favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Baudelaire
Next

Le Spleen de Paris (tái bản)

Le Spleen de Paris (tái bản)
99.000 đ

180 trang
12,5 x 20 cm

Tái bản của Spleen tím, với một số chỉnh sửa.

 

Với Le Spleen de Paris, tôi muốn tạo ra một cuốn sách hoàn toàn không có chú thích nào. 

Baudelaire là một sự quá đầy đủ, thêm bất kỳ cái gì (kể cả lời tựa, notice biographique, etc.) cũng đều giống như là vấy bẩn. Với Spleen, tất nhiên tôi còn đẩy mọi chuyện đi xa hơn: đến cái tên ("Le Spleen de Paris") tôi cũng để yên (không động vào một chút nào).

Thêm một lần, "coquette" không được dịch (thành "đỏm dáng" hay "điệu đà") mà được phiên âm, thành "cồ quẹt" (lần trước).

 Phiên âm là một hình thức cọ xát giữa các ngôn ngữ. Nó xảy ra trong mọi thứ tiếng. Ta có thể lấy ví dụ chính từ Balzac: Miếng da lừa nhan đề gốc là La Peau de chagrin. "Chagrin" là từ phiên âm. Nó phiên âm từ tiếng Thổ, và tại Pháp trong thời gian dài được viết theo nhiều cách khác nhau. Balzac là pha quyết định để "chagrin" là "chagrin."

"Cọ xát", và cả sự hút. Từ hút lấy từ, trong chuyển động. Một ví dụ: ít nhất cho đến thập niên năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước, thậm chí còn muộn hơn, nhân vật trên các chuyến xe khách nhưng không phải tài xế hay được gọi là "ét"; đây là phiên âm của "aide", nghĩa là người phụ việc, người phụ tá. Nhưng về sau, cũng nhân vật đó sẽ hay được gọi bằng một từ khác hơn: "lơ"; đây cũng là một từ phiên âm, từ "leurre" nghĩa là "chim mồi".

Tức là, một đằng ("ét") nhìn thấy nhân vật hữu quan làm công việc phụ cho người lái xe, còn một đằng ("lơ") nhìn thấy vẫn nhân vật đó "lừa" hoặc "nhử" hành khách lên xe.

Lần này, tôi đẩy sự phiên âm đi xa hơn (nhưng chỉ một chút): thêm một từ, "courtiser" tức là ve vãn, tán tỉnh, không dịch mà thành "cuộc ti dê".

Đến đây, đã cần một chút giải thích: tại sao lại phiên âm? tất nhiên, tôi không có quy tắc nào cho điều này. Mọi sự (hoặc gần như vậy) diễn ra trên bình diện của esthétique, tức là có những từ khiến ta thấy bị hấp dẫn khủng khiếp, ở ngay hình thức (hình dạng) của chúng. Không phải lúc nào tôi cũng cưỡng lại được cám dỗ. Trước hết là như vậy - và đó cũng là điều mạnh nhất - rồi mới đến các giải thích thuộc lý trí. Phải sau khi đã quyết định "cuộc ti dê" rồi thì tôi mới thấy (chứ không phải ngược lại: không phải thấy rồi thì mới quyết định) dường như từ ở đây quá đúng; từ ti cũng rất đúng, và đến từ cuộc cũng lại đúng nốt. "Phi dê" (từ friser), chẳng hạn, hẳn cũng từng gây cám dỗ tương tự với một ai đó, hoặc cũng có thể là với nhiều người cùng một lúc.

Nhưng ngược lại, một số từ, nhất là "petite-maîtresse" lại hấp dẫn theo chiều ngược lại: hấp dẫn ở nguyên dạng của nó. Đây là giống cái của "petit-maître". Petit-maître là một từ sinh ra từ thế kỷ 16, và hết sức nhiều connotation thế kỷ 16. Khỏi phải nói rằng nghĩa của nó rất mù mờ (từ nào thực sự hấp dẫn cũng đều có nghĩa mù mờ: ít nhất tôi cũng đã tìm ra được một quy tắc). Ai muốn biết rõ nó thì có thể google. Trong các vở kịch của Lesage, chẳng hạn, ta hay thấy nhân vật là "petit-maître". Nếu muốn hiểu một cách đơn giản, đấy là hạng người ăn chơi.

(NL)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công