favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Thư và nhật ký chiến tranh của Ingeborg Bachmann (phần 2)

02/05/2024 23:44

kỳ trước: Nhật ký 

Ingeborg Bachmann là một phụ nữ kiệt xuất, một triết gia, mà một trong những đối tượng chiêm ngưỡng chính là Wittgenstein. Đó cũng là một nhà thơ, một nhà văn lớn, với băn khoăn thường trực về ngôn ngữ.

Mối quan hệ giữa Ingeborg Bachmann và Paul Celan là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của thế kỷ XX: đó không chỉ là một câu chuyện tình, mà còn là khoảnh khắc khiến người ta hiểu là trong thế giới hiện đại vẫn có thể có các hồi ứng tinh thần đẹp đến thế giữa hai con người. Tác phẩm và cuộc đời, nhất là cái chết bí ẩn, rất gần với tự sát của Bachmann đã trở thành nguồn cảm hứng rất lớn cho nhiều nhà văn, chẳng hạn Linda Lê.

(một nữ nhà văn cũng có một kinh nghiệm tương tự: một cuộc hỏa hoạn do nằm hút thuốc lá trên giường: Clarice Lispector)

Đủ năm mươi năm sau ngày Ingeborg Bachmann qua đời, đã đến lúc làm cho văn chương ấy hiện ra trong tiếng Việt. Cuốn sách đầu tiên chúng tôi sẽ xuất bản là tập truyện ngắn Ba lối tới hồ, do Thanh Nghi phụ trách. Song song với đó là thư và nhật ký cùng các tiểu luận của Bachmann, về Bachmann, đăng trên tạp chí Văn Bản.

Sự xuất hiện của một nhân vật như Bachmann có thể mở rộng cái nhìn theo nhiều hướng. Đặt Bachmann cạnh Thomas Bernhard, ta mới thấy đầy đủ câu chuyện xung quanh giới hạn của ngôn ngữ, liên quan đến các nhân vật như Gertrude Stein, Paul Celan cùng, tất nhiên, Wittgenstein (xem bài “Wittgenstein, Bernhard và Bachmann,” rút từ cuốn Wittgenstein’s Ladder. Poetic Language and the Strangeness of the Ordinary của Marjorie Perloff trên Văn Bản, kỳ Đông 2023).

 

Cũng dịp này, chúng tôi tạo một số VănBản+ với đầy đủ bản dịch thư và nhật ký chiến tranh của Ingeborg Bachmann. Cùng nhau, chúng hé lộ một câu chuyện đau đớn nhưng thường bị bỏ qua về Thế chiến II, về nỗi buồn mênh mông của những đứa trẻ đã phải chứng kiến bất hạnh và sự phi nhân quá sớm. Không bao giờ còn có thể vui, chỉ còn hy vọng. Nhưng hy vọng ấy có thể là tài sản thực duy nhất của con người, điều duy nhất còn lại sau khi tất cả bị cướp đi. Đó là điều mà chàng trai gốc Do Thái Jack Hamesh mất cả gia đình trong Holocaust tìm được nơi cô thiếu nữ Inge, con gái của một sĩ quan Nazi. 

"Nhưng em, Inge thân yêu, em đã giúp anh theo nhiều cách lắm đấy. Bởi anh đã mất lòng tin vào rất nhiều thứ. Nhưng nhờ em, anh nhận ra rằng vẫn đáng đặt lòng tin ở con người. Không phải tất cả, ở một vài người, ở những người cụ thể, ở em."

   [Đó cũng là câu chuyện mà Romain Gary kể trong cuốn tiểu thuyết rất buồn, Giáo dục Châu Âu. Một câu chuyện khác, một niềm hy vọng nhẫn nại gửi vào kẻ khác, với chiến tranh là hậu cảnh mờ]  

 

Độc giả có thể tải số VănBản+ này trên website. Để nhận tin sách xuất bản và tạp chí dài kỳ, xin liên hệ email formapubli.vitanova@gmail.com hoặc đăng ký qua link tại đây.

 

Trước khi chờ Ba lối tới hồ xuất bản, cũng có thể đọc các bài liên quan trên Văn Bản, cùng các cuốn sách cùng chuỗi suy tư về giới hạn của ngôn ngữ, về nỗi buồn mênh mông và hy vọng bất diệt của con người trong cuộc chiến với chính mình:

Giáo dục châu Âu, Romain Gary, Cao Việt Dũng dịch
Những hiệu quế, Bruno Schulz, Xuân Trường dịch

Cháu trai Wittgenstein, Thomas Bernhard, Phan Nhu dịch
Ba truyện đời, Gertrude Stein, Hoàng Trang dịch

 

bonus, một truyện ngắn Bachmann

Thêm vào giỏ hàng thành công