừng nghĩ rằng, do trung tâm tính nghiêm ngặt ấy của sự xây dựng, Vẽ một phụ nữ là một cuốn sách bị bó hẹp và đóng lại; bởi, như Graham Greene viết, “đó là đại giáo đường lớn nhất, phong phú nhất mà người ta có thể tưởng tượng”. Một không gian mới rộng lớn làm sao! Ở hậu cảnh, là nước Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và thậm chí Nhật Bản. Ở trung tâm, là Eden rậm lục kia, tức là nước Anh của những người Mỹ di cư giàu có; và nhất là, nước Ý. Isabel dừng lại ở ngưỡng cửa của Ý như trên ngưỡng cửa đất hứa của mình; và tại Florence, với các tranh tường đã qua của nó cùng những bức tường đen thủi đi vì thời gian của nó, bản tính cổ xưa của nó cũng như các kiến trúc thô sơ những cung điện của nó, các ngõ của nó trên đó tràn ra sự đầy của những khu vườn nở hoa, các cánh đồng-khu vườn của nó, những ngọn đồi được tạc đầy tinh tế của nó, những ngôi nhà có vẻ bên ngoài hết sức con người của nó, ánh sáng vàng sâu thẳm những mặt trời lặn của nó, Isabel áp vào tai mình “vỏ sò biển của quá khứ”. Rome là trái tim bi thảm của nước Ý: các đổ nát của nó vẫn còn đầy ngập sự sống, và tỏa ra một sự buồn bã tráng lệ, tấm gương cho nỗi buồn của Isabel: ánh sáng, các đám mây khói hương, tiếng hát, những phản chiếu của đá hoa cương rơi như mưa dưới vòm tròn của St. Peter; và trong các viện bảo tàng, giữa các bức tượng Hy Lạp và La Mã, giữa những khuôn mặt không ánh mắt lắng nghe sự im lặng vĩnh cửu của chúng, Isabel tự hỏi những cặp mắt trống vắng kia còn dõi xuống các kinh nghiệm nào. Toàn bộ đều thoáng rộng, trong Vẽ một phụ nữ: ngay cả tinh thần của các nhân vật, trong đó chúng ta dạo chơi như dưới vòm tròn của St. Peter, với biết bao dễ dàng và vọng âm! Và thế nhưng, không gian chẳng bao giờ quá lớn: bởi James đã làm cho nó thích ứng một cách hoàn hảo với kích cỡ và với sự cân bằng của những tổ chức cơ thể con người chúng ta.
Mở đầu đáng ngưỡng mộ của Vẽ một phụ nữ là một đỉnh, một âm chuẩn và, cùng lúc, một chờ đợi. Và toàn bộ xen ấy - bóng của các nhân vật, những cái ghế, cái bàn nhỏ bày biện đồ uống trà, các tấm thảm màu thật mạnh, những quyển sách vương vãi trên cỏ, những cây sồi đủ loại im lìm, tạo nên một cái bóng đặc quánh như bóng của các tấm rèm nhung - được tắm trong sự lộng lẫy của ánh sáng. Chúng ta đang ở Gardencourt, gần sông Thames, chính giữa châu Âu: bông hoa tối hậu của văn minh con người. Một sự êm dịu của sống và sự đầy mới lớn làm sao; sự yên tĩnh mới lớn làm sao, sự yên bình mới lớn làm sao, sự dễ dàng về thể chất và tinh thần mới lớn làm sao; trí năng tinh tế mới lớn làm sao, ấy là thứ không để cho mình bị nhốt vào bất kỳ hình thức nào; sự kín đáo mới lớn làm sao và sự tinh xảo của trái tim mới lớn làm sao! Chúng ta sống nơi các bề mặt, các hình thức phủ rêu của cuộc đời: nhưng những hình thức cùng những quy ước được hòa vào cái tự nhiên hoàn hảo hơn cả. Chúng ta đang ở trên một sân khấu, nơi các nhân vật bước vào sàn diễn, nói ra những đối thoại của họ và rồi đi mất: hẳn chẳng tồn tại nào có thể có tính cách thượng lưu theo lối sâu thiết thân hơn được; nhưng sự phù phiếm sâu sắc đến nỗi nó gần như có một cái gì đó rất Đạo giáo. Chúng ta đang ở một Eden, không có Chúa, không có tội lỗi, không có sự đuổi đi, không có cái cây tốt và ác: nơi chỉ mọc lên mỗi cái cây của sự sống.
Chính đấy là nơi Isabel Archer, thần hiện của cuốn sách, đến, từ Mỹ. Giống Tolstoi không ngừng họa ra Anna Karenina, James cứ không ngừng miêu tả nữ nhân vật chính người Mỹ của mình, mà rất nhiều năm về sau, ông sẽ định nghĩa như là “cũng khoa trương vô lối hệt như Porzia” [một nhân vật nữ nổi tiếng trong lịch sử La Mã]. Sau đây là chân dung nàng với con chó nhỏ: “Nàng đã thả con chó nhỏ ra và ngồi xuống ghế, đôi tay trắng nõn đặt trong lòng, trên chiếc váy đen. Đầu nàng rất thẳng, mắt sáng bừng, dáng người linh động, lẹ làng, tương hợp tuyệt vời với tinh thần nồng nhiệt.” Isabel-liễu rủ: “Không thể phủ nhận rằng nàng thật uyển chuyển, thật mảnh mai; khi muốn phân biệt nàng với hai cô Archer kia, người ta luôn luôn gọi nàng là “cô liễu rủ”. Mái tóc sẫm màu óng ánh của nàng từng khiến nhiều người ghen tị; đôi mắt xám nhạt của nàng, có lẽ hơi quá sắc trong những thời điểm nghiêm trọng, có một biên độ biểu cảm đầy mê hoặc - đặc biệt dịu dàng mỗi lúc nàng cười.” Isabel giữa những bức tranh của Gardencourt: “Isabel lướt sang đầu bên kia phòng trưng bày và đứng nguyên đó, hướng về phía anh tấm lưng óng ả, dáng người mảnh mai nhẹ bẫng, cái cổ trắng ngần và những bím tóc dày. Nàng dừng lại trước một bức tranh nhỏ như muốn xem kỹ nó; và có một cái gì đó thật trẻ trung, thật tự do trong chuyển động của nàng; sự mềm dẻo của nàng như đang chế giễu anh.” Isabel bên cửa sổ: “Cửa sổ cao đang mở, và dù những cửa chớp màu lục đã khép hờ, ánh sáng của khu vườn vẫn tràn vào, phủ đầy căn phòng bằng hơi ấm và hương thơm. Cô gái trẻ của chúng ta đứng một lúc bên cửa sổ, hai tay chắp sau lưng, mắt dõi ra ngoài, dáng bồn chồn bối rối.” Rốt cuộc, đây là Isabel ở tư cách lady: “Nàng vận váy nhung đen - lộng lẫy và trang nghiêm … nhưng sao mà dịu dàng, một sự dịu dàng chói lóa! … Nàng đã đánh mất phần nào “vẻ háo hức bồng bột” … nàng đã học được cách chờ đợi. Dẫu thế nào, lúc này - được lộng trong khung cửa mạ vàng, nàng hiện ra như chân dung một quý bà đài các trước mắt chàng trai trẻ.”
Vậy thì người phụ nữ nhẹ bẫng, linh động, với hai bàn tay thật trắng, mái tóc đen ấy, là ai, cô thiếu nữ kia, người sẽ trở thành một lady theo lối đầy bi kịch? Chúng ta nghe thấy những người ngưỡng mộ nàng, sau đó họ được trộn lẫn vào với người ngưỡng mộ lớn duy nhất: Henry James. Tất tật, ngay lúc trông thấy nàng, đều bị bỏ bùa bởi sự nồng nhiệt đầy sức sống của nàng: bởi tình yêu không thể chế ngự mà nàng nuôi dưỡng về phía thế giới; bởi lòng hiếu kỳ của nàng, ham muốn của nàng, nỗi khát hiểu biết và kinh nghiệm của nàng; bởi thiên bẩm của nàng trong việc tự làm cho mình thấm đầy những tâm hồn cùng những vật; bởi sự quanh co chuyển động không thôi nơi một tinh thần dường không biết đến các giới hạn. Nàng ham muốn mình được tự do: sung sướng vào mọi giây phút, hủy bỏ mọi đau đớn. Không ai có trí tưởng tượng nhậm lẹ hơn trong việc tạo những phăng te di cùng các giấc mơ anh hùng, mà đôi khi chẳng gì thực tương ứng được. Nàng từ chối lời cầu hôn của Lord Warburton, người mà nàng vô cùng thích, là vì nàng e sợ sẽ giới hạn sự khám phá cuộc đời của mình lại. Lúc nào nàng cũng đòi hỏi quá nhiều; nàng không thể chối từ cái gì; hay, nếu muốn chính xác hơn, sự nồng nhiệt đầy say mê của nàng thúc đẩy nàng tới chỗ không chấp nhận gì hết, tới chỗ luôn luôn muốn nhiều hơn những gì mà các con người cùng thế giới mang lại cho nàng. Giống tất tật những người lãng mạn, nàng tuyệt đối từ chối các tính toán, các giả đò, các dự tính và bản thân hình thức, dẫu cho sự duyên dáng tự nhiên biến nàng thành chủ nhân của tất tật những sự thanh lịch.
Tôi không muốn làm người ta nghĩ rằng Isabel giống hai nữ nhân vật chính lớn khác của thời nàng, Emma Bovay với cặp mắt đen và xanh, và Anna Karenina với cặp mắt màu ghi. Isabel có một thiên bẩm mà cả Anna lẫn Emma đều không sở hữu. Nàng thuần khiết: sự thuần khiết rạng ngời của Diana trinh nữ và của Don Quichotte; và từ sự thuần khiết ấy mà phát xuất cuộc tìm kiếm sự hoàn hảo kia, lòng kiêu ngạo Thanh giáo kia, những thứ đó đôi khi khiến nàng trở nên cứng rắn, không uyển chuyển và tàn nhẫn, dẫu chẳng bao giờ nàng đánh mất âm nhạc tươi trẻ của mình. Cũng phát xuất từ đó một phẩm chất, hẳn có thể dường mâu thuẫn. Nàng, người như thể hết sức thèm các kinh nghiệm, tuyên bố rằng mình không muốn uống “cái cốc kinh nghiệm”: giống Henry James, người cả đời biết và thế nhưng không để cho mình bị kinh nghiệm chạm vào và đầu độc, lưu giữ tinh thần cao khiết của mình. Isabel không muốn biết bóng tối, các bí ẩn cùng bóng tối. Nhưng lời cuối về nàng không bao giờ được nói ra, cả bởi những người thờ phụng nàng lẫn bởi James. Trong khi các nhân vật khác của cuốn sách là những người bị hạn chế và thực, Isabel không thuộc về vương quốc của thực tại. Isabel là tâm hồn. Như tâm hồn, nàng rộng, không giới hạn, không biên giới. Như tâm hồn, nàng không lựa chọn, không hành động. Như tâm hồn, nàng lan rộng ánh sáng: và không có nhân vật nào trong Vẽ một phụ nữ không tắm mình trong ánh sáng của nàng. Những gì nàng làm chẳng mấy quan trọng: Isabel là, theo lối cao vời; và Ralph, người sáng suốt hơn cả trong số những người thờ phụng nàng, thấy nàng “được giải phóng trên cao kia”.
Như vậy, toàn bộ những gì vây quanh Isabel, nhất là trong phần đầu tiên của cuốn sách, đều có một sự ngọt ngào không thể nói ra thành lời, như có lẽ không bao giờ như thế trong một cuốn tiểu thuyết nào khác của James. Sự êm dịu và sâu sắc mới lớn làm sao trong tình yêu của Lord Warburton với Isabel: “”Tôi không dễ dàng rung động, nhưng một khi tôi rung động thì đó là ấn tượng cả đời. Cả đời, cô Archer ạ, cả đời,” Lord Warburton lặp lại những lời này với giọng nói dịu dàng nhất, ân cần, êm ái nhất mà Isabel từng được nghe và nhìn nàng với đôi mắt ngời ánh sáng của dục vọng đã được lọc sạch những phần thô tục - sức nóng, sự bạo cuồng, sự phi lý trí: nó cháy vững như ngọn đèn đặt yên ổn ở nơi vắng gió.”. Và sự trìu mến mới lớn làm sao trong tình yêu của Ralph Touchett: người đàn ông có trí năng vượt trội và đầy tính cách tinh thần ấy, người chối bỏ cuộc sống và “biết nếm sự êm dịu của việc chỉ đơn giản là ngắm nàng”! Thiên bẩm duy nhất mà Henry James, hơn so với bất cứ người đàn ông nào khác, chia sẻ với anh. Khắp nơi ánh sáng của Isabel tỏa rộng ra, trở nên một ngọn đèn êm đềm tại một chốn không gió, và làm cho cao quý dục vọng, tồn tại, cái chết.
Khi Isabel lên đường đi Ý, Vẽ một phụ nữ bắt đầu chuyển hóa. Nếu trước đó nó là một tự sự theo chiều ngang, được dẫn dắt bằng một bàn tay hiền hòa, thì tác phẩm trở thành một tiểu thuyết có cốt truyện lắt léo phức tạp, lặn sâu vào bí ẩn và bí mật. James không thích cái từ cốt truyện [nghĩa là nhiều sắp đặt]. Và chắc chắn là ở đây không có kỷ niệm nào về những cỗ máy lớn theo kiểu Dickens, được dẫn dắt nhờ các coup de théâtre khó tin, nhờ những quay ngoặt của tình hình, nhờ các nhận ra phi thường, được tưới tắm bởi một thứ máu phơi phới, đẫm rượu và phong phú màu. Cốt truyện tiểu thuyết của James được gia giảm nhiều hơn. Nhưng cả ông cũng cần đến các cỗ máy tự sự đẹp đó. Chúng cho phép phân tích tâm lý can thiệp với cường độ cao hơn; và cho phép cái ác được tiến lên trên sàn diễn của cuốn sách, thống trị nó, nhuộm toàn bộ nó bằng các màu tối tăm hơn cả. Nếu Mme Merle và Gilbert Osmond sử dụng những phương pháp loài nhện của họ, thì James cũng dệt tấm mạng nhện của cốt truyện nhằm hé lộ hiện diện của Cái Ác nơi thế giới.
Mới thoạt nhìn qua, dường thật khó mà đặt giả định rằng Mme Merle tóc vàng, lì nhẵn và tròn xoe, mà Isabel gắn bó với một sự ngây thơ trẻ trung, lại thuộc về vương quốc của Cái Ác. Đấy là một grande dame: bà chơi piano rất giỏi; bà có bạn bè giàu có và quý tộc tại mọi nước; bà được phú cho sự khéo, đức hạnh thượng lưu hàng đầu. Là một dame, bà có các phẩm chất mà Isabel, vốn dĩ là tâm hồn, không sở hữu được: sự kín đáo, kinh nghiệm, sự lạnh lùng trong tính cách, sự tôn trọng xã hội, sự khôn ngoan, sự luyện tập ý chí hằng ngày. Isabel thấy bà tuyệt vời: tuyệt vời một cách tối thượng. Nhưng chúng ta, được James cảnh báo hết sức đầy đủ, chúng ta thấy bà ít tuyệt diệu hơn: một số sự ma mãnh nhỏ, các đố kỵ, những giả đò, một vở hài kịch đôi khi diễn kém, những tham vọng đã hỏng đưa bà ra xa khỏi hình tượng Triều thần hiện đại. Rồi tới khoảnh khắc Mme Merle tự bộc lộ mình. Dục vọng thật của bà nằm nơi các bí ẩn: vương quốc của bà là bóng tối, còn nghệ thuật của bà là nghệ thuật dệt những số phận người, dẫn cốt truyện của cuốn tiểu thuyết đi như thể chính bà, chứ không phải James, mới là người kể chuyện đúng nghĩa. Bà vô cùng thích các bí ẩn, đến mức lạc đường trong bóng tối: một phần bản tính của bà vuột thoát khỏi chúng ta; hẳn chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết tới nỗi nào sự thù địch của con gái bà gây tổn thương cho trái tim người mẹ của bà. Rồi bà vĩnh viễn biến mất, đi luôn sang Mỹ.
Sự cận kề với Cái Ác đối với chúng ta dường còn lớn hơn nữa nơi Gilbert Osmond, người tình xưa kia của Mme Merle, mà Isabel bất hạnh đã lấy làm chồng. Ngay lúc chúng ta thấy anh, anh thu hút chúng ta và khiến chúng ta kinh tởm. Những đường nét của anh thanh tú và tế nhị - tương tự các đường nét của những người Florence hồi Phục hưng mà những người Mỹ lưu vong ngắm nhìn tại viện bảo tàng chính. Khuôn mặt anh thanh; giọng nói của anh cũng vậy, nó ngân lên như thủy tinh; anh có hai cổ tay thật mảnh, và hai bàn tay, và hai mắt cá chân; toàn bộ cấu tạo cơ thể của anh đều tinh xảo; và đối với chúng ta anh dường thanh tao (và gần như tàn nhẫn) một cách tối thượng vào lúc anh chép lại, với màu nước cùng những cây cọ rất mảnh, bức tranh khắc màu một đồng tiền cổ. Con người quá tinh xảo ấy có ở sau lưng mình các tham vọng mênh mông: “lúc nào anh cũng có vẻ bước xuống từ chỗ của các vị thần”; những tham vọng của anh đã hỏng; và chúng được giấu đi bên dưới một sự nhẫn nhục nhiều chua cay hơn so với sung sướng. Bằng cách ấy anh đã tự thích ứng, chỉ trở thành một người có gu, một trong rất nhiều kẻ khoe mẽ đi khắp Ý giữa khoảng 1870 và 1880. Anh khám phá các bức họa cổ; anh tuân theo sự thần thánh thuần túy của gu; anh ghét sự thô thiển - chỉ trừ mỗi việc, giống biết bao kẻ khoe mẽ, thay vì chạy trốn thế giới, anh lại sống một cách chuyên nhất cho thế giới, từ đó anh trông đợi giấy chứng nhận quý tộc của mình. Anh tự nuôi dưỡng bằng suy tính và tính toán, ngay cả khi anh đóng cái vai con người xuất sắc, vui và đầy quyến rũ của mình. Lạnh lùng, khô cạn, vô sỉ, cứng đơ, cao ngạo, đầy khinh bỉ, anh tự kiểm soát và chế ngự bản thân; và nhất là, ở tư cách bạo chúa không biết xót thương, anh muốn sở hữu và thống trị theo lối hoàn toàn người khác - đặc biệt là những phụ nữ nào yêu anh.
Đến điểm này rồi, mặc cho rất nhiều sự rọi sáng một phần, chúng ta phát hiện được rằng mình gần như chẳng biết gì về Mme Merle và về Gilbert Osmond. Chúng ta đã nói rằng cả hai đều thuộc về vương quốc của Cái Ác. Nhưng họ làm gì xấu đến thế? Osmond lấy Isabel vì món thừa kế của nàng; Mme Merle chuẩn bị cuộc hôn nhân đó, nhằm đảm bảo cho tương lai của con gái bà, mà bà đã có với Osmond. Bất kỳ tòa án nào hẳn cũng đều sẽ tuyên trắng án cho cả Osmond lẫn Mme Merle. Họ làm các hành động tầm thường hoặc thô thiển, nhưng không phải Cái Ác. Chỉ trừ việc Henry James, vốn là nhà thần học hiện đại lớn, có một ý về Cái Ác hoàn toàn khác với ý của tất tật các tòa án trên đời. Cái Ác không chỉ được diễn đạt, nhất là vậy, bởi những hành động xấu: đấy là một yếu tính, một khí hậu, một bầu không khí; một cái gì đó không thể nói ra mà chẳng một thể động con người nào có thể hoàn toàn hiện thực hóa cho nổi. Nếu người ta muốn nhìn thẳng vào nó, thì cần phải quan sát hai đồng lõa, họ biết nhau và căm ghét nhau, như lúc nào cũng vậy, các hiện thân của Cái Ác. Gần như chẳng có gì xảy ra. Mme Merle bước vào ngôi nhà của Osmond, anh không chào bà. Mme Merle và Osmond trò chuyện đầy thân thiết tại chốn cư ngụ Rome của Osmond. Với một quyền năng tưởng tượng tuyệt vời, cùng những cú chạm đơn giản, không thể nhận thấy, James khơi lên quanh hai xen ấy hiện diện của Bí Mật, của Bẫy, của Bóng, nó trùm lên toàn bộ cuốn sách và chính chúng ta, ngay từ lúc đó chúng ta đọc nó mà phát run lên.
Isabel Archer là nạn nhân mà tấm mạng nhện của Cái Ác đón lõng. Nàng lại trở nên tù nhân cho trí tưởng tượng của nàng, nó vạch cho nàng một chân dung huyền ảo về Osmond, chỉ được vẽ bằng các màu của những vẻ duyên trên bề mặt của anh. Nếu nàng từng đẩy ra xa khỏi mình “cái cốc kinh nghiệm”, thì giờ đây kinh nghiệm được hé lộ ra cho nàng như một lãnh thổ không được biết, nơi nàng bị lạc: trong khi thế giới của hình thức, của các quy ước và của các xảo thuật, thứ vốn dĩ không thuộc về nàng, thu hút nàng nhiều hơn so với chúng ta từng có thể tưởng. Nhưng lý do đúng cho cú rơi của nàng sâu sắc hơn. Có một vùng bóng tối nơi Isabel Archer: một lãnh thổ tối mà chính nàng không biết, mà nàng sợ; James và các độc giả chỉ thoáng nhìn thấy nó; và trong vùng của bóng tối đó, Cái Ác luồn lách đi lại với khuôn mặt quá thanh tú và tế nhị của Osmond, thứ thu hút nàng, nhấn chìm nàng, chiếm lấy nàng. “Trí tưởng tượng của nàng bước lùi lại: có một không gian trống rỗng cuối cùng mà nàng không sao vượt qua được: một lối đi tối tăm, thiếu chắc chắn, như một vùng đầm lầy trong ánh sáng của một hoàng hôn mùa đông. Và thế nhưng, hẳn là nàng sẽ phải đi qua.” Đấy chính là điều đã xảy ra: Isabel băng ngang cái vùng đầm lầy ấy trong hoàng hôn mùa đông; và nàng lấy Osmond.
Vài năm sau, chúng ta gặp lại Isabel Archer, đã trở thành một lady. Nàng sống ở Rome, tại Palazzo Roccanera, một trong các cung điện tráng lệ của thế kỷ XVII, tương tự những pháo đài, đầy tranh tường, các bức tượng cổ đại cùng những cái bình phủ bụi, chúng từng thu hút trí tưởng tượng của Hawthorne. Trong khi chúng ta đã chiêm ngưỡng nàng trong phong cảnh Anh tự do, thì giờ đây nàng sống trong bóng tối: nàng thấy dường mình bị nhốt vào một ngõ cụt hẹp dẫn thẳng vào một bức tường bịt bùng; và tất tật ánh sáng của đời nàng lần lượt tắt đi: dần dà, bóng tối xâm chiếm nàng và sở hữu nàng, trong lúc nỗi buồn bí mật của nàng ăn nhập với nỗi buồn bí mật của thành phố. Trên cái nền u tối ấy, vẻ đẹp nồng nhiệt tươi trẻ của nàng đạt tới một sự lộng lẫy, một sự bừng sáng và gần như hỗn xược mà trước đó nàng chưa từng biết đến. Sao mà cặp mắt nàng nghiêm trang đến thế! Và sao mà biểu hiện của nàng “bất khả xâm nhập, không thể giải mã, không thể xuyên thấu” đến thế! Cuộc hôn nhân của nàng là một thất bại. Kẻ khoe mẽ với khuôn mặt thanh tú cùng giọng nói tinh tế như thủy tinh trở nên một nhân vật đậm chất Satan của tiểu thuyết đen. Chẳng gì làm được cho anh sống động ngoài sự độc ác, lòng căm ghét, sự tàn ác, bạo lực, ham muốn thống trị và làm nhục người khác. Isabel là tạo vật của anh: nàng nhường bước trước những ham muốn xấu xa nhất của anh; và nàng hy sinh con gái mình cho anh, nạn nhân trong trắng.
Isabel từng ve vuốt nhiều giấc mơ. Nàng từng yêu đời; nàng từng muốn thấy nó bằng cặp mắt của riêng mình: biết nó theo lối đầy say mê; và chiêm ngưỡng thế giới từ độ cao hạnh phúc của nàng, nhìn nó dưới chân mình với cảm giác về vượt trội và phấn hứng. Giờ đây nàng bị quật ngã xuống đất, cánh gãy, mãi mãi không có khả năng bay nữa. Nếu nàng từng thiếu nhất quán, hay đi lạc và thất thường, thì giờ đây nàng sống trong cảnh bị cầm tù bởi các quy ước, bởi những quy ước nghiêm ngặt mà nàng áp dụng với một phong cách không chê vào đâu được. Nếu nàng từng từ chối đau đớn, thì tồn tại của nàng giờ đây chỉ là sự nhục nhã, đau đớn, ngạt thở. “Một trọng lượng thường hằng đè lên trái tim nàng, một ánh sáng nhợt nhạt đậu lên mọi thứ.” Nếu nàng từng chiêm ngưỡng thế giới với cặp mắt mở to, làm đầy nó bằng sự bừng sáng của chúng, thì giờ đây nàng lén quan sát nó, như một tên mật thám. Nếu nàng từng thanh thản một cách dịu dàng, thì giờ đây nàng lo lắng, hoạt bát quá đà, móc mỉa, hờ hững trước toàn bộ những gì mà nàng làm. Chồng nàng đã làm nàng bị tổn thương trong sâu thẳm, tước đi khỏi nàng sức mạnh chuyển hóa của nàng, thứ từng cho phép nàng thay đổi cuộc đời, các suy nghĩ, các tình cảm, và đầy mềm dẻo tự thích ứng với tính linh động của mọi sự. Vậy là, Isabel không muốn rời bỏ chồng: do kiêu ngạo, nhằm khỏi phải thú nhận sự yếu của mình, nhằm không phải bỏ mặt nạ, và nhằm giữ lấy sự cứng rắn Thanh giáo của mình. Nàng không còn cặp cánh nữa, bỏ chạy chẳng biết là để tới đâu.
Một chuyến đi tối hậu hẳn có thể cứu được nàng. Nàng lên chuyến tàu hỏa đưa nàng đến London, nơi Ralph, người anh họ của nàng, người đàn ông đã yêu nàng theo lối thuần khiết nhất, đang hấp hối. Trên tàu, các ý nghĩ của nàng băng ngang những trảng đất không lối đi, nơi ngự trị nỗi sầu muộn miên viễn của mùa đông; và các dấu hiệu của quá khứ cũng trở nên nặng trịch, như chì. Nàng những muốn hoàn toàn kết thúc, chối bỏ mọi điều, không còn biết gì nữa. Ngồi trong khoang tàu, nàng bất động và thụ động, với cảm tri là đang để mặc cho mình bị mang đi, tách rời khỏi mọi hy vọng tới nỗi nàng khiến người ta nghĩ mình là “một trong những hình tượng Etruscan kia, mà người ta đã đặt nằm vào hòm đựng tro của chúng”. Lửa của Isabel đã tắt; và xung quanh nàng cuốn tiểu thuyết đáng ngưỡng mộ lụi đi và nhợt đi. Chừng Isabel đến Gardencourt, nàng thấy Ralph đã sắp chết. Nàng không mong muốn anh sống. Nàng cũng muốn chết, để khỏi mất anh. Ấy là hứng khởi tối hậu: sự hiệp thông tình yêu trong trí tưởng tượng về cái chết. “Quỳ thế này, có anh lịm đi trong tay em - đã rất lâu rồi em mới lại được vui như thế. Em cũng muốn anh vui - đừng nghĩ gì phiền muộn cả; chỉ cần cảm thấy là em đang ở đây, sát cạnh anh, và em yêu anh.”
Rồi mọi thứ bị tắt đi. Quan trọng gì đâu, cái việc một trong những người yêu nàng hôn nàng, và việc trong một khoảnh khắc Isabel cảm thấy thế giới mở ra xung quanh nàng, mang hình thức của một biển rộng mênh mông, nơi nàng lướt đi trên một thứ nước không có đáy? Điều này chỉ kéo dài trong chốc lát. Isabel không còn sức để tái sinh trong nước cứu rỗi của vũ trụ nữa. Nàng chỉ còn một việc để làm là lên tàu quay về Rome; và tự nhốt mình vào màn đêm, vào nhà tù, vào nỗi nhục nhã, vào “cái chết nhỏ” kia, thứ vốn dĩ là cuộc đời thường nhật của nàng. Tạo vật của ánh sáng, cái nhân vật đã xuất hiện trước chúng ta vào mùa hè trên bãi cỏ của Gardencourt, vĩnh viễn đã bị bóp nghẹt.
Chúng ta đòi hỏi ở các cuốn sách rất nhiều điều. Đôi khi, chúng ta đòi chúng Tĩnh lặng: yếu tính thuộc trời cao đó, thứ vốn vô cùng hiếm và vô cùng khó tìm được trên mặt đất. Chẳng nhà văn nào để lại cho chúng ta một cảm tri về tĩnh lặng như cảm tri mà James để lại cho chúng ta, dẫu ông lướt qua gần sát những vực thẳm, các hãi hùng cùng chóng mặt, những thứ khiến chúng ta khiếp hãi; và trong số tất tật những cuốn sách của ông, có lẽ không cuốn sách nào hé lộ một sự tĩnh lặng đặc quánh hơn so với Vẽ một phụ nữ. Đó là một hiệu ứng dị thường. Bởi Vẽ một phụ nữ là một cuốn sách đầy các dục vọng, các câu hỏi, các bất hạnh, cái ác: một cuốn sách nơi bi kịch được nắm bắt ở trạng thái thuần, và hẳn nó sẽ vẫn khơi lên nỗi hoảng sợ của chúng ta. Nhưng James có một thiên bẩm độc nhất. Toàn bộ những gì mà ông gặp trong đời mình, ông đều chuyển dịch nó vào trong tinh thần của ông: cơ thể ông ở xa, trái tim ông thì bị quên mất: ông thông giao một cái gì đó trong tinh thần ông với tất tật các nhân vật của ông; và bằng cách ấy, chúng ta dạo chơi đầy thanh thản trong cái khí hậu tinh thần tinh tế, vi diệu, hiếm khí kia, nơi mọi điều đều là sự trong suốt.
Chúng ta thường có cảm giác James không tồn tại: Vẽ một phụ nữ nằm ở đây, trước mặt chúng ta, nó đã làm chúng ta thấy đau đớn và làm chúng ta mỉm cười, nhưng đã chẳng ai viết nó. Chúng ta hiếm khi tri nhận được một giọng nói: đây là một bình luận, một hình ảnh tráng lệ, hay một toan tính chóng vánh nói chuyện với các độc giả - mà đó là một giọng không cơ thể, bí mật và bí hiểm. Những cái, đôi khi, đối với chúng ta dường là mỉa mai lại không thuộc vào mỉa mai: chẳng gì khác ngoài sự thở của James, nó luồn sự sống vào những nhân vật của ông và vào cuốn sách của ông, cho tới khi làm cuốn sách đầy ngập một luồng hơi êm dịu. Có một xã hội, hay nói đúng hơn là nhiều xã hội; có các đất nước, các lục địa; những nhân vật được vẽ ra một cách tuyệt vời, mà chúng ta gắn chặt vào; và nhiều đồ vật, trong đó một số có một giá trị biểu tượng. Nhưng không bao giờ có bất cứ cảm giác nào về trọng lượng và khối lượng, cảm giác mà ngược lại người ta có - đôi khi theo cách thức lồ lộ - khi đọc Balzac, Proust, Dostoevsky, và thường xuyên với Tolstoi. Kiến trúc thật hoàn hảo; nhưng các vòm cung của nó, các cột của nó, các tường ốp của nó luôn luôn bị giấu đi. Chẳng bao giờ, hay gần như vậy, có những đoạn tuyệt về tông. Chỉ một điều gây ấn tượng mạnh cho chúng ta: sự trôi chảy, sự trôi chảy không thể cạn kiệt của giọng, thứ thở từ cái từ đầu tiên cho đến từ cuối cùng; không gì kháng cự lại nó: không gì trong thực tại, không gì trong tinh thần của James; và chúng ta để mặc cho mình bị dòng trôi lôi theo.
Những lúc đọc Balzac hay Proust, chúng ta cảm thấy là một mặt có nhân vật; và mặt khác, tiểu thuyết gia, người làm điệu bộ và tái tạo nhân vật. James không vận hành như thế. Ông luồn vào mà không để bị trông thấy nơi tâm hồn của các nhân vật: không phải tất tật, bởi một số vẫn được nhìn từ bên ngoài; ông sống luôn trong đó: hẳn người ta sẽ không thể chui vào họ theo cách thức hoàn toàn hơn được; và với một nỗi đắn đo yêu đương vô tận, ông miêu tả những không gian bên trong của họ. Với tất tật, ông đều dành cho thiên bẩm trong cảm tình của ông, kể cả cho những người nào mà ông nhại hết sức khéo léo, hoặc trong đó ngự trị cái ác. Thay vì một chân dung hay một pho tượng, nhân vật nào cũng có âm nhạc riêng của mình: thứ âm nhạc không thể bắt chước mà một dương cầm thủ hay một dàn nhạc, hơn nhiều so với một nhà phê bình, hẳn sẽ chơi cho những độc giả của mình. Nhưng sao mà chúng rộng lớn, các không gian bên trong ấy! Chúng ta tiếp tục băng ngang trong vòng hàng trăm trang tâm hồn của Isabel, của Ralph, của Osmond hoặc của Mme Merle. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm xong được việc đó; và chừng nào cuốn sách đã hết, chúng ta lại băng ngang nó, nữa và nữa - mà không kết luận, như Ralph nói về Isabel, James đã không trao cho chúng ta chìa khóa.
Chúng ta thường thấy dường các nhân vật của Vẽ một phụ nữ có mặt trên đời là để nói. Tất tật những chức năng khác: yêu, ăn uống, ngủ, theo đuổi một tham vọng, thậm chí sống, đều chẳng quan trọng gì nếu so với trò chơi tối cao kia. Chẳng gì có lúc nào ngắt ngang họ: lúc nào họ cũng có thời gian, sự thuận tiện về thể chất và trí năng, để trò chuyện. Họ luôn luôn nói với nhiều trí năng, sự duyên dáng, sự mỉa mai; và một sự kính trọng bất di bất dịch đối với cú pháp. Người ta đã không được nghe thấy, kể từ thời của Marivaux, của Sterne và của Jane Austen, một sự trò chuyện có sự thanh lịch tinh tế tới vậy. Có lẽ chúng ta sẽ phân biệt được ở đó hai típ: một, tự nhiên và phù phiếm hơn, nơi các nhân vật buông mình vào sự dồi dào của lời lẽ, đằng sau đó James mỉm cười bằng nụ cười nhà trí thức tinh xảo của mình; và một típ khác, nhọn, khuất đi, thiện xảo hơn, được làm nên từ các mũi đâm, từ các ám chỉ cùng các câu đố nhỏ, nơi các nhân vật chơi một trò đấu kiếm tàn nhẫn và hoàn hảo, nơi bóng tối được sáng lên trong chốc lát, rồi lại bị tắt ngấm đi. Ở cả hai trường hợp, mô típ là một. Sự trò chuyện là cái phần nhẹ nhất của thực tại, nơi kiến trúc, trọng lượng và khối lượng không xâm nhập được. Chính vì lẽ đó mà các nhân vật của James nói nhiều đến thế: để cuốn sách, mà họ hợp tác dẫu không biết là như vậy, trở nên bay bổng và cao khiết như lời.
Cao Việt Dũng dịch từ bản tiếng Pháp của Brigitte Pérol.