Cái muốn, cái dục là những yếu tố cần thiết để sống, để làm, để hành động.
Nhưng.
Viết và đọc, và chủ yếu những công việc không thuộc về sinh hoạt cuộc sống mà ở một tầng khác, chỉ thật sự nhúc nhích khi mà ta đặt vào trong đó một tối thiểu về sự muốn: muốn được giãi bày hay gặt hái bất cứ cái gì (hình ảnh chính mình, niềm an ủi, danh tiếng, tiền bạc, độc giả, sự thành công). Bằng không, nó sẽ ì ở đó.
Tối thiểu này không đồng nghĩa với “tối giản”. Bởi vì muốn tối giản cũng là hình thức khác của tối đa hoá cái muốn, tối giản là đi ngược chiều tối đa, ngược chiều thì vẫn cứ là con đường ấy. Tối giản và tối đa không khác nhau. Cũng giống như muốn sở hữu và muốn hư vô, muốn biết và muốn vô tri, muốn có hiện diện và muốn khiêm nhường vô danh… về cơ bản cũng không khác gì nhau (tức là vẫn bên trong nhị nguyên luận).
Trải ra trên trang giấy, đã viết hết mình, viết như chết… thì cũng như viết để vui thôi mà. Cả hai đều là cơ sở sai lầm, chừng nào người ta không tìm được điểm đặt tối thiểu vào trong một hành động, một cái nhúc nhích ở đầu ngón tay, hằn một chút lên dây diều, nhưng làm con diều đổi hướng, đón một vạt tây phong mới và bay.
Trong câu chuyện ồn ào nhất của những ngày này, giữa content creators và thực thể phi nhân - AI, là một cuộc đối đầu hết sức buồn cười. Giữa một bên tràng giang đại hải ham muốn và một bên hoàn toàn không có ham muốn. Tối đa đối đầu với 0. Hai đấu thủ khác nhau tuyệt đối mà lại giống nhau y đúc. Một bên ra sức với những dục vọng khổng lồ về sản xuất, sáng tạo, viết lách, ghi dấu ấn, kiếm chác… một bên ta cứ chờ nó có dục vọng gì đó thì nó im lặng tuyệt đối. Bên này muốn chạy đến bên kia. Con người muốn suy nghĩ như AI, trên hệ thống cơ giới logic; ngược lại, AI muốn được đào tạo để suy nghĩ ở mức độ ý, thậm chí tiền-ý, thậm chí ở cõi viễn cổ của nghĩ. Nhưng cuối cùng thì hai đấu thủ vẫn cứ chạy đến cùng một chỗ.
Nhân vật truyện ngôn tình Trung Quốc do các nữ nhân sáng tác rất giống cách nghĩ của AI, những con người chỉ hoạt động trên lý trí và ham muốn rất có logic (ví dụ thấy nhục thì sẽ trả thù, hoặc sẽ nhịn nhục, chứ không có con đường khác), hoàn toàn không đi vào những vùng dưới nó, đặc biệt là những truyện huyền huyễn, hệ thống, trạch đấu và cung đấu. Đọc những đoạn bình giang sơn của họ đến là buồn cười. Nó không có chỗ cho nghịch lý, lơ đễnh, lòng nhanh chán và trí ngu muội, tính tò mò, sự căm ghét vô lý - những cái thực sự con người, những cái mà phụ nữ còn hiểu hơn đàn ông nhiều (thế nhưng truyện ngôn tình cũng là biểu hiện của trật tự nữ truyền thống, của bà mẹ, của thiếu nữ, của kẻ chăm sóc nay buông rèm nhiếp chính, muốn bước chân vào hệ thống phụ quyền và làm chủ nó - nhưng một lần nữa lại rơi vào nhị nguyên luận).
Balzac trong Miếng da lừa (bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh tuyệt hay, một kho từ vựng, nhất là ở lĩnh vực từ đơn) - thật ra là nhân vật ông lão chủ nhân miếng da - bảo rằng con người sẽ tự huỷ hoại vì cái muốn và cái được. Cái muốn thì làm hụt mất, cái được thì làm tàn lực. Thực thể lai giữa con người và AI (những người dùng AI để sáng tạo và cứ luôn luôn lẩm bẩm việc phải có tư duy logic, phải nâng cấp, phải cải thiện) đang là như thế.
Sự tối thiểu không đối nghịch với cái gì cả. Nó chỉ là một khẳng định.
Khi nói “đặt vào trong cả việc đọc lẫn việc viết một [nỗ lực] tối thiểu” thì câu ấy nghĩa là sự quyết định không trở thành người viết và không trở thành độc giả nữa, nhưng nghịch lý thay, vẫn cứ làm. Và cứ mỗi nấc, những công việc đó hoàn thành (viết xong một chương, đọc xong một phần), nó lại trở nên im lặng vô ích, trước khi thêm một chương, một phần nữa, trên một nấc nữa. Không có hành trình thực sự, không có điểm đến và không thật sự có kỳ vọng, nhưng vẫn mang vẻ ngoài của hành trình, điểm đến và kỳ vọng: đó chính là tồn tại đủ nhất của những công việc theo dạng ấy. Khi xong thì ta có một điều gì đó, đồng thời cũng không có gì cả.
Trong sự viết, các thi sĩ và văn gia hướng đến một đối tượng đọc, đối tượng đọc ấy có thể không tồn tại nữa.
Không thật sự tồn tại, hoặc chỉ tồn tại trong lớp vỏ từ ngữ, như một lời đùa.
Bạch Dương
(April 9, 2025)