favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
thuốc phiện của
Next

tức là, trong lúc mân mê quyển sách kia

 

Thời nay – thời của review, con người muốn biết mọi thứ, hay là cảm thấy cần phải biết, nhưng tuyệt nhiên không cần hiểu. Người ta cần một người nói để họ có thể nghe, có thể dựa theo đó mà định hướng mọi thứ. Các ảo ảnh sản sinh thừa mứa.

Và thật dễ hiểu quá mức, cái việc có những người sử dụng cần sa cho rằng khi chất đó thấm vào người, họ trở nên sáng tạo, tự do và bay bổng hơn... Một ảo tưởng của các ảo tưởng. Sự thật là, khi ấy các tưởng tượng vô căn cứ, các hình ảnh chập chờn thoáng qua trong tâm trí họ có thời gian tồn tại ngắn ngủi hơn khi tỉnh táo rất nhiều, do đó chúng phải sinh sôi với tốc độ chóng mặt mới có thể choán đầy tâm trí họ, đơn giản chỉ là nhiều ảo tưởng hơn gấp bội. Các thứ cụ thể mất giá và mất chỗ cho các ảo tưởng đầy rẫy. Thế nên hút cần thì phải có bạn bè bên cạnh mà cười cợt các ảo tưởng của nhau, đừng suy tư làm gì phí thuốc. Và cần sa, so với game online và mạng xã hội chỉ đáng là thứ cỏn con chẳng chút trọng lượng, một võ sĩ hạng lông thôi chẳng hạn. Mạng xã hội và game online mới là vũ khí hủy diệt.

Nhưng nếu như vậy thì cái tôi, là thứ sinh ra ảo ảnh, hoàn toàn sai chăng? Và những vũ khí hủy diệt kia, chúng tàn phá cái gì? Chúng sinh ra muôn vàn ảo ảnh với tốc độ chóng mặt, đúng thế, nhưng như vậy thì sao? Và những thứ bên trong nó, chẳng hạn review, giống như những thứ hàng mẫu dưới dạng mơ hồ và được gọi tên là trải nghiệm. Bên cạnh đó là những người nói, nói đủ thứ, và những người chỉ cần người nói kia xuất hiện để họ đóng vai người nghe. Tôi tìm cách nối chúng lại với nhau. Và một ý nữa, thời gian không bình đẳng. Hôm qua, đầy đủ và có tính vật thể; hiện tại, không ngừng chuyển hóa, một xưởng sản xuất; và tương lai, những vật chất không hoàn chỉnh. 

Nhầm lẫn của HG Wells: cỗ máy thời gian thì làm sao có thể đến tương lai được nhỉ? nó chỉ về quá khứ được thôi, vì chính ông phát biểu, vật chất có một chiều thứ tư nữa, là chiều của thời gian. Thế thì tương lai chưa phải vật chất. Hoặc là, thời điểm ta nghĩ mình bước lên cỗ máy thời gian đi đến tương lai, thực ra ta đang ở trong quá khứ của một hiện tại nào đó và cố tìm cách đến một thời điểm quá khức khác, vì chỉ trong quá khứ thì mọi thứ mới được vật chất hóa, mới tồn tại với chiều thứ tư là thời gian.

Ta có thể biết được rất nhiều, nhưng đồng thời lại không hiểu gì. Để hiểu cần phải quan sát, cần một độ chú tâm đủ mức, nhờ đó mới có thể tự đặt ra những câu hỏi cho mình về đối tượng ta quan sát ấy. Hơn nữa cái quan trọng là cách thức vận hành chứ không phải các hình ảnh trông thấy. 

Dù thế nào, trí óc con người vẫn luôn luôn hoạt động, nhưng nhất thiết phải có một đối tượng cụ thể để hướng lối cho suy nghĩ. Alain đã nói rất rõ điều đó. Một điểm cụ thể để nhìn, một con vật, một thứ đồ vật, một sự việc thật diễn ra ngay trước mắt, một chuyện kể sống động và trung thực, một bức tranh, một bức tượng, một tòa công trình, và có lẽ một giai điệu, tóm lại có thể nói những thứ đã tồn tại, có chiều thứ tư của chúng mà các nhà khoa học cho là chiều thời gian. (Nhưng nếu sự việc chỉ là phỏng đoán, là một tưởng tượng, dẫu logic tuyệt đối hay vô căn cứ, một kế hoạch dẫu có tuần tự đến đâu, thậm chí một chuyện đang xảy ra và ta đang ngẫm nghĩ xem sẽ phải quyết định như thế nào… những thứ ấy hoàn toàn thiếu mất chiều thứ tư, chiều thời gian, chúng như những vật thể trôi nổi không rõ hình thù, chưa hoàn chỉnh, dù quy mô lớn nhỏ đến đâu chăng nữa cũng chẳng thể rõ ràng hơn một chữ được viết xuống trang giấy, còn lâu ta mới có thể nghĩ về chúng kèm theo một ý thức bất khả kháng như đối với những chuyện đã diễn ra). Những thứ cụ thể kia mang một sức định hướng không thể chối cãi, không gì có thể thay đổi hay bóp méo chúng, cùng lắm thì người ta, với con mắt hời hợt hoặc đầy định kiến và thứ trí tưởng tượng loạn lạc mà người ta hay gán ghép dễ dãi vào chúng hòng sớm tìm ra cách giải thích và ghi nhận chúng, chỉ có thể phủ lên chúng những lớp vải. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải liệt kê hay giải thích về sự định hướng ấy, mà là để nói, dù chỉ là một ý hết sức mơ hồ, rằng nếu thiếu đi chúng, trí tưởng tượng, ý nghĩ của ta ngay lập tức uốn éo lệch lạc, vô định, sẵn sàng chỉa ra vô vàn các hướng nhưng đồng thời không đủ sức hình thành một suy tư rành mạch thấu đáo nào. Những thứ ở bề mặt ta luôn nắm bắt được nhanh chóng, những hình ảnh thoáng qua, nhưng chúng hiện ra mà thiếu mất chiều của thời gian, thiếu một sự khẳng định tuyệt đối của thứ đã diễn ra không thể thay đổi được, thành thử ta không thể nương theo hay áp đặt một chuyển động cho chúng, ta chẳng biết làm gì tiếp với chúng nữa và những hình ảnh khác hiện ra thế chỗ chúng, đồng thời choán hết cả không gian suy tư của ta. 

Vậy có thể nói rằng, khi ta suy tư không có đối tượng, suy nghĩ được thả rông, không gì kiềm giữ và định hướng, thứ được tạo ra là vô vàn các ảo tưởng. Nhưng nói như thế thì chưa thấy được hết vẻ đáng sợ của sự dễ dãi ấy. Thường thì việc xảy ra khi ta thả rông suy nghĩ là, có một đối tượng mà những ảo ảnh đó xoay quanh, như đôi khi ta thấy nó, nhưng thường là không, đó chính là cái tôi của ta. Luôn luôn là nó, cái tôi toàn năng ấy. Chỉ những sự và vật đã rồi mới có cái quyền năng hướng trí óc của ta ra bên ngoài, quên đi cái tôi ấy. Khi ta cố hiểu, một cách hết sức thành thực, một bức tượng, hoặc một bức tranh, ta buộc phải chiêm ngưỡng và hướng đến cái chuẩn trước mắt ta, thứ ta cứ trượt đi hoài nếu áp vào đó những cái khuôn dễ dãi được chế tạo bởi cái tôi huyền thoại kia, ta buộc phải lần theo quy luật của ngoại vật, chẳng còn cách nào khác, chỉ khi ấy cái tôi mới được ngủ yên. Còn đối với các hình hài dễ dãi, nhân tạo, èo uột của cái tôi kia, rốt cuộc ta chỉ đi vòng quanh chính mình, ta vuốt ve mình một cách không hề chủ ý, ta chẳng nhìn thấy gì và hiểu được gì, kể cả một chút gì đó về bản thân.

Công Hiện

 

 

Sự lên men của vật chất

điên rực rỡ

giải phẫu học nỗi sầu muộn

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công